Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 26

Phục Hồi Trách Nhiệm Săn Sóc Gia Đình

(Responsibilities to Care for the Family)

1 Timôthê 5:8

 

 

"Ví bằng có ai không săn sóc đến bà con mình, nhất là không săn sóc đến người nhà mình, ấy là người chối bỏ đức tin, lại xấu hơn người không tin nữa."

(Anyone who does not provide for their relatives, and especially for their own household, has denied the faith and is worse than an unbeliever.)

 

 

          Làm thế nào một người cơ đốc tự biết rằng đời sống của mình đang sống đẹp ý Chúa? Muốn biết, người cơ đốc đó phải thường xuyên tự kiểm coi xem những mối liên hệ của mình đang như thế nào.

 

          1) Mối liên hệ quan trọng nhất chính là mối liên hệ “bề dọc” giữa mình với Chúa. Mối liên hệ này là nền tảng vững chắn và cần thiết để có thể xây dựng mọi mối liên hệ “bề ngang” được tốt đẹp.

 

          2) Trong những mối liên hệ “bề ngang,” mối liên hệ giữa vợ và chồng là “cột trụ” chính để xây dựng hạnh phúc cho một gia đình. Tình nghĩa vợ chồng là mối liên hệ đầu tiên, Đức Chúa Trời đã thiết lập ở trên đất. Một trong những mục đích sau khi dựng nên loài người, Chúa đã kết hợp người nam (Ađam) và nữ (Êva) thành vợ chồng là để hưởng hạnh phúc bên nhau lâu dài.

 

          3) Sáng nay chúng ta suy gẫm thêm một mối liên hệ quan trọng nữa để giúp phục hồi hạnh phúc gia đình, đó là giữa cha mẹ và con cái. Bài giảng trước về mối liên hệ “bề ngang” giữa vợ chồng thì có thể chưa áp dụng cho một số con cái Chúa, vì có người ở đây chưa lập gia đình; nhưng bài giảng hôm nay sẽ áp dụng cho mọi người, vì cho dù mình chưa là cha mẹ, nhưng ở đây ai cũng đang làm con cái.

 

          Nếu phải dùng chỉ có một động từ để tóm tắt bí quyết làm thế nào để phục hồi mối liên hệ này luôn cho được tốt đẹp trong gia đình thì tôi sẽ không ngần ngại nói đến động từ “chăm sóc.” Tôi tin rằng khi mỗi người trong một gia đình biết nghĩ đến và “chăm sóc” những nhu cầu của nhau, thì chắc chắn gia đình đó sẽ gặt hái được hạnh phúc lâu dài. Khi cha mẹ làm trọn bổn phận chăm sóc con cái của mình, khi con cái làm tròn trách nhiệm săn sóc cha mẹ của mình thì gia đình đó sẽ kinh nghiệm hạnh phúc. Chính lời của Chúa trong câu Kinh Thánh gốc dạy rõ những người cơ đốc phải biết “săn sóc” những người nhà mình, còn không thì làm xấu hổ đạo Chúa, vì tệ hơn cả những người ngoại đạo sao? Có thể nào một người mỗi ngày cứ đi ra chợ giảng Tin Lành, mời gọi mọi người đến với Chúa Giê-xu, nhưng lại bỏ bê con cái, chẳng săn sóc đến cha mẹ mình thì ai mà nghe?

 

 

I. Bổn Phận Cha Mẹ

 

          Phần thứ nhất chúng ta nói đến bổn phận “chăm sóc” của những bậc làm cha mẹ. Điều căn bản để chăm sóc cho một người thì chúng ta trước hết phải tìm biết những nhu cầu của người đó là gì để chúng ta đáp ứng. Làm cha mẹ, ai trong chúng ta đương nhiên cũng biết rõ những nhu cầu của con cái mình, mà có thể tóm tắt trong ba phạm vi chính: Phần thể xác, tình cảm và nhu cầu thuộc linh.

 

          1) Trong phần thể xác, cha mẹ có trách nhiệm lo cho con cái được đầy đủ “cơm ăn áo mặc,” cùng với những môi trường học vấn/thể dục tốt lành, để con cái tăng trưởng trong mọi phương diện thể xác và trí tuệ. Điều này tương đối dễ làm nhất cho chúng ta, vì chúng ta được phước sống trong một đất nước tự do, văn minh, tiện nghi, với biết bao nhiêu là những cơ hội tốt để chúng ta đáp ứng được những nhu cầu vật chất dễ dàng.

