Trang Đầu | Mục Lục | << CHƯƠNG 6 | CHƯƠNG 8 >> | Hướng Dẫn

CHƯƠNG 7

MÃO GAI

Phi-lát đã thất bại trong cố gắng cứu Chúa Jêsus khỏi tay bọn nguyên cáo; và bây giờ ông không thể làm gì khác hơn là giao Chúa Jêsus cho kẻ hành quyết vì ít ra, đó cũng là những khổ hình mở đầu cho giai đoạn đóng đinh.

Bàn cãi nhiều về những đau đớn thể xác của Đấng Christ là một điều không thích hợp với tình cảm tín đồ hiện đại. Lúc trước cảm nghĩ của con người về vấn đề này rất là khác biệt: Các tác giả xưa như nhà thần bí Tauler chẳng hạn, từng khai triển từng chi tiết một và nói quá đáng đến nỗi trang sách tưởng chừng bị đẫm máu và đọc giả cảm thấy chán chường về sự rùng rợn. Chúng ta nên bỏ qua bớt những chi tiết ghê rợn hoặc chỉ bàn đến nếu thấy cần thiết để tìm hiểu tâm trạng Ngài và do đó, thấu rõ nỗi thống khổ thật của Ngài.

Tấm thân thánh khiết của Chúa chúng ta đã phải chịu bao nỗi ê chề tàn bạo trước khi gánh thêm những mũi đinh ghê rợn cúôi cùng trên thập tự giá. Trước hết là cơn thống hối của Ngài trong vườn. Rồi – chưa kể xiềng xích lúc Ngài bị bắt – tiếp theo là cái vả của đầy tớ thầy cả thượng phẩm. Sau khi bị giới đại diện tôn giáo kết án lúc giữa khuya, Ngài còn bị “nhổ vào mặt và đấm” vào người; lại có kẻ dùng tay vả lên mặt Ngài, bảo rằng: “Hỡi Đấng Christ, hãy nói tiên tri đi. Cho chúng ta biết ai đánh ngươi?” Vì thế, nỗi đau đớn thể xác ở phần này là giai đoạn thứ tư Ngài phải gánh chịu.

Trước hết, họ đánh đòn Ngài. Theo lệnh chủ là Phi-lát, bọn lính La-mã thi hành ngay, dù có thể lắm là quan tổng đốc đã rời khỏi nơi xét xử rồi. Có lẽ cảnh này đã xảy ra ngay trên bục đã dùng xử vụ án, trước mắt quần chúng. Nạn nhân bị lột hết quần áo, căng dọc theo một cây cột hoặc cúi cong lưng trên một trụ thấp, tay bị trói lại để không thể tự mình né lằn roi được. Dụng cụ tra tấn là một roi da có buộc sắt ở đầu hoặc là thứ roi gồm chín dây có gút cột chung vào một cán, có bọc sắt hoặc xương ở đầu dây. Chẳng những chỉ lằn roi cắt thịt làm tươm máu mà còn thường giết chết nạn nhân ngay tại trận. Vài người cho rằng Phi-lát có thể giảm bớt hoặc số lượng hoặc sức mạnh của lằn roi; thế nhưng mặt khác, kế hoạch muốn tha Ngài còn tùy thuộc cách ông thuyết phục cho dân Do Thái thấy rằng Ngài đã đau đớn quá nhiều rồi. Chính sự kiện Ngài không thể vác nổi thập tự giá đến nơi hành hình chắc hẳn là hậu quả của sự chịu đựng quá sức này; và đó là dấu hiệu chỉ mức độ đau đớn của Ngài cách chắc chắn chớ không phải do phỏng đoán.

