Sáng thế ký 13:1-13
Khi Áp Ram vâng Lời Chúa gọi, Ông ra khỏi một gia đình "hầu việc các thần khác." (Giô suê 24:2), để theo Chúa. Khi đi, Ông đem theo bò lừa súc vật, tôi tớ và hai người quan trọng là vợ tên Sa ra và một người cháu gọi bằng bác tên là Lót.
Kinh thánh chép: "Vả, Lót cùng đi với Áp-ram, cũng có chiên, bò, và trại. Xứ đó không đủ chỗ cho hai người ở chung, vì tài vật rất nhiều cho đến đỗi không ở chung nhau được.... xảy có chuyện tranh giành của bọn chăn chiên Áp-ram cùng bọn chăn chiên Lót." (Sáng thế ký 13: 5-7).
Việt Nam có chữ: "Nghèo khổ;" vì nghèo thì thường khổ. Khi nghèo, chúng ta bị thiếu trước hụt sau. Ngày xưa Ông Tú Xương than nghèo rằng: "Gạo cứ lệ ăn, đong bữa một. Vợ quen dạ đẻ, cách năm đôi." Ngày nào Bà Tú phải lo gạo cho gia đình bữa nấy, nếu chiều nay không có gạo cho gia đình ăn thì sao? Nghèo như Ông Bà Tú Xương thật là khổ!
Nghèo thì khổ đã đành, nhưng giàu quá cũng khổ. Ðây là trường hợp hai bác cháu Áp Ram và Lót. Như Quý vị đã biết, Áp Ram có nuôi đứa cháu mồ côi, khi rời quê hương, Ông đem nó theo. Thế thì đáng lẽ nơi xa xứ, xung quanh toàn là người "ngoại quốc" thì tình cốt nhục Áp Ram và Lót phải khắn khít, vì nhìn trước, nhìn sau chỉ có "mình với ta và ta với mình là cốt nhục mà thôi!" Thế nhưng tình cốt nhục nay đành xứt mẻ! Tại vì cả hai đều có nhiều của cải và đang ở gần nhau.
Tiền bạc, của cải rất cần, nhưng tiền bạc không thể mua hạnh phúc cho gia đình được!
Còn một điều nữa. Ðó là vì Áp Ram và Lót ở chung với nhau trong cùng một nơi. Học điều nầy, tôi nhớ lại hoàn cảnh của chúng ta. Trong hoàn cảnh nghèo tị nạn, nhiều lần chúng ta phải "share" phòng ở chung với nhau. Ðây là điều mà mỗi chúng ta nên để ý học gương hai bác cháu Áp Ram và Lót.
Tiếng Việt Nam rất hay. Trên đây chúng ta đã học chữ "nghèo khổ," bây giờ chúng ta học thêm một chữ nữa. Ðó là chữ: "Chung đụng." Chung đụng có nghĩa là khi "ở chung," dễ "đụng chạm." Cho nên khi chúng ta "share phòng" trong nhà người khác, hay cho người khác "share phòng" trong nhà của mình, chúng ta phải hết sức cầu xin sự khôn ngoan của Chúa ban cho, để tránh việc "chung đụng" rồi mất tình thân, hoặc có điều đáng tiếc xảy ra.
Còn việc các con dân của Chúa nhóm nhau lại chung trong một nhà thờ, có thể "đụng" nhau không? Trong sự kính Chúa và lòng yêu mến đồng bào, mỗi chúng ta đều ước ao làm sao Hội Thánh có thật nhiều người tin Chúa, để họ được Chúa tha tội và được Chúa cứu như chúng ta. Nhưng nếu chúng ta là những người con dân của Chúa, mà lại gây gỗ nhau, cãi lẫy nhau, hờn ghét nhau, gặp nhau không thèm nhìn mặt, xa nhau thì lại nói xấu nhau, thế thì làm sao chúng ta giới thiệu Danh Chúa Cứu Thế cho người khác nghe.
Ngược lại, nếu người ngoài nhìn vào Hội Thánh họ thấy anh em trong Hội Thánh thương mến nhau, vui vẻ với nhau rồi họ có thiện cảm, và từ từ có dịp tìm hiểu về Chúa, rồi họ sẽ tin nhận Chúa. Tại sao vậy? Tại vì họ muốn bước vào cộng đồng tín hữu Tin lành yêu thương nhau, rõ ràng họ thấy những người Tin lành là những người con của Chúa mới tốt như vậy. Như Lời Chúa dạy: "Nếu các con yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên hạ sẽ nhận biết các con là môn đồ Ta." (Giăng 13:35).
