Ma-thi-ơ 8:23-27; Mác 4:35-41; Lu-ca 8:22-35
Kính thưa Quý vị: Sau khi Chúa Giê-xu giảng bài giảng trên núi và làm nhiều phép lạ, có một đám dân đông theo Ngài. Ma-thi-ơ ghi trong đoạn 8 rằng, “18Vả, khi Ðức Chúa Giê-xu thấy đoàn dân đông lắm ở xung quanh mình, bèn truyền qua bờ bên kia.” Nhưng trước khi kể lại điều gì xảy ra trong chuyến đi qua bên kia bờ hồ, Ma-thi-ơ ghi lại mẫu đối thoại của một vài người hấp tấp, lưỡng lự, hay bị phân tâm khi theo Chúa mà chúng ta học tuần trước. Ma-thi-ơ sau đó trở lại câu chuyện trong câu 23, “Kế đó, Ðức Chúa Giê-xu xuống thuyền, các môn đồ theo Ngài.”
Có lẽ những môn đồ “đi theo Ngài” này không hoàn toàn hiểu ý nghĩa của chữ “đi theo,” nhưng Chúa biết họ lúc đó có hiểu hay không. Nhưng bây giờ chúng ta hiểu tại sao Ma-thi-ơ chen vào giữa hai câu 18 và 23 câu chuyện của những người muốn theo Chúa nửa vời. Vì hôm nay khi học Ma-thi-ơ 8:23-27, Mác 4:35-41, và Lu-ca 8:22-35, chúng ta sẽ thấy rằng theo Chúa chắc chắn sẽ gặp, hay không tránh được, những sóng gió bão bùng trên đời.
Ma-thi-ơ 8
23Kế đó, Ðức Chúa Giê-xu xuống thuyền, các môn đồ theo Ngài.
24Thình lình biển nổi bão lớn, đến nỗi sóng dậy phủ thuyền; nhưng Ngài đương ngủ.
25Các môn đồ đến gần, đánh thức Ngài, mà thưa rằng: Lạy Chúa, xin cứu chúng tôi với, chúng tôi hầu chết!
26Ngài phán rằng: hỡi kẻ ít đức tin kia, cứ sao các ngươi sợ? Ngài bèn đứng dậy, quở gió và biển; thì liền yên lặng như tờ.
27Những người đó lấy làm lạ, nói rằng: Người nầy là ai, mà gió và biển đều vâng lịnh người?
Mác 4
35Ðến chiều ngày ấy, Ngài phán cùng môn đồ rằng: Chúng ta hãy qua bờ bên kia.
36Khi cho dân chúng tan về rồi, Ðức Chúa Giê-xu cứ ở trong thuyền, và môn đồ đưa Ngài đi; cũng có các thuyền khác cùng đi nữa.
37Vả, có cơn bão lớn nổi lên, sóng tạt vào thuyền, đến nỗi gần đầy nước;
38nhưng Ngài đương ở đằng sau lái, dựa gối mà ngủ. Môn đồ thức Ngài dậy mà thưa rằng: Thầy ôi, thầy không lo chúng ta chết sao?
39Ngài bèn thức dậy, quở gió và phán cùng biển rằng: Hãy êm đi, lặng đi! Gió liền dứt và đều yên lặng như tờ.
40Ðoạn, Ngài phán cùng môn đồ rằng: Sao các ngươi sợ? Chưa có đức tin sao?
41Môn đồ kinh hãi lắm, nói với nhau rằng: Vậy thì người nầy là ai, mà gió và biển đều vâng lịnh người?
Lu-ca 8
22Một ngày kia, Ngài xuống thuyền với môn đồ, mà phán rằng: Hãy qua bên kia hồ; rồi đi.
23Khi thuyền đương chạy, thì Ngài ngủ. Có cơn bão nổi lên trong hồ, nước vào đầy thuyền, đương nguy hiểm lắm.
24Môn đồ bèn đến thức Ngài dậy, rằng: Thầy ôi, Thầy ôi, chúng ta chết! Nhưng Ngài, vừa thức dậy, khiến gió và sóng phải bình tịnh và yên lặng như tờ.
25Ngài bèn phán cùng môn đồ rằng: Ðức tin các ngươi ở đâu? Môn đồ sợ hãi và bỡ ngỡ, nói với nhau rằng: Người nầy là ai, khiến đến gió và nước, mà cũng phải vâng lời Ngài?
