(Xuất Hành 20:12)
Hằng năm, cứ đến tháng Năm và Sáu, người Hoa-kỳ dành riêng ra hai ngày Chúa Nhật để mừng ngày "Lễ Mẹ và Cha." Mục đích của hai ngày lễ này là để cho con cái biết "dừng bước lại" bày tỏ tấm lòng cảm tạ và nhớ ơn công lao của "Cha sinh mẹ dưỡng." Nhân dịp ngày lễ Phụ Thân sắp đến, bài chia xẻ hôm nay sẽ giúp chúng ta hiểu rõ về bổn phận của con cái phải biết "Hiếu Kính Cha Mẹ" mình như thể nào.
Lịch sử để lại trong thời kỳ Cựu Ước (trước khi Chúa Giê-xu sanh ra đời), khi gần hai triệu người Do Thái đang trên đường hành trình qua sa mạc, đến miền đất hứa (đất Ca-na-an), Đức Chúa Trời đã ban cho dân sự Ngài 10 điều răn qua vị lãnh đạo tên là Môi-se. Đây là những "luật pháp" của Chúa đưa ra để giúp họ sống có trật tự với nhau, hầu đem đến sự an lành và hạnh phúc lâu dài cho dân tộc của họ. Thật ra, bất cứ trong một xã hội nào, người ta cũng cần có một số luật lệ để có thể duy trì trật tự và đem đến những ích lợi chung cho mọi người. Chẳng hạn như sự cần thiết về những luật lệ lưu thông đèn xanh đèn đỏ trong thời bây giờ để giúp chúng ta có sự giao thông an toàn trong xã hội.
I. Mười Điều Răn
Khi suy gẫm về 10 điều răn của Đức Chúa Trời được ghi chép lại trong sách Xuất Hành đoạn 20, chúng ta thấy có hai phần rõ rệt:
Phần thứ nhất gồm có bốn điều răn là những tiêu chuẩn cho mối liên hệ giữa mỗi chúng ta đối với Đức Chúa Trời, mà có thể tóm tắt như sau:
1) Chỉ thờ lạy một mình Đức Chúa Trời vì Ngài là “Đấng Độc Tôn,”
2) Chớ làm “tượng chạm” mà cúi đầu quì lạy, vì Chúa là "Đấng Kỵ Tà,"
3) Chớ lấy danh Đức Chúa Trời làm chơi, và
4) Nhớ ngày nghỉ làm nên ngày thánh (để thờ phượng Chúa).
Còn sáu điều răn đi tiếp theo phần sau là những tiêu chuẩn cho mối liên hệ bề ngang giữa mỗi người với nhau như sau:
1) Hiếu kính cha mẹ,
2) Chớ giết người,
3) Chớ phạm tội tà dâm,
4) Chớ trộm cắp,
5) Chớ nói dối, và
6) Chớ tham của cải người lân cận.
Một điều đặc biệt cho tiêu chuẩn đầu tiên trong sáu điều răn về mối liên hệ giữa người với nhau đó là “Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi, hầu cho ngươi được sống lâu trên đất, mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi ban cho” (Xuất Hành 20:12). Điều này cho thấy bổn phận con cái Chúa phải biết hiếu kính cha mẹ mình là điều rất quan trọng và làm đẹp lòng Chúa, cho nên Ngài đã đặt ở hàng đầu.
II. Sự Hiểu Lầm
Một số người vì không hiểu rõ đạo của Đức Chúa Trời nên đã có thành kiến sai lầm về Cơ Đốc Nhân (Christians). Một số đã suy luận vì cớ những người đi theo đạo Cơ Đốc không trưng bàn thờ nhang đèn, hay cúng vái những người đã chết, nên đã kết luận rằng đạo Cơ Đốc dạy người ta “bất hiếu” với cha mẹ mình.
