Trang Đầu | Mục Lục | << CHƯƠNG 3 | CHƯƠNG 5 >> | Hướng Dẫn

CHƯƠNG 4

TRƯỚC TÒA ÁN NHÂN DÂN

Trong chương trước, chúng ta đã biết Công hội Do Thái thông qua án tử hình của Chúa Jêsus. Nếu họ đã thi hành bản án theo lối Do Thái – tức ném đá – thì là một điều vui mừng rồi. Thế nhưng, như đã giải thích, họ không có quyền về vấn đề này: Trong khi cho phép tòa án bản xứ xét xử và trừng phạt những tội vụn vặt, chính quyền La Mã lại dành quyền quyết định sống chết ưu tiên cho chính mình; và trong trường hợp một bản án tử hình do tòa án Do Thái đưa ra, phải được chuyển sang giới đại diện La Mã trong xứ để xét lại và có thể sửa đổi bản án. Như thế, sau khi tự ý kết án Chúa Jêsus, bọn Công hội phải đưa Ngài ra tòa án của vị thống đốc.

I

Đại diện Đế quốc La Mã tại xứ Pha-lê-tin lúc bấy giờ là Bôn-xơ Phi-lát. Vốn là đại diện giới dân ngoại, nghĩa là đầu óc hoàn toàn thuộc về thế gian, mánh khóe và xu thời, ông chínhlà một tên nịnh bợ điển hình và chúng ta sẽ thấy rõ những chứng cớ qua hành động của ông trong ngày trọng đại này. Trong tác phẩm “Những nhân vật Kinh Thánh” của Candlish có một luận án đặc biệt xuất sắc về Phi-lát.

Phi-lát giữ địa vị này đã bao năm rồi; thế nhưng ông không ưa thích dân chúng và họ cũng chẳng ưa gì ông. Dân Do Thái thuộc loại những dân tộc cứng đầu và khó tánh hơn hết mà chính quyền La Mã phải tìm cách thống trị. Chưa quên được quá khứ huy hoàng của lịch sử, và vẫn còn bám víu hoài bão lập một đế quốc bá chủ, họ không chịu nổi ách thuộc địa; lúc nào họ cũng tìm thấy những nhục mạ nhân phẩm hoặc tôn giáo họ qua hành vi của kẻ thống trị; họ lằm bằm thuế nặng và luôn gởi đơn quấy rầy các quan cai trị. Phi-lát không chịu nổi họ. Giữa ông và họ không có mối thiện cảm nào. Ông thù ghét lòng cuồng tín của họ. Thường qua những cuộc cãi vã vớio họ, ông đã gây bao vụ đổ máu. Họ buộc tội ông là trụy lạc, hung bạo, cướp bóc và cai trị thất sách.

Dinh thống đốc không đặt tại Giê-ru-sa-lem, nơi mà chẳng ai quen với lối giải trí La Mã – hí trường, hồ tắm, trò chơi, văn chương và xã họi – lại bằng lòng sống ở đó. Dinh thự này xây tại thành phố duyên hải miền Sê-sa-rê, huy hoàng, tráng lệ trong kiểu kiến trúc tương tự của La Mã. Tuy nhiên, thỉnh thoảng, quan thống đốc phải viếng thăm thủ đô vì lý do chức nghiệp và thường thường như dịp tiện này, vào kỳ lễ Vượt qua.

Trong thời gian ở đây, ông tạm trú tại ngôi nhà hoàng gia trước kia, lúc xứ Giu đê còn vua. Ngôi nhà do Hê rốt Đại đế vốn đam mê về kiến trúc, cất lên trên ngọn đồi phía tây nam của đền thờ. Đó là một biệt thự lộng lẫy không kém gì đền thờ và rộng đến nỗi có thể chứa được một quân đội nhỏ. Ngôi nhà gồm có hai mái khổng lồ xòe ra hai bên và một dãy nhà nối liền chính giữa. Trước mặt dãy nhà này là một sàn lát đá rất rộng và chính nơi đây, tại trên một chiếc bục cao giữa trời, xảy ra vụ án dân sự, vì chính quyền Do Thái không bao giờ bước vào nhà, cho đó là việc làm ô uế. Phi-lát, dù không đồng ý, vẫn chiều ý họ nhưng có lẽ cũng thầm nguyền rủa trong lòng. Thật ra, dầu sao dân La Mã xử án giữa trời cũng là chuyện thường. Mặt tiền biệt thự là một dãy cột khổng lồ làm thành những hàng cột che bóng; quanh biệt thự là một công viên có lối đi, cây cối và ao hồ với những vòi nước phun cao trong ánh mặt trời và từng đoàn bồ câu tắm mình bên hồ nước.

