Ma-thi-ơ 9:14-17; Mác 2:18-22; Lu-ca 5:33-39
Kính thưa Quý vị: Sau khi nghe những bài giảng bất hủ của Chúa Giê-xu từ chương 5 đến chương 7, chúng ta đã thấy Ngài làm nhiều phép lạ như chữa bịnh, dẹp tan sóng gió, đuổi quỷ trong chương 8. Qua chương 9, người Pha-ri-si bắt đầu chống đối Ngài. Trước hết họ buộc tội Ngài phạm thượng vì tự xưng mình có quyền tha tội; sau đó họ buộc tội Ngài ăn chung với những người đáng khinh như Ma-thi-ơ và các bạn thâu thuế của ông. Hôm nay, chúng ta nghe họ buộc một tội mới cho Chúa Giê-xu. Lần này không phải vì Ngài ăn với ai, nhưng chỉ vì Ngài ăn trong ngày mà họ không ăn.
Bất cứ Chúa Giê-xu làm điều gì, Ngài cũng bị họ bắt lỗi. “Cao chê ngỏng, thấp chê lùn, Béo chê béo trục béo tròn, Gầy chê xương sống xương sườn phơi ra.” Và đây là điều chúng ta phải nhớ: Là tín đồ Ðấng Christ, chúng ta cũng sẽ bị người khác phê bình. Chúng ta phải biết phân biệt lời phê bình nào là xây dựng, và sửa đổi, và lời phê bình nào chỉ để đả phá, và không cần để ý đến. Trong trường hợp Chúa Giê-xu, như những lời phê bình trước kia của người Pha-ri-si, lời phê bình trong bài học ngày hôm nay của họ cũng chỉ đến từ sự nông cạn của họ. Chúng ta sẽ học theo các sách Tin Lành Ma-thi-ơ 9:14-17, Mác 2:18-22 và Lu-ca 5:33-39.
Ma-thi-ơ
9:14Khi ấy, các môn đồ của Giăng đến tìm Ðức Chúa Giê-xu, mà thưa rằng: Cớ sao chúng tôi và những người Pha-ri-si kiêng ăn, còn môn đồ thầy không kiêng ăn?
9:15Ðức Chúa Giê-xu đáp rằng: Trong khi chàng rể còn ở với bạn hữu đến mừng cưới, thì những bạn hữu đó có thể nào buồn rầu được ư? Nhưng đến ngày nào chàng rể sẽ bị đem đi khỏi họ, thì họ mới kiêng ăn.
9:16Không có ai vá miếng nỉ mới vào cái áo cũ; vì nếu làm vậy, miếng nỉ mới sẽ chằng rách áo cũ, và đàng rách trở nên xấu hơn.
9:17Cũng không có ai đổ rượu mới vào bầu da cũ; nếu làm vậy thì bầu nứt, rượu chảy ra, và bầu phải hư; song ai nấy đổ rượu mới vào bầu mới, thì giữ được cả hai bề.
Mác
2:18Vả, môn đồ của Giăng và người Pha-ri-si đều kiêng ăn. Có người đến thưa cùng Ðức Chúa Giê-xu rằng: Bởi cớ nào môn đồ của Giăng và môn đồ của người Pha-ri-si đều kiêng ăn, còn môn đồ của thầy không kiêng ăn?
2:19Ðức Chúa Giê-xu phán rằng: Bạn hữu của chàng rể có kiêng ăn được trong khi chàng rể còn ở cùng mình chăng? Hễ chàng rể còn ở với họ đến chừng nào, thì họ không thể kiêng ăn được đến chừng nấy.
2:20Song tới kỳ chàng rể phải đem đi khỏi họ, trong ngày đó họ sẽ kiêng ăn.
2:21Không ai vá miếng nỉ mới vào cái áo cũ; nếu vậy thì miếng nỉ mới chằng rách áo cũ, mà đàng rách càng xấu thêm.