I. Sóng gió
Ma-thi-ơ ghi lại rằng, khi các môn đồ trên thuyền đi qua bên kia bờ hồ, “24Thình lình biển nổi bão lớn, đến nỗi sóng dậy phủ thuyền.” Thật ra biển Ga-li-lê chỉ đáng gọi là một “đại hồ.” Dọc theo hướng đông và tây là những đồi cao. Xa hơn về hướng bắc có ngọn núi cao hơn tên là Herman. Về hướng nam, đất thấp dần đến Biển Chết. Khi không khí nóng từ nơi thấp miền nam gặp không khí lạnh hơn từ các miền núi đồi, sóng gió có thể đến một cách bất thần, và điều này xảy ra rất thường xuyên.
Ma-thi-ơ nói rất rõ ràng rằng đây là một cơn bão lớn, “24đến nỗi sóng dậy phủ thuyền.” Mác ghi rằng, “37sóng tạt vào thuyền, đến nỗi gần đầy nước.” Lu-ca viết, “23nguy hiểm lắm.” Xin chúng ta nhớ rằng trên thuyền có những người đánh cá chuyên nghiệp như Phi-e-rơ, Anh-rê, Gia-cơ và Giăng (Ma-thi-ơ 4:18-21). Vậy mà họ sợ đến nỗi phải than, “25Chúng tôi hầu chết!”
Cũng vậy, sóng gió là điều sẽ xảy ra thường xuyên trong đời sống người tín đồ Ðấng Christ. Ở đây chúng ta không nói đến những người bất tuân, chạy trốn Ðức Chúa Trời như Giô-na, nhưng nói đến những người biết tuân theo ý chỉ của Ngài. Ðây là những cơn bão tố thật, không phải là sản phẩm của trí tưởng tượng trong đầu; đây là những cơn sóng gió, bão bùng lớn lao, và có thể đến một cách rất bất thần. Có chàng thanh niên tự nhiên nhận được một lá thơ ngắn của người mình yêu cho biết cô đã yêu người khác. Có người tự nhiên bị đuổi việc vì công ty xuống dốc. Có người được bác sĩ cho biết là cần phải mổ tim tức khắc.
Ðôi khi chính chúng ta gây ra những cơn sóng gió này. Nếu cả đời hút thuốc thì một ngày nào đó chúng ta sẽ bị ung thư phổi. Ðôi khi, Ðức Chúa Trời để sóng gió xảy ra, như trong câu chuyện của Gióp. Ðây là những sự thử thách nhằm trau luyện chúng ta, đem chúng ta đến gần Chúa hơn (Rô-ma 5:3,4; Gia-cơ 1:2-4, Phi-e-rơ 4:12,13), vì khi “thuận buồm xuôi gió,” chúng ta thường hay quên Ngài. Ðôi khi, sóng gió đến từ Sa-tan. Nhiều người cho rằng cơn sóng gió trong câu chuyện này đến từ Sa-tan, vì Ma-thi-ơ ghi là Chúa Giê-xu, “26bèn đứng dậy, quở gió và biển.” Ðây là một trong những cố gắng của nó để phá chương trình cứu rỗi loài người của Ðức Chúa Trời, nhưng không thành công.
II. Phản ứng của Chúa: Ngủ
Nhìn Chúa Giê-xu giữa cơn sóng gió, các môn đồ cảm thấy như “24Ngài đương ngủ.” Một lý do khiến Ngài ngủ trên một chiếc thuyền tròng trành trong sóng gió như vậy là vì Ngài đã thấm mệt. Chúng ta sẽ thấy rõ ràng quyền năng siêu việt của Ngài về sau, nhưng giờ đây xin chúng ta hãy chiêm ngưỡng hình ảnh của Thượng Ðế trong thân xác con người. Ngài ngủ vì biết tin cậy hoàn toàn vào chương trình, quyền năng, và sự quan phòng của Ðức Chúa Cha.
Ðối diện với sóng gió, đôi khi chúng ta cảm thấy như Chúa Giê-xu đang ngủ, không biết, hay không bận tâm đến những khó khăn của mình. Nhưng chúng ta phải biết chắc rằng, là Thượng Ðế, Ngài biết tất cả mọi điều, và luôn đi cùng chúng ta trong mọi sóng gió trên đời.
III. Phản ứng của các môn đồ: Sợ
Phản ứng của một người trước cơn sóng gió nói lên rất nhiều về niềm tin của người đó. Vì thấy Chúa mình đang ngủ, là những người dày dạn phong sương, có lẽ những môn đồ trước hết tìm cách tự mình lèo lái con thuyền. Nhưng sau khi biết rõ tình trạng tuyệt vọng của mình, họ sợ, như lời Chúa trách họ, “Cứ sao các ngươi sợ?” Nhưng vì sợ, họ làm một điều đúng, đó là “25đến gần, đánh thức Ngài, mà thưa rằng: Lạy Chúa, xin cứu chúng tôi với, chúng tôi hầu chết!” Có người nhận xét, “Các ngư phủ phải thật tuyệt vọng trước khi đến hỏi một người thợ mộc phải làm gì trong cơn bão tố!”
