Dù ai trồng, ai tưới mặc dầu, thì cây lớn lên là bởi Đức Chúa Trời (I Cô-rinh-tô 3:6-8). Chúng ta yêu và có thể giúp bạn hữu mình nhiều điều, nhiều cách, nhưng điều tốt nhất, điều đáng làm nhất cho bạn hữu vẫn là cầu nguyện cho họ. Cầu nguyện cho bạn hữu là nài xin Đức Chúa Trời quan phòng đến họ, ban ơn dẫn dắt cuộc đời họ. Cầu nguyện cho bạn hữu cũng là cách bảo vệ và nâng cao tình bạn với họ. Phao-lô đã làm như vậy đối với bạn hữu của mình ở Hội Thánh Phi-líp:
“Lại điều tôi xin trong khi cầu nguyện ấy là lòng thương yêu của anh em ngày càng chan chứa hơn, trong sự thông biết và sự suy hiểu, để nghiệm thử những sự tốt lành hơn, hầu cho anh em được tinh sạch không chỗ trách được cho đến ngày Đấng Christ, được đầy trái công bình, đến bởi Đức Chúa Jesus Christ, làm cho sáng danh và ngợi khen Đức Chúa Trời” (Phil 1:9-11).
Trong lời cầu xin ở đây của mình, Phao-lô không cầu xin cho anh em mình được sức khỏe, được an ninh, được thịnh vượng, được phước lành...Nhưng điều ông nài xin Chúa cho họ là:
- Tình yêu của họ ngày càng chan chứa trong sự thông biết và suy hiểu
- Tình yêu của họ, dẫn họ đến một đời sống ngày càng kết quả.
I.TÌNH YÊU NGÀY CÀNG CHAN CHỨA
Sứ đồ Phao-lô viết:
“Xin cho lòng yêu thương của anh em càng ngày càng chan chứa hơn, trong sự thông biết và sự suy hiểu” (Phil 1:9).
Có hai điều trong lời cầu xin này:
- Xin cho lòng yêu thương của anh em ngày càng chan chứa hơn
- Xin cho lòng yêu thương của anh em song hành với thông biết và suy hiểu
1. LÒNG YÊU THƯƠNG CHAN CHỨA HƠN
Sứ đồ Phao-lô không cầu xin cho các bạn hữu của ông bắt đầu có tình yêu thương, họ đã có tình yêu rồi, họ yêu Chúa, yêu anh em mình, yêu tha nhân. Họ đã bày tỏ điều đó trong việc bênh vực và rao ra đạo Lành, trong việc lo tưởng đến anh em gần xa. Trong cảnh nghèo khó của chính họ, họ đã rải ra lòng rộng rãi: Chăm lo, giùm giúp các thánh đồ mọi nơi và cả chính Phao-lô nữa.
Phao-lô không cầu xin họ có tình yêu, nhưng xin cho tình yêu của họ ngày càng chan chứa hơn (Perisseúò), nghĩa là ngày càng rộng hơn, ngày càng sâu hơn, xin cho tình yêu của họ như dòng sông thiêng ra từ đến thờ mà tiên tri Ê-xê-xhi-en nói đến ngày càng nhiều nước, ngày càng đầy dẫy, ngày càng thâm sâu.
”Người dẫn ta sấn đến phía đông, tay cầm một cái dây, lấy dây đo được một ngàn cu-đê[1]: Người khiến ta LỘI qua nước, NƯỚC VỪA ĐẾN MẮT CÁ TA. Người lại đo một ngàn, và khiến ta LỘI qua nước, NƯỚC VỪA ĐẾN ĐẦU GỐI TA. Người lại đo một ngàn và khiến ta LỘI qua nước, NƯỚC ĐẾN HÔNG TA. Người lại đo một ngàn nữa, bấy giờ là một con sông, ta không LỘI qua được: Vì nước đã lên, ta PHẢI BƠI. (Ê-xê-chi-ên 47: 3-5).
Theo thời gian dòng sông ngày càng nhiều nước, ngày càng đầy dẫy, ngày càng thâm sâu. Trong bốn giai đoạn biến đổi thì ba trong số đó dòng sông còn cạn, người ta có thể dùng chân mình bước đi trong đó, chỉ đến giai đoạn cuối con người không thể đứng trên chân mình được, người phải bơi trên dòng yêu thương, dòng ân điển, dòng phước hạnh ấy...
