Sứ đố Giăng, trong sách tin lành của mình, khi ký thuật bảy ngày đầu tiên trong chức vụ của Chúa Jesus, đã dùng ba ngày đầu cho phần làm chứng của Giăng Baptit.
- Ngày thứ nhất Giăng Baptit làm chứng về mình
- Ngày thứ hai Giăng Baptit giới thiệu Chúa Jesus cho con người
- Ngày thứ ba Giăng Baptit giới thiệu người cho Chúa Jesus
I. NGÀY THỨ NHẤT : CÂU HỎI “ÔNG LÀ AI”?
(Kinh Thánh Giăng 1: 19-28)
Ngày thứ nhứt Giăng Baptit tự làm chứng về mình thông qua một đoạn đối thoại gay gắt với một nhóm thầy tế lễ và người Lê-vy được sai đến từ Giê-ru-sa-lem, nhằm tìm hiểu về ông..
Dù lúc nầy, Giăng Baptit đã rất nổi tiếng:
- với phong cách sống khắc khổ:
“mặc áo lông lạc đà, ăn châu chấu và mật ong rừng (Mathio 3:4)
- Có uy tín lớn đối với đám đông quần chúng:
“ Bấy giờ dân thành Giê-ru-sa-lem, và cả miền chung quanh
sông Giô-đanh đều đến cùng người,
và khi họ đã xưng tội mình rồi,
thì chịu người làm phép báp-tem dưới sông Giô đanh (Ma-thi-ơ 3:5-6)
- Và với những bài giảng hết sức mạnh mẽ, kêu gọi sự ăn năn, không chỉ với những người bình dân, nhưng với cả những nhà lãnh đạo thuộc phái Pha-ri-si và phái Sa-đu-sê (Ma-thi-ơ 3:7-10), ( Luca 3:7-14)
Những đại diện từ Giê-ru-sa-lem đã rất trịch thượng hỏi Giăng Baptit, một câu như sau:
”Ông là ai?”( Giăng 1:19)
Câu hỏi nầy trước hết phản ánh một thắc mắc của toàn thể dân Y-sơ-ra-en lúc bấy giờ:
“ bởi dân chúng vẫn trông đợi,
và ai nấy tự hỏi trong lòng rằng:
không biết Giăng Baptit có phải là Đấng Christ chăng?” (Luca 3:15)
Câu hỏi nầy cũng phản ánh cái nhìn đầy lo âu và thắc mắc của các lãnh đạo Do thái giáo về Giăng Baptit, họ lo âu vì thấy ở Giăng một đối thủ hết sức nguy hiểm, đặc biệt nếu Giăng Baptit xưng mình là Đấng Christ, hoặc Ê li hoặc một tiên tri nào đó theo câu hỏi của họ.
Tuy vậy, như ta biết, Giăng không nhận mình là Đấng Christ, cũng không nhận mình là Eli hoặc một tiên tri nào khác (Giăng 1:19).
Câu trả lời của Giăng Baptit, có lẽ làm nhóm người truy hỏi ông nhẹ nhõm. Tuy vậy thắc mắc vẫn còn đó:
“ Vậy ông là ai? Ông tự xưng mình là ai? (Giăng 1:22)
Giăng trả lời cho họ rằng
“ Ta là tiếng kêu trong sa mạc,
hãy ban bằng đường cho Chúa,
như tiên tri Esai đã nói” (Giăng 1:23; Ê-sai 40:3)
Họ vẫn không hết thắc mắc:
“Nếu ông không phải là Đấng Christ,
không phải Ê li, không phải tiên tri,
vậy cớ sao ông làm phép Bap-tem” (Giăng 1:25)
Đây là cơ hội để giăng Baptit làm công việc mình, khi ông giới thiệu về Chúa Jesus:
“ Phần ta chỉ làm bap-tem bằng nước,
nhưng có một Đấng ở giữa các ngươi
mà các ngươi không nhận biết.
Ấy là Đấng đến sau ta, ta chẳng đáng mở dây giày Ngài” (Giăng 1:26)
Dù nhóm thầy tế lễ và người Lê-vy có thể thôi lo âu, có thể yên tâm rằng Giăng Baptit không phải là đối thủ ghê gớm của họ, nhưng câu trả lời “Ta là tiếng kêu trong sa mạc, hãy ban bằng đường cho Chúa” vẫn làm cho họ không thôi thắc mắc, và câu hỏi “Ông là ai?” vẫn là câu hỏi chưa thưc sự có câu trả lời.
