Trang Đầu | Mục Lục | << CHƯƠNG 2 | CHƯƠNG 4 >> | Hướng Dẫn

CHƯƠNG 3

PHI-E-RƠ CHỐI CHÚA

Bên cạnh vụ án Giáo hội này, còn một màn phụ diễn mà chúng ta cần suy nghĩ đến trước khi bước sang cuộc xử án dân sự. Chính giờ phút Đấng Christ đứng trong phòng nhà thầy cả thượng phẩm dũng cảm xưng danh mình ra, thì một trong các môn đồ Ngài ở ngoài sân của cùng tòa nhà, liên miên thề chối không biết Ngài.

I

Khi Chúa Jêsus bị trói trong vườn Ghết-sê-ma-nê rồi đưa về Giê-ru-sa-lem, tất cả môn đồ đều bỏ Ngài chạy trốn. Tôi tưởng tượng, có lẽ họ đã chuồn qua các đám cây trong vườn rồi tẩu thoát vào miền quê quanh đó hoặc bất cứ nơi nào họ cho là an toàn.

Tuy nhiên, trong số mười hai, có hai người – thánh Phi-e-rơ và thánh Giăng, người đang kể câu chuyện – được hồi tỉnh ngay sau cơn hãi hùng đầu tiên và theo Ngài một khoảng xa xa. Nép mình dưới những bóng cây bên vệ đường, ẩn mình dọc những ngôi nhà trên đường phố, họ rón rén theo sau đoàn người đang di chuyển. Cuối cùng, khi gần đến nơi – dinh thự thầy cả thượng phẩm – họ vội vã tiến lên; và thánh Giăng đã bước vào giữa đám đông nhưng có lẽ hơi do dự, còn thánh Phi-e-rơ bị kẹt ngoài đường, rồi cánh cửa đóng lại.

Để hiểu rõ những gì xảy ra sau đó, chúng ta cần mô tả từng chi tiết lối kiến trúc của ngôi nhà thầy tế lễ thượng phẩm vì nó hoàn toàn khác biệt với phần lớn nhà của chúng ta ngày nay. Một ngôi nhà Tây phương thường nhìn ra đường, nhưng nhà Đông phương lại hướng về bên trong hơn, không có cửa ra vào phía trước chỉ trừ một lối vào hình vòng cung có cửa thật lớn chặn lại. Khi cửa này mở ra, cho ta một hành lang thật rộng xuyên qua mặt tiền và dẫn vào một sân vườn lát đá giữa trời. Ngôi nhà chính được cất lên tại đây và các căn phòng, trên cũng như dưới lầu đều nhìn ra sân. Ngoài ra, cạnh hành lang và bên trong cổng ngoài cùng, còn có một nơi ở cho người gác cửa giữ nhiệm vụ mở và đóng cổng; và nơi cánh cổng lớn, có khoét một cửa nhỏ đủ cho một người ra vào.

Khi bọn dẫn Chúa Jêsus về trước biệt thự, chắc hẳn đứa tớ gái giữ cửa đã mở cánh cổng lớn cho họ vào rồi đóng lại ngay. Họ tiến vào sân dưới lối đi vòng cung và cuối cùng bước vào một căn phòng nhìn ra sân. Nhưng bọn cảnh sát và bộ hạ được triệu tập trong vụ bắt Chúa lúc ấy đã làm xong nhiệm vụ nên đứng ở ngoài và vì đêm khuya giá lạnh, họ nhóm lửa giữa trời, tụ họp nhau lại để sưởi ấm.

Như đã nói, Giăng đã lọt vào trong cổng với đoàn người nhưng Phi-e-rơ bị ở ngoài. Hình như có một địa vị có một địa vị xã hội cao hơn những môn đồ kia nên Giăng được thầy tế lễ thượng phẩm quen biết và vì thế, có thể ông ta cũng quen thuộc ngôi nhà này cùng bọn tôi tớ ở đó, và khi thấy Phi-e-rơ bị đứng ngoài, ông chạy ra bảo người tớ gái mở khung cửa nhỏ nơi cổng để ông ta vào.

