Mác 8:27-38
Trong cuộc đời, có lẽ ai cũng đã từng có đôi ba lần đánh mất một thứ gì đó… Trong tất cả những điều có nguy cơ bị đánh mất, có bao giờ chúng ta tự hỏi lòng mình rằng chúng ta lo sợ bị đánh mất điều gì nhất không? Những người đang yêu nhau say đắm thì có lẽ sợ nhất là mất người yêu…Người đang thăng tiến trên con đường công danh, sự nghiệp thì có lẽ sợ ‘mất việc’…có người thì sợ mất người thân mà mình yêu quý nhất trên đời (Cha mẹ, vợ chồng, con cái…). Chúng ta sợ bị đánh mất rất nhiều thứ, toàn là những điều quan trọng và cần thiết... Tuy nhiên, điều quan trọng nhất, quý giá nhất mà chúng ta đang sở hữu là gì? Chúa Jesus đã cảnh báo rằng : "Người nào nếu được cả thiên hạ mà mất linh hồn mình, thì có ích gì? Hay là có người nào lấy chi mà đổi linh hồn mình ư?" (Mác 8: 36,37)
Đừng bao giờ vì để được lòng một ai đó mà đánh mất chính mình… Đã từng có rất nhiều người đánh mất cả cuộc đời chỉ để làm vừa lòng một ai đó, đánh đổi một điều gì đó tạm bợ, hư ảo, mong manh…Vì thế, "Nhận biết chính mình" là một điều rất cần thiết và quan trọng.
Trong mỗi con người đều có những ưu và khuyết điểm, cần được phát hiện để phát triển hoặc để sửa đổi và hoàn thiện…
Nếu chúng ta biết tất cả mọi thứ trên đời mà lại không biết gì về chính mình thì sự hiểu biết ấy cũng kể như không có giá trị. Nếu một người trên thông thiên văn, dưới tường địa lý mà người ấy lại không biết gì về chính bản thân thì cũng kể như chẳng biết gì.
Ngay từ thế kỉ thứ V trước công nguyên, nhà hiền triết Socrate người Hy lạp đã luôn nhắc nhở các môn sinh của mình rằng: Hãy nhận biết chính mình.
Binh pháp của Tôn Tử thì dạy : "Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng". Thắng ở đây không chỉ là thắng theo kiểu chiến trận, thắng ở đây cũng chưa hẳn là thắng người mà là thắng chính mình. Chiến thắng bản thân là một điều không hề dễ dàng.
I. Làm thế nào để nhận biết chính mình?
1/ Hãy đối diện với chính mình.
Mỗi một con người là một thế giới bí ẩn, "độc nhất vô nhị". Thiên Chúa tạo dựng nên mỗi người một cách khác biệt và rất đặc biệt, không ai giống ai cả!.. Vì thế, Cuộc đời của mỗi người là một hành trình đi tìm…và câu hỏi lớn nhất cần phải đặt ra là: Tôi là ai?.. Có bao giờ chúng ta thử đặt câu hỏi như Chúa Jesus "Người ta nói tôi là ai?" Dĩ nhiên, Chúa Jesus biết Ngài là ai và mục đích của Ngài đến thế gian để làm gì…Nhưng Ngài vẫn đặt câu hỏi để qua đó, bày tỏ cho các môn đồ nhận biết sứ mạng của Đấng Messia là phải trải qua con đường đau khổ và thập tự giá.
Trong xã hội kinh tế thị trường ngày nay, người ta thường tự minh danh bằng những tấm Cartes de Visite, trên đó ghi tên tuổi, chức vụ và địa chỉ để trao đổi cho nhau… Tuy nhiên, những thứ ấy chỉ là chiếc áo khoác, là vỏ bọc hào nhoáng bên ngoài mà thôi!