Phao-lô cầu nguyện để tình yêu của anh em mình tại Hội Thánh Philip ngày càng chan chứa hơn: Yêu Chúa và dân sự Ngài, yêu những mảnh đời bất hạnh, yêu người gần, kẻ xa, yêu người thuận với mình và cũng yêu cả kẻ thù nghịch với mình. Làm điều tốt cho họ giống như Chúa Jesus yêu dấu của mình. Chúa Jesus xúc động khi nhìn đoàn dân tan tác, họ như bầy chiên không có người chăn, Ngài dạy đạo cho họ, Chúa Jesus đau lòng khi nhìn thấy người đàn bà góa ở Na-in mất đi người con trai một của mình, Ngài đã gọi người trai trẻ sống lại để trao người lại cho người mẹ góa đang khổ đau. Chúa cảm thương những mảnh đời bất hạnh: người mù, người phung, người câm điếc, người què...Ngài chữa lành cho từng người. Ngài công bố sự cứu rỗi cho Xa-chê khi Xa-chê biết sự sai trật của mình mà ăn năn, Ngài xin Cha tha thứ cho kẻ đóng đinh mình trên cây thập tự với lý do họ không biết việc họ làm là gì. Ngài luôn có lý do để tuôn đổ tình yêu diệu kỳ của Ngài.
2.TÌNH YÊU SONG HÀNH VỚI THÔNG BIẾT VÀ SUY HIỂU
“...chan chứa hơn trong sự thông biết và suy hiểu”.
Phao-lô cầu cho tình yêu của bạn hữu mình tại Phi-líp là tình yêu chan chứa (Perisseúò) [2] hơn: là tình yêu như nước cuồn cuộn, như nước dâng cao, như nước tràn đầy.
Tuy nhiên ở đây ông còn xin thêm cho tình yêu ấy được song hành với sự thông biết và suy hiểu. Tình yêu sung mãn, cuồn cuộn, dâng cao, trần đầy, nhưng phải sung mãn, cuồn cuộn, dâng cao, tràn đầy BÊN TRONG HAI BỜ CỦA DÒNG NƯỚC: Tình yêu chan chứa phải song hành với sự thông biết (tri thức), đồng thời cũng phải song hành với sự suy hiểu (thông tuệ). “THÔNG BIẾT” và “SUY HIỂU” phải làm nên hai bờ vững chắc để cho dòng sông tình yêu tuôn chảy.
Cần đến hai bờ vì rằng: Dòng nước cuồn cuộn, đầy dẫy, dâng cao, một khi vượt qua đôi bờ dễ lắm trở thành cơn lụt gây hại, cơn lụt làm chết người.
Thông biết (Epignosis) là nhận thức, là hiểu biết, là điều có được khi con người tiếp xúc với một đối tượng khả giác, hoặc suy nghĩ về một đối tượng khả niệm, để rồi chuyển hóa các thuộc tính của đối tượng thành những thông tin lưu giữ trong kho tri thức của mình. Thông biết và suy hiểu liên quan chặt chẽ với nhau. Nếu thông biết (Epignosis) là sỡ hữu thông tin, thì suy hiểu (Asisthesis) là khả năng áp dụng tri thức, là khả năng hình thành một quyết định khôn ngoan từ kho tri thức đã có.
Thông biết mà không có tình yêu thì vô ích:
“Vì dù tôi được ơn nói tiên tri, cùng BIẾT ĐỦ CÁC SỰ MẦU NHIỆM VÀ MỌI SỰ HAY BIẾT, dù tôi có cả đức tin đến nỗi dời núi được, NHƯNG KHÔNG CÓ TÌNH YÊU THƯƠNG THÌ TÔI CŨNG CHẲNG RA GÌ” (I Cô-rinh-tô 13: 2).
Ngược lại, tình yêu không có thông biết thì mù quáng:
“Thông biết” mà Sứ đồ Phao-lô dùng trong Phi-líp 1:9 là “Epignosis”[3] chỉ về tri thức thuộc linh, tri thức thuộc về Đức Chúa Trời, thay vì “Gnosis”[4] là tri thức theo nghĩa tổng quát.
Tình yêu phải song hành với thông biết (Epignosis) và suy hiểu (Asisthesis) được ban cho bởi Đức Chúa Trời, để phân biệt thật giả: Đâu là chân lý? Đâu là tà giáo? Đâu là lời dạy của Đức Chúa Trời? Đâu là cám dỗ của Satan? Người tin Chúa vốn biết Chúa và yêu Chúa, nhưng tình yêu ấy cần song hành với thông biết và suy hiểu để biết ngày càng rõ hơn, sâu hơn về bản thể Ngài, về phẩm đức Ngài, về quyền năng Ngài, và về tình yêu Ngài, những hiểu biết đó có được do chuyên tâm trong cầu nguyện, do chuyên tâm trong suy gẫm Lời Chúa và do chuyên tâm trong việc làm theo Lời:
“Vì Lời Chúa sắc hơn gươm hai lưỡi, thấu vào đến đỗi chia hồn, linh, cốt, tủy, xem xét tư tưởng và ý định trong lòng. Chẳng có vật nào được giấu kín trước mặt Chúa, nhưng thảy đều trần trụi và lộ ra trước mặt Đấng mà chúng ta phải thưa lại” (Hê 4:12-13).
