Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 5

Sứ Ðồ Ma-thi-ơ

Ma-thi-ơ 9:9-13, Mác 2:13-17, Lu-ca 5:27-32

 

Kính thưa Quý vị: Tuần trước chúng ta đã học về việc Chúa Giê-xu chữa lành bịnh cho một người bị bại được bạn mình dòng xuống từ mái nhà. Việc này đưa đến sự đụng chạm đầu tiên giữa Chúa Giê-xu và những người Pha-ri-si. Sau khi nghe Chúa phán với người bại rằng tội của ông đã được tha, họ cho Ngài nói lời phạm thượng, vì chỉ có Ðức Chúa Trời mới có quyền tha tội. Hôm nay, chúng ta sẽ học thêm câu chuyện kế tiếp trong Ma-thi-ơ đoạn 9, và thấy sự chống đối của người Pha-ri-si với Chúa Giê-xu trở nên mãnh liệt hơn. Lần này, họ không chống lại việc Chúa Giê-xu tự nhận có thể làm một việc mà chỉ có Ðức Chúa Trời mới có thể làm, tức là tha tội, nhưng chống lại việc Ngài đã làm một điều mà họ cho rằng không xứng đáng để một người đáng được kính trọng làm.

Trong câu chuyện này, chúng ta cũng sẽ học thêm về việc Chúa Giê-xu kêu gọi một trong 12 sứ đồ của Ngài, tức là Ma-thi-ơ. Có rất nhiều điều chúng ta có thể học được từ cách Ma-thi-ơ đáp ứng với sự kêu gọi này. Trước hết, chúng ta cùng đọc Ma-thi-ơ 9:9-13, cũng như các câu chuyện tương tự trong Mác 2:13-17, và Lu-ca 5:27-32:

 

Ma-thi-ơ

9:9Ðức Chúa Giê-xu đã đi khỏi nơi đó rồi, thấy một người tên là Ma-thi-ơ đang ngồi tại sở thâu thuế, bèn phán cùng người rằng: Hãy theo ta. Người liền đứng dậy, mà theo Ngài.

9:10Vả, đang khi Ðức Chúa Giê-xu ngồi ăn tại nhà Ma-thi-ơ, có nhiều người thâu thuế cùng kẻ xấu nết đến ngồi ăn với Ngài và môn đồ Ngài.

9:11Người Pha-ri-si thấy vậy, thì nói cùng môn đồ Ngài rằng: Làm sao thầy các ngươi ngồi ăn chung với người thâu thuế và kẻ xấu nết vậy?

9:12Ðức Chúa Giê-xu nghe đều đó, bèn phán rằng: Chẳng phải là người khỏe mạnh cần thầy thuốc đâu, song là người có bịnh.

9:13Hãy đi, và học cho biết câu nầy nghĩa là gì: Ta muốn sự thương xót, nhưng chẳng muốn của lễ. Vì ta đến đây không phải để kêu kẻ công bình, song kêu kẻ có tội.

 

Mác

2:13Bấy giờ, Ðức Chúa Giê-xu trở lại về phía mé biển; cả dân chúng đến cùng Ngài, rồi Ngài dạy dỗ họ.

2:14Ngài vừa đi qua thấy Lê-vi, con A-phê, đang ngồi tại sở thâu thuế, thì phán cùng người rằng: Hãy theo ta. Người đứng dậy theo Ngài.

2:15Ðức Chúa Giê-xu đang ngồi ăn tại nhà Lê-vi, có nhiều người thâu thuế và kẻ có tội đồng bàn với Ngài và môn đồ Ngài; vì trong bọn đó có nhiều kẻ theo Ngài rồi.

2:16Các thầy thông giáo thuộc phe người Pha-ri-si thấy Ngài ăn với bọn thâu thuế và kẻ phạm tội, thì nói với môn đồ Ngài rằng: Người cùng ăn với kẻ thâu thuế và kẻ có tội sao!

2:17Ðức Chúa Giê-xu nghe vậy, bèn phán cùng họ rằng: Chẳng phải kẻ mạnh khỏe cần thầy thuốc đâu, nhưng là kẻ có bịnh; ta chẳng phải đến gọi người công bình, nhưng gọi kẻ có tội.

