Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 3

Bị Quỷ Ám

Ma-thi-ơ 8:28-34; Mác 5:1-20; Lu-ca 8:26-39

 

Kính thưa Quý vị: Sau khi ghi lại những dữ kiện chứng tỏ Chúa Giê-xu có quyền trên bệnh tật và thiên nhiên, Ma-thi-ơ kể lại một câu chuyện chứng tỏ Ngài cũng có quyền trên ma quỷ mà chúng ta sẽ phân tích ngày hôm nay. Câu chuyện này nói đến một người bị quỷ ám, nên rớt xuống tận sâu dưới đáy cuộc đời, và cuối cùng đưa đến một hình ảnh thật tương phản sau khi người đó được Chúa Giê-xu chữa lành. Cả ba sách Tin Lành đều ghi lại câu chuyện này, trong Ma-thi-ơ 8:28-34, Mác 5:1-20 và Lu-ca 8:26-39. Tôi sẽ phân tích câu chuyện này dựa trên sách Mác 5:1-20.

 

1Ðức Chúa Giê-xu cùng môn đồ qua đến bờ biển bên kia, trong miền Giê-ra-sê.

2Ngài mới ở trên thuyền bước xuống, tức thì có một người bị tà ma ám từ nơi mồ mả đi ra đến trước mặt Ngài.

3Người thường ở nơi mồ mả, dẫu dùng xiềng sắt cũng chẳng ai cột trói được nữa;

4vì nhiều lần người bị cùm chân hoặc bị xiềng, rồi bẻ xiềng tháo cùm, không ai có sức trị được.

5Người cứ ở nơi mồ mả và trên núi, ngày đêm kêu la và lấy đá đánh bầm mình.

6Người thấy Ðức Chúa Giê-xu ở đằng xa, chạy lại sấp mình xuống trước mặt Ngài,

7mà kêu lớn rằng: Hỡi Ðức Chúa Giê-xu, Con Ðức Chúa Trời rất cao, tôi với Ngài có sự gì chăng? Tôi nhân danh Ðức Chúa Trời mà khẩn cầu Ngài, xin đừng làm khổ tôi.

8Vì Ðức Chúa Giê-xu vừa phán cùng nó rằng: Hỡi tà ma, phải ra khỏi người nầy.

9Ngài lại hỏi rằng: Mầy tên gì? Thưa rằng: Tên tôi là Quân đội; vì chúng tôi đông.

10Nó lại van xin Ngài đừng đuổi chúng nó ra khỏi miền đó.

11Vả, chỗ đó, tại trên núi, có một bầy heo đông đang ăn.

12Các quỷ cầu xin Ngài rằng: Xin khiến chúng tôi đến với bầy heo ấy, để chúng tôi nhập vào chúng nó. Ðức Chúa Giê-xu cho phép.

13Các tà ma ra khỏi người đó, bèn nhập vào bầy heo, bầy heo từ trên bực cao vụt đâm đầu xuống biển. Có độ hai ngàn con heo chết chìm cả dưới biển.

14Những kẻ chăn heo trốn, đồn tin nầy ra khắp trong thành và trong nhà quê;

15dân sự đổ ra đặng xem điều đã xảy đến. Vậy, chúng đến cùng Ðức Chúa Giê-xu, thấy người đã bị nhiều quỷ ám, đang ngồi, mặc quần áo, trí khôn bình tĩnh, thì sợ hãi lắm.

16Những người đã thấy việc đó, thuật cho họ nghe chuyện đã xảy đến cho kẻ bị quỷ ám và bầy heo.

17Chúng bèn xin Ngài ra khỏi địa phận mình.

18Lúc Ngài đang bước vào thuyền, người trước đã bị quỷ ám xin ở lại với Ngài.

19Nhưng Ðức Chúa Giê-xu không cho, phán rằng: Hãy về nhà ngươi, nơi bạn hữu ngươi, mà thuật lại cho họ điều lớn lao thể nào Chúa đã làm cho ngươi, và Ngài đã thương xót ngươi cách nào.

20Vậy, người đi, đồn ra trong xứ Ðê-ca-bô-lơ những điều lớn lao thể nào mà Ðức Chúa Giê-xu đã làm cho mình; ai nấy đều lấy làm lạ.

