Trang Đầu | Mục Lục | << CHƯƠNG 7 | Hướng Dẫn

CHƯƠNG 8

THẢM BẠI CỦA PHI-LÁT

Chúng ta đã dừng lại khá lâu tại tòa án Phi-lát. Phi-lát đã giữ chúng ta lâu quá. Với cái liếc đầu tiên của vụ án, ông đã thừa rõ bổn phận của o. Thế nhưng, thay vì hành động tức khắc theo niềm xác tín của mình, ông lại trì hoãn. Một cử chỉ trì hoãn như thế ít khi mang lại kết quả tốt đẹp được. Phi-lát đã cho sự cám dỗ có đủ thì giờ tấn công ông. Thật ra, ông đã kháng cự; đã chiến đấu khổ nhọc và lâu dài; tuy nhiên chẳng thà trước đó ông đừng nhường dịp tiện cho nó và cuối cùng, ông đã ngã quỵ cách đau đớn.

I

Khi Phi-lát giao Chúa Jêsus cho người ta đánh đòn, chúng ta tưởng chừng như ông đã nộp Ngài cho thập tự giá; và dân Do Thái cũng chỉ có thể nghĩ như vậy vì đánh đòn thường thường đến trước giai đoạn đóng đinh. Dầu vậy, ông vẫn chưa rời bỏ ý nghĩ cứu Đức Chúa Jesus: Ông vẫn bí mật khăng khăng giữ ý định mình, đánh đòn rồi tha cho Ngài. Có lẽ, nếu ông đã đi vào trong đang khi Ngài bị đánh đòn thì chắc vợ ông đã khuyên ông cố gắng thêm vì cớ Người Công bình này rồi.

Dầu sao, ông đã bước ra sân khấu nơi dân Do Thái đang đứng, tuyên bố vụ án chưa chấm dứt; và lúc Chúa Jêsus bị đánh đòn xong, bước tới, ông quay lại chỉ vào Ngài, nói lớn với vẻ xúc động sâu xa: “Kìa xem Người này!”

Đó là một biểu lộ của lòng trắc ẩn(1) tự nhiên, một lời kêu gọi dân Do Thái ý thức tính cách vô lý phải kéo dài vụ án: Rõ ràng Chúa Jêsus chẳng phải là kẻ đúng như họ đã cố tình gán cho Ngài: dù sao Ngài cũng đã chịu đau đớn vừa đủ rồi.

Tuy nhiên, tâm trí người tín đồ Đấng Christ ở mọi thời đại vẫn cảm thấy một ý nghĩa sâu xa hơn chính Phi-lát định nói qua những lời này. Cũng như Cai phe đã thốt ra một lẽ thật cao cả hơn ông nhận biết khi bảo rằng thà một người cho cả dân tộc thì tốt hơn; cũng vậy lúc thốt ra lời này, quan tổng đốc không ngờ mình là một tiên tri. Và bao nhà truyền đạo thuộc thời đại kế tiếp cũng đã mượn lời này của ông, chỉ vào Chúa Jêsus, la lên rằng: “Kìa, xem Người này!” Các họa sĩ đã chọn chính giây phút này, khi mà Chúa Jêsus từ trong bước ra, máu chảy ròng ròng từ những lằn đòn tàn bạo, mình khoác chiếc áo đỏ điều và đầu đội mão gai, để vẽ chân dung của Thống-khổ-nhân (tức Người đau khổ) đồng thời phần lớn những bức tranh vô giá đều mang để tựa Ecce Homo.

