Sáng thế ký 45: 1-15
Khi nghe Giu đa nói về tình yêu thương giữa cha và Bên gia min thì Giô sép không cầm lòng được nữa, nên Ông đuổi những người hầu đi khỏi đó và nói thật với các anh rằng: "Tôi là Giô sép." Chàng không còn giấu mình với anh em nữa.
Khi nói tôi là Giô sép thì Giô sép khóc, còn các anh của chàng thì "bối rối." Chàng nói tiếp: "Tôi là Giô-sép, em mà các anh đã bán để bị dẫn qua xứ Ê-díp-tô." (45:4).
Theo Quý vị nghĩ thì khi Giô sép nói câu nầy các anh có sợ Giô sép không? Có lẽ họ rất sợ. Tại vì các anh có thể nghĩ rằng: "Ngày trước mình đã xuống tay tàn nhẫn với nó, nay nó làm Tể tướng, chắc nó sẽ trả thù."
Các anh bối rối quá, không biết tính sao?
- Bây giờ chạy trốn! Làm sao chạy trốn khỏi, khi các anh hoàn toàn nằm trong tay Giô sép.
- Bây giờ chối tội. Chối sao được, miệng nào để chối chính việc làm của mình, dù đã hơn hai mươi năm, nhưng vẫn hiện ra rõ ràng trước mắt!
Thưa Qúy vị, học đều nầy tôi nghĩ đến khi mà tất cả tội nhơn sẽ phải đứng trước Ðức Chúa Trời để chịu Ngài đoán xét. Lúc đó Ðức Chúa Trời phán với tội nhơn: "Ngươi đã phạm tội." Chừng đó sẽ không có một người nào dám cãi lại với Ðức Chúa Trời. Cho đến nỗi Kinh Thánh nói rằng: "…miệng nào cũng phải ngậm lại." (Rô ma 3: 19). Tại vì tội lỗi của mỗi người quá rõ ràng, chính mình biết và Ðức Chúa Trời dư biết. Làm sao mở miệng chối được!
Nhưng đối với các con dân của Chúa thì có Tin mừng. Tin mừng đó là "….chẳng còn có sự đoán phạt nào cho những kẻ ở trong Ðức Chúa Jêsus Christ." (Rô-ma 8:1). Cám ơn Ðức Chúa Jêsus.
Thấy các anh bối rối, Giô sép chân thành nói với họ: "Bây giờ, đừng sầu não, và cũng đừng tiếc chi về điều các anh đã bán tôi đặng bị dẫn đến xứ nầy; vì để giữ gìn sự sống các anh, nên Ðức Chúa Trời đã sai tôi đến đây trước các anh." (Sáng thế ký 45: 5). Giô sép nói gì đây? Giô sép nói tôi không giận các anh đâu. Tôi tin rằng Ðức Chúa Trời sắp đặt mọi việc, Ngài sai tôi qua Ai cập, chớ không phải tại vì các anh bán tôi đi. Xin các anh hãy yên tâm.
Giô sép nói tới đây các anh cũng làm thinh. Họ không dám tin lời Giô sép nói là sự thật. Tại vì việc ném chàng xuống giếng để giết chàng, rồi kéo chàng lên bán chàng lấy tiền xài, cho chàng làm nô lệ, để chết trong nhọc nhằn đau khổ, thì đó là mối tử thù chớ không phải việc dễ dàng bỏ qua.
Thưa Quý vị, theo Quý vị thì Giô sép đã tha thứ cho các anh thật không?
Học tới đây tôi nghĩ đến tình yêu của Ðức Chúa Jêsus đối với mỗi chúng ta là những tội nhơn. Ðức Chúa Jêsus tha thiết nói với tội nhơn rằng: "Ai tin Con được sự sống đời đời." Vì "Con người đã đến … để phó sự sống mình làm giá chuộc cho nhiều người..." (Mác 10: 45). Nhiều người trả lời với Ðức Chúa Jêsus là: "Sao dễ quá vậy? Tôi phạm tội thì phải có công đức để chuộc tội chớ!" Sở dĩ Chúa tha thứ dễ dàng cho tội nhơn, là vì Chúa yêu thương họ. Nhưng họ không biết. Họ nghi ngờ. Rồi họ chối từ tình yêu cứu rỗi của Ngài. Họ đành chịu sống dưới ách tội lỗi để vịnh vào việc làm lành mong được cứu. Mà việc làm lành của loài người chỉ là cái "áo nhớp" (Ê sai 64:6) trước mặt Ðức Chúa Trời mà thôi! Thật là tiếc cho họ!
