KT: Sáng. 22: 6-8; Giăng 17.
Kinh thánh dành khá nhiều chỗ nói về người cha và con cái từ Cựu Ước đến Tân Ước. Điều đó cho thấy chắc chắn người cha có một vai trò rất quan trọng trong cuộc sống. Chúng ta cùng nhau suy gẫm hình ảnh người cha được ghi lại trong Thánh kinh.
Sách Sáng –thế- ký chương 22, từ câu 6-8 có đề cập đến hình ảnh hai cha con là Áp-ra-ham và Y-sác rất cảm động như sau:
“Áp-ra-ham lấy bó củi để dâng tế lễ thiêu chất trên vai Y-sác, con mình và cầm theo mồi lửa và một con dao. Rồi hai cha con cùng đi. Y-sác nói: “Cha ơi!”
Áp-ra-ham đáp: “Có cha đây, con!”
Y-sác hỏi: “Củi lửa có sẵn rồi, nhưng chiên con ở đâu để dâng tế lễ thiêu?”
Áp-ra-ham đáp: “Con ơi, Đức Chúa Trời sẽ cung ứng chiên con làm tế lễ thiêu!” Hai cha con tiếp tục đi với nhau.”
Hình ảnh hai cha con ở đây hiện lên thật đầy tình cảm. Tình cảm cha con sâu đậm ấy thể hiện qua sự hỏi - đáp của hai cha con: “Cha ơi!”, “Có cha đây, con!” Rồi Y-sác thể hiện sự lo lắng thay cho cha yêu dấu của mình: “Củi lửa có sẵn rồi, nhưng chiên con ở đâu để dâng tế lễ thiêu?”. Áp-ra-ham đã làm cho con yên tâm bằng đức tin đặt nơi Chúa và cũng dạy cho con bài học đức tin về sự cung ứng của Chúa rằng: “Con ơi, Đức Chúa Trời sẽ cung ứng chiên con làm tế lễ thiêu!” Áp-ra-ham đã chứng tỏ được cho con cái của mình biết rằng cha mình thật là người có đức tin nơi Chúa. Hình ảnh hai cha con cứ tiếp tục đi với nhau cũng thể hiện được rằng Y-sác cũng có một đức tin thật nơi Chúa từ người cha kính yêu của mình truyền qua. Cảm tạ Chúa về tấm lòng kính sợ Chúa của hai cha con Áp-ra-ham và Y-sác. Ngay tại nơi đây tình cha con thuộc thể được thể hiện một cách hết sức sâu đậm và tình Cha con thuộc linh giữa hai cha con Áp-ra-ham và Y-sác với Đức Chúa Trời là Cha thiêng liêng của họ cũng thật hết mực. Không ai không cảm động khi đọc câu chuyện …đáng kính sợ nầy. Áp-ra-ham quả là người con thuộc linh yêu Cha thiêng liêng của mình vô bờ bến, yêu đến độ sẵn sàng giết con thuộc thể của mình để làm của tế lễ dâng lên cho Ngài, dù đó là đứa con độc nhất Chúa ban cho mình. Yêu Cha thiêng liêng đến mức độ như vậy, thì khó có ai kính yêu hơn thế nữa, nên ông xứng đáng nhận được danh hiệu là “Cha của nhiều dân tộc”. Đức Chúa Trời đẹp lòng cho việc làm đó của Áp-ra-ham và Ngài đã tuyên bố ban phước cho ông: “Ta sẽ ban phước hạnh cho con…Tất cả các dân tộc trên thế giới sẽ nhờ dòng dõi con mà được phước, vì con đã vâng lời ta.” Qua lời tuyên bố ban phước của Đức Chúa Trời dành cho Áp-ra-ham, có thể nói việc làm đẹp lòng nhất của một người con dành cho cha không gì khác hơn là sự vâng lời. Áp-ra-ham đã vâng lời Đức Chúa Trời là Cha thiêng liêng của ông hết mực và Y-sác cũng đã vâng lời cha thuộc thể của mình là Áp-ra-ham một cách chân tình.
Nguyện Chúa giúp đỡ mỗi một con dân Ngài biết vâng lời Cha trên trời mọi đàng như Áp-ra-ham và vâng lời cha thuộc thể trên đất như Y-sác để Đức Chúa Trời đẹp lòng và mỗi chúng ta được phước.
Trong Tân Ước, Kinh thánh cũng có chép lại một câu chuyện rất cảm động về hình ảnh mối quan hệ Cha – Con vô cùng sâu đậm. Trong sách Giăng, chương 17, ghi lại lời cầu nguyện của chính Chúa Giê-su dành cho Đức Chúa Cha như sau: “Thưa Cha, giờ đã điểm, xin tôn vinh Con của Cha để Con cũng tôn vinh Cha, vì Cha đã ban cho Con thẩm quyền trên tất cả chúng sinh, cốt để Con cũng ban sự sống vĩnh phúc cho mọi người Cha đã giao cho Con. Sự sống vĩnh phúc chính là nhận biết Cha là Đức Chúa Trời chân thật duy nhất và Chúa Cứu Thế Giê-su mà Cha sai đến.
Con đã tôn vinh Cha trên đất, đã hoàn tất công việc Cha giao cho Con làm, nên bây giờ thưa Cha, xin chính Cha tôn vinh Con trước mặt Cha bằng vinh quang mà Con vốn có lúc ở cùng Cha, trước khi vũ trụ hiện hữu.”(Sách Giăng, chương 17, câu 1-5).
