Kinh Thánh chép về việc Chúa Jesus chịu cám dỗ như sau:
“Bấy giờ, Đức Thánh Linh đưa Đức Chúa Jesus
đến nơi đồng vắng đặng chịu ma quỉ cám dỗ.
Ngài đã kiêng ăn bốn mươi ngày, bốn mươi đêm rồi, sau thì đói.
Quỉ cám dỗ đến gần ngài, mà nói rằng:
Nếu ngươi là con Đức Chúa Trời, thì hãy khiến đá nầy thành bánh đi.
Đức Chúa Jesus đáp: Có lời chép rằng:
Người ta sống không chỉ nhờ bánh mà thôi,
song nhờ mọi lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời.
Ma quỉ bèn đem Ngài vào nơi thành thánh, đặt
Ngài trên nóc đền thờ, và nói rằng:
Nếu ngươi là Con Đức Chúa Trời, thì hãy gieo mình xuống đi,
vì có lời chép rằng: Chúa sẽ truyền các thiên sứ gìn giữ ngươi
thì các đấng ấy sẽ nâng ngươi trên tay,
kẻo chân ngươi vấp nhằm hòn đá chăng.
Đức Chúa Jesus phán: Cũng có lời chép rằng:
Ngươi đừng thử Chúa là Đức Chúa trời ngươi.
Ma quỉ lại đem Ngài lên núi rất cao,
chỉ cho Ngài các nước thế gian, cùng sự vinh hiển của các nước ấy,
mà nói rằng:
Ví bằng ngươi sấp mình trước mặt ta mà thờ lạy,
thì ta sẽ cho ngươi hết thảy mọi sự nầy.
Đức Chúa Jesus bèn phán cùng nó rằng:
Hởi quỉ Satan, ngươi hãy lui ra.
Vì có lời chép rằng:
Ngươi phải thờ phượng Chúa là Đức Chúa Trời ngươi,
và chỉ hầu việc một mình Ngài mà thôi.
Ma quỉ bèn bỏ đi, liền có thiên sứ đến gần mà hầu việc Ngài”
Ma-thi-ơ 4:1-11
Việc Chúa Jesus chịu cám dỗ ở đây là một cuộc chiến sống còn giữa Con Đức Chúa Trời và Chúa quỉ. Cuộc chiến không chỉ là sự hơn thua giữa hai đối thủ, nhưng còn liên quan đến số phận của loài người: Con người hoặc được Con Đức Chúa Trời giải phóng ra khỏi cảnh nô lệ, hoặc phải cứ ở trong xiềng xích của ma quỉ, tùy thuộc vào kết quả của trận chiến nầy..
Đoạn Kinh Thánh nầy ký thuật về một cuộc chiến. Do vậy có thể xét đoạn Kinh Thánh nầy qua bốn phần
- Trước cuộc chiến
- Trận chiến thứ nhất
- Trận chiến thứ nhì
- Trận chiến thứ ba
I. TRƯỚC CUỘC CHIẾN
Câu thứ nhất trong đoạn Kinh thánh nầy chép:
Bấy giờ Đức Thánh Linh đưa Đức Chúa Jesus
vào đồng vắng đặng chịu ma quỉ cám dỗ (Ma-thi-ơ 4:1)
Có đôi điều đáng thắc mắc ở đây:
- Thứ nhất: Chúa Jesus dạy cho các môn đồ rằng khi cầu nguyện thi nói rằng :
”Xin chớ để chúng tôi bị cám dỗ, mà cứu chúng tôi khỏi điều ác”
(Ma-thi-ơ 6:13).
Vậy tại sao ở đây, chính Chúa Thánh Linh lại đưa Đức Chúa Jesus vào đồng vắng đặng chịu ma quỉ cám dỗ?