 

Lu-ca

5:27Kế đó, Ðức Chúa Giê-xu ra ngoài, thấy một người thâu thuế, tên là Lê-vi, đang ngồi tại sở thâu thuế. Ngài phán cùng người rằng: Hãy theo ta!

5:28Lê-vi bỏ hết mọi sự, đứng dậy đi theo Ngài.

5:29Lê-vi dọn tiệc trọng thể đãi Ngài tại nhà mình, có nhiều người thâu thuế và kẻ khác cùng ngồi ăn đồng bàn.

5:30Các người Pha-ri-si và các thầy thông giáo họ lằm bằm, nói cùng môn đồ Ngài rằng: Sao các ngươi ăn uống với người thâu thuế và kẻ phạm tội?

5:31Ðức Chúa Giê-xu phán cùng họ rằng: Không phải người khỏe mạnh cần thầy thuốc, song là người đau ốm.

5:32Ta không phải đến gọi kẻ công bình hối cải, song gọi kẻ có tội.

 

I.          Chúa Giê-xu gọi người thâu thuế Ma-thi-ơ

 

Trong lúc Mác 2:14 và Lu-ca 5:27 kể lại câu chuyện liên quan đến một người có tên theo tiếng Hê-bơ-rơ là Lê-vi, Ma-thi-ơ lại gọi người đó theo tiếng Hy-lạp là Ma-thi-ơ, và chúng ta biết ông đang nói về mình. Mác 3:18 và Lu-ca 6:15 sau này cũng dùng tên Ma-thi-ơ. Có vẻ như Chúa Giê-xu đã đổi tên Lê-vi thành Ma-thi-ơ sau khi ông theo Ngài, nhưng chúng ta không có chứng cớ chắc chắn về điều này.

 

Ðiều quan trọng mà chúng ta phải để ý ở đây là Ma-thi-ơ là một người thâu thuế, tức là người bị khinh bỉ nhất trong xã hội lúc đó. Chính quyền La-mã lúc đó đòi hỏi mỗi vùng thuộc địa phải đóng một số thuế đã được định trước, và họ cho bán đấu giá quyền thâu thuế trong mỗi vùng. Người mua có thể thâu thuế từ dân chúng bao nhiêu tùy ý, miễn là đóng lại cho chính quyền La-mã đủ số tiền đã định trước. Ðây là một trong những lý do tại sao dân chúng ghét người thâu thuế: Họ bị người này bóc lột một cách thẳng tay, rút tỉa đến tối đa, để bỏ vào túi riêng của mình. Hơn nữa, người Do thái coi Ðức Chúa Trời là Hoàng Ðế độc nhất của họ, và chỉ muốn đóng thuế cho Ngài mà thôi. Ðóng thuế cho Sê-sa là làm một điều trái nghịch với niềm tin (Ma-thi-ơ 22:15). Mỗi khi đóng thuế, họ như được nhắc nhở rằng Ðức Chúa Trời đã khước từ họ, để đất nước họ rơi vào quyền thống trị của ngoại bang, vì họ đã không tôn thờ Ngài. Người Do thái càng ghét một cách thậm tệ những người Do thái khác làm nghề thâu thuế, tức là những người làm giàu trên xương máu đồng bào mình. Người thâu thuế vì thế bị coi thường đến nỗi không được phép bước vào Ðền thờ (vì là người ô uế), không được làm nhân chứng trước tòa án (vì là người nói láo). Ngay cả phường đĩ điếm cũng còn được coi trọng hơn người thâu thuế. Họ cũng bị người La-mã coi thường. Vì thế, mặc dầu thật giàu có, họ chỉ có thể kết bạn với những người đồng nghề, hay những người ở dưới tận cùng nấc thang xã hội.

Vì câu chuyện xảy ra lúc Ma-thi-ơ đang “ngồi tại sở thâu thuế,” có lẽ ông không phải là người chuyên thâu thuế lợi tức, nhưng thuế xuất nhập cảng. Ông ngồi tại một ngôi nhà cao, nhìn ra bờ biển để theo dõi tất cả mọi hoạt động xuất nhập cảng để thu thuế (vì thế, như Mác ghi, ông gặp “2:13Ðức Chúa Giê-xu trở lại về phía mé biển.”) Chúng ta không biết ông có phải là người bóc lột đồng bào mình một cách táng tận lương tâm hay không. Có thể ông không quá tệ như một người thâu thuế khác tên là Xa-chê, mà Lu-ca nói đến trong chương 19. Nhưng chúng ta có thể nói một cách chắc chắn rằng ông đã bị người ta khinh bỉ vì nghề nghiệp của ông, nếu không vì lòng tham của chính ông.

