(Sáng 39: 21- 40:23).
Giô sép bị bán làm nô lệ tại nhà quan thị vệ Phô ti pha. Vợ Phô ti pha để ý muốn chàng, rồi bà nắm áo chàng bảo lên giường nằm cùng bà. Giô sép sợ phạm tội với Chúa, nên chàng lột áo bỏ chạy.
Việc đã xảy ra, chúng ta có thể nói: "Nếu bà để yên, rồi ném cái áo ra ngoài sân để Giô sép lượm, thì mọi người đều không hay biết chuyện gì cả và đỡ khổ cho Giô sép biết bao!"
Nhưng vợ Phô ti pha lại vu cáo với chồng rằng: "Thằng nô lệ Hê-bơ-rơ mà ông khéo đem về nhà đã đến gần đặng chọc ghẹo tôi; nhưng khi tôi cất tiếng la lên, nó tuột áo lại bên tôi, rồi chạy trốn ra ngoài." (Sáng thế ký 39:17-18). Miệng của bà nầy quá đổi gian ác. Ðúng như Kinh Thánh dạy rằng: "Miệng của dâm phụ vốn là một cái hố sâu." (Châm ngôn 22:14). Bà đã phạm tội ham muốn nhục dục, không đạt được, bà đi đến tội thù hận và tội vu cáo. Cũng như A-đam khi phạm tội chống mạng lịnh Ðức Chúa Trời ăn trái cấm rồi thì Ông đi đến tội đổ lỗi cho bà Ê va. Tội lỗi có tính cách lan truyền. Tội lỗi không đơn giản, và nhất là tội lỗi trong tình trường rất là ghê gớm. Kinh Thánh dạy rằng: "Tình yêu mạnh như sự chết." (Nhã ca 8: 6). Cho nên ai muốn "khỏi chết trong tình trường" thì phải luôn luôn nhớ cầu nguyện xin Chúa thương xót giữ gìn mình trong đường lối của Ngài.
Vợ của Phô ti pha vu cáo tội cho Giô sép với chồng như vậy, khiến cho mạng sống của chàng như chỉ mành treo chuông. Tại vì bây giờ Giô sép chỉ là tôi mọi. Phô ti pha vừa là chủ, vừa là quan thân cận của vua, có quyền giết Giô sép, chẳng tù tội gì cả. Khi Phô ti pha nghe vợ tố cáo Giô sép thì giận lắm, dù Ông có quyền giết Giô sép, nhưng Ông chỉ bỏ tù Giô sép. Phô ti pha có quyền giết Giô sép, nhưng tại sao Ông không giết chàng, Kinh Thánh cho biết: "Lòng của vua ở trong tay Ðức Giê-hô-va khác nào dòng nước chảy; Ngài làm nghiêng lệch nó bề nào tùy ý Ngài muốn." (Châm ngôn 21:1). Ðức Chúa Trời nắm tấm lòng của Phô ti pha và Ngài nghiêng về ý bỏ tù chớ không giết Giô sép. Rõ ràng Ðức Chúa Trời có ở cùng Giô sép và bảo vệ chàng.
Người ta nói: "Nhất nhật tại tù như thiên Thu tại ngoại." Một ngày ở tù dài bằng một ngàn năm ở ngoài được tự do. Giô sép là người kính sợ Chúa và rất tốt trong việc bị bà vợ Phô ti pha cám dỗ, lẽ ra Giô sép được Chúa thưởng, đàng nầy không thấy được thưởng mà còn bị ở tù. Trong cách nghĩ thông thường thì chúng ta thấy có vẽ Chúa không công bằng đối với Giô sép. Thật ra, chúng ta không biết, Chúa có thưởng cho Giô sép chớ; nhưng chàng phải chờ đợi. Chàng phải thi cho đậu bài học thử thách. Chúa muốn ban cho chàng địa vị cao hơn. Chúng ta thường nghe nói: "Ví thử đường đời bằng phẳng mãi; anh hùng hào kiệt có hơn ai!" Ðức Chúa Trời đang dùng sự thử thách nầy để rèn luyện đức tin Giô sép, và cũng để rèn luyện cho chàng biết trường đời. Chàng cần biết thế nào là tuân phục ý Chúa trong nghịch cảnh, thế nào là khổ, thế nào là đói, thế nào là cắn răng chịu đựng và khóc với Chúa, để sau nầy chàng thông cảm với những người khổ, với những người đói, và nhất là chàng có thể an ủi người khác khi họ đang ở trong nghịch cảnh của họ, chàng cũng có thể khuyên họ được rằng: "Hãy khóc với Chúa!" Nếu Giô sép chỉ sống trong sự nuông chìu vì là con cưng của cha, chỉ biết nhỏng nhẻo với Gia cốp thì Giô sép không làm nên việc gì cả. Ðức Chúa Trời đang huấn Giô sép biết cảnh chịu cho người khác sai bảo để khi cai trị chàng sẽ có thể sai bảo người khác.
