Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 8

Người Cai Nhà Hội

Ma-thi-ơ 9:18-26, Mác 5:21-43, Lu-ca 8:40-56

 

Kính thưa Quý vị: Tuần trước chúng ta đã học về đức tin của người đàn bà bị mất huyết đã mười hai năm. Bà đã chen vào đám đông để có thể rờ áo Chúa Giê-xu, và được Ngài chữa lành. Ba tác giả các sách Tin Lành đã lồng câu chuyện này giữa câu chuyện của người con một người cai nhà hội tên là Giai-ru, được Chúa Giê-xu làm sống lại sau khi đã chết. Hôm nay xin chúng ta cùng nhau phân tích câu chuyện của Giai-ru, được kể trong các sách Ma-thi-ơ 9:18-26, Lu-ca 8:40-56, đặc biệt là Mác 5:21-43.

 

I.          Giai-ru nài xin Chúa

 

Mác ghi,

5:22Bấy giờ, có một người trong những người cai nhà hội, tên là Giai ru, đến, thấy Ðức Chúa Giê-xu, bèn gieo mình nơi chân Ngài;

5:23nài xin mà rằng: Con gái nhỏ tôi gần chết; xin Chúa đến, đặt tay trên nó, đặng nó lành mạnh và sống.

5:24Ðức Chúa Giê-xu đi với người; đoàn dân đông cùng đi theo và lấn ép Ngài.

 

Ma-thi-ơ chép,

9:18Ðang khi Ðức Chúa Jêsus phán các điều đó, xảy có người cai nhà hội kia bước vào, quì lạy trước mặt Ngài mà thưa rằng: Con gái tôi mới chết; xin Chúa đến, đặt tay trên nó, thì nó sẽ được sống.

9:19Ðức Chúa Jêsus bèn đứng dậy, cùng môn đồ Ngài đều đi theo người.

 

Lu-ca kể,

8:40Khi trở về, có đoàn dân đông rước Ngài; vì ai nấy cũng trông đợi Ngài.

8:41Có người cai nhà hội tên là Giai-ru đến sấp mình xuống nơi chân Ðức Chúa Jêsus, xin Ngài vào nhà mình.

8:42Vì người có con gái một, mười hai tuổi, gần chết. Khi Ðức Chúa Jêsus đang đi, dân chúng lấn ép Ngài tứ phía.

 

Giai-ru không phải là một thầy tế lễ, nhưng là một người cai nhà hội. Chữ “cai” ở đây không như trong chữ “cai trường,” nhưng là người quản trị nhà hội. Ông toàn diện điều hành nhà hội, kể cả quản trị tài chánh, phân phát tiền cho người nghèo, bảo trì cơ sở, cũng như xếp đặt chương trình thờ phượng trong ngày Sa-bát. Ông có danh vọng trong xã hội, và được nhiều người nể vì vì chức vụ của mình.

Ông cũng phải có một mối liên hệ rất mật thiết với những người Pha-ri-si. Như chúng ta đã biết, người Pha-ri-si đã bắt đầu ganh tị với Chúa Giê-xu. Họ cho Ngài là người phạm thượng. Họ đã không cho Ngài giảng đạo trong nhà hội, và vì thế, như Mác nói ở đây, Ngài phải hành đạo “5:21trên bờ biển.” Rất có thể là Giai-ru đã nghe nhiều lời nói xấu của họ về Chúa Giê-xu, và đã nghe họ cấm cản người xung quanh tìm đến Ngài. Nhưng chắc chắn rằng Giai-ru cũng đã nghe nhiều điều tốt về Chúa Giê-xu từ người khác, đặc biệt là về những phép lạ Ngài làm.

Rồi một ngày nọ, người “con gái nhỏ” thân yêu của Giai-ru bị bịnh đến gần chết. Ông gọi em như thế không phải vì em còn nhỏ, nhưng đó là một danh xưng âu yếm của ông dành cho em. Thật ra, em đã mười hai tuổi. Theo phong tục lúc ấy, người con gái trở thành người lớn đúng sinh nhật thứ mười hai. Chết trong tuổi này thật là một điều đau đớn cho cha mẹ.