Sau khi đánh đòn Ngài, bọn lính mang Ngài về nơi họ ở trong biệt thự và gọi cả đoàn đến xem. Như thế chứng tỏ họ nghĩ rằng Ngài đã bị kết án đóng đinh rồi; và hình như người nào bị xử án đóng đinh, sau khi bị đánh đòn, thường được giao cho quân lính chuyền từ người này sang người kia theo ý muốn, chẳng khác nào một thú săn, khi đã bị bắt, liền rơi vào tay bầy chó. Và thật ra, hình ảnh so sánh này quá chính xác; bởi cớ, như Luther đã nhận xét thời đó con người bị đối đãi không khác gì loài cầm thú ngày nay. Chúng ta không thể nào tưởng tượng làm sao cả đội lính chỉ tụ họp lại để đưa mắt thèm thuồng nhìn nỗi đau đớn của một con người và biến khổ nhục ê chề sang trò đùa tàn bạo như thế được. Thế nhưng, đó là mục đích của họ; và họ vui thích như đám học trò sung sướng nhìn nỗi kinh hãi của một con vật bị tra tấn vậy. Cần nhớ rằng những người này đã từng quen thuộc với cảnh đổ máu nơi chiến trường, chỉ thích thú khi nhìn các cuộc vui nơi đấu trường La-mã, nơi mà kẻ đấu gươm tàn sát lẫn nhau để tạo ngày hội La-mã.

Trò chơi của họ được lồng vào hình thức một buổi lễ gia miện giả để nhạo báng Ngài. Họ đã chứng kiến vụ án đầy đủ để biết rằng tội trạng của Ngài ấy là xưng mình là vua; và chính lời mạo nhận cao siêu của kẻ bề ngoài có vẻ hèn hạ, nghèo khổ càng dễ khiến họ chế giễu hơn nữa. Ngoài ra, có lẽ họ còn mỉm cười khinh bỉ khi nghĩ rằng một người Do Thái lại dám mơ tưởng đến ngôi cao sang của Sê-sa. Bọn lính ngoại quốc đồn trú tại Pha-lê-tin không ưa được những con người Do Thái xưa nay vẫn thật tình khinh ghét họ đến thế; và đó có lẽ là một khía cạnh lòng khinh bỉ họ đối với một người Do Thái ngạo mạn.

Họ đối xử Ngài như thể họ tin Ngài là vị vua thật. Vua phải nặc màu đỏ điều, vì thế lúc vớ ngay được chiếc áo choàn g của một nhân viên già bị sa thải từ lâu, họ liền khoác ngay lên vai Ngài. Rồi Vua cũng phải đội mão miện nữa. Thế là một tên chạy vào công viên trong khu biệt thự, bẻ vài cành cây hoặc từ một bụi cây nào đó. Tình cờ lại gặp phải cây có gai, nhưng không sao, lại càng hay nữa; rồi đem về bệnh theo hình mão miện và chụp lên đầu Ngài. Để đầy đủ hơn, cần phải tìm thêm cây gậy nữa. Không chút khó khăn, họ dúi ngay một khúc sậy vào tay phải Ngài. Như thế, họ đã sửa soạn xong một ông vua giả. Và rồi, như đã từng có dịp thấy dân chúng quì trước hoàng đế, thưa rằng: “Lạy vua Sê-sa! “ Họ cũng bắt chước nối đuôi nhau, cúi xuống trước mặt Ngài, nói: “Lạy Vua dân Do Thái!” Nhưng sau khi giả vờ trang nghiêm, họ quay lại nhạo cười và lấy cây sậy Ngài đã đánh rơi, đập vào đầu Ngài.Và, dù không dám lập lại, tôi vẫn phải thêm: Họ khạc nhổ trên mặt Ngài!

Cảnh tượng mới đau lòng làm sao! Có lẽ những kẻ vốn nghèo khổ hèn hạ bị thế lực áp bức sẽ thông cảm và thương hại kẻ đồng địa vị cũng bị gót giày bạo lực chà đạp như mình. Nhưng không có bạo tàn nào có thể so sánh với bạo tàn của bọn hầu hạ. Bản năng của họ ấy là mong ước được nhìn thấy kẻ khác bị hạ xuống thấp hơn chúng; và nhất là khi thấy kẻ mơ ước cao xa bị hạ xuống, chúng càng cảm thấy mừng quýnh lên. Đó chính là dục vọng căn bản chiếm hữu đáy lòng nhân loại; và đây là cơ hội mà cặn bả của cặn bả tâm tính con người được phơi bày lộ liễu hơn hết.