2:22 ũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ; nếu vậy, rượu làm vỡ bầu, rượu mất và bầu cũng chẳng còn.
Lu-ca
5:33Họ thưa Ngài rằng: môn đồ của Giăng thường kiêng ăn cầu nguyện, cũng như môn đồ của người Pha-ri-si, chẳng như môn đồ của thầy ăn và uống.
5:34Ngài đáp rằng: Trong khi chàng rể còn ở cùng bạn mừng cưới mình, các ngươi dễ bắt họ phải kiêng ăn được sao?
5:35Song đến ngày nào chàng rể phải đem đi khỏi họ, thì trong những ngày ấy họ mới kiêng ăn vậy.
5:36Ngài lại lấy thí dụ mà phán cùng họ rằng: Không ai xé một miếng áo mới mà vá áo cũ. Nếu vậy, áo mới phải rách, và miếng giẻ mới cũng không xứng với áo cũ.
5:37Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, nếu vậy, rượu mới làm nứt bầu ra; rượu chảy mất và bầu cũng phải hư đi.
5:38Song rượu mới phải đổ vào bầu mới.
5:39Lại cũng không ai uống rượu cũ lại đòi rượu mới; vì người nói rằng: Rượu cũ ngon hơn.
I. Sự kiêng ăn
Tuần trước chúng ta đã học về việc Chúa Giê-xu tham dự bữa tiệc do Ma-thi-ơ khoản đãi những người bạn thâu thuế của mình sau khi ông được Ngài kêu gọi. Chúng ta có thể tưởng tượng được rằng đây là một bữa tiệc rất vui vẻ, vì Ma-thi-ơ đã tìm được ý nghĩa cho đời. Nhiều học giả cho rằng vì bữa tiệc đó mà Chúa Giê-xu bị phản đối, như Mác ghi, “2:18Vả, môn đồ của Giăng và người Pha-ri-si đều kiêng ăn. Có người đến thưa cùng Ðức Chúa Giê-xu rằng: Bởi cớ nào môn đồ của Giăng và môn đồ của người Pha-ri-si đều kiêng ăn, còn môn đồ của thầy không kiêng ăn?”
Môn đồ của Giăng và của người Pha-ri-si thường không giao thiệp với nhau. Nhưng lần này họ liên hệ với nhau vì có một vấn đề chung, đó là sự kiêng ăn. Theo Lê-vi Ký 16:24, người Do thái chỉ phải kiêng ăn một ngày một năm, tức là trong ngày Ðại Lễ Chuộc Tội. Ai muốn, thì có thể kiêng ăn thêm trong những ngày khác. Ðến thời Xa-cha-ri, họ có thêm bốn ngày kiêng ăn khác (8:19). Ðến thời Ê-xơ-tê, họ kiêng ăn thêm vào ngày Phu-rim (9:31). Nhưng qua thời Chúa Giê-xu, người Do thái kiêng ăn đến hai ngày mỗi tuần, thứ hai và thứ năm (Lu-ca 18:12) (và có vẻ như Chúa Giê-xu dự tiệc do Ma-thi-ơ đãi vào một trong hai ngày này).
Trên lý thuyết, kiêng ăn là một cách từ bỏ những điều vật chất bên ngoài, để chú tâm đến những điều thuộc linh bên trong. Nhưng trên thực tế, người Pha-ri-si đã dùng điều vật chất bên ngoài như kiêng ăn để định nghĩa và đánh giá những điều thuộc linh bên trong. Ðối với họ, muốn được “đắc đạo,” một người phải có một đời sống kỷ luật, đòi hỏi sự hy sinh, ép xác, đặc biệt là phải làm điều mình không muốn làm (như kiêng ăn), và tránh làm điều mình muốn làm (như ăn). Kết quả là đời sống của họ rất khô khan và thiếu hẳn sự vui mừng.
