Kinh Thánh: Gia-cơ 4:13-17
Câu gốc: Cho nên, kẻ biết làm đều lành mà chẳng làm, thì phạm tội (Gia-cơ 4:17).
Benjamin Franklin đã nói, Một vật bé nhỏ bị sao lãng có thể sanh ra mối nguy hại vĩ đại, một cây đinh trong chiếc giày của móng ngựa bị mất; có thể cả một chiếc móng của chân ngựa bị mất, và người cưỡi ngựa bị mất đi thăng bằng, kẻ thù tấn công đến bất thình lình người kị sĩ có thể bị kẻ thù giết. Tất cả vật nhỏ điều quan trọng như cây đinh dưới móng ngựa. Một lỗ thủng trên chiếc tàu không sửa lại, có thể chìm cả một con tàu to lớn.
Tôi xin phép đưa ra Mười lý do sao lãng sau đây có thể đem đến mối nguy hại trong gia đình quí vị.
I. SAO LÃNG ĐỌC KINH THÁNH
Tất cả con cái Chúa nên có Kinh Thánh- có Kinh Thánh không phải để phô trương là mình có Kinh Thánh, hoặc chỉ đọc trong ngày Chúa nhật, hay khi chụp hình ôm cho đẹp. Nhưng mục đích có Kinh Thánh để đọc nghiên cứu Lời Chúa. Nếu chúng ta yêu mến và tôn kính lời Chúa, thì chúng ta sẽ được phước. Lời Kinh Thánh dạy, Vì, nếu có kẻ nghe lời mà không làm theo, thì khác nào người kia soi mặt mình trong gương, thấy rồi thì đi, liền quên mặt ra thể nào (Gia-cơ 1:23-24). Quí vị trước khi đi đâu có ai không soi gương sửa soạn trước khi ra khỏi nhà không?
II. SAO LÃNG SỰ CẦU NGUYỆN
Mỗi ngày gia đình nên hiệp lại cầu nguyện chung với nhau hoặc mỗi người nên cầu nguyện riêng. Cầu nguyện là bày tỏ sự kính yêu Chúa, xưng tội, biểu lộ sự cảm tạ và cầu thay cho nhau. Ngày nay chúng ta thấy nhiều Hội Thánh được thành lập lâu năm, nhưng Hội Thánh không thể phát triển vì chúng ta thiếu sự cầu nguyện. Chúng ta nhớ lại khi dân Y-sơ-ra-ên đi trong đồng vắng 40 năm Đức Chúa Trời ban cho Ma-na, Ngài bảo dân sự lượm mỗi ngày đủ ăn thôi, không thể để dành qua ngày sau. Để qua hôm sau Ma-na sẽ biến thành sâu bọ. Ý nghĩa này dạy dỗ con dân Chúa, mỗi ngày phải cầu nguyện, chúng ta không thể cầu nguyện hôm nay để dự trữ cho ngày mai.
III. SAO LÃNG SỰ THỜ PHƯỢNG
Sự đầu tư tốt nhất trong gia đình tín đồ Cơ-đốc là để thời giờ đi thờ phượng Chúa. Không có đầu tư nào có giá trị lâu dài bằng để thời giờ thờ phượng Chúa. Cha mẹ nên làm gương và hướng dẫn cho con cái mình kính sợ Chúa và yêu Hội Thánh. Đừng bắt ép con cái đi nhà thờ; nhưng hãy hướng dẫn chúng và làm gương cho chúng. Lời Chúa dạy: Chớ bỏ qua sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm, nhưng phải khuyên-bảo nhau, và hễ anh em thấy ngày ấy hầu gần chừng nào, thì càng phải làm như vậy chừng nấy (Hê-bơ-rơ 10:25).
IV. THỜ Ơ TRONG MỐI THÔNG CÔNG
Mỗi con cái Chúa nên bộc lộ mối thông công với anh em trong Hội Thánh. Thông công bằng cách giúp đỡ lẫn nhau, chia sẻ khi anh em gặp thử thách. Kẻ mạnh giúp đỡ kẻ yếu, nâng đỡ đức tin trên bước đường hầu việc Chúa. Cuộc thăm dò dư luận của viện Gallup vài năm trước đây nói rằng theo những người không đi nhà thờ, họ phát biểu rằng nhà thờ là nơi nhàm chán nhất. Vì Hội Thánh thiếu sự thông công và thiếu yêu thương.
Chúa Jesus đã thu hút các đám đông bằng cách yêu thương tội nhân và thích dành thời giờ thông công và chuyện trò với họ. Qua bốn sách Phúc âm, chúng ta biết rõ rằng Chúa Jesus thích ở với người bịnh, sầu thảm, cô đơn, nghèo hèn, hơn là ở với những lãnh đạo tôn giáo là những người Pha-ri-si. Dân chúng nhận thấy rằng Ngài thích ở với họ, và chúng ta biết trong Kinh Thánh chép ngay cả những đứa trẻ cũng muốn ở bên cạnh Ngài. Điều đó cho chúng ta thấy Ngài là người yêu thương, quan tâm, gần gũi với những người chưa tin Đức Chúa Trời. Hội thánh hãy bày tỏ sự thông công và yêu thương anh em mình, đây chính là chìa khóa để tăng trưởng Hội Thánh, mà chúng ta hay xem thường nhất.
