Kinh Thánh: Sáng Thế Ký 3:1-24
I. TỘI LỖI LÀ GÌ?
Theo nghiã thông thường, tội lỗi là những hành động trái ngược với luân thường đạo lý bị xã hội lên án. Cũng có thể hiểu một cách khác, tội lỗi là những việc làm mà luật pháp cấm đóan hoặc lương tâm cáo trách. Tuy nhiên theo Kinh thánh cựu ước bày tỏ “tội lỗi” được hiểu một cách khác mang một ý nghĩa thần học, được chia thành ba lọai chính sau đây:
Sự sai lệch:
Tức là hành động đi lệch khỏi một đường thẳng hay nói một cách dễ hiểu hơn là đi ngược lại ý chỉ, mạng lệnh của Đức Chuá Trời. Đa-Vít đã kêu lên với Chúa, “ Tôi đã phạm tội cùng Chúa, chỉ cùng một mình Chúa thôi.” (Thi Thiên 51:4)
Tội phạm:
Chỉ tội lỗi của kẻ ác, chỉ hành động hoặc tư tưởng của kẻ gian ác, vô đạo. Đức Chuá Trời chẳng bảo tồn sự sống của kẻ gian ác (Gíop 36:6). Đường lối chúng sẽ bị diệt vong (Thi thiên 1:6).
Sự phản loạn:
Chống lại người trên hay bất trung đối với một hòa ước hay là một hành vi phản nghịch (Gióp 34:37), chẳng hạn như dân Y-Sơ-Ra-Ên phản loạn chống lại Đức Chúa Trời (Esai:1:2). Tội lỗi được nhấn mạnh trong (Êsai 43:27,) tổ phụ của loài người đã phạm tội, chống nghịch lại mạng lệnh của Đức Chúa Trời.
Từ định nghĩa trên chúng ta nhận thấy bất cứ ai trong mỗi chúng ta , trước mặt Chuá toàn năng, tòan tri và thánh khiết, chúng ta đều là một tội nhân bởi lẽ “tội lỗi” đã ở trong “gen” của tổ phụ và dầu muốn hay không chúng ta cũng đã là một tội nhân rồi!
II. CĂN NGUYÊN CỦA TỘI LỖI
- Tại sao lòai người đã “phạm tội và hụt mất sự vinh hiển của Đức Chuá Trời?”
- Bắt nguồn từ những nguyên do sau đây:
Trước hết là sự bất tuân:
Từ buổi đầu sáng thế, khi Đức Chúa Trời có phán dặn A-dam và Ê-va rằng, “ngươi được tự do ăn hoa qủa các thứ cây trong vườn, song về phần các thứ cây mọc giữa vườn, ngươi chẳng nên ăn đến và cũng chẳng nên đá độngđến, e khi hai người phải chết chăng.” Nhưng Ê-va đã bị cám dỗ bởi con rắn là lòai qủy quyệt nhất, và nghe lời dụ dỗ của nó, đã bất tuân mạng lệnh của Đức chúa trời mà hái trái cây biết điều thiện và điều ác mà ăn đi, sau đó lại bảo chồng cùng ăn nữa. Từ đó, lòai người đã bị rủa sả, mở mắt ra nhìn thấy sự lỏa lồ của thân thể và đã bị Đức Chúa Trời đuổi ra khỏi vườn Ê-den sống cuộc đời khó nhọc; người nam phải làm lụng vất vả mới có vật thực để sinh tồn , còn người nữ phải chịu đau đớn khi sinh đẻ và dục vọng chịu xu hướng về sự cai trị của chồng (Sáng thế ký đoạn 3).
Sự xúi giục của Sa-tan
Có thể nói rằng “tội lỗi “đầu tiên của loài người là sự bất tuân mạng lệnh của Đức Chúa Trời mà họ bị sự xúi gịục của Sa-tan. A-dam và Ê-va đã nghi ngờ lời phán dặn của Chúa, công khai phủ nhận và chống nghich lại mạng lệnh mà Ngài đã căn dặn (Sáng 3: 1-7). Kẻ thù nghịch của Đức Chúa Trời không phải là con người mà chính là Lu-xi-phe vì lòng kiêu ngạo đã phản lọạn muốn nhắc mình lên trên Ngai của Đức Chúa Trời và mong muốn đặt ra luật pháp hơn là tuân theo luật pháp (Êsai 14: 12-14).
Chính sự bất tuân đó đã đưa đẩy con người thay đổi bản thể và trở nên tội lỗi (Giê 17:9)
III. HÀNH ĐỘNG CỦA TỘI LỖI
Câu chuyện Ca-in và A-bên:
Sáng Thế Ký đoạn 4, cho chúng ta thấy được bởi lòng ganh ghét trước sự đoái xem của Đức Chúa trời đối với người em là A-bên và đã nhận lễ vật của người. Đức Chúa Trời đã không nhận lễ vật của người anh là Ca-in. Từ đó sự thù hiềm đã len lỏi vào trong người anh, khiến Ca-in đã giết chết em mình (Sáng 4:5-8).
