Gia phổ là bản thống kê, dùng chỉ mối liên hệ giữa các thế hệ, của một người thuộc một dòng dõi hoặc bộ tộc.
Cựu ước cẩn thận chép gia phổ của nhiều dòng họ, tộc người. Điều nầy cho thấy gia phổ đóng vai trò rất quan trong đời sống xã hội của con người, đặc biệt đối với người Y-Sơ-Ra-en. Họ thường dựa vào gia phổ để truy nguyên nguồn cội của một người vì rất nhiều lý do.Ví dụ để một người được phục vụ trong đền thờ, thì người ấy phải thuộc chi phái Lê-Vy, và để được làm thầy tế lễ thì người đó phải là hậu duệ của A-Rôn. Chính vì vậy, trong sách E- xơ-ra, và sách Nê-hê-mi, khi người Y-Sơ-Ra-en được hồi hương từ nơi lưu đày về, nhiều người khai mình thuộc dòng A-Rôn, nhưng do không chứng minh được bằng gia phổ lưu giữ, nên họ bị đuổi ra, không được nhận chức thầy tế lễ ( (Exr 2:62; Neh 7:64).
Trong Cựu ước, các bản gia phổ được viết xuôi từ các thế hệ trước đến các thế hệ sau, nhưng lại thường không ghi hết tên con cái của một người. Ví dụ, khi ghi dòng dõi từ Adam đến Nô-ê Kinh thánh ghi:
Adam được 130 tuổi sinh một con trai giống như hình dạng mình và đặt tên là Sết.
Sau khi sanh Sết, Adam còn sống được 800 năm, sinh con trai, con gái. Adam hưởng thọ được 930 tuổi, rồi qua đời…(Sáng 5:3-5)
Tương tự như vậy:
Sết được 105 tuổi sanh Ê-nót.,
Sau khi Sết sanh Ê-not rồi, còn sống được 807 năm sanh con trai, con gái, vậy Sết hưởng thọ 912 tuổi, rồi qua đời Sáng 5:6-8)…
Các thế hệ tiếp theo cũng vậy: Sết, Enot, Kê-nan, Mahalale… mỗi người đều có nhiều con trai, con gái, nhưng chỉ có một người được nêu tên.Chỉ đến đời thứ 10 là Nô-ê mới ghi rõ rằng Nô-ê có ba con trai là Sem, Chăm và Gia phết. Những dòng ngắn ngủi được viết về dòng dõi Gia phết, dòng dõi Chăm, để rồi mọi chú ý đổ dồn vào dòng dõi của Sem cho đến đời thứ 20 là Ap-ram (tức là Ap-ra-ham).
Điều nầy cho thấy Gia phổ trong kinh thánh cựu ước dầu là bản liệt kê về dòng dõi của nhiều người, nhiều tộc họ, nhưng cốt lõi của các gia phổ nầy là giúp con người nhận ra một sợi dây liên hệ chạy suốt từ ban đầu đến cái đích vĩ đại, cái đích quan trọng nhất của cả loài người trên đất: Đích đến đó là Đầng Christ, Cứu Chúa duy nhất của cả thế gian.
I. NHỮNG ĐIỀU LẠ LÙNG TRONG GIA PHỔ CHÚA JESUS
Đức Thánh Linh, qua ngòi bút của sứ đồ Ma-thi-ơ, đã mở đầu Tân ước bằng cách chép về gia phổ chúa Jesus Christ, một bản gia phổ hết sức lạ lùng:
"Gia phổ Đức Chúa Jesus Christ, con cháu Đa-vit và con cháu Ap-ra-ham.
Ap-ra-ham sanh Y-sác;
Y-sac sanh Gia-côp;
Gia-côp sanh Giu-đa và anh em người.
Giu-đa bởi Tha-ma sanh Pha-rê và Xa-ra.
Pha-rê sanh Ếch-rôm;
Êch-rôm sanh A-rôm;
A-rôm sanh A-mi-na-đap;
A-mi-na-đap sanh Na-ách-son;
Na-ách-son sanh Sanh-môn;
Sanh-môn bởi Ra-háp sanh Bô-ô.
Bô-ô bởi Ru-tơ sanh Ô-bết;
Ô-bết sanh Gie-sê, Gie-sê sanh vua Đa-vít.
Đa-vít bởi vợ u-ri sanh Sa-lô-môn;
Sa-lô-môn sanh Rô-bô-am;
Rô-bô-am sanh A-bi-gia;
A-bi-gia sanh A-sa;
A-sa sanh Giô-sa-phát ;
Giô-sa-phát sanh Giô-ram;
Giô-ram sanh Ô-xia;
Ô-xia sanh Giô-tam;
Giô-tam sanh A-cha;
A-cha sanh Ê-chê-xia;
Ê-chê xia sanh Ma-na-sê;
Ma-na-sê sanh A-môn,
A-môn sanh Giô- si-a.
Giô-si-a đang khi bị đày qua nước Ba-by-lôn sanh Giê-chô-nia và anh em người.
Khi đã bị đày qua nước Ba-by-lôn thì Giê-chô-nia sanh Sa-la-thi ên;
Sa-la-thi-ên sanh Xô-rô-ba-bên;
Xô-rô-ba-bên sanh A-bi-ut;
A-bi-ut sanh Ê-li-a-kim;
Ê-li-a-kim sanh A-xô;
A-xô sanh Sa-đốc;
Sa-đôc sanh A-chim;
A-chim sanh Ê-li-ut;
Ê-li-ut sanh Ê-lê-a-xa;
Ê-lê-a-xa sanh Ma-than;
Ma-than sanh Gia-côp;
Gia-côp sanh Giô-sep là chồng Ma-ri;
Ma-ri là người sanh Đức Chúa Jesus, gọi là Đấng Christ.
Như vậy, từ Áp-ra-ham cho đến Đa-vít hết thảy có 14 bốn đời; từ Đa-vít cho đến khi bị đày qua nước Ba-by-lôn cũng có 14 đời; và từ khi bị đày qua nước Ba-by-lôn cho đến Đấng Christ cũng có 14 đời.(Ma-thi-ơ 1:1-17)
Khi so bản gia phổ Chúa Jesus trong Ma-thi-ơ với bản gia phổ Chúa Jesus trong sách Luca, cũng như các sách khác, ta thấy ít ra có 7 điểm rất lạ lùng sau đây..