Cho nên, khi con dân Chúa được Ðức Chúa Trời thử thách thì đó là điều có phước. Kinh Thánh dạy: "…hãy coi sự thử thách trăm bề thoạt đến cho anh em như là điều vui mừng trọn vẹn," (Gia cơ 1:2), "…. vì lúc đã chịu nổi sự thử thách rồi, thì sẽ lãnh mão triều thiên của sự sống mà Ðức Chúa Trời đã hứa cho kẻ kính mến Ngài." (Gia cơ 1:12).
Trong khi Giô sép ở tù, thì vua Ai Cập, là Pha ra ôn có "nổi giận cùng hai quan mình, là quan Tửu chánh và Thượng thiện, bèn đem họ cầm ngục tại dinh quan thị vệ, là nơi đương cầm Giô-sép. Quan thị vệ cắt phần Giô-sép hầu việc hai quan đó." (Sáng thế ký 40: 2-4). Một sáng ngày kia, Giô sép đến với hai vị quan nầy, để phục vụ họ thì chàng thấy sắc mặt họ buồn bực, chàng hỏi rằng: "Ngày nay sao hai quan có sắc mặt ưu sầu vậy?" (Sáng thế ký 39: 7).
Qua câu hỏi của Giô sép chúng ta thấy gì? Chúng ta thấy Giô sép có tấm lòng quan tâm tới người khác. Chàng hỏi thăm họ. Thưa Quý vị, chúng ta nên theo gương Giô sép, nên quan tâm đến người khác, hỏi thăm người khác. Trong gia đình Quý vị có hỏi thăm nhau không? Vợ nên hỏi chồng khỏe không, chồng hỏi vợ khỏe không, sao thấy anh không được vui, có gì lo không? Các con hôm nay đi học vui không? Các con có hỏi Ba mẹ tối qua giấc ngủ ngon giấc không?
Chuyện kể là hôm nay có chuyện buồn quá, cô vợ nằm trên ghế sa long, mong chồng đi làm về hỏi thăm mình một câu là mình sẽ tâm sự cho chồng nghe. Người chồng về hỏi vợ:
- Có cơm chưa em?
- Có nhưng em nằm nghỉ một chút, em mệt quá.
- Dọn cơm cho anh ăn đi, rồi cứ việc mệt tiếp!
Không có một lời hỏi thăm: sao em mệt, có bị bịnh không?
Hai vị quan đáp cùng Giô sép rằng: "Chúng tôi có thấy điềm chiêm bao, mà không ai bàn dùm." (Sáng thế ký 40: 8). Chúng ta nên nhớ rằng thời Cựu Ước vào thời của Giô sép chưa có Kinh Thánh, nên Ðức Chúa Trời ban cho một số người những giấc chiêm bao. Nhưng xin nhớ lời Chúa dạy: "Nếu giữa ngươi có nổi lên một tiên tri hay là một kẻ hay chiêm bao làm cho ngươi một dấu kỳ hoặc phép lạ, nếu dấu kỳ hoặc phép lạ nầy mà người đã nói với ngươi được ứng nghiệm, và người có nói rằng: Ta hãy đi theo hầu việc các thần khác … thì chớ nghe lời của tiên tri hay là kẻ chiêm bao ấy, …..Nhưng người ta phải giết tiên tri hay là kẻ chiêm bao ấy, vì hắn có giục dấy loạn cùng Ðức Giê hô va." (Phục truyền luật lệ ký 13:1-5). Ngày nay chúng ta tin vào Lời Chúa trong Kinh Thánh chớ không tin vào những lời giải chiêm bao. Vì lời Chúa dạy rằng: "Những sự bí mật thuộc về Giê-hô-va Ðức Chúa Trời chúng ta; song những sự bày tỏ thuộc về chúng ta." (Phục truyền luật lệ ký 29:29).
