Trang Đầu | Mục Lục | << CHƯƠNG 4 | CHƯƠNG 6 >> | Hướng Dẫn

CHƯƠNG 5

JÊSUS VÀ HÊ-RỐT

Phi-lát đã xử Chúa Jêsus và thấy Ngài vô tội, liền thành thật bảo nhân viên phe Công hội thay đổi bản án ông ta. Phải làm gì? Chắc hẳn ông phải thả Chúa Jêsus ra, và nếu cần, phải bảo vệ Ngài khỏi cơn giận của dân Do Thái.

Thế nhưng, vì sao họ không theo đúng như vậy? Có lẽ chính một biến cố trong cuộc đời Phi-lát do một sử gia của đời kể lại, để giúp chúng ta giải thích được. Vài năm trước khi xử án Chúa Jêsus, Phi-lát, lúc mới giữ chức tổng đốc Giu-đê, quyết định dời bộ tham mưu La Mã từ Sê-sa-rê đến Giê-ru-sa-lem và quân lính bước vào Thành Thánh với cờ hiệu mang hình tượng của hoàng đế. đối với dân Do Thái, những hình tượng này có nghĩa là sùng bái thần tượng và sự đột nhập của chúng và Giê-ru-sa-lem bị ghép vào tội phạm thượng và nhục mạ thần thánh rất nặng. Những kẻ tai mắt trong thành kéo xuống Sê-sa-rê khuyên Phi-lát dời chúng đi chỗ khác; nhưng ông từ chối và cuộc bàn cãi kéo dài suốt năm hôm. Cuối cùng, tức giận quá ông liền ra lệnh cho quân lính bao vây họ và hăm dọa nếu không chấm dứt và giải tán, sẽ giết cả. Tuy nhiên, chẳng chút sợ hãi, họ nhào lăn ra giữasàn nhà, đưa cổ ra và la lên rằng thà chết chứ không chịu để cho thành họ bị sỉ nhục. Và kết quả là Phi-lát phải nhượng bộ cho quân lính rút khỏi Giê-ru-sa-lem.

Đó là hình ảnh của quan tổng đốc cùng đám người mà ông ta phải đương đầu. Khi họ phản đối một điều gì và thành kiến tôn giáo họ đã nổi dậy thì ông phải thua ngay. Trong trường hợp hiện tại, họ cũng xử với ông in hệt cách đã đối xử ngày xưa. Phi-lát bấy giờ tuyên bố Chúa Jêsus vô tội và bản án phải chấm dứt tại đó. Thế nhưng họ giận dữ la ó om sòm – theo thánh Lu-ca: “Họ càng tỏ ra dữ tợn hơn – và tuôn bao lời cáo khác để buộc tội Tù nhân”.

Phi-lát không còn đủ tâm trí để kháng cự nữa. Ông yếu ớt quay sang Jêsus hỏi: “Họ có nhiều điều làm chứng kiện ngươi, ngươi há không nghe đến sao?” Nhưng Chúa Jêsus “không đáp lại một lời gì”. Ngài chẳng thề thốt, dù chỉ là một lời, để tán đồng kéo dài cuộc xét xử, “đến nỗi làm quan tổng đốc lấy làm lạ lắm!” Luống cuống và bối rối, ông không thể hiểu nổi vẻ điềm tĩnh oai nghi này. Mục đích cuộc xét xử này là để cất mạng sống Ngài đi; thế nhưng Ngài lại là người duy nhất giữ được vẻ bình tĩnh giữa toàn thể đám đông này.