1. Trước hết Luca chép ngược Gia phổ chúa Jesus, từ Ngài đến Adam. Trong khi đó trong sách Ma-thi-ơ, Gia phổ chúa Jesus không bắt đầu từ A-đam mà bắt đầu từ Ap-ra-ham chép xuôi đến Đấng Christ
2. Gia phổ trong sách Ma-thi-ơ đoạn từ Vua Đa-vít đến Đấng Christ có 28 đời (kể cả vua Đavit). Trong khi nếu kể cả vua Đa-vit thì đoan nầy ở sách Luca là 43 đời, tên của những con người trong hai bản gia phổ nầy cũng rất khác nhau .
3. Trong Ma-thi-ơ 1: 8 thì "Giô-ram sanh Ô-xia".
Tuy nhiên II Sử ký các đoạn từ 21-26 chép các vị vua Giu-đa từ Giô-ram đến Ô-xia thì gồm: Giô-ram sanh A-cha-xia; A-cha-xia sanh Giô- ách; Giô- ach sanh A-ma-xia và A-ma-xia sanh Ô-xia. Như vậy so với sách II Sử ký thì Ma-thi-ơ đã bỏ đi 3 đời: A-cha-xia; Giô-ách; A-ma-xia trong bản gia phổ.
4. Ma-thi-ơ 1:11 chép: Giô-si-a đang khi bị đày qua nước Ba-by-lôn sanh Giê-chô-nia và anh em người. Tuy nhiên trong II Sử ký đoạn 34-36 cho thấy Giô-si-a làm vua khoảng năm 638 TC kế nhiệm A-môn. Ông là một vị vua tốt, đã sửa lại nhiều sai trật trong hai đời vua trước ông là: Ma-na-se ông nội ông, và A-môn cha ông, bằng việc hủy bỏ hình tượng trong xứ, lập lại lễ vượt qua, tìm ra bản luật pháp Môi-se và kêu gọi toàn dân ăn năn và tuân giữ luật pháp đó.
Vào khoảng 609 TC người Ai cập tấn công Giu- đa. Trong trận chiến tại Meggido, Giô-si-a bị thương nặng, được đưa về Giê-ru-sa-lem rồi mất. Con ông là Giô-a-cha lên thay. Làm vua được ba tháng, Giô-a-cha bị vua Neco bắt đem về Ai cập. Giê-hô-gia-kim cũng là con trai Giô-si-a, được người Ai cập đặt lên ngôi thế cho Giô-a-cha.
Năm 605 TC Nê-bu-cat-net-xa, vua Ba-by-lôn, đánh bại Neco, nên Giê-hô-gia-kim bỏ Ai cập thần phục và triều cống Ba-by-lôn.
Đến năm 601 TC, do Giê-hô-gia-kim không chịu triều cống nữa, Nê-bu-cat-net-xa ra lệnh cho các lân bang của Giu-đa tiến đánh Giê-hô-gia-kim (II Các Vua 24:1-7), đến năm 598 TC, Giê-hô-gia-kim bị bắt đem về Ba-by-lôn.
Giê-hô-gia-kin (trong Gia phổ gọi là Giê-chô-nia), con Giê-hô-gia-kim lên ngôi kế vị. Một năm sau, năm 597 TC quân đội Ba-by-lôn vây đánh Giê-ru-sa-lem. Giê-hô-gia kin đầu hàng và cũng bị bắt đưa về Baby-lôn.(II Các Vua 24:8-16)
Sê-đê-kia, chú của Giê-hô-gia-kin, là con Giô-si-a, (em của Giô-a-cha và Giê-hô-gia-kim), được người Ba-by-lôn đặt lên làm vua trong 11 năm, nhưng do phản lại Nê-bu-cát-nét- xa nên bị người Ba-by-lôn vây đánh. Năm 586 TC Giê-ru-sa-lem bị chiếm, đền thờ bị phá hủy, Sê-đê-kia bị bắt, bị khoét mắt, rồi cùng với dân sự bị bắt đi đày tại Ba-by-lôn (II Các Vua 25:1-7)
Đoạn sử nầy cho thấy:
- Giô-si-a không hề đến Ba-by-lôn.
- Các con ông là Giô-a-cha; Giê-hô-gia-kim và Sê-đê-kia, cùng với cháu nội ông là Giê hô gia-kin đều sinh ra tại Giê-ru-sa-lem thuộc Giu-đa. Sau khoảng thời gian làm vua, bốn người nầy bị bắt đi đày và ba trong số bốn người đó sống tại Ba-by-lôn.
5. Ma-thi-ơ 1:12 chép "Khi đã bị đày qua Ba-by-lôn, thì Giê-chô-nia sanh Sa-la-thi-ên".
Trong khi đó tiên tri Giê-rê-mi nói về Giê-chô-nia tức Giê-hô-gia-kin trong Giê-rê-mi 22:30 như sau: " Đức Giê-hô-va phán như vầy Hãy ghi người nầy trong những kẻ không có con cái, trong những kẻ cả đời không thịnh vượng; vì con cháu nó sẽ không một người nào thịnh vượng, ngồi trên ngôi Đa-vit và cai trị Giu-đa nữa"
6. Ma-thi-ơ 1: 17 chép " Thật vậy, từ Ap-ra-ham đến Đa-vit, hết thảy có 14 đời; từ Đa-vit đến khi bị đày qua Ba-by-lôn, cũng có 14 đời, và từ khi bị đày qua Ba-by-lôn cho đến Đấng Christ cũng có 14 đời" .
Tuy nhiên, nếu đếm từng tên người đàn ông trong ba vòng thì thấy rằng:
- Vòng 1 từ Ap-ra-ham đến vua Đa-vít có 14 đời (Ap-ra-ham; Y-sac; Gia-côp; Giu-đa; Pha-rê; Éch-rôm; A-ram; A-mi-na-đáp; Na-ách-son; Sanh-môn; Bô-ô, Ô-bết, Gie-sê; Đa-vit).
- Vòng 2 từ Sa-lô-môn đến khi bị đày qua Ba-by-lôn có 14 đời (Sa-lô-môn; Rô-bô-am; A-bi-gia; A-sa; Giô-sa-phat; Giô-ram; Ô-xia; Giô-tam; A-cha; Ê-xê-chia; Ma-na-sê; A-môn; Giô-si-a; Giê-chô-nia (tức Giê-hô-gia-kin)
- Vòng 3: nếu chỉ kể tên các người nam thì chỉ có 13 đời như sau: Sa-la-thi-ên; Xô-rô-ba-bên; A-bi-ut; Ê-li-a-kim; A-xô; Sa-đôc; A-chim; Ê-li-ut; Ê-lê-a-xa; Ma-than; Gia-côp; Giô-sep và đến Đấng Christ.
Phải chăng Ma-thi-ơ đếm sai trong vòng nầy?