 

I.                   Bị quỷ ám

 

Sau chuyến đi ban đêm trên bờ hồ Ga-li-lê, trong đó các môn đệ của Chúa Giê-xu vừa thấm mệt vì có một cơn bão tố quá lớn lao đến một cách quá bất thần, vừa thích thú vì thấy Chúa mình chỉ cần quở một tiếng thì trời trong gió lặng, Chúa Giê-xu và tùy tùng an toàn đặt chân đến thành phố Giê-ra-sê ở bên kia bờ hồ, thuộc miền Ga-đa-ra. Ðây là một trong mười thành phố trong xứ Ðê-ca-bô-lơ. Dân chúng trong vùng phần nhiều là người ngoại.

Như Mác ghi trong câu 5:2, “Ngài mới ở trên thuyền bước xuống, tức thì có một người … đến trước mặt Ngài.” (Thật ra, Ma-thi-ơ nói rằng có hai người. Có lẽ Mác và Lu-ca chỉ để ý đến nhân vật chính, tức là người đã thốt lên những lời mà các ông ghi lại về sau.) Mác ghi thêm là “2Người thường ở nơi mồ mả.” Xin nhớ rằng đây là một vùng đồi núi, và lúc đó người ta thường đào những hang động trong sườn núi để chôn người chết.

Mác cũng ghi rằng đây là “2một người bị tà ma ám.” Ðây là một vấn đề quan trọng mà chúng ta cần phải bàn đến hôm nay. Sống trong thế kỷ thứ 21 này, nhiều người tín đồ chúng ta thường có nghi vấn rằng có phải “bị quỷ ám” thật ra chỉ là bị “bịnh tâm thần” do quá khứ hay những hóa chất trong con người gây ra, mà khoa học ngày nay có thể chữa được hay không. Thưa, nếu nghĩ như thế thì chúng ta không thể nào tin vào Chúa Giê-xu, vì Ngài đã “chẩn bịnh” sai, và vì thế tất cả những điều dạy dỗ khác của Ngài cũng sẽ không còn giá trị. Thái độ hoàn toàn ngược lại là cho rằng tất cả mọi bịnh tâm thần đều đến từ ma quỷ, và tâm lý học (psychology) hay tâm thần học (psychiatry) chỉ là những phương cách ma quỷ dùng để phá vỡ Hội thánh Chúa. Ðây cũng là một quan niệm chúng ta không thể chấp nhận được, vì chúng ta đã phải có lần nghe về, hay đã kinh nghiệm được, thành quả của hai bộ môn khoa học này. Có hai cái nhìn tương phản về ma quỷ: Một là từ chối chúng hiện hữu, và hai là cho rằng chúng có quá nhiều quyền năng trên con người. Cả hai đều sai lầm và nguy hiểm.

Câu trả lời chính đáng là có sự khác nhau giữa “bị quỷ ám” và bị “bịnh tâm thần.” Có một nhà tâm thần học tên là Scott Peck. Sau nhiều năm hành nghề, ông thấy có nhiều căn bịnh tâm thần lạ lùng mà khoa học không giải thích được. Trong một cuốn sách xuất bản năm 1983 với tựa đề “People of the Lie,” ông kết luận rằng “bị quỷ ám” là một điều có thật, mặc dầu không phải tất cả mọi bệnh tâm thần đều là do quỷ ám.

Dựa theo câu chuyện đang học hôm nay, có người nhận xét rằng một người bị quỷ ám có những triệu chứng sau:

(1)               Hoàn toàn thay đổi cá tánh: Người bị quỷ ám không còn là mình nữa, nhưng là ma quỷ. Ma-thi-ơ 8:27 ghi, “Ðã lâu nay, người không mặc áo, không ở nhà, sống ở nơi mồ mả.” Ðây có nghĩa là trước kia ông không làm những điều này. Rồi khi Chúa Giê-xu hỏi, “5:9Mầy tên gì?” ông trả lời “Tên tôi là Quân đội; vì chúng tôi đông.” Mỗi ma quỷ có một cá tính khác nhau, và có những hành động khác nhau. Sau khi chiếm hữu một người, ma quỷ tước mất tất cả những gì bên trong người đó, chỉ để lại cái vỏ bề ngoài. (Ngược lại, sau khi chiếm hữu chúng ta, Ðức Thánh Linh giúp chúng ta phát triển những ơn tứ tốt đẹp có thể đã có sẵn trong chúng ta.)