Tuy nhiên, giữa lúc bối rối, bỗng nhiên Phi-lát cảm thấy đã tìm được lối thoát. Đoàn người la lên: “Người này xúi giục dân sự, truyền giáo khắp đất Giu-đê, bắt đầu từ xứ Ga-li-lê rồi đến đây”. Họ cố tình nhắc đến xứ Ga-li-lê để khiêu gợi thành kiến về Ngài bởi cớ Ga-li-lê là một xứ đặc biệt thích nổi loạn. Nhưng Phi-lát lại nghĩ sang một ý khác và hỏi kỹ Ngài có thật là dân Ga-li-lê chăng. Vì ông chợt nghĩ rằng Hê-rốt, vua cai trị xứ Ga-li-lê đến thành Giê-ru-sa-lem dự lễ Vượt qua; và theo luật La Mã, thuyên chuyển tù nhân từ nơi bị bắt về lại nguyên quán hoặc trú quán vẫn là chuyện thường, cho nên theo ý ông, giao Chúa Jêsus cho quan cai xứ của Ngài xét xử là đều rất hay và hơn nữa, ông có thể tránh trách nhiệm đến vụ án. (Vấn đề ở đây có phải vì việc xét xử mà Phi-lát đưa Chúa Jêsus sang Hê-rốt hay chỉ vì muốn hỏi ý kiến thôi, trong trường hợp Phê-tu đã đưa thánh Phao-lô ra yết kiến vua Ac-ríp-ba). Nghĩ thế, ông liền sai lính đưa Chúa Jêsus cùng bọn nguyên cáo Ngài sang lâu đài xưa tại Ma-ca-bê, nơi Hê-rốt thường tạm trú trong cuộc viếng thăm thành thánh.

Như vậy, nội ngày ô nhục hôm ấy, Chúa Jêsus đã bị dồi dập như một quả banh từ tay này sang tay khác… từ An-ne đến Cai-phe, từ Cai-phe sang Phi-lát, từ Phi-lát qua Hê-rốt và hơn nữa; và những bước chân mòn mỏi trong xiềng xích cùng canh giữ của nhân viên công lý, giữa những kẻ bắt bớ hành hạ Ngài, sẽ không bao giờ phai mờ trong lịch sử đau thương của Ngài.

I

Kinh Thánh Tân Ước đã nhắc đến nhiều tên Hê-rốt và chúng ta cần phân biệt Hê-rốt trong câu chuyện này là ai.

Hê-rốt đầu tiên là người đã giết hại các con trẻ tại Bết-lê-hem, khi Cứu Chúa được đem sang lánh nạn tại Ai-cập. Ông ta được mệnh danh là Hê-rốt Đại đế, trị vị toàn lãnh thổ dù chỉ được triều đình La Mã cho phép. Lúc ông băng hà, người ngoại quốc đã chia thuộc địa cho các con trai ông khiến việc cai trị xứ được hữu hiệu hơn vì thuộc địa càng nhỏ, lãnh Chúa càng nắm quyền vững hơn. Xứ Giu-đê thuộc về Archelaus nhưng chẳng bao lâu, dân La Mã đã lấy lại, trao quyền cho các đại diện nắm giữ và Phi-lát là một trong số đó. Xứ Ga-li-lê và Peraea thuộc quyền một người con khác của Hê-rốt tên là Antipas; còn miền phía bắc do người con thứ ba là Phi-líp cai trị. Và Hê-rốt trong câu chuyện chính là Antipas.