7. Điều lạ lùng nữa là dù gia phổ trong Ma-thi-ơ chép rất khác biệt so với gia phổ trong sách Luca, và rất nhiều chi tiết trong bản gia phổ nầy mâu thuẩn với các chi tiết trong sách II Sử ký , II Các Vua, cũng như chi tiết trong Giê-rê-mi như đã dẫn, nhưng từ đầu công nguyên đến nay, các Cơ đốc nhân trải qua các thời đại đã dễ dàng nhìn nhận những gì chép trong hai bản gia phổ đều là chân lý, và ngay cả kẻ thù của Cơ đốc giáo từ những thế kỷ đầu công nguyên đến nay cũng đã không bác bỏ điều gì về vấn đề nầy?
II. TẠI SAO LẠI CÓ ĐẾN HAI BẢN GIA PHỔ? TẠI SAO LẠI CHÉP XUÔI, CHÉP NGƯỢC?
Thư I Cor: "Ấy vậy có chép rằng: Người thứ nhứt là A-đam đã trở nên linh hồn sống.
A-đam sau cùng là Thần ban sự sống.
Nhưng chẳng phải thể thiêng liêng đến trước, ấy là thể huyết khí, rồi thể thiêng liêng đến sau.
Người thứ nhứt bởi đất mà ra, là thuộc về đất.
Người thứ hai bởi trời mà ra.
Người thuộc về đất thể nào thì những kẻ thuộc về đất cũng thể ấy.
Người thuộc về trời thể nào, thì những kẻ thuộc về trời cũng thể ấy.
Như chúng ta đã mang ảnh tượng của người thuộc về đất, thì chúng ta cũng sẽ mang ảnh tượng của người thuộc về trời." ( I Cor 15: 45-49)
Trong những câu kinh thánh trên, Chúa Jesus được nhắc đến với hai danh hiệu khác nhau:
- Chúa Jesus là A-đam sau cùng (câu 45b)
- Chúa Jesus là người thứ hai (câu 47b)
Những điều nầy có ngụ ý gì?
Khi nói rằng Chúa Jesus là A-đam sau cùng có nghĩa là dòng dõi A-đam bắt đầu từ A-đam đầu tiên là A-đam được nắn nên từ bụi đất và chấm dứt ở A-đam sau cùng là Chúa cứu thế Jesus.
A-đam đầu tiên ra từ bụi đất, nhưng bởi nhận được hơi sống từ Đức Chúa Trời, mà "trở thành một loài sinh linh" (Sáng 2:7).
Loài người trong dòng A-đam, vì được tạo ra theo ảnh tượng vinh hiển của Đức Chúa Trời, lại nhận chính hơi sống từ Đức Chúa Trời, nên có phần trong sự sống thuộc linh. Sự sống vinh hiển đó giúp loài người vượt trên muôn loài, vạn vật khác: Dòng dõi A-đam có ngôn ngữ, có chữ viết, có lịch sử, có văn hóa, có đạo đức, có tôn giáo, có cả một nền văn minh vật chất vô cùng phong phú và vĩ đại. Nhưng trên hết những điều đó: họ còn có mối tương giao với Đức Chúa Trời, qua đó A-đam đầu tiên được kể là con Đức Chúa Trời (Luca 3: 38b).
Tuy A-đam (và dòng dõi người) được vinh hiển như vậy, nhưng không thể so sánh với Đấng Cứu thế Jesus ( và dòng dõi Ngài).
Vì nếu "Người thứ nhứt là A-đam đã trở nên linh hồn sống" thì Chúa Cứu thế Jesus, người thứ hai " là Thần ban sự sống" (I Cor 15:45).
Sự khác biệt vô cùng lớn nằm ở đây:
"Đấng ban sự sống" là Đức Chúa Trời tạo hóa, "Người được trở nên linh hồn sống" là loài thọ tạo.
"Ban sự sống" là hành động Đức Chúa Trời tạo hóa. Còn "Được trở nên linh hồn sống" là phước hạnh mà loài thọ tạo nhận được
Một câu hỏi khác được đặt ra ở đây là: Khi xem các bản gia phổ, xen giữa A-đam với Chúa cứu thế Jesus có tên của rất nhiều người nữa, thế nhưng tại sao Kinh thánh lại gọi A-đam là người thứ nhất, và Chúa cứu thế Jesus là người thứ hai?
Rõ ràng "người thứ nhất", "người thứ hai" không đơn giản là hai cá nhân, nhưng ở đây là người khởi đầu hai dòng dõi hoặc chính là hai dòng dõi.
Kinh thánh: ( I Côr 15: 45-49) phân biệt hai dòng dõi nầy ở bốn điểm sau:
1. Dòng dõi của người thứ nhất hay là dòng dõi A-đam là dòng dõi ra từ đất, trong khi dòng dõi của người thứ hai tức dòng dõi Đấng Christ là dòng dõi ra từ trời.
2. Dòng dõi của người thứ nhất hay dòng dõi A-đam là dòng dõi thuộc thể huyết khí, trong khi dòng dõi của người thứ hai hay dòng dõi Đấng Christ là dòng dõi thuộc thể thiêng liêng.
3. Thể huyết khí đến trước, thể thiêng liêng đến sau.
4. Con người chúng ta sinh ra lần thứ nhất theo xác thịt nên mang ảnh tượng người thuộc về đất, nhưng khi tiếp nhận Chúa Jesus, được tái sinh trong Ngài, chúng ta trở nên người mang ảnh tượng của Đấng thuộc về trời.
Trở lại câu hỏi từ đầu: Tại sao Chúa Jesus lại có đến hai gia phổ?
Câu trả lời thật đơn giản: Chúa Jesus có hai gia phổ vì Ngài thuộc hai dòng dõi: Ngài là A-đam sau cùng của dòng dõi thứ nhất và Ngài là người thứ hai, nghĩa là Đấng khởi đầu cho dòng dõi thứ hai.
Và một câu hỏi khác: Tại sao gia phổ chúa Jesus trong Ma-thi-ơ thì chép xuôi, trong khi đó gia phổ trong sách Luca thì chép ngược?
Câu trả lời như sau: Chúa Jesus là "A-đam sau cùng, là Đấng ban sự sống", như vậy ai tiếp nhận sự sống từ Ngài sẽ là :" kẻ chẳng phải sanh bởi khí huyết, hoặc bởi tình dục, hoặc bởi ý người, nhưng sanh bởi Đức Chúa Trời" (Giăng 1:12), và trở thành các thế hệ kế tục của Ngài. Những người như vậy thuộc về dòng dõi Đấng Christ. Ai thuộc về Đấng Christ, thì tên mình được ghi vào gia phổ của Ngài, bên sau Ngài. Sứ đồ Ma-thi-ơ bởi đó chép xuôi Gia phổ Đấng Christ, để phía sau Đấng Cứu Thế Jesus Christ là chỗ trống dành ghi tên những người thuộc Đấng Christ vào.