Xuyên qua cánh cổng rộng của biệt thự vừa sáng tinh sương giới chính quyền Do Thái đã đưa Tù nhân tiến vào sân, Phi-lát từ trong bước ra tiếp đón, ngồi vào ghế quan tòa với các thư ký bên cạnh, còn sau lưng chắc hẳn là những toán lính La Mã sạm nắng đứng cầm giáo, mặt lạnh như tiền. Bị cáo cũng phải bước lên chiếc bục và đối diện Ngài là các nguyên cáo với Cai-phe làm đầu đảng.

Thật là một cảnh tượng kỳ lạ! Ai ngờ chính tay bọn đứng đầu quốc gia Do Thái lại bắt trói Đấng Mê-si của họ, giao cho một tổng đốc Ngoại bang để cầu xin được giết chết Ngài! Hỡi vong hồn của những anh hùng và tiên tri đã từng yêu mến, ca tụng và dự ngôn về địa vị huy hoàng của quốc gia này, giờ quyết định số phận nó đã đến và đây là hậu quả của nó!

Đây chính là hành động tự sát quốc gia. Nhưng há chẳng hơn thế nữa sao? Há chẳng phải hành động ấy đã phá hỏng mục đích và lời hứa của Đức Chúa Trời sao? Chắc hẳn ít ra nó cũng có vẻ như thế. Tuy nhiên, Ngài chẳng hề bị lừa dối. Dù đó là tội ác con người, nhưng mục đích Ngài vẫn không thay đổi. Dân Do Thái đã đưa Con Đức Chúa Trời ra trước ghế tòa án Phi-lát chứng tỏ dân Do Thái và Ngoại bang đã hợp nhất trong việc kết án Ngài; bởi cớ một phần trong công tác của Đấng Cứu Chuộc là phơi bày tội ác nhân loại, và tại đây chứng tỏ cho mọi người thấy không còn có tội ác nào tày trời hơn là chính bàn tay con người đã giơ lên nghịch lại Đấng tạo nên nó. Thế nhưng, cái chết này phải tạo nên sự sống cho nhân loại; và Jêsus, đứng giữa dân Do Thái và Ngoại bang, với mục đích kết hợp họ trong mối tương thân của sự cứu rỗi chung. “Ôi sâu nhiệm thay là sự khôn ngoan và tri thức của Đức Chúa Trời! Sự đoán xét Ngài nào ai hiểu được, đường lối Ngài nào ai biết được!”

II

Lập tức Phi-lát hỏi ngay về tội trạng Tù nhân.

Câu trả lời rất là đặc biệt “ví Hắn chẳng phải là tay gian ác, chúng tôi đã không nộp cho quan rồi”, chứng tỏ họ ước mong quan tổng đốc khước từ quyền xét lại, chấp nhận bản án họ là đầy đủ rồi và bằng lòng với phân nửa quyền ưu tiên của ông – ấy là phê chuẩn và thi hành bản án. Đôi khi tổng đốc các tỉnh làm thế, hoặc vì lười biếng hoặc vì không cần chính quyền bản xứ bổ túc; và đặc biệt trong trường hợp vì lý do tôn giáo mà dĩ nhiên một người ngoại quốc không thể hiểu được, thì một lời yêu cầu bổ túc như thế cũng có vẻ rất hợp lý.

Tuy nhiên, Phi-lát cũng không chịu thua, đáp lại: “Các ngươi hãy tự bắt lấy Người và xử theo luật mình”. Thế có nghĩa là: Nếu nhiệm vụ ta không phải là nghe bản cáo trạng thì ta cũng sẽ không phê chuẩn hoặc thi hành bản án; nếu các ngươi quả quyết đây là vụ án riêng của giáo hội các người thì hãy tự xử lấy; nhưng nếu thế, các ngươi phải bằng lòng vói hình phạt mà luật pháp cho phép các ngươi thi hành.

