Trang Đầu | Mục Lục | << CHƯƠNG 1 | CHƯƠNG 3 >> | Hướng Dẫn

CHƯƠNG 2

TRƯỚC TÒA ÁN GIÁO HỘI

Băng qua suối Kết-rôn, vượt sườn đồi vào thành, đoàn người dẫn Chúa Jêsus lần lượt qua các cửa thành và đường phố lặng lẽ. Những kẻ lang thanh đêm khuya, có lẽ cũng vội vã chạy ào tới thăm dò sự tình, chăm chú nhìn mặt Kẻ Tù nhân rồi mới chịu phân tán ai về nhà nấy. Họ dẫn Ngài tới thầy tế lễ thượng phẩm để xử án.

Chúa Jêsus phải trải qua hai cuộc xử án – một, thuộc giáo hội, trước mặt thầy tế lễ thượng phẩm Cai phe và một, thuộc dân sự, trước mặt quan tổng đốc Bôn-xơ Phi-lát.

Lý do ấy là, lúc đó xứ Giu-đê, theo luật lệ La mã, là một phần của Sy-ri thuộc La mã cai trị đang trú ngụ tại Sê-sa-rê, một hải cảng mới mẻ huy hoàng cách Giê-ru-sa-lem năm mươi dặm, nhưng đồng thời cũng có một dinh thự tại Giê-ru-sa-lem để thỉnh thoảng lui tới.

Đường lối chính trị của La mã là không bao giờ tước hết quyền hạn của những xứ mình đang thống trị. Ít ra họ cũng dành cho các xứ ấy một vẻ tự trị, và chấp nhận luật lệ riêng của mỗi xứ tương đồng với quyền tối cao của họ tại xứ đó. Họ đặc biệt rất khoan dung về vấn đề tôn giáo. Vì thế, tòa án giáo hội xưa của Do Thái, tức phái Công hội, vẫn được quyền xét xử mọi vấn đề tôn giáo và phạt kẻ chống dối chỉ trừ khi gặp một vụ án tử hình phải do quan tổng đốc xử lại và nếu đã được xác định xong, vấn đề hành quyết thuộc về ông ta.

Trong trường hợp Chúa Jêsus, chính giới thẩm quyền giáo hội bắt Ngài và kết án tử hình, nhưng họ không có quyền thi hành bản án: Họ phải đưa Ngài đến Phi-lá, lúc ấy có dịp ghé vào thành, để ông ta xét xử lại và dĩ nhiên họ giữ vai nguyên cáo trước tòa án này.

Không những chỉ có hai cuộc xử án, nhưng mỗi cuộc xử lại còn có ba giai đoạn nữa. Trong vụ án thứ nhất, tức tòa án giáo hội, Chúa Jêsus phải ra mắt An-ne trước, sau đến Cai-phe rồi phe Công hội vào giữa khuya và cuối cùng một lần nữa vào sáng hôm sau. Trong vụ án thứ hai, tức tòa án nhân dân, trước hết Ngài đến với Phi-lát nhưng ông này từ chối và tìm cách gởi bị cáo sang cho Hê-rốt Ga-li-lê lúc ấy cũng đang ở tại Giê-ru-sa-lem; tuy nhiên vụ án lại được giao một lần nữa vào tay quan tổng đốc La mã này, và trái với lương tâm, ông đã xác định án tử hình.

Nhưng ở đây tôi muốn nói rõ hơn về ba giai đoạn trong phiên tòa giáo hội.