 

          2) Phần thứ hai là vấn đề tình cảm cha mẹ cần dành cho con cái, lý do là vì chúng nó không phải là những động vật vô tri vô giác. Đáp ứng nhu cầu này là điều khó làm hơn; lý do là phần này thường đòi hỏi nhiều thì giờ quí báu của chúng ta, để có thể gần gủi, xây dựng mối liên hệ tình cảm khắn khít với mỗi đứa con mình. Dành thì giờ cho con cái là một điều rất khó làm ở bên Mỹ đây; vì mỗi chúng ta đang sống trong một xã hội bon chen, mà sự “đòi hỏi của vật chất” qua những công ăn việc làm hằng ngày thường chiếm mất đi biết bao nhiêu thì giờ trong gia đình.

 

          Vì sống trong một xã hội đề cao vật chất, một số những bậc cha mẹ đang có hai sự suy nghĩ sai lầm sau đây:

 

          a) Tiền bạc quan trọng hơn mối liên hệ với con em mình. Biết bao nhiêu những cha mẹ bước vào những quyết định đầu tư hay công ăn việc làm một cách vội vã, mà không đắn đo xem những quyết định này sẽ ảnh hưởng đến mối liên hệ với con cái mình như thế nào, để rồi tiền trong bank thì càng nhiều, nhưng tình thương trong gia đình lại bị giảm dần. Kinh nghiệm làm việc cho hãng dầu Exxon khi còn là một kỹ sư trẻ tuổi thì có mấy lần được cơ hội tăng lương tiến chức, nhưng với điều kiện là phải dọn xuống ở thành phố Baytown hay Houston một thời gian. Tôi đắn đo, so sánh số lương được tăng, chức được tiến với hai đứa con còn nhỏ tuổi mà cuối cùng tôi đã phải từ chối, vì không muốn xa con cái. Sau vài lần từ chối những cơ hội này thì ông chủ có gọi tôi vào phòng riêng và nói: “Công ti cho anh những cơ hội tốt như vậy mà sao anh không bắt lấy.” Và ông nói khéo thêm một câu nữa: “If you keep rejecting these good opportunites, your future career box will shrink.” Tạm dịch là “Nếu anh cứ từ chối những cơ hội tốt này thì tôi e rằng tương lai cho nghề nghiệp của anh trong hãng này sẽ bị thu nhỏ lại.” Nhìn lại tôi cảm tạ Chúa lúc đó tôi không sợ lời trách, nhưng đã có những quyết định đúng, không hối tiếc, không rời chỗ ở để gần gũi với con cái. Tôi không dám nói là nghề nghiệp, công ăn việc làm không cần thiết hay là hãng Exxon không tốt, nhưng nghề nghiệp không thể nào quan trọng hơn thiên chức nuôi nấng những đứa con mà Chúa đã ban cho mình. Như có nói kỳ trước với quí vị, những cơ hội “hái tiền” nếu mất đi, thì chắc cũng sẽ có những cơ hội khác; còn tuổi thơ ấu của con em mình đi qua rồi sẽ không bao giờ trở lại được nữa.

 

          b) Sự suy nghĩ sai lầm thứ hai mà vô số bậc cha mẹ đang có trong đầu đó là “tôi có thể xây dựng mối liên hệ với con cái mình bằng của cải vật chất” và rồi cứ tự nghĩ: “Tôi sẽ mua cho con cái mình tất cả những vật quí ở trên đời này mà chúng nó muốn được như những đứa khác, thì làm trọn bổn phận của mình rồi.” Một trong những lý do có nhiều đứa trẻ hư hỏng, bướng bỉnh không chịu nghe lời, là vì cha mẹ thiếu thì giờ với con em mình từ hồi nhỏ, nhưng lại hay đổ dồn trách nhiệm dạy dỗ cho cái TV, máy Gameboy, hay máy điện toán Internet, mà thường có chứa nhiều những điều xấu hơn tốt, và dẫn chúng nó vào một đời sống xa hoa, đua đòi, quá lệ thuộc vào vật chất. Nhiều đứa nhỏ có đủ thứ “toys,” không thiếu một món đồ chơi nào hết, nhưng lại thiếu sự bình an và thoả lòng là những ích lợi lớn cho đời sống.  Cuộc sống của nhiều đứa trẻ lúc nào cũng cảm thấy chán chường, hay than phiền, không thỏa mãn, chẳng biết ơn, hay lo lắng về thân hình của mình, đánh mất sự ngây thơ tự nhiên. Nhiều thiếu niên mới có 12-13 tuổi đã muốn bắt chước phải có boy/girlfriend ngay. Là cha mẹ, ai cũng muốn cho con cái mình được mọi thứ tốt nhứt ở trên đời này, nhưng chúng ta cần nhận biết rằng con cái lớn lên không phải chỉ cần vật chất mà thôi, chúng nó cần có một mối liên hệ tình cảm mật thiết với cha với mẹ nữa.

