Kinh thánh: “Hãy châm rễ và lập nền trong Ngài, lấy đức tin làm cho bền vững, tùy theo anh em đã được dạy dỗ, và hãy dư dật trong sự cảm tạ.” (Cô-lô-se 2:7)
Một bài viết trong trang Phúc âm của Mục sư Nguyễn Thỉ kể câu chuyện về một bé gái 4 tuổi được mẹ dẫn đi chợ. Tuy mới 4 tuổi nhưng cô bé rất khôn ngoan và lanh lẹ hơn những em đồng lứa tuổi. Hai mẹ con ghé thăm bà bạn bán trái cây. Trong khi mẹ lo chọn mua trái cây, cô bé đứng ngắm nghía những trái quít vàng với vẻ thèm thuồng. Khi mẹ đã mua một vài món và trả tiền xong, lúc ấy bà bạn bán hàng chọn một quả quít thật ngon, tặng cho cô bé. Bé gái cầm quả quit ngạc nhiên và sung sướng nhưng không nói lời cám ơn. Bà mẹ liền nhắc: “Bác cho con, con nói làm sao?” Bé gái nhìn quả quit vài giây rồi nhìn bà bán hàng và nói: “Bác bóc vỏ ra dùm con để con ăn!” Người mẹ và bà bán hàng đều trố mắt thất vọng vì cô bé chỉ nghỉ đến quyền lợi của mình mà quên cám ơn!
Câu KT Cô-lô-se 2:7, cho chúng ta thấy: một đời sống trưởng thành thì biết cảm tạ. Sự trưởng thành tâm linh luôn đi đôi với sự dư dật trong sự cảm tạ. Người càng sâu nhiệm trong Chúa thì biết ơn Chúa, cám ơn người! Trong mùa lễ cảm tạ, chúng ta suy gẫm về niềm vui và phước hạnh của một đời sống đầy lòng lòng biết ơn!
I-BIẾT ƠN CHÚA
1. Tại sao chúng ta phải cảm tạ Chúa?
Lời Chúa trong TT 100:4 dạy chúng ta hãy cảm tạ Chúa.
“Hãy cảm tạ mà vào các cửa Ngài,
Hãy ngợi khen mà vào
hành lang Ngài,
Khá cảm tạ Ngài, chúc tụng danh của Ngài.”
Thi Thiên này bảo chúng ta hãy nhớ lại những sự tốt lành của Đức Chúa Trời để thờ phượng Ngài bằng những lời cảm tạ và ngợi khen. Trung tâm của sự ngợi khen là cảm tạ ĐCT, Đấng sáng tạo nên chúng ta. Khi chúng ta cảm tạ Chúa thì điều nầy chứng minh rằng:
-Chúng ta tin Ngài là Đấng sáng tạo.
-Chúng ta tin Ngài là Đấng Cứu chuộc.
-Chúng ta tin Ngài là nguồn của mọi phước hạnh.
2. Chúng ta cảm tạ Chúa điều gì?
2 Hỡi linh hồn ta, hãy ngợi khen Đức Giê-hô-va,
Chớ quên các ân huệ của Ngài.
3 Ấy là Ngài tha thứ các tội ác ngươi,
Chữa lành mọi bệnh tật ngươi,
4 Cứu chuộc mạng sống ngươi khỏi chốn hư
nát,
Lấy sự nhân từ và sự thương xót mà làm mão triều đội cho ngươi.
5 Ngài cho miệng ngươi được thỏa các vật
ngon,
Tuổi đang thì của ngươi trở lại như của chim phụng hoàng.” (TT 103: 1-5)
Một câu chuyện vui, một bé trai bị mẹ phạt vì mãi vui chơi làm vỡ đồ dùng trong nhà, cậu bé bị phạt ngồi ăn riêng ở góc phòng ăn! Sau khi ba, mẹ và các anh, chị trong gia đình cầu nguyện và bắt đầu ăn thì cậu bé ấm ức cầu nguyện lớn tiếng, cố ý cho mọi người nghe, em lấy lời cầu nguyện trong TT 23, “Lạy Chúa con cảm ơn Ngài vì Ngài dọn bàn cho con trước mặt kẻ thù nghịch con!” Đây không phải là sự cám ơn Chúa!
Trở lại TT 103:1-4, tác giả nêu 3 lý do để chúng ta cảm tạ Chúa?