Thánh Giăng cho chúng ta biết rằng trước hết Chúa Jêsus bị điệu đến An-ne, một ông già bảy mươi và giữ chức tế lễ thượng phẩm trước đó hai mươi năm. Cả năm người con trai đều đã tiếp tục giữ chức này – thời đó, chức này chỉ tạm thời chớ không lâu dài – và người đứng đầu là Cai-phe, con rể ông ta. Dù Cai-phe mang danh là đứng đầu nhưng chính An-ne là người có ảnh hưởng lớn, và là tay dẫn đầu mọi công việc giáo hội. Ông nguyên từ thành Alexandria, Ai-cập đến đây theo lời mời của Hê-rốt Đại đế. Ông ta và cả gia đình thuộc dòng dõi có tài năng, đầy tham vọng và ngạo mạn. Với số người trong gia đình tăng dần, họ trở thành một giai cấp thống trị, tự đưa mình vào những chức vụ quan trọng. Họ thuộc phe Sa-đu-sê, và đúng là những mẫu người đại diện cho đảng này – lạnh lùng, kiêu căng và ham mến thế gian. Họ là những con người thất nhân tâm khiến dân chúng khinh ghét, lẫn khiếp sợ. Ham chiếm đoạt, họ bắt dân phải đóng thuế nghi lễ rất cao. Người ta đồn rằng họ đã đồng lõa cho người ta buôn bán trong sân đền thờ, điều mà Chúa Jêsus vừa nghiêm khắc kết án vài ngày hôm trước, với mục đích làm giàu nữa. Và nếu đúng như vậy thì cách đối xử của Chúa Jêsus thật đã nhem nhúm mối thù oán trong giai cấp tế lễ thượng phẩm này.

Thật ra, có lẽ mối oán ghét sâu sa đã khiến An-ne mong mỏi nhìn thấy Chúa Jêsus rơi vào tay giới công lý. Có thể lắm, người Sa-đu-sê dè dặt này đã chủ mưu thương lượng với Giu-đa trong việc sai lính đến bắt Đấng Christ. Bởi thế ông ta mới thức canh chờ xem kết quả; và cuối cùng bọn người bắt Chúa đã điệu Ngài đến An-ne trước hết. Tuy nhêin, bất cứ câu nào An-ne tra hỏi Chúa Jêsus cũng hoàn toàn bất hợp thức cả.

Dầu vậy, vẫn còn đủ thì giờ hội họp phe Công hội lại. Tin tức được loan đi khắp phố để triệu tập buổi họp nửa khuya vì trường hợp rất khẩn cấp không thể để chậm hơn được. Nếu sáng hôm sau dân chúng bỗng thấy Thầy mình là người được mọi người mến chuộng lại ở trong tay bọn thù địch thất nhân tâm ấy thì chẳng ai hiểu những gì có thể xảy ra. Nhưng nếu đừng cho dân chúng biết gì hết và cứ xét xử cho xong để sáng mai họ chỉ nhìn thấy Chúa Jêsus đã ở trong tay triều đình La mã rồi thì không còn gì lo ngại nữa. Vì thế, Công hội đã nhóm họp vào nửa khuya và vụ án cứ tiến hành trong khoảng thời gian ngắn ngủi của buổi sáng hôm sau tại nhà Cai-phe, nơi họ điệu Chúa Jêsus đến.

Tuy nhiên, hành động này cũng không hợp pháp tí nào vì luật lệ không cho phép phiên tòa này họp về đêm. Vì lẽ đó, dù vụ án đã xong và bản án đã được quyết định đêm hôm trước, thì ngày hôm sau cũng phải họp lại một phiên tòa khác. Và đó là giai đoạn thứ ba của vụ án; tuy nhiên cũng là một sự đóng kịch ngắn ngủi để hợp thức hóa những gì đã được quyết định rồi. Vì thế, chúng ta phải quay lại với vụ xét xử giữa đêm, là phần bao hàm nồng cốt của vấn đề.

Bây giờ chúng ta hãy tưởng tượng một căn phòng rộng lớn làm thành một bên tòa án có một dãy cột ngăn cách với bên ngoài vì thế những gì xảy ra bên trong căn phòng thắp sáng này, người ngoài đều thấy cả. Căn phòng hình bán cầu. Quanh vòng bán cầu ấy là cả năm mươi nhân viên hoặc là nhiều hơn nữa (cả phiên họp gồm có bảy mươi mốt người, kể cả chủ tịch) ngồi trên một chiếc trường kỷ. Cai-phe, viên chủ tịch, ngồi trên ngai giữa vách tường đối diện. Trước mặt ông là Bị cáo, một bên là những cai ngục và một bên là những nhân chứng.

Vụ án bắt đầu như thế nào? Dĩ nhiên người ta phải nêu rõ ràng tội trạng của bị can và kêu gọi lời xác nhận của nhân chứng. Thế nhưng, thay vì mở đầu như thế, “thầy cả thượng phẩm lại gạn hỏi Chúa Jêsus về môn đồ Ngài và đạo giáo Ngài.”