Trái lại, vì Ngài là điểm cuối của dòng dõi người thứ nhất, nên Luca đã ghi ngược gia phổ của Ngài. Vai trò của gia phổ đó đã hoàn tất. Đức Chúa Trời không cho phép ghi thêm tên người nào vào đó nữa.
III. TẠI SAO CÓ SỰ KHÁC BIỆT VỀ SỐ THẾ HỆ VÀ TÊN NGƯỜI TRONG HAI GIA PHỔ?
Gia phổ chúa Jesus trong sách Ma-thi-ơ, đoạn từ Đa-Vit đến Đấng Christ có cả thảy 28 đời (kể cả vua Đa-Vit), trong khi đoạn từ Đa-Vit đến Đấng Christ trong gia phổ ở sách Lu-ca là 43 đời.
Mà không chỉ vậy, gia phổ ở sách Ma-thi-ơ thì chép hậu tự vua Đa-Vit theo dòng Sa-lô-môn, còn trong gia phổ ở sách Lu-ca thì hậu tự Đa-Vit lấy theo dòng Na-than, em ruột của Sa-lô-môn.
Điều nầy thật khó giải thích, khiến nhiều nhà giải kinh loay hoay dựa vào một số qui định của luật pháp, qua đó cố gắng chứng minh rằng hai bản gia phổ không có gì mâu thuẩn. Ví dụ Giáo sĩ Wm C. Cadman trong " Thánh kinh tự điển" cho rằng: "Chắc Na-than trong Ma-thi-ơ 1:5 là một với Mat-tat trong Luca 3:24, Gia- cốp trong Ma-thi-ơ 1:16 là anh em với Hê-li trong Luca 3: 23-24,; vả lại, Giô-sep con của Hê-li với Ma-ri con của Gia-côp là anh em họ, Giô-sep, là người nam kế nghiệp của bác Gia-côp, tùy theo luật pháp phải lấy Ma-ri là con của Gia-côp làm vợ (Dân 36:8). Những suy diễn như vậy, thật không cần thiết.
Như ta đã thấy trong (I Cor 15: 45-49), dòng dõi A-đam là dòng dõi huyết khí, hay xác thịt, nên gia phổ tương ứng chép trong Luca 3: 23-38 là gia phổ huyết khí, các thế hệ trong bản gia phổ nầy có mối quan hệ huyết khí. Cha và con trong bản gia phổ nầy là cha con theo xác thịt, giống như các bản gia phổ khác trong mọi xã hội.
Trái lại, dòng dõi trong gia phổ Ma-thi-ơ 1 :1-17 là dòng dõi thiêng liêng.
Không phải tự nhiên Sứ đồ Ma-thi-ơ viết rằng "từ Ap-ra-ham đến Đa-Vit có 14 đời, từ Đa-Vit đến khi bị đày qua Ba-by-lôn co14 đời và từ khi bị đày qua Ba-by-lôn đến Đấng Christ cũng có 14 đời".
Có hai điểm đáng thắc mắc ở đây:
-Tại saoTại sao gia phổ trong sách Ma-thi-ơ không bắt đầu từ A-đam mà bắt đầu từ Ap-ra-ham và từ Đa-Vit?
-Tại sao không ghi rằng từ Ap-ra-ham đến Đấng Christ có 42 đời mà phải phân làm ba vòng mỗi vòng có 14 đời như vậy???
Câu trả lời cho hai thắc mắc nầy là: mối liên hệ giữa các thế hệ trong gia phổ nầy không đơn giản là mối liên hệ xác thịt, mà là mối liên hệ: Giao ước, Chức vụ, Đức tin.
Các thế hệ trong gia phổ cùng nhau giữ một giao ước, cùng kế thừa một chức vụ, hoặc cùng sống theo một đức tin.
Chính vì vậy gia phổ trong sách Ma-thi-ơ không bắt đầu từ A-đam mà bắt đầu từ Ap-ra-ham tổ phụ của đức tin cũng là người nhận và giữ giao ước (Sáng 12:1-3). Và cũng bắt đầu từ Đa-Vít người được nhận lời hứa về chức vụ (II Sử 17:11-14)
Mối liên hệ trong gia phổ sách Luca là mối liên hệ là huyết khí, là xác thịt nên số đời, số thế hệ trong đó nhiều hơn số thế hệ trong gia phổ sách Ma-thi-ơ là điều hiển nhiên. Và con người trong dòng dõi xác thịt đa phần khác với người trong dòng dõi thiêng liêng. Điều nầy không có gì là lạ
IV. VẬY GIA PHỔ THIÊNG LIÊNG LÀ GIA PHỔ NHƯ THẾ NÀO?
Câu kinh thánh Ma-thi-ơ 1:17 rất đặc biệt: Sứ dồ Ma-thi-ơ bởi sự linh cảm của Đức Thánh Linh đã không viết gộp chung rằng: từ Ap-ra-ham đến Đấng Christ có cả thảy 42 đời, nhưng tách ra thành 3 vòng, Sứ đồ Ma-thi-ơ viết:
"Như vậy từ Ap-ra-ham đến Đa-Vít, hết thảy có mười bốn đời;
từ Đa-vít đến khi bị đày qua nước Ba-by-lôn cũng có mười bốn đời;
và từ khi bị đày qua nước Ba-by-lôn đến Đấng Christ lại cũng có mười bốn đời."
Tại sao lại phải viết như vậy???
Câu trả lời ở trên cho thấy: khác với gia phổ trong Luca là gia phổ huyết khí, gia phổ trong Ma-thi-ơ là gia phổ thiêng liêng. Các liên kết giưa các thế hệ trong gia phổ nầy không phải là mối liên kết xác thịt nhưng là mối liên kết thiêng liêng: Gia phổ có ba vòng:
-Các thế hệ trong vòng 1 kế tục nhau giữ một giao ước.
-Các thế hệ trong vòng 2 kế tục nhau giữ một chức vụ.
-Các thế hệ trong vòng 3 kế tục nhau giữ một đức tin.
