Ma-thi-ơ 10:24-31; Lu-ca 12:2-9
Kính thưa Quý vị: Tuần trước chúng ta đã học về một mạng lệnh quan trọng Chúa Giê-xu giao cho các sứ đồ lúc đó, cũng như cho chúng ta ngày hôm nay, đó là đi ra rao giảng Tin Lành. Chúa nhấn mạnh rằng đây không phải là một trách nhiệm nhẹ nhàng, vì người đi ra sẽ gặp nhiều sự bách hại. Vì thế, Chúa đã cho chúng ta những lời khuyên quý giá, chẳng hạn như chúng ta phải khôn ngoan trong đầu như rắn và đơn sơ trong trái tim như chim bồ câu, phải biết nương tựa vào quyền năng của Ðức Chúa Trời, cũng như phải có sự bền lòng. Hôm nay chúng ta sẽ tiếp tục học về đề tài này, dựa theo đoạn Kinh thánh kế tiếp, trong đó Chúa bàn đến một phản ứng rất tự nhiên trong chúng ta trước sự ra đi, đó là sợ. Ðọc Ma-thi-ơ 10:24-31, xin chúng ta để ý Chúa Giê-xu lặp đi lặp lại ba lần lời khuyên “Ðừng sợ” trong câu 26, 28 và 31.
Ma-thi-ơ 10
24Môn đồ không hơn thầy, tôi tớ không hơn chủ.
25Môn đồ được như thầy, tôi tớ được như chủ, thì cũng đủ rồi. Nếu người ta đã gọi chủ nhà là Bê-ên-xê-bun, phương chi là người nhà!
26Vậy, các ngươi đừng sợ; vì chẳng có việc gì giấu mà chẳng phải bày ra, cũng chẳng có việc gì kín nhiệm mà sau sẽ chẳng biết.
27Cho nên lời ta phán cùng các ngươi trong nơi tối tăm, hãy nói ra nơi sáng láng; và lời các ngươi nghe kề lỗ tai, hãy giảng ra trên mái nhà.
28Ðừng sợ kẻ giết thân thể mà không giết được linh hồn; nhưng thà sợ Ðấng làm cho mất được linh hồn và thân thể trong địa ngục.
29Hai con chim sẻ há chẳng từng bị bán một đồng tiền sao? Và ví không theo ý muốn Cha các ngươi, thì chẳng hề một con nào rơi xuống đất.
30Tóc trên đầu các ngươi cũng đã đếm hết rồi.
31Vậy, đừng sợ chi hết, vì các ngươi quí trọng hơn nhiều con chim sẻ.
Chúa dạy chúng ta đừng sợ điều gì? Phải chăng sợ ma? Hay sợ tương lai? Thưa không, trong vấn đề đang được bàn đến, Ngài muốn khuyến khích chúng ta đừng sợ đi ra rao giảng Tin Lành, làm như lời Ngài dạy, “27Lời ta phán cùng các ngươi trong nơi tối tăm, hãy nói ra nơi sáng láng; và lời các ngươi nghe kề lỗ tai, hãy giảng ra trên mái nhà.” Ngài muốn chúng ta bỏ thì giờ lắng nghe lời Ngài trong nơi tối tăm, trong giờ phút yên tĩnh để nhận lấy sứ điệp. Ngài khuyến khích chúng ta rao giảng sứ điệp đó một cách rõ ràng (nơi sáng láng), cũng như công khai (trên mái nhà), mặc dầu làm như thế chúng ta có thể gặp nhiều sự bách hại. Trong đoạn này, Chúa Giê-xu đưa ra một số lý do để khuyến khích chúng ta đừng sợ.
I. Dự tính của Ðức Chúa Trời
Trước hết, chúng ta nghe Chúa Giê-xu dạy rằng Ngài cũng bị người ta mạ lỵ và bách hại. Ngài nói, “24Môn đồ không hơn thầy, tôi tớ không hơn chủ. 25Môn đồ được như thầy, tôi tớ được như chủ, thì cũng đủ rồi. Nếu người ta đã gọi chủ nhà là Bê-ên-xê-bun, phương chi là người nhà!” Bê-ên-xê-bun là tên người Do thái dùng cho Sa-tan. Ma-thi-ơ 12:24 ghi rằng, sau khi Chúa chữa một người bị quỉ ám, những người Pha-ri-si nói rằng: “Người nầy chỉ nhờ Bê-ên-xê-bun là chúa quỉ mà trừ quỉ đó thôi.” Mác 3:22 ghi các thầy thông giáo ở thành Giê-ru-sa-lem nói về Chúa rằng: “Người bị quỉ Bê-ên-xê-bun ám, và nhờ chúa quỉ mà trừ quỉ.” Cuối cùng, người ta đem Ngài đóng đinh trên cây thập tự.