Thực ra “Ông là ai?” không chỉ là thắc mắc của người đương thời với Giăng Baptit, mà còn là câu hỏi của chính chúng ta hôm nay. Chúng ta cũng cần biết các tác giả Phúc âm ngụ ý gì về Giăng Baptit qua điều ông tự nhận “Ta là tiếng kêu trong sa mạc, hãy ban bằng đường cho Chúa”
Chúng ta có thể đồng ý với Warren Wiersbe, khi ông giải thích rằng:
Giăng Baptit không nói gì về bản thân mình, vì ông được sai đến để nói về Chúa Jesus là Ngôi Lời, còn ông chỉ là tiếng kêu, người ta không thấy tiêng kêu, nên nhận mình là tiếng kêu là cách ẩn mình để Đấng vinh hiển được bày tỏ ra”[1].
Tuy nhiên, “ta là tiếng kêu trong sa mạc” không chỉ đơn giản chỉ sự khiêm nhu của Giăng Baptit, như Wiersbe chỉ ra, mà hiển nhiên nó mang ý nghĩa nhiều hơn thế..
Cả bốn sách Phúc âm diển tả về Giăng bằng những ngôn từ dường như quá sự thật:
Ma-thi-ơ viết:
“Bấy giờ dân thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu đê,và cả miền chung quanh sông Giô đanh đều đến cùng người…”(Ma-thi-ơ 3:5)
Mac cũng viết tương tự:
“ Hết thảy dân sự thành Giê-ru-sa-lem đều đến cùng người” (Mac 1:5)
Còn sứ đồ Giăng thì viết:
“… Hầu cho ai nấy đều tin” (Giăng 1:7)
Những từ “ hết thảy dân thành Giê-ru-sa-lem”, “cả xứ Gui-đe”, “Cả miền chung quanh sông Giô đanh”, “đều đến cùng người”, “ai nấy đều tin”, được dùng một cách cố ý bởi cả bốn sách tin lành.
Nếu những từ trên chỉ để nói rằng Giăng Baptit có một sức thu hút mạnh mẽ đối với toàn thể dân Y-sơ-ra-en, thì cách nói đó là quá sự thật, vì thực ra chẳng có diễn giả nào có thể khiến “ai nấy”, “hết thảy dân thành”, “cả miền”, “cả xứ” “đều đến” với diễn giả đó.
Kinh Thánh không bao giờ viết điều gì quá sự thật. Lời được viết ra luôn là sự thật.Do vậy, khi dùng những từ như trên, các tác giả Phúc âm ngụ ý rằng Giăng Baptit có một thẩm quyền, hay có thể nói rằng Giăng Baptit đang là một thẩm quyền, một loại thẩm quyền mà “mọi người”, mà “ai nấy”, mà “cả miền”, “cả xứ” đều phải công nhận.
Khi Chúa Jesus đến cùng Giăng Baptit để chịu Bap-tem, Giăng đã từ chối:
“Chính tôi cần phải chịu Ngài làm phép Bap-tem,
mà Ngài lại trở đến cùng tôi sao? (Ma-thi-ơ 3:14)
nhưng Chúa Jesus lai phán rằng:
“ Bây giờ cứ làm đi,
Vì chúng ta nên làm trọn mọi việc công bình như vậy.” (Ma-thi-ơ 3: 15)
Tại sao Chúa phán: việc Giăng làm phép Bap-tem cho Ngài là “làm trọn mọi việc công bình”.
Tại sao một người không nhận mình là Đấng Christ, là Ê li, là tiên tri mà lại có thẩm quyền như vậy.
.Phải hiểu được Giăng Baptit đang mặc lấy thẩm quyền nào? thì chúng ta mới có thể trả lời được câu hỏi “ông là ai?”
Luca giúp chúng ta biết Giăng Baptit mặc lấy thẩm quyền nào, trong những chương đầu của sách Phúc âm Luca.
Luca giới thiệu cha mẹ của Giăng Baptit, và cũng giới thiệu về Mari, mẹ Chúa Jesus.
Ông ghi lại lời ca tụng của Xa-cha-ri, cha Giăng Baptit, nhưng cũng nhắc lại bài ca tụng của Mari.