 

          Đứa con gái của tôi là Liđa nay đã có chồng, con trai là Tim đã có vợ và con rồi, đôi khi ngồi tâm sự chúng nó vẫn thường nhắc đến những kỷ niệm đẹp mà tôi đã dạy chúng nó biết bơi, tập chạy xe đạp, ra công viên chơi diều, đi ăn McDonald rồi để những bịch ketchup sau bánh xe để cán lên, thức khuya nằm lăn lóc dưới đất xem những cartoons như là “Batman.” Đây là những kỷ niệm mà chúng nó hình như không bao giờ quên. Đôi khi cháu Tim nhắc đến và nói tôi dạy cho nó cách nấu món “Baked chicken,” mà khi còn nhỏ được ba nó nấu cho ăn thường. Tôi không nhớ có khi nào chúng nó nhắc đến những món quà mà mình đã từng mua cho nó, nhưng chỉ những kỷ niệm đẹp mà thôi. Là cha mẹ, chúng ta có đang in sâu vào lòng con cái mình những kỷ niệm đẹp không? Đâu là lần cuối qúi vị để dành thì giờ đi xem movies với con cái, đi ra công viên chơi nước, có những hành động “silly” với con em mình mà nó thích? Đừng bao giờ nghĩ rằng thì giờ để dành ra cho con cái là một gánh nặng, uổng phí hết; nhưng là những việc đầu tư quí gía mà tiền bạc không thể mua được. Đừng nhầm lẫn sự ưu tiên và giá trị quí báu thì giờ để dành ra với con cái mình, để rồi khi gìa yếu chúng ta sẽ không hối tiếc. Người ta nói “Ở đời này không có gì là của ‘chùa’ hết!” có nghĩa là cái gì cũng có cái gía chúng ta phải trả. Xây dựng một mối liên hệ yêu thương với con cái cũng vậy, chúng ta phải đầu tư rất nhiều trong thì giờ với mỗi đứa con mình, săn sóc chúng nó, để khi con cái lớn lên luôn có một sự an tâm và tự tin trong lòng. Nhớ đến ẩn dụ về đứa con trai hoang đàng mà Chúa Giê-xu đã một lần kể có chép trong Luca 15. Một đứa con hư hỏng, phung phí của cải của cha mình cho đến một ngày nó tỉnh ngộ và nhớ lại tình thương thực tế qua việc chăm sóc của cha mình, đến nỗi một đứa đầy tớ trong nhà cha mình cũng được lo đủ, mà nó đã quay lưng, ăn năn trở về nhà cha mình – (“When he came to his senses, he said, ‘How many of my father’s hired servants have food to spare, and here I am starving to death!) “Vậy nó mới tỉnh ngộ, mà rằng: Tại nhà cha ta, biết bao người làm mướn được bánh ăn dư dật, mà ta đây phải chết đói!” Khi con cái mình lớn lên, chúng nó có còn nhớ đến sự thương yêu gần gũi, những kỷ niệm đẹp chúng ta đã săn sóc chúng nó không, hay là chúng nó chỉ nhớ đến những món đồ chơi mà chúng nó không được giống như những đứa bạn mình?

 

          3) Bổn phận của cha mẹ không phải chỉ săn sóc phần xác và tình cảm thôi, nhưng phải lo nghĩ đến đời sống đạo đức và thuộc linh của con cái mình nữa. Cha mẹ phải tìm mọi cơ hội để dậy dỗ con cái về những đức hạnh cơ đốc, những điều có giá trị trường tồn, như đức tin, tánh thương người, và sự tinh khiết. Bổn phận dạy dỗ con cái chính là mạng lệnh của Chúa trao trực tiếp cho bậc cha mẹ như có chép trong sách Phục Truyền 6:5-7 như sau: (Love the Lord your God with all your heart and with all your soul and with all your strength. 6 These commandments that I give you today are to be on your hearts. 7 Impress them on your children. Talk about them when you sit at home and when you walk along the road, when you lie down and when you get up.) "Ngươi phải hết lòng, hết ý, hết sức kính mến Giêhôva Đức Chúa Trời ngươi. Các lời mà Ta truyền cho ngươi ngày nay sẽ ở tại trong lòng ngươi; khá ân cần dạy dỗ điều đó cho con cái ngươi, và phải nói đến, hoặc khi ngươi ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc lúc nằm hay là khi chổi dậy."  Động từ "dạy dỗ” trong tiếng Hêbêrơ có nghĩa là sự cứ nói đi nói lại, lập đi lập lại ở trong "nhà" mình, chứ đừng có hoàn toàn giao phó việc ấy cho Mục sư hay đổ trên Hội Thánh. Sáng Chúa Nhật là bổn phận của các vị Mục Sư và các giáo viên trước Chúa Nhật, nhưng khi về đến nhà thì là bổn phận của mỗi quí vị phụ huynh mỗi ngày.