Ông ta muốn ám chỉ rằng Ngài đã tăng cường số môn đồ vì một mục đích bí ẩn nào đó và dạy họ một giáo lý thầm kín, có thể hiểu lầm là một dự định cách mạng. Về phần Chúa Jêsus, vẫn còn thấy nhục nhã vì đã bị bắt cách lén lút giữa đêm như là sợ Ngài tẩu thoát, lại với một lực lượng hùng hậu làm như Ngài vốn là một tên đầu đảng cách mạng không bằng, nên liền đáp ngay với giọng bình tĩnh kiêu hùng: “Cớ sao người gạn hỏi Ta? Hãy hỏi những kẻ đã nghe ta nói điều chi với họ; những kẻ đó biết điều ta đã nói.” Nếu chưa biết Ngài đã nói và làm gì thì tại sao họ lại bắt Ngài? Họ tìm cách bêu xấu Ngài là kẻ âm mưu lén lút nhưng chính họ với hành động bắt bớ cùng xét xử thầm lén khuya khoắt lại là con của sự tối tăm.

Chỗ mà xưa nay người ta chỉ toàn nghe những giọng kêu nài thảm thiết, những lời nịnh bợ tâng bốc cùng những câu biện hộ khéo léo, giờ đây lại vang lên những lời đơn sơ mà hùng dũng đến thế, thật cũng là một điều mỉa mai đối với bọn ngồi tòa hôm ấy. Bởi thế, tên cai ngục, có lẽ đã thoáng thấy vẻ mặt thầy cả thượng phẩm đỏ rần vì nhục nhã nên đã nắm tay đấm vào miệng Chúa Jêsus, hỏi rằng: “Ngươi dám đối đáp cùng thầy cả thượng phẩm dường ấy sao?” Tên làm mướn đáng thương! Thà cánh tay nó bị teo đi trước khi nó vả Ngài còn hơn. Chính sự kiện này cũng đã xảy đến cho thánh Phao-lô tại chính nơi này, và ông đã không thể cầm giữ được câu nói trả châm biếm đầy khinh bỉ và nhục mạ. Thế nhưng Chúa Jêsus đã bị phản mà không hề giận dữ. Nhưng rồi người ta sẽ nói gì về một tòa án và là một tòa án giáo hội, lại để cho một tên đầy tớ lợi dụng uy hiếp một Bị cáo chưa được xét xử ngay giữa phiên tòa như thế?

Dầu sao, thầy tế lễ cả cũng phải chấm dứt lối đối xử trước đó và buộc lòng phải theo đúng điều đáng phải khởi đầu từ trước – tức kêu gọi nhân chứng. Nhưng cả đến bọn này nữa, cũng bị thất bại cách thảm thương. Họ không có đủ thì giờ để lập một bản cáo trạng chính xác đầy đủ nhân chứng; và lúc đó thì không còn có thể chờ đợi được nữa. Thế là chứng cớ chỉ là những lời ứng khẩu và rõ ràng là do những tên bộ hạ cùng đao phủ xướng lên mà thôi. Thật đúng như lời thánh Ma-thi-ơ đã nói: “Chúng kiếm chứng dối về Ngài, để được giết Ngài.” Để được giết Ngài, chính là điều họ đang rắp tâm quyết định – họ chỉ tìm cách bịa đặt những dẫn chứng hợp pháp, không chút e ngại. Tuy nhiên, cố gắng họ đã thất bại nặng nề. Những nhân chứng cũng lại không đồng ý với nhau hoặc có thể kể cho ra một câu chuyện hợp lý được. Phiên tòa càng hỏi nhiều nhân chứng thì nỗi thất bại càng rõ ràng hơn và mỉa mai hơn.

Cuối cùng có hai người đồng ý với nhau về một điều mà họ đã nghe Ngài tuyên bố và họ hi vọng có thể bắt từ đó để lập bản cáo trạng. Họ nghe Ngài bảo rằng: “Ta sẽ phá đền thờ này bởi tay người ta cất lên, khỏi ba ngày, ta sẽ cất một đền thờ khác không bởi tay người ta cất.”