Một hậu quả đáng buồn trong việc kiêng ăn của người Pha-ri-si là điều này trở thành cách họ phô trương là mình thánh thiện. Họ lấy làm kiêu hãnh khi kiêng ăn thường xuyên, như lời cầu nguyện trong Lu-ca 18:12, “Tôi kiêng ăn một tuần lễ hai lần, và nộp một phần mười về mọi món lợi của tôi.” Ðể mọi người biết rằng họ đang kiêng ăn, họ thích làm mặt mình thành tái đi, và ăn mặc quần áo luộm thuộm. Chúa Giê-xu vì thế dạy tín đồ của Ngài trong Ma-thi-ơ 6:16-18 như thế này, “Khi các ngươi kiêng ăn, chớ làm bộ buồn rầu như bọn giả hình; vì họ nhăn mặt, cho mọi người biết họ kiêng ăn. Quả thật, ta nói cùng các ngươi, bọn đó đã được phần thưởng của mình rồi. Song khi ngươi kiêng ăn, hãy xức dầu trên đầu, và rửa mặt, hầu cho người ta không xem thấy ngươi đang kiêng ăn, nhưng chỉ Cha ngươi là Ðấng ở nơi kín nhiệm xem thấy mà thôi; và Cha ngươi thấy trong chỗ kín nhiệm sẽ thưởng cho ngươi.”
Người Pha-ri-si cũng đánh giá người khác bằng cách xem người đó có thường xuyên kiêng ăn hay không. Vì thế, khi thấy Chúa Giê-xu cùng các môn đồ dự tiệc trong những ngày mà họ kiêng ăn, họ nghi ngờ không biết Ngài có thật sự là Ðấng Cứu Rỗi hay không.
Mặt khác, Giăng Báp-tít dạy các môn đồ của ông ăn năn hối cải, được thể hiện trong một đời sống thánh khiết và cách biệt. Vì thế các môn đồ của Giăng cũng kiêng ăn thường xuyên. Ðặc biệt là vì lúc này Giăng đang ngồi trong tù, và có thể bị xử tử, các môn đồ của ông kiêng ăn để khẩn thiết xin Chúa giải cứu ông. Họ không hiểu tại sao Chúa Giê-xu và các môn đồ của Ngài lại không kiêng ăn để cùng cầu nguyện cho Giăng.
Cuối cùng, hai nhóm môn đồ của Giăng và của người Pha-ri-si họp với nhau để phản đối Chúa Giê-xu, hay ít nhất để hỏi tại sao các môn đồ của Ngài không kiêng ăn.
Trước hết, chúng ta phải biết rằng Chúa Giê-xu không chống lại việc kiêng ăn. Ngài kiêng ăn 40 ngày trong đồng vắng (Ma-thi-ơ 4:2). Ðiều quan trọng chúng ta học ngày hôm nay là chúng ta phải nhìn đến động lực đằng sau mọi hành động của mình. Kiêng ăn để khoe trương như người Pha-ri-si là sai. Cũng như chúng ta phải nhắc nhở lẫn nhau rằng Chúa Giê-xu là lý do chính của Lễ Giáng Sinh, chúng ta phải nhớ rằng Ngài cũng là lý do chính khiến một người kiêng ăn hay không.
Mác ghi lại câu trả lời của Ngài như sau. “2:19Bạn hữu của chàng rể có kiêng ăn được trong khi chàng rể còn ở cùng mình chăng? Hễ chàng rể còn ở với họ đến chừng nào, thì họ không thể kiêng ăn được đến chừng nấy.” Ðám cưới theo phong tục Do thái thường kéo dài cả tuần lễ, và đặc biệt là khách dự đám cưới được miễn việc kiêng ăn. Trong Cựu Ước, đặc biệt là Ê-sai và Giê-rê-mi, việc Ðấng Cứu Rỗi đến với người Do thái được ví sánh như việc chàng rể đến với cô dâu. Ðã hơn 400 năm trước Chúa Giê-xu, Ðức Chúa Trời yên lặng, và người Do thái kiêng ăn để cầu nguyện Ngài đoái hoài đến họ. Giờ đây, Ngài đã đến trong hình dạng Chúa Giê-xu, nhưng họ lại chối từ Ngài, và đòi hỏi Ngài cùng các môn đồ cũng phải kiêng ăn như họ!