Khi Chúa Jesus hỏi các môn đồ rằng: Người ta nói ta là ai? Phi-e-rơ, bởi yêu Chúa trả lời
“Chúa là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời hằng sống” (Ma-thi-ơ 16:16).
Nhưng liền đó khi Chúa bày tỏ rằng Ngài sẽ lên thành Giê-ru-sa-lem để chịu bị bắt bớ chịu đánh đập, sỉ nhục và chịu chết, Phi-e-rơ, cũng bởi yêu Chúa, nói với Chúa rằng:
“Đức Chúa Trời nào nỡ vậy, việc ấy không xảy đến cho Chúa đâu” (Ma-thi-ơ 16: 22)
Bởi yêu Chúa, nhưng câu xưng nhận đầu của Phi-e-rơ được Chúa khen rằng:
“Không phải thịt và huyết mà tỏ cho ngươi biết việc này đâu, bèn là cha ta ở trên trời vậy (Mat 16:17).
Cũng bởi yêu Chúa, nhưng ở lần sau, Chúa quở trách Phi-e-rơ rằng:
“Ớ Satan, hãy lui ra đằng sau ta, ngươi làm gương xấu cho ta: Vì ngươi chẳng nghĩ đến việc của Đức Chúa Trời, nhưng chỉ nghĩ đến việc người ta” (Ma-thi-ơ 16:23).
Lần đầu là tình yêu được hướng dẫn bởi thông biết và suy hiểu đến từ Đức Chúa Trời, nhưng ở lần sau, tình yêu trở thành mù quáng, bởi sự lừa dối của Satan.
Cũng bởi đó mà Phao-lô cầu xin Chúa cho bạn hữu mình tại Phi-líp rằng: Xin cho tình yêu của anh em ngày càng chan chứa hơn trong sự THÔNG BIẾT VÀ SUY HIỂU”
II.TÌNH YÊU DẪN ĐẾN ĐỜI SỐNG NGÀY CÀNG KẾT QUẢ
Sứ đồ Phao-lô viết tiếp:
“... để thử nghiệm những sự tốt lành hơn, hầu cho anh em được tinh sạch , không chỗ trách được cho đến ngày Đấng Christ, được đầy trái công bình, đến bởi Đức Chúa Jesus Christ, làm cho sáng danh và ngợi khen Đức Chúa Trời” (Phi-1:10-11)).
1.KẾT QUẢ CHO CHÍNH MÌNH
Thử nghiệm (Dokimazo) là xem xét, tìm tòi để nhận ra điều cần tìm kiếm. Một khi tình yêu song hành với thông biết và suy hiểu, thì tình yêu đó luôn dẫn đến việc tìm kiếm những quả lành cho cuộc đời: Kết quả đó trước hết đem đến ích lợi cho chính đời sống cá nhân chúng ta và sau đó còn làm sáng danh và ngợi khen Đức Chúa Trời.
Thông biết và Suy hiểu giúp chúng ta thử nghiệm và tìm ra được: “Những sự tốt lành hơn” (Diaphérò)[5] để sống với “những điều tốt lành (tuyệt hảo) hơn đó: “những điều tốt lành hơn ở đây là: “tinh sạch”, “không chỗ trách được” cho đến ngày Đấng Christ.
- TINH SẠCH mang ý nghĩa là không cáu cặn, không pha trộn những điều ô uế.
Tình yêu được xem là tinh sạch thì không lẫn lộn trong đó dục vọng ích kỷ, không để cho giận dữ, thù ghét, ganh tỵ làm ô nhơ tấm lòng. Tình yêu được xem là tinh sạch thì thành thật, không giả hình, không hai mặt trong cuộc sống, không thể trông đạo mạo, hiền lành trong những ngày Chúa nhật, nhưng luông tuồng trong những ngày khác. Tình yêu tinh sạch ở đây còn có nghĩa là tình yêu đã được tinh luyện qua các thử thách trên đường theo Chúa, giữ được lòng trung trinh và sự kính sợ đối với Đức Chúa Trời.