Phi-lát đã thốt ra hai câu nói mà người đời sẽ không bao giờ quên được, đó là: Trước hết, câu hỏi: “Lẽ thật là gì?” Và sau là tiếng kêu: “Kìa, xem người này!” Câu hỏi “Lẽ thật là gì?” được đặt ra với tất cả tấm lòng nhiệt thành sâu xa muốn biết điều đó có nghĩa gì? Ai sẽ bày tỏ cho tôi về Đức Chúa Trời? Ai sẽ làm sáng tỏ sự hiện hữu huyền nhiệm này? Ai sẽ khải thị cho con người biết về số phận của họ? Và ngoài câu: “Kìa, xem Người này” còn có lời nào khác giải đáp được những thắc mắc trên chăng? Chính Ngài đã bày tỏ cho các con trai loài người mọi điều họ phải noi theo; cuộc đời Ngài chính là sự sống toàn hảo mà mọi cuộc đời khác phải khuôn rập theo; Ngài đã mở cánh cổng của bất diệt và phơi bày mọi bí mật trong thế giới bên kia. Và điều hệ trọng hơn điều ấy là chẳng những Ngài chỉ bày tỏ cho chúng ta biết cuộc đời hiện tại cũng như cõi lai sanh phải thế nào nhưng còn giúp chúng ta cách đạt đến lý tưởng nữa. Ngài không những chỉ là hình ảnh của toàn thiện mà còn là Đấng cứu người khỏi tội lỗi. Vì vậy, cả nhân loại cần phải quay lại với Ngài và “nhìn xem Người này”.

II

Phi-lát hi vọng cảnh đau thương của Chúa Jêsus sẽ lay chuyển được tấm lòng chai đá của bọn bắt vớ Ngài như đã từng xúc động chính ông cách sâu xa. Tuy nhiên, lời kêu gọi của ông lại được đáp ứng qua tiếng hò hét: “Hãy đóng đinh Hắn trên cây thập tự, hãy đóng đinh Hắn trên cây thập tự”. Dầu sao, cũng cần lưu ý rằng những tiếng kêu la tàn bạo này phát xuất từ “đám thầy tế lễ cả cùng bọn tôi tớ họ”. Đám thường dân cũng có vẻ xúc động: có lẽ họ sẽ nhượng bộ Phi-lát nếu bọn đầu não cho phép, nhưng đối với những trái tim cứng cỏi kia thì không gì lay chuyển được; thật ra cảnh máu chảy chi kích thích họ càng thêm và khiến họ cảm biết chắc chắn có thể đánh bại sự chống đối của Phi-lát nếu cứ khăng khăng giữ vững quyết định của họ.

Mất cả sáng suốt, Phi-lát giận dữ đáp: “Chính mình các ngươi hãy bắt mà đóng đinh người; bởi vì về phần ta, không thấy người có tội lỗi chi hết”; có lẽ ngụ ý rằng ông bằng lòng giao Tù nhân cho họ nếu họ chịu trách nhiệm về việc xử tử Ngài; nếu ông hiểu rõ ý nghĩa lời yêu cầu họ và biết chắc đó không phải chỉ là tiếng la ó phá rối.

Đoàn dân biết đây là giờ phút nghiêm trọng nên cuối cùng đã bày tỏ lý do lời yêu cầu đóng đinh Ngài như thế này: “Chúng ta có luật, chiếu theo luật đó Hắn phải chết; vì Hắn tự xưng là Con Đức Chúa Trời!”

Đây là nền tảng họ đã dựa về để kết án Ngài dù lâu nay họ vẫn che giấu. Họ không dám nhắc đến vì sợ Phi-lát sẽ nhạo cười. Thế nhưng, Phi-lát lại nghĩ khác. Suốt sáng hôm ấy, ông đã cảm thấy khó chịu rồi và càng nhìn thấy Chúa Jêsus, ông càng chán ghét vai trò của mình đang đóng. Nhưng lúc này khi nghe nhắc đến lời tự xưng Con Đức Chúa Trời của Ngài, ông sợ phải đi chọn một hình thức dứt khoát và kinh khủng. Tâm trí ông bỗng quay về với những câu chuyện do lời đồn đại về tôn giáo ngoại bang của ông, thuật rằng đôi khi các thần hoặc con trai các thần giả dạng hiện về dương gian này. Ai có liên can đến các thần này luôn gặp lấy tai họa; vì mỗi lần xúc phạm đến chúng, dù là vô ý, cũng bị chúng trả thù kinh khiếp. Phi-lát đã nhận rõ được một cái gì bí hiểm và không thể giải thích được trong con người Jêsus: nếu Ngài là con của Đức Giê-hô-va, thần bản xứ của Pha-lê-tin, như Castor và Follux là con trai Jupiter (Ngọc Hoàng) thì sao? Và nếu Ngài bị sỉ nhục, há Giê-hô-va lại chẳng có thể nguyền rủa kẻ phạm thượng đến Ngài sao? Đó là nỗi kinh hãi vừa lóe qua tâm trí Phi-lát; vì thế, ông dẫn Chúa Jêsus vào trong một lần nữa và hỏi Ngài với giọng vừa lo sợ vừa tò mò: “Ngươi từ đâu đến?”