Cũng vậy, Giăng đã có lần nói với các môn đồ của ông trong Giăng 3:28-30, “Chính các ngươi làm chứng cho ta rằng ta đã nói: Ấy không phải ta là Ðấng Christ, nhưng ta đã được sai đến trước Ngài. Ai mới cưới vợ, nấy là chàng rể, nhưng bạn của chàng rể đứng gần và nghe người, khi nghe tiếng của chàng rể thì rất đỗi vui mừng; ấy là sự vui mừng trọn vẹn của ta đó. Ngài phải dấy lên, ta phải hạ xuống.” Nếu thế thì họ phải vui mừng vì có Chúa Giê-xu; cớ sao phải kiêng ăn, đau buồn? Cả hai nhóm đều sai lầm: Có Chúa Giê-xu, đời không phải là đám tang, nhưng là đám cưới.
Không những kiêng ăn phải có lý do chính đáng, nhưng cũng phải đúng lúc đúng thời. Chúa Giê-xu dạy là sẽ có lúc môn đồ của Ngài kiêng ăn, như Mác ghi thêm lời Ngài dạy, “2:20Song tới kỳ chàng rể phải đem đi khỏi họ, trong ngày đó họ sẽ kiêng ăn.” Ngài biết sứ mạng của đời Ngài, và muốn nói đến lúc Ngài bị đóng đinh trên thập tự giá, và lúc đó các môn đồ của Ngài sẽ than khóc vì sự ra đi của Ngài (Giăng 16:16-22).
Nhưng sự đau buồn này không kéo dài quá lâu. Chỉ ba ngày sau đó, Chúa Giê-xu đã sống lại, biến đau buồn thành mừng vui. Ngày hôm nay, chúng ta biết Chàng Rể Giê-xu đang ở trong lòng chúng ta qua dạng Ðức Thánh Linh, làm chúng ta được tràn đầy sự công chính, bình an, và hy vọng.
Dầu vậy, có nhiều người tín đồ ngày hôm nay vẫn còn suy nghĩ như những người Pha-ri-si ngày xưa. Họ cho rằng người tín đồ phải cố gắng (và đôi khi miễn cưỡng) thi hành những nghi thức tôn giáo, dầu thích hay không. Vì thế, đời sống họ thiếu sự vui mừng như của Ma-thi-ơ và các bạn mình. Chúa muốn chúng ta khước từ những niềm vui hời hợt và tạm bợ để nhận lấy sự vui mừng lâu dài, làm thỏa mãn linh hồn. Vâng, Giăng Báp-tít bị tù, và đời sống của chúng ta có nhiều khó khăn, sóng gió. Nhưng chúng không phải là giai điệu chính, nhưng chỉ là những nốt hòa âm phụ, để tạo nên một bản nhạc đời, hân hoan ca tụng Ðức Chúa Trời. Xin chúng ta luôn sống mỗi ngày trong sự tươi mới, vui mừng, như cô dâu háo hức trông chờ đến ngày được chàng rể cưới về.
II. Áo cũ, Rượu Cũ
Ngay sau khi trả lời về sự kiêng ăn, Chúa Giê-xu đưa ra hai ví dụ. Ma-thi-ơ ghi ví dụ đầu tiên là: “9:16Không có ai vá miếng nỉ mới vào cái áo cũ; vì nếu làm vậy, miếng nỉ mới sẽ chằng rách áo cũ, và đàng rách trở nên xấu hơn.” Lu-ca ghi lại hơi khác, “5:36Ngài lại lấy thí dụ mà phán cùng họ rằng: Không ai xé một miếng áo mới mà vá áo cũ. Nếu vậy, áo mới phải rách, và miếng giẻ mới cũng không xứng với áo cũ.” Ðại ý, Ngài nói là nếu chúng ta xé áo mới để vá vào áo cũ, thì áo cũ sẽ bị hư vì vải không hợp, và áo mới cũng bị xé hư.