Điều đó đối với họ thật đau lòng vì họ đang thèm khát chính mạng sống Đấng Christ, họ thừa biết rằng luật sẽ không cho phép họ làm gì khác hơn là bỏ tù hoặc dùng roi đánh. Với vẻ lãnh đạo, nham hiểm và kiêu ngạo, quan La Mã cố tâm khiến bọn người cảm thấy gót chân áp chế La Mã trên đầu cổ họ, và ông ta sung sướng vì đã ranh mãnh buộc họ phải than thở: “Chúng tôi chẳng cóphép giết ai cả”.

Bị cưỡng ép lập bản cáo trạng, họ tuôn ra một loạt những lời buộc tội hăng say, đặc biệt nhất là ba điều sau: Thứ nhất, Ngài gây cho dân chúng rối loạn; thứ hai, Ngài ngăn cấm triều cống cho hoàng đế; và thứ ba, Ngài tự đưa mình lên ngang hàng một vị vua.

Điểm đáng chú ý nữa là họ không hề nhắc đến bản cáo trạng mà họ đã dựa vào đó để kết án Ngài. Bản đó không ghi ba điểm trên mà chỉ đưa ra tội phạm thượng thôi. Tuy nhiên, họ cũng thừa rõ rằng nếu đưa bản cáo trạng như thế ra lúc này thì chắc chắn sẽ bị chế nhạo là trái luật tòa án. Chúng ta còn nhớ một thống đốc La Mã thời Phao-lô, cũng đã xử một bản cáo trạng tương tự, và đây là thái độ của ông ta: “Ga-li-ôn nói cùng dân Do Thái rằng: Hỡi người Giu-đa, giá như về nổi trái phép hay tội lỗi gì, thì theo lẽ phải ta nên nhịn nhục nghe các ngươi. Song nếu biện luận về đạo lý, danh hiệu hay là luật pháp riêng của các ngươi, thì hãy tự xử lấy, ta chẳng khứng xử đoán những việc đó đâu”. Người bèn đuổi chúng ra khỏi tòa án (Công vụ 18:14-16), và dù dĩ nhiên Phi-lát không dám tỏ thái độ khinh khi ngạo mạn tương tự đối với những gì ông gọi là mê tín của dân Do Thái, thế nhưng họ cũng biết ông đang nghĩ gì về họ.

Dầu sao, bởi lẽ không lập được một bản cáo trạng đích thực cho nên họ đã rơi bẫy nguy hiểm không thoát ra được. Họ đã phải bịa đặt từng tội một ngay lúc ấy không chút dè dặt.

Lời cáo thứ nhất – Chúa Jêsus gây cho dân chúng rối loạn – rất là mơ hồ. Nhưng còn lời cáo thứ hai – Ngài cấm nộp thuế cho hoàng đế – thì chúng ta nghĩ sao? Nhớ lại cũng chính trong tuần đó, lúc Chúa trả lời có nên nộp hoặc nộp thuế – “Hãy trả cho Sê-sa những gì thuộc về Sê-sa và cho Đức Chúa Trời những gì thuộc về Đức Chúa Trời” – chúng ta thấy lời cáo đó có vẻ hoàn toàn giả dối. Trong lời cáo thứ ba – Ngài tự xưng là Đấng Christ là Vua – còn có màu sắc hơn vì chính Ngài đã từng đứng nơi tòa án họ, trịnh trọng nhận mình là Đấng Christ. Tuy nhiên, trong trường hợp này, họ cũng biết rõ rằng, đối với lỗ tai một người La Mã, lời xưng Đấng Christ ấy mang một ý nghĩa hoàn toàn khác với ý nghĩa mà chính họ muốn hiểu. Thật ra, sự chống đối của họ chỉ là Ngài chưa đủ điều kiện để có thể xưng mình là vua, theo nghĩa một vị vua La Mã. Lúc ấy, họ đang nóng nảy mong đợi một vị vua biết đổi mới quân đội lật ách thống trị La Mã và biến Giê-ru-sa-lem thành thủ đô của một đế quốc chung cho toàn thế giới; và vì cớ tâm tình cùng mục đích của Chúa Jêsus trái hẳn với tham vọng ấy của họ nên họ khinh khi và chán ghét Ngài.