Lời cầu nguyện của Chúa Giê-su với Đức Chúa Cha thể hiện một mối liên hệ hết sức sâu đậm giữa Ngài trong vai trò là Con đối với Cha của mình. Chúng ta biết rằng, mặc dù Chúa Giê-su, Ngài cũng chính là Đức Chúa Trời, Đấng Tạo Hoá tối cao(Giăng 1: 1 - 3), nhưng khi giáng sinh thành nhục thể, trở thành Con người sống giữa vòng loài người để cảm thương mọi yếu
đuối của con người, hầu thi hành công tác cứu chuộc họ ra khỏi tội lỗi, ra khỏi bàn tay độc ác của ma quỷ, Ngài hoàn toàn vâng phục Đức Chúa Cha trong mọi sự. Chính Ngài đã thưa với Đức Chúa Cha rằng: “Con đã tôn vinh Cha trên đất, đã hoàn tất công việc Cha giao cho con làm.” Trong vai trò là Con người để cứu rỗi nhân loại, Ngài luôn luôn làm đẹp lòng Đức Chúa Cha. Ngay cả trước khi lên thập tự giá chịu cái chết đau đớn cùng tột, trước giờ phút đau thương kinh khiếp ấy, Ngài cũng làm theo ý của Cha Ngài, Ngài đã xin với Đức Chúa Cha rằng: “A ba, Cha, mọi sự Cha có thể làm được, xin cất chén nầy khỏi con; nhưng không theo ý con, mà theo ý Cha.”(Sách Mác, chương 14, câu 36). Thật là một sự vâng phục trọn vẹn. Chúa Giê-su thật sự đã “tôn vinh Cha trên đất, đã hoàn tất công việc Cha giao cho Con làm.” bằng sự vâng lời tuyệt đối. Chính Đức Chúa Cha đã xác nhận về sự làm đẹp lòng Cha của Chúa Giê-su: “Đây là Con yêu dấu của Ta, đẹp lòng Ta hoàn toàn.”(Sách Ma-thi-ơ, chương 17, câu 5). Bởi sự vâng lời trọn vẹn như thế, nên Chúa Giê-su đã trở nên của lễ trọn vẹn để thi hành sự cứu rỗi cho toàn nhân loại. Ngài chính là Chiên Con của Đức Chúa Trời, là Đấng cất tội lỗi thế gian đi. Ngài trở nên Đấng Cứu - thế của mọi người trải qua mọi thời đại, chẳng có bất kỳ “sự cứu rỗi trong Đấng nào khác”(Sách Công vụ, chương 4, câu 12)ngoài Ngài. Thánh Phao-lô đã xác nhận: “Trong Chúa Cứu Thế, chúng ta nhờ huyết Ngài được cứu chuộc, được tha thứ các tội phạm theo lượng ân sủng phong phú mà Đức Chúa Trời đã ban xuống tràn đầy trên chúng ta cùng với tất cả sự khôn ngoan và thông sáng.”(Sách Ê-phê-sô, chương 1, câu 7, 8).
Bài học về sự vâng lời cha qua hai tấm gương tiêu biểu trong Kinh thánh mà chúng ta suy gẫm đây thật vô cùng đáng quý, và đáng noi theo biết bao. Bởi sự vâng lời Cha thiêng liêng của mình cách tuyệt đối khi bằng lòng dâng đứa con một hết mực yêu quý là Y-sác cho Ngài, Áp-ra-ham trở thành “cha của các dân tộc”(Sách Sáng-thế-ký, chương 17, câu 5), trở thành “ông tổ đức tin” của mọi người tin thờ Chúa trải qua mọi thời đại. Đức Chúa Trời đã ban phước cho Áp-ra-ham, cho dòng dõi ông, dân tộc ông cách dồi dào. Và qua ông cả thế giới nầy cũng nhận được phước nữa. Bởi sự vâng lời trọn vẹn Đức Chúa Cha, cho dù phải hy sinh cả mạng sống của mình cách cực kỳ đau đớn trên thập tự giá, Chúa Giê-su trở thành Đấng Cứu-thế của toàn thể nhân loại trên địa cầu nầy. Bởi sự vâng phục cho đến chết đó, mà Ngài đã mở ra “một con đường mới và sống”(Sách Hê-bơ-rơ, chương 10, câu 20) cho con người được tự do đến với Đức Chúa Trời qua niềm tin đặt nơi chính mình Ngài.
Là những người làm con cái, hãy học đòi hai tấm gương vâng phục nầy để sống và phục vụ, chắc chắn cha mẹ phần xác chúng ta sẽ vui lòng, và Cha thuộc linh cũng sẽ ban phước cho chúng ta chẳng sai.
Lời Chúa trong I Sa-mu-ên, chương 15, câu 22 dạy về sự vâng lời rằng: “Vâng lời chắc chắn tốt hơn dâng sinh tế. Chú tâm nghe theo tốt hơn dâng mỡ chiên đực.”
Ca dao Việt Nam cũng dạy:
Cá không ăn muối cá ương
Con cưỡng cha mẹ trăm đường con hư.
Nhân ngày Lễ Phụ thân, xin kính chúc những người làm cha được dồi dào sức khoẻ và có được nhiều niềm vui trong niềm tin theo Chúa, cũng như trong cuộc sống hằng ngày.
Xin Chúa ban cho những người con trong gia đình biết vâng lời cha mẹ của mình như lời Chúa dạy để danh Cha trên trời được vinh hiển và cha mẹ của mỗi chúng ta cũng được thoả lòng và hãnh diện về con cái của mình. A men!
Mục sư Nguyễn - Đình - Liễu.