Ví dụ thứ hai trong Ma-thi-ơ là, “9:17Cũng không có ai đổ rượu mới vào bầu da cũ; nếu làm vậy thì bầu nứt, rượu chảy ra, và bầu phải hư; song ai nấy đổ rượu mới vào bầu mới, thì giữ được cả hai bề.” Lu-ca chép hơi khác, “5:37-38Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, nếu vậy, rượu mới làm nứt bầu ra; rượu chảy mất và bầu cũng phải hư đi. Song rượu mới phải đổ vào bầu mới.”
Ngày xưa, người ta dùng da thú vật như dê để chứa rượu. Sau khi chặt đầu và chân con dê, họ lấy thịt và xương ra, may kín những lỗ trên da, chỉ chừa cái cổ để đổ nước nho vào. Sau đó họ cũng may kín cái cổ luôn. Khi nước nho lên men, thể tích nước tăng lên. Nhưng vì còn mới, bầu da dê cũng tăng dung lượng theo, nên vẫn có thể chứa rượu được. Ngược lại, nếu người ta dùng bầu da cũ và khô, không tăng dung lượng được, nó sẽ nổ tung khi nước nho lên men.
Thông thường Chúa Giê-xu không giải thích ý nghĩa của những bài ngụ ngôn của Ngài. Nhưng vì tác giả các sách Tin Lành ghi lại những lời dạy trên ngay sau khi Ngài bị người Pha-ri-si chất vấn về vấn đề kiêng ăn, xin chúng ta tìm cách giải thích nó bằng cách đối chiếu điều Ngài dạy với những điều người Pha-ri-si dạy.
Chúng ta phải biết rằng Chúa Giê-xu không bao giờ xem Cựu Ước là xấu, hay thua kém Tân Ước. Vì thế, ở đây Ngài không nói đến luật pháp trong Cựu Ước, nhưng Do thái giáo, hay những lời dạy của người Pha-ri-si dựa theo Cựu Ước. Ví dụ điển hình là những điều họ dạy về sự kiêng ăn. Như chúng ta đã phân tích, lối dạy dỗ như thế khác hẳn với tinh thần trong Cựu Ước.
Lu-ca ghi thêm, “5:39Lại cũng không ai uống rượu cũ lại đòi rượu mới; vì người nói rằng: Rượu cũ ngon hơn.” Dĩ nhiên là rượu cũ ngon hơn, nhưng ở đây Chúa không muốn nói rằng Do thái giáo tốt hơn. Ngài muốn nói là người Pha-ri-si cho rằng tôn giáo của họ tốt hơn. Trong lúc những người như Ma-thi-ơ không chịu ảnh hưởng của họ sẵn sàng từ bỏ mọi sự để theo Ngài, người Pha-ri-si nghĩ là mình có chân lý nên từ chối Ngài. Như bầu da cũ, Do thái giáo quá cứng ngắc để có thể chấp nhận Chúa Giê-xu. Những luật lệ khắt khe và những truyền thống lỗi thời của họ hoàn toàn trái ngược với sự tư do mà Chúa Giê-xu đem lại cho con người.