-Sự tha thứ của Ngài (c.3)
-Sự cứu chuộc của Ngài (c.4)
-Sự chăm sóc của Ngài (c.5)
Lời Chúa trong thư IICô-rinh-tô 8:9 9 Vì anh em biết ơn của Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, Ngài vốn giàu, vì anh em mà tự làm nên nghèo, hầu cho bởi sự nghèo của Ngài, anh em được nên giàu.” Sự hy sinh, cứu chuộc của Chúa Giê-xu dành cho chúng ta đủ cho chúng ta cảm tạ cả cuộc đời chưa kể những điều khác!
-Trong tập truyện “Chắp Cánh Cho Tâm Hồn Bay Cao” của Dương Quang Thoại. Câu chuyện kể về một hoa hậu tên Thúy, sau khi đăng quang hoa khôi của thành phố, các bạn học đến chúc mừng! Trong lúc các bạn đang vui vẻ chúc mừng thì một người đàn ông mình đầy sẹo từ mặt đến 2 cánh tay bước vào nhà trông rất ghê sợ! Các bạn cô kinh hoàng nhưng hoa khôi Thúy hãnh diện nói rằng: “đây là Cha của tôi!” Cô kể “Lúc tôi 5 tuổi, có trận hỏa hoạn lớn, ông đã cố gắng cứu tôi nên bị cháy phỏng cả người, tôi thương và quí trọng các vết sẹo xấu xí ấy vì chúng nhắc cho tôi nhớ rằng: Tình yêu vô bờ bến mà cha tôi đã dành cho tôi! Đáng lẽ người mang những vết sẹo và bộ mặt xấu xa ấy là tôi! Ngày hôm nay tôi đắc cử hoa khôi, người ta khen tôi đẹp là nhờ những vết sẹo ấy! Vì vậy, tôi yêu những vết sẹo ấy!” Xin Chúa giúp chúng ta luôn cám ơn Chúa Giê-xu vì những vết đinh, mũi giáo và sự hy sinh vô bờ bến của Ngài dành cho chúng ta!
3-Khi nào chúng ta cảm ơn Chúa? Phi-líp 4:6 6 Chớ lo phiền chi hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin, và sự tạ ơn mà trình các sự cầu xin của mình cho Đức Chúa Trời.”
-Câu KT nầy cho chúng ta thấy Phao-lô không nói đến cảm tạ trong thuận cảnh vì đây là chuyện bình thường! Phao lô bắt đầu với câu “chớ lo phiền..” có nghĩa là cảm tạ Chúa trong những lo lắng, thử thách, khó khăn…Phao lô nhắc các tín hữu tại Phi-líp 3 điều cần làm trong những hoàn cảnh như vậy:
-Cầu nguyện (Nhớ đế ĐCT đầu tiên, trình vấn đề cho ĐCT, tin cậy Ngài)
-Nài xin (Kêu van, than khóc, đỗ lòng ra với Chúa như dân Ysơraên, bà An-ne, vua Đavíd, tiên tri Giêrêmi…dốc lòng ra kêu van, nài xin với Chúa.)
-Sự tạ ơn (Nhớ lại những việc tốt lành, những phước hạnh Chúa làm cho cuộc đời mình)
Khi chúng ta làm 3 điều trên thì sự bình an của ĐCT sẽ đầy trong lòng của chúng ta, những ưu phiền sẽ tan đi!
-Người thường xuyên cảm tạ Chúa là người được mọi người thương mến! Vì sao? Vì người biết ơn Chúa sẽ biết ơn cha mẹ, biết ơn thầy cô, biết ơn bạn hữu …Người như vậy là người vui thỏa vì được Chúa đẹp lòng và mọi người chung quanh yêu mến!
II-CÁM ƠN NGƯỜI
1. Tại sao chúng ta cám ơn người?
-Người Việt chúng ta có những câu “Ăn trái nhớ kẽ trồng cây. Uống nước nhớ nguồn
. Bánh ít đi bánh quy lại. Cứu vật, vật trả ơn. Cứu nhân, nhân trả oán!”
-Lòng biết ơn là một nếp sống lịch sự, văn minh.
-Khi chúng ta làm một điều gì cho ai đó, họ cám ơn chúng ta, chúng ta vui!
-Khi chúng ta cám ơn cha mẹ, cha mẹ vui!
-Khi con chúng ta cám ơn chúng ta, chúng ta vui!
-Sự biết ơn là điều tốt lành, mang lại niềm vui và phước hạnh cho mọi người.
