Trang Đầu | Mục Lục | << CHƯƠNG 5 | CHƯƠNG 7 >> | Hướng Dẫn

CHƯƠNG 6

TRỞ LẠI PHI -LÁT

Trái với dự định của Phi-lát, lần giải Chúa Jêsus qua cho Hê-rốt vẫn chưa chấm dứt vụ án, vì thế Tù nhân lại phải được giao về hoàng cung.

Hê-rốt đã giả vờ khinh miệt Chúa Jêsus, nhưng thật ra lúc này chúng ta biết rằng chính con người ông đã bị xét đoán và phơi bày. Trở lại với Phi-lát, Chúa Jêsus cũng chỉ làm một việc – ấy là vạch trần tâm tình Phi-lát dù ông không hay biết gì về điều này: Ông chỉ chuốc lấy chán nản về vụ án mà ông tưởng đã thoát bây giờ lại rơi về tay ông. Ông phải miễn cưỡng xử lại và kết thúc; tuy nhiên, trước khi đến điểm đó, ông đã biểu lộ tâm tình mình đúng với bản chất của nó trong ánh sáng của Đấng Christ.

Tâm tình Hêrốt là một tâm tình trần tục nông nổi – tâm tình cố gắng biến cuộc đời thành một thú tiêu khiển qua thì giờ và là trò đùa; còn tâm tình Phi-lát là tâm tình trần tục ham hoạt động – tâm tình đặt cái ngã làm mục tiêu và triệt hạ mọi vật chung quanh để đạt tới mục tiêu đó. Trong hai loại tâm tình, có lẽ loại này phổ thông hơn; và vì thế, chúng ta sẽ cảm thấy thích thú và học được nhiều sự dạy dỗ khi quan sát chân tướng nó dưới ánh sáng dò xét của Đấng Christ.

I

Có lẽ người ta vẫn còn biện hộ cho Phi-lát khi ông vẫn hoãn lại việc thả Chúa Jêsus mãi cho đến sau lúc Ngài từ Hê-rốt được đưa về: vì cớ dù chính ông không tìm thấy Ngài có tội lỗi nào, nhưng bởi ông không rành luật pháp cùng phong tục Do Thái nên ông có thể do dự trong việc xét xử và muốn trước khi kết thúc bản án, có thể nhờ một chuyên viên làm cố vấn. Thế nhưng khi biết rằng ý kiến Hê-rốt cũng phù hợp với mình, ông thấy không còn lý do nào để kéo dài hơn nữa.

Vì vậy, ông bảo thật với dân Do Thái rằng ông đã tra xét Tù nhân rồi và thấy Người không có tội nào cả; ông cũng gởi Ngài sang cho Hê-rốt với kết quả tương tự. Rồi ông tiếp: “Cho nên”. Cho nên … cái gì? Có lẽ bạn chờ đợi: “Cho nên, ta tha bổng Người và nếu cần, sẽ bảo vệ Người khỏi mọi bạo lực”. Đó phải là lời kết luận duy nhất hợp với luận lý và công bằng. Thế nhưng lời kết luận của Phi-lát lại rất lạ thường: “Nên ta sẽ đánh đòn và tha Người đi”. Ông ta sẽ bắt Ngài chịu đòn cho hả giận rồi mới thả cho đi để tôn trọng công lý.

Còn có một đề nghị nào bất công hơn thế nữa chăng? Dầu sao đó vẫn là cá tính của con người ấy cũng như của cả một hệ thống mà người đại diện. Đầu óc đế quốc La-mã là một đầu óc dung hòa, mưu mẹo, và xu thời; cũng như đường lối cai trị ở bất cứ nơi nào, chẳng những ngoài xã hội mà cả trong giáo hội nữa. Phi-lát đã từng giải quyết hàng bao nhiêu trường hợp theo cùng nguyên tắc này… hoặc là không có nguyên tắc nào cả; vào thời đó, vô số nhân viên chính quyền khắp các đế quốc La-mã rộng lớn đều làm việc theo cùng đường lối ấy. Chỉ có Phi-lát chẳng may bị đặt vào trường hợp mà hành động của mình đã phơi bày rõ chân tánh của ông dưới ánh sáng lịch sử.