Chúa Jêsus không trả lời, vẫn giữ vẻ im lặng oai nghi đã đánh dấu ba giai đoạn cuộc xử án Ngài. Trong thái độ qua cơn đau thương của Cứu Chúa, không còn gì là cao cả hơn là ba giây phút nín lặng này; tuy nhiên giữ được tâm trí theo ý muốn cũng không phải là chuyện dễ. Vì sao lúc này Chúa Jêsus nín lặng? Vài người bảo, vì không thể trả lời được. Ngài không thể nói có hoặc không; vì nếu bảo rằng Đức Chúa Trời là Cha Ngài thì Phi-lát sẽ hiểu sai nghĩa, tuy nhiên, để tránh, Ngài cũng không thể bảo Ngài chẳng phải là Con Đức Chúa Trời được bởi thế, làm thinh là hay hơn cả.

Dầu vậy, lời giải thích thật lại đơn giản hơn. Chúa Jêsus không đáp Ngài có phải là Con Đức Chúa Trời hay không, bởi cớ Ngài không muốn được thả ra vì lý do này. Ngài không muốn Phi-lát phóng thích Ngài chẳng phải với lý do Ngài là Con Đức Chúa Trời, nhưng là kẻ vô tội theo sự nhìn nhận chắc chắn của Phi-lát; và sự nín lặng của Ngài đã kêu gọi Phi-lát hành động theo sự nhìn nhận này.

Quan tòa kinh ngạc hơn bao giờ hết và cảm thấy hơi tức giận trước cách cư xử của Ngài. Ông nói, mặt đỏ bừng lên: “Ngươi chẳng nói chi với ta hết sao? Ngươi há chẳng biết ta có quyền buông tha Ngươi và quyền đóng đinh Ngươi sao?” Tội nghiệp cho người! người cần phải xét lại trước đó vài phút quyền của người lên tới đâu. Và quyền mà người khoe khoang đó là thứ quyền gì vậy? Ông nói nói ra vẻ như ta đây có trọn quyền tự do làm bất cứ điều gì mình thích. Thật ra không một quan tòa nào có thể tuyên bố như thế: Vì công lý đã tước mất quyền thi hành ý riêng bất công của ta rồi. Lúc này Chúa Jêsus mới trả lời với vẻ bình tĩnh cao thượng để nhắc nhở ông ta: “Nếu chẳng phải từ trên cao đã ban cho ngươi, thì ngươi không có quyền gì trên ta”. Ngài nhắc ông nhớ rằng quyền mà ông đang nắm giữ là do từ trên Trời ban cho, và vì thế, không được quyền sử dụng theo ước muốn riêng mà phải theo công lý. Dầu vậy, Ngài còn nói thêm: “Vậy nên, kẻ nộp Ta cho ngươi còn có tội trọng hơn nữa”. Ngài nhận biết rằng Phi-lát đang đứng trong địa vị phải xử vụ án: ông không tự ý xử như giới chính quyền Do Thái đã làm.

Như vậy, Ngài ý thức được mọi nỗi khó khăn trong địa vị quan tòa của ông ta và đã bằng lòng tha thứ mỗi lầm lỗi ông. Chính Ngài là kẻ trước đó vài phút, đã bị Phi-lát ra lệnh tra tấn. Còn có lòng nhân từ nào cao cả và vị tha như thế không? Còn có một cuộc chiến thắng những hờn oán và căm giận nào hoàn toàn hơn thế chăng? Nếu sự nín lặng của Đấng Christ là cao cả, thì khi Ngài mở miệng, lời nói Ngài cũng không kém phần cao cả chút nào.