Phi-lát hoàn toàn hiểu rõ chính bọn người ông đang tiếp xúc. Ông cảm thấy buồn cười cho lòng hăng say thích nộp thuế của họ. Một nhà truyền đạo nói: “Phi-lát biết rằng chỉ vì ganh tị mà họ đem nộp Ngài”. Chúng ta không rõ ông đã quen biết với chức vụ Chúa Jêsus bao lâu rồi. Ông đã làm tổng đốc suốt thời gian từ lúc Giăng Báp-tít mở đầu chức vụ cho đến khi chức vụ ấy được Đấng Christ tiếp tục, cho nên ông khó có thể không biết được. Giấc chiêm bao của vợ ông ta sẽ bàn đến sau đây, chứng tỏ rằng hình như danh Jêsus đã từng là đề tài chuyện trò trong dinh thự; và có lẽ câu chuyện Chàng Thanh niên đầy nhiệt huyết đang nhục mạ đám thầy tế lễ cuồng tín này cũng giúp cho quan tổng đốc cùng vợ ông khuây nỗi buồn chán trong những ngày viếng thăm Giê-ru-sa-lem được phần nào. Từ đầu đến cuối, Phi-lát tỏ ra thật lòng lưu ý đến Chúa Jêsus và thành thật cảm phục Ngài. Chắc hẳn bởi cớ chính ông đã chứng kiến những gì Ngài cam chịu nơi tòa án; nhưng một phần khác, cũng do những gì ông đã nghe về Ngài nữa. Qua mọi hành động của Phi-lát, chúng ta không thấy dấu hiệu nào chứng tỏ ông đã kết án Chúa Jêsus nặng nề cả. Hai lời cáo đầu tiên, hình như ông không lưu ý gì; nhưng lời thứ ba – tức Chúa tự nâng mình lên hàng một vị vua, chứng tỏ Ngài là địch thủ của hoàng đế – thì Phi-lát không thể cho qua được.

III

Nghe xong những lời cáo, Phi-lát dẫn Chúa Jêsus vào trong dinh thự để điều tra lại. Chắc hẳn ông muốn làm thế để tránh sự khuấy rầy của đám nguyên cáo cực đoan ở ngoài. Và Chúa Jêsus đã bước vào trong, không chút e ngại như bọn chúng trước đây. Như thế, chúng ta có thể bảo rằng dân Do Thái đã từ chối Ngài khiến Ngài quay sang Ngoại bang – nghĩa là bức tường ngăn cách đã sụp đổ từ đây và Ngài đang dẫm lên những tàn tích còn lại.

Thế là trong gian phòng mênh mông vắng lặng, Chúa Jêsus và Phi-lát đứng đối diện nhau – một bên, trong địa vị tù nhân cô thế; một bên, trong địa vị quyền lực. Nhưng lạ lùng thay khi nhìn lại cảnh tượng lúc ấy, ta sẽ thấy hai địa vị đã bị đảo lộn trật tự! Vì chính Phi-lát mói là kẻ sắp bị xét xử – hoặc đúng hơn, Phi-lát và La Mã mà ông đang đại diện. Suốt buổi sáng hôm đó, Phi-lát đã bị xét đoán và lột mặt nạ; và từ đó, ông đã vướng vào lịch sử với hàng bao thế kỷ nhìn chăm bẳm vào ông. Các nhà đại họa sĩ thường phác họa hình ảnh Hài nhi Christ với một vòng hào quang tỏa ra, chói lọi và đôi khi khiến những kẻ đứng quanh Ngài mờ mắt. Và thật vậy, lúc còn ở thế gian, trong Chúa Jêsus vẫn chiếu ra một nguồn sáng có thể phơi bày cả khía cạnh thiện và ác trong con người. Đó là một thứ ánh sáng dò xét, chiếu thẳng vào mọi góc cạnh và phơi bày từng đường nét. Con người luôn bị xét đoán mỗi khi lại gần Ngài. Điều đó há chẳng đúng sao? Chúng ta không bao giờ chịu phơi bày đầy đủ những gì bên trong chúng ta như cách Đấng Christ đã tác động chúng ta. Bởi cách đối xử với Ngài, chúng ta tự xét đoán và thông qua bản án của chính mình suốt cõi đời đời.

Phi-lát hỏi Chúa Jêsus: “Chính ngươi là vua dân Do Thái phải chăng?” để nhắc lại lời cáo thứ ba. Lời đáp của Ngài có vẻ thận trọng và dưới hình thức một câu hỏi: “Ngươi hỏi điều đó tự ý mình, hay là có người đã nói điều đó với ngươi về Ta?” Ngài muốn biết câu hỏi của Phi-lát có nghĩa gì – hoặc đứng ở quan điểm một người La Mã, hoặc quan điểm dân Do Thái; vì dĩ nhiên câu trả lời Ngài sẽ khác hẳn tùy trường hợp Ngài là vua hiểu theo cách dân La Mã, hoặc trường hợp hiểu theo cách dân Do Thái.