Nhưng chúng ta há chẳng cần phải tin rằng trong tất cả trường hợp khác dù nạn nhân có mờ ám đến đâu, thì tinh thần của Phi-lát cũng làm buồn lòng Đức Chúa Trời sao? Trong bức tranh ngày Đoán xét Cuối cùng của Chúa chúng ta, có một nét nổi bật ấy là mọi người đều kinh ngạc vi những lý do quyết định số phận họ. Những người đứng bên tay phải được kể là đã thấy Đấng Christ đói mà cho ăn, thấy Ngài khát mà cho uống, vân vân; và họ kinh ngạc hỏi Ngài, lạy Chúa chúng tôi đã thấy Chúa đói mà cho ăn, hoặc thấy Ngài khát mà cho uống khi nào? Cũng như thế, những kẻ đứng bên trái bị buộc tội là thấy Đấng Christ đói mà làm ngơ, và thấy Ngài khát cũng chẳng cho uống, vân vân; thì lại hỏi, lạy Chúa, chúng tôi đã thấy Ngài đói hoặc khát mà không cung cấp cho Ngài đầy đủ bao giờ đâu? Có lẽ bạn nghĩ rằng họ nói thế để che đậy tội lỗi mà họ ý thức được phải không? Hoàn toàn không. Họ rất thành thật ngạc nhiên về điều đó: Họ tưởng đã bị nhìn nhận sai lầm và sắp phải mang hình phạt về những tội mình không hề phạm. Họ chỉ biết rằng đã có đôi lúc lạnh nhạt, bỏ rơi vài đứa trẻ hoặc bà già không đáng nghĩ tới thôi. Nhưng Đấng Christ phán: Mỗi người trong số này đại diện cho ta và khi ngươi bỏ rơi hoặc gây đau đớn cũng ho họ chính là ngươi đã xử với ta vậy. Như thế, suốt đời có lẽ chính giờ phút cuối cùng này còn cao trọng và trang nghiêm hơn điều chúng ta có thể tưởng tượng hiện nay. Hãy xem chừng bạn đối xử với anh mình ra sao; biết đâu bạn đang đụng đến con ngươi mắt Đức Chúa Trời: Hãy cẩn thận, dù chỉ bất công đối với một đứa trẻ, có thể đến giờ phút chót bạn mới biết rằng mình đã làm nhục Đấng Christ.

II

Phi-lát đã phản nguyên tắc khi ông tuyên bố Chúa Jêsus vô tội mà vẫn ra lệnh đánh đòn Ngài. Tuy nhiên, ông tưởng sẽ có thể tiến tới đích cách an toàn. Chúng ta sẽ thấy ông đã thất bại hoàn toàn và cuối cùng gánh lấy đau đớn thảm bại. Nhiều cánh tay đã giang ra lúc ông tiến tới, vài cánh để cứu ông và vài cánh để đánh bại ông, nhưng chính bước khởi đầu tai hại mới là động lực chính đẩy ông vào hậu quả tàn khốc.

Bàn tay thứ nhất đưa ra chính là bàn tay yêu thương và giúp đỡ: Bàn tay của vợ ông. Bà sai người đến thuật lại cho ông giấc mơ của bà về Tù nhân của ông và cảnh cáo ông không được đá động gì đến “Người công bình đó”.