Không khó để trả lời câu hỏi nầy:
Từ cám dỗ Peirazo được dùng trong đoạn Kinh Thánh nầy có hai nghĩa:
Nghĩa thứ nhất là “thử thách” hay thử nghiệm để chứng minh một điều gì đó
Nghĩa thứ hai của từ Peizaro là dụ dỗ, gạ gẫm để người nào đó làm điều sai trật.
Như vậy nói rằng chúa Jesus chịu cám dỗ có nghĩa rằng Đức Chúa Trời cho phép ma quỉ thử thách Chúa Jesus để minh chứng rằng Ngài thật là Con Đức Chúa Trời.
Mặt khác nói rằng Chúa Jesus chiu cám dỗ cũng có nghĩa là Chúa đang bị ma quỉ dụ dỗ, gạ gẫm, để Ngài làm điều sai trật.
- Điều thắc mắc thứ hai là: Tại sao chúa Jesus phải chịu cám dỗ, trong khi các tiên tri, các thầy tế lễ thời Cựu ước không ai phải trải qua điều nầy khi bắt đầu chức vụ?
Câu trả lời là: Không cần thử nghiệm họ nữa, vì họ vốn thuộc Adam, mà mọi người sinh ra trong dòng Adam đều đã thất bại rồi, trong sự thất bại của Adam.
Riêng Chúa Jesus “Đấng đến từ Trời” (I cor 15:42-48) là Con Đức Chúa Trời, là Emmanuel (Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta), chính vì vậy Ngài phải chịu thử nghiệm để chứng tỏ rằng Ngài thật là Đấng đó.
Kinh thánh cũng chép:
“Ngài đã kiêng ăn bốn mươi ngày, bốn mươi đêm rồi, sau thì đói”
(Ma-thi-ơ 4:2)
Chúa Jesus chủ động kiêng ăn bốn mươi ngày, bốn mươi đêm trước khi chịu ma quỉ cám dỗ. Nhưng tại sao lại là kiêng ăn, mà không phải điều gì khác?
Có ít ra hai lý do như sau
- Trong các cám dỗ khác như tình dục, tiền bạc… người bị cám dỗ không đến nỗi phải ở làn ranh giữa sống và chết. Trái lại sau bốn mươi ngày kiêng ăn thân thể kêu gào thức ăn, và con người đang ở giữa sự sống và sự chết. Đó là lúc con người rất dễ thất bai, rất dễ bất chấp mọi sự dù là lẽ phải, danh dự, sự liêm chính, thánh thiện… để đổi lấy miếng ăn
- Lý do thứ hai của việc Chúa Jesus chủ động chọn lựa kiêng ăn, chọn lựa cái đói khủng khiếp, ấy là vì Ngài cần đứng vào chỗ thất bại của Adam.
Adam và Eva trong vai trò thủy tổ của loài người đã thất bại trước ma quỉ vì cái ăn. Adam và Eva đã không vâng phục Lời Đức Chúa Trời, qua đó Adam phạm tội và khiến mọi người thuộc đòng dõi Adam trở thành kẻ có tội.
Kinh Thánh chép::
“ như bởi sự không vâng phục của một người
mà mọi người khác đều thành ra kẻ có tội”(Roma 5:19a)
Chúa Jesus cần đứng vào chỗ của Adam, cần chịu cám dỗ bởi ma quỉ, qua cái ăn. Nhưng bởi sự thuận phục trọn vẹn của Ngài, Ngài chiến thắng ma quỉ, và bởi chiến thắng của Ngài, những kẻ tin nhận Ngài trở thành người công bình như có chép:
“ thì cũng một lẽ ấy, bởi sự vâng phục của một người
mà mọi người khác sẽ đều thành ra công bình” (Roma 5:19b)
Chúa Jesus cần đứng vào chỗ của Adam, cần chịu cám dỗ và cũng cần chứng minh rằng dù trong hoàn cảnh ngặt nghèo hơn hết, Ngài cũng không thất bại trước ma quỉ như Adam
II. TRẬN CHIẾN THỨ NHẤT
Kinh Thánh chép:
“Quỉ cám dỗ đến gần Ngài mà nói rằng:
Nếu ngươi là con Đức Chúa Trời,
thì hãy khiến đá nầy trở nên bánh đi.