1. Vòng thư nhất từ Ap-ra-ham đến Đa-Vít có mười bốn đời: Các thế hệ trong vòng nầy cùng nhau kế thừa một lời hứa trong (Sáng 12:1-3), và được khẳng định qua một giao ước trong (Sáng 15:1-21). Các thế hệ trong vòng nầy thay nhau giữ gìn giao ước, mà Đức Chúa Trời đã thiết lập với Ap-ra-ham tổ phụ của mình. Câu chuyện trong Sáng thế ký 27:1- 46 là một minh họa về việc chuyển giao thế hệ, đi cùng với chuyển giao về quyền giữ gìn giao ước:
Y-sác có hai con trai là Ê-Sau và Gia-Cốp. Y-Sác yêu thương Ê-Sau, vì Ê-Sau là con trưởng nam của mình.Ông sai Ê-Sau đi săn, đem thịt về làm món ăn mà ông ưa thích, để rồi ông chúc phước cho. Trong khi Ê-Sau vắng nhà, Rê-bê-ca vợ Y-Sác và là mẹ của Ê-Sau và Gia-côp, đã giúp Gia-cốp giả làm Ê-Sau, nhằm đánh lừa Y-Sác, lúc nầy đang bị mù, để được Y-Sác đặt tay chúc phước cho.Đến khi Ê-Sau đi săn về, nấu món ngon cho cha, thì đã trễ. Gia-Cốp em ông đã cướp phước lành của ông rồi.
Kinh thánh chép:
"Y-sác hỏi: Ai đó?
Ê-Sau trả lời : Con đây, con là Ê-Sau, con trưởng nam của cha đây.
Y-Sác run rẩy hỏi: thế thì đứa nào mới dọn thịt rừng cho cha ăn trước khi con đến? Cha đã ăn và đã chúc phước lành cho nó rồi, vậy nó sẽ được phước.
Ê-Sau bật khóc rất cay đắng : "Cha ơi, cha cũng chúc phước cho con với".
Nhưng Y-Sác đáp "em con đã vào đây gạt cha, nên đã cướp các lời chúc lành cho con rồi" (Sáng 27: 32-35).
Sau đó, dù Ê-Sau khóc lóc đắng cay, và dù rất yêu Ê-sau, nhưng Y-Sác không thể nói lời chúc lành nào cho Ê-Sau được
Y-Sác hiểu rằng: Chính Đức Chúa Trời đã chọn Gia-Côp, theo ý định đời đời của Ngài, để chuyển thế hệ giữ giao ước, chứ không phải ông có quyền đó.
2. Vòng thứ nhì của gia phổ trong Ma-thi-ơ, từ Đa-Vít đến khi bị đày qua Ba-by-lôn cũng gồm 14 đời. Các thế hệ trong vòng nầy đều là các vị vua ngồi trên ngôi Đa-Vít, theo lời hứa của Đức Chúa Trời với Đa-Vít, được chép trong II Sa-mu-en 7: 8-16)
Trong vòng nầy có 7 vị vua không được kể đến, liên quan đến hai giai đoạn đặc biệt trong lịch sử của các vua Giu-đa.
Nhóm thứ nhất gồm tên các vị vua: A-cha-xia, Giô-ách, A-ma-xia.
Tên họ bị bỏ qua có lẽ liên quan đến việc các vua Giu-đa trong giai đoạn nầy mất thực quyền điều hành đất nước, liên kết với những người gian ác, đưa đạo Ba-al vào vương triều Giu-đa, phế bỏ sự thờ phượng Đức Giê-Hô-Va chân thần
Như ta biết Giô-sa-phát (cháu đời thứ 6 kể từ Đa-Vít), dù là một vị vua tốt, kính thờ Đức Giê-Hô-Va, nhưng lại phạm sai lầm hết sưc nặng nề khi kết thông gia với vợ chồng A-hap, Giê-sa-ben của vương quốc Y-sơ-ra-en phía bắc.
Giô-sa-phat đã cưới con gái của Giê-sa-ben là A-tha-li cho con trai mình là Giô-ram làm vợ.
Cuộc hôn nhân nầy dẫn đến hậu quả vô cùng tai hại. Vương triều Giu-đa bị ung thối, khi trở thành nơi thờ Ba-al, thay vì thờ Đức Giê-Hô-Va.
Sau khi Giô-sa-phát chết, Giô-ram lên ngôi, không kính thờ Đức Giê-Hô-Va như cha mình, nhưng bước theo đường lối gian ác của A-Háp và Giê-sa-ben.
Kinh thánh chép:
Nhưng khi Giô-ram nắm vững quyền hành trong vương quốc của cha mình rồi, vua dùng gươm giết tất cả các hoàng tử em mình, và một số thủ lãnh Y-sơ-ra-en. Vua Giô-ram lên ngôi lúc ba mươi hai tuổi. Và trị vì tại Giê-ru-sa-lem tám năm. Vua đi theo đường lối các vua Y-sơ-ra-en, như nhà A-hap đã làm, vì người cưới con gái A-hap làm vợ. Người đã làm những việc tội lỗi trước mặt Chúa. Dầu vậy Chúa không muốn hủy diệt nhà Đa-vít. vì Ngài đã lập giao ước với vua Đa-Vit. Ngài hứa rằng Ngài sẽ duy trì một ngọn đèn cho dòng dõi người đến muôn đời. (II Sử 21: 4-7).
Chuỗi ngày làm vua của Giô-ram chỉ là thất bại và thất bại. Các lân bang của Giu-đa đã nổi lên đánh Giu-đa, chiếm lấy đất đai, bắt hết các con vua, trừ người con út là A-cha-xia. Bệnh tật cũng nhanh chóng kéo đến, khiến Giô-ram chết đau đớn ở tuổi bốn mươi. (II Sử 21: 8-20)
A-cha-xia, con trai Giô-ram kế vị, chỉ một năm sau thì bị giết. Kinh thánh chép:
Vua A-cha-xia cùng vua Giê-hô-ram (con trai A-hap và Giê-sa-ben) đi ra đánh Giê-hu, con trai Nim-si là người của Chúa, đã được xức dầu để hủy diệt nhà A-hap. Đang khi tiêu diệt nhà A-háp, Giê-hu gặp những viên chức Giu-đa và những họ hàng, tháp tùng vua A-cha-xia, người giết họ luôn. Người cũng cho truy nã vua A-cha-xia và bắt được vua đang ẩn trốn tại Sa-ma-ri. Người ta đem vua đến cho Giê-hu và người giết đi, nhưng người ta chôn cất vua vì cho rằng vua là cháu của Giô-sa-phát, vốn là người hết lòng tìm kiếm Chúa. Thế là nhà A-cha xia không còn ai cầm quyền trong nước (II Sử 22:7-9). Sau khi A-cha-xia bị giết, A-tha-li, vợ Giô-ram và là mẹ của A-cha-xia nổi dậy ra tay tiêu diệt hết hoàng tộc của Giu-đa để nắm quyền. Đoạn lịch sử cho thấy các vua Giu-đa, trong giai đoạn nầy, không nắm thực quyền, mặt khác họ lại đi theo đường lối gian ác của nhà A-hap, Giê-sa-ben, đem việc thờ lạy Ba-al vào trong triều đình và phổ biên việc thờ lay hình tượng trong khắp vương quốc. Cách sống đó khiến kinh thánh ghi rằng: "Thế là nhà A-cha-xia không còn ai cầm quyền trong nước" (II Sử 22:9). Và có lẽ đây là nguyên nhân Ma-thi-ơ đã không ghi tên A-cha-xia, Giô-ách, A-ma-xia vào trong gia phổ Đấng Christ. Đến đời Ô-xia, khi quyền hành của vua và việc thờ phượng Chúa được phục hồi đầy đủ, Ô-xia lại được ghi vào gia phổ thiêng liêng. Chính vì vậy, Sứ đồ Ma-thi-ơ đã chép: "Giô-ram sanh Ô-xia" (Ma-thi-ơ 1:8).