Là một người có điều kiện, Giai-ru chắc đã tốn bao nhiêu tiền cho các thầy thuốc. Vì ông là người có chức tước trong nhà hội, các thầy tế lễ chắc cũng đã nhiều lần cầu xin Ðức Chúa Trời chữa lành bệnh cho con ông. Nhưng tất cả mọi cố gắng đều vô hiệu. Trong lúc nguy kịch như thế, dù là một nhân vật có trách nhiệm lớn lao, ông quên hết mọi sự, và chỉ biết lo nghĩ đến con mình. Ông cũng không nhớ đến, hay bận tâm đến, những lời cấm cản của người Pha-ri-si. Họ có làm được gì cho con của ông đâu? Như người đàn bà bị mất huyết, biết mình hoàn toàn vô vọng, ông đích thân tìm đến Chúa Giê-xu.

Mác kể rằng, khi gặp Chúa Giê-xu, ông “5:22-23gieo mình nơi chân Ngài; nài xin mà rằng: Con gái nhỏ tôi gần chết; xin Chúa đến, đặt tay trên nó, đặng nó lành mạnh và sống.” Xin để ý rằng ông cầu xin một điều mà một người thường không ai làm được. Hành động và lối van xin của ông cho thấy một cách rõ ràng rằng ông chỉ còn hy vọng nơi Chúa Giê-xu. Theo nguyên bản, chúng ta thấy hình ảnh của một người van nài “dai dẳng,” (hay “nài xin” như trong bản dịch Việt Nam). Cuối cùng, thuận ý giúp ông, “5:24Ðức Chúa Giê-xu đi với người.”

Chúa Giê-xu có biết rằng con của ông đang bị bịnh nguy kịch hay không? Ngài có biết rằng ông không còn hy vọng nào khác ngoài Ngài hay không? Thưa, chắc chắn Ngài biết. Nhưng Ngài chỉ hành động khi ông đến nài xin Ngài. Ngày hôm nay cũng vậy, Ngài biết chúng ta phải chết mất vì tội lỗi mình, và không thể tự cứu lấy mình, nhưng Ngài chỉ giải cứu những ai chịu tìm đến cầu xin Ngài.

 

II.        Trên đường về nhà Giai-ru

 

Chúng ta có thể tưởng tượng được niềm vui trong lòng của Giai-ru khi Chúa Giê-xu chịu về nhà ông, để cứu người con gái thân yêu của ông. Chỉ có một điều ông lo, đó là không biết Ngài có về đến kịp thời hay không. Ông muốn chạy mau về nhà, nhưng phải đi chậm lại để chờ Chúa và đám đông đi theo.

Nhưng đột nhiên Ngài dừng lại, và hỏi “Ai đã rờ áo ta?” Giai-ru chắc nói trong đầu, “Chúa ôi, việc ai rờ Chúa có gì quan trọng đâu? Xin Chúa đừng phí thì giờ vào chuyện không đâu. Con gái của con đang chết mất.” Rồi Giai-ru khám phá ra rằng điều người ta đồn về Chúa Giê-xu là đúng: Ngài có quyền trên bệnh tật. Ngài đã chữa lành một người đàn bà bị mất huyết mười hai năm, chỉ vì bà có can đảm rờ áo Ngài. (Thấy Chúa đã chấm dứt mười hai năm chịu đựng trong nhục nhã của bà, Giai-ru liên tưởng đến mười hai năm bên người con gái thân yêu của mình, và chỉ mong Chúa sớm làm phép lạ để hạnh phúc này không chấm dứt trong đau buồn!)

 

Mác kể tiếp,

5:35Ðang khi Ngài còn phán, có kẻ đến từ nhà người cai nhà hội mà nói với người rằng: Con gái ông đã chết rồi; còn phiền Thầy làm chi?

5:36Nhưng Ðức Chúa Giê-xu chẳng màng đến lời ấy, phán cùng cai nhà hội rằng: Ðừng sợ, chỉ tin mà thôi.

5:37Ngài chẳng cho ai theo mình, trừ ra Phi-e-rơ, Gia-cơ, và Giăng là em là Gia-cơ.

 

Lu-ca chép,

8:49Ngài còn đang phán, có kẻ ở nhà người cai nhà hội đến nói với người rằng: Con gái ông chết rồi; đừng làm phiền thầy chi nữa.