Chúng ta thấy sự va chạm giữa hai bác cháu Áp Ram và Lót không phải là làm sao đủ ăn, nhưng làm sao cho "tình nghĩa" đừng sức mẻ. Nói tới tình nghĩa thì có người nói cho vui là: "Ở đời cục muối cắn làm hai; còn cục đường thì... nuốt tuốt!" Tình nghĩa của Quý vị đối với người thân ra sao?
Khi có sự tranh chấp, Áp-ram nói cùng Lót rằng: "Chúng ta là cốt nhục, xin ngươi cùng ta chẳng nên cãi lẫy nhau và bọn chăn chiên ta cùng bọn chăn chiên ngươi cũng đừng tranh giành nhau nữa. Toàn xứ há chẳng ở trước mặt ngươi sao? Vậy, hãy lìa khỏi ta; nếu ngươi lấy bên hữu, ta sẽ qua bên tả." (Sáng 13:7-9).
Chúng ta thấy trong hoàn cảnh đụng chạm nhau, Áp Ram là bác lấy thế người lớn, có thể bảo cháu là Lót phải ở bên nầy hoặc ở bên kia sông Giô đanh. Ông có thể lấy quyền người lớn lựa chọn trước. Nhưng Áp Ram sẵn sàng vì quyền lợi của người khác mà quên đi quyền lợi của mình. Áp-ram đã sống theo phương châm quý báu rằng: "Mỗi người trong anh em chớ chăm về lợi riêng mình, nhưng phải chăm về lợi kẻ khác nữa." (Philip 2:4).
Ở điểm nầy, Áp Ram là một người phản ánh hình ảnh của Ðức Chúa Jêsus. Vì Ðức Chúa Jêsus đã vì sự cứu rỗi của người khác mà sẵn sàng hy sinh phó sự sống của Ngài. Kinh Thánh dạy rằng: "Ngài vốn có hình Ðức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình đẳng mình với Ðức Chúa Trời là sự nên nắm giữ; chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người; Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự." (Phi líp 2:6-8). Cảm tạ ơn Ðức Chúa Jêsus, là Ðấng sẵn sàng vì sự sống của chúng ta mà đã từ bỏ sự sống của Ngài. Nhờ Ngài đã chịu chết thay vì tội cho chúng ta, nên chúng ta được tha thứ và được cứu.
Theo Quý vị thì tại sao Áp-ra-ham ra ham chịu nhường nhịn Lót như vậy? Tại vì Áp Ram với niềm tin sắc son nơi Chúa, Ông biết rằng mình nhường cho cháu đi, Chúa sẽ bù đắp lại cho mình. Cho nên Áp Ram nói: "...nếu ngươi lấy bên tả, ta sẽ qua bên hữu, nếu ngươi lấy bên hữu, ta sẽ qua bên tả."
Ở đây chúng ta học được rằng khi có sự bất hòa nhau, kể cả người chung đụng với mình nhiều nhất, như là vợ với chồng, cha mẹ con cái, anh chị em thì cũng vậy, nếu chúng ta chỉ nghĩ đến cái tự ái của mình, cái thiệt thòi của mình thì sự bất hòa càng ngày càng nhiều hơn; ngược lại nếu chúng ta nghĩ đến tình yêu của Chúa đã ban cho mình, vì Danh Chúa và vì quyền lợi của người kia mà sẵn sàng nhường nhịn, thì chắc chắn Chúa sẽ bù đắp cho chúng ta. Xin nhớ rằng những điều Chúa bù đắp của Chúa sẽ quý báu hơn nhiều so với những gì mà chúng ta tưởng là mình bị thiệt thòi. Quý vị có dám tin rằng Ðức Chúa Trời có dư khả năng bù đắp cho Quý vị không? Xin nhớ rằng Ðức Chúa Trời của chúng ta là Ðấng Giàu có và là Ðấng Toàn năng.
Theo Quý vị thì, trong lúc hai bọn chăn chiên của bác cháu Áp Ram và Lót tranh nhau từng tấc đất mà bây giờ Áp Ram lại nói một câu nghe nhẹ nhàng như vậy thì Lót nghĩ sao? Có lẽ Lót tự nói trong lòng rằng từ trước đến nay mình thấy bác Áp Ram khôn ngoan quá, nhưng sao bữa nay Ổng quyết định dỡ quá! Vậy thì ta mau mau chọn liền kẻo Bác đổi ý!