Luca kể về sự thụ thai lạ lùng của Ê-li-sa-bet trong lúc cao tuổi, và cũng kể về sự thai dựng diệu kỳ trong lòng trinh nữ Mari.
Cả Giăng Baptit và Chúa Jesus đều được đặt tên trước khi được thai dựng.
Luca cũng kể một vài chi tiết tưởng như không ăn nhập gì vào câu chuyên như:
“Khi biết mình có thai Ê-li-sa-bet ẩn mình đi năm tháng”(Luca 1:24)
Và Mari sau khi chịu thai đã đến
“ở với Ê-li-sa-bet chừng ba tháng, rồi trở về nhà mình” (Luca 1:56)
Cách viết song đối giữa Ê-li-sa-bet và Mari, giữa Giăng Baptit và Chúa Jesus, cách viết về các chi tiêt trong mối quan hệ giữa Ê-li-sa-bet và Mari được ký thuật không phải ngẫu nhiên, nhưng sắp xếp một cách cố ý, để minh họa vai trò của Giăng Baptit và vai trò của Chúa Jesus, trong chương trình cứu chuộc của Đức Chúa Trời cho con người..
Vậy vai trò của Giăng Baptit là vai trò gì?
Luca viết về cha mẹ của Giăng Baptit như sau:
“ về đời vua Hê-rôt nước Giu-đa,
có một thầy tế lễ, thuộc về ban Abijah tên là Xa-cha-ri
vợ người là Ê-li-sa-bet, cháu gái Aaron.
Cả hai đều là công bình trước mặt Đức Chúa Trời,
vâng giữ mọi điều răn và lễ nghi của Chúa
một cách không chỗ trách được.
Hai người không có con, vì Ê-li-sa-bet son sẻ, và cả hai đều cao tuổi”
(Luca 1:5-7)
Cách diễn đạt của Luca cho thấy: hai vợ chồng Xa-cha-ri đáng được xem là những đứa con tận tụy của luật pháp, và là những đại diện ưu tú của giao ước cũ.
Khi viết “ hai người không có con, vì Ê-li-sa-bet son sẻ”,một mặt Luca diễn tả cảnh thật, cảnh đau buồn của một gia đình trông đợi con cái, trông đợi đến mỏi mòn, tuyệt vọng nhưng chưa thấy.
Mặt khác, nếu hiểu rằng vợ chồng Xa-cha-ri là đại diện cho Luật pháp, thì rõ ràng Luca đang ngụ ý rằng luật pháp đang son sẻ, luật pháp không sản sinh ra con người công nghĩa như mong đợi
.Sứ đồ Phao Lô viết :
”Vả lại, không hề có ai cậy luật pháp
mà được xưng công bình trước mặt Đức Chúa Trời” (Galati 3:11).
Tuy vậy đến cuối cùng, bởi sự thương xót của Đức Chúa Trời ,và trong ý định đời đời của Ngài, gia đình Luật Pháp Xa-cha-ri và Ê-li-sa-bet đã có con:
“Ấy là ơn lớn Chúa đã làm cho tôi,
khi Ngài đoái đến tôi, để cất sự xấu hổ tôi,
giữa mọi người” (Luca 1:25)
Giăng Baptit đã tới,ông là kết tinh tốt đẹp nhất của luật pháp, là đứa con tinh tuyền nhất của Luật pháp.
Trong sự soi dẫn của Chúa Thánh Linh: Giăng là hiện thân của Luật pháp.
Trong Galati (4:21-25) Sứ đồ Phao lô dùng cách viết song đối khi giới thiệu hai người nữ là Aga và Sara, hai con của họ là Ich-ma-en và Ysac để chỉ hai giao ước và dòng dõi của hai giao ước:
“Một là con của người nữ tôi mọi,
một là con của người nữ tự chủ.
Nhưng con của người nữ tôi mọi sanh ra theo xác thịt,
con của người nữ tự chủ sanh ra theo lời hứa
Cả hai điều đó có một nghĩa bóng:
Hai người nữ đó tức là hai lời giao ước.
(Galati 4:22-24)
Luca cũng vậy, Luca giới thiệu hai người nữ, và hai người con của họ, để nói về hai sự ban cho của Đức Chúa Trời: Luật pháp và Ân điển;
Giăng là hiện thân của luật pháp.