Một nhóm khác gồm các vua Giô-a-cha, Giê-hô-gia-kim, Giê-hô-gia-kin, Sê-đê-kia. Tên của họ cũng không được ghi vào gia phổ, cũng vì những lý do tương tự: Dù vua Giô-si-a hết lòng tìm kiếm Chúa, mong phục hưng đất nước nhưng các con và cháu ông đều bại hoại:
Giô-a-cha con trưởng nam của Giô-si-a chỉ làm vua trong ba tháng, rồi bị vua Neco của Ai cập bắt đi. Vua Giê-hô gia kim được người Ai cập đặt lên ngôi, lúc đầu thần phục Ai cập, sau lại ngã về phía Ba-by-lôn, rồi lại quay về với Ai cập, nên làm vua được10 năm, thì bị bắt đem đi đày ở Ba-by-lôn. Giê- hô-gia- kin, con Giê-hô-gia- kim làm vua được một năm. Khi Giê-ru-sa-lem bị vây hảm ông đã ra đầu hàng và cũng bị đi đày tại Ba-by-lôn . Vua Nê-bu-cat-net-xa của Ba-by-lôn cũng đã lập Sê-đê-kia chú của Giê-hô-gia-kin lên làm vua Giu-đa. Về Sê-đê-kia Kinh thánh chép:
" Vua làm điều ác trước mặt Đức Chúa Trời mình và không khiêm nhường trước mặt tiên tri Giê-rê-mi, là người phán lời Chúa. Vua cũng phản nghịch chống lại vua Nê-bu-cat-net-xa, là người đã buộc vua nhân danh Chúa tuyên thệ. Vua trở nên cứng cổ, lòng dạ chai đá, không chịu quay lại với Chúa"(II Sử 36:12-13).
Được đặt lên làm vua bởi các thế lực nước ngoài, lại đi theo đường lối gian ác, chống nghịch Đức Giê-Hô-Va, không chịu ăn năn các sai trật, nên các vị vua nầy không thật sự là các vua "ngồi trên ngôi Đa-Vít". Sứ đồ Ma-thi-ơ đã có lý, khi không ghi tên họ vào gia phổ thiêng liêng của Đấng Christ.
Giê- hô- gia- kin, tuy có tên trong gia phổ, nhưng không phải với tư cách một vị vua. Sứ đồ Ma-thi-ơ không gọi ông là Giê-hô-gia kin, một vị vua, nhưng là Giê-chô-nia, theo cách gọi của tiên tri Giê-rê-mi (Giê-rê-mi 22:30).
3.Các thế hệ trong vòng thứ ba của gia phổ được nối kết với nhau bằng đức tin.
Giê-ru-sa-lem bị thất thủ năm 586 TC, đền thờ tại Giê-ru-sa-lem bị san phẳng, vương triều Giu-đa bị tiêu diệt, dân Y-sơ-ra-en bị bắt đem đi đày, đất nước không còn … Khi nhìn những sự kiện trên bằng con mắt loài người, nhiều người nghĩ rằng: Luật pháp của Chúa, những lời hứa của Ngài cho Ap-ra-ham, cho dân Y-sơ-ra-en hẳn không còn ý nghĩa gì nữa. Kẻ thù của dân Y-sơ-ra-en, những kẻ đã bắt bớ giết chóc dân Y-sơ-ra-en thậm chí đã nghĩ rằng không có Đức Chúa Trời:
"Trong khi những cừu địch tôi hằng ngày hỏi rằng: Đức Chúa Trời ngươi đâu?
Thì chúng nó sĩ nhục tôi khác nào làm gãy các xương cốt tôi". (Thi 42: 10)
Thực ra mất nước không có nghĩa là mất Đức Chúa Trời, không có nghĩa rằng những lời hứa của Ngài qua đi mà không ứng nghiệm. Việc mất nước, bị đi đày không làm cho những kẻ yêu mến Đức Chúa Trời bất ngờ. Khoảng năm 1250 TC, nghĩa là trước biến cố dân Y-Sơ-ra-en mất nước và bị đi đày gần 700 năm, trong cuộc xuất hành vĩ đại của khoảng hai triệu người Y-Sơ-Ra-En ra khỏi Ai Cập, dưới sự lãnh đạo của Môi-se, Đức Chúa Trời đã báo trước cho họ rằng: nếu họ cứ đi trong lầm lạc chạy theo hình tượng hư không, không kính thờ Đức Giê-Hô-Va chân thần,sống ngang ngược gian ác với người lân cận, thì chuyện mất nước, bị bắt đi đày là điều không tránh khỏi. Phục truyền luật lệ ký ghi lại lời Đức Chúa Trời phán, qua tôi tớ Ngài là Moi-se rằng: Hễ Giê-Hô-Va lấy làm vui mà làm lành, và gia thêm cho các ngươi thể nào, thì Đức Giê-Hô-Va cũng sẽ lấy làm vui mà làm cho các ngươi hư mất và tiêu diệt các ngươi thể ấy. Các ngươi sẽ bị truất khỏi xứ mà mình vào nhận lấy. Đức Giê-Hô-va sẽ tản lạc ngươi trong các dân, từ cuối đầu nầy của đất đến cuối đầu kia; Tại đó ngươi sẽ hầu việc các thần khác bằng cây và bằng đá mà ngươi và tổ phụ ngươi không hề biết. Trong các nước ấy, ngươi không được an tịnh, bàn chân ngươi không được nghỉ ngơi, nhưng tại đó Đức Giê-Hô-Va sẽ ban cho ngươi một tấm lòng run sợ, mắt mờ yếu, và linh hồn hao mòn. Sự sống ngươi vẫn không chắc trước mặt ngươi, ngày và đêm ngươi hằng sợ hãi, khó liệu bảo tồn sự sống mình. Bởi cớ sự kinh khủng đầy dẫy lòng ngươi, và bi cảnh mắt ngươi sẽ thấy, nên sớm mai ngươi sẽ nói: Chớ chi được chiều tối rồi. Chiều tối ngươi sẽ nói: Ước gì được sáng mai rồi.(Phục 28: 63-67)
Kẻ tin lời Đức Giê Hô-Va cũng biết rằng dù nước mất, dù dân bị đi đày, nhưng lòng thương xót của Đức Giê-Hô-Va vẫn còn đấy, Ngài vẫn chờ đợi họ ăn năn tội, để làm ơn cho họ. Ngài đã hứa với họ rằng: Khi các điều nầy đã xảy đến cho các ngươi, hoặc phước lành, hoặc sự rủa sả, mà ta đặt trước mặt các ngươi, nếu trong các nước, mà Giê-Hô-Va Đức Chúa Trời của ngươi đuổi ngươi đến, ngươi đem lòng nhắc lại những điều ấy, trở lại cùng Giê-Hô-Va Đức Chúa Trời ngươi. Ngươi và con cháu ngươi hết lòng, hết ý vâng theo tiếng phán của Ngài, như mọi điều ta truyền cho ngươi ngày nay, thì bấy giờ Đức Giê-Hô-Va Đức Chúa Trời ngươi sẽ thương xót ngươi, đem những phu tù ngươi trở về từ giữa các dân, là nơi Ngài tản lạc các ngươi đến đó (Phục 30: 1-3).