Chúa vì thế không muốn sửa đổi, bổ túc, hay chắp vá Do thái giáo, như đem vải mới vá quần áo cũ. Trái lại, như một nhà cách mạng, Ngài đem đến một phương cách cứu rỗi mới hoàn toàn. Tin Lành không là luật pháp, nhưng là ân điển. Tin Lành không là một phương tiện để con người tìm đến Ðức Chúa Trời, nhưng là kết quả của việc Ðức Chúa Trời trở thành con người. Tin Lành không xây dựng trên những điều phải làm hoặc không được làm, nhưng trên dòng huyết cứu rỗi của Chúa Giê-xu. Tin Lành không phải là một tổ chức tôn giáo với những nghi lễ lỗi thời, nhưng là sự liên hệ sống với Ðức Chúa Trời. Tin Lành không phải là những hoạt động tôn giáo bề ngoài, được thi hành một cách miễn cưỡng, nhằm phô trương, nhưng là những việc làm trong vui mừng, đến từ tình yêu Chúa và yêu người. Tin Lành không đòi hỏi kiêng ăn, nhưng cho con người được tràn đầy rượu mới là Ðức Thánh Linh. Tin Lành không chấp nhận, chắp vá con người cũ, nhưng làm người tin vào Chúa Giê-xu được tái sinh.
Chúng ta học được bài học gì ngày hôm nay? Ðối với cá nhân mỗi người tín đồ cũng như đối với Hội thánh nói chung, chúng ta phải biết điều gì là “cũ,” hay là Pha-ri-si.” Ðây có thể là những điều chúng ta thường làm, nhưng không còn lý do để làm, hay là những điều tốt chúng ta làm, nhưng với mục đích sai lầm. Mỗi Chúa nhật chúng ta đến Hội thánh để thờ phượng Chúa để tìm vui trong sự thờ phượng Chúa, hay để tìm vui với bạn bè? Chúng ta dâng hiến vì yêu mến Chúa, và xem đây như một vinh dự được đóng góp vào nhà Ðức Chúa Trời, hay vì cảm thấy không làm không được? Chúng ta kiêng ăn để tìm ý Chúa, hay như người Pha-ri-si, chỉ vì thói quen, hay để người khác biết? Khi cầu nguyện trước Hội thánh, chúng ta có tìm cách ăn nói thật văn hoa để người khác khâm phục? Chúng ta hát trong ban hát vì muốn đóng góp vào việc ca ngợi Chúa, xem Ngài như đối tượng độc nhất của mình, hay vì nghĩ mình hát hay, nên muốn người khác thưởng thức?
Có nhiều Hội thánh bị rớt vào hố sâu của truyền thống, và mất đi sự linh động để có thể lôi cuốn người ngoài. Ðồng ý rằng sự thờ phượng của chúng ta phải được trang nghiêm, nhưng tại sao phải “buồn ngủ,” không có được niềm vui như của Ða-vít khi ông viết trong Thi Thiên 16:11, “Chúa sẽ chỉ cho tôi biết con đường sự sống; Trước mặt Chúa có trọn sự khoái lạc, Tại bên hữu Chúa có điều vui sướng vô cùng”? Tôi không hiểu tại sao nhiều hội thánh Tin Lành Việt Nam đòi hỏi mục sư phải bận “com-lê,” đeo “ca-vát,” và phải đứng nghiêm sau bục giảng. Nhiều hội thánh vẫn cứ hát những bài thánh ca dùng toàn danh từ Hán Việt mà không mấy người hiểu.
Trong Thế Vận Hội thứ 19 tại Mexico City năm 1968, lực sĩ Dick Fosbury đạt được kỷ lục về nhảy cao. Chưa ai nhảy được đến 7’ và 4.25’’ như ông. Nhưng ông làm được vì cách ông nhảy hoàn toàn khác trước kia: Ông nhảy ngửa người, đầu trước, chân sau. Cũng một mục đích là nhảy cao, nhưng ông thành công vì dùng một phương cách mới. Mục đích của Hội thánh vẫn là như được dạy trong Kinh thánh, nhưng chúng ta phải biết thay đổi phương cách để thích ứng với hoàn cảnh, văn hóa và phương tiện hiện đại.
Tóm lại, xin chúng ta hãy vui mừng, vì trọn đời được dự tiệc cưới Chiên Con. Xin chúng ta cũng hãy bỏ đi gánh nặng truyền thống Pha-ri-si, để được tự do hoàn toàn trong Ðức Chúa Giê-xu Christ.
Mục Sư Ðỗ Lê Minh