Thật ra đó là một hành động thân mật, tuy nhiên, như sự kiện đã minh chứng, nó lại đưa đến một hậu quả tệ hại không ngờ. Chính Giăng đã đưa Phi-e-rơ vào vòng cám dỗ. Bạn hữu thân thiết nhất, đôi khi cũng có thể đối xử với nhau như thế; vì có những hoàn cảnh đối với người này không gây hại gì thì có thể lại nguy hiểm đối với người kia. Có người có thể hòa mình dễ dàng vào một đoàn thể mà kẻ khác cảm thấy run sợ nếu bước vào. Có những thù vui mà tín đồ Đấng Christ có thể dự phần trong khi kẻ khác lại gặp ảnh hưởng tai hại vì tiếp xúc với chúng. Một đầu óc trưởng thành và giè giữ, có thể đọc chính những sách có sức khêu ngọn lửa địa ngục trong một tâm trí còn non nớt. Sự cám dỗ luôn luôn gồm hai điều này: Một mặt, ta phải nhắc đến những hoàn cảnh đặc biệt con người phải đương đầu; mặt khác, phải lưu ý đến cá tính hoặc tiểu sử của chính con người bước vào hoàn cảnh ấy. Chúng ta cần nhớ rõ điều đó nếu muốn giữ chính mình hoặc kẻ khác khỏi thất bại trước cám dỗ.

II

Dĩ nhiên, sau khi đem được Phi-e-rơ vào cửa, Giăng đã chạy vội qua sân, bước vào căn phòng Chúa Jêsus đang đứng để chứng kiến biến cố.

Nhưng Phi-e-rơ thì không. Ông không quen thuộc chỗ này như Giăng; và ông lại có vẻ thẹn thuồng, nhút nhát của một thường dân đứng trứơc căn nhà vĩ đại như thế này. Hơn nữa, ông còn lo sợ người ta biết mình là môn đệ Đấng Christ và sẽ bị bắt chăng. Lại nữa, ông còn phải trả giá về hành động không may đối với Man-chu tại cửa vườn Ghết-sê-ma-nê, vì đã bước vào đây thì thế nào tên kia cũng nhận ra được ông.

Bởi thế, ông cứ đứng bên trong cánh cửa lớn, từ bóng tối nơi lối đi vào cung, đưa mắt nhìn vào trong, không hề hay biết đứa đầy tớ gái, từ vị trí thuận tiện của nó, cũng đang quan sát mình. Ông cảm thấy khó chịu vì không biết làm gì. Ông không dám vào nơi phòng xử án như Giăng. Có lẽ ông rất mong ước được bước ra đường trở lại. Ông đã bị mắc bẫy.

Cuối cùng, ông thơ thẩn bước tới đám người chung quanh đống lửa, ngồi xuống bắt đầu sưởi. Bên ánh lửa, ta có thể thấy rõ đó là một đám người hỗn tạp và không ai lưu ý gì đến Phi-e-rơ. Ông ngồi xuống như thể là một người trong bọn, thế thôi.

Tuy nhiên, trên một khía cạnh khác, đó là một hoàn cảnh còn nguy hiểm hơn ông tưởng nữa. Ông chỉ lo sợ nguy hiểm tánh mạng nhưng không nhận thức trước được nguy cơ cho linh hồn dù nó rất gần. Thật là nguy hiểm nếu tín đồ Đấng Christ đang ngồi giữa thù địch Ngài mà không bày tỏ được bản chất của mình. “Phước cho người nào chẳng theo mưu kế của kẻ dữ, chẳng đứng trong đường tội nhân, không ngồi chỗ của kẻ nhạo bàng.” Chắc hẳn lúc Phi-e-rơ ngồi xuống, đám người đang cười đùa giễu cợt náo động về Jêsus, thế nhưng ông vẫn không chận họ lại. Ông cứ điềm nhiên, cố làm ra vẻ mình cũng ở trong đám nhạo báng ấy được chừng nào hay chừng nấy. Nhưng, không xưng Đấng Christ ra chính là bước gần kề với việc chối bỏ Ngài.

Theo lệ thường, sự cám dỗ luôn luôn đến cách bất ngờ và ngay những lúc ta sơ hở nhất. Như đã nói ở trên, trong lúc ông núp dưới cửa vòng cung, người đầy tớ gái đã quan sát mọi cử chỉ của ông. Cử chỉ ông thật khả nghi và cô ta, với trí khôn lanh đàn bà, đã đoán được bí ẩn trong ông. Vì thế, khi một cô bạn đến rủ đi, không những cô ta chỉ Phi-e-rơ cho bạn và bày tỏ nghi ngờ về ông, mà lúc đi qua phòng mình, còn bước tới đống lửa giữa bọn lính, nhìn thẳng vào mặt ông, bảo với đôi mắt sáng rỡ ranh mãnh: “Người này cũng ở với Jêsus người Na-xa-rét”.