Nhưng có nhiều người khác bằng lòng tin nhận Ðức Chúa Jêsus. Họ vui mừng học biết Kinh Thánh dạy rằng: "…. nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu, điều đó …. là sự ban cho của Ðức Chúa Trời…. Chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình;" (Ê phê sô 2:8-9). Cảm tạ ơn Chúa.
Thấy các anh vẫn chưa an lòng, Giô sép nói tiếp: "Ðức Chúa Trời sai tôi đến đây trước, đặng làm cho các anh còn nối dòng trên mặt đất, và nương một sự giải cứu lớn đặng giữ gìn sự sống cho anh em." (Sáng thế ký 45: 7).
Những biến cố trong cuộc đời của Giô sép từ ngày cha Gia cốp sai đi vào đồng vắng để thăm các anh, Ông đã qua những gia đoạn: Bị họ bán qua Ai cập, làm nô lệ, bị vợ Phô ti pha cám dỗ, bà ta vu cáo, chàng ở tù. Nơi tù giam, chàng bàn mộng cho Quan Tửu Chánh rồi bị Quan Tửu Chánh quên đi, không nhớ gì đến chàng cả. Ở tù thêm hai năm nữa, Quan Tửu Chánh sực nhớ đến chàng…… Tất cả nỗi đau nầy Giô sép không cho rằng tại vì các anh tàn nhẫn với mình, nhưng chàng lại thấy Ðức Chúa Trời ban phước cho mình. Ngài là Ðấng thương xót dùng chàng để giải cứu nhiều người qua cơn đói kém. Giô sép nêu cho chúng ta tấm gương đầu phục Chúa rất quý báu.
Chúng ta để ý mọi việc xảy ra thường có hai mặt của nó. Một mặt tiêu cực và một mặt tích cực. Giô sép cho chúng ta tấm gương quý báu. Ðó là chàng nhìn sự gian truân đã qua bằng cái nhìn tích cực. Chàng thấy Ðức Chúa Trời đã ban phước và chàng không chú ý đến các anh tàn nhẫn với mình. Nhìn Chúa để thấy sự nhơn từ của Ngài, tốt hơn là chỉ nhìn vào các anh để thấy sự bất nhân của họ.
Ðiều nầy dạy chúng ta rằng: Hãy đếm những ơn phước Chúa ban để vui vẻ tạ ơn Ngài, hơn là ngồi nhớ lại những điều xấu của người khác đối với mình, chỉ làm cho lòng đau xót, chẳng ích lợi gì! Kinh Thánh dạy: "Hãy vui mừng nơi Ðức Giê-hô-va, Cảm tạ sự kỷ niệm thánh của Ngài." (Thi Thiên 97:12).
Giô sép nói: "Tôi là Giô sép," các anh choáng váng vì quá bất ngờ! Quan Tể Tướng là Giô sép sao? Giô sép nói tiếp: "Các anh hãy mau mau trở về cùng cha đi, và nói với người rằng: Giô-sép, con của cha, có nói như vầy: Ðức Chúa Trời đã đặt tôi làm chúa cả xứ Ê-díp-tô, cha hãy xuống với tôi." (Sáng thế ký 45: 9-10).
Chúng ta suy nghĩ xem các anh có dám tin rằng Ông Quan Tể tướng đang nói chuyện với mình là Giô sép không? Bây giờ thì Giô sép đã đuổi hết những người hầu ra ngoài và chàng nói tiếng Hê bơ rơ với các anh chớ chàng không còn nói tiếng Ai cập nhờ thông dịch nữa.
Tôi có kinh nghiệm là bây giờ, sau nhiều năm xa cách anh em hiện ở Việt Nam, nhưng nay khi nói chuyện qua điện thoại, tôi nhận ra tiếng người đang nói chuyện với tôi là ai. Cho nên dù đã 22 năm xa cách, chúng ta tin rằng qua tiếng nói, các anh nhận được người nói chuyện với họ là Giô sép, vì họ quen tiếng nói của chàng.