Vì hai Ông quan đang ở tù thấy chiêm bao, nhưng không có ai giải chiêm bao cho hai Ông, nên họ buồn bã lo âu. Giô sép nói với hai người rằng: "Sự bàn chiêm bao há chẳng phải do nơi Ðức Chúa Trời sao?" (Sáng thế ký 40: 8). Rõ ràng Giô sép là người tôn kính Chúa. Ông có ơn giải nghĩa điềm chiêm bao. Nhưng Ông nhận biết điều đó không phải là của mình, mà đó là ơn Ðức Chúa Trời ban cho Ông. Ông không dành phần vinh hiển về Ông. Ông nói lên lời chân thành để tôn vinh Chúa.
Xin nhớ rằng bất cứ việc gì trong đời chúng ta có được là nhờ ơn Chúa ban cho. Chúng ta phải tôn vinh Chúa, cám ơn Chúa về ơn và về khả năng mình có được, chớ không được phép lên mình, kiêu ngạo, hay khoe khoang. "Vì.... vinh hiển thuộc về Cha đời đời. . ." chớ không phải thuộc về loài người như chúng ta.
Giô sép nói: "Xin hãy thuột điềm chiêm bao của hai quan cho tôi nghe." (Sáng thế ký 40: 8). Quan Tửu chánh nói: "Trong chiêm bao, tôi thấy một gốc nho ở trước mặt tôi; gốc nho đó lại có ba nhành. Dường như thấy nhành nảy chồi, trổ bông, chùm có trái chín thì phải. Tay tôi đương cầm cái chén của Pha-ra-ôn; tôi hái nho đó, ép nước nho vào, rồi dâng tửu bôi vào tay Pha-ra-ôn." (Sáng thế ký 40: 9-11). Giô sép nói: "Ba ngày nữa, vua sẽ tha cho quan và vua phục chức lại cho quan. Khi quan được phục chức rồi, xin nhớ tâu cùng vua để đem tôi ra khỏi chốn nầy, vì tôi chẳng có làm gì nên tội."
Quan Thượng thiện cũng thuật chiêm bao của Ông cho Giô sép nghe: "... tôi đội ba giỏ bánh trắng trên đầu; trong giỏ cao hơn hết, có đủ món thực vật của thợ làm bánh hấp cho Pha-ra-ôn; chim đáp vào giỏ trên đầu tôi ăn các món đó." (Sáng thế ký 40: 16-17). Giô sép nói: "Ba ngày nữa vua sẽ đem quan ra khỏi tù và sẽ xử trãm quan."
Ba ngày sau, vua bảo đem hai vị quan trong tù ra. Vua ra lịnh xử trảm quan Thượng thiện và phục chức cho quan Tửu chánh.
Giô sép bị ở tù oan, gặp quan Tửu chánh, bàn chiêm bao cho Ông được đúng và tốt. Giô sép trông đợi quan Tửu chánh tâu cùng vua để giải oan cho mình. Nhưng sau khi đã được phục chức, "… quan Tửu chánh chẳng còn nhớ đến Giô-sép nữa; quên người đi." (Sáng thế ký 40: 23).
Theo Quý vị nghĩ thì Quan Tửu chánh quên Giô sép như thế nầy có đáng buồn không? Việc Giô sép giải mộng cho Quan Tửu chánh là một dịch vụ đáp ứng nhu cầu tinh thần rất lớn cho Ông. Giô sép đã đem nguồn vui, sự an lòng cho Ông qua những điều giải mộng cho Ông. Hơn nữa, Quan Tửu chánh vui biết bao khi thấy lời giải mộng của Giô sép hoàn toàn đúng. Có lẽ Ông đã tổ chức tiệc vui mừng với mọi người thân, nào vợ, nào con, nào các bạn bè thân thích, vì không những ra khỏi tù mà chức quyền Quan Tửu chánh trở lại với Ông. Nhưng Ông đã quên Giô sép. Thật đáng buồn!
Chúng ta có khi nào giống như Quan Tửu Chánh không? Chúng ta có nhớ ơn Chúa mỗi ngày không? Có ai giúp chúng ta có thể là về tinh thần, có thể là về vật chất rồi chúng ta quên ơn người đó không? Lời Chúa dạy rằng: "…. phải biết ơn." (Cô lô se 3:15).
Cầu xin Chúa cho chúng ta có đời sống biết vâng phục thánh ý của Ngài. A-men.
Mục sư Trần Hữu Thành