Ngày nay, đối diện với hoàn cảnh khó khăn, có người muốn chần chờ, hy vọng rằng cơn bão sẽ sớm qua đi. Có người tự đi tìm một giải pháp cho mình, và lắm khi làm vấn đề thêm trầm trọng. Những giải pháp này có thể là một mối tình qua đêm, hay một ly rượu tiêu sầu. Vâng, chúng có thể làm chúng ta tạm quên những khó khăn đương thời, nhưng khi tác động của chúng không còn nữa, chúng ta cần chúng nhiều hơn, và trở thành “nghiện ngập,” tự đem cho mình thêm một cơn bão tố khác. Chỉ khi ý thức là mình thật sự vô vọng, chúng ta mới tìm đến Chúa Giê-xu.
Chúng ta phải luôn nhớ rằng, trong suốt thời gian khó khăn, Chúa luôn ở bên cạnh, và sẵn sàng nghe lời cầu xin của chúng ta. Ngài muốn nghe chúng ta nói, “Lạy Chúa, xin cứu chúng tôi với!” Ðây là một trong những lời cầu xin ngắn gọn trong Kinh thánh, nhưng đầy đủ. Chúa không cần nghe những lời cầu nguyện văn hoa, dài dòng, rào trước đón sau, nhưng muốn nghe lời thành thật phát ra từ một tấm lòng biết mình cần Ngài.
Sau khi các môn đồ đánh thức Chúa Giê-xu, Ngài không trách họ, “Sao các ngươi đánh thức ta?” nhưng phán rằng, “26Hỡi kẻ ít đức tin kia, cứ sao các ngươi sợ?” Họ sợ không phải vì thiếu đức tin; nếu thế thì họ đã không đến với Chúa. Nhưng lời quở trách của Chúa cho họ thấy sự sợ hãi của họ đến vì họ có “ít đức tin.” Trong cùng một lời cầu nguyện, họ biểu lộ hai điều mâu thuẫn: “Lạy Chúa, xin cứu chúng tôi với” là ngôn ngữ của sự tin cậy; nhưng “Chúng tôi hầu chết!” là ngôn ngữ của sự sợ hãi. Ðức tin và sự sợ hãi không thể đi đôi với nhau. Nhìn sóng gió, họ có thể nói, “Chúng tôi hầu chết!” nhưng khi nhìn Chúa, họ chỉ có thể nói, “Lạy Chúa, xin cứu chúng tôi với.” Trộn lẫn hai điều này là dấu hiệu của sự “ít đức tin.”
Chúng ta có đức tin khi tin Chúa Giê-xu là Thượng Ðế. Nhưng chúng ta có ít đức tin khi đặt hoàn cảnh giữa mình với Chúa, và sợ hãi vì không còn thấy Chúa. Nhưng dầu để Chúa giữa mình và hoàn cảnh, chúng ta vẫn còn sợ hãi nếu nghĩ là Chúa của mình quá nhỏ, chỉ biết bất lực nhìn những cơn sóng gió xảy ra, và không biết phải làm gì hơn. Vâng chúng ta phải biết là dông tố đang xảy ra, nhưng cũng phải biết là Chúa của chúng ta lớn hơn tất cả mọi dông tố trên đời.
Chúng ta có một cái nhìn thiếu sót về Ðức Chúa Trời vì không được nuôi dưỡng bằng lời Ngài. Tại những Hội thánh trong đó lời Chúa không được rao giảng một cách trung thực mỗi tuần, người tín đồ thành “ốm o gầy mòn,” có ít đức tin, và không có đủ sức thuộc linh để biết cách đối phó với dông tố trên đời.
IV. Chúa giải cứu
Trong câu chuyện đang học, sau khi các môn đồ cầu cứu với Chúa Giê-xu, “26Ngài bèn đứng dậy, quở gió và biển; thì liền yên lặng như tờ.” Ðiều an ủi lớn của chúng ta là, như vừa phân tích, dầu Chúa quở trách các môn đồ là họ ít đức tin, Ngài không nằm trên thuyền và nói, “Ta sẽ không làm gì cho đến khi các ngươi có đủ đức tin.” Vâng, trong lúc niềm tin của chúng ta có giá trị của nó trong sự cầu nguyện, chúng ta phải biết rằng chương trình và hành động của Thượng Ðế không tùy thuộc vào niềm tin của con người. Có người nghỉ rằng mình phải có đủ đức tin khi cầu nguyện mới được Chúa trả lời. Họ coi Chúa như một máy bán hàng, hễ họ bỏ đồng tiền cầu-nguyện-với-một-niềm-tin-vững-chắc vào đó thì Ngài phải cho ra điều họ xin. Xin quý vị đừng nghe những lời dạy như thế. Nó chỉ làm chúng ta hoặc nghi ngờ, hoặc hãnh diện về niềm tin của mình, tùy thuộc vào việc mình có được Chúa nhậm lời cầu nguyện hay không.