Trong con đường theo Chúa của chúng ta cũng vậy, mỗi con dân của Chúa rất cần biết tiếng của Chúa. Có câu hát hay lắm: "Lúc danh sách khởi xướng, mừng nghe Giê su gọi tôi." Ngày Chúa tái lâm mà chúng ta không nghe được tiếng Ðức Chúa Jêsus gọi tên mình thì đau khổ biết bao! Ðức Chúa Giê su phán: "Chiên ta nghe tiếng ta, ta quen nó, và nó theo ta." (Giăng 10: 27). Nghe tiếng Chúa là khi tiếng Chúa phán với chúng ta qua Lời Kinh Thánh và khi tấm lòng chúng ta hướng về Chúa cầu nguyện và tìm kiếm sự dạy dỗ của Ngài. Cho nên muốn nghe tiếng Chúa, chúng ta phải cầu nguyện, đọc Kinh Thánh để quen với Lời của Ngài.
Phần nhiều trong chúng ta đều thích bài hát: "Xin cho con biết lắng nghe: Lời Ngài dạy con trong đêm tối." Tôi muốn sửa lại là: "Xin cho con biết lắng nghe: Lời Ngài dạy con trong đêm Thứ Bảy." Vì cuối tuần Lời Chúa nhắc chúng ta: "Ngày mai đi nhà thờ," thì chúng ta lại nghe tiếng khác nói rằng: "Nghỉ một bữa có sao đâu?" Chúa dạy: "Chiên Ta nghe tiếng Ta." Khi có hai tiếng nói đối ngược với nhau như vậy, Quý vị thường nghe tiếng của ai? Quý vị có quen nghe tiếng Chúa và có thể biết đó là tiếng Chúa không?
Nếu để ý, chúng ta thấy từ lúc Giô sép nói câu: "Tôi là Giô sép," thì các anh không nói câu nào cả. Không ai nói thì Giô sép nói. Chàng nói nào là các anh đừng sầu não… nào là Chúa sai tôi đến đây… nào là các anh trở về cùng Cha và nói cho biết mọi sự … nào là mời cha qua đây sống, tôi lo hết v.v…. Giô sép nói nhiều để bày tỏ tấm lòng chân thật của chàng, nhưng các anh không đáp lại câu nào cả. Các anh của Giô sép có lỗi, lẽ ra họ nói: "Bây giờ các anh biết các anh có lỗi với em. Các anh xin lỗi em." Nhưng họ đứng yên. Khi họ đứng yên thì Giô sép đến với họ. Giô sép ôm Bên gia min khóc. Rồi chàng cũng ôm các anh mà khóc.
Giô sép đã thực hành một điều đúng như ý Chúa dạy: "…. khi nào ngươi đem dâng của lễ nơi bàn thờ, mà nhớ lại anh em có điều gì nghịch cùng mình, thì hãy để của lễ trước bàn thờ, trở về giảng hòa với anh em trước đã; rồi hãy đến dâng của lễ." (Ma thi ơ 5: 23-24). Xin nhớ Ðức Chúa Jêsus dạy: Hãy giảng hòa với anh em, khi "Anh em có điều gì nghịch cùng mình" chớ không phải "mình có điều gì nghịch cùng anh em."
Giô sép là con dân của Chúa. Hằng ngày Ông dâng của lễ lên Chúa là sự thờ phượng Chúa và những lời cầu nguyện với Ngài. Ông thấy anh em của Ông có làm điều nghịch cùng Ông, Ông sẵn sàng bước tới với anh em để giảng hòa với anh em. Như vậy của lễ của Ông dâng lên mới đẹp lòng Chúa.
Còn chúng ta thì sao? Cha mẹ với con cái thì sao? Con cái với cha mẹ thì sao? Vợ nghịch cùng chồng, kiếm chuyện với chồng, chồng có bằng lòng mời vợ ngồi lại rồi giải hòa với vợ không? Chồng nghịch cùng vợ, kiếm chuyện với vợ, vợ có bằng lòng mời chồng ngồi lại để giải hòa với chồng không? Chúng ta phải vâng lời Chúa làm hòa với người nghịch cùng mình thì chúng ta mới được phước.
Cầu xin Ðức Chúa Trời dạy chúng ta tấm gương của Giô sép vâng theo lời Chúa để đời sống chúng ta mỗi ngày đẹp lòng Ngài. A-men.
Mục sư Trần Hữu Thành