Còn “Ân điển và chân lý bởi Đức Chúa Jesus mà đến” (Giăng 1:17)
Cả bôn sách Phúc âm đều nhắc lại lời chứng của Giăng Baptit rằng
“Ta là tiếng kêu trong sa mạc:
Hãy ban bằng đường cho Chúa”.
Tự xưng mình là tiếng kêu, tự làm biến mất mình, để người khác không nhìn thấy một Giăng Baptit đang rất nổi tiếng, hầu cho mọi người hướng mắt, chú lòng vào “Đấng Chân lý và Ân điển”
Khi Giăng tự biến mình thành “Tiếng Kêu”, ấy là để “Tiếng Kêu” bày tỏ “Ngôi Lời”, Lúc Giăng biến mất mình, cũng là lúc ông thể hiện mình rõ nhất:
Ông không còn là một người, một cá nhân nhưng là hiện thân của luật pháp, một luật pháp tinh tuyền, đầy đủ của Đức Chúa Trời. Một luật pháp không chỉ là những lề luật của lễ nghi, hay khuôn phép trong sinh hoạt đời thường, nhưng là luật pháp đóng vai trò bày tỏ ân điển lớn lao của Đức Chúa Trời trong sự cứu chuộc của Đấng Cứu Thế. Sứ đồ Phao lô viết:
Ấy vậy, Luật pháp đã như thầy giáo,
đặng dẫn chúng ta đến Đấng Christ,
hầu cho chúng ta bởi đức tin mà được xưng công bình.
(Galati 3:24).
Giăng là hiện thân của luật pháp Đức Chúa Trời, nên không lạ gì khi tất cả các tác giả Phúc âm viết về ông như một thẩm quyền, thẩm quyền khiến “ai nấy đều tin”, thẩm quyền để “dân thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê đều đến cùng người”.
Chi tiết “Ê-li-sa-bet khi có thai bèn ẩn mình đi trong năm tháng” là cách Luca diễn tả khoảng yên lặng gần năm trăm năm giữa Cựu và Tân ước.Giữa thời kỳ của Luật pháp và Ân điển. Những năm tháng của đợi chờ và hy vọng.
Chi tiết “Mari ở lại trong nhà Ê-li-sa-bet trong ba tháng, rồi trở về nhà mình” bày tỏ mối quan thiệp buổi đầu của luật pháp và ân điển.
“Ba tháng” gợi cho chúng ta về ba mươi năm đầu trên đất của Chúa Jesus.
Trong ba mươi năm đó, dù là “Ngôi Lời trở nên xác thịt”, nhưng Ngài đã thuận phục Luật pháp của Đức Chúa Trời. Ngài đồng ý để Giăng làm phép Bap-tem cho mình
như là “làm trọn mọi việc công bình” vì Luật pháp của Đức Chúa Trời phải đến trước để “ ban bằng đường” cho Ân điển. “Tiếng Kêu” đã được dùng để bày tỏ “Ngôi Lời”
Là hiện thân của luật pháp, Giăng Baptit đã sống trọn vẹn đời sống luật pháp: đời sống thánh thiện, đời sống khắc khổ đối với bản thân: “mặc áo bằng lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng”.
Sử gia Josephus viết về ông rằng
“Giăng là người thánh thiện, khuyên dân chúng sống đức hạnh, đối xử công bằng với nhau, tin kính Đức Chúa Trời, và hiệp nhau lại qua phép bap-tem”[2]
Là hiện thân của luật pháp, tiếng nói kết án của ông vang lên một cách mạnh mẽ nhằm vào người Pha-ri-si và Sa-đu-sê, những người tự cho mình công bình,là đại diện của luật pháp, nhưng thật ra chỉ là kẻ giả hình:
“Hỡi dòng dõi rắn lục kia, ai đã dạy
cho các ngươi tránh cơn giận ngày sau?