So sánh sự liên hệ của Ngài với chúng ta như thầy/trò, chủ/tớ cũng như chủ nhà/người nhà, Chúa nói chúng ta cũng sẽ bị bách hại như Ngài. Rồi Ngài nói tiếp, “26Vậy, các ngươi đừng sợ.” Tại sao Ngài dùng chữ “Vậy” ở đây, như một lý do khiến chúng ta đừng sợ, thay vì những chữ như “dầu vậy”?
Tôi nghĩ rằng Chúa muốn chúng ta không ngạc nhiên, và có thời gian chuẩn bị tinh thần để không còn sợ. I Phi-e-rơ viết, “4:12Hỡi kẻ rất yêu dấu, khi anh em bị trong lò lửa thử thách, chớ lấy làm lạ như mình gặp một việc khác thường.” Sự bách hại không phải là điều đáng sợ, như thể nó xảy ra bên ngoài dự tính của Ðức Chúa Trời, và là dấu hiệu Ngài đã thua trận. Thưa không, Chúa Giê-xu cho chúng ta biết rõ rằng sự bách hại đến theo chương trình của Ngài. Làm sao chúng ta có thể sợ, nếu tin rằng mọi sự nằm dưới quyền thống trị của Ðức Chúa Trời? Ngài phải có một lý do hay một chương trình tốt lành nào đó khi cho phép sự bách hại xảy ra.
Cũng vậy, đối diện với sự bách hại, xin chúng ta đừng tự trách là mình đã thất bại, hay Ðức Chúa Trời đang trừng phạt mình vì một lý do nào đó. Ngược lại, chúng ta phải vui mừng, vì điều này chứng tỏ rằng chúng ta đang ở trong nhà Ðức Chúa Trời. I Phi-e-rơ viết, “4:14Ví bằng anh em vì cớ danh Ðấng Christ chịu sỉ nhục, thì anh em có phước; vì sự vinh hiển và Thánh Linh của Ðức Chúa Trời đậu trên anh em. 15Trong anh em chớ có ai chịu khổ như kẻ giết người, như kẻ trộm cướp, như kẻ hung ác, như kẻ thày lay việc người khác. 16Nhưng nếu có ai vì làm tín đồ Ðấng Christ mà chịu khổ, thì đừng hổ thẹn; thà hãy vì danh ấy ngợi khen Ðức Chúa Trời là hơn.”
II. Sự thật trong ngày cuối cùng
Chúa dạy thêm, “26Vậy, các ngươi đừng sợ; vì chẳng có việc gì giấu mà chẳng phải bày ra, cũng chẳng có việc gì kín nhiệm mà sau sẽ chẳng biết.” Chúa cũng dùng ý này một cách tiêu cực khi nói đến sự giả hình của người Pha-ri-si trong Lu-ca, “12:2-3Chẳng có sự gì giấu mà không phải lộ ra, chẳng có sự gì kín mà không được biết. Vậy nên mọi điều mà các ngươi đã nói nơi tối, sẽ nghe ra nơi sáng; mọi điều mà các ngươi đã nói vào lỗ tai trong buồng kín, sẽ giảng ra trên mái nhà.”
Ở đây, Chúa muốn dùng ý này một cách tích cực hơn. Rao giảng Tin Lành, đôi khi chúng ta sợ người khác cười chê, xem chúng ta quá ngu xuẩn, ngây thơ. Trong thời đại văn minh này mà còn có người nói đến thiên đàng hay địa ngục, đến sự việc rằng có một người mang tên Giê-xu có thể cứu con người khỏi chịu chết đời đời! Họ còn nổi giận khi nghe rằng người này là đường đi, lẽ thật và sự sống duy nhất, và vì thế họ bách hại hay mạ lỵ chúng ta. Chúng ta cũng sợ vì không biết phải đối chất với người khác như thế nào. Nếu mình thua lý thì hổ thẹn biết bao? Vì thế, Chúa muốn nhắc chúng ta rằng trong ngày cuối cùng mọi người đều sẽ thấy rõ ràng những điều chúng ta rao giảng là sự thật. Những người nặng lời với Chúa Giê-xu sẽ hối tiếc. Những người nghĩ rằng chúng ta ngu xuẩn sẽ mong được như chúng ta.
Xin đừng sợ người chống đối chúng ta, vì chỉ có Ðức Chúa Trời mới có quyền xét xử cuối cùng, chứ không phải họ. Trong ngày cuối cùng, việc người khác xem chúng ta ngu xuẩn hay ngây thơ trở thành hoàn toàn vô nghĩa. Ðức Chúa Trời nghĩ gì về chúng ta mới là điều quan trọng. Ngài biết tấm lòng và những giới hạn của chúng ta. Ngài không bao giờ xem người đi ra vì Ngài là ngu xuẩn hay ngây thơ. Ðối với Ngài, đi ra rao giảng Tin Lành không bao giờ là điều đáng chê, nhưng thật đáng được ngợi khen.