Ông là một người có tài và ngay từ đầu đã là một nhà cai trị đầy hứa hẹn. Giống cha, ông ham thích nghề kiến trúc, và lâu đài tại thành Ti-bê-ri-át nổi danh có liên hệ đến lịch sử truyền giáo hiện đại, chính là một trong những công trình của ông. Tuy nhiên, ông đã phá hại đời mình khi bước vào cuộc âm mưu thầm lén với Hê-rô-đia, vợ Phi-líp, anh mình. Bà này liền bỏ chồng đến ở với ông; còn ông ta đuổi vợ mình là con gái Areta, vua Arabia, ra khỏi nhà. Tánh tình Hê-rô-đia cứng rắn hơn Hê-rốt nhiều và bà ta ở cạnh ông suốt đời chẳng khác nào quỷ thần bổn mạng ông vậy. Dầu sao, lần sa ngã này vẫn chưa hoàn toàn dập tắt những ước vọng tốt đẹp của ông được. Khi Báp-tít bắt đầu công cuộc truyền đạo nẩy lửa trong xứ. Hê-rốt rất lưu tâm đến lời giảng của Báp –tít và đã mời ông này đến biệt thự mình, vui vẻ ngồi nghe ông giảng, cho tới lúc Giăng Báp-tít thốt ra câu: “Vua không được phép lấy nàng làm vợ”. Vì cớ đó, nhà truyền đạo đại tài này đã bị nhốt vào ngục; dù vậy Hê-rốt vẫn thường gọi ông đến gặp luôn. Rõ ràng là vua đã bị tôn giáo thuyết phục. Ông thán phục nhân cách và lời dạy của Giăng. Kinh Thánh chép: “Ông đã làm nhiều việc”. Thế nhưng ông không thể và cũng không muốn làm một điều cần thiết: Hê-rô-đia vẫn giữ chắc chỗ của nàng. Dĩ nhiên bà ta rất sợ và ghét người của Đức Chúa Trời là kẻ tìm cách đẩy bà khỏi chỗ ấy; và bà đã âm mưu hại người cách quỉ quyệt. Chỉ vì bà ta đã quá thành công lợi dụng con gái riêng của mình – không phải con với Antipas nhưng với chồng trước – hôm sinh nhật Hê-rốt. Salome nhảy múa trước mặt vua, khéo léo và đẹp đẽ đến nỗi khiến vua say mê và hứa hẹn – lời hứa rất là đàn ông – tặng nàng bất cứ điều gì nàng muốn, kể cả phân nửa đế quốc cũng được. Thế là nàng con gái quỉ quyệt đã được mẹ huấn luyện với những mưu kế địa ngục, liền xin cái đầu của người Đức Chúa Trời, và đã được đồng ý.

Tội ác khủng khiếp này đã khiến đám bộ hạ vua khiếp đảm và ngay sau đó, vua Aretas, là cha vợ trước của Hê-rốt sang chiếm lấy xứ để rửa nhục cho con gái mình, ai nấy đều cho nỗi thất bại ê chề của Hê-rốt là một hình phạt thiên thượng về những gì ông đã làm ngày trước. Tâm trí ông luôn bị những quái tượng của hối hận ám ảnh vì chúng ta biết rằng sau này mỗi khi nghe Chúa Jêsus giảng dạy, ý nghĩ đầu tiên đến với ông ấy là chính Giăng Báp-tít đã sống lại. Thật ra, vì cớ này mà Hê-rốt đâm ra trụy lạc nhanh chóng. Cảm thấy dân chúng không ưa thích mình nữa, Hê-rốt càng ngày càng theo đòi những phong tục ngoại lai. Triều đình ông nổi bật hẳn vì bắt chước và chịu ảnh hưởng La Mã. Những kẻ bao thầu thú tiêu khiển thời đó – hát hò, nhảy múa – đều được mời đến Ti-bê-ri-át. Tâm tính ông mỗi lúc càng suy nhược đến khi chỉ còn là một khối mềm nhão, sẵn sàng đón nhận những cảm xúc nhưng không thể giữ lại mảy may nào. Ngay cuộc viếng thăm Giê-ru-sa-lem hằng năm, cũng chỉ là hành động tìm thú vui hơn là có lòng thờ phượng. Vì dầu sao giữa một nơi tụ họp đông đảo như thế, chắc hẳn có bao nhiêu điều mới lạ để nghe thấy và biết đâu lại chẳng khám phá được những thích thú bất ngờ?