Vậy hãy kết quả xứng đáng với sự ăn năn” (Ma-thi-ơ 3:7)
Là hiện thân của luật pháp, ông cảnh cáo dân Y-sơ-ra-en rằng:
“Cái búa đã kề rễ cây,
cây nào không sanh trái tốt sẽ bị đốn và chụm”
(Ma-thi-ơ 3:10)
Cho dù người Y-sơ-ra-en tin rằng họ là dòng dõi Ap-ra-ham, và họ quan niệm rằng công đức của vị tổ phụ nầy không chỉ phu phỉ cho chính Ap-ra-ham, mà còn phu phỉ cho bất cứ người dân Y-sơ-ra-en nào.Là hiện thân của Luật pháp, Giăng Baptit cảnh cáo họ
“Đừng tự khoe rằng Ap-ra-ham là tổ chúng ta;
vì ta nói cho các ngươi rằng
Đức Chúa Trời có thể khiến đá nầy sanh con cái cho Ap-ra-ham được
(Ma-thi-ơ 3:9)
.
II. NGÀY THỨ HAI, GIỚI THIỆU CHÚA JESUS CHO CON NGỪOI
Kinh thánh chép:
Qua ngày sau, Giăng thấy Đức Chúa Jesus
đến cùng mình, thì nói rằng: Kìa chiên con của Đức Chúa Trời,
là Đấng cất tội lỗi của thế gian đi.
Ấy về Đấng đó mà ta đã nói:
Có một người đến sau ta, trổi hơn ta,
vì người vốn trước ta.Về phần ta,
ta vốn chẳng biết Ngài,
nhưng Đấng sai ta làm bap-tem bằng nước,
để Ngài được tỏ ra cho dân Y-sơ-ra-en.
Giăng lại còn làm chứng nầy nữa:
Ta đã thấy Thánh Linh từ Trời giáng xuống như chim bồ câu,
đậu trên mình Ngài.
Về phần ta, ta vốn không biết Ngài,
nhưng Đấng sai ta làm phép bap-tem bằng nước
có phán cùng ta rằng:
Đấng mà ngươi sẽ thấy Thánh Linh ngự xuống đậu lên trên,
ấy là Đấng làm phép bap-tem bằng Đưc Thánh Linh.
Ta đã thấy, nên ta làm chứng rằng:
Ấy chính Ngài là con Đức Chúa Trời (Giăng 1:29-34)
Giăng Baptit lúc nầy đã là nhà Truyền đạo nổi tiếng, ông có sức hút mạnh mẽ, đủ mọi tầng lớp trong xã hội đã đến với ông, đúng như thiên sứ đã báo trước về ông:
“Vì người sẽ trở nên tôn trọng trước mặt Chúa
Được đầy dẫy Đức Thánh Linh từ trong lòng mẹ” (Luca 1:15)
Đức Chúa Trời làm cho Giăng Baptit có sức thu hút lớn, đặt trên ông một thẩm quyền lớn, không phải để dùng cho ông, mà cho Chúa.. Vì sứ mạng của cuộc đời ông là mở đường cho Chúa Cứu Thế.
Giăng Baptit ban bằng đường cho Chúa bằng cách tự hạ mình hết mức trước Đấng phải được tỏ ra: Ông nói với các thầy tế lễ và người Lê-vy rằng”
“ nhưng có một Đấng ở giữa các ngươi
mà các ngươi không nhận biết.
Ấy là Đấng đến sau ta, ta chẳng đáng mở dây giày Ngài” (Giăng 1:27)
Trước hết Đức Chúa Thánh Linh khải thị cho Giăng, giúp ông có cách giới thiệu Chúa Jesus rất độc đáo:
Giăng Baptit đang là một nhân vật tiếng tăm lẫy lừng trong vòng dân Y-sơ-ra-en, đang là con người mà biết bao nhiêu ngươi đang trông đợi sẽ đem đến cho họ “điều gì đó thật đặc biệt”.
Và thật bất ngờ, “điều gì đó thật đặc biệt” chính là Đấng ông đang giới thiệu với tấm lòng khiêm nhu hết mức:
“Đấng đến sau ta, ta không xứng đáng mở dây giày Ngài”.
William Barcley giải thích câu nầy rất hay:
“ Giăng Baptit không nêu ra được một nghề nào hèn hạ hơn nữa, vỉ “mở dây giày” là công việc của nô lệ.Một ngạn ngữ của các Rabi bảo rằng môn đệ có thể làm cho thầy mình bất cứ điều gì một đầy tớ phải làm, ngoại trừ việc “mở dây giày”, việc đó quá hèn hạ cho một môn đệ. Dù vậy ở đây Giăng Baptit ngụ ý rằng : Với Đấng đang đến thì cả việc làm đầy tớ cho Ngài, ông cũng không xứng đáng”.[3]
Sự hạ mình của Giăng Baptit ở đây không phải là sự hạ mình của người thấp thỏi với một người cao trọng hơn mình, nhưng là sự hạ mình của một tạo vật với chính Đấng Tạo Hóa của mình, sự hạ mình của một con người cần được thương xót với Cứu Chúa của thế gian.