2. Những điều gì chúng ta cần cần cám ơn người? « Chính anh em lấy lời cầu nguỵện mà giúp đỡ chúng tôi, hầu cho chúng tôi nhờ nhiều người cầu nguyện mà được ơn, thì cũng nên dịp cho nhiều người vì cớ chúng tôi mà tạ ơn nữa. » IICô-rinh-tô 1:11. Phao lô cám ơn các tín hữu tại HT Cô-rinh-tô đã cầu nguyện cho ông, họ cũng giúp đỡ các HT khác trong xứ Ma-xê-đoan.
-Phao lô cũng cám ơn Êphápra là người cộng sự với ông, giúp đỡ ông. Côlôse 1:7 « y như Ê-pháp-ra là bạn đồng sự thiết nghĩa với chúng tôi đã dạy anh em; người giúp đỡ chúng tôi như một kẻ giúp việc trung thành của Đấng Christ.”
-Thánh Giăng cám ơn Gai-út, một tín hữu trong HT đã giúp chỗ ăn, ở cho những mục sư, giáo sĩ đi giảng đạo, hay thăm viếng các HT. “ Các anh em đã làm chứng về sự nhân từ của anh ở trước mặt Hội thánh. Anh sẽ giúp đỡ sự đi đường cho các anh em một cách xứng đáng với Đức Chúa Trời thì tốt lắm.” (IIIGiăng 3:6)
Nói tóm lại tất cả những điều gì người khác làm cho chúng ta, chúng ta cần biết ơn họ! Biết ơn người khác là một trong những điều khích lệ tốt nhất để khích lệ người khác!
3. Khi nào thì chúng ta cám ơn người?
-Sắp đến ngày lễ Mẹ, một cô gái mới lập gia đình được 2 năm, từ khi lập gia đình, có con, cô mới cảm nhận được công lao nuôi dưỡng của Mẹ, 1 tuần trước lễ Mẹ, cô mua quà và viết tấm thiệp thật đặc biệt với những lời cám ơn công nuôi dưỡng của Mẹ dành cho mình mấy chục năm qua! Hai ngày trước lễ Mother’s day, mẹ cô đột ngột qua đời, cô cầm tấm thiệp và món quà cám ơn trong sự hối tiếc vô bờ bến: “Phải chi mình cám ơn Mẹ ngay khi mình cảm nhận được công ơn nuôi dưỡng của Mẹ, không phải đợi đến lễ Mẹ!” Chúng ta cần tận dụng mọi cơ hội, mọi lúc để cám ơn những người đã giúp đỡ chúng ta! Những lời cần cám ơn hôm nay, xin hãy làm ngay hôm nay!
KẾT LUẬN
Bài học thuộc linh từ chữ THANK:
T=Trust (Luôn tin cậy Chúa)
H=humble (Hạ mình tôn thờ Chúa)
A=Appreciate (Nhận biết những ơn huệ, những gì Chúa làm cho mình)
N=Nice Christian (Sống một đời sống đẹp lòng Chúa, vui lòng người)
K=Know God more… (Học biết Chúa càng hơn)
Khi chúng ta cảm tạ Chúa có nghĩa là chúng ta Tin cậy Chúa, hạ mình trước Chúa, biết ơn những gì Chúa làm cho mình, sống đời sống đẹp lòng Chúa và mỗi ngày học biết Chúa càng hơn và như vậy: đời sống chúng ta bình an và vui thỏa!
-Đối với người: Bà Ru-tơ biết ơn mẹ chồng là Na-ô-mi, bà theo bà Na-ô-mi về xứ Giu-đa: Ru-tơ được ĐCT chúc phước, bà làm lại cuộc đời với Bô-ô là người tin kính Chúa và giàu có. Cuộc đời Ru-tơ vui thỏa và phước hạnh!
-Các tín hữu tại Hội Thánh Tê-sa-lô-ni-ca biết ơn Phao-lô bằng cách đứng vững trong đức tin, sống theo lời Chúa, rao giảng Phúc âm. Điều nầy làm cho Phao-lô vui mừng khôn xiết!
Bài học ứng dụng: Xin Chúa giúp chúng ta tiếp tục bày tỏ lòng biết ơn Chúa và hành động cám ơn người vì điều nầy đúng với điều răn của Chúa: “Kính Chúa, Yêu người!”
-Trong mùa lễ Cảm Tạ, xin Chúa giúp chúng ta làm điều gì đó thật ý nghĩa để bày tỏ lòng biết ơn Chúa và cám ơn người. Sự vui mừng sẽ tràn ngập tâm hồn chúng ta!
Và phước của Chúa sẽ đổ lên những người biết sống với lòng biết ơn! A-men!
MS Nguyễn Duy Trung
Mùa cảm tạ 2011