Có người cho rằng khó khăn ở đây là làm sao bà ta có thể biết về Đấng Christ được; nhưng thật ra chả có gì là khó khăn. Có thể là lúc Chúa Jêsus bị điệu đến Hê-rốt, Phi-lát đã vào trong kể lại vụ án đặc biệt này cùng những ấn tượng mà Chúa Jêsus đã để lại trong tâm trí ông. Lúc chồng đi ra, bà ta đã bước vào giấc ngủ với cơn mộng về vấn đề đó; vì Kinh Thánh chép rằng: “Hôm nay tôi đã bởi cớ người mà đau đớn nhiều trong chiêm bao”; và dĩ nhiên có rất nhiều lý do khiến một người buồn ngủ giữa ban ngày. Giấc mộng đã báo cho bà ta một nỗi lo sợ mơ hồ, và vì thế, bà mới sai người đến báo cho chồng hay.

Sự kiện này đã trở thành đề tài cho trí tưởng tượng của nhiều tín đồ và gây ra đủ thứ ức đoán thuyết. Tục truyền rằng vợ Phi-lát tên là Claudia Procula, mới nhập vào Do Thái giáo, vì các mệnh phụ ngoại bang thời đó vẫn gia nhập Do Thái giáo khi hoàn cảnh đưa đẩy Kinh Thánh Cựu ước đến tay họ. Giáo hội Hi lạp đã đi quá xa đến nỗi phong thánh bà ta, cho rằng bà đã trở thành một tín đồ Đấng Christ. Các thi sĩ và nghệ sĩ đã cố gắng tạo lại giấc mơ của bà. Có lẽ nhiều người vẫn còn nhớ bức tranh trong Hành lang Vàng (Doré Gallery) tại Luân Đôn. Bức tranh trình bày người đàn bà nằm mơ đang đứng tựa bao lơn nhìn lên một thung lũng dốc ngược chen chúc nhiều nhân vật. Đó là thung lũng của tháng năm hoặc thế kỷ, và những khuôn mặt chính là những thế hệ của Hội Thánh Đấng Christ chưa thành hình. Ngay trước mặt bà là hình ảnh Cứu Chúa vác Thập tự giá; sau lưng và quanh Ngài là mười hai sứ đồ cùng đoàn người vừa tin đạo qua lời giảng của họ; sau đám người này là Hội Thánh ở các thế kỷ đầu tiên với những giáo phụ nổi danh, Polycarpe và Tertullien, Athanasius và Gregory Chrysostome và Augustin; sau nữa là Hội Thánh Trung cổ với những nghi lễ uy nghi cùng những bộ chiến bào của đoàn Thập tự quân; tiếp theo là Hội Thánh hiện đại với các anh hùng; rồi đến từng đoàn và từng đoàn người không thể đếm được tiến tới làm thành những hàng ngũ rộng dần, rồi được cất lên bầu trời sáng chói và này, thiên sứ Đức Chúa Trời bay lượn trên và quanh từng từng lớp lớp người này; và chính giữa là thập tự giá mà Ngài đã mòn mỏi gánh chịu với bao phũ phàng nơi trần gian này, lúc đó được biến hóa chói lòa như vì sao.

Dĩ nhiên đó chỉ là tưởng tượng. Trong nỗi lo âu của thiếu phụ này cho số phận Kẻ Vô tội đây, chúng ta có thể tìm thấy vết tích công lý La-mã thời xưa còn vương lại trong lòng các mệnh phụ phu nhân như Volumnia và Cornelia chẳng hạn, mà tên tuổi họ đã điểm tô cho những dòng sử ban sơ của nữ giới. Đồng thời nỗi âu lo của người vợ muốn cứu chồng khỏi việc làm tội lỗi đã tôn bà lên hàng phụ nữ cao cả ở mọi thời đại như những thần hộ vệ luôn sát cánh bên chồng giữ người khỏi chìm đắm trong trần thế cùng chịu ảnh hưởng thô lỗ bởi cuộc sống thế tục, để cảnh cáo người đề phòng những định liuụ©tôi cao cả cùng quyền lực vô hình. Chúng ta không thể nghi ngờ về bàn tay của Đức Chúa Trời trong giấc mộng này đã giang ra cứu Phi-lát khỏi nẻo luân vong một ông đang lao mình vào.

