Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 3

Tình Mẹ và Tình Chúa

(Êsai 49:15)

 

“Đàn bà há dễ quên con mình cho bú, không thương đến con trai ruột mình sao?

Dầu đàn bà quên con mình, Ta (Chúa) cũng chẳng quên ngươi.”

 

Hằng năm ở bên đây, cứ vào ngày Chúa Nhật của tuần lễ thứ hai trong tháng Năm, thì người Hoa-kỳ dành riêng ra để mừng một ngày lễ quan trọng, gọi là “Lễ Mẹ,” tiếng Anh dịch ra là “Mother's Day.”  Mục đích của lễ này là để bày tỏ tấm lòng cảm tạ, biết ơn và nhớ lại công lao của những người Mẹ.  Lịch sử để lại, vào khoảng năm 1905, một phụ nữ tên là Anna Travis đã đến các nhà thờ bắt đầu phong trào của ngày lễ “Mother's Day” để nhớ đến công ơn của những người mẹ.  Đến năm 1910, cả tiểu bang West Virginia đã đồng ý chấp nhận và chọn ngày lễ Mẹ này.  Từ đó truyền thống của ngày “lễ Mẹ” đã được ảnh hưởng rộng rãi và lan truyền ra đến cả các nước Âu Châu và Anh Quốc.

 

 

I. Vai Trò của Người Mẹ

 

          Người phụ nữ dù làm vợ hay mẹ, đóng một vai trò rất quan trọng trong gia đình và xã hội.  Nhà thơ Tản Đà đã một lần viết:

 

“Phàm dân trong một nước, một nửa là đàn bà;

Kể từ con gái bé, cho đến bà cụ già.

Đều là dân một nước, mà lo chuyện trong nhà,

Nhà nào đàn bà hay, thịnh vượng và vui hòa,

Nhà nào đàn bà hư, lụn bại và xấu xa.”

 

Thật đúng, gia đình và xã hội có thịnh vượng hay tốt đẹp không cũng tùy thuộc phần lớn trong vai trò của người phụ nữ, của những người Mẹ.  Trước hết, nhờ những người mẹ, mà mỗi người chúng ta (c/ta) có “chỗ” để sanh ra đời, vì “có người có con, nhưng không ai là không có mẹ,” phải không?  Đây là Thiên Chức đặc biệt mà Thiên Chúa đã ban cho những người làm mẹ từ lúc ban đầu.  Thêm nữa, vai trò của người mẹ trong gia đình ảnh hưởng lớn lao trong đời sống của con cái.  Nếu một đứa trẻ lớn lên có “nên người,” có đỗ đạt thành tài hay không là do công lao của cha mẹ; nhưng có lẽ phần lớn là do sự dạy dỗ và gần gủi của người mẹ.  Người Tây Phương có câu nói:  “Behind every great man, there is a woman.”  Tạm dịch là: “Đằng sau của mỗi vĩ nhân, luôn có một phụ nữ” chính là người mẹ đã nuôi nấng  người đó cho đến lúc thành tài.  Khi nói đến tình mẹ, người Việt c/ta không thiếu văn chương để diễn tả.  Chẳng hạn như có người so sánh tình mẹ vô bờ vô bến bao la như biển “Thái Bình” rạt rào, như “dòng suối” hiền ngọt ngào, êm ái như “đồng lúa” chiều rì rào.  Nhưng có lẽ chẳng có ngòi bút nào đủ sức để diễn tả trọn tình yêu của người mẹ.

 

 

II. Hiểu Lầm

 

          Nhân dịp ngày “lễ Mẹ,” tôi xin lấy cơ hội này để minh chứng một sự hiểu lầm mà người đời ưa đem đến cho những người tin Chúa Giê-xu.  Một số người đưa ra thành kiến cho rằng những người Cơ Đốc (Christians) thì không biết hiếu kính cha mẹ, nhưng lại “bỏ ông bỏ bà,” vì không đồng ý việc lập bàn thờ cúng bái ông bà cha mẹ. Trước hết, c/ta phải hiểu nền tảng của Đạo Đức Chúa Trời (ĐCT) là sự yêu thương; vì thế vấn đề hiếu kính (yêu thương) cha mẹ mình là một điều đương nhiên và phải có trong lối sống của con người, trong sự dạy dỗ đạo lý hằng ngày.  Hay nói cách khác, nếu đạo mà dạy con người bất hiếu với cha mẹ mình, thì chắc có lẽ đó chẳng phải là đạo đâu?  Điều thứ hai, c/ta nên phân biệt sự khác biệt giữa chữ “hiếu kính” và “thờ kính.”  Theo nguyên ngữ, chữ “hiếu” nói đến một sức nặng, hàm ý nhắc c/ta đặt nặng vấn đề, giống như chữ “trọng” trong tiếng Hán Việt.  Có vô số lời hay luật của ĐCT dạy về bổn phận tôn trọng và hiếu kính cha mẹ của mình.  Khi ĐCT ban mười điều răn cho dân sự Do Thái ngày xưa, c/ta biết bốn điều răn đầu tiên nói về bổn phận và sự liên hệ của họ đối với Ngài; còn sáu điều sau nói về trách nhiệm đối với những người xung quanh.  Điều đầu tiên (Điều răn thứ năm) trong sự liên hệ bề ngang giữa người với người, Kinh Thánh chép: “Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi, hầu cho ngươi được sống lâu trên đất mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi ban cho ” (Sách Xuất-Ê-Díp-Tô-Ký 20:12). 