II

Hê-rốt đã đón tiếp Chúa Jêsus cách rất là đặc biệt. Nếu đã có lương tâm, dù là của một người xấu xa thì chắc hẳn ông đã lúng túng khi gặp bạn của Giăng Báp-tít rồi. Thật ra đã có lần ông kinh hãi khi chỉ mới được nghe tiếng đồn về Jêsus; thế nhưng tất cả đã chìm vào quá khứ; những cảm xúc ấy đã bị những ấn tượng mới mẻ hơn xóa nhòa và đẩy vào quên lãng. Ông thấy Chúa Jêsus “thì mừng lắm”. Trước hết, đó là điều vui thú và có ý nghĩa đối với con người như ông. Sau nữa, đó cũng là lời thăm hỏi của dân La Mã; thật ra, chúng ta biết rằng trứơc kia Phi-lát và Hê-rốt thù hiềm nhau nhưng nhờ sự kiện này, cả hai trở nên bạn hữu như xưa. Tuy nhiên, nỗi vui mừng chính của ông là hy vọng sẽ được thấy Chúa Jêsus làm phép lạ. Suốt hai ba năm nay, khắp thuộc địa ông vang lừng danh tiếng “Người làm phép lạ” nhưng ông chưa hề được gặp mặt. Bây giờ chính là dịp tiện; và chắc hẳn ông nghĩ rằng Chúa Jêsus sẽ làm thỏa mãn trí tò mò ông hoặc sẽ lấy làm vinh dự được có dịp phô bày tài nghệ của Ngài.

Hê-rốt đã đánh giá Chúa Jêsus như thế đấy. Ông đặt Ngài vào trình độ một người khiêu vũ hoặc một ca sĩ mới ra nghề; ông liệt những phép lạ Ngài vào một thứ trò phù thủy hoặc ảo thuật; và ông mong chờ Ngài cống hiến cùng một thú giải trí như bất cứ một pháp sư hoặc ảo thuật gia nào lang thang trên đường.

Lập tức, Hê-rốt liền tỏ cử chỉ thân mật và hỏi Ngài nhiều câu. Hình như ông đã quên hẳn mục đích Phi-lát đưa Chúa Jêsus qua cho ông. Không cần chờ đợi trả lời, ông tiếp tục nói. Ông đã nghĩ nhiều về tôn giáo và ước mong Chúa Jêsus biết điều đó. Ông có nhiều lý thuyết cần bàn cãi, nhiều thắc mắc cần nêu ra và nhiều nhận xét cần đề nghị. Kẻ không theo tôn giáo nào vẫn có thể nói rất nhiều về tôn giáo; và có người thích nghe mình nói hơn là nghe kẻ khác dù người ta có khôn ngoan đến đâu chăng nữa. Không một môi miệng nào ăn nói trôi chảy hơn miệng lưỡi con người tình cảm mà không có tư cách.

III

Cuối cùng Hê-rốt mệt lả, đợi Đấng Christ lên tiếng. Nhưng Chúa Jêsus không nói một lời. Im lặng kéo dài mãi cho đến lúc trở thành khó chịu và ngột ngạt, đến lúc Hê-rốt đỏ mặt giận dữ, Chúa Jêsus vẫn không mở miệng.

Một điều cần nhận xét ấy là, cả cuộc xét xử đều bất hợp lệ, Chúa Jêsus được đưa đến Hê-rốt để xét xử nhưng ông ta không hề đá động gì đến điểm đó. Thật ra nếu Chúa Jêsus muốn tình cờ được tha thì chắc hẳn đây là dịp tiện hiếm có; vì nếu đã nghe lời Hê-rốt làm phép lạ thì chắc Ngài đã được tha bổng trở về với vô số quà tặng rồi. Tuy nhiên, chúng ta không thể tin một một mưu mẹo dường ấy là một cám dỗ đối với Ngài được. Ngài không bao giờ làm phép lạ vì lợi riêng và chúng ta không thể tưởng tượng rằng Ngài cần phải hạ mình đính chính cách đánh giá trị của Hê-rốt được. Chúa Jêsus là công dân của Hê-rốt; nhưng Ngài không thể kính nể ông ta. Làm sao Ngài có thể tránh được thái độ khinh bỉ đối với kẻ đã đánh giá Ngài quá thấp và xem thường biến cố lớn lao này đến thế? Ai đã từng thấu rõ lịch sử Hê-rốt, chắc hẳn phải ghê tởm nghe cuộc nói chuyện về tôn giáo từ môi miệng ông! Chúng ta không thể tìm được lòng thật thà hoặc thành tâm trong con người này. Tôn giáo đối với người cũng chỉ là một thú tiêu khiển.