Đó là một câu Chúa nói khi bắt đầu chức vụ Ngài, dĩ nhiên hàm chứa một ý nghĩa thi ca thanh nhã, nhưng họ lại lặp lại bằng lối văn xuôi thô kệch hơn hết; tuy vậy, dù có giải thích như ý muốn, họ cũng khó thành công được; vì nếu phần đầu câu nói có nghĩa là Ngài sẽ phá đền thờ thì chính phần sau có lời hứa sẽ xây lại. Thấy rõ rằng nếu cứ để họ nói thêm cũng chỉ vô ích, nên thầy cả thượng phẩm lên tiếng hỏi Chúa Jêsus: “Ngươi chẳng đối đáp chi hết về những điều các kẻ này cáo ngươi sao?” Ông ta làm ra vẻ như những chứng cớ đưa ra đó là hệ trọng lắm; nhưng thật ra chỉ vì biết rằng lý cớ ấy không đứng vững được nên mới làm bộ nóng nẩy cách bất lịch sự như thế. Nãy giờ Chúa Jêsus chỉ đứng nhìn hoàn toàn không nói gì trong khi các nhân chứng nghịch Ngài đang hủy phá lời chứng của nhau; lúc này Ngài cũng chẳng thốt một lời đáp lại câu hỏi của thầy cả thượng phẩm. Ngài không cần nói. Chính sự im lặng nói lên được nhiều hơn cả những lời lẽ chát tai. Sự im lặng đã khiến những kẻ xử Ngài cảm thấy bị mỉa mai và nhục nhã càng thấm thía hơn. Ngay cả lương tâm sắt đá của họ cũng bắt đầu thấy khó chịu khi gương mặt thản nhiên nhìn họ cùng cách đối xử của họ với vẻ lặng lẽ cao thượng. Cũng vì khó chịu mà thầy cả thượng phẩm mới to tiếng chát chúa như vậy.

Nói tóm lại, ông ta đã hoàn toàn thất bại lần này không kém gì lần trước. Tuy nhiên vẫn còn con bài cuối cùng nên ông ta muốn chơi cho trọn. Quay về ghế ngồi và đối diện Jêsus, với vẻ trịnh trọng của kẻ đóng kịch ông ta nói: “Ta khiến ngươi chỉ Đức Chúa Trời hằng sống mà thề, hãy nói cho chúng ta, ngươi có phải là Đấng Christ, con Đức Chúa Trời chăng?” Thế nghĩa là, ông ta buộc Ngài phải thề Ngài tự xưng mình là ai; bởi lẽ lời thề giữa dân Do Thái là do quan tòa ch71 không do tù nhân.

Đây là một trong những giờ phút nghiêm trọng trong đời sống Đấng Christ. Dĩ nhiên Ngài cũng ý thức được rằng thầy cả thượng phẩm có quyền bắt Ngài thề; hay ít ra Ngài cũng nhận thấy sự im lặng lúc này có thể bị hiểu lầm là Ngài muốn rút lại lời tuyên bố trước kia. Thật ra, Ngài biết rằng vấn đề được đặt ra là với mục đích buộc tội Ngài, và trả lời cũng chỉ có nghĩa là gánh lấy sự chết vào thân. Thế nhưng Ngài là Đấng trước kia đã cấm người ta gọi mình là Đấng Mêsi khi họ muốn tôn Ngài làm vua, giờ đây lại xưng danh hiệu mình ra để nhận lấy bản án. Với vẻ quả quyết và trịnh trọng, Ngài đáp: “Thật như lời;” và hình như cảnh trạng lúc ấy đã khiến Ngài ý thức mạnh mẽ về mình nên tiếp luôn: “Về sau các ngươi sẽ thấy Con người ngồi bên hữu quyền phép Đức Chúa Trời, và ngự trên mây từ trời mà xuống” (Xem Thi Thiên 110:1 và Đaniên 7:13). Lúc này họ là quan tòa của Ngài nhưng một ngày kia, chính Ngài sẽ là quan tòa của họ; họ chỉ có thể hủy diệt cuộc sống trần thế của Ngài, nhưng Ngài lại có thể định đoạt cả số phận đời đời của họ.