V. THỜ Ơ VỚI NGƯỜI LÂN CẬN MÌNH
Ở bất cứ nơi nào trên thế giới cũng vậy, người sống có cộng đồng, có hàng xóm. Vì họ là người lân-cận của chúng ta. Trong Kinh Thánh Chúa Jesus kể chuyện người Sa-ma-ri nhơn lành (Lu-ca 10:25-37) ý nghĩa sâu xa hơn nữa mà Chúa dạy chúng ta, dù người Sa-ma-ri là khách đi đường ông không quen, không biết người bị cướp là ai, ông dùng con vật đang cỡi đưa người bị kẻ cướp đánh nửa sống nửa chết đến quán trọ, ông trả tiền nhờ chủ quán săn sóc người ấy. Người Sa-ma-ri ấy Chúa gọi ông chính là người lân-cận. Người lân-cận không phải sống gần chúng ta thôi đâu, họ chính là người khách lạ, người góa bụa, kẻ mồ côi, là lân cận của chúng ta.
Là con cái trong Chúa chúng ta hãy xin Ngài ban cho, giàu lòng yêu thương, quan tâm giúp đỡ người quanh ta đây chính là cơ hội chúng ta bày tỏ tình yêu thương của Chúa đến đồng bào chúng ta.
VI. THỜ Ơ TRƯỚC SỰ CÔ ĐƠN VÀ ĐAU KHỔ CỦA ĐỒNG LOẠI
Chúa Jesus cảnh cáo người nghe lời dạy của Ngài mà không làm theo, gì mê đắm của-cải thành ra bị nghẹt-ngòi không có kết quả cho nhà Chúa. Trong Ma-thi-ơ Chúa thí-dụ người gieo giống hạt giống rơi vào bụi gai tức là kẻ nghe đạo; mà sự lo lắng về đời nầy, và sự mê-đắm về của cải, làm cho nghẹt-ngòi đạo và thành ra không kết quả (Ma-thi-ơ 13:22).
Hội Thánh là một đại gia đình còn quan trọng hơn bất kỳ một tổ chức nào khác. Chúng ta thấy ngày nay con số kỷ lục những người Mỹ độc thân. Vance Packard gọi nước Mỹ là nước của những người xa lạ. Vì vậy, chúng ta đang trải qua cơn đại dịch cô đơn trong xã hội. Một cuộc điều tra của viện Gallup đã cho biết rằng 4 trong số 10 người Mỹ cho biết rằng họ thường xuyên cảm thấy cô đơn cùng cực. Trên thực tế người Mỹ là những người cô-đơn nhất thế giới.
Sự cô đơn của người Việt Nam sống ở hải ngoại, nhứt là tại Hoa kỳ những người lớn tuổi không biết lái xe, không nói tiếng Anh được, khổ sở vô cùng.
VII. SAO LÃNG DÂNG HIẾN MỘT PHẦN MƯỜI
Kể từ ngày tôi tốt nghiệp trường Kinh Thánh tại New York năm 1997 đến nay, tôi đã hầu việc Chúa được 6 năm. Xét lại tôi chưa bao giờ giảng đặc biệt và nhấn mạnh sự kêu gọi Hội Thánh dâng phần mười tiền lương của mình cho Chúa. Mặt dầu tôi và những con cái Chúa trong Hội Thánh vẫn trung tín dâng phần mười cho Chúa. Hôm nay tôi bày tỏ cùng Hội Thánh và quí vị về phước hạnh của sự dâng một phần mười. Chúng ta thấy xuyên qua những tấm gương dâng hiến phần mười của Áp-ra-ham, I-sác, và Gia-cốp. Tấm lòng dâng hiến rộng rãi của vua Đa-vít trong công việc xây cất đền thờ Giê-ru-sa-lem, đã để lại cho chúng ta tấm gương sáng về sự dâng hiến.
VIII. SAO LÃNG NGỢI KHEN VÀ CẢM TẠ CHÚA
Có câu chuyện kể lại, một nhân viên ngân hàng. Mỗi bữa ăn ông và vợ thường nhắc các con trong gia đình cầu nguyện cảm tạ Chúa. Vì Chúa ban cho những người làm nông được mưa thuận gió hòa, làm ruộng trúng mùa, họ bán thực phẩm cho gia đình ông bà nên họ có thức ăn hàng ngày. Chúng ta hãy cảm tạ vì Chúa ban cho chúng ta đồ ăn đủ ngày.
IX. SAO LÃNG TRONG NGÀY THÁNH NHẬT
Ngoài phần mười tài chánh Chúa bảo chúng dâng cho Ngài, Chúa còn muốn chúng ta dâng cho Chúa 1 ngày nghỉ trong bảy ngày để thờ phượng Chúa, đây là ngày bồi bổ tâm linh. Con người không chỉ sống nhờ bằng vật chất, tiện nghi, bằng thức ăn. Nhưng còn sống như Lời Chúa phán Người ta sống chẳng phải nhờ bánh mà thôi, song nhờ mọi lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 4:4).
X. CHỚ BỎ QUA NGUỒN PHƯỚC TỪ ĐỨC THÁNH LINH
Đức Thánh Linh là một ngôi vị Đức Chúa Trời được cử đến để sống trong tín đồ, Ngài dắt dẫn và ban quyền năng cho con cái Chúa, và thuyết phục thế gian về tội lỗi, về sự công bình và về sự phán xét.
Lời Chúa trong Gia-cơ phán rằng: Ví bằng trong anh em có kẻ kém khôn ngoan, hãy cầu xin Thần Linh Chúa, là Đấng ban cho mọi người cách rộng rãi, không trách móc ai, thì kẻ ấy sẽ được ban cho (Gia-cơ 1:5).
KẾT LUẬN:
Qua mười điều trong sứ điệp này, tôi ước ao quí vị hãy thực hành. Tôi tin chắc Chúa sẽ ban phước trên gia đình quí vị, và Hội Thánh quí vị. Cầu xin Chúa Cứu Thế Jesus ban phước trên quí vị một mùa Tạ Ơn và một mùa Giáng Sanh vui vẻ đầy phước hạnh. Amen.
Mục Sư Châu Trọng Ngọc