(2)               Nghịch lại với đám đông: Người này sống trong nơi vắng vẻ như nghĩa địa.

(3)               Có một số kiến thức thuộc linh mà người thường không có: Ðặc biệt, người bị quỷ ám rất sợ danh Chúa Giê-xu. Ðối diện với Chúa, người này, “5:7kêu lớn rằng: Hỡi Ðức Chúa Giê-xu, Con Ðức Chúa Trời rất cao.” Ông này cũng biết được điều Chúa Giê-xu sắp làm, như Ma-thi-ơ 8:29 ghi, “Chúng nó la lên rằng: Lạy Con Ðức Chúa Trời, chúng tôi với Ngài có can hệ gì chẳng? Có phải Ngài đến đây để làm khổ chúng tôi trước kỳ không.”

(4)               Có sức mạnh phi thường: Mác ghi, “5:3-4Người thường ở nơi mồ mả, dẫu dùng xiềng sắt cũng chẳng ai cột trói được nữa; vì nhiều lần người bị cùm chân hoặc bị xiềng, rồi bẻ xiềng tháo cùm, không ai có sức trị được.” Công Vụ 19:16 nói về một người khác rằng, “Người bị quỷ dữ ám bèn sấn vào chúng, thắng được hai người trong bọn và hành hạ dữ lắm, đến nỗi phải trần truồng và bị thương, trốn ra khỏi nhà.”

(5)               Tự hành hạ mình: Mác ghi, “5:5Người cứ ... lấy đá đánh bầm mình.” (Theo nguyên bản, chúng ta phải dịch “lấy đá tự cắt mình,” như bản NIV dịch “cut himself with stones.”)

(6)               Kêu la đau đớn, như Mác ghi “5:5Người cứ ... ngày đêm kêu la.”

 

Ðối diện với người bị quỷ ám này, những người trong làng không làm được gì. Có thể họ đã tìm đủ mọi cách để giúp, nhưng không thành công. Có thể lúc đầu họ tìm cách khuyên lơn ông, nhưng sau đó đành bỏ cuộc, và phải trói ông lại, và tránh xa ông, như Mác ghi, “5:3-4Người thường ở nơi mồ mả, dẫu dùng xiềng sắt cũng chẳng ai cột trói được nữa; vì nhiều lần người bị cùm chân hoặc bị xiềng, rồi bẻ xiềng tháo cùm, không ai có sức trị được.”

Nhưng Chúa Giê-xu lại tìm đến ông. Xin chúng ta nhớ rằng những người trên chiếc thuyền đưa Ngài qua bên bờ này là những ngư phủ rất quen thuộc với vùng đất quanh biển Ga-li-lê, và người Do thái rất kỵ việc bước vào một nghĩa địa. Nếu đụng một xác chết, họ phải bị ô uế cả ngày. Nhưng trong lúc trời trong mây tạnh sau cơn bão tố, điều lạ lùng là chiếc thuyền chở Chúa Giê-xu lại đậu ngay vào một nghĩa địa bên kia bờ hồ. Tôi cho rằng đây không phải là một sự ngẫu nhiên hay lầm lẫn, nhưng có lẽ các môn đồ của Chúa đã “miễn cưỡng” làm điều này theo lệnh của Ngài, vì Ngài biết rằng có một người đang chờ đón Ngài trong nghĩa địa đó. Chúa không tránh những người cần Ngài, dầu rằng phải đi ngược lại với tất cả những phong tục tập quán của xã hội lúc đó.