Người ta thường bảo rằng tín đồ Đấng Christ đã gán cho Ngài điều mà Ngài không bao giờ tự xưng; rằng Ngài chẳng hề tự xưng mình hơn người, thế nhưng họ đã tôn Ngài làm Đức Chúa Trời. Tuy nhiên lời xác nhận cao cả trên, khi đã là một lời thề, hẳn phải làm xúc động nhiều tấm lòng. Thật ra, khi hỏi Ngài, thầy tế lễ đã cố gắng dùng những danh từ tầm thường và với ý nghĩa thấp hèn nhất mà chữ ấy có thể gợi ra. Chẳng hạn, người ta cho rằng, khi hỏi Ngài có phải là “Con Đức Chúa Trời chăng”, ông ta không ngụ ý gì khác hơn là khi hỏi Ngài có phải “Đấng Christ” chăng. Nhưng với lời xác nhận của Đấng Christ về chính mình “ngồi bên hữu quyền phép Đức Chúa Trời và ngự trên mây mà xuống” thì người ta sẽ nghĩ thế nào? Có thể nào Đấng sẽ làm Quan án nhân loại, dò xét tận đáy lòng người, cân nhắc từng hành động và định đoạt số phận đời đời của người theo việc họ làm, lại chỉ là một người sao? Chính những nhân vật vĩ đại và khôn ngoan nhất cũng công nhận rằng trong lịch sử của một con người, ngay cả tấm lòng của những trẻ thơ, cũng có những bí mật và huyền nhiệm mà họ không thể dò thấu được. Chỉ là người thì không ai có thể đo lường tâm linh của người được; dù là chính bản thân mình, cũng không dò xét được nữa.

Lời xưng nhận cao cả nầy thật đã nâng cao khung cảnh toàn diện lên biết bao! Chúng ta không còn nhìn thấy những con người nhỏ nhen cùng việc làm bẩn thỉu của họ nữa; nhưng chỉ nhìn thấy Con Đức Chúa Trời làm chứng về chính mình giữa thính giả của vũ trụ. Bây giờ chúng ta thật chẳng thèm để ý gì tới những lời bàn tán về Ngài của các quan tòa Do Thái nữa! Lời xác nhận lớn lao này vang dội qua bao thời đại, và vì phát xuất từ môi miệng Ngài, trái tim nhân loại sẽ đồng thanh nói A-men.

Cuối cùng, thầy cả thượng phẩm cũng đạt đến đích. Theo thói tục của thầy cả thượng phẩm mỗi khi nghe lời nói phạm thượng. Ông ta xé áo mình, xây qua phiên tòa, bảo: “Nó đã nói phạm thượng, chúng ta còn cần gì người làm chứng nữa sao?” Rồi cả bọn đều đồng ý buộc tội Ngài và lên án tử hình.

Đôi khi những tác giả Kinh Thánh có lòng tốt, trong lúc tra cứu những chuyện này, cảm thấy băn khoăn với ý nghĩ là các quan tòa xử Chúa Jêsus rất tận tâm. Há chẳng phải bổn phận họ là phải xét lại lời tuyên bố của kẻ xưng mình là Đấng Mêsi có đúng hay không sao? Và họ há chẳng đã thành thật nghi ngờ lời tự xưng của Chúa Jêsus sao? Ai cũng phải công nhận là họ rất thành thật nghi ngờ điều đó. Chúng ta cần phải lùi xa hơn một chút mới có thể phán đoán chính xác cách cư xử của họ. Họ đã đi lạc lối từ khi được nghe những lời tuyên bố về Jêsus lần đầu tiên. Chỉ những tâm hồn thánh khiết, nhạy cảm, mong đợi mới biết nghênh đón và quí mến Ngài. Thế nhưng giới giáo quyền xứ Giu đê thời bấy giờ không mảy may mong đợi, nhạy cảm và thánh khiết. Họ hoàn toàn không thể hiểu Ngài và không tìm được vẻ đẹp khiến họ ưa thích Ngài. Cũng như Ngài vẫn thường bảo với họ, là những con người như họ, họ không thể nào tin được. Lỗi không phải trong chính hành động nhưng là trong chính bản chất con người của họ. Có thể nói là họ bước theo ánh sáng của họ lại chính là bóng tối. Tuy nhiên, những ai nhìn kỹ hành động của họ lúc ấy thì không thể khoan dung được. Việc làm họ không biểu lộ công lý một tí nào. Chẳng có bản cáo trạng hoặc chứng cớ buộc tội gì cả, cũng chẳng nhường dịp cho Bị cáo chống án nữa; nguyên cáo cũng chính là quan tòa; bản án chỉ là một kết luận đã định từ trước và cuộc xét xử chỉ là một loạt mưu mô để buộc Bị cáo phải thốt ra một lời có thể giúp họ kết án Ngài.