8:50Song Ðức Chúa Jêsus nghe vậy, phán cùng Giai-ru rằng: Ðừng sợ, hãy tin mà thôi, thì con ngươi sẽ được cứu.

 

Ðược tràn đầy hy vọng không bao lâu, Giai-ru nhận được “hung tín:” Mác ghi, “5:35Có kẻ đến từ nhà người cai nhà hội mà nói với người rằng: Con gái ông đã chết rồi.” Xin chúng ta để ý rằng đây là “5:35kẻ đến từ nhà người cai nhà hội.” Trước đó, trong lúc người con thân yêu của ông gần chết, Giai-ru không sai con cái hay người làm đi tìm Chúa Giê-xu, để có thể ở nhà với con trong những giây phút cuối cùng của nó, nhưng lại đích thân tìm đến Ngài. Rất có thể ông muốn chứng tỏ niềm tin của mình, nhưng cũng có thể là trong gia đình ông không ai tin rằng Chúa Giê-xu có quyền chữa bịnh. Giờ đây, họ lại gọi người đến báo cho ông biết rằng con ông đã chết, và nói, “5:35Còn phiền Thầy làm chi?” như muốn trách cứ, “Ðã nói rồi! Ði có lợi gì đâu?” Chữ “phiền” ở đây mai mỉa lắm. Người này dẫu tài giỏi hơn bao nhiêu thầy thuốc khác, cũng chỉ là “Thầy,” và cũng sẽ phải bó tay trước cái chết.

Ðây cũng là cách ma quỷ nói thầm vào tai chúng ta trong những lúc chúng ta đến với Chúa Giê-xu: “Cầu nguyện để làm gì? Dẫu là một vĩ nhân, Giê-xu chỉ là con người, không hơn không kém. Phiền đến Ngài chỉ là vô ích mà thôi.” Ðộc hại hơn, nhiều khi ma quỷ không nói thầm, nhưng nhờ miệng của người thân chúng ta để cản trở chúng ta đến với Chúa Giê-xu.

Trước sự mai mỉa của người nhà của Giai-ru, Chúa Giê-xu không giận lẫy và quay lưng đi về, nhưng như Mác ghi, “5:36Ðức Chúa Giê-xu chẳng màng đến lời ấy.” Ngược lại, Ngài khuyến khích Giai-ru, “Ðừng sợ, chỉ tin mà thôi.” Sợ hãi và nghi ngờ thường liên kết với nhau để dập tắt niềm tin. Chúng ta sợ vì để hoàn cảnh giữa chúng ta với Chúa, khiến chúng ta không còn thấy Ngài. Phương cách hay nhất để không còn sợ là tăng thêm niềm tin vào quyền năng của Ðức Chúa Trời. Chúng ta sợ vì nghĩ Ðức Chúa Trời không làm được gì; chúng ta tin khi nghĩ Ngài có thể làm được mọi điều.

Giai-ru giờ đây có thể tin lời người nhà, bỏ cuộc, cám ơn Chúa Giê-xu đã có công đi theo mình, rồi vội vã về nhà lo mai táng cho con. May thay, thay vì làm điều mình có thể làm được trong hoàn cảnh đau buồn, ông tiếp tục đặt niềm tin vào Ðấng có thể thay đổi hoàn cảnh, và tiếp tục bước đi bên Chúa. “5:37Ngài chẳng cho ai theo mình, trừ ra Phi-e-rơ, Gia-cơ, và Giăng là em là Gia-cơ.” (Ðây là những sứ đồ thân cận của Ngài, là những người về sau cũng sẽ chứng kiến việc hóa hình của Ngài.)

 

III.       Tại nhà Giai-ru

 

Mác ghi tiếp,

5:38Khi đã đến nhà người cai nhà hội, Ngài thấy chúng làm om sòm, kẻ khóc người kêu lớn tiếng.

5:39Vào nhà rồi, Ngài phán cùng chúng rằng: Sao các ngươi làm ồn ào và khóc lóc vậy? Ðứa trẻ chẳng phải chết, song nó ngủ.