 

Rồi một ngày nọ, Ma-thi-ơ gặp Chúa Giê-xu. Chắc chắn Ma-thi-ơ đã có lần nghe về Chúa Giê-xu, nhưng khi gặp Ngài, ông không chạy đến để xin Ngài tha tội, hay làm một phép lạ nào. Ngược lại, trong lúc những nhà lãnh đạo tôn giáo lúc đó tìm cách tránh xa Ma-thi-ơ như tránh một người cùi, Chúa Giê-xu không làm như vậy, nhưng Ngài lại tìm đến ông. Chúng ta có thể tưởng tượng được các sứ đồ của Chúa đang đi theo Ngài lúc đó nghĩ gì: “Chắc Chúa mình đến để dẹp tan sở thâu thuế bóc lột dân nghèo này! Chắc Ngài đến để dạy cho tên tham lam này một bài học nhớ đời!” Nhưng không, Chúa Giê-xu đến với Ma-thi-ơ, và nói một câu ngắn gọn, “Hãy theo ta.”

Chúa gọi Ma-thi-ơ đi theo Ngài vì Ngài biết ông. Chúa nhìn một người bị xã hội khinh bỉ, và đến nói chuyện với ông. Chúa nhìn một người đang ngồi đếm tiền, và biết đây là một người thấy đời thật vô nghĩa. Chúa nhìn một người giàu có, và thấy đây là một tội nhân cần Ngài hơn ai hết. Chúa thấy một người bị xã hội nguyền rủa cho xuống địa ngục, và tìm đến để đem người đó lên thiên đàng.

Lời kêu gọi “Hãy theo ta” dầu ngắn gọn, nhưng mang đầy ý nghĩa. Ðây không chỉ là nhận Chúa Giê-xu làm Cứu Chúa của mình, nhưng cũng hàm ý nhận Ngài làm chủ trọn đời mình. Ðây không phải chỉ là một ý nghĩ trong đầu, nhưng là một hành động cụ thể. “Theo” không phải là một việc làm nhất thời, nhưng là một tiến trình kéo dài trong thời gian. “Ta” không nói đến một tổ chức tôn giáo hay chính trị, nhưng nói đến một sự liên hệ cá nhân với Con Ðức Chúa Trời.

 

Ma-thi-ơ viết, “9:9Người liền đứng dậy, mà theo Ngài.” “Ðứng dậy” nói lên một hành động dứt khoát và công khai. Ông không viện cớ để từ chối. Ông không nói, “Chúa ơi, điều này bất ngờ quá. Xin Chúa cho con có thì giờ suy nghĩ.” Ông cũng không xin, “Lạy Chúa, tôi sẽ theo Chúa, song xin cho phép tôi trước về từ giã người trong nhà tôi”( Lu-ca 9:61).

Lu-ca nói rõ hơn, “5:28Lê-vi bỏ hết mọi sự.” Ðiều này nghe thì dễ, nhưng đối với Ma-thi-ơ thật khó. Ông phải từ bỏ nhiều hơn Phi-e-rơ, Anh-rê, Gia-cơ hay Giăng bội phần. Sau khi Chúa Giê-xu chịu đóng đinh trên thập tự giá, các người sứ đồ này có thể trở về với nghề đánh cá trước kia của mình (Giăng 21:3). Nhưng khi Ma-thi-ơ đứng lên từ bỏ sở thâu thuế, ông biết rằng ông sẽ không bao giờ được phép bước chân vào đó lại.

Ông sẵn sàng từ bỏ những gì che mắt ông, không cho ông thấy Ðức Chúa Trời. Ông cũng sẵn sàng từ bỏ những gì cản trở sự liên hệ giữa ông với người khác, khiến ông không thể chia sẻ điều tốt lành ông vừa mới tìm được cho họ. Ông đã từ bỏ một nghề đem lại nhiều tiền, để cứu được nhiều người. Giáo sĩ Jim Elliot, là người tử đạo ở South America khoảng cuối thập niên 50 viết, “Người khôn ngoan từ bỏ điều mình không giữ được, để tìm thấy điều mình sẽ không bao giờ đánh mất.”