 

          a) Đặt trong lòng con cái mình có một niềm tin vào Đấng Tối Cao đó là Thiên Chúa, bằng cách dạy chúng nó lời của Chúa, làm thành những nguyên tắc sống cho cuộc đời. Trong 2 Timôthê 3:16-17 có chép: (All Scripture is God-breathed and is useful for teaching, rebuking, correcting and training in righteousness, 17 so that the servant of God may be thoroughly equipped for every good work.) “Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình, 17 hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành.” Có bao nhiêu cha mẹ ở đây, mỗi ngày ở nhà dạy con nhỏ mình lời Kinh Thánh? Trước khi đi ngủ cùng cầu nguyện với con mình, trước những bữa ăn đều nhắc nhở cầu nguyện chung trong gia đình? Dạy con học thuộc lòng những câu Kinh Thánh gốc trước khi đi nhóm sáng Chúa Nhật để trả bài trong lớp học Kinh Thánh không? Giúp đỡ con dự phần chương trình đọc Kinh Thánh cho mùa Hè không? 

 

          b) Dạy con biết kính sợ Chúa như lời khôn ngoan của vua Salômôn có nói trong Châm Ngôn 9:10(The fear of the Lord is the beginning of wisdom, and knowledge of the Holy One is understanding.) "Kính sợ Đức Giê-hô-va, ấy là khởi đầu sự khôn ngoan; Sự nhìn biết Đấng Thánh, đó là sự thông sáng.” Khi một đứa trẻ có lòng kính sợ Chúa sớm thì sẽ gặt hái được nhiều điều ích lợi cho đời sống:

 

i) Thứ nhất, giúp chúng nó không dám làm những điều ác mà gây sự đau khổ vào thân. Trong Châm Ngôn 16:6b(… through the fear of the Lord evil is avoided.) "Bởi sự kính sợ Đức Giêhôva mà người ta xây bỏ điều ác." Khi anh chị em đang lái xe mà thấy một xe cảnh sát đậu bên lề đường thì tự nhiên chúng ta làm gì? Chúng ta sẽ chú ý ngay đến bản tốc độ và tự động điều chỉnh lại tốc độ ngay, phải không?  Cũng vậy, khi con em chúng ta có một tấm lòng kính sợ Chúa thì chúng nó sẽ có sự tự giác, nhận định những điều ác mà tránh làm, vì ý thức Chúa đang ở bên cạnh đời sống của mình.

 

ii) Thứ hai, sự kính sợ Chúa giúp cho con cái biết kính trọng những thẩm quyền để sống một đời sống trật tự bình an. Biết bao nhiêu đứa trẻ lớn lên không được dạy dỗ, nhưng lại bị ảnh hưởng bởi những phim ảnh ma quái, những trò chơi video game bạo động, những chương trình hoạt họa như The Simpson dạy dỗ sự hỗn láo thô tục, chống nghịch lại những thẩm quyền, để rồi bắt chước làm những chuyện điên rồ, dại dột. Tuần qua, vụ một người thanh niên 24 tuổi, ở bên thành phố Aurora, tiểu bang Colorado, đang trong chương trình học lấy bằng PhD, đã hóa trang, mang súng vào một rạp hát ngày đầu chiếu phim Batman mới nhất, và bắn chết 12 người, làm bị thương trên 50 người khác. Thử hỏi nếu anh này biết kính sợ Chúa và biết kính trọng những thẩm quyền thì có đã làm điều này không?  Nếu xem thường thẩm quyền, người ta sẽ coi rẻ mạng sống của mình và của những người khác mà cuối cùng chỉ đem đến những đau thương cho cuộc đời mà thôi.

 

4) Có hai cách dậy dỗ căn bản và hay nhất cho con cái mình.

 