5:40Chúng nhạo báng Ngài. Ngài bèn đuổi chúng ra hết, đem cha mẹ đứa trẻ với những kẻ theo Ngài, cùng vào chỗ nó nằm.

5:41Ngài nắm tay nó mà phán rằng: Ta-li-tha Cu-mi; nghĩa là: Hỡi con gái nhỏ, ta truyền cho mầy, hãy chờ dậy.

5:42Tức thì đứa gái chờ dậy mà bước đi, vì đã lên mười hai tuổi. Chúng rất lấy làm lạ.

5:43Ngài cấm ngặt chúng đừng cho ai biết sự ấy, và truyền cho đứa trẻ ăn.

 

Ma-thi-ơ viết,

9:23Khi Ðức Chúa Jêsus đến nhà người cai nhà hội, thấy bọn thổi sáo, và chúng làm om sòm,

9:24thì phán rằng: Các ngươi hãy lui ra; con gái nhỏ nầy chẳng phải chết đâu, nhưng nó ngủ. Chúng nghe thì chê cười Ngài.

9:25Bọn đó đã bị đuổi ra rồi, Ngài bèn vào, cầm lấy tay đứa gái, thì nó liền chờ dậy.

9:26Tin nầy đồn ra khắp cả xứ đó.

 

Lu-ca kể,

8:51Khi đến nhà, Ngài chỉ cho Phi-e-rơ, Gia-cơ, Giăng, và cha mẹ con ấy vào cùng Ngài.

8:52Ai nấy đều khóc lóc than vãn về con đó. Nhưng Ngài phán rằng: Ðừng khóc, con nầy không phải chết, song nó ngủ.

8:53Họ biết nó thật chết rồi, bèn nhạo báng Ngài.

8:54nhưng Ðức Chúa Jêsus cầm lấy tay con ấy, gọi lớn tiếng lên rằng: Con ơi, hãy chờ dậy!

8:55Thần linh bèn hoàn lại, con ấy chờ dậy liền; rồi Ngài truyền cho nó ăn.

8:56Cha mẹ nó lấy làm lạ; nhưng Ngài cấm nói lại sự xảy ra đó với ai.

 

Những người khóc lóc trong nhà của Giai-ru này thật ra chỉ là những người làm nghề “khóc mướn” như ở Việt Nam. Chúng ta phải biết rằng khi Chúa nói với họ, “5:39Ðứa trẻ chẳng phải chết, song nó ngủ,” Ngài không phủ nhận rằng em bé đã chết về phần thể xác. Nhiều người dựa vào câu này và nói rằng thật ra em chỉ bất tỉnh mà thôi. Nhưng bác sĩ Lu-ca viết rõ ràng rằng người nhà “8:53biết nó thật chết rồi.” Ngài muốn nói nói rằng Ngài sẽ làm em sống lại, như em đang ngủ rồi sẽ thức giấc.

Kinh thánh luôn ví sánh sự chết của người tín đồ như một giấc ngủ. Khi nghe tin La-xa-rơ đã chết, Chúa Giê-xu nói, “11:11-14La-xa-rơ, bạn ta, đang ngủ; nhưng ta đi đánh thức người. Môn đồ thưa rằng: Thưa Chúa, nếu người ngủ, chắc sẽ được lành. Vả, Ðức Chúa Giê-xu phán lời đó chỉ về sự chết của La-xa-rơ; song môn đồ tưởng nói về giấc ngủ thường. Ðức Chúa Giê-xu bèn nói tỏ tường cùng môn đồ rằng: La-xa-rơ chết rồi.” Rồi khi Ê-tiên bị ném đá chết, sách Công Vụ ghi, “7:59-60Chúng đang ném đá, thì Ê-tiên cầu nguyện rằng: Lạy Ðức Chúa Giê-xu, xin tiếp lấy linh hồn tôi. Ðoạn, người quì xuống, kêu lớn tiếng rằng: Lạy Chúa, xin đừng đổ tội nầy cho họ! Người vừa nói lời đó rồi thì ngủ.” Phao-lồ dạy trong thơ Tê-sa-lô-ni-ca 4:13-14, “Hỡi anh em, chúng tôi chẳng muốn anh em không biết về phần người đã ngủ, hầu cho anh em chớ buồn rầu như người khác không có sự trông cậy. Vì nếu chúng ta tin Ðức Chúa Giê-xu đã chết và sống lại, thì cũng vậy, Ðức Chúa Trời sẽ đem những kẻ ngủ trong Ðức Chúa Giê-xu cùng đến với Ngài.”