Câu chuyện Nô-ê được ơn:
Sự gian ác của loài người càng thêm lên. Khi loài người khởi thêm nhiều trên mặt đất, và khi người đã sanh được con gái rồi, các con trai của Đức Chúa trời thấy con gái loài người tốt đẹp bèn cưới người nào vừa lòng mình làm vợ. Nhưng Đức Chuá Trời thấy con loài người càng ngày càng trở nên hung ác trên mặt đất, các ý tưởng của lòng họ chỉ là xấu luôn thì Ngài đã tự trách đã dưng nên loài người , nên Ngài đã phán rằng, “ Ta sẽ hủy diệt khỏi mặt đất loài người mà ta đã dựng nên.” Từ đó, có câu chuyện Nô-ê được ơn trước mặt Đức chuá trời vì ông được xem là người công bình trọn vẹn đồng đi cùng Đức chúa Trời, nên ông đươc Đức Chuá Trời sai bảo đóng tàu và được Ngài lập giao ước cùng ông và gia đình (Sáng đoạn 6)
Tháp Ba-bên:
Con người bởi lòng kiêu ngạo, nên đã rủ nhau xây tháp Ba-bên, chót cao đến tận trời để làm rạng danh. Chính vì vậy mà Đức Chúa Trời đã khiến cho muôn dân lộn xộn tiếng nói và tản lạc khắp mọi nơi, và họ không thể hiểu được nhau nữa. Cho nên việc xây tháp không thực hiện được (Sáng: 11)
Sự phản loạn của con người (dân Y-sơ-ra-ên)
Đức Chuá Trời đã phán cùng Môi-se rằng: “Ta là Đức Giê-hô-va, ta đã hiện ra cùng Áp-ra-ham, cùng Y-sác, cùng Gia-cốp, tỏ mình là Đức Chuá Trời tòan năng…” Ta có lập giao ước cùng họ, để ban xứ Ca-na-an cho, là xứ họ đã kiều ngụ như khách ngoại bang. Ta cũng có nghe lời than thở của dân Y-sơ-ra-ên bị người Ê-díp-tô bắt làm tôi mọi, bèn nhớ lại sự giao uớc của ta (Xuất Ê-díp-tô :6:2-5). Quả đúng lời hứa, Đức Chúa Trời đã truyền lịnh cho Môi- se dựng lều tạm (Ê-díp: 25), gọi Môi-se lên núi Si-na-i ban bảng luật mới và đã giải phóng dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi xứ nô lệ, và đã ban cho dân tộc này vùng đất hứa đượm sữa và mật, là xứ Ca-na-an. Nhưng, chính dân tộc này đã phản loạn bằng hành động phản nghịch thờ thần tượng bò vàng !
IV. HẬU QUẢ CỦA TỘI LỖI
Qua những câu chuyện dẫn chứng trên đây được rút ra từ Kinh thánh Cựu ước, cho chúng ta thấy đươc tội lỗi luôn luôn đeo đuổi con người vốn bởi xác thịt yếu đuối và hậu quả khủng khiếp của nó là sự hủy diệt của Đức Chúa Trời vì Ngài là Đấng Chí Thánh; Ngài không thể đồng hành với tội lỗi.
- A-đam và Ê-va sợ hãi Đức Chúa Trời và nhận biết sự loã lồ ( Sáng 3: 10)
- Cả hai đều nghe sự quở trách và nhận những lời cảnh báo về án phạt mà Đức Chúa Trời tuyên bố ( Sáng 3: 16, 17)
- Làm việc cực nhọc để mồ hôi trán mới có ăn và…
- Trở về với bụi đất (sự chết) ( Sáng 3: 19)
Tưởng cũng nên biết Sa-tan là ai, và tại sao Đức Chuá Trời lại để cho Sa-tan quyền tự do tung hoành cám dỗ con người làm những điều tội lỗi? Tại sao Ngài không hủy diệt ngay từ lúc nó phạm tội ?
Sa-tan là một thiên sứ kiêu ngạo đã bị Đức Chuá Trời từ khước và bị trục xuất ra khỏi điạ đàng (Khải huyền 12:9). Satan đã biến thành Chuá qủy khi nó đã lạm dụng quyền tự do mà Đức Chuá Trời đã ban cho mình. Thay vì dung những vinh dự và khả năng của Thượng Đế ban cho để làm vinh hiển Đấng Tạo Hóa; Satan đã dùng những điều đó để nâng cao điạ vị của mình. Kết quả đã dẫn Sa-tan đến sự huỷ diệt. (Khải huyền 24:1-4, 22:3, 1 Phi-e-rơ 3:10-13).