Tại sao Chúa Jêsus phải chứng kiến cảnh tượng này – phải chăng để nhìn tận mắt và tiếp xúc với chính thân vị của Ngài để không thể trốn tránh được? Ngài cảm thấy thế nào khi mang một quan thể nhạy cảm và tâm tình tế nhị mà phải rơi vào tay bọn người thô bạo tàn nhẫn như thế? Tuy nhiên, đó là điều cần thiết để Ngài có thể hoàn tất công việc Ngài đã đến thế gian để thực hiện. Ngài đã đến để cứu nhân loại – để bước xuống vực sâu thẳm nhất, tìm và cứu kẻ bị chết mất; vì thế Ngài phải làm quen với tâm tình loài người ở mức độ tồi tệ và trụy lạc cùng cực. Ngài là Cứu Chúa của những tội nhân xấu xa và hèn hạ như bọn lính này: và vì thế Ngài đã đến tiếp xúc với họ để xem họ như thế nào.

Trên đây tôi đã cố gắng lướt nhanh qua các chi tiết và có lẽ đọc giả cũng không thích tôi nói nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, nếu dừng lại tại đây một ít nữa để học hỏi, chắc sẽ có ích cho chúng ta rất nhiều.

Trước hết, qua lối cư xử của bọn hành hạ Chúa Jêsus, chúng ta hãy lưu ý đến cách lạm dụng một trong các quà tặng của Đức Chúa Trời nơi bọn người này. Từ đầu đến cuối, điểm nổi bật trong thái độ bọn lính La-mã ấy là lúc nào cũng biến việc làm mình thành trò vui chơi và cười đùa. Nụ cười là một quà tặng từ Đức Chúa Trời. Đó là một thứ gia vị Tạo hóa đã ban cho để nêm vào những món ăn tẻ nhạt trong đời sống thường ngày. Đó là một thứ ánh dương tô màu cho phong cảnh; nếu không, vạn vật sẽ buồn tẻ và u tối. Khả năng nhìn thấy được khía cạnh khôi hài của mọi sự giúp chúng ta trút bớt gánh nặng cuộc đời rất nhiều; và kẻ có tài tạo niềm vui vẻ chân thật và trong sạch có thể là ân nhân thật của đồng loại mình.

Tuy nhiên, vốn là một món quà từ Đức Chúa Trời, nụ cười vẫn thường bị lạm dụng hơn bất cứ một quà tặng nào khác và thường biến phước hạnh ra rủa sả. Khi nụ cười nhằm công kích những vật thiêng liêng cùng người thánh khiết; khi được dùng để giảm giá trị và hạ thấp những gì cao trọng cùng đáng kính; khi bị sử dụng làm khí giới tra tấn khuyết điểm cùng che giấu vẻ khinh bỉ – lúc đó, thay vì là lớp bọt trong mỗi ly giữa bàn tiệc cuộc đời, nụ cười trở thành chất độc giết người. Cái cười đã đưa bọn lính vào những hành động vô nhân đạo; nó che đậy không cho họ nhìn thấy bản chất thật của việc họ làm; và nó gây thương tích nơi Đấng Christ còn sâu hơn cả lằn đòn của Phi-lát.

Điểm thứ hai cần lưu ý ấy là Ngài bị chống đối vào lúc này được xem là ngược lại với vương tước làm Đấng Cứu chuộc của Ngài. Lần này khác hẳn với lần trước, khi Ngài bị lợi dụng sau cuộc xét xử của giáo hội. Tiếp theo là họ chế giễu chức vụ tiên tri của Ngài: “Khi đã bịt mắt Ngài lại, họ vả vào mặt Ngài bảo rằng, hãy nói tiên tri thử xem ai đã đánh ngươi.” Mặt khác, ở đây, sự chế giễu nhằm vào toàn thể sự kiện Ngài tự xưng là Vua, quân lính xem đó là một điều ngu xuẩn và đùa cợt khi thấy một người có vẻ hèn hạ, cô thế và yếu đuối như vậy lại dám nuôi những ước vọng cao xa đến thế.