Phi-e-rơ vô cùng kinh ngạc. Ông tưởng chừng như người ta đã lột mặt nạ khỏi mình. Trong phút chốc, bản năng kinh hãi bám chặt lấy ông; bản năng hổ thẹn làm cho ông khó chịu, khi bị nhìn là môn đệ của kẻ họ đang nhạo báng. Thật ra, có điều đáng hổ thẹn hơn ấy là làm sao ông có thể xưng mình là môn đồ của Thầy đang bị nhục mạ một ông không bênh vực? Chính ra ông đã chối Thầy mình bằng hành động trước khi chối bằng lời nói; và hành động đi trước khiến lời nói cũng cần thiết. Ông nhíu mày nói: “Ta không hiểu ngươi nói chi”; thế là cô ta cười bỏ đi vì đã hoàn toàn thành công.

Không ai tiếp tục cầu nguyện. Nhưng Phi-e-rơ cảm thấy khó chịu, nên vội tìm dịp trốn khỏi đống lửa. Ông đến chỗ cửa vòng cung, cố ý ra khỏi nơi này. Nhưng bẫy đã sập xuống tại đây rồi; vì một tớ gái khác, nãy giờ vẫn chăm chú nhìn ông và có lẽ đang cười, đứng tại cửa phòng với hai, ba người đàn ông, cũng chỉ Phi-e-rơ đang đi lại bảo: “Người đó cũng ở với Jêsus, người Na-xa-rét”.

Tội nghiệp cho Phi-e-rơ! Bị ngã một lần thứ hai vì bàn tay một người đàn bà. Nhưng có biết bao lần lời nói xấc xược cùng nụ cười giễu cợt của nữ giới cũng đã từng khiến cho nam giới hổ thẹn đến những gì cao cả và thành khiết hơn hết! Phi-e-rơ tuôn ra một lời thề giận dữ rồi quay gót trở lại đống lửa.

Lúc này ông đã thất sắc mà mất cả tự chủ. Lòng ông hồi hộp với bao cảm xúc giao chiến nhau mà không còn bình tĩnh được nữa. Làm ra vẻ khinh thường và lãnh đạm, ông vội vã xen vào câu chuyện, nói thật to để trấn áp sự nghi ngờ, nhưng thật ra lại làm hỏng mục đích mình vì đã khiến người ta chú ý đến mình và càng bị dò xét, ông càng bối rối. Người bà con của Man-chu, người bị cắt đứt tai, nhận ra Phi-e-rơ. Giọng rồ rề quê mùa và rặt Ga-li-lê vang lên đủ gợi nghi ngờ trong bao kẻ khác. Nghĩ rằng trêu một kẻ làm bộ như thế cũng là một trò giải trí thú vị cho qua đêm nhàn rỗi ấy, họ bèn đồng thanh tầm nã con mồi.

Phi-e-rơ hoàn toàn thất bại; như con bò mộng giữa đấu trường bị tấn công tứ bề, mắt ông mờ đi vì giận dữ, sợ hãi cùng hổ thẹn và rồi vừa chối Chúa vừa thề thốt, nguyền rủa địch thủ.

Chắc hẳn lúc ấy tất cả những thói quen của một ngư phủ ngày trước đã bị giết chết và chôn giấu từ lâu, đến nay lại được dịp hồi sinh. Có lẽ Phi-e-rơ cũng chỉ là một người lúc còn trẻ vẫn hay thề thốt phạm thượng – một trang thanh niên nóng tính, thích nhấn mạnh và vẽ vời lời nói được chừng nào hay chừng nấy. Loại tội lỗi này thường biến mất ngay khi một người đầu phục Chúa. Trong lúc bao tội lỗi khác vẫn còn kép dài qua năm tháng và chỉ có thể bị đóng đinh từng chặng một, thì tội thề thốt phạm thượng thường tiêu biến rất mau lẹ. Tuy nhiên, rất khó mà từ bỏ hẳn quá khứ tội ác. Nơi Phi-e-rơ hình như tội này đã chết ngay lúc ông tin Chúa và đã bị chôn sâu bao năm rồi, thế nhưng gặp giờ phút thuận tiện, nó lại nổi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Những thói quen xưa cũ của tội lỗi rất khó tiêu diệt. Chúng ta tưởng chừng đã giết chết và chôn sâu chúng rồi; nhưng có đôi lúc há bạn chẳng nghe tiếng gõ cửa của chúng từ dưới lòng đất sao? Há bạn chẳng cảm thấy xác chết đang cựa mình trong quan tài và mặt đất chuyển động trên ngôi mộ nó sao? Và đó là hình phạt của những ngày buông lung theo xác thịt. Cho đến giờ phút hấp hối, kẻ bê tha rượu chè, kẻ dối gạt hoặc thề thốt vẫn còn phải canh gác và phòng giữ mộ địa chôn giấu quá khứ của mình.