III

Tuy nhiên, chính lúc đó lại có một bàn tay khác đưa ra; và nghĩ rằng nó sẽ cứu mình, Phi-lát vội bắt lấy, bỗng nhiên bàn tay lại đẩy ông ta vào vực thẳm. Đó là bàn tay của đám quần chúng Giê-ru-sa-lem hỗn loạn.

Mãi cho tới lúc này, diễn viên sân khấu nơi vụ án Đấng Christ vẫn tương đối ít ỏi. Chính quyền Do Thái đặc biệt muốn chấm dứt vội vã vụ án trước lúc quần chúng trong thành cùng đoàn người ngoại kiều dự Lễ Vượt qua tan hội họp. Vì thế, cuộc xử đã kéo dài suốt đêm và giờ đây vẫn còn tinh sương. Khi Chúa Jêsus được đưa sang Hê-rốt và về ngang qua đường phố với một số đông nhân vật tai mắt như thế, chắc hẳn đã khiến cho một số lớn tụ tập lại rồi. Nhưng bắt đầu từ đây, vô số người đổ xô về chứng kiến vụ án.

Theo phong tục của quan tổng đốc La-mã, vào sáng lễ Vượt qua, thường tha một tên tù. Vì thường ngày vẫn sẵn có hằng bao tù nhân chính trị, tức những kẻ chống nghịch ách La-mã đáng ghét cho nên chính vì lý do đó, đây là một đặc ân không thể bỏ qua được. Thế là, giữa lúc vụ án vẫn tiếp diễn ngoài trời, dân thành hỗn loạn ào ra các cổng dinh, và dọc đường phố hò hét đòi cho được món quà hàng năm của họ.

Đây là lần thứ nhất mà Phi-lát đáp lại nguyện vọng của họ, vì tưởng rằng với cách đó, ông có thể thoát khỏi nỗi khó khăn đang gặp. Ông đinh ninh thể nào mình cũng tha Chúa Jêsus cho họ, Đấng mà trước đó vài ngày là anh hùng của quần chúng, và hơn nữa là Đấng Mêsi mà họ đang mong đợi, chắc chắn Ngài sẽ là người đáng được thả hơn hết.

Thế nhưng đó là một hành động vô cùng bất công; vì trước tiên, có nghĩa là xem Chúa Jêsus như một người đã bị kết án rồi trong khi chính thành trước đó vài phút lại tuyên bố Ngài vô tội; sau nữa, có nghĩa là phó mạng sống kẻ vô tội cho một ức thuyết có thể là sai lầm, vì cớ thị hiếu của đám quần chúng hỗn loạn. Tuy nhiên, chắc hẳn Phi-lát cho thế là tốt vì thấu rõ thái độ của quần chúng, hơn nữa, đó là dịp tiện hiếm có để thoát nguy, bỏ qua rất uổng.

Thế nhưng tâm trí quần chúng lại hướng về một nhân vật tôn sùng riêng của họ. Đặc biệt tên người là Jêsus: “Jêsus Ba-ra-ba” là tên được ghi trên một vài trang những bản thảo giá trị nhất của sách Tin lành của thánh Ma-thi-ơ. Ông ta là “một tội phạm có tiếng” làm náo loạn trong thành, gây đổ máu và hiện đang bị tống giam với bọn đồng lõa người. Một tên côn đồ, nửa tướng cướp nửa cầm đầu phản loạn, là hình ảnh dễ in sâu vào trí tưởng tượng của quần chúng. Thế nhưng khi nghe Phi-lát đề nghị Chúa Jêsus, họ lại do dự; và Phi-lát hình như đã dẫn tên tù kia ra để so sánh rõ ràng hơn vì theo ông họ không thể do dự lâu nếu được dịp quan sát nét tương phản giữa hai người.