Tôi là ai? Có nghĩa là con người đích thực của tôi, bản chất thực sự của tôi thế nào? Những người sống chung quanh tôi, làm việc cùng tôi đã nhận định về tôi ra sao? Là một con người xấu xa, hẹp hòi, ích kỷ? Là một con người bình thường như bao người khác? Hay là một con người có ‘danh tiếng tốt’ (Châm 22:1), có lòng nhân từ, bác ái, yêu thương…
Đối diện với chính mình là một điều rất cần thiết. Bởi chưng, giữa những công việc đa đoan và thói quen máy móc ‘một ngày như mọi ngày’, giữa những lo lắng và toan tính hơn thua, danh, lợi... Giữa những lôi kéo và cám dỗ hằng ngày. Có thể đã khiến cho chúng ta trở nên xa lạ với chính bản thân, không còn thực sự là mình nữa.
2/ Gặp gỡ Thiên Chúa qua Thập tự giá.
"Trước lỗ tai tôi có nghe đồn về Chúa, Nhưng bây giờ, mắt tôi đã thấy Ngài:Vì vậy, tôi lấy làm gớm ghê tôi, Và ăn năn trong tro bụi." (Gióp 42:5,6)
Chỉ đến khi chúng ta tìm gặp được Chúa Jesus nơi Thập tự giá, hình ảnh của Thập tự, gồm có thanh dọc và thanh ngang khiến cho ta liên tưởng đến Chữ T : TÌM. Tôi đi tìm tôi, Thiên Chúa tìm tôi, khi gặp được Chúa Jesus, tôi mới thực sự nhận biết chính mình ( tồi tệ, tối tăm, tội lỗi…).
Như Đa-vít, một vị quân vương đầy quyền uy, nhưng khi đến với Chúa thì tự cảm biết rằng : "Kìa, tôi sanh ra trong sự gian ác, Mẹ tôi đã hoài thai tôi trong tội lỗi." (Thi 51:5)
Như Phao-lô, một bậc trí thức uyên bác, sau khi gặp gỡ chúa Jesus, đã thành tâm thú nhận : "Vả, tôi biết điều lành chẳng ở trong tôi đâu, nghĩa là trong xác thịt tôi, bởi tôi có ý muốn làm điều lành, nhưng không có quyền làm trọn." (Rom 7:18)
Chúng ta chỉ tìm thấy chính mình khi chúng ta đến với thập tự giá, nơi ấy, chúng ta được phục hồi phẩm giá đích thực của chính mình để sống có ý nghĩa, sống có mục đích.
II. Nhận biết chính mình để làm gì?
1/ Biết để sống có ích.
Chúng ta vẫn chưa sử dụng hết những năng lực tiềm ẩn bên trong mình… Sẽ hạnh phúc và thành công nếu mỗi người khám phá được những năng lực tuyệt vời của chính bản thân để sử dụng cách ích lợi cho cuộc sống…
Kể chuyện : Có một ông già người da đỏ sống nghèo khổ trên mảnh đất khô cằn, đá sỏi của mình…Bổng một hôm, người ta phát hiện bên dưới mảnh đất ấy có một mỏ dầu hỏa rất lớn. Họ trả rất nhiều tiền để mua lại mảnh đất của ông ta. Từ đó, ông già da đỏ trở nên giàu có, ông ta sắm một chiếc xe hơi Cadilac sang trọng, lộng lẫy rồi ngày ngày đi du ngoạn thắng cảnh, thăm viếng bạn bè…
Tuy nhiên, có một điều đặc biệt là ông già da đỏ chẳng bao giờ phải tốn tiền để mua xăng?!. Bởi vì ông ta đã dùng hai con ngựa để kéo chiếc xe ấy đi hết nơi này sang nơi khác. Chiếc xe Cadilac sang trọng, động cơ hơn 100 mã lực, có thể lao vun vút trên xa lộ một cách êm ru nhưng chỉ được sử dụng với hai con ngựa ỳ à, ỳ ạch kéo đi mỗi ngày…
Nhiều người trong chúng ta hiện nay cũng đang sống một cuộc đời như thế! Những năng lực tiềm ẩn bên trong mỗi con người là vô hạn… Nhưng đáng tiếc là hầu như tất cả mọi người đều lãng phí tiềm năng quý giá ấy. Có bao giờ bạn tự hỏi rằng : Tôi đang sống và hành động với bao nhiêu phần trăm năng lực của mình ?