Từ đó, lời tuyên bố của Đấng Christ cũng đã nhiều lần gây ra thái độ cười nhạo tương tự. Ngài là Vua muôn nước. Thế nhưng vua chúa cùng chính khách trần gian này đã chế giễu ý tưởng cho rằng mọi kế hoạch cùng tham vọng của họ đều bị ý muốn và luật lệ Ngài chi phối. Cả những nơi tự xưng là đã công nhận thẩm quyền của Ngài, dù chánh thể quí tộc hay dân chủ cũng vẫn chưa ý thức được re quyền lập pháp cùng phong tục của họ phải được qui định bởi lời Ngài. Ngài là Vua của Hội Thánh. Andrew Melville đã từng tâu với vua James rằng: “Tại xứ Tô Cách Lan có hai vua và hai vương quốc; đó là vua James, đứng đầu khối Thịnh vượng chung và Jesus Christ, Vua của Hội Thánh trong đó James VI là một công dân, và đối với vương quốc của Christ Jêsus, James VI không giữ địa vị một ông vua, hoặc lãnh Chúa hay nguyên thủ mà chỉ là một phần tử”. Toàn thể lịch sử Hội Thánh Tô Cách Lan là cả một cuộc tranh đấu dai dẳng để giữ vững lẽ thật này, nhưng cuộc tranh đấu cũng thường phải đương đầu với những chống đối gần như nhục nhã như tình trạng Chúa Jêsus đã gánh chịu nơi biệt thự Phi-lát. Điều quan trọng hơn hết là chấp nhận vai trò vương bá của Đấng Christ trong lãnh vực đời sống cá nhân, thế nhưng chính nơi này lại kháng cự ý chỉ Ngài mạnh mẽ nhất. Chúng ta trung thành với Ngài qua miệng lưỡi nhưng trong lãnh vực nào chúng ta mới thắnh được xác thịt cách toàn vẹn đến nỗi Ngài có thể định đoạt việc làm cùng thú tiêu khiển của chúng ta và dẫn dắt chúng ta trong cách sử dụng thì giờ, phương tiện và sức lực để địa vị Ngài được nổi bật qua đời sống chúng ta?

Bài học thứ ba ấy là nhận biết rằng những gì Chúa Jêsus gánh chịu lúc này đều vì cớ chúng ta.

Hình ảnh ăn sâu nhất trong trí tưởng tượng người tín đồ Đấng Christ trong bức tranh này, chính là mão miện bằng gai. Nó bao hàm một vẻ gì bất thường, và biểu lộ ý giỡn cợt cùng tài xảo của kẻ thô bạo. Hơn nữa, vì mọi người đều cảm biết gai đâm thể nào rồi cho nên chính mão gai đã đem chúng ta đến gần nỗi thống khổ của kẻ gánh đau thương hơn bất cứ một hình ảnh nào khác. Nhưng điểm chính yếu là biểu tượng của nó trong tâm trí tín đồ chúng ta. Khi A-đam và Ê-va bị đuổi khỏi vườn bước vào thế giới trống rỗng và đầy lao khổ, hình phạt họ phải chịu ấy là đất sẽ sanh gai cỏ và tật lê. Như thế, gai là dấu hiệu của nguyền rủa; nghĩa là bị đuổi khỏi sự hiện diện của Đức Chúa Trời và mang lấy mọi hậu quả buồn bã đau đớn. Và gai, nứt từ cành cây trơ trọi giữa trời đông, với hình dáng xấu xí đến ghê sợ, đâm dưới những hoa lá trong nắng hạ để gây thương tích những tay nào sờ tới, xé áo hoặc cắt thịt du khách len mình qua bụi rậm, đốt nóng da thịt mỗi khi xuyên vào được, há chẳng tượng trưng thích hợp cho khía cạnh cuộc đời kết hiệp với tội lỗi – khía cạnh lo âu, phiền muộn, đau đớn, thất vọng, bệnh tật và chết chóc sao? Nói tóm lại, gai tượng trưng cho rủa sả. Nhưng nhiệm vụ Đấng Christ là gánh chịu lời rủa sả và lúc đội nó trên đầu, chính là Ngài đã cất nó khỏi thế gian rồi. Ngài gánh tội lỗi và gánh sầu não chúng ta.