 

II.                Ðược Chúa cứu

 

Mác ghi tiếp, “5:6Người thấy Ðức Chúa Giê-xu ở đằng xa, chạy lại sấp mình xuống trước mặt Ngài.” Lối dịch trong bản dịch Việt Nam giống như lối dịch trong các bản tiếng Anh cận đại, như bản NIV dịch, “He ran and fell on his knees in front of him.” Có sự khác nhau giữa việc quỳ gối trước Chúa Giê-xu và thờ phượng Ngài, như bản New King James Version (NKJV) dịch, “6When he saw Jesus from afar, he ran and worshiped Him.” Quỳ gối chỉ là hành động bên ngoài, nhưng có thể không có sự thờ phượng bên trong. Tôi nghĩ trong trường hợp này, ma quỷ quỳ gối vì sợ, hơn là vì yêu mến và muốn thờ phượng Chúa Giê-xu. Ðặc biệt là lời nói ở đây không phải là một lời thờ phượng, nhưng là một lời van xin, “5:7Hỡi Ðức Chúa Giê-xu, Con Ðức Chúa Trời rất cao, tôi với Ngài có sự gì chăng? Tôi nhân danh Ðức Chúa Trời mà khẩn cầu Ngài, xin đừng làm khổ tôi.” Như đã phân tích trước đây, người bị quỷ ám rất sợ danh Chúa Giê-xu. Gia-cơ 2:19 viết, “Ngươi tin rằng chỉ có một Ðức Chúa Trời mà thôi, ngươi tin phải; ma quỷ cũng tin như vậy và run sợ.” Hơn ai hết, ma quỷ sợ vì biết Chúa Giê-xu là ai, và biết quyền năng của Ngài.

Ma-thi-ơ ghi rằng, “29Chúng nó la lên rằng: Lạy Con Ðức Chúa Trời, chúng tôi với Ngài có can hệ gì chăng? Có phải Ngài đến đây để làm khổ chúng tôi trước kỳ không?” Câu hỏi đầu tiên chứng tỏ rằng chúng không hoan nghênh Ngài. Câu hỏi thứ hai chứng tỏ rằng chúng biết Ngài có quyền trên chúng, và trong ngày cuối cùng, như Khải Huyền 20:10 ghi, “Còn ma quỷ là đứa đã dỗ dành chúng, thì bị quăng xuống hồ lửa và diêm, trong đó đã có con thú và tiên tri giả rồi. Chúng nó sẽ phải chịu khổ cả ngày lẫn đêm cho đến đời đời.” Ðiều chúng ngạc nhiên là Chúa Giê-xu đã đến trước khi “kỳ” của chúng đến.

Rồi Chúa Giê-xu hỏi, “9Mầy tên gì?” Ðây là một trong những trường hợp hiếm hoi mà Chúa Giê-xu hỏi tên người bị quỷ ám. Ngài không cần biết tên của người này, cũng như của ma quỷ, để đuổi nó. Thật ra, Ngài có thể đuổi ma quỷ vì nó biết danh Ngài, chứ không phải vì Ngài biết danh nó. Có thể Ngài hỏi chỉ vì muốn mọi người biết đây là một trường hợp trầm trọng. Ông ta thưa rằng, “9Tên tôi là Quân đội; vì chúng tôi đông.” Chữ “Quân đội” ở đây nói đến một đội quân La-mã có trên 6000 người. Ðây không phải là những người lính riêng rẽ, nhưng là một đội quân có chủ quyền, thế lực, và tổ chức hẳn hoi (Ê-phê-sô 6:12).

Mác ghi tiếp, “10-13 Nó lại van xin Ngài đừng đuổi chúng nó ra khỏi miền đó. Vả, chỗ đó, tại trên núi, có một bầy heo đông đang ăn. Các quỷ cầu xin Ngài rằng: Xin khiến chúng tôi đến với bầy heo ấy, để chúng tôi nhập vào chúng nó. Ðức Chúa Giê-xu cho phép. Các tà ma ra khỏi người đó, bèn nhập vào bầy heo, bầy heo từ trên bực cao vụt đâm đầu xuống biển. Có độ hai ngàn con heo chết chìm cả dưới biển.”

