By Pastor The Le Van
Kinh Thánh: Sáng thế Ký (chương 39-45)
Câu gốc: "Thế nào tôi dám làm điều đại ác dường ấy, mà phạm tội cùng Đức chúa trời sao?" (Sáng 39:9b)
Mỗi nhân vật trong Kinh Thánh đều mang một đặc thù, một sắc thái khác nhau. Áp-ra-ham là một tôi tớ của Đức Chúa Trời với tấm lòng vâng phục, Nô-ê được coi là người công bình, Gia-cốp là kẻ lừa đảo, thì Giô-sép lại là một biểu tượng của tình yệu thương, lòng tha thứ và sự kính sợ Đức Chúa Trời.
Giô-sép với tấm lòng tha thứ
Giô-sép bị các anh của mình ganh ghét đem bán qua xứ Ê-díp-tô, được sống trong nhà của quan thị vệ Phô-ti-pha, bị vu khống bởi vợ quan phải vào tù. Nhưng ông được Đức Chúa Trời ban phước và giải cứu ra khỏi tù. Giô-sép được vua Pha-ra-ôn cất nhắc lên cầm quyền cả xứ Ê-díp-tô (Sáng thế ký 39:1,7; 41: 37- 43).
Cho dù được làm quan lớn, nhưng Giô-sép đã bày tỏ một cuộc sống có Chúa ngự trị, nên ông đã thể hiện tình yêu thương của mình qua việc cấp phát lương thực cho cả xứ và các nước lân bang khi có nạn đói hoành hành (Sáng 41:56). Ông đã gặp lại các anh mình trong một nghịch cảnh éo le đầy kịch tính. Lẽ ra ông phải ngoảnh mặt làm ngơ bởi vì chính họ đã bán ông đến một xứ khác để làm kiếp tôi đòi. Nhưng hoàn toàn khác hẳn, chẳng những không có hành động trả thù mà ngược lại Giô-sép đã bày tỏ một tấm lòng nhân ái, sẵn sàng thứ tha và vẫn qúi trọng tình cốt nhục. (Sáng 42:6,7).
Giô-sép, biểu tượng của tình yêu thương
Giô-sép bên ngoài làm mặt lạ với các anh mình, nhưng trong lòng không giấu khỏi một nỗi thương cảm trào dâng khi gặp lại các anh của mình. Dường như đối với Giô-sép không có hận thù bởi vì ông là người được ơn của Đức Chúa Trời. Ngài đã đeo đuổi và dẫn dắt cuộc đòi ông qua bao nhiêu thăng trầm lẫn cay đắng. Ông vẫn một dạ thủy chung son sắc, đặt tất cả niềm tin và sự trông đợi nơi Đức Chúa Trời. Chính vì vậy mà ông đã đem tất cả tình yêu để đối đãi với các anh mình (Sáng 42:25;43:34;44:1).
"Giô-sép xây mặt qua chỗ khác mà khóc." (Sáng 42:24). Hình ảnh này cho chúng ta thấy được một con người dồi dào tình yêu và lòng thương cảm. Có lẽ Giô-sép khóc vì lâu ngày được gặp lại những người thân yêu, cũng có thể Giô-sép khóc vì thương nhớ đến người cha già nơi cố quốc đang mõi mòn trông đợi người con trai yêu qúi "không bao giờ trở lại nữa." Giô-sép khóc cũng có thể vì thương cho gia đình trong cảnh đói kém, các anh gặp lại đứa em mà không nhận ra được!
Cho dù Giô-sép khóc vì lý do nào đi nữa cũng noí lên được trái tim đấy nhân ái của một con người mà Đức Chúa Trời đã đặt vào lòng ông:
"Vì thấy em mình nên Giô-sép tất lòng cảm động, lật đật bước ra ngoài, tìm nơi nào đặng khóc. Người vào phòng nhà trong mà khóc." (Sáng 43:30)
Giô-sép kính sợ và tin cậy Đức Chúa Trời
Khi Giô sép không còn cầm lòng được nữa, chàng đã bày tỏ thật cùng các anh mình, người cất tiếng khóc dân Ê-díp tô và nhà Pha-ra-ôn nghe nữa. (Sáng 45:1,2). Các anh em người bối rối; nhưng Giô-sép an ủi bằng cách giải thích cho các anh mình biết rằng chính Đức Chúa Trời đã dẫn đứa chàng đến xứ này chứ không phải là lỗi của các anh mình (Sáng 45:4). Giô sép đã xác quyết niềm tin mình về chương trình của Đức Chúa trời đã đem Ngài đến xứ Ê-díp-tô để cai quản cả xứ ( Sáng 45:8). Giô-sép đã bày tỏ sự trung thành với Chúa và kính sợ Ngài một cách trọn vẹn khi ông khước từ sự cám dỗ của vợ quan thị vệ bảo ông nằm cùng với bà qua những lời lẽ đáng khâm phục:
"Thế nào tôi dám làm điều đại ác dường ấy, mà phạm tội cùng Đức chúa trời sao?" (Sáng 39:9b)
Những bài học rút ra từ cuộc đời của Giô sép
Nhìn vào cuộc đời của Giô-sép, chúng ta có thể học hỏi được biết bao nhiêu điều hữu ích. Là Cơ đốc nhân sống giữa một thế giới đầy tội lỗi, không ai tránh khỏi lòng hận thù, cay đắng của thế tục, nhưng qua tấm gương của Giô-sép, chúng ta có thể học được tấm lòng tha thứ dồi dào. Có khi chính bản thân mình còn mang nặng những nỗi oán hờn hay giận dỗi khi có ai đó làm tổn thương hay xúc phạm.
Bài học lớn nhất ở đây là sự khiêm nhường chấp nhận mọi nghịch cảnh và vâng phục ý muốn của Đức Chúa Trời. Bị ghét bỏ, nhưng Giô sép tha thứ, bị oan ức vu khống, nhưng Giô-sép không hề than vãn chỉ mong chờ vào sự giải cứu của Chúa. Được làm quan cai trị, Giô-sép không hà hiếp dân lành, nhưng lo lắng chăm sóc cho dân.
Quả thật, một cuộc đời tốt đẹp biết bao khi hoàn tòan thuận phục ý muốn của Đức Chúa Trời; được Ngài biến đổi và ban phước. Giô-sép là tấm gương của sự trung tín, vâng lời Chúa, tấm lòng chính trực và đầy dẫy tình yêu thương./.