Nhưng cũng chính vì những hậu quả theo sau cuộc xử án này mà họ đã tự cắt đứt thiện cảm với những người khoan dung, độ lượng mãi mãi về sau này. Tòa án phải là một nơi thiêng liêng cao quí; nghĩa là khi một vấn đề trọng đại được đem ra xét xử và đã được trịnh trọng lên bản án rồi, thì chính quan tòa cũng phải bị xúc động và ngay cả kẻ bị kết án, khi đã nhận bản án, cũng phải được mọi người kính nể và tôn trọng. Nhưng cuộc xử lén lút này, ngay từ đầu đã dùng thứ hành động lợi dụng bất nhã của một tên đầy tớ tòa án đủ chứng tỏ thái độ của bọn người có mặt lúc bấy giờ. Họ không bao giờ nghĩ đó là một việc làm nghiêm trang, cao cả, họ không nghĩ gì khác hơn là thù oán và hằn học nhìn người đã ngăn trở và khinh thường họ, đã làm giảm bớt uy tín họ giữa đám đông và chặn đứng mọi mối lợi bất khiết của họ. Chắc hẳn từ lâu nay cả một biển cảm nghĩ ấy đã ứ đọng trong lòng họ, và giờ đây dịp tiện đã đến, nó mới tung ra trên Ngài. Họ lấy gậy đập vào Ngài, nhổ trên mặt Ngài; khoác một vật trên đầu Ngài và đánh đập Ngài một lần nữa, la to lên rằng: “Hỡi Đấng Christ, hãy nói tiên tri thử ai đã đánh ngươi đi.” Có lẽ chúng ta mong rằng đó chỉ là hành động của bọn bộ hạ đáng thương thôi, nhưng lời người thuật chuyện có xác nhận rõ ràng rằng chính bọn chủ đã dẫn đường cho bọn đầy tớ làm theo.

Trong con người có những điều thật là đáng sợ. Có những vực thẳm trong bản chất nhân loại mà chúng ta khó được an toàn khi nhìn đến. Chính vẻ toàn thiện của Christ đã làm nổi bật tính độc ác tột bực của kẻ thù Ngài. Trong tác phẩm “Thiên Đàng Hư Mất” có một đoạn kể lại câu chuyện một toán thiên sứ, được sai đi khắp thiên đàng tìm quỉ Sa-tan đang trốn trong vườn, bắt gặp được quỉ trong hình thù một con cóc “ngồi chồm hỗm trên lỗ tai bà Ê-va” . Ithriel, một thiên sứ trong toán, mới cầm cây lao đập vào cóc và kinh ngạc thấy cóc biến lại nguyên hình quỉ.

“Vì không một hình thức giả ngụy nào

có thể chịu đựng nổi khi tiếp xúc với

bản chất thiên vương, mà phải trở về

với nguyên hình của nó.”

Tuy nhiên, sự tiếp xúc đến bản chất toàn thiện lại thường gây một hiệu quả trái ngược: Biến đổi thiên sứ thành con cóc, chính là nguyên hình của điều ác.

Lúc bấy giờ Đấng Christ đang vật lộn với quân thù là kẻ mà Ngài đã giáng thế để tiêu diệt; và chính trong lúc cố bám chặt Ngài để giằng co lần cuối, nó đã phơi bày tất cả những gì xấu xí và độc địa trong bản chất nó. nhưng Ngài đã vững lòng chịu đựng không hề nhát sợ; vì Ngài đã đến để chết về tội lỗi, và chết để đem sự cứu rỗi cho nhân loại.