III

Cảm biết lòng cao cả và rộng lượng của Tù nhân mình, Phi-lát bước ra đánh liều quả quyết phóng thích Ngài. Dân Do Thái đã đọc được thấy vẻ cương quyết ấy trên gương mặt ông ta. Cuối cùng, họ rút khí giới cuối cùn g ra, thứ khí giới xưa nay vẫn được trừ bị và có đủ khả năng dọa nhát Phi-lát: họ lăm le kiện ông lên hoàng đế; và đó là ý nghĩa tiếng kêu la của họ lúc này: “Ví bằng quan tha người này, thì quan không phải là trung thần của Sê-sa. Vì hễ ai tự xưng là vua, ấy là xướng lên nghịch cùng Sê-sa vậy?”

Một quan tổng đốc La-mã không sợ gì hơn là bị kiện cáo đến La-mã. Và trong trường hợp của Phi-lát, một cáo trạng với nhiều lý lẽ như thế chắc hẳn còn nguy hiểm hơn nhiều. Thời bấy giờ ngôi đế quốc do một nhân vật nghi ngờ hơn hết nắm giữ. Tiberius có vẻ thích sỉ nhục và làm tủi hổ kẻ thuộc hạ mình. Hơn nữa vào lúc này, ông lại là một con người đặc biệt nguy hiểm. Thân thể bịnh tật, hình phạt của một đời sống trụy lạc đã khiến ông buồn bực và dữ tợn; thật ra, ông chỉ hơn người điên một chút thôi – buồn bã, nghi ngờ và ranh mãnh hiểm độc. Chắc hẳn không một tội trạng nào sẽ khiến ông ta vui thích bằng tội mà họ định kiện Phi-lát. Khắp La-mã, ai cũng biết rằng dân Đông phương đang mong đợi một Đấng Mê-si; và quan tổng đốc nào bị cáo là ưu đãi hoặc làm ngơ trước một lời mạo nhận như thế chắc chắn sẽ bị triệu hồi, có thể là lưu đày và xử tử nữa, Amicus Caesaris, “bạn của Sê-sa” là một trong những chức tước mà một con người ở địa vị Phi-lát khao khát; hơn nữa, bị buộc tội là đã hành động không giống như bạn hữu với Sê-sa thì lại càng nguy hiểm biết bao nhiêu!

Tuy nhiên, vẫn còn một yếu tố khác nữa giúp cho chánh quyền Do Thái dọa nhát Phi-lát ấy là ông thừa rõ nếu đem đưa ra ánh sáng thì thế nào dân chúng cũng sẽ có nhiều điểm kiện cáo lối cai trị của o. Một điểm hay ở đây ấy là trong tác phẩm của một tác giả đương thời, có ghi lại nỗi lo sợ của Phi-lát trước cùng một sự ngăm đe như ở trường hợp này, như sau: “Ông sợ rằng nếu một phái đoàn Do Thái được gởi đến La-mã, chắc họ sẽ thảo luận về tất cả những chểnh mảng trong chính phủ của ông cùng là sự lạm thâu thuế má, xét xử bất công, hình phạt dã man”. Đó là đặc điểm cuộc đời quá khứ của Phi-lát, và lúc này, khi ông sắp sửa làm một việc nhân đạo và công bình, quá khứ đó đã ngăn trở ông. Không có gì có thể phá hỏng mạnh mẽ những quyết định đẹp đẽ cùng làm tê liệt những cố gắng cao cả bằng sức nặng chết chóc của những tội lỗi quá khứ. Những ai đã từng quen thuộc với những trang sử kín giấu và nhục nhã của loài người đều có thể quả quyết bảo rằng: Người sẽ không làm điều lành ngươi muốn, hay là: Ngươi sẽ làm điều dữ và ô nhục chúng ta sai bảo ngươi. Có những đoàn thể trong đó người ta không thể nói những lời đẹp đẽ, cao thượng mà người ta có thể nói ở nơi khác, bở cớ ngày nay có những người nhận biết mình đã sống mâu thuẫn với chính mình nhiều quá. Đều đã chê cười tư tưởng khoan dung vừa nẩy sanh trong óc ta, đã ngăn chặn lời nói cao đẹp trên đôi môi và đã làm bại xuội mọi nghị lực hoạt động của chúng ta đó là gì? Há chẳng phải là giọng thì thầm bên trong bảo ta rằng: “Hãy nhớ lần trước ngươi đã thất bại thế nào rồi sao? Và đó chính là sự ngăn trở của tội lỗi quá khứ”, nó không cho phép chúng ta làm điều lành mình muốn.