Dầu sao, trong lời xúc phạm giận dữ của Phi-e-rơ, chúng ta cũng tìm thấy một phương pháp nào đó. Khi muốn tỏ ra mình không phải là môn đệ Đấng Christ, ông thấy không có gì hơn là nguyền rủa. Thật ra, họ không tin lời chối Chúa của ông nhưng cũng thể nghi ngờ tội ông đã phạm. Vì họ thừa biết rằng, kẻ thuộc về Jêsus chả bao giờ nói những lời như Phi-e-rơ được. Như thế, cả đến những kẻ không tin Jêsus cũng vẫn công nhận và chờ đợi những lời nói cùng hành vi trong sạch nơi kẻ thuộc về Ngài. Và lấy làm kinh ngạc thấy kẻ mang danh Ngài vẫn làm những điều không hơn gì kẻ khác. Đó chính là một trong những lời làm chứng mạnh mẽ hơn hết cho Chúa chúng ta.

III

Giữa lúc thốt ra lời chối Chúa và xúc phạm, bỗng Phi-e-rơ thấy những tia nhìn của kẻ làm khổ ông quay hẳn sang một đối tượng khác. Đó là Jêsus, trước đó đã bị kẻ thù kết án và hiện đang bước giữa bao lời thóa mạ, mắng nhiếc từ sân ngoài vào phòng giam để chờ giai đoạn cuối của vụ xử. Lúc bước xuống thềm phòng xử, Ngài đã nghe thấy giọng môn đồ mình và lòng đau xót không thốt được nên lời. Ngài vừa quay lại hướng phát ra giọng nói thì bắt gặp Phi-e-rơ cũng vừa nhìn thấy Ngài và cả hai nhìn thẳng vào mắt nhau. Chúa Jêsus không nói gì, bởi lẽ dù Ngài chỉ thốt ra một lời tỏ vẻ kinh ngạc đi nữa cũng có thể tiết lộ bí mật về môn đồ Ngài. Ngài cũng không thể đứng lại lâu hơn, vì bọn lính đang hối thúc Ngài. Tuy nhiên, chỉ trong phút chốc ngắn ngủi ấy hai tia mắt đã gặp nhau và tâm hồn đã thấu suốt được tâm hồn.

Ai có thể giải thích được tia nhìn của Đấng Christ lúc bấy giờ? Một cái nhìn có thể mang hình ảnh cả một thế giới. Một cái nhìn có thể còn hùng biện hơn cả những âm thanh vang dội. Cái nhìn có thể biểu lộ được nhiều hơn bao lời nói. Chỉ có một tia nhìn, tâm hồn này có thể tan biến hoàn toàn trong tâm hồn kia. Một ánh mắt có thể hoặc đưa người bay bổng trên mây xanh hoặc khiến người lao đầu vào vực thẳm tuyệt vọng.

Tia nhìn của Jêsus là một bùa chú đánh tan cơn mê của Phi-e-rơ. Tội lỗi luôn luôn là một cơn mất trí nhất thời và đó là trường hợp của Phi-e-rơ . Ông khiếp đảm, giận dữ và bối rối quá đến nỗi không còn biết mình đang làm gì. Nhưng ánh mắt Jêsus đã trả ông về cho chính mình và tức khắc, ông đã hành động như một con người. Ông nóng nảy ngay chỗ đứng của mình lúc này không có gì ngăn trở ông nữa: Ông thản nhiên qua mặt đứa tớ gái cùng đồng bọn. Vì thật ra, bẫy cảm dỗ chỉ là một ảo tưởng. Đối với một người đức tin đã vững mạnh rồi thì không có gì trở ngại.