Nhưng phe Công hội đã lợi dụng khoảng ngắn ngủi này để thuyết phục quần chúng. Cần nhớ rằng quần chúng đây chẳng phải là đám người Giáo hội-li-lê đã từng hộ tống Chúa Jêsus vào thành cách khải hoàn mấy ngày hôm trước, nhưng chính là đám người Giê-ru-sa-lem hỗn loạn chịu ảnh hưởng của giới tôn giáo Do Thái. Lúc ấy, các thầy tế lễ cùng thông giáo trà trộn giữa họ và sử dụng đủ mọi thủ đoạn mưu kế mà họ có thể nghĩ ra. Có lẽ lời xúi giục hữu hiệu nhất của họ là rỉ tai quần chúng bảo rằng vì Phi-lát đã chọn Chúa Jêsus nên họ phải chọn người kia.

Nếu Phi-lát đã thật sự đặt cả hai Jêsus cạnh nhau thì cảnh tượng sẽ lạ lùng làm sao! Đằng kia là một kẻ phiêu lưu chính trị dính máu sát nhân; còn đây là Đấng Chữa lành và là Giáo sư, đã từng đi khắp đây đó làm việc thiện, là Con Người và Con Đức Chúa Trời. bây giờ các ngươi muốn ai – Jêsus hay Ba-ra-ba? Từ mười ngàn cuống cổ, tiếng hò hét vang lên: “Ba-ra-ba!”

Đối với Chúa Jêsus, điều đó hẳn phải mang một ý nghĩa! Họ là dân thành Giê-ru-sa-lem mà Ngài đã hằng mơ ước nhóm họp lại như gà mái túc con và che chở dưới cánh: họ là kẻ nghe lời Ngài, là đương sự của các phép lạ Ngài, là đối tượng của tình yêu Ngài; và họ yêu thích Ngài hơn là kẻ sát nhân cùng kẻ cướp.

Cảnh tượng này thường được dùng để minh chứng cho sự tự kết án chế độ dân chủ. Vox populi vox Die, nghĩa là “tiếng dân là tiếng Trời”. Kẻ dua nịnh chế độ ấy thường bảo thế; nhưng hãy nhìn kìa: Lúc phải lựa giữa Chúa Jêsus và Ba-ra-ba, quần chúng đã chọn Ba-ra-ba, nếu thế thì cảnh tượng này có tính cách quyết định chống nghịch lại với chánh thể quí tộc. Những thầy tế lễ, thầy thông giáo cùng kẻ quí tộc há biết cách cư xử hơn đám dân hỗn loạn sao? Chính nghe lời xúi giục của họ mà dân chúng đã lựa chọn.

Trên cả hai phương diện, công kích địch thủ bằng hàng động nhục nhã như thế thật là một lối chơi hèn kém. Tốt hơn nên học hỏi sự kính sợ thánh khiết trước cảnh tượng ấy đối với chính chúng ta. đoàn thể chúng ta và xứ sở chúng ta. Chúng ta phải thán phục điều gì? Phải theo ai? Phải tìm sự cứu rỗi ở đâu? Chắc chắn cũng có những vấn đề lớn lao đang chờ đợi chánh thể dân chủ trả lời. Chánh thể này sẽ chọn ai – nhà cách mạng hay là Đấng tái sanh người ta? Sẽ đặt tin cậy vào đâu – trí khôn ngoan hay là tâm tình ? Sẽ mang tinh thần nào – tinh thần của bạo lực hay của tình yêu? Sẽ dùng phương tiện nào – đi từ ngoài vào trong hay từ trong ra ngoài? Sẽ tìm kiếm cứu cánh nào – vương quốc của sự ăn uống hay là vương quốc công nghĩa, bình an và vui mừng trong Thánh Linh? Những câu hỏi đó không chỉ dành riêng cho chánh thể dân chủ. Mọi tầng lớp, mọi đảng phái, mọi thế hệ và quốc gia từng hồi từng lúc đều phải đối diện những vấn đề ấy. Và cả đến cá nhân cũng vậy. Có lẽ mọi lựa chọn lớn lao của cuộc đời cuối cùng rồi cũng thu gọn vào câu này? Jêsus hay là Ba-ra-ba?