Dĩ nhiên là những người khóc mướn không hiểu Chúa Giê-xu muốn nói gì. Ngưng khóc giả, “5:40Chúng nhạo báng Ngài.” Vì thế, “ Ngài bèn đuổi chúng ra hết.” Ngài làm điều này không phải cho họ, nhưng cho Giai-ru. Ðã xuống tinh thần khi thấy con mình đã chết, ông không cần những người như thế ở chung quanh. Cũng vậy, mặc dầu chúng ta phải ở gần thế gian để đem Tin Lành đến những người không biết Chúa Giê-xu, có lúc chúng ta phải tách xa họ. Ðã chết về phương diện thuộc linh, họ từ chối mọi phép lạ, và xem chúng chỉ là những sự tình cờ. Thiếu hẳn quyền năng của Ðức Thánh Linh, họ không muốn ngợi ca Ðức Chúa Trời, và nhạo báng khi thấy chúng ta làm điều này. Họ cho việc đi thờ phượng ngày Chúa Nhật là phí phạm thời giờ, và ngăn cản chúng ta. Họ không biết được rằng đến nhà thờ một phần là để thờ phượng Chúa, nhưng một phần là để nhận được lời khuyến khích của tín hữu, nhằm đứng vững trước những sự nhạo báng của họ.

Chỉ còn lại vài người trong nhà, “5:41-42Ngài nắm tay nó mà phán rằng: Ta-li-tha Cu-mi; nghĩa là: Hỡi con gái nhỏ, ta truyền cho mầy, hãy chờ dậy. Tức thì đứa gái chờ dậy mà bước đi, vì đã lên mười hai tuổi.”

Có hai bài học chúng ta học ở đây: Thứ nhất, Ðức Chúa Trời không bao giờ chậm trễ. Thật ra, chính điều xem ra là chậm trễ này đã đưa đến một phép lạ lớn hơn nhiều. Bây giờ Giai-ru mới ý thức được rằng Chúa Giê-xu có lý do chính đáng khi không chữa lành con của ông từ xa, khi nó còn sống. Thay vì hối hả đến nhà Giai-ru, và không ngưng lại nói chuyện với người đàn bà mất huyết, chỉ để chữa bịnh cho một em bé, Ngài đã làm cho một người đã chết sống lại. Phép lạ làm người chết sống lại này đã làm sáng danh Ðức Chúa Trời nhiều hơn, làm sự giễu cợt của những người khóc mướn trở thành sự giễu cợt về chính họ, làm Giai-ru và những người chứng kiến nó càng thêm tin vào Ngài. Trong câu chuyện Chúa Giê-xu làm La-xa-rơ sống lại, Giăng viết, “11:5-6Vả, Ðức Chúa Giê-xu yêu Ma-thê, em người và La-xa-rơ. Khi Ngài nghe người nầy đau, bèn ở lại hai ngày nữa trong nơi Ngài đang ở.” Sau đó, “11:14-15Ðức Chúa Giê-xu bèn nói tỏ tường cùng môn đồ rằng: La-xa-rơ chết rồi. Ta vì các ngươi mừng không có ta tại đó, để cho các ngươi tin.”

Ðôi khi Ðức Chúa Trời có vẻ chậm trễ trả lời cho chúng ta vì Ngài muốn dạy cho chúng ta rằng hy vọng là kết quả của niềm tin, nhưng niềm tin không là kết quả của hy vọng. Chỉ trong tuyệt vọng, niềm tin mới trưởng thành. Ngày hôm nay người ta thường cho răng sự suy nghĩ tích cực (positive thinking) có thể chữa lành bịnh một người. Nhưng vì điều này chỉ dựa vào, và giới hạn vào, khả năng của con người, nó chỉ giúp người bịnh một phần nào thôi. Chỉ khi một người hoàn toàn thấy mình tuyệt vọng, người ấy mới thật sự đến với Ðức Chúa Trời trong niềm tin, và mới nhận được những điều mà chỉ có thể gọi là phép lạ. Ðôi khi, Ðức Chúa Trời chậm trễ để đưa chúng ta vào tình trạng tuyệt vọng đó.