Tuy nhiên, lời đáp trên đã chọc giận Phi-lát, có lẽ vì ngụ ý rằng chính ông đã lưu tâm đến vụ án này rất nhiều nhưng không muốn nói ra, vì thế ông giận dữ đáp: “Nào có phải ta là người Do Thái đâu? Dân người cùng mấy thầy tế lễ đã nộp Ngươi cho ta”. Nếu người chủ tâm nói thế để châm biếm Ngài thì đó là một lằn đòn không phai mờ được. Thật là nhục nhã thấm thía và đau đớn chua cay! Chính dân tộc Ngài – dân tộc yêu 1úi của Ngài mà Ngài đã dâng hiến cả cuộc đời – đã nộp Ngài cho dân Ngoại bang. Ngài cảm thấy ô nhục trước một người ngoại quốc như thể một cô bé nô lệ bị người mua trả giá, cảm thấy tủi hổ cho cha mẹ cùng cả gia đình đã bán và làm nhục cô.

Tuy nhiên, Chúa Jêsus liền đáp lời Phi-lát theo cả hai phương diện, trên khía cạnh chính trị La Mã và trên khía cạnh tôn giáo Do Thái.

Trước hết, Ngài trả lời theo lối phủ định: “Nước của Ta chẳng phải thuộc về thế gian này!” Ngài chẳng hề là địch thủ của hoàng đế La Mã bao giờ. Nếu có, thì việc đầu tiên của Ngài hẳn phải là tụ tập quân lính để giải thoát đất nước khỏi cường quyền La Mã và như thế, quân lính phải có bổn phận tối hậu là bênh vực người xứ họ chứ; thế nhưng ngay từ lúc Ngài bị bắt, Ngài cũng không hề nghĩ gì đến chính mình và đã ra lịnh kẻ theo mình phải nạp gươm vào vỏ lúc người này vừa rút ra. Ngài không bao giờ nghĩ đến một đế quốc của bạo lực, khí giới và vinh hiển trần thế.

Dầu sao, trong lời phủ nhận này, Chúa Jêsus cũng đã dùng đúng chữ “Nước của Ta”. Và rồi, Phi-lát hỏi: “Thế thì người là vua sao?” Jêsus đáp: “Thật như lời, Ta là vua. Này, vì sao Ta đã sinh và vì sao Ta đã giáng thế: Ấy là để làm chứng cho lẽ thật”. Vương quốc Lẽ thật chính là nước của Ngài. Nước đó hoàn toàn khác biệt với đế quốc của Sê-sa. Nước của Sê-sa chỉ cai trị xác thể loài người; còn Vương quốc Ngài chiếm hữu những tấm lòng. Thế lực Sê-sa là quân đội, khí giới, thành trì và những hạm đội; nhưng sức mạnh của Vương quốc Christ là những nguyên tắc, tình cảm và tư tưởng. Công dân đế quốc Sê-sa chỉ được hưởng an toàn bên ngoài và bảo đảm tài sản; nhưng phước hạnh trong nước Đấng Christ là lương tâm bình an và vui mừng trong Thánh Linh. Dù là rộng lớn, đế quốc Sê-sa cũng bị giới hạn, nhưng vương quốc của Christ vô biên và được quyền thiết lập tại mọi xứ. Cũng như hầu hết các nước thuộc về đất, đế quốc Sê-sa rồi sẽ chấm dứt, còn vương quốc Lẽ thật sẽ tồn tại đến muôn đời.

Người ta cho rằng trong câu nói cao thượng này của Đấng Christ nhuốm một vẻ gì Tây phương hơn là Đông phương. Một tâm hồn cao thượng Do Thái mơ ước sự công bình hơn cả mọi sự, nhưng một tâm hồn cao thượng Ngoại bang lại khao khát lẽ thật. Thời đó, ngay cả giữa vòng dân ngoại đạo, cũng có những tâm hồn nhạy cảm khi nghe nói về một nước của lẽ thật hoặc khôn ngoan. Và Chúa Jêsus đang bắt mạch xem thử linh hồn người này có khao khát điều đó hay không.