a) Thứ nhất, đặt ra những giới hạn (boundaries) rõ ràng, để con cái biết khôn ngoan định được gía trị đúng, thế nào là tốt hay xấu và kết quả của mọi việc mình toan làm là gì, mà không có những quyết định sai lầm. Đừng chiều chuộng con quá sức, để nó quá tự do muốn làm gì thì làm, để rồi chúng nó sẽ trở nên những người sống vô kỷ luật, mà rồi một ngày chúng ta sẽ đổ nhiều nước mắt và hối tiếc. Châm Ngôn 13:24(Whoever spares the rod hates their children, but the one who loves their children is careful to discipline them.) “Người nào kiêng roi vọt ghét con trai mình; Song ai thương con ắt cần lo sửa trị nó.” Chữ “roi vọt” ở đây là hình ảnh của sự kỷ luật, đặt giới hạn, cần phải có; vì nếu không có kỷ luật với con cái thì thật mình đang “giết chậm” cuộc đời của chúng nó rồi. Đương nhiên khi con còn nhỏ thì chúng nó cần nhiều những giới hạn hơn; nhưng khi chúng nó càng lớn lên thì chúng ta phải bớt đi những giới hạn, để cho con học biết tự trị, tự định đoán khôn ngoan cho chính mình. Có những cha mẹ quá khắt khe, con đã “lớn đầu” rồi mà vẫn cứ bắt buộc làm theo ý mình, không giúp chúng nó “dang cánh rộng ra” để bay xa hơn. Chúng ta đừng nên quá quan tâm vào việc mình có làm chủ được con mình, nhưng hãy quan tâm nhiều đến con cái của mình có đủ khôn ngoan hơn, để càng ngày càng biết tự trị và biết tự lo cho mình không? Con cái chúng ta một ngày sẽ “mọc cánh bay đi khỏi tổ ấm,” bước vào đại học là môi trường có biết bao nhiêu những áp lực xấu xa đang chờ đợi chúng nó, mà chúng nó có sẽ khôn ngoan biết tự trị và tiết độ để khỏi bị cám dỗ làm điều ác nghịch cùng Chúa không? Đó mới chính là sự thành công thật của những bậc cha mẹ cơ đốc.

 

          b) Phương cách dạy dỗ con cái thứ hai đó là bằng chính những tấm gương trong đời sống của cha mẹ, để con cái bắt chước làm theo. Học trò quan sát thầy giáo, trẻ con bắt chước người lớn như thế nào, thì con cái sẽ làm giống (copy) theo gương của cha mẹ như vậy. Câu chuyện nổi tiếng “cái gáo dừa” nói lên điều này. Trong một gia đình có một ông cụ gìa yếu, nên lúc cầm chén cơm hay làm rớt và làm bể vì tay chân hay bị run rẩy. Cặp vợ chồng thấy vậy bực mình nên đi mua một trái dừa về, rồi cạo thành 2 cái gáo dừa cho ba mình dùng ăn cơm, mà có rớt xuống đất thì cũng không bị bể. Ông cụ ăn cơm mỗi ngày thường với nước mắt. Cho đến một ngày kia khi cặp vợ chồng lái xe đi làm về thì thấy đứa con trai mình đang hì hục làm cái gì đó. Vợ chồng hỏi con thì nó nói: “Con đang cạo 2 cái gáo dừa giống như của ông nội, để khi nào ba má về gìa có đồ dùng ăn cơm, không làm bị bể tô chén.”  Đúng như Nho giáo có câu: “Giọt nước trước nhỏ sao, giọt nước sau nhỏ vậy;” để nói lên ông bà cha mẹ làm điều gì thì con cái sau này cũng chịu ảnh hưởng rất nhiều, và bắt chước làm theo.

 

          Lời Kinh Thánh trong Châm Ngôn 22:6 có chép: (Start children off on the way they should go, and even when they are old they will not turn from it.) “Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo; dầu khi nó trở về già cũng không lìa khỏi đó.” Chúng ta muốn dạy cho trẻ thơ “con đường” chúng nó phải theo, thì cha mẹ phải nên cố gắng “làm gương” đi con đường đó trước. Con cái có thấy cha mẹ tin cậy Chúa trong sự cầu nguyện mỗi khi tai họa đến không? Con cái có thấy cha mẹ yêu thương nhau không? Con cái có thấy cha mẹ kính sợ Chúa mà không dám làm điều ác không? Có thể nào chúng ta muốn con em mình biết thương người, rộng lượng, có tánh lạc quan, hòa đồng mà chúng nó chỉ cứ nghe toàn những lời phàn nàn, chê trách, bất mãn, nói xấu, thành kiến từ môi miệng của mình sao? Nếu chúng ta không có “sốt sắng” đi nhóm đúng giờ và không trong thái độ vui vẻ thì làm sao con em chúng ta vui vẻ đến nhà thờ được? Nếu chúng ta cứ hay lo lắng và ít khi lên tiếng cảm tạ Chúa thì sao trách con em mình nó cứ lo lắng đến thân hình của nó? Nếu chúng ta cứ đi với Chúa nửa chừng thôi, thì làm sao mong con em chúng ta sẽ có được đức tin trọn vẹn trong Chúa? 