Kế đó Đức Chúa Thánh Linh đã khải thị một cách rất đặc biệt trên Giăng, giúp ông nhìn biết được vai trò lớn lao của Đấng đứng trước mặt mình.
Nhìn thấy Chúa Jesus đang đi về phía mình Giăng mạnh mẽ tuyên bố:
“Kìa chiên con của Đức Chúa Trời, Đấng cất tội lỗi của thế gian đi
Barcley viết về danh hiệu “Chiên con của Đức Chúa Trời” như sau:
“Chiên con của Đức Chúa Trời” đã trở thành cụm từ kỳ diệu. Tác giả sách Khải Huyền đã dùng danh hiệu nầy của Chúa Cứu Thế 29 lần trong sách của mình ,và “Chiên con của Đức Chúa Trời” đã trở thành một trong nhưng danh hiệu quí báu nhất của Chúa Cứu Thế, chỉ trong một cụm từ đã gói ghém được tình yêu thương, đức hy sinh, chịu khổ, và chiến thắng khải hoàn của Chúa Cứu Thế”[4]
Quả là, Đức Chúa Thánh Linh đã giúp Giăng bày tỏ về Chúa Jesus một cách thật phi thường:
“Chiên con của Đức Chúa Trời” có thể là chiên con của buổi sáng thế, chịu giết vì Adam và Ê-va, để che đậy sự lõa lồ của tổ phụ loài người.
“Chiên con của Đức Chúa Trời”, có thể là chiên con của lễ vượt qua, chịu giết để lấy huyết bôi lên cột nhà và mày cửa, hầu cho những ai ẩn mình dưới dòng huyết ấy, đều được an toàn.
“Chiên con của Đức Chúa Trời” cũng có thể là chiên con chịu giết hàng ngày, để dâng lên trong đền thờ vì tội lỗi của dân sự Chúa.
Dù là hình ảnh nào, thì chiên con cũng là hình bóng về Đấng chịu hy sinh vì tội lỗi của con người
Sự khải thị là phi thường nằm ở chỗ: chiên con chịu giết không phải để đền tội cho một người, một gia đình, một dân tộc, nhưng“chiên con chịu giết :
“ để cất tội lỗi của cả thế gian đi”.
Sau nữa Đức Chúa Thánh Linh cũng khải thị một cách lạ lùng để Giăng Baptit biết về bản thể của Chúa Jesus.
“Một người đến sau ta, trỗi hơn ta, vì Ngài vốn trước ta” ( Giăng 1:30)
Nhận thức “Ngài đến sau ta, nhưng Ngài vốn trước ta”, (vì “Ngài là đời đời”), thật là một nhận thức lạ lùng, vượt quá trí hiểu của những người đang đứng cùng Giăng lúc đó : Người nầy là ai? Mà dù “đến sau ta, trỗi hơn ta, vì người vốn trước ta” Và có lẽ họ cũng không khỏi thắc mắc vì sao “Đấng trổi hơn ta” lại vừa mới đến để chịu Giăng làm phép Bap-tem.
Để giải tỏa thắc mắc cho những người quanh mình, và cũng để xác quyết đức tin cho chính mình hai lần Giăng tuyên bố rằng: “Ta vốn không biết Ngài”.
Thật ra Giăng vốn là bà con của Chúa, như vậy ông phải biết Ngài chứ?
Tuy nhiên khi nói “Ta vốn không biết Ngài” Giăng Baptit muốn nói rằng: ông đã không nhận ra Chúa Jesus chính là “ Chiên con của Đức Chúa Trời”, cho đến khi chính Đức Chúa Trời bày tỏ điều đó cho ông: Ông kể cho mọi người rằng:
“Về phần ta, “ta vốn chẳng biết Ngài,
nhưng ta đã đến làm phép Bap-tem bằng nước,
để Ngài được tỏ ra cho dân Y-sơ-ra-en.”