Thứ nhất, sự suy luận này không đúng vì rõ ràng đã đi ngược với điều răn thứ năm của Đức Chúa Trời dạy rõ trong Kinh Thánh, đó là con cái phải biết “hiếu kính cha mẹ." Điều thứ hai, đạo của Chúa là đạo dựa trên hai tiêu chuẩn chính, đó là "Kính Chúa và Yêu người" như có chép trong Tin Lành Mathiơ 22:37-40 – “Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi. Ấy là điều răn thứ nhất và lớn hơn hết. Còn điều răn thứ hai đây, cũng như vậy: Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình. Hết thảy luật pháp và lời tiên tri đều bởi hai điều răn đó mà ra.” Vậy thì không thể nào đạo Chúa dạy người ta bất hiếu với cha mẹ được. Thật ra nếu đạo mà dậy con người bất hiếu thì thật chẳng còn là đạo nữa, phải không? Sự hiểu lầm này là vì chúng ta không phân biệt được giữa sự “thờ phượng Chúa” và sự “hiếu kính” cha mẹ mình. Con cái Chúa biết tôn trọng những truyền thống văn hóa tốt đẹp của tiền nhân để lại, nhưng Kinh Thánh dạy rõ chúng ta chỉ thờ lạy Đức Chúa Trời mà thôi, vì chỉ có Ngài là Đấng Tạo Hóa duy nhất đã dựng nên muôn loài và muôn vật; bao gồm cả cha mẹ, ông bà và tổ tiên của chúng ta. Hãy thử hỏi ai đã tạo ra không khí để chúng ta thở và cung cấp mọi nguồn lực cho sự sống của mình? Bạn hãy thử nín hơi vài phút xem sao? Ngoài ra, điều răn của Đức Chúa Trời cũng dạy rõ con cái Chúa phải biết yêu thương mọi người xung quanh và một trong những mối liên hệ yêu thương chính đó là phải biết “hiếu kính cha mẹ” mình. Theo lịch sử Việt Nam để lại, trước đời nhà “Đinh” ông bà chúng ta cũng "tự nhiên" chỉ biết thờ Trời và hết lòng hiếu kính cha mẹ, đi theo lời của Đức Chúa Trời phán dạy. Nhưng sau này bị ảnh hưởng của nhiều tôn giáo khác nhau, cùng với những sự suy luận cá nhân, dẫn đến thờ lạy lung tung; nào là ở thôn quê thì người ta thờ cây đa, bình vôi, đi biển thì thờ cá voi, làm nhà thì thờ ông địa, đi buôn thì thờ thần tài v...v... rồi dần dần đến cả sự thờ lạy những người đã chết.
Điều thứ hai, luật pháp của Đức Chúa Trời dạy rõ mỗi người chúng ta phải biết bày tỏ lòng hiếu kính cha mẹ một cách thực tế, nhất là khi họ còn sống; vì khi ông bà đã qua đời thì cha mẹ mình đã xong phận rồi. Chúng ta sẽ chẳng làm gì được cho ông bà, kể cả cho ăn hoặc uống qua những phong tục cúng tế; ngược lại ông bà cũng sẽ chẳng phù hộ gì được cho chúng ta cả. Không phải thầy Tăng Tử đã một lần nói: "Giết trâu tế mộ, khi cha mẹ qua đời rồi thì chẳng bằng giết con gà, con heo lúc cha mẹ sanh tiền" sao? Khi cha mẹ còn sống biết chăm sóc, nấu cho cha mẹ một món ăn ngon, khi đau ốm lo thuốc men chữa trị, khi buồn bã đi thăm viếng yên ủi thì mới thật sự bầy tỏ lòng “hiếu thảo” thực tế của mình theo như lời Chúa đã dạy. Người xưa chúng ta cũng có câu tục ngữ như sau: "Sống thì con chẳng cho ăn; chết thì xôi thịt, làm văn tế ruồi," thì còn gọi là quí trọng sao? Vả lại nếu chịu suy nghĩ và tự đặt câu hỏi là chúng ta "thờ cúng ông bà mình mấy đời thì mới gọi là đủ hiếu?" Quá lắm là ngũ đại: Cao, Tằng, Tổ, Khảo, Hiển; vậy còn những đời trước đó thì sao, ai nuôi cho họ ăn đây? Và nếu chỉ cho ông bà ăn trong những ngày rằm, còn mấy ngày kia không cho ăn, thì tự hỏi sự "bỏ đói" như vậy được gọi là có hiếu chăng? Còn các vấn đề khác như ăn mặc, tiêu xài cho ông bà thì sao, ai sẽ lo? Vả lại, gần 2/3 số người trên thế giới ngày nay không cúng kiến nhang đèn, như vậy có thể nào mình gọi họ là những kẻ bất hiếu sao? Cho nên những thành kiến đòi hỏi phải có sự cúng tế người chết mới gọi là "đủ hiếu" thì xem chẳng có lý.