 

         Có lẽ người ta hiểu lầm những người tin Chúa, vì thấy họ không lập bàn thờ, nhang đèn, cúng bái người đã chết.  Thưa quí vị, người tin Chúa thật ra cũng biết tôn trọng những truyền thống văn hóa của người tiền nhân để lại, đó là “thờ Trời” và biết hết lòng yêu thương, vâng lời, phụng dưỡng cha mẹ khi các cụ còn sống thôi.  Nếu cha mẹ có qua đời thì phải lo an táng cho kỹ lưỡng, đàng hoàng.  Nên đi thăm viếng phần mộ của cha mẹ thường; nếu có hư hỏng thì phải sửa sang lại.  Đời sống phải bày tỏ lòng kính mến qua sự “Truy Viễn” bằng cách giữ những lời khuyên và noi theo gương tốt của cha mẹ. Người tin Chúa không cúng bái người chết vì tin rằng khi một người qua đời thì họ không còn liên lạc với trần gian nữa, họ không có quyền ban phước hay giáng họa, hay hưởng thụ những lễ vật mà người ta cúng vái nữa.  Bằng cớ là mỗi khi c/ta cúng vái ông bà, bầy ra bao nhiêu lễ vật rồi thì cũng phải dọn vô lại, vì ông bà đâu có trở về ăn đâu?  Vả lại, nếu người chết có về hưởng được của cúng thì liệu người sống có còn bình tỉnh ngồi ăn chung không? Thêm nữa, trong cả năm c/ta cúng vái vài lần, còn những ngày khác ông bà lấy gì mà ăn?  Người việt có câu tục ngữ: “Sống không cho ăn, chết làm cỗ, làm văn tế ruồi” mà thôi.   Tại sao khi cha mẹ còn sống, đau ốm không lo chạy thuốc, buồn rầu không thăm viếng an ủi, vì lấy lý do bận rộn cho công ăn việc làm và cho cửa tiệm; thì khi cha mẹ qua đời rồi có “giết trâu tế mộ,” hay dọn “mâm cao cỗ đầy” thì còn gì quí nữa.

 

 

III. Tấm Gương của Chúa Giê-xu

 

          Người ta thường phê bình Đạo của Chúa Giê-xu, nhưng khi còn tại thế chính Chúa Giê-xu đã biểu lộ hoàn toàn gương cao quý về sự hiếu kính cha mẹ phần xác của mình. Chính Chúa Giê-xu đến từ Trời, là Ngôi Hai đã hóa thân làm người chịu chết chuộc tội cho nhân loại. Chúa đã sống trên 30 năm trong gia đình của một người thợ mộc tên Giô-sép và mẹ phần xác của mình là bà Mari, song Ngài luôn “phục tùng” cha mẹ mình, mà không hề nghe thấy Ngài phàn nàn hay cay đắng.  Nhưng gương hiếu kính này không có lúc nào cao quý bằng khi Chúa Giê-xu bị treo trên thập tự giá.  Kinh Thánh chép lại, sau 30 năm giảng Đạo về nước của ĐCT, Chúa Giê-xu đã bị bắt, bị đánh đập, bị đội mão gai, bị vác thập tự lên đồi Gô-gô-tha, và cuối cùng bị đóng đinh trên cây gỗ. Nhưng trong giờ phút hấp hối, đau đớn tột đỉnh của đời mình, Chúa vẫn không quên lo săn sóc cho người mẹ góa của mình.  Khi Chúa thấy bà Mari đứng bên cạnh thập tự cùng với môn đồ của Ngài là Giăng, thì Chúa Giê-xu nhìn Mari và nói: “Bà ơi, kia là con của bà.”  Rồi Ngài nhìn Giăng và phán: “Anh ơi, kia là mẹ của anh.”  Kể từ đó Giăng đem Mari về nhà phụng dưỡng như chính mẹ mình.  Trong hoàn cảnh đau thương như thế mà Chúa Giê-xu vẫn lo nghĩ đến mẹ phần xác của mình, thì thật là một tấm gương cao đẹp cho mỗi người c/ta noi theo.