 

          c) Trong sự dạy dỗ hãy nhớ cầu nguyện cho mỗi đứa con mình, và đừng quên cầu nguyện cho chính mình nữa. Tuần qua tôi có nghe lời cầu nguyện của một đứa trẻ làm tôi rất là cảm động. Cháu nó cầu nguyện xin Chúa giúp cho ba nó được thức dậy sáng Chúa Nhật đi nhà thờ, vì nó ý thức được nhu cầu cần thiết tâm linh này. Lý do tôi cảm động là vì đáng nhẽ cha mẹ phải cầu nguyện cho con cái mình, đằng này đứa trẻ lại cầu nguyện cho cha mình. Thường thì chúng ta hay cầu người nguyện cho mỗi đứa con mình được trở nên những người tốt, đạo đức, biết kính sợ Chúa, nhưng có bao giờ chúng ta cầu nguyện xin Chúa dạy dỗ chính mình trở nên những cha mẹ khôn ngoan, biết kính sợ Chúa để nuôi nấng con cái đi trong đường lối của Chúa không? Mẫu thuẫn chăng khi chúng ta cầu nguyện Chúa muốn cho con cái mình yêu Chúa, ngoan ngoãn, biết vâng lời; nhưng chính chúng ta lại chẳng bao giờ cầu xin Chúa giúp mình yêu mến tin cậy, ngoan ngoãn với Ngài sao? Có lẽ đôi khi những người cần được cầu nguyện trước tiên chính là những bậc cha mẹ chăng?

 

 

II. Trách Nhiệm của Con Cái

 

     Phần thứ hai nói về trách nhiệm của con cái. Vắn tắt suy gẫm đến ba điều căn bản về trách nhiệm của con cái cơ đốc theo lời Chúa dạy.

 

          1) Thứ nhất, con cái vâng phục cha mẹ là điều làm vui lòng Chúa. Tong Côlôse 3:20(Children, obey your parents in everything, for this pleases the Lord.) “Hỡi kẻ làm con, mọi sự hãy vâng phục cha mẹ mình, vì điều đó đẹp lòng Chúa.” Chúng ta sống có muốn làm đẹp lòng Chúa không? Một trong những điều chắc chắn làm đẹp lòng Chúa ấy là vâng giữ mạng lệnh của Ngài, và một trong những điều răn quan trọng của Chúa chính là “hãy hiếu kính cha mẹ ngươi.” Chúng ta vâng phục Chúa vì nhận thức thẩm quyền tối cao trên đời sống của mình chính là Đức Chúa Trời, Đấng sáng tạo nên muôn loài. Chúng ta không phải chỉ đi theo đạo đức của loài người mà thôi, nhưng còn vâng phục theo những tiêu chuẩn cao hơn đó là những điều răn của Chúa là Đấng có quyền trên sự sống và chết của tất cả mọi người. Như vậy muốn làm Chúa vui lòng thì hãy hiếu kính cha mẹ mình.

 

          2) Thứ hai, con cái phải biết lắng nghe và giữ những lời khuyên dạy của cha mẹ. Châm Ngôn 1:8(Listen, my son, to your father’s instruction and do not forsake your mother’s teaching.) “Hỡi con, hãy nghe lời khuyên dạy của cha, Chớ bỏ phép tắc của mẹ con.” Còn trong Châm Ngôn 6:20 thì dạy thêm một bước cao hơn – (My son, keep your father’s command and do not forsake your mother’s teaching.) “Hỡi con, hãy giữ lời răn bảo của cha, Chớ lìa bỏ các phép tắc của mẹ con.” Lời Chúa dạy chúng ta phải biết hiếu kính cha mẹ, gồm có 2 phần hiếu thảo và kính trọng. Kính trọng cha mẹ mình nghĩa là sao? Nghĩa là chịu nghe những lời khuyên dạy của mẹ cha và làm theo, ngaọi trừ một vài trường hợp rất đặt biệt khi đi ngược với ý Chúa. Động từ “kính trọng” mang ý nghĩa của một động từ khác đó là “đặt nặng” (tiếng Anh là ‘put weight”) trên những lời khuyên dạy của cha mẹ, mà chớ có xem thường. Khi phải đương đầu với một vấn đề gì đó trước áp lực của những lời dụ dỗ của bạn bè xấu hay của đám đông, thì người biết kính trọng cha mẹ sẽ đặt những lời khuyên dạy của cha mẹ “nặng cân hơn” mà vui vẻ làm theo.