Có thể tóm luợc những đặc tinh về Sa-tan như sau:
- Lu-xi-phe nói dối về Thượng Đế Toàn năng và lừa dối thiên sứ (Giăng 8:44)
- Lu-xi-phe có tham vọng chiếm đoạt ngôi Chuá (Ê-sai 14:12-14)
- Lu-xi-phe nổi lòng kiêu ngạo (Ê-xi-chiên 28:17)
Chiến tranh xảy ra ở thiên đàng và Lu-xi-phe bị quăng khỏi thiên đàng và bị đổi tên là Sa-tan ( Khải huyền 12:7-9)
- Số mệnh của Sa-tan được quyết định tại thập tự giá (Giăng 12:31)
- Satan sẽ nổi giận trong thời kỳ cuối cùng vì biết rằng thời gian của mình chẳng còn bao lâu (Khải huyền 12;12)
- Sa-tan sẽ bị huỷ diệt trong hồ lửa (Khải huyền 20:10)
Đức Chúa Trời cho Sa-tan cái quyền tự do tung hoành là vì Ngài muốn những ai thờ phượng Chúa phải bằng tấm lòng, bằng con tim chứ không phải bị sự áp lực, cho nên Ngài đã cho Sa-tan cái quyền tự do lựa chọn. Và, dỉ nhiên Sa-tan là đối tượng bị hủy diệt đã nằm trong kế họach của Đức Chúa Trời. Ngài muốn chúng ta lựa chọn sự yêu thương và thờ phượng Chúa chứ Ngài không muốn chúng ta trở thành những con người máy.
Đức Chúa Trời vẫn có thể hủy diệt Sa-tan ngay tức khắc, nhưng Ngài đã không làm như vậy vì nếu hủy diệt Sa-tan ngay từ buổi đầu thì làm sao giải thích về tội lỗi và hậu quả cuả tội lỗi ? Hơn thế nữa nếu Chúa hủy diệt Sa-tan thì quả thật đúng với điều Sa-tan đã vu khống về Ngài là Đấng độc tài, và hễ ai chống lại Ngài đều bị hủy diệt hết . Cứ để cho Sa-tan tiếp tục hành động là phương cách hay nhất để cho con người hiểu được hậu quả thảm khốc của tội lỗi. Và, để cứu chuộc nhân loại thoát khỏi tội lỗi, Đức Chúa Trời đã sai Con độc sanh của Ngài chịu chết trên cây thập tự để đền tội cho nhân loại.
KẾT LUẬN:
Chính tội lỗi là căn nguyên của mọi khổ đau, chết chóc, hận thù vẫn còn tiếp tục trên thế giới cho đến ngày nay. Từ buổi đầu, sau khi A-dam và E-va phạm tội trong vườn Ê-đen, họ đã bị trừng phạt , bị rủa sả và đã bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng để trở nên những tội nhân mà án phạt là sự chết!
Cho đến ngày nay, tội lỗi vẫn cứ tiếp diễn trong một thế giới loạn lạc, đầy dẫy sư chết chóc của chiến tranh, khủng bố, thù hận giữa người với người!
Tội lỗi được núp bóng dưới sự cai trị của Sa-tan. Thế giới mỗi ngày càng leo thang chiến tranh. Con người đang sống trong không khí sợ hãi, đầy lo âu trước nguy cơ hủy diệt của vũ khí hạt nhân, đầu đạn nguyên tử, đầu độc thực phẩm, bạo lực, độc tài v.v…
Bên cạnh đó, là bệnh tật, nghèo đói, thiên tai, giặc giã khắp mọi nơi. Qua những diễn biến của thực tế trong những thập kỷ gần đây, cho chúng ta thấy được những ứng nghiệm của lời Kinh Thánh về thời kỳ cuối rốt. ( Mathiơ 24: 3-14)
Chúng ta có thể khẳng định rằng, không một quyền lực của bất cứ thể chế chính trị, quân sự hay kinh tế của bất cứ quốc gia nào cho dù hùng mạnh nhất thế giới cũng không thể nào đủ uy quyền đem lại cho thế giới một nền hòa bình vĩnh viễn, một hạnh phúc vững chắc, một sự bình an thật sự, ngoại trừ quyền năng của Chúa Cứu Thế Jê-sus.
Chỉ có sự ăn năn, sự tha tội, sự tin kính và thờ phượng Đức Chúa Trời bằng cách tin nhận Chúa Jê-sụs là giải pháp duy nhất để giải quyết mọi “tội lỗi” của loài người.
Amen!