Thế nhưng, nếu một người đã lỡ sống một quá khứ gian ác rồi thì bây giờ phải làm gì? Phi-lát cần phải xử thế nào? Chỉ có một cách. Ấy là tập trung mọi phương pháp, sức lực, coi thường mọi hậu quả trong tương lai và tiến tới làm điều ngay thẳng. Chỉ cần một bước tiến trung thành với lương tâm, một lời xưng tội, trong phút chốc sẽ đánh bại được quyền năng của bạo lực và giải thoát được con người mê ngủ thoát khỏi ngục tù ô nhục của dĩ vãng.

Than ôi, Phi-lát lại không đủ sức làm điều đó. Vì cớ công bình, vì cớ một người Ga-li-lê đáng mến và vô tội nhưng vô danh và cô thế này, mà phải hầu tòa tại La-mã cùng nhận lất án tù đày, nghèo đói – con người của triết học thế gian này không thề nào vươn lên đến một cao độ như thế được. Người thuộc về thế gian và đã từng hô hấp bằng những đặc ân lạc thú cùng an ủi của nó từ lâu rồi nên khi nghe lời ngăm đe của dân chúng, người vội đầu hàng vô điều kiện.

Như thế, sự cương quyết và cuồng nhiệt của dân Do Thái đã chiến thắng. Phi-lát kháng cự nhưng buộc lòng phải nhượng bộ từng bước một. Ông muốn làm đều phải, cảm biết vẻ quyến rủ trong Jêsus và tức giận phải đi ngược lại lương tâm, nhưng dân chúng đã bắt buộc ông phải vâng phục ý muốn độc ác của họ. Tuy nhiên, lý do thật của thất bại ông vẫn nằm trong chính con người ông – trong cá tánh nông cạn và yêu mến thế gian đã được phơi bày tận gốc rễ trong cơ hội này.

IV

Còn vài điều nữa cần nhắc đến. Lúc ấy tâm trí Phi-lát trở nên điên dại và lòng đau đớn. Ông đã bị đánh bại và sỉ nhục, vì thế ông sung sướng nếu tìm được cách sỉ nhục lại địch thủ. Ông bước lên ghế quan tòa. “Tại nơi gọi là Ba-vê, một tiếng Hê-bơ-rơ gọi là Ga-ba-tha” – một hành động mà tôi cho là có ý nghĩa tương tự với thói quen của mọi quan tòa ngày nay trước khi tuyên bố án tử hình ấy là đội mũ đen lên đầu. Chỉ vào Jêsus, ông tuyên bố: “Vua các ngươi kia kìa!” như thế chẳng khác nào bảo rằng ông tin người này thật là Đấng Mê-si của họ – con Người đáng thương, thân thể đầy máu và bị ngược đãi này. Ông đang cố sức nhục mạ họ. Và ông đã thành công: họ phải đau đớn hô to: “Hãy trừ Hắn đi! Hãy trừ Hắn đi! Đóng đinh hắn trên cây thập tự đi.” Phi-lát hỏi: “Ta sẽ đóng đinh Vua các ngươi lên thập tự giá sao?” Giận dữ chúng đáp: “Chúng tôi không có vua nào khác, chỉ Sê-sa mà thôi”. Làm sao tưởng tượng được đại diện của một dân tộc “được nhận làm con nuôi, được vinh hiển cùng giao ước, được ban cho luật pháp, được đặc ân hầu việc Đức Chúa Trời cùng những lời hứa lại có thể thốt lên một lời như vậy!” Đó chính là họ đã khước từ quyền trưởng tử, đã rời bỏ địa vị của họ. Phi-lát thừa biết điều gì đã khiến họ hạ lòng kiêu ngạo để từ bỏ hy vọng tổ tiên họ và thừa nhận quyền hạn cua kẻ chinh phục; tuy nhiên buộc họ phải uống hớp đắng cay này cũng là một đền bù cho chén nhục nhã mà họ đã ép ông uống trước đó. Và ông vội chụp lấy lời họ ngay.

(còn tiếp...)