 

          3) Thứ ba, con cái bày tỏ lòng hiếu thảo cha mẹ bằng cách cố gắng thực hành những điều gì làm cho cha mẹ vui lòng, chứ không chỉ những điều gì mình thích mà thôi. Châm Ngôn 10:1(A wise son brings joy to his father, but a foolish son brings grief to his mother.) “Con trai khôn ngoan làm vui cha mình; Nhưng đứa ngu muội gây buồn cho mẹ nó.” Hãy tự xét xem có việc gì thực tế tôi đang cố gắng làm vui lòng cha mẹ tôi không? Có việc gì tôi đang làm buồn lòng 2 người không? Kể cả phiá bên cha mẹ vợ hay chồng mình nữa? Có bao giờ tôi đến hỏi ba má mình xem những điều gì làm ông bà vui nhất không? Nếu con cái hỏi tôi thì tôi không ngần ngại trả lời 3 điều làm tôi rất vui lòng đó là 1) các con hãy sống yêu mến Chúa và hầu việc Ngài, 2) chăm sóc hạnh phúc gia đình của mình - chồng yêu vợ còn vợ phải kính chồng như lời Chúa dạy, và 3) hết sức giữ sự hòa thuận giữa vòng những người thân yêu của mình nữa; chứ tôi không cần xây lăng, xắm mộ, mua quan tài cho thật đắt tiền trước thì chẳng lấy làm vui đâu. Đây là những điều mỗi ngày khi cầu nguyện tôi nhớ đến con cái và gia đình mình. 

 

          Chính Chúa Giê-xu đã nhấn mạnh mạng lệnh gì trong Mathiơ 19:19(… honor your father and mother.’) “Hãy thảo kính cha mẹ.” Và điều hay nhất để bày tỏ lòng hiếu thảo, biết ơn cha mẹ là để ý những điều gì làm cho cha mẹ mình vui thì làm đi, săn sóc đi, chứ còn chỉ nói thôi hay đợi đến lúc 2 ông bà nằm xuống rồi thì lòng hiếu thảo đó có gía trị là bao nhiêu? Cũng phải tránh tội khinh bỉ cha mẹ mình khi họ trở nên gìa yếu, vì không có biết nhiều những điều như mình đang biết, như là nói tiếng Anh không rành, không hiểu rõ phong tục hiện đại, không biết lái xe, không biết dùng máy điện toán, facebook… Châm Ngôn 23:22(Listen to your father, who gave you life, and do not despise your mother when she is old.) “Hãy nghe lời cha đã sanh ra con, chớ khinh bỉ mẹ con khi người trở nên già yếu.” Khinh bỉ là khi mình xem thường những điều khuyên dạy, và nói nghịch lại với những lời thô bạo. Trong Châm Ngôn 20:20 có chép về hậu quả của những ai phạm tội này: (If someone curses their father or mother, their lamp will be snuffed out in pitch darkness.) “Ngọn đèn của kẻ rủa cha mẹ mình sẽ tắt giữa vùng tăm tối mờ mịt.” “Tắt” có nghĩa là không còn sáng nữa; đèn mà không còn sáng nữa thì chỉ là vô ích, chẳng đem đến ích lợi cho ai hết.

 

          Sẽ có một thời Kinh Thánh chép trong 2 Timôthê 3:2 mà người ta sẽ bội nghịch cùng cha mẹ - (People will be lovers of themselves, lovers of money, boastful, proud, abusive, disobedient to their parents, ungrateful, unholy.) “Hãy biết rằng trong ngày sau rốt, sẽ có những thời kỳ khó khăn, vì người ta đều tư kỷ, tham tiền, khoe khoang, xấc xược, hay nói xấu, nghịch cha mẹ, bội bạc, không tin kính…” nhưng là những người cơ đốc tin theo Chúa Giê-xu thì chúng ta không ùa theo đám đông, nhưng lắng nghe những lời khuyên dạy của cha mẹ mình, cố gắng làm vui lòng ông bà. Hãy kính sợ Chúa, vâng giữ lời Ngài, thường xuyên tự xét và biết phục hồi lại những bổn phận làm cha mẹ và trách nhiệm làm con cái đó là phải chăm sóc nhau, vì đây là điều làm đẹp lòng Đức Chúa Trời. Amen!

 

 

--------------- Lời Mời Gọi

 

          Tuần qua khi tôi cắt cỏ thì cái máy cắt cỏ bị chết mấy lần; Có lẽ vì mấy tuần này mưa nhiều và cỏ mọc rậm hơn. Nhưng để ý thì tôi khám phá ra lý do là vì cái lưỡi cắt đã bị cùn, không còn bén như xưa, cho nên máy cắt phải làm việc nhiều hơn làm cho hay bị tắt máy. Tôi đang tính gỡ cái lưỡi cắt ra và mài cho bén lại thì chắc sẽ giúp cắt dễ hơn. Hạnh phúc gia hình cũng như vậy; theo thời gian dễ bị “cùn” đi, để rồi sự nồng nàn, ấm cúng, mật thiết ban đầu không còn như ngày xưa nữa.  Chúng ta phải biết dừng bước “mài lưỡi lại cho bén,” để phục hồi hạnh phúc gia đình của mình.