Ông không làm giống như chàng thanh niên giàu có trong Ma-thi-ơ 19:16-22: “Nầy, có một người đến hỏi Ngài rằng: Thưa thầy, tôi phải làm việc lành chi cho được sự sống đời đời? Ðức Chúa Giê-xu đáp rằng: Sao ngươi hỏi ta về việc lành? Chỉ có một Ðấng lành mà thôi. Nếu ngươi muốn vào sự sống, thì phải giữ các điều răn. Người hỏi: Những điều răn gì? Ðức Chúa Giê-xu phán rằng: Những điều răn nầy: Ðừng giết người; đừng phạm tội tà dâm; đừng ăn trộm cắp; đừng làm chứng dối; Hãy thảo kính cha mẹ; và: Hãy yêu kẻ lân cận như mình. Người trẻ đó thưa rằng: Tôi đã giữ đủ các điều nầy; còn thiếu chi cho tôi nữa? Ðức Chúa Giê-xu phán rằng: Nếu ngươi muốn được trọn vẹn, hãy đi bán hết gia tài mà bố thí cho kẻ nghèo nàn, thì ngươi sẽ có của quí ở trên trời; rồi hãy đến mà theo ta. Nhưng khi người trẻ nghe xong lời nầy, thì đi, bộ buồn bực; vì chàng có của cải nhiều lắm.” Cả Ma-thi-ơ lẫn chàng trai này đều giàu có, nhưng cuộc đời của Ma-thi-ơ được thay đổi, vì ông không bị trói buộc vào tài sản của mình.

 

Không những chỉ gọi Ma-thi-ơ theo Ngài, Chúa Giê-xu còn cho ông làm một trong 12 sứ đồ của Ngài. (Ngài không biết rằng những sứ đồ khác ghét người thâu thuế cay đắng sao? Hay có bài học gì đây mà Ngài muốn dạy các sứ đồ của Ngài?) Ma-thi-ơ theo Chúa Giê-xu trọn đời. Sau đó ông viết sách Tin Lành mang tên Ma-thi-ơ rất mạch lạc và quy củ. Ðặc biệt viết cho người Do thái, ông nhấn mạnh đến những lời tiên tri trong Cựu Ước, cũng như gia phả của Chúa Giê-xu. Nhiều học giả tin rằng ông đã chịu tử đạo tại vùng Ethiopia.

 

II.                Chúa Giê-xu ngồi ăn với người thâu thuế

 

Sau khi tin nhận Chúa Giê-xu, chúng ta phải đối xử với bạn cũ của mình như thế nào? Chúng ta có nên lánh xa họ hay không? Xin chúng ta tiếp tục học từ Ma-thi-ơ. Chúng ta đã thấy ông từ bỏ tất cả mọi sự để theo Chúa Giê-xu, bây giờ chúng ta sẽ thấy ông không cảm thấy xấu hổ về Ngài, nhưng muốn bạn cũ biết về đức tin mới của ông. Ma-thi-ơ làm điều này bằng cách đãi một bữa tiệc, và mời tất cả bạn bè mình lại. Trong khi Ma-thi-ơ khiêm nhường nói về bữa tiệc này như sau, “9:10Vả, đang khi Ðức Chúa Giê-xu ngồi ăn tại nhà Ma-thi-ơ, có nhiều người thâu thuế cùng kẻ xấu nết đến ngồi ăn với Ngài và môn đồ Ngài,” Lu-ca nói rõ hơn, “5:29Lê-vi dọn tiệc trọng thể,” với mục đích là để “đãi Ngài tại nhà mình.” Chúng ta có thể đoán là đây không phải là lý do độc nhất, vì Chúa Giê-xu không phải là khách độc nhất. Mục đích của bữa tiệc phải là ít nhất một trong những điều sau: (1) Ma-thi-ơ muốn từ giã bạn bè để đi theo Chúa; (2) Ma-thi-ơ muốn giải thích lý do mình bỏ mọi sự để theo Chúa, và (3) Ma-thi-ơ muốn giới thiệu Chúa Giê-xu với bạn mình. Ðây cũng là thái độ của Phao-lồ khi ông viết trong Rô-ma 1:16, “Thật vậy, tôi không hổ thẹn về Tin Lành đâu, vì là quyền phép của Ðức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin, trước là người Giu-đa, sau là người Gờ-réc.”