Đối với Christ như thế, sẽ mãi mãi chỉ có im lặng. Hê-rốt đại diện cho những kẻ xem thường cuộc đời và chỉ sống cho thú vui. Có nhiều người giống vậy. Chẳng những chỉ tôn giáo, với ý nghĩa cao cả và đứng đắn, không thu hút được họ mà họ còn thù ghét tất cả những gì khác như là tư tưởng sâu xa hoặc công việc nhiệt thành ở mọi địa hạt chẳng hạn. Vừa thoát khỏi những gì mà họ xưng hô là công tác, họ liền lao mình vào lạc thú, và điều duy nhất khiến họ sợ hãi ấy là cô đơn vì nó khiến họ đối diện với chính mình. Đối với vài giai cấp xã hội không cần làm việc vì sinh kế, ý nghĩ ăn sâu tâm trí họ ấy là: đời là một hí trường, hết thú vui này tới thú vui khác; và điều cần lưu tâm hơn hết là tránh những khoảng trống có thể khiến con người phản tỉnh, tự nhìn lại lòng mình.

Chính tôn giáo cũng có thể bị rơi vào vòng tiêu khiển này. Đi nhà thờ cũng có thể thay thế đi giải trí – nếu với tinh thần mong đợi một cái gì thích thú, khuấy động xúc cảm và thỏa mãn khao khát nghệ thuật hoặc ít ra, để tiêu dùng một tiếng đồng hồ nặng trĩu nếu không làm gì cả. Thật là điều hổ thẹn nhận thấy có nhiều Hội Thánh và truyền đạo đang ở trong tình trạng lưhg chừng này. Với những tràng diễn văn chải chuốt, điệu nhạc du dương quyến rũ hoặc nghi lễ rực rỡ cuộc nhóm họp có vẻ đầy đủ mùi vị và khiến thính giả ra về mang theo cùng cảm giác khi họ ra khỏi buổi hòa nhạc hoặc cải lương. Có thể lắm, con người cho đó là một thành công lớn, nhưng Đấng Christ không nói một lời: Ngài quả quyết nín lặng đối với những kẻ theo tôn giáo với tinh thần đó.

Đôi khi, chính tinh thần này lại hướng về một chiều khác; nó biến con người thành hoài nghi và ưa lý luận như Hê-rốt, “hỏi nhiều câu”. Khi nghe vài người nêu những nan đề tôn giáo, câu trả lời đầu tiên của tôi ấy là: Vì sao bạn có thể tin Đấng Christ được? Bạn đã làm gì xứng đáng để nhận đặc ân ấy chưa? Bạn nghĩ rằng đức tin là một quà tặng dâng cho Đấng Christ nhưng thật ra sức lực để tin Ngài và lời Ngài là một đặc ân và vinh dự lớn lao cần phải được tậu bằng sự suy tư, khiêm tốn và từ chối mình.

Chúng ta không cần phải trả lời những chống đối tôn giáo của ai cả. Thật ra, tôn giáo là một đề tài mọi người được tự do nói ra và dĩ nhiên cả đến những kẻ ô uế cùng gian ác cũng đàm luận, viết sách về nó, thế nhưng nó vẫn là đề tài mà ít người có thể thu hút được sự hưởng ứng của thính giả hơn hết. Qua đời sống họ, chúng ta có thể đoán biết được quan niệm họ về tôn giáo và nhận thức được quan niệm nào đáng giá, chắc hẳn có người nghĩ rằng Chúa Jêsus cần phải đáp lời Hê-rốt – rằng Ngài đã bỏ lỡ một cơ hội. Ngài há chẳng cần phải kêu gọi lương tâm ông ta và cố gắng khiêu gợi ý thức về tội lỗi ông ta sao? Tôi có thể trả lời rằng chính sự im lặng của Ngài đã là lời kêu gọi rồi. Nếu Hê-rốt còn có chút lương tâm thì chính đôi mắt nhìn thấu suốt kia cùng phẩm vị cao trọng đang đo lường, cân nhắc ông đó, đã khiến tội lỗi ông chổi dậy khỏi mồ mả và xâm chiếm lấy tâm hồn ông rồi. Chúa Jêsus đã nín lặng hầu cho người ta có thể nghe được tiếng nói của Giăng Báp-tít đã quá cố.