Chúng ta phải biết rằng, dầu luôn nghe lời kêu cầu của chúng ta, Chúa Giê-xu không luôn luôn đến giải cứu tức thì. Dầu vậy, Ngài luôn ôm ấp và đi cùng chúng ta trong mọi cơn bão tố, trên mọi bước đường khó khăn. Ðiều quan trọng chúng ta cần phải nhớ là Thượng Ðế yêu chúng ta, và có quyền năng giải quyết tất cả mọi khó khăn của chúng ta bằng cách hay nhất, đưa đến kết quả tốt đẹp nhất trong lâu dài. Trong câu chuyện này, Ma-thi-ơ cho chúng ta biết là tất cả đều được bình an đến bến đến bờ khi ông bắt đầu đoạn kế tiếp, “8:28Ðức Chúa Giê-xu qua bờ bên kia rồi...”
Sau khi đã chứng kiến những phép lạ Chúa Giê-xu làm trên bệnh tật, giờ đây các môn đồ chứng kiến quyền năng của Ngài trên thiên nhiên. Xin để ý hai phép lạ ở đây: Thứ nhất là Ngài quở gió thì gió lặng; thứ hai là Ngài quở biển thì biển yên. Chỉ cần một lời nói, bao nhiêu năng lượng phá hoại của cơn bão không phải chỉ yếu đi dần dần, nhưng tiêu tan tức khắc. Ðây phải là một điều vượt bên ngoài sự tưởng tượng của mọi người, vì thế Ma-thi-ơ kể lại phản ứng của họ, “27Những người đó lấy làm lạ, nói rằng: Người nầy là ai, mà gió và biển đều vâng lịnh người?” Từng đi theo Chúa Giê-xu, những môn đồ này đã thấy tận mắt bao nhiêu quyền năng của Ngài, nhưng vẫn không hoàn toàn biết Ngài là ai. Vì thế Ðức Chúa Trời phải đặt họ vào những trường hợp nan giải như vậy, để họ biết thêm về Chúa Giê-xu.
Thật ra khi hỏi “Ngài là ai?” họ đã có câu trả lời. Là người Do thái, họ phải biết Cựu Ước, và phải liên tưởng ngay đến Thi Thiên 65, “7Chúa dẹp yên sự ầm ầm của biển, sự ồn ào của sóng nó;” cũng như Thi Thiên 107, “25Ngài biểu, bèn có trận gió bão, Nổi các lượn sóng lên. 26Ðưa cao đến các từng trời, rồi hụp xuống tới vực sâu: Lòng họ tiêu tan vì khốn khổ. 27Họ choáng váng xiêu tó như một người say, Sự khôn ngoan họ đều mất hết. 28Bấy giờ trong cơn gian truân họ kêu cầu Ðức Giê-hô-va, Ngài bèn giải cứu họ khỏi điều gian nan. 29Ngài ngừng bão-tố, đổi nó ra bình tịnh, Và sóng êm lặng. 30Họ bèn vui mừng vì sóng êm lặng; Chúa dẫn họ vào bến họ ước ao.” Một người thường không thể nào làm điều Chúa Giê-xu làm.
Sóng gió trên đời có thể làm chúng ta mất Chúa, hay đem chúng ta đến gần Ngài hơn, với một niềm tin lớn mạnh hơn. Năm 1924 có một phái đoàn leo núi Everest với một kết quả thảm thương: Hai người chết, và phái đoàn phải bỏ cuộc giữa chừng. Sau đó người lãnh đạo phái đoàn treo một tấm hình của núi trên tường với dòng chữ: “Everest, ngươi thắng chúng ta lần này. Nhưng chúng ta sẽ trở lại. Lúc đó ngươi vẫn như xưa, nhưng chúng ta sẽ lớn mạnh hơn nhiều!” Chúa cho chúng ta những ngọn núi Everest trên đời không để chúng ta bỏ cuộc đua, nhưng để làm chúng ta lớn mạnh hơn trong niềm tin vào Ngài.
Mục Sư Ðỗ Lê Minh