(Giăng 1:31)
Giăng tiếp:
“ Về phần ta ta vốn không biết Ngài,
nhưng Đấng sai ta làm bap-tem bằng nước
có phán cùng ta rằng:
Đấng mà ngươi sẽ thấy Thánh Linh ngự xuống đậu lên trên,
Ấy là Đấng, làm phép bap-tem bằng Đức Thánh Linh”
(Giăng 1:32-33)
Ông làm chứng rằng: “ta đã thấy” điều Đức Chúa Trời tỏ ra, nên ông xác quyết rằng:
“Ấy chính Ngài là con Đức Chúa Trời”
( Giăng 1:34)
III. NGÀY THỨ BA: GIỚI THIỆU CON NGƯỜI ĐẾN VỚI CHÚA JESUS
Ngày mai, Giăng lại ở đó với hai môn đồ mình,
nhìn Đức Chúa Jesus đi ngang qua, bèn nói rằng:
Kìa, chiên con của Đức Chúa Trời.
Hai môn đồ nghe lời đó, bèn đi theo Chúa Jesus.
Đức Chúa Jesus xây lại, thấy hai người đi theo mình,
thì phán rằng: “các ngươi tìm chi?
Thưa rằng: Rabi, Thầy ở đâu?
Ngài phán rằng:Hãy đến xem.
Vậy hai người đi, thấy nơi Ngài ở,
và ở lại đó cùng Ngài trong ngày đó,
lúc bấy giờ độ chừng giờ thứ mười”
. (Giăng 1:35-39).
Một lần nữa, khi thấy Đức Chúa Jesus đi ngang qua Giăng Baptit lại nói về Ngài:
“Kìa chiên con của Đức Chúa Trời”
Câu nói của Giăng Baptit lần nầy, không nhắm đến đám đông người vẫn thường đến nghe Giăng, nhưng nhắm đến hai môn đệ thân cận đang đứng gần ông.
Chúng ta không biết những môn đệ nầy có mặt, trong những ngày trước hay không?, khi Giăng Baptit làm chứng về Chúa Jesus cho các thầy tế lễ và người Lê-vy rằng: “Đấng đến sau ta, trỗi hơn ta, ta không đáng cởi dây giày Ngài” hoặc cho đám đông quần chúng rằng : “Ta đã thấy, và ta làm chứng rằng: Ấy chính Ngài là con Đức Chúa Trời”.
Thực ra dù có mặt hay không có mặt, những tuyên bố của Giăng Baptit nhất định đã đến với họ một cách đầy đủ. Vì rằng những người từng đến với Giăng Baptit trong nhưng ngày qua, không thể không ngạc nhiên về những tuyên bố quá đổi lạ lùng của Giăng Baptit, huống chi là những môn đệ thân tín của ông như Giăng, như Anh- rê.
Rõ ràng hai môn đệ nầy đã có thời gian suy nghiệm về những phát biểu của Giăng Baptit.
Lời của Giăng Baptit lúc nầy không chỉ nhắc họ về bản thể của Chúa Jesus, nhưng đưa họ đến một chọn lựa:
Hoặc chọn lựa trung thành với người thầy lâu nay mình vẫn tôn kính, người thầy vừa mới tuyên bố rằng
“ta không phải Đấng Christ, không phải Ê-li, không phải là Tiên tri,
.ta là tiếng kêu trong sa mạc hãy ban bằng đường cho Chúa”
Hoặc chọn lựa Đấng mà ngón tay thầy đang chỉ vào, kèm theo với lời chứng:
“ kìa chiên con của Đức Chúa Trời”
Trung thành với một con người và trung thành với lời dạy của người ấy là hai vấn đề khác nhau. Chúa Jesus đã từng dạy cho các môn đồ rằng:
“Các thầy thông giáo và người Pha-ri-si ngồi trên ngôi của Môi-se
vậy hãy làm và giữ theo mọi điều họ bảo các ngươi,
nhưng đừng bắt chước việc làm của họ,
vì họ nói mà không làm. (Ma-thi-ơ 23:1-3).
Giăng và Anh rê, hai môn đệ của Giăng Baptit, đã chọn lựa trung thành với lời dạy của thầy: Họ rời thầy mình và đi theo Chúa Jesus.
Việc đặt Giăng, Anh-rê, những môn đệ rất thân quí của mình vào tay Chúa Jesus, có lẽ là việc làm khó nhất, và là việc làm lớn nhất của Giăng Baptit.