Chúng ta phải biết rõ rằng không phải ai cũng có thể “đuổi quỷ” được. Ma-thi-ơ 17:14-18 kể rằng, “Khi Ðức Chúa Giê-xu và môn đồ đã trở lại cùng đoàn dân, thì có một người đến gần, quỳ trước mặt Ngài, mà thưa rằng: Lạy Chúa, xin Chúa thương đến con trai tôi! vì nó mắc bệnh phong điên, phải chịu đau đớn quá; thường khi té vào lửa, và té xuống nước. Tôi đã đem nó cho môn đồ Chúa, nhưng chữa không được. Ðức Chúa Giê-xu đáp rằng: Hỡi dòng dõi không tin và gian tà kia, ta sẽ ở với các ngươi cho đến chừng nào? Ta sẽ nhịn nhục các ngươi cho đến khi nào? Hãy đem con đến đây cho ta. Rồi Ðức Chúa Giê-xu quở trách quỷ, quỷ liền ra khỏi đứa trẻ, và từ giờ đó đứa trẻ được lành.”

Mác 1:27 ghi rằng, sau khi Chúa Giê-xu đuổi quỷ, “Ai nấy đều lấy làm lạ, đến nỗi hỏi nhau rằng: Cái gì vậy? Sự dạy mới sao! Người nầy lấy quyền phép sai khiến đến tà ma, mà nó cũng phải vâng lời!” Họ cho rằng việc đuổi quỷ của Chúa Giê-xu chỉ là một mưu chước của Sa-tan để lường gạt họ, như những người Pha-ri-si nói với nhau trong Ma-thi-ơ 2:24, “Người nầy chỉ nhờ Bê-ên-xê-bun là chúa quỷ mà trừ quỷ đó thôi.” Những người tự nhận là có quyền đuổi quỷ ngày hôm nay có lẽ không biết quyền năng của Sa-tan, hay tự lường gạt lấy mình mà thôi.

Có người thấy đây thật là một điều phí phạm, và hỏi tại sao Chúa Giê-xu lại có quyền làm hại cả một bầy heo của một gia đình. Chúng ta có thể trả lời như sau: Thứ nhất, là Thượng Ðế, Ngài có toàn quyền làm bất cứ điều gì thích hợp với mục đích của Ngài. Thứ hai, chúng ta không có đủ dữ kiện để đoán xét xem cách giải quyết vấn đề như vậy là đúng hay sai, chẳng hạn như nếu chủ những con heo này là người Do thái, ông đã phạm luật Cựu Ước khi làm nghề nuôi heo. Thứ ba, đây không phải là ý của Chúa Giê-xu, nhưng là lời van xin của ma quỷ. Ngài chỉ cho phép chúng làm điều này. (Chúng ta cũng cần ghi nhận rằng ma quỷ không có quyền tự mình đến với bầy heo, và vì thế càng không có quyền đến với những tín đồ của Ðấng Christ.)

 

III.             Phản Ứng

 

1.                  Dân chúng sợ

 

Mác ghi tiếp, “14-15Những kẻ chăn heo trốn, đồn tin nầy ra khắp trong thành và trong nhà quê; dân sự đổ ra đặng xem điều đã xảy đến. Vậy, chúng đến cùng Ðức Chúa Giê-xu, thấy người đã bị nhiều quỷ ám, đang ngồi, mặc quần áo, trí khôn bình tĩnh.” Ðáng lẽ thấy người đồng quê với mình được giải cứu khỏi gông cùm của Sa-tan, dân sự phải mừng rỡ, và đem thêm những người bịnh hay bị quỷ ám khác đến với Ngài, nhưng oái oăm thay, đây là một trong những trường hợp “làm ơn mắc oán:” Người ta chống lại Ngài vì Ngài làm ơn cho một người của họ. Mác viết tiếp, “17Chúng bèn xin Ngài ra khỏi địa phận mình.”