Vì sao ngày nay, khi nghĩ đến mão gai, không những chúng ta chỉ cảm thấy ghê sợ, cảm thương mà còn không nén được vui mừng nữa? Bởi vì, dù thô bạo như thế, lời đùa giỡn của bọn lính vẫn mang một ý nghĩa xứng hiệp với hành động họ; và dù được thể hiện qua tội lỗi, sự khôn ngoan họ cũng đã đạt đến mục đích nó. Có một số người vẻ mặt đẹp đẽ đến nỗi cả những y phục tồi tàn nhất khoác vào thân kẻ khác thì trông buồn cười và ghê tởm nhưng lại vẫn thích hợp với chính họ, và ngay đến những món trang sức tầm thường nhất, đặt lên người họ vẫn đầy vẻ quyến rũ hơn những người điểm trang trau chuốt nhất mà ít được người ta ưa chuộng. Cũng vậy, đối với Đấng Christ, dù những lời nhục mạ, cũng trở thành món trang điểm vẻ đẹp Ngài. Khi họ gọi Ngài là Bạn những kẻ thâu thuế và tội nhân, dù với tánh cách chế giễu, họ đã vô tình tặng cho Ngài một danh hiệu khiến hàng trăm thế hệ yêu mến Ngài; và khi đặt mão gai lên đầu Ngài, họ cũng không ngờ đã dâng lên Ngài vòng hoa thiêng liêng nhất do tay con người dệt nên. Trải qua suốt thời đại, Chúa Jêsus vẫn còn mãi mãi đội mão gai, và các môn đệ cùng người yêu Ngài không muốn Ngài đội một mão miện nào khác nữa.

Điểm thứ tư là từ cảnh tượng này, chúng ta rút ra được bài học về sự nhẫn nhục chịu khổ.

Tôi còn nhớ một bậc thánh mà tôi đã được đặc ân viếng thăm lúc khởi đầu cuộc đời mục sư. Dù nghèo khổ và thất học, bà là một người có quyền năng phi thường; những ý tưởng của bà thật là đặc biệt độc đáo và sự khôn ngoan bà vô cùng quyến rũ. Tuy chưa già bao nhiêu, bà biết rằng bà sắp qua đời và bịnh tình bà đang gánh chịu là một trong những chứng đau đớn nhất đối với con người. Tôi còn nhớm thường bảo rằng lúc cơn bệnh hành hạ đến cực điểm, bà nằm nghỉ đến cơn thống khổ của Cứu Chúa và tự nhủ rằng những cơn đau nhói này chưa thấm thía bằng những mũi gai đâm vào Ngài.

Cơn đau đớn của Đấng Christ dạy chúng ta về sự mềm mại và thoả lòng. Thật ra, hưởng những tiện nghi và lạc thú cuộc đời không có gì là sai lầm. Đức Chúa Trời đã ban chúng cho ta; và nếu nhận lấy với tấm lòng biết ơn, chúng ta có thể được kéo lại gần Ngài hơn. Thế nhưng, chúng ta lại thường quá kinh hãi lo mất chúng và quá sợ sệt rơi vào đau đớn và nghèo khó. Chúng ta phải trước nhất, để cho nỗi đau thương của Đấng Christ khiến chúng ta vững mạnh hầu có thể chịu đựng mọi sự đau đớn hoặc sỉ nhục chúng ta phải gặp vì danh Ngài. Nhiều người muốn làm tín đồ Đấng Christ nhưng thối lui trước quyết định vì sợ bạn hữu chê cười hoặc cảm thấy sẽ bị thua lỗ đối với thế gian này. Tuy nhiên, chúng ta không thể nhìn cơn đau thương của Cứu Chúa mà lại không thấy hổ thẹn cho những sợ hãi hèn nhát như thế. Nếu hiện nay mão gai Đấng Christ cũng trở thành mối kiêu hãnh và bài ca của loài người cùng thiên sự, bạn hãy tin chắc rằng mỗi cành gai trong mão mà có thể chúng ta sẽ phải đội một ngày nào đó, sẽ biến nên món trang điểm chói lòa nhất của chúng ta.