Ðiều đáng buồn là sau khi tin Chúa một vài năm, chúng ta không còn người bạn nào ở ngoài Hội thánh nữa. Chúng ta phải học theo Ma-thi-ơ, và không cắt đứt sự liên hệ với bạn cũ của mình. Nhưng chúng ta không về lại với bạn mình để lên án hay “lên lớp” họ. Nhiều khi chúng ta quên rằng mình đã được cứu trong lúc còn đầy tội lỗi, và đòi hỏi bạn bè phải thay đổi trước khi có thể tiếp tục tình bạn. Nhưng trở về với bạn cũ, chúng ta cũng phải nhớ rằng “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.” Châm Ngôn 22:24-25 viết, “Chớ làm bạn với người hay giận; Chớ giao tế cùng kẻ cường bạo, E con tập theo đường lối nó, Và linh hồn con bị bẫy hãm hại chăng.” Phao-lồ cũng dạy trong I Cô-rinh-tô 15:33. “Anh em chớ mắc lừa: bạn bè xấu làm hư thói nết tốt.”

Thế thì làm sao chúng ta có thể tránh bị ảnh hưởng xấu của bạn bè? Thưa, chúng ta phải trở về với bạn mình, nhưng với một mục đích và thái độ khác: Như Ma-thi-ơ, chúng ta về lại với bạn mình để đem Tin Lành đến họ. Người tin Chúa không lẩn tránh thế gian, nhưng cũng không hòa đồng với thế gian. Người nghiện rượu tin Chúa không còn chén chú chén anh với bạn nhậu cũ của mình. Ðể làm được điều này, chúng ta phải mời Chúa Giê-xu đi cùng, như Ma-thi-ơ đã làm ở đây. Và Chúa sẽ không bao giờ từ chối. Ngài không bao giờ tránh những người bị người đời khinh chê. Ngài không đến với những người xấu nết để học theo họ. Ngài không nói với Ma-thi-ơ, “Cho ta theo ngươi,” nhưng ra lịnh, “Hãy theo ta.”

Ðôi khi, vì biết quá rõ bạn mình, chúng ta nghĩ rằng họ sẽ không bao giờ để ý đến những điều thuộc linh. Nhưng câu chuyện của Ma-thi-ơ hôm nay cho chúng ta thấy rằng nhiều khi chúng ta quá coi thường quyền năng của Ðức Chúa Trời. Chúng ta không thể nào biết được điều gì sẽ xảy ra khi nói về Chúa với bạn mình. Không có ai quá tội lỗi để Ðức Chúa Trời không thể cứu được.

 

Ðiều này nói lên sự khác nhau rất lớn giữa Chúa Giê-xu và người Pha-ri-si lúc đó. Họ biết Cựu Ước, nhưng chỉ ghi nhớ trong đầu óc, không để chúng làm việc từ trong trái tim. Họ chỉ tìm cách theo đúng những luật lệ đã được dạy dỗ từ bao nhiêu đời trước, và được truyền xuống cho họ. Vì thiếu tình yêu Chúa và yêu người, họ biến những luật lệ này thành những giáo luật khô khan và cứng nhắc, quy định một cách máy móc điều gì họ phải làm, điều gì không. Nếu có thể, họ tìm cách bóp méo chúng để làm được điều mình muốn làm. Họ chỉ để ý đến bề ngoài, và chỉ tìm cách bảo vệ chức tước và danh dự của họ.

Họ tự nhận cho mình trách nhiệm theo dõi và phán đoán người khác, và họ phán đoán một cách khắc khe dựa theo những hành động bên ngoài. Họ phân chia mọi người theo một trong hai nhóm: người công bình, và người xấu nết. Như họ, người công bình là những người biết vâng giữ luật lệ, làm những điều nên làm, và giao thiệp với những người nên giao thiệp. Người xấu nết không làm như họ, và bị họ khinh khi, tẩy chay, và tránh xa. Thật ra, tránh xa người có tội là việc họ phải làm. Không tránh xa người có tội đối với họ là có tội.