 

 

IV. Tình Mẹ và Tình Chúa

 

          Khi nói đến tình yêu của người mẹ, có lẽ chẳng có ngòi bút nào đủ sức để diễn tả trọn. Cùng  một  lúc,  tình  yêu  của  người  mẹ phản ảnh và nhắc c/ta về một tình yêu thương vĩ đại hơn, trọn vẹn hơn, đó là tình yêu của Thiên Chúa đã hy sinh tất cả cho c/ta. Đúng như sách Thánh Kinh Êsai 49:15 có chép: “Đàn bà há dễ quên con mình cho bú, không thương đến con trai ruột mình sao? Dầu đàn bà quên con mình, ta cũng chẳng quên ngươi.” Câu này nói lên tình yêu bao la của người mẹ chăm sóc con, nuôi nấng con mình bằng chính dòng sữa của mình; nhưng cùng một lúc cũng nói đến thực tế có những trường hợp mà mẹ quên chính con mình. Cho dù tình mẹ thương con há có thể quên chính con mình được thì tiên tri Êsai so sánh với tình yêu thương của chính ĐCT là Đấng chẳng hề quên con cái của Ngài được. Sau khi tổ phụ loài người là Ađam và Êva phạm tội và bị đuổi ra khỏi vườn Êđen, Thiên Chúa đã không quên mục đích tại sao Ngài dựng nên con người giống hình ảnh của Mình là để có một mối liên hệ đời đời với loài người. Sau bao nhiêu ngàn năm, ĐCT không quên loài người vì Ngài đã yêu c/ta bằng một tình yêu không điều kiện, vô bờ vô bến, bao la rộng hơn biển “Thái Bình” rạt rào, bằng cách đến đúng thời điểm đã hy sinh và sai Con một của Ngài là Cứu Chúa Giê-xu đến thế gian để chết chuộc tội thay thế cho nhân loại, để mỗi người được có lại mối liên hệ với Chúa và được ở trong nhà của Ngài đời đời một ngày. Kinh Thánh Galati 4:4-5 có chép “Nhưng khi kỳ hạn đã được trọn, Đức Chúa Trời bèn sai Con Ngài bởi một người nữ sanh ra, sanh ra dưới luật pháp, để chuộc những kẻ ở dưới luật pháp, và cho chúng ta được làm con nuôi Ngài.” Cho dù “mọi người đều đã phạm tội” (Rôma 3:23), nhưng ĐCT đã hy sinh ban cho Con một của Ngài chịu chết chuộc tội thay thế cho c/ta, hầu c/ta được sống với Ngài đời đời.

 

Tôi tin rằng trong mối liên hệ của con người với nhau, tình mẹ là sự yêu thương cao cả nhất. Tôi cũng tin rằng tình Chúa trọn vẹn hơn vì không chỉ giới hạn ở đời này thôi, mà cho đến đời đời. Và tôi cũng tin rằng hễ người nào thật kinh nghiệm được sự yêu thương của Chúa thì chắc chắn sẽ làm tròn bổn phận “Kính Chúa và Yêu Người” và trong những người gần nhất để c/ta yêu, đó phải chính là cha mẹ mình. Mong bạn tìm đến Cứu Chúa Giê-xu, tin nhận Ngài và bắt đầu một đời sống “kính Chúa và yêu thương cha mẹ” mình thật sự.

 

Mục Sư Nguyễn Trọng Vinh

vinh.nguyen@c-ka.com

www.vietnamesehope.org

May 2010


THE LOVE OF GOD AND MOTHERS (Isaiah 49:15)

We should honor our mothers because they give us “a place” to enter in this world. We should honor our mothers because of their sacrifices to nurture us to this day. We should honor our mothers for their impression of “faith in God” in our heart. The fifth commandment of God clearly teaches that children must honor their parents including mothers. The verb “honor” is in the present tense and means “putting more weight.” As children, we must “put more weight” to respect, to obey and to care for our parents. Through the mother love, a person can experience a greater and more complete love of God. Prophet Isaiah described God’s perfect love using a picture of even if a mother may forget her baby; God will not forget His children. God remembered Noah and his family after the flood. God remembered His covenant with Abraham, Isaac and Jacob. God remembered the purpose why He created mankind in His own image. And God gave His only Son, Jesus Christ, to come into the world, to die on the cross as a substitute for our sins, and to reconcile us back to Himself. In this world, the love of a mother is probably the greatest. But above all, God’s love is more perfect, complete and eternal. Those who truly know God will truly know how to honor our parents, especially our mothers.