III. Hiếu Kính Cha Mẹ
Sự hiếu kính cha mẹ có thể được tóm tắt qua ba điều chính sau đây: Lòng nhớ ơn, sự hiếu thảo và tôn kính cha mẹ.
1. Nhớ ơn - Lòng biết ơn công lao của "Cha sinh mẹ đẻ" là động cơ dẫn chúng ta biết hiếu kính cha mẹ mình. Thứ nhất, con cái phải biết nhớ ơn người mẹ đã mang nặng đẻ đau, một bọng nước từ 15 đến 40 lbs trong suốt chín tháng mười ngày, mà từ đó chúng ta có "chỗ" để ra đời. Khi lớn lên, cảm nhận được tình thương của người mẹ luôn dành cho con cái những thứ tốt nhất. Còn dáng gầy gò và những vết nhăn trên trán của người Cha vì phải cần cù thức khuya dậy sớm, mỗi ngày chịu khổ cực, đi làm để cung cấp mọi thứ cho gia đình. Đôi lúc gắng sức chịu khổ làm thêm O.T. (overtime) cho con cái có đủ sách vở, giấy bút, xe cộ, để chúng ta không bị thua kém với bạn bè. Thêm công lao của cha mẹ đã phải nuôi nấng dạy bảo từng đứa con một cho được khôn lớn thành người với bao nhiêu nước mắt và mồ hôi. Chưa nói đến những lúc bị đau ốm, người cha phải chạy tiền mua thuốc, những đêm khuya người mẹ phải thức dậy đắp chăn cho từng đứa. Cho nên con cái đừng mau quên ơn cha mẹ, nhưng phải ghi sâu những công lao này trong lòng mà biết hiếu kính với cha mẹ luôn, cho dù khi họ ở gần hay ở xa đi nữa.
2. Lòng hiếu thảo - Điều thứ hai trong sự hiếu kính cha mẹ đó là lòng hiếu thảo, có thể bày tỏ qua hai việc làm rất thực tế như sau: a) Khi tuổi còn nhỏ, con cái phải biết “vâng lời” cha mẹ mình, như vâng lời Chúa vậy, và b) còn khi lớn tuổi hay khi cha mẹ già nua, chúng ta phải biết "phụng dưỡng" hai người. Người Việt chúng ta có câu ca dao “Cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư” phải không? Khi chúng ta lớn lên lập gia đình và có con rồi, mới hiểu rõ là điều những người làm cha mẹ mong nhất ở con cái mình đó là muốn chúng nó biết nghe và sống theo những lời khuyên răn của mình, chứ đừng có "cưỡng" lại. Ngày nay, có lắm chương trình TV shows dạy con trẻ không phải chỉ cãi lại thôi, mà còn "mắng lại" cha mẹ mình nữa và đây là một điều thật xấu xa cho xã hội suy đồi hiện nay. Có những con em Việt Nam đang bắt chước, vì tự nghĩ mình nay biết lái xe, nói tiếng Anh giỏi hơn và vì chính phủ nuôi gia đình mình, nên đã "đặt" cha mẹ đâu thì bắt ngồi đó. Ngày xưa, luật pháp của Môi-se trong Kinh Thánh Lê-vi-ký 20:9 dạy đứa con nào "rủa sả" cha mẹ mình, thì bị đem ra tử hình – “Khi một người nào chửi cha mắng mẹ mình, thì phải bị xử tử: nó đã chửi rủa cha mẹ; huyết nó sẽ đổ lại trên mình nó.” Nếu xã hội ngày nay cần áp dụng một phần nhỏ của luật này, thì hay biết mấy, phải không?
Sự hiếu thảo bày tỏ qua những hành động thực tế nữa, đó là con cái phải biết giúp đỡ và phụng dưỡng cha mẹ, chớ đừng đổ thừa cho nhau. Nếu chúng ta nói mình yêu cha mẹ thật ngọt ngào nhưng khi về nhà thấy cha mẹ đau ốm lại tỉnh bơ, thấy chén dĩa lại không rửa (chỉ lo bấm video game), thấy nhà dơ lại không đi lau (chỉ lo việc học hành), thấy quần áo lại không giặt (chỉ lo "luyện chưởng" thôi), thì lời nói “yêu thương” của chúng ta với cha mẹ mình chẳng có giá trị gì cả? Thật ra, chả thà chúng ta đừng nói, mà hành động thì quí hơn. Hiếu thảo là phải biết phụng dưỡng khi cha mẹ còn sống; nếu không, khi họ qua đời rồi thì chẳng làm gì được cho họ nữa? Khi cha mẹ cách xa mình hoặc qua đời rồi thì chúng ta muốn nấu cho ông bà miếng cơm, chăm sóc hay nói lời an ủi cũng không thể làm được nữa đâu.