Chúng ta bị giới hạn trong không gian ba chiều và thời gian một chiều, nhưng Ðức Chúa Trời đã sáng tạo nên chúng, và vì thế có quyền trên chúng. II Phi-e-rơ 3:8 viết, “Hỡi kẻ rất yêu dấu, chớ nên quên rằng ở trước mặt Chúa một ngày như ngàn năm, ngàn năm như một ngày.” Chúng ta phải biết vâng theo thời khóa biểu của Ðức Chúa Trời, vì Ngài không phải vâng theo thời khóa biểu của chúng ta. Ðiều làm chúng ta an tâm là Ngài không bao giờ chậm trễ.

Bài học thứ hai là chúng ta không cần phải tranh cạnh với nhau để giành giựt những ơn phước từ Ðức Chúa Trời. Ngài giàu có vô hạn, và những điều Ngài ban cho một người không giới hạn khả năng Ngài ban cho người khác. Ở đây, việc Ngài chữa bịnh cho người đàn bà không giới hạn khả năng Ngài làm em bé sống lại. Thật ra, là tín đồ, chúng ta phải vui mừng khi thấy Chúa ban ơn cho người khác, và xem đó cũng là ơn phước Chúa ban cho mình. Niềm tin và sự ganh tị không thể đi đôi với nhau.

 


 

IV.       Giai-ru và người đàn bà mất huyết

 

Vì câu chuyện của Giai-ru được kể chung với câu chuyện của người đàn bà mất huyết, xin chúng ta so sánh hai câu chuyện này, để xem có điều gì khác nhau và điều gì giống nhau.

Có nhiều điều khác nhau rất lớn giữa hai người. Người này là đàn ông; người kia là đàn bà. Tên người này được biết đến; người kia muôn đời vô danh. Người này giàu có; người kia nghèo nàn. Người này được trọng vọng; người kia bị xem là ô uế. Người này lãnh đạo đền thờ; người kia không được bước vào đó. Dầu vậy, cả hai đều có thể đến với Chúa Giê-xu. Bất cứ ai cầu khẩn danh Ngài trong niềm tin cũng được Ngài nghe và giải quyết. Ngài không phân biệt giai cấp hay chủng tộc. Có người nói rằng, “Tôi quá tội lỗi, không thể đến với Chúa Giê-xu được.” Nhưng thưa không, Chúa Giê-xu không coi thường một người vì quá khứ của người đó. Thật ra, Ngài đã chết cho tội lỗi của họ. Dùng tội lỗi của mình như một cái cớ để không đến với Chúa Giê-xu là phỉ báng thập tự giá và sự hy sinh của Chúa Giê-xu.

Rồi cách hai người đến với Chúa Giê-xu cũng khác nhau. Người này đến cho con mình; người kia cho chính mình. Người này đến một cách công khai; người kia kín đáo. Người này đến trước mặt Chúa; người kia sau lưng Ngài. Nhưng những điều bên ngoài đó không thành vấn đề. Sự thờ phượng và cầu nguyện không có phương cách đúng hay sai. Chúng ta có thể thờ phượng hay cầu nguyện trong hay ngoài nhà thờ, lúc đang đứng hay khi đang ngồi. Chúng ta không cần phải cầu nguyện theo một công thức nào, hay phải đọc Kinh thánh từ đầu đến cuối.

Nhưng hai người này giống nhau trong động lực và thái độ khiến họ đến với Chúa. Cả hai đều thấy mình tuyệt vọng, không thể tự cứu mình. Cả hai đều có một niềm tin mãnh liệt vào Chúa Giê-xu, biết rằng Ngài là giải pháp duy nhất cho họ, và vì thế đã trực tiếp đến với Ngài. Giai-ru bất chấp những lời ngăn cản của người Pha-ri-si; người đàn bà không để đám đông ngăn cản. Những điều giống nhau này là yếu tố quan trọng trong việc thờ phượng và cầu nguyện. Mong rằng chúng ta có được động lực và thái độ như thế khi đến với Chúa Giê-xu.