Tại sao họ lại làm điều này? Có thể họ giận vì Chúa Giê-xu đã làm họ mất một số heo lớn, và không biết Ngài có còn làm thêm điều tổn hại nào khác hay không. Quá để ý đến những mất mát vật chất, họ không thấy linh hồn và đời sống của một người. Chúa Giê-xu đến đem theo một cuộc cách mạng lớn, nhưng họ không muốn góp phần vào đó, vì sợ thấy một vài căn nhà bị sụp đổ trong cuộc chiến thuộc linh. Mưu chước lớn nhất của Sa-tan là đặt những điều vật chất giữa chúng ta với Ðức Chúa Trời, làm chúng ta muốn sở hữu chúng, hơn là muốn đi với Ngài. Sa-tan muốn giam hãm chúng ta vào trong những điều thấy được và ngắn hạn, làm chúng ta say mê chúng, đến nỗi không còn quan tâm đến những điều thuộc linh thiêng liêng. Có người không muốn tin Chúa, vì nghe rằng tin Chúa phải đi nhà thờ, và phải dâng hiến tiền bạc mỗi tuần. Có người chỉ muốn tìm vui trong những tổ chức tôn giáo, nhưng không muốn thấy Chúa Giê-xu thật sự làm chủ đời mình.

Nhưng điều này có vẻ như không đúng vì Mác không nói như thế. Ngược lại, Mác viết, họ “sợ hãi lắm.” Họ tìm cách khống chế người bị quỷ ám này đã bao lâu nay, nhưng không thành công. Giờ đây, có người bất thần đến và thay đổi người này lập tức. Quả thật Chúa Giê-xu có quyền trên ma quỷ, và nếu thế, cũng sẽ có quyền trên họ. Ðáng lẽ đây là một điều làm họ phải vui mừng, nhưng họ lại muốn đẩy Ngài ra khỏi đời sống của họ, như họ đã đẩy người bị quỷ ám ra nghĩa địa. Quen ở dưới quyền của ma quỷ, họ sợ ở dưới một quyền lực mới, vì họ không biết quyền này sẽ làm gì với họ. Họ tưởng là họ có sự tự do, nhưng quên rằng họ đang bị ma quỷ thao túng. Họ tưởng là mời Chúa Giê-xu đi khỏi họ là một giải pháp, nhưng không biết rằng chính Ngài là giải pháp cho họ. Ngày nay, nhiều người đối diện với Chúa Giê-xu cũng sợ. Có thể họ sợ phải từ bỏ nếp sống củ của mình, có thể họ sợ không biết người ta nghĩ gì về mình, hay nếp sống mới sẽ như thế nào. Ðối với họ, sống như cũ là khỏe, dầu không sung sướng gì.

Tổng thống Franklin Delano Roosevelt có lần nói, “Không có gì đáng cho chúng ta sợ, trừ chính sự sợ hãi.” (“We have nothing to fear but fear itself.”) Sa-tan muốn làm người ta sợ, vì sự sợ hãi ngăn cản, và đi ngược với niềm tin. II Ti-mô-thê 1:7 viết, “Ðức Chúa Trời chẳng ban cho chúng ta tâm thần nhút nhát, bèn là tâm thần mạnh mẽ, có tình thương yêu và dè giữ.”

 

2.                  Người được cứu xin theo Chúa

 

Vì Chúa Giê-xu không bao giờ muốn đến những nơi mà người ta không hoan nghênh Ngài, Ngài bèn xuống thuyền trở về. Mác ghi tiếp, “18Lúc Ngài đang bước vào thuyền, người trước đã bị quỷ ám xin ở lại với Ngài.” Người trước kia sợ hãi khi thấy Chúa đến, giờ đây không muốn thấy Chúa đi. Trước kia ông ghét những điều liên hệ đến Ðức Chúa Trời, giờ đây ông muốn ở với Chúa Giê-xu. Ðây là dấu hiệu đầu tiên và rõ ràng nhất của một người được Chúa cứu. Nếu một người thấy mình miễn cưỡng đi thờ phượng Chúa mỗi Chúa Nhật, người đó phải biết rằng có điều gì sai trật trong niềm tin của mình. Xin chúng ta để ý đến chữ “xin.” Ðây nói lên sự mạnh dạn của tinh thần cầu nguyện, và khác hẳn với thái độ trịch thượng trước kia.