Những tiên tri của Đức Chúa Trời như Giê-rê-mi, Ê-xê-chi-ên, Đa- ni-el được Đức Chúa Trời sai đến trong thời kỳ dân Y-Sơ-ra-ên bị lưu đày, giúp họ nhớ rằng:Đức Chúa Trời thánh khiết cũng là một Đức Chúa Trời đầy dẫy yêu thương. Đấng đã để họ bị đi đày, cũng là Đấng sẽ đem họ trở về.
Ấy là nhờ sự nhân từ Đức Giê-Hô-Va mà chúng ta chưa tuyệt.
Vì sự thương xót của Ngài chẳng dứt.
Mỗi buổi sáng thì lại mới luôn,
sự thành tín Ngài lớn lắm (Ca thương 3:22-23)
Ý thức nầy khiến đức tin nơi Chúa và lời Ngài lại trỗi dậy, như chồi non nẫy ra, sau mùa đông băng giá, khắc nghiệt. Do vậy những con người trong vòng thứ ba đã cùng nhau giữ một đức tin về lời Đức Chúa Trời hứa với Ap-ra-ham: " mọi chi tộc nơi thế gian sẽ nhờ ngươi mà được phước" ( Sáng 12:3);
và lời Đức Chúa Trời hứa với Đa-Vit rằng: " Xảy khi các ngày ngươi đã mãn và ngươi phải về cùng tổ phụ ngươi, ắt ta sẽ lập dòng dõi ngươi, là con trai của ngươi, đặng kế vị ngươi.
Ta sẽ làm cho nước người vững chắc. Người ấy sẽ cất cho ta một cái đền, và ta sẽ làm cho ngôi nước người vững bền đến đời đời. Ta sẽ làm cha người, người đó sẽ là con ta, sự nhơn từ ta sẽ chẳng cất khỏi người đâu, như ta đã cất khỏi kẻ trước ngươi. Song ta sẽ lập người đời đời tại trong nhà ta và tại trong nước ta, và ngôi nước người sẽ được vững chắc cho đến mãi mãi. (I Sử 17: 11-14)
Vòng thứ ba ghi tên họ, tên những con người sống bởi đức tin, để cùng nhau giữ điều Đức Chúa Trời đã hứa cho dân tộc mình.
V. ÔNG NỘI VÀ CHÁU: GIÔ-A-CHA SANH GIÊ-CHÔ-NIA?
Thường trong cảnh hanh thông, trong thời dễ dãi người ta sống chỉ bằng lý trí, bằng sự khôn ngoan của đời, đấu tranh nhau tìm kiếm lợi, danh, quyền của đời nầy. Chỉ đến khi lợi, danh, quyền đời nầy không còn nữa, con người mới nhớ ra rằng đời người thật ngắn ngủi, lợi, danh, quyền đời nầy thật chóng qua. Sự thất bại, mất mát, đau đớn trong đời, có mặt tích cực của nó: đau buồn, mất mát trong nhiều trường hợp lại mở ra cơ hội quí báu cho nhiều người. Sư thất bại trong đời nầy giúp con người tỉnh táo hơn và hướng con người vào thế giới vĩnh cữu của Đức Chúa Trời. Đây là trường hợp của Giê-chô-nia, con người từng là vua, nay đang gặm nhắm cuộc đời bên sau song sắt tại Ba-by-lôn. Có một sự biến đổi lớn lao trong thời gian ba mươi bảy năm Giê-chô-nia chịu tù đày tại Ba-by-lôn.
Giô-si-a, ông nội Giê-chô-nia, chết tại quê nhà Giê-ru-sa-lem năm 609 TC, khi Giê-chô-nia còn rất nhỏ (6 tuổi). Nhưng cuộc đời tin kính thành thật, đầy đức tin của Giô-si-a đã không chết với cái chết thuộc thể của ông. Cuộc đời tin kính thành thật, đầy đức tin đó đã đến, đã hiển hiện trong lòng, trong trí của Giê-chô-nia, trong những ngày tháng Giê-chô-nia đứng sau song sắt tại Ba-by-lôn. Đang khi Giê-chô-nia suy gẫm về cuộc đời mình, thì cuộc sống và gương đức tin của Giô-si-a, ông nội ông, đã giúp ông nhận ra nguyên nhân những thất bại trong cuộc đời mình, điều nầy giúp ông ăn năn và giúp ông trở thành một người khác, một người biết trông cậy phó thác cuộc đời vào Đức Chúa Trời: Bởi đức tin Giê-chô-nia đã được sinh lại trong một đời mới. Giê-chô-nia được sinh bởi cha mình trong xác thịt, nhưng được sinh lại qua đời sống đức tin của ông nội mình. Sự biến đổi nầy được sứ đồ Ma-thi-ơ ghi lại: Giô-si-a đang khi bị đày qua nước Ba-by-lôn sanh Giê-chô-nia và anh em người.(Ma-thi-ơ 1:11)
Cuộc sống thuộc thể của Giê-chô-nia sau đó cũng được Đức Chúa Trời thay đổi, ông được đem ra khỏi tù, được trả lại tước vị vua, được đối xử như là vua:
" Năm thứ ba mươi bảy, sau khi vua Giu-đa là Giê-hô-gia-kin bị bắt, tức năm đầu vua Ba-by-lôn là Ê-vinh-mê-rô-đác mới lên ngôi, Ngày hai mươi lăm tháng mười hai, vua nầy trả lại chức cho Giê-hô-gia-kin vua Giu-đa, và đem ra khỏi ngục, lấy lời lành nói với, và lập ngôi người cao hơn các vua cùng ở với mình tại Ba-by-lôn. Lại sai đổi áo tù. Giê-hô-gia-kin được ngồi cùng bàn với vua trọn đời mình. Giê-hô-gia-kin còn sống bao lâu thì vua Ba-by-lôn ban đồ cần dùng hàng ngày cho mãi mãi, trọn đời người"(Giê-rê-mi 52: 31-34). Và cũng bởi đó tên ông được ghi trong gia phổ thiêng liêng của Đấng Christ.