III. Sự kính sợ Ðức Chúa Trời
Chúa Giê-xu đưa thêm lý do thứ ba để chúng ta không sợ bị bách hại khi đi ra làm chứng. Vâng, có thể chúng ta phải trả một giá tối hậu, ấy là mạng sống của mình, nhưng Ngài nhắc là “28Ðừng sợ kẻ giết thân thể mà không giết được linh hồn.” Có người dùng câu này để cho rằng con người gồm hai phần, thân thể và linh hồn, nhưng đây không phải là lúc Chúa muốn bàn đến vấn đề này. Ngài chỉ muốn nói rằng đời người không chỉ giới hạn trên thế gian này. Ðiều tột cùng người bách hại chúng ta có thể làm là phân rẽ linh hồn của chúng ta khỏi thể xác, tức là giết chúng ta; họ không có quyền giết linh hồn của chúng ta, hay phân rẽ chúng khỏi Ðức Chúa Trời. Họ chỉ có thể đem chúng ta ra khỏi trần gian, nhưng không thể đem chúng ta khỏi thiên đàng. Thật ra, giết người tín đồ là đưa linh hồn họ lên thiên đàng.
Chúa nói thêm, “28nhưng thà sợ Ðấng làm cho mất được linh hồn và thân thể trong địa ngục.” Kính sợ Ðức Chúa Trời là cách hay nhất để chúng ta không sợ con người. Kính sợ Ðức Chúa Trời bao gồm một niềm kính trọng sâu xa, dầu biết rằng Ngài có đầy ân điển và tình yêu thương. Sự kính trọng Ðức Chúa Trời nhắc nhở chúng ta rằng Ngài cao trọng hơn chúng ta bội phần, và có thể làm mất cả linh hồn và thân thể chúng ta. (Chữ “mất” ở đây không có nghĩa là không còn hiện hữu, nhưng là sự hủy hoại đời đời trong sự xa cách Ðức Chúa Trời.)
Trước cơn giận của Ðức Chúa Trời, sự đe dọa của con người hoàn toàn vô hiệu hóa. Con người chỉ có thể bách hại người tín đồ trong một thời gian giới hạn, nhưng Ðức Chúa Trời có thể trừng phạt đến đời đời. Có một người tên Hugh Latimer được dịp giảng trước vua Henry VIII. Trước đó, ông cứ nói thầm trong đầu, “Latimer! Latimer! Nhớ là Vua đang ở đây. Coi chừng điều ngươi nói.” Nhưng sau đó ông tự trấn tĩnh, “Latimer! Latimer! Nhớ là Vua của muôn vua đang ở đây. Coi chừng điều ngươi không nói.” Cuối cùng ông bị thiêu sống vì kính sợ Ðức Chúa Trời hơn một vị vua. Ông sẵn sàng hy sinh thân xác hay hư mát để về với Ðức Chúa Trời không bao giờ bị hư mất. Jim Elliot viết, “Người khôn từ bỏ điều mình không giữ được lâu dài, để đổi lấy điều mình không bao giờ đánh mất.”
Vào thế kỷ thứ tư, John Chrysostom thuộc thành Constantinople bị Hoàng đế La-mã bắt vì tin Chúa. Hoàng đế dọa sẽ đuổi ông ra khỏi đế quốc nếu ông không chối Chúa Giê-xu. Ông trả lời, “Toàn thế gian là vương quốc của Cha tôi.” Hoàng đế nói, “Thế thì ta sẽ lấy mạng sống ngươi.” Ông trả lời, “Hoàng đế không lấy được, vì mạng sống của tôi đã nằm trong tay Ðấng Christ.” Hoàng đế liền dọa lấy hết tài sản của ông. Ông trả lời, “Tài sản của tôi ở trên thiên đàng, nơi có trái tim của tôi.” Cuối cùng, hoàng đế dọa sẽ đày ông đi xa khỏi mọi người thân. Ông trả lời, “Tôi có một người thân mà Hoàng đế không thể nào ngăn cách với tôi được.” Ông không còn sợ con người, ngay cả một hoàng đế, vì ông kính sợ Ðức Chúa Trời.