3. Sư tôn kính - Điều thứ ba trong sự hiếu kính cha mẹ đó là con cái phải biết kính nể (respect) cha mẹ của mình. Đây có nghĩa là nhận biết "chỗ đứng" và “quyền hạn” của cha mẹ mà Đức Chúa Trời đã ban cho trên chúng ta và đặt trọng những lời khuyên của hai người. Con cái dưới 18 tuổi phải biết cha mẹ còn chịu “trách nhiệm” trên mình, chứ không phải "muốn làm gì thì làm," vì thế khi các em nhỏ đi đâu thì phải "đi thưa về trình." Chúng ta cũng phải phải coi chừng những đứa bạn xấu, vì ca dao Việt-nam có câu: "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng." Đừng "ùa theo" bạn xấu mà bắt chước những thói hư tật xấu của họ như là tật nói dối với cha mẹ mình. Kính nể cha mẹ bằng cách giữ "danh thơm tiếng tốt" của ông bà, chẳng hạn như đừng có học cách "nói bậy, tục tiểu" hay bắt chước tật "nổi máu anh hùng" ưa đánh lộn, mà để cha mẹ chúng ta phải bị xấu hổ chăng?
IV. Bổn Phận Dạy Con
Mặc dầu vấn đề "hiếu kính" là bổn phận của những người làm con, nhưng lời Chúa cũng dậy trách nhiệm của các bậc phụ huynh phải biết dạy dổ và hướng dẫn con cái mình về sự hiếu thảo với cha mẹ, nhất là khi con chúng ta còn nhỏ; vì con nít sanh ra đời tự nhiên có cá tánh phản kháng, bướng bỉnh và không thích vâng lời. Điều này rất thực tế vì khi con cái còn nhỏ, chúng ta phải dùng nhiều chữ "không được phép" hơn là "được phép." Chúng ta cũng cần dạy dỗ con cái rõ về phần thưởng Chúa hứa ban cho những đứa con có hiếu như sau: "Hỡi kẻ làm con cái, hãy vâng phục cha mẹ mình trong Chúa, vì điều đó là phải lắm. Hãy tôn kính cha mẹ ngươi, hầu cho được phước và sống lâu trên đất" (Êphêsô 6:1-3). Phần thưởng cho những ai biết hiếu kính cha mẹ mình đó là một cuộc sống hạnh phước (phẩm) và lâu dài (lượng). Thêm nữa, nếu chúng ta dạy dỗ con cái mình biết hiếu kính cha mẹ, thì những phần thưởng này không phải chỉ cho thế hệ của mình thôi, mà sẽ đem lại biết bao ích lợi cho thế hệ con cháu sau này. Điều này giống như châm ngôn của người Trung Hoa có câu: "Thế hệ này trồng cây, thế hệ sau có bóng mát."
Cho nên luật pháp của Đức Chúa Trời dạy rõ về mạng lệnh con cái phải biết "hiếu kính cha mẹ" và nhắc nhở trách nhiệm cha mẹ phải dậy dỗ luật pháp của Ngài cho con em mình. Mong mỗi người chúng ta biết làm theo lời Chúa dạy để danh Ngài được sáng và duy trì hạnh phúc gia đình được lâu dài từ đời này đến đời nọ. Amen!
---------------------
Honor Our Parents (Exodus 20:12)
What does the Bible teach about honoring our parents? The first commandment of the “horizontal” relationship among men is to honor our parents. There are many misunderstandings among the Asian/Vietnamese because God’s commandment does not teach that to honor our parents means to worship them after they died. Honoring our parents can be summarized as: To always appreciate their pain and suffering for our existence, to obey and care our parents, and to show respect by knowing their rights over us. God’s words also command parents to teach their children to obey God’s commandments. May we submit ourselves to God and learn to honor our parents because this is the will of God.