 

     Đừng chỉ “lấy nghe làm đủ,” mà chẳng cố gắng điều chỉnh chi hết, thì lời dạy dỗ của Chúa trong những bài giảng mình đã nghe sẽ chẳng có ích gì cho hạnh phúc gia đình của mình. Muốn như vậy thì hãy tự xét xem sự chăm sóc của mình cho những người trong gia đình mình đang như thế nào?

 

          1) Cha mẹ có đang hết sức quan tâm và chăm sóc đến những nhu cầu của con cái mình không, nhất là nhu cầu thuộc linh? Chúng ta đang có những chương trình thực tế gì để đặt trong lòng con cái mình một niềm tin nơi Chúa và một đời sống biết kính sợ Ngài, hay đang đổ dồn trách nhiệm này cho người khác? Chúng ta có đang sống bị thế giới vật chất này “đóng khung” thời khóa biểu mình, để rồi không có thì giờ xây dựng mối liên hệ tình cảm mật thiết với con cái mình sao? Tôi tin rằng những bậc cha mẹ mà mất con mình trong vụ bắn giết tuần qua tại Aurora, Colorado chỉ ước mong một điều thôi là còn cơ hội để ôm những đứa con mình mà hôn? Chúng ta có đang cầu nguyện cho chính mình, nhờ cậy Chúa giúp đỡ để mình biết nuôi nấng con cái trong đường lối của Ngài không?

 

          2) Con cái cơ đốc có biết việc hiếu kính cha mẹ là điều làm đẹp lòng Chúa không? Chúng ta có hiểu kính trọng cha mẹ là đặt nặng những lời khuyên dạy, dặn dò khôn ngoan của ông bà không? Chúng ta có đang cố gắng quan tâm và thi hành những điều làm cho cha mẹ mình hai bên đều vui lòng không? Chúng ta có đang săn sóc cha mẹ mình khi ông bà gìa yếu rồi không?

 

          Cứ tưởng tượng đi nếu trong một gia đình mọi người đều biết quan tâm đến nhau, cha mẹ làm tròn bổn phận chăm sóc con cái, con cái làm trọn trách nhiệm săn sóc cha mẹ, thì chắc chắn gia đình đó sẽ luôn gặt hái hạnh phúc lâu bền. Hãy luôn tự kiểm, điều chỉnh, làm bén lại trách nhiệm và bổn phận của mình, để thật kinh nghiệm được hạnh phúc gia đình mà Chúa hứa ban cho từ lúc ban đầu.

 

-----------------------------------------------

Caring for the Family

(1 Timothy 5:8)

 

“Anyone who does not provide for their relatives, and especially for their own household, has denied the faith and is worse than an unbeliever.”

 

          The most important foundation to produce a blessed life is the vertical relationship between an individual and God. Horizontally, the joining between a man and a woman is the first relationship that God established on earth to bless us. Another important factor to keep happiness in a home is a healthy relationship between parents and children. Do you want to improve the health of your home? One word that describes how we can keep this relationship healthy is “care.” God’s word teaches that if Christians don’t take care their own families, relatives and love ones then they are worse than unbelievers.

 

          To care for the children, parents must first know their needs. Three important ones are the physical, emotional, and spiritual needs. The provision for the physical need is easiest since we are living in America with many golden opportunities to be successful and prosperous. Meeting the children emotional need is more difficult because it will cost our time. Unfortunately, many parents are living in an incorrect principle that they can build the relationship with their children mainly on the material things. Remember sweet memories of parents spending time with their children are priceless and have longer impressions in the children’s heart than many toys. Spiritual need is the most important one. God commands parents to teach their kids to know, to love and to fear Him. Are you fulfilling your priestly hood in the home? There are at least two benefits for those who fear the Lord: 1) They avoid doing evil things, and 2) They learn to respect authorities that produce a safe and peaceful life. There are at least two effective ways to teach our children: 1) Set boundaries so our children can discern limits that can protect them, and 2) Set life examples for children to follow. Of course, as children get older, wise parents should relax the boundaries to help them developing the autonomy so they can take care themselves. Parents should pray for their children daily and, of course, not forgetting to pray for themselves to become godly and effective moms and dads.

 

          The duties of children can be summarized into three basic truths. First, children need to know that honoring our parents pleases the Lord. One of our most important reasons why we are still here is to please God; therefore, honor our parents. Secondly, to show respect to our parents we must put “weights” on our father’s instruction and mother’s teaching. Thirdly, to express our gratitude to our parents, we must try to do things that bring joy to their life. As they get older, do not despise them, but patiently care for their needs.

 

          We are approaching the end times when people will be lovers of themselves, lovers of money, boastful, disobedient to their parents, ungrateful, unholy. But as Christians, we do not follow the crowds, but to obey God’s teaching in caring for our families by fulfilling our responsibilities of godly parent and children. May God bless all our families!