IV

Đối với Phi-lát, sự lựa chọn Ba-ra-ba chẳng những chỉ là một kinh ngạc một còn là một tin sét đánh nữa. Bởi thế, ông nói: “Vậy còn Jêsus, thì ta sẽ xử thế nào?” Chắc hẳn ông mong họ đáp: Hãy giao Ngài cho chúng tôi luôn; và có thể lắm, ông sẽ vui lòng chấp nhận lời thỉnh cầu ngay. Thế nhưng, câu trả lời vang dội lại nhanh chóng như một dư vang: “Hãy đóng đinh Hắn!” Và đó lại là một mạng lệnh hơn là một lời yêu cầu.

Lúc ấy, ông mới nhận biết rằng điều mà ông tưởng là lối thoát lại chính là dây tròng thắt lấy cổ ông. Thật ra, ông có thể bảo cho họ biết rằng chỉ dành cho họ quyền ưu tiên cứu lấy một trong hai mạng sống thôi, chứ không được quyền giết người nào cả. Thế nhưng trên thực tế, ông đã để cho họ quyết định số phận cả hai tội nhân. Như thế, dẫu sao, quần chúng cũng đã giữ vai chính và ông ta không dám chống đối họ.

Tuy nhiên, ông bị xúc cảm sâu xa và đã hành động cách khác thường: Gọi mang lại một thau nước, rửa tay trước mặt họ và bảo: “Ta không có tội về huyết của Người Công nghĩa này, điều đó mặc kệ các ngươi” thật là một cử chỉ cảm động; tuy nhiên mối xúc động đó có vẻ quá giả tạo. Ông rửa tay lúc cần phải dùng đến nó triệt để. Và máu cũng không tuôn dễ dàng thế được. Ông không thể từ chối trách nhiệm và đổ lên kẻ khác. Những người làm việc công thường tưởng có thể hành động như thế: họ bảo rằng họ nhượng bộ áp lực của ý kiến chung, nhưng lại rửa tay từ chối hành động. Nhưng, cũng như Phi-lát, nếu địa vị đòi hỏi họ phải quyết định một mình chịu nhận lấy hậu quả thì tội ác về hành động trái lẽ của họ phải đổ trên họ và không thể chuyển sang cho ai được. Thật ra đây là tấm gương soi của các quan tòa, chỉ cho họ thấy rõ những ngõ tối họ có thể bị đẩy vào nếu chỉ biết tự đưa mình ra để làm công cụ không hơn không kém cho ý muốn của quần chúng. Phi-lát hẳn phải phản đối ý muốn quần chúng dù có gặp nguy hiểm đến đâu và phải khước từ thực hiện điều mình không đồng ý. Dầu sao điều đó vẫn bao hàm số phận hư mất của ông và đó là lý do chính giải thích hành động của ông.

Quần chúng thấy được chiến thắng, và muốn đáp lại thái độ bất mãn trịnh trọng của Phi-lát về án tử hình của Đấng Christ, liền hô to lên: “Xin huyết người lại đổ trên chúng tôi và con cái chúng tôi”. Phi-lát sợ hãi lầm lỗi nhưng còn họ thì không. Có lẽ bầu trời tối sầm lại trên đầu họ và đất rùng mình dưới chân họ khi nghe những lời này! Họ chưa kịp la lên những lời phạm thượng, tuy nhiên liên tiếp vì giận dữ và chỉ lo cho được đắc thắng trong chiến trận đã lao mình vào. Dầu sao, những lời họ thốt ra vẫn không thể chìm trong lãng quên tại vùng họ đã đi qua và đã xảy ra liền sau lời nguyền rủa của họ đã cầu xin đổ xuống trên thành cùng chủng tộc họ. Trong lúc đó, họ đã đạt đến đích: Ý muốn của Phi-lát bị hủy bỏ trước sự cố chấp khăng khăng của họ.