VI. VÒNG THỨ BA CÓ 13 HAY 14 ĐỜI ???
Trong vòng thứ ba, nếu chỉ nêu tên những người đàn ông thì có 13 người như sau: Sa-la-thi-ên, Xô-rô-ba-bên, A-bi-ut, Ê-li-a-kim, A-xô, Sa-đốc, A-chim,-Ê-li-ut, Ê-lê-a-xa, Ma-than, Gia-côp, Giô-sep và Đấng Christ. Tuy nhiên sứ đồ Ma thi-ơ đã chép: "Từ khi bị đày qua Ba-by-lôn đến Đấng Christ cũng có 14 đời". Phải chăng Sứ đồ Ma-thi-ơ đếm lộn?Hoàn toàn không phải vậy. Gia phổ ghi lại trong sách Ma-thi-ơ có đề cập đến tên của bốn người phụ nữ như sau:
"Sanh môn bởi Ra-háp sanh Bô-ô" (1:5a)
"Bô-ô bởi Ru-tơ sanh Ô-bết" ( 1:5b)
"Đa-vit bởi vợ của U-ri sanh Sa-lô-môn" (1:6b)
Và một người nữa là bà Ma-ri, được chép trong Ma-thi-ơ 1:16 như sau: Gia-cốp sanh Giô-sép là chồng Ma-ri,
Ma-ri là người sanh Đức Chúa Jesus gọi là Đấng Christ
Trong các câu kinh thánh nói trên, Sứ đồ Ma-thi-ơ không nói rằng Ra-háp sanh Bô-ô mà rằng:
Sanh môn sanh Bô-ô (bởi Ra-hap)
Bô-ô sanh Ô-bêt (bởi Ru-tơ)
và Đa-vít sanh Sa-lô-môn (bởi vợ của U-ri).
Chỉ riêng Ma-ri được sứ đồ Ma-thi-ơ nhấn mạnh rằng: Ma-ri là người sanh Đức Chúa Jesus gọi là Đấng Christ (1:16). Như vậy vai trò của Ma-ri khác biệt hoàn toàn với vai trò của ba người phụ nữ trước, vai trò nầy giống hệt vai trò một người nam trong gia phổ:
Ap-ra-ham sanh…
Y-sác sanh…
Đa-vít sanh…
Ma-ri sanh
Điều nầy cho thấy Ma-ri đóng vai trò một thế hê trong gia phổ như những người đàn ông trong gia phổ. Do vậy vòng thứ ba vẫn có đủ 14 đời như sứ đồ Ma-thi-ơ viết.
Cách viết cẩn thận đó của sứ đồ Ma-thi-ơ, phản ảnh sự dẫn dắt của Chúa Thánh Linh. Khi nói rằng: "Ma-ri sanh Đức Chúa Jesus" Thánh Linh muốn mọi người biết rằng Đức Chúa Jesus Christ không phải là con Giô-sép "theo như ý người ta tin"(Lu-ca 3:23) và cũng muốn nhắc cho chúng ta rằng Ngài là" dòng dõi người nữ": Đấng phải đến để giày đạp đầu con rắn xưa như đã chép từ buổi sáng thế. Ta sẽ làm cho mầy cùng người nữ, dòng dõi mầy cùng dòng dõi người nữ nghịch thù nhau. Người sẽ giày đạp đầu mầy, còn mầy sẽ cắn gót chân người" (Sáng thế ký 3:15).
Thật lạ lùng thay lời Đức Chúa Trời.
KẾT LUẬN: TÊN CHÚNG TA NẰM TRONG GIA PHỔ NÀO?
Hơn hai ngàn năm trước Chúa Jesus đã đến trong thế gian, đã sống cuộc sống của A-đam sau cùng, Ngài được sinh ra, lớn lên, Ngài có đời sống thể chất, tinh thần của một A-đam sau cùng. Lời Chúa chép: "Đức Chúa Jesus khôn ngoan càng thêm, thân hình càng lớn, càng được đẹp lòng Đức Chúa Trời và người ta" (Luca 2:52). Và dù là Đấng đến từ Trời, là Đấng vô tội, Ngài đã bằng lòng gánh lấy tội lỗi của con người trong dòng A-đam: Đức Giê-Hô-Va đã làm cho tội lỗi của hết thảy chúng ta đều chất lên Người (Ê-Sai 53:6). Ngài đã mang tội lỗi của hết thảy con người trong dòng A-đam lên thập tự giá, và cái chết Ngài chịu, trở thành cái chết đền tội: "Người đã bị ức hiếp, xử đoán và cất đi. Những người đồng thời với người có ai suy xét rằng:
Người bị dứt khỏi đất người sống là vì tội lỗi dân ta đáng chịu đánh phạt?" (Ê-Sai 53:8)
Đền tội cho con người thuộc dòng dõi A-đam, Ngài mở cho con người thuộc dòng A-đam:
"con đường mới và sống ngang qua xác Ngài" (Heb 10:20). Mở đường mới, nên đường cũ không còn giá trị nữa, vì điều chi đã cũ đã già thì gần tiêu mất đi" (Heb 8:13). Con đường mới là con đường sống cho bất kỳ người nào thuộc dòng A-đam, người vốn mang ảnh tượng thuộc về đất, có thể mang lấy ảnh tượng mới của người thuộc về Trời, khi người ấy bằng lòng tiếp nhận cái chết đền tội của Đấng vô tội. Sứ đồ Phao Lô bày tỏ chân lý nầy trong I Cor 15 :49:"Như chúng ta đã mang ảnh tượng của người thuộc về đất, thì chúng ta cũng sẽ mang ảnh tượng của người thuộc về Trời". Và tên người mang ảnh tượng của người thuộc về Trời, thì được viết vào gia phổ thiêng liêng của Chúa chúng ta.
TS NGUYỄN VĂN CẨM