2/ Biết để "Từ bỏ"
"Nếu ai muốn theo ta, phải tự bỏ mình đi, mỗi ngày vác thập tự giá mình mà theo ta." (Luc 9:23)
Từ bỏ mình ở đây không có nghĩa là hủy diệt thân xác, đày đọa bản thân, nhưng có nghĩa là phải làm chủ bản thân, phải kiềm chế những tư dục, phải đắc thắng bản ngã… "Vả, những kẻ thuộc về Đức Chúa Jêsus Christ đã đóng đinh xác thịt với tình dục và dâm dục mình trên thập tư giá rồi." (Gal 5:24)
3/ Biết để sửa đổi và hoàn thiện
Trong bối cảnh của câu chuyện phúc âm này, Phierơ mặc dù đã theo Chúa Jesus, nhận biết Ngài là Đấng Christ. Nhưng đây là một sự nhận biết chưa trọn vẹn, vì thế Phierơ cũng chưa thực sự nhận biết chính mình, ông đã gây ra nhiều lầm lỗi… Từ những kinh nghiệm đau buồn ấy, sau này Phierơ đã được biến đổi thành một con người mới, đầy ơn. Ông đã khuyên dạy chúng ta : "Vậy nên, về phần anh em, phải gắng hết sức thêm cho đức tin mình sự nhân đức, thêm cho nhân đức sự học thức, thêm cho học thức sự tiết độ, thêm cho tiết độ sự nhịn nhục, thêm cho nhịn nhục sự tin kính, thêm cho tin kính tình yêu thương anh em, thêm cho tình yêu thương anh em lòng yêu mến. Vì nếu các điều đó có đủ trong anh em và đầy dẫy nữa, thì ắt chẳng để cho anh em ở dưng hoặc không kết quả trong sự nhận biết Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta đâu." (II Phie 1:5-8)
Phải nhận biết những khuyết điểm của bản thân để khắc phục và hoàn thiện…Chúng ta có thể làm tốt hơn về tất cả mọi công việc, nếu chúng ta quyết tâm và nỗ lực để cải thiện…Trong cuộc sống, có những con người luôn trốn chạy sự thật, không dám đối diện với thực trạng của chính mình và cũng có những con người luôn biết nỗ lực không ngơi nghỉ "Gắng hết sức mình" và biết cậy nhờ vào sức toàn năng của Thiên Chúa. "Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi." (Philip 4:13)
Tuổi thơ của chúng ta, có lẽ ai cũng đã từng một đôi lần đi bắt dế, xem đá dế… Con Dế bình thường chỉ thích gáy, không thích đánh nhau…nhưng một khi đã bị quay cho chóng mặt rồi thì gặp đâu cũng đá, cũng tấn công, cắn xé điên cuồng…Cuộc đời của chúng ta cũng giống như thế, bị dòng đời lôi cuốn, xoay cho quay cuồng, chóng mặt đến độ không còn nhận biết chính mình…vì thế chỉ biết lao theo cơn lốc xoáy của cuộc đời để tranh đấu, giành giật, xâu xé lẫn nhau…
Mỗi ngày hãy dành cho mình một khoảng thời gian, một nơi chốn yên tĩnh, thinh lặng để đến với Chúa, gặp Chúa và gặp gỡ chính mình. Nhận biết mình yếu đuối để luôn nhờ cậy Chúa. Nhận biết mình hèn kém để sống khiêm cung. Nhận biết mình là tội nhân để cảm thông và tha thứ cho anh em. Hãy vui mừng vì hằng ngày chúng ta được đối diện với chính mình dưới cái nhìn khoan dung của Thiên Chúa. Dẫu biết rằng sự đối diện này cho chúng ta thấy rõ hơn những bất toàn, bất khiết của đời sống mình. Nhưng, hãy vui mừng vì được giải bày tất cả dưới ánh quang minh của Chúa. Nhờ đó, tâm hồn chúng ta được thanh luyện… Mỗi ngày, lại mặc lấy Sức mới từ Thiên thượng, phấn khởi vác thập tự giá của mình bước đi theo Ngài. Amen.
Mục sư Hoàng Siêu