Bữa tiệc do Ma-thi-ơ đãi và mời bạn mình là những người thâu thuế là bữa tiệc của những người phạm tội. Ví dầu được mời, người Pha-ri-si cũng không đến dự. Họ chỉ muốn đứng đằng xa để quan sát và phê bình. Ðến ăn chung với những người như thế là chấp nhận họ, và dung thứ những hành động tội lỗi của họ.

Ngược lại, Chúa Giê-xu đến dự. Ấy là vì Ngài yêu Ðức Chúa Trời và yêu người. Ngài không làm theo ý mình, nhưng chỉ muốn hết lòng làm đẹp lòng Ðức Chúa Cha. Ngài xem trọng con người, dầu là những người mang tiếng là có tội, hơn những giáo luật hay các tổ chức tôn giáo, hay những điều người khác nghĩ về Ngài.

Ngài giải thích, “9:12Chẳng phải là người khỏe mạnh cần thầy thuốc đâu, song là người có bịnh.  9:13 …Vì ta đến đây không phải để kêu kẻ công bình, song kêu kẻ có tội.” Trong lúc người Pha-ri-si nhìn Ma-thi-ơ và bạn ông như những người phạm tội, còn mình là người công chính, Chúa không phân biệt người công chính và người phạm tội, vì đối với Ngài tất cả đều là người phạm tội. Ngài xem Ma-thi-ơ và bạn ông như những bịnh nhân cần bác sĩ là Ngài. Thật ra, đối với Ngài, tất cả mọi người đều bị bịnh, nhưng chỉ người biết mình bị bịnh đi tìm bác sĩ, và được chữa lành. Có ba hạng bịnh nhân mà bác sĩ Giê-xu không thể chữa lành: Thứ nhất là những người không hề nghe về Ngài; thứ hai là những người biết mình bị bịnh, nhưng không chịu đến với Ngài, và thứ ba là những người không nghĩ mình bị bịnh, và vì thế không cần Ngài. Người Pha-ri-si thuộc hạng người thứ ba này.

Chúa Giê-xu đưa ra một hình ảnh để đối chiếu người Pha-ri-si với người được Ngài cứu trong câu chuyện ghi trong Lu-ca 18:9-14, “Ngài lại phán thí dụ nầy về kẻ cậy mình là người công bình và khinh dể kẻ khác: Có hai người lên đền thờ cầu nguyện: một người Pha-ri-si và một người thâu thuế. Người Pha-ri-si đứng cầu nguyện thầm như vầy: Lạy Ðức Chúa Trời, tôi tạ ơn Ngài, vì tôi không phải như người khác, tham lam, bất nghĩa, gian dâm, cũng không phải như người thâu thuế nầy. Tôi kiêng ăn một tuần lễ hai lần, và nộp một phần mười về mọi món lợi của tôi.  Người thâu thuế đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực mà rằng: Lạy Ðức Chúa Trời, xin thương xót lấy tôi, vì tôi là kẻ có tội! Ta nói cùng các ngươi, người nầy trở về nhà mình, được xưng công bình hơn người kia; vì ai tự nhắc mình lên sẽ phải hạ xuống, ai tự hạ mình xuống sẽ được nhắc lên.”

Trích Ô-sê 6:6, Chúa Giê-xu nói thêm, “9:13Hãy đi, và học cho biết câu nầy nghĩa là gì: Ta muốn sự thương xót, nhưng chẳng muốn của lễ.” Thấy dân mình làm nhiều điều đáng ghê tởm (Ô-sê 6:9, 7:1,7), tiên tri Ô-sê hết lòng kêu gọi dân Do thái trở về với Ðức Chúa Trời. Qua ông, Ðức Chúa Trời cho biết rằng điều làm đẹp lòng Ngài không phải là những điều bên ngoài như những của lễ dâng trong đền thờ, nhưng là sự kính Chúa và yêu người.

Chúa Giê-xu muốn dạy người Pha-ri-si (và chúng ta) biết yêu mến và giúp đỡ những người sống bên lề xã hội hơn là nguyền rủa, tránh xa họ.

 

Mục Sư Ðỗ Lê Minh