Ngài từ chối, vì đây không phải là điều tốt nhất mà ông có thể làm. Ngài dạy, “19Hãy về nhà ngươi, nơi bạn hữu ngươi, mà thuật lại cho họ điều lớn lao thể nào Chúa đã làm cho ngươi, và Ngài đã thương xót ngươi cách nào.” Dầu dân trong vùng từ chối và đuổi Ngài đi, Ngài vẫn yêu thương họ, và ra lịnh cho người này ở lại để làm chứng cho họ. Xin chúng ta nhớ rằng, trong giai đoạn đầu tiên của cuộc đời hành đạo của Chúa Giê-xu, Ngài thường dạy người Do thái phải kín miệng về những điều Ngài làm cho họ (như trong Ma-thi-ơ 8:4 hay Lu-ca 8:56), vì những lời đồn đãi ở Ga-li-lê và Giu-đa chỉ làm người ta thêm mong chờ một vĩ nhân đến để giải cứu họ khỏi ách thống trị của người La-mã. Nhưng vì điều này sẽ không xảy ra ở đây, Chúa không những không cấm mà còn khuyến khích người này đi ra nói về Ngài.

Câu 5:20 có hai động từ mà chúng ta cần phải để ý, đó là “đi” và “đồn ra.” Trước kia ông sống trong nghĩa địa, lấy bia đá gối đầu, ngủ chung với sâu bọ; giờ đây ông có nhà để trở về, và bạn hữu để nói chuyện. Ông phải đến với họ, để cho họ thấy tận mắt sự khác nhau giữa trước và sau khi ông gặp Chúa. Ông không cần phải được huấn luyện về chứng đạo hay thần học trước; ông ra đi không để chỉ trích những hành động tôn giáo hay thiếu đạo đức của người khác; ông không cần nói đến những điều mình đã làm, hay người nghe phải làm; ông chỉ cần “20đồn ra trong xứ Ðê-ca-bô-lơ những điều lớn lao thể nào mà Ðức Chúa Giê-xu đã làm cho mình.” Ông không cần phải làm một phép lạ nào khác; phép lạ Chúa đã làm cho ông là quá đủ rồi. Chúa Giê-xu biết rằng ông sẽ là một bằng chứng sống hùng hồn nhất cho Ngài trong vùng này.

Người này có vẻ như đã hoàn thành được sứ mạng Chúa giao, như Mác ghi lại sau đó, “7:31Ðức Chúa Giê-xu lìa bờ cõi thành Ty-rơ, qua thành Si-đôn và trải địa phận Ðê-ca-bô-lơ, đến biển Ga-li-lê.... 8:1có một đoàn dân đông theo Ðức Chúa Giê-xu.”

 

Mục đích chính tác giả các sách Tin lành ghi lại câu chuyện này là để chứng tỏ thần tính của Chúa Giê-xu. Nhưng nó cũng làm chúng ta ý thức được quyền năng của ma quỷ. Xin chúng ta đừng đùa giỡn với ma quỷ, và tìm đến những điều như đồng bóng hay chiêm gia, bói toán. Người Hy-lạp lúc đó, cũng như nhiều người ngày hôm nay, tin vào sự hiện hữu của ma quỷ, nhưng cho rằng chúng vô hại. Chúng ta phải “biết người biết mình,” để thấy rằng ma quỷ lợi hại vô cùng. Có thể ngày hôm nay chúng không còn gây ra những cơn bịnh được gọi là “bị quỷ ám” nhiều như xưa nữa, nhưng đã đổi chiến thuật, và tìm cách ru ngủ chúng ta bằng những lời dạy như là chúng ta phải tự ăn hiền ở lành để cứu mình. Chúng ta phải luôn luôn đề phòng.

Một đằng chúng ta phải ý thức quyền năng của ma quỷ, đằng khác chúng ta cũng phải luôn nhớ rằng Chúa Giê-xu đã chiến thắng chúng rồi. Bằng cách nương dựa vào quyền năng của Ngài, chúng ta cũng có thể chiến thắng ma quỷ. Chúng ta phải nhớ rằng, nếu không được Chúa Giê-xu cho phép, ma quỷ đã không xâm phạm được ngay cả một bầy heo. Chúng ta phải nhớ đến lời của tiên tri Ê-li-sê trong II Các Vua 6:16: “Chớ sợ, những người ở với chúng ta đông hơn những người ở với chúng nó.”

 

Mục Sư Ðỗ Lê Minh