Với ý muốn dò hỏi, Ngài tiến lại gần Phi-lát hơn, bảo thêm rằng: “Hễ ai thuộc về lẽ thật thì nghe lắng tiếng ta”; vì đó là dấu hiệu chứn tỏ rằng nếu yêu mến lẽ thật thì Phi-lát phải tin Ngài. Chúa đang giảng cho kẻ xử án Ngài. Cũng như tù nhân Phao-lô đã khiến cho quan tòa Phê-lít run rẩy và vua Ac-ríp-ba la lên rằng: “Thiếu chút nữa người khuyên ta trở nên tín đồ Đấng Christ”, thì Chúa Jêsus, với bản năng của nhà truyền đạo và Cứu Chúa, cũng đang dò xét lương tâm Phi-lát. Kẻ đánh lưới người phải sử dụng nhiều móc câu, và trong trường hợp này, Chúa Jêsus đã chọn một loại lưỡi câu hiếm có.

Luôn luôn có những người không hề đáp ứng những lời kêu gọi tầm thường, nhưng lại chịu cảm động trước lời mời tế nhị này. Danh từ lẽ thật có huyền bí đối với bạn không? Bạn có khao khát khôn ngoan chăng? Có những người vẫn thường xem các bửu vật mà quần chúng theo đuổi, như đồ rơm rác. Bạn thường cười nhạo và thương hại lớp người chạy theo của cải, kiêu ngạo của đời và giai cấp xã hội. Nhưng một trang thơ yêu thích, một tư tưởng mới mẻ nảy sinh trong tâm trí một tư tưởng gia chân thật, một lời nói tiềm ẩn khiến trí tưởng tượng bạn du lịch khắp cõi vô biên, một giáo lý chói lọi xuất hiện bên chân trời tri thức như ánh sao, - đó mới chính là tài sản của bạn. Bạn cảm biết sâu sắc nỗi tối tăm trần thế này, và bối rối cho hàng trăm nan đề. Hỡi con cái cùng kẻ yêu mến khôn ngoan, bạn có biết Vua Lẽ thật chăng? Chính Ngài mới là Đấng có thể làm thỏa mãn khát vọng ánh sáng và đưa bạn ra khỏi cơn mê của lý luận và lầm lẫn.

Tuy nhiên, như Ngài đã phán ở đây, có phải chỉ kẻ nào thuộc về lẽ thật mới nghe tiếng Ngài chăng? Há thế giới hiện tại gồm toàn những người tìm kiếm lẽ thật, lại chẳng bỏ qua Đấng Christ sao? Chữ Ngài dùng ở đây rất là mạnh: “Hễ ai thuộc về lẽ thật”. Bạn đã bao giờ thật sự trèo lên Lẽ thật, bá cổ nó và nhận lấy sức sống từ nó chưa? Có nhiều người sốt sắng tìm kiếm lẽ thật cho tri thức, nhưng không khao khát để cho lẽ thật hướng dẫn đời sống và thanh tẩy lòng họ. Chỉ những kẻ tìm kiếm lẽ thật với tất cả con người của mình mới là con cái thật của lẽ thật; và đối với họ, lời Đấng Christ chẳng khác nào ánh mặt trời đối với tượng Memnon hoặc tiếng gọi mùa xuân đối với mặt đất đáp ứng lời mời.

Buồn thay! Phi-lát chẳng phải là hạng người trên. Ông ta không thể nhận thức được khát vọng thuộc linh; ông chỉ là một con người tầm thường của trần tục; ông không tìm kếim những gì mắt không thể nhìn thấy hoặc tay không thể cầm nắm được. Đối với ông, một vương quốc lẽ thật và một vị vua lẽ thật chỉ là những đối tượng thuộc thế giới thần thoại hay những lâu đài trên không trung. Bởi thế, ông hỏi: “Lẽ thật là cái gì?” Nhưng vừa hỏi xong, ông liền quay gót, không chờ câu trả lời. Ông chỉ hỏi như một người vô tôn giáo có thể hỏi: Đức hạnh là gì? Hoặc như một bạo chúa: Tự do là gì?

Dầu saoo vẫn thấy rõ Chúa Jêsus vô tội. Ông đã kết án Ngài chỉ là một kẻ nhiệt thành đáng mến, không có gì đáng sợ đối với La Mã. Vì thế, ông bước ra ngoài tuyên bố tha bổng Ngài rằng: “Ta chẳng thấy Người này có tội lỗi gì cả.”