Nếu chúng ta hiểu được như thế, thì sự im lặng của Đấng Christ là lời kêu gọi hùng hồn hơn hết. Bạn có thể hồi tưởng lại lúc thường nghe tiếng Ngài – khi mà lời Kinh Thánh cùng của mục sư thường cảm động bạn trong nhà thờ, khi mà giọng hát đánh thức niềm khao khát, khi mà Tiệc Thánh là cả một cái gì thiêng liêng, khi mà Thần của Đức Chúa Trời chiến đấu với bạn chăng? Những điều đó đã và đang qua đi chăng? Đấng Christ đã nín lặng rồi chăng? Nếu một người đau nằm trên giường nhận thấy cảnh vật quanh mình mỗi lúc một vắng lặng – vợ tránh tiếng nói, khách đến thăm chỉ dám thì thầm, đi rón rén và khép cửa thật nhẹ nhàng – thì người biết rằng bệnh trạng của mình đang nguy kịch. Khi du khách đã chiến đấu với bão tuyết rồi nằm xuống nghỉ ngơi, sẽ cảm thấy lạnh lẽo, đau đớn và khổ sở; nhưng nếu ta thấy người ngủ mê và im lặng thì đó là lúc cần đánh thức người dậy và phá rối người, nếu muốn người được hồi tỉnh. Trong địa hạt thuộc linh cũng có một tình trạng bất tỉnh như thế. Điều đó có nghĩa là Thánh Linh đã thôi chiến đấu và Đấng Christ ngừng kêu gọi. Nếu đang ở vào tình trạng này, bạn hãy lo lắng đi; vì mục đích là vì sanh mạng của bạn đấy.

IV

Hê-rốt đã hiểu sự im lặng của Chúa Jêsus như thế nào, chúng ta không thể biết được. Có thể lắm ông ta cũng không muốn hiểu nữa. Qua mọi hành động, ông đã tỏ vẻ không hiểu gì cả, ông đã xem đó là một điều ngu dại. Ông nghĩ rằng Chúa Jêsus không làm phép lạ được chỉ vì cớ Ngài không thể làm được: Khi một kẻ lừa dối rơi vào tay cảnh sát thường mất hết năng lực. Ông cho rằng Chúa Jêsus đã bị mất tín nhiệm; những lời tự xưng về Đấng Mê-si đã lộ tẩy và ngay cả môn đệ Ngài chắc hẳn lúc này cũng vỡ mộng rồi.

Ông đã nghĩ thế và nói thế, và cả đám hầu hạ ông đều đồng ý như vậy; bởi lẽ không nơi nào lời nói của một kẻ cả được lập lại như con két bằng chỗ tòa án hèn hạ này. Và chắc hẳn khi Hê-rốt, trước lúc gởi Ngài trả lại cho Phi-lát. Vội khoác lên vai Ngài chiếc áo điều – có lẽ bắt chước lối mặt áo trắng của những người được bổ chức tại La Mã – bọn họ đã cho đó là một đòn chơi khôn ngoan đáng được tán thưởng. Bởi họ nghĩ rằng Chúa Jêsus là một kẻ mong được tôn lên ngôi vua nhưng cũng là một kẻ lố bịch đến nỗi nếu không làm nhục Ngài thì mất hết ý nghĩa và mang tội nặng. Thế là Chúa Jêsus bị điệu đi trước mặt chúng giữa những tràng cười nhạo báng.