Trong câu chuyện nầy Quý vị có thấy Lót nói vài câu mại hơi, như là: Như vậy thì bác thiệt thòi quá. Cháu mong bác cho cháu bắt thăm với bác đã là tốt quá rồi. Nay cháu đâu dám bắt phần hơn v.v.... có phải vậy không? Không! Nghe Ông bác nói xong là "Lót bèn ngước mắt lên, thấy khắp cánh đồng bằng bên sông Giô-đanh, là nơi (trước khi Ðức Giê-hô-va chưa phá hủy thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ) thảy đều có nước chảy tưới khắp đến Xoa; đồng đó cũng như vườn của Ðức Giê-hô-va và như xứ Ê-díp-tô vậy." (Sáng thế ký 13:10).
Nhìn vào bản đồ hai bên bờ sông Giô đanh vào thời đó, Quý vị thấy Lót dù là cháu, nhỏ tuổi hơn Áp Ram nhưng Lót rất có ý tứ. Ông ta nhìn thấy đồng bằng, có nước chảy tươi tốt, vùng đó đẹp như vườn của Ðức Chúa Trời và cũng phì nhiêu như xứ Ê díp tô. "Lót bèn chọn lấy cho mình hết cánh đồng bằng bên sông Giô-đanh và đi qua phía Ðông. Vậy, hai người chia rẽ nhau." (Sáng thế ký 13:11). Quý vị thấy thật là "lòng tham không đáy!" Có người nói khác hơn là: "Túi tham lủng đáy." Cái túi nào chớ cái túi tham bỏ vào hoài, thì cũng không bao giờ đầy cả.
Ðã chọn phía Ðông rồi, nhưng Lót chưa chịu. Ông ta còn dời trại mình đến Sô đôm vì Lót thấy đó là nơi phồn hoa đô hội.... Nhưng tiếc thay, có điều rất nguy hiểm mà Lót không thấy. Ðó là "..... dân Sô-đôm là độc ác và kẻ phạm tội trọng cùng Ðức Giê-hô-va." (Sáng 13:13). Sách vở dạy rằng: "Chọn bạn mà chơi." Ðàng nầy Lót tìm đến nơi tội lỗi để sống thì nguy hiểm quá!
Xin Quý vị để ý câu 5 chép: "...Lót cùng đi với Áp-ram, cũng có chiên, bò, và trại." (Sáng 13:5). Sau khi hai bác cháu chọn hai nơi xa nhau, câu 12 chép: "Áp-ram ở trong xứ Ca-na-an, còn Lót ở trong thành của đồng bằng và dời trại mình đến Sô-đôm." (Sáng 13:12). Lót chọn cánh đồng bằng bên phía Ðông sông Giô đanh và dọn trại mình vào thành Sô Ðôm, Quý vị thấy Lót có cầu khẩn Ý Chúa không? Không!
Chúng ta nhận thấy Áp Ram đi đến đâu thì lập bàn thờ để cầu khẩn Danh Chúa. Còn Lót dựng trại để ở, nhưng không lúc nào Ông có bàn thờ để thờ phượng Chúa và cầu khẩn Danh Ngài.
Sự khác biệt nầy là sự khác biệt vô cùng lớn cho cuộc đời của hai người. Kết cuộc là khi Ðức Chúa Trời tiêu diệt thành Sô-đôm, tất cả tài sản của Lót đã mất, kể cả vợ của Lót cũng đã mất.
Kính thưa Quý con dân của Chúa, trong sự phiền hà nhau và tranh dành quyền lợi nhau, bài học Kinh thánh hôm nay dạy chúng ta rằng nếu chúng ta vì Danh Chúa sẵn sàng chịu nhường nhịn anh em mình, Chúa sẽ bù đắp cho chúng ta. Là con dân của Chúa, chúng ta cũng như Áp-ram đều phải có chung một tôn chỉ là vâng Lời Chúa dạy rằng: "....trước hết, hãy tìm kiếm nước Ðức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa." (Ma thi ơ 6:33).
Cầu xin Ðức Chúa Trời Từ Ái ban phước cho mỗi chúng ta biết tìm kiếm Chúa trước nhất cho đời sống của mình. A-men.
Mục sư Trần Hữu Thành.