IV. Sự quan tâm của Ðức Chúa Trời
Lý do thứ tư Chúa Giê-xu đưa ra để chúng ta không còn sợ sự bách hại là, “29-31Hai con chim sẻ há chẳng từng bị bán một đồng tiền sao? Và ví không theo ý muốn Cha các ngươi, thì chẳng hề một con nào rơi xuống đất. Tóc trên đầu các ngươi cũng đã đếm hết rồi. Vậy, đừng sợ chi hết, vì các ngươi quí trọng hơn nhiều con chim sẻ.” Chúa Giê-xu muốn so sánh cách con người và cách Ðức Chúa Trời nhìn chim sẻ. Ðối với con người, chim sẻ dơ dáy, không biết hót. Người ta bán chim sẻ để làm thức ăn rẻ tiền. Một con chỉ đáng giá nửa đồng tiền, và một đồng tiền đáng giá một phần mười sáu đơ-ni-ê, tức một ngày công (Ma-thi-ơ 20:2). Nhưng Ðức Chúa Trời để ý đến từng con chim một. “29Ví không theo ý muốn Cha các ngươi, thì chẳng hề một con nào rơi xuống đất.” Nếu thế, chúng ta phải biết rằng Ðức Chúa Trời hết sức quan tâm đến con người, đặc biệt là những tín đồ của Ngài, như Chúa Giê-xu nói với các sứ đồ, “31các ngươi quí trọng hơn nhiều con chim sẻ.” Ngài cũng dạy trong Ma-thi-ơ 6: 26, “Hãy xem loài chim trời: chẳng có gieo, gặt cũng chẳng có thâu trữ vào kho tàng, mà Cha các ngươi trên trời nuôi nó. Các ngươi há chẳng phải là quí trọng hơn loài chim sao?”
Ðể nhấn mạnh thêm ý này, Chúa Giê-xu đưa một ví dụ khác, “30Tóc trên đầu các ngươi cũng đã đếm hết rồi.” Như những con chim sẻ, không sợi tóc nào của chúng ta rơi xuống đất mà không được Ðức Chúa Trời cho phép. Ở đây hàm ý ba đức tính của Ðức Chúa Trời khiến chúng ta không còn lo sợ đi ra làm chứng cho Ngài: Thứ nhất, Ngài biết mọi điều, bội phần nhiều hơn chúng ta. Ðặc biệt Ngài biết tấm lòng, việc làm của chúng ta, và sự bách hại mà chúng ta phải chịu. Thứ hai, Ngài có quyền trên mọi điều, và chỉ khi Ngài cho việc bách hại xảy ra nó mới xảy ra. Nếu một con chim hay một sợi tóc rơi xuống đất còn phải được Ðức Chúa Trời cho phép, người tín đồ không thể nào “rơi xuống đất” mà không do ý của Ngài. Thứ ba, Ngài yêu chúng ta đến nỗi để ý đến từng sợi tóc trên đầu chúng ta, và vì thế có một chương trình tốt lành đời đời cho người bị bách hại. Tình yêu của Ðức Chúa Trời không ngăn cản chúng ta khỏi sự bách hại, nhưng sẽ ban cho chúng ta thêm ơn, và cho chúng ta biết rằng Ngài luôn ở cùng. Ngài cũng sẽ không để sự bách hại vượt khỏi sự chịu đựng của chúng ta.
Chúa kết luận đoạn này như sau, “10:32 Bởi đó, ai xưng ta ra trước mặt thiên hạ, thì ta cũng sẽ xưng họ trước mặt Cha ta ở trên trời; 33 còn ai chối ta trước mặt thiên hạ, thì ta cũng sẽ chối họ trước mặt Cha ta ở trên trời.” Chữ “xưng” ở đây không phải là “xưng tội,” nhưng nói đến việc xưng nhận niềm tin vào Chúa Giê-xu, đặc biệt trong lúc bị bách hại. Chúng ta xưng nhận niềm tin của mình suốt đời, trong mọi hành động, chứ không phải chỉ một lần khi nhận phép báp-têm hay bằng lời nói trên miệng. Chúng ta xưng nhận niềm tin của mình “trước mặt thiên hạ,” không mập mờ hay giấu giếm.
Cũng vậy, chữ “chối” không nói đến những giây phút dại khờ, nhưng nói đến những hành động liên tục, kéo dài. Chúa không từ chối chúng ta vì một giây phút yếu lòng, nhưng sẽ không cứu người nào liên tục chối Ngài. Phi-e-rơ đã có lần chối Chúa, nhưng ông ăn năn và được tha thứ (Ma-thi-ơ 26:69-74). Dầu vậy, đây không phải là một kinh nghiệm mà Phi-e-rơ muốn có. Nếu ông còn quên lời dạy của Chúa trong đoạn Kinh thánh này, chúng ta cần phải ghi khắc chúng nhiều hơn, để khỏi phải tiếc nuối và “26:75khóc lóc cách đắng cay” như Phi-e-rơ.
Mục Sư Ðỗ Lê Minh