- KHÔNG CHỖ TRÁCH ĐƯỢC
Một người, gọi là “không chỗ trách được”, khi người chung quanh không thấy trong họ có gì sai trật, họ không làm gương xấu cho người nào cả. “Không chỗ trách được” còn có ý nghĩa quan trọng hơn, đó là: vừa lòng Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời nhìn vào đời sống một người, và thấy đó là một đời sống tốt lành vừa lòng Ngài.
Sứ đồ Phao-lô dùng từ Aproskopos (trong Phi-líp 1:10) để diễn tả sự vật là “không chỗ trách được” là vừa lòng Đức Chúa Trời, trong khi đó ông dùng từ Amemptos (Trong Phi-líp 2:15 và Phi-líp 3:6) để chỉ sự vật “không chỗ trách được” trước mặt người ta
- CHO ĐẾN NGÀY ĐẤNG CHRIST
Muôn vật đều hướng về Ngày của Đấng Christ, ấy là Ngày Chúa Jesus trở lại đặng đoán xét kẻ sống và kẻ chết: Ngày chủ mùa gặt đốt cỏ lùng trong lửa không tắt và thâu trữ lúa mì vào kho, đó là ngày mà kẻ này thì được vào trong sự vui mừng của Chúa, còn kẻ kia thì vào trong hình án đời đời. Tình yêu song hành với thông biết và suy hiểu là điều được Sứ đồ Phao-lô cầu xin cho tín hữu Phi-líp, tình yêu ấy là tình yêu vượt qua được thử nghiệm. Người có tình yêu song hành với thông biết suy hiểu, là người bởi ơn thương xót của Chúa, họ chọn cho mình: “Sự tốt lành hơn” để sống đời sống “tinh sạch, không chỗ trách được” . Người như vậy, chuẩn bị không chỉ cho hôm nay, nhưng đã sẵn sàng cho ngày cuối rốt.
2.LÀM SÁNG DANH VÀ NGỢI KHEN ĐỨC CHÚA TRỜI
...được đầy trái công bình, đến bởi Đức Chúa Jesus Christ, làm cho sáng danh và ngợi khen Đức Chúa Trời”.
Tình yêu song hành với thông biết và suy hiểu đem đến cho con người: “sự tốt lành hơn”hầu cho chúng ta không chỉ được tinh sạch, không chỗ trách được, mà còn được đầy trái công bình bởi Đức Chúa Jesus Christ.
ĐẦY DẪY TRÁI CÔNG BÌNH
Mọi phẩm hạnh tốt đẹp chúng ta có được đều ra từ Đức Chúa Jesus Christ. Chúa phán:
“Ta là gốc nho, các ngươi là nhánh: Ai ở trong ta thì sinh ra lắm trái” (Giăng 15:5).
Nhánh nho ra những trái thơm ngon khi nhánh còn gắn với gốc, còn nhận mủ nhựa từ gốc. Cơ đốc nhân chỉ trở nên ngọt ngào, ích lợi cho đời khi gắn mình với Ba Ngôi Đức Chúa Trời
Con người không thể tự ra trái giống như trái của Chúa được. Chúng ta không thể ra trái yêu thương, khi lòng chúng ta ta đầy tràn hận thù, ghen ghét, chúng ta không thể ra trái vui mừng, bình an khi chúng ta dựa vào sức mình chạy theo dục vọng đời này, chúng ta không thể ra trái nhịn nhục, nhơn từ, hiền lành với kẻ thù trên đường đời chúng ta, chúng ta không thể ra trái mềm mại, trung tín với người lân cận và cũng không thể ra trái tiết độ trong sinh hoạt của chính cuộc sống mình. Những trái tốt lành mọc ra trên đời sống cơ đốc nhân là trái Thánh Linh.
Đức Chúa Thánh Linh bước vào đời sống con cái Chúa và chăm bón tấm lòng con cái Chúa để tấm lòng đó, con người đó trổ hoa, kết trái tốt lành cho Chúa. Chúng ta chỉ có thể kết quả tốt lành: yêu thương, vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhơn từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ, khi chúng ta bằng lòng đặt mình trong cánh tay yêu thương của Đức Chúa Jesus Christ. Phải là một nhánh, gắn vào gốc vững chãi là Ngài: Cứu Chúa yêu dấu của chúng ta,
[1] Cu-đê hay cubit tương ứng với độ dài 45 cm
[2] Lê Hoàng Phu Thánh Kinh Phù Dẫn, Nhà in Tin Lành Sài Gòn 1971, 200
[3] Lê Hoàng Phu, sdd, 897
[4] Lê Hoàng Phu, sđd, 897
[5] Những sự tốt lành hơn: Nguyên văn là những điều tuyệt hảo, Lê Hoàng Phu, Thánh kinh Phù dẫn, Nhà in Tin Lành Sài Gòn, 1971, 695