Ông không chỉ biến mất mình “qua tiếng kêu trong sa mạc” nhưng đã bằng lòng biến mất mình trước mắt những môn đệ rất thân yêu, đã bao ngày theo mình, quí trọng và trung thành với mình
Ngày thứ ba của Giăng Baptit khép lại ở đây, Hai môn đệ của ông ngập ngừng trong những bược chân theo người thầy mới.
Đức Chúa Jesus thấy họ không phải chỉ ngay lúc đó. Ngài thấy họ từ trước vô cùng và Ngài cũng thấy họ trong tương lai xa: Họ là trụ, là nền cho một thế giới mới của Ngài. Ngài chào đón họ bằng câu hỏi tưởng như đơn giản ;
“các ngươi tìm chi” (Giăng 1:38a).
Chúa Jesus muốn mỗi người theo Ngài, hiểu rõ động cơ của họ trước khi dấn bước. Động cơ theo Chúa đúng, dẫn người theo đến sự sống đời đời. Động cơ sai trật luôn dẫn đến sai trật và thất bại.
“Các ngươi tìm chi”: danh vọng chăng? địa vị? quyền thế? tiền bạc?, sự an nhàn?
Sứ đồ Phao lô cũng cảnh cáo đối với nhóm người theo Chúa với động cơ sai trật nầy:
“Nếu chúng ta chỉ có sự trông cậy trong Đấng Christ về đời nầy mà thôi
thì trong cả mọi người, chúng ta là kẻ khốn nạn hơn hết.
(I Corinhto15:19)
Giăng và Anh-rê ngập ngừng hỏi Chúa:
“ Rabi, Thầy ở đâu?” (Giăng 1:38b)
Tuy là câu hỏi lại, nhưng thật ra câu nầy cũng mang ý nghĩa trả lời câu hỏi của Chúa.
Chúng tôi không muốn đến với Thầy như một người qua đường, chúng tôi muốn biết:
“chỗ ở” của Thầy.
“Chỗ ở” của Chúa dưới ngòi bút của Sứ đồ Giăng, không chỉ là một căn nhà, một phòng trọ… nhưng còn hơn thế nữa.
Giăng và Anh-rê đã từng biết chỗ ở của Giăng Baptit thầy mình, họ đã từng ở với ông. Bây giờ trong bước ngập ngừng theo Chúa, họ cần biết “chỗ ở” của Ngài. Vì đó cũng sẽ là “ chỗ ở” của chính cuộc đời họ.
Chính Ngài là “chỗ ở” của những kẻ đến với Ngài.
Há Ngài không từng mời gọi người theo Ngài rằng “Hãy cứ ở trong ta sao”???.
Chúa Jesus rất sẵn lòng cho những con người tìm kiếm chính Ngài chứ không phải điều gì khác. Ngài phán với họ
“Hãy đến xem”(Giăng 1:39)
KẾT LUẬN
Một cuộc đời được đánh giá là thành công hay không thành công, không phải ở chỗ người ấy sống thọ hay chết sớm, không phải ở chỗ người ấy có hay không có được danh vọng, quyền thế địa vị gì trong đời nầy.
Người thành công trước mặt Chúa, là người làm xong nhiệm mạng mà Đức Chúa Trời định cho mình. Chính Con Một của Đức Chúa Trời trước khi thở hơi cuối cùng, như một con người trên đất, đã nói về nhiệm mạng của mình rằng:
“mọi việc đã được trọn”.( 19:30)
Giăng Baptit đã làm trọn nhiệm mạng mình trên đất:
Khi Giăng Baptit chỉ tay vào Chúa Jesus và tuyên bố với mọi người rằng: “Kìa chiên con của Đức Chúa Trời, Đấng cất tội lỗi của thế gian đi” Giăng Baptit đã:
“ Đem lòng cha trở về con cái
Kẻ loạn nghịch đến sự khôn ngoan của người công bình”
(Luca:1:17a)
Và khi Giăng và Anh-rê bước chân đến nơi ở của Chúa Jesus cũng là lúc Giăng Baptit hoàn tất nhiệm mạng mình vì:
“Đã sửa soạn cho Chúa một dân sẵn lòng” ( Luca 1:1b7)
TS NGUYEN VĂN CẨM
.