Hơn nữa, ánh mắt Đấng Christ còn là một gương soi để Phi-e-rơ nhìn rõ được chính mình hơn. Ông nhận thấy được những điều Ngài nghĩ về mình. Cả một quá khứ hiện về trong phút chốc. Trước kia, chính ông là người, trong một phút thiêng liêng không thể quên được, đã xưng danh Đấng Christ và được Ngài thành thật thừa nhận. Ông là người, cách đó vài giờ, trên cả mười một sứ đồ, đã thề nguyện không bao giờ chối thầy mình. thế nhưng giờ đây, đã lìa bỏ Ngài và làm đau lòng Ngài chính lúc Ngài cần nâng đỡ hơn hết. Ông đã đặt mình làm một phần tử thù nghịch Ngài và với bao lời thề thốt nguyền rủa, đã giày đạt danh thánh Ngài dưới chân mình. Ông đã từ bỏ địa vị môn đồ để trở về với những gì thô lỗ của thời thanh niên chưa tin Chúa. Ông là một tên bội ước. Và tất cả những điều đó đã bao hàm trong tia nhìn của Đấng Christ lúc ấy.

Ngoài ra, vẫn còn vài điều khác. Đó là một cái nhìn có tính cách cứu vớt. Nếu có người bạn nào đã chứng kiến Phi-e-rơ vụt thoát khỏi nơi ông đã phạm tội, có lẽ cũng đã lo sợ tưởng đến những gì có thể xảy ra sau đó rồi. Ông vụt chạy đi đâu thế? Có phải vào vực thẳm Giu đa đã lao mình xuống sau đó không? Thật ra Phi-e-rơ không xa chỗ đó bao nhiêu. Nếu lúc ấy, đôi mắt ông ta bắt gặp tia nhìn giận dữ trên gương mặt Đấng Christ có lẽ số phận ông đã chấm dứt tại đó rồi. Tuy nhiên, ánh mắt Ngài không hề vương hờn giận. Chắc hẳn chỉ đau thương và thất vọng vô vàn. Nhưng cao sâu hơn, vẫn là bản chất của Cứu Chúa, một bản năng đã khiến Ngài giơ tay ra nắm lấy Phi-e-rơ khi ông bị chìm xuống biển. Cũng với bản năng ấy, giờ đây Ngài nắm lấy ông.

Trong tia nhìn phút chốc ấy, Phi-e-rơ đọc được tình yêu và tha thứ không sao thốt nên lời. Nếu đã nhìn thấy được chính mình trong ánh mắt ấy, hẳn ông đã nhận rõ được Cứu Chúa hơn – một sự khải thị rõ ràng trái tim của Đấng Christ mà ông chưa bao giờ nhận biết. Chính điều này vẫn thường khiến lòng ta tan chảy. Chẳng phải tội lỗi của chúng ta khiến chúng ta khóc lóc, nhưng chính là lúc chúng ta thấy rõ được bản chất của Cứu Chúa mà chúng ta đã phạm tội chống nghịch. Phi-e-rơ đã khóc lóc đắng cay; không phải để xóa nhòa tội lỗi, nhưng chính là vì cớ nhận biết tội lỗi đã được bôi xóa rồi. Nước mắt loại trên chỉ là một trận mưa rào; nhưng nước mắt Phi-e-rơ lúc này chính là cơn mưa tầm tã, triền miên, ngấm sâu vào lòng đất và nuôi sống tận gốc rễ những cây lá của linh hồn.

Thật ra, đây mới là bước đầu thật sự của tất cả những gì tốt đẹp mà thánh Phi-e-rơ đã thực hiện trên trần thế này. Nhưng chúng ta sẽ không đề cập điều này tại đây. Bây giờ chúng ta hãy nghĩ đến Đấng, giữa cơn khủng hoảng và đau đớn cực độ này, lại nghe danh mình chẳng những bị chối từ mà còn pha lẫn với những nguyền rủa, thề thốt, vẫn không hề oán giận cho hành động lừa đảo ấy. Trái lại, Ngài đã quên hẳn nỗi đau chính mình và với bản chất là Cứu Chúa, Ngài đã nhìn thế giới đê tiện ấy bằng ánh mắt yêu thương dịu dàng, trong phút chốc có thể nâng môn đồ sa ngã lên khỏi vực thẳm và đặt người trên tảng đá để người đứng vững mãi mãi và chính người, với đức tin không dời đổi cùng lời làm chứng sống động, cũng đã trở thành một tảng đá trong lịch sử nhân loại.