Đức Chúa Jesus đáp: Có Lời chép rằng :
Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi,
song nhờ mọi lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời”
( Ma-thi-ơ 4:3-4)
Ma quỉ chờ đợi từ lâu giây phút cái đói gào thét trong thân thể Con Đức Chúa Trời, ma quỉ chọn đúng thời điểm tấn công Con Đức Chúa Trời, khi Đấng ấy đang vật vờ giữa sống và chết, đang lao đao trong cái đói, đang khốn khó khi đầu váng, mắt hoa, thấy những viên đá trong sa mạc như những chiếc bánh.
Ma quỉ tiến gần đến Chúa Jesus và mở đầu trận chiến với lời thách thức:
“Nếu ngươi là Con Đức Chúa Trời hãy biến đá nầy thành bánh đi”
(Ma-thi-ơ 4:3)
Ở đây, ta có thể thấy ma quỉ tính toán kỹ lưỡng trận đánh mà nó khởi sự, cả về mặt chiến lược lẫn chiến thuật là thể nào.
1. CHIẾN LƯỢC
Về mặt chiến lược, ma quỉ cần tìm ra mục tiêu cụ thể, mang tính sống còn, để tấn công. Mục tiêu ma quỉ nhắm đến ở đây là địa vị: “Con Đức Chúa Trời” của Chúa Jesus.
“Con Đức Chúa Trời” không chỉ là địa vị của Chúa nhưng còn là bản thể của Ngài: Ngài là Emmanuel, là “Đức Chúa Trời ở trong Con người”, Ngài vừa là Đức Chúa Trời thật, nhưng cũng là Con người thật.
Là Đức Chúa Trời thật, nên Ngài là Đấng công chính, không hề phạm tội.Là Con Người thật nên có thể tình nguyện chết đền tội cho con người.
Vì chỉ cái chết của Đấng vô tội, mới có công năng chuộc tội cho con người tội lỗi
Bởi đó Ngài là Đấng duy nhất có thể đóng được vai trò Đấng Cứu thế
.Chiến lược của.ma quỉ khi tấn công vào bản thể Con Đức Chúa Trời ấy là:
Tách “Đức Chúa Trời Jesus” ra khỏi “Con Người Jesus”
Vì một khi tách “Đức Chúa Trời Jesus” ra khỏi “Con Người Jesus” thì không còn Đấng Cứu Thế nữa, và cũng có nghĩa là không còn chương trình cứu rỗi cho nhân loại nữa.
Chúng ta có thể thấy ma quỉ đã áp dụng phương thức nầy trong suốt dòng lịch sử Cơ đốc giáo: bằng cách hoặc phủ nhận Thần tính, hoặc phủ nhận Nhân tính của Chúa Jesus.
- Phủ nhận Thần Tính của Chúa Jesus:
Vào cuối thế kỷ thứ ba, đầu thế kỷ thứ tư, Giám mục Arius, thành Alexandria, là người khởi xướng phong trào phủ nhận Thần tính của Chúa Jesus.
Arius cho rằng Đức Chúa Trời là cội nguồn duy nhất của mọi tạo vật, là Đấng Tự hữu Hằng hữu duy nhất của vũ trụ. Chỉ duy Ngài mới có đầy đủ các thuộc tính của Đức Chúa Trời, Ngài không chia xẻ thân vị hay bản tính Ngài cho bất kỳ ai.
Với lập luận như vậy, phái Arius phủ nhận Thần tính của Chúa Jesus, xem Chúa Jesus như một Á thần. Ngài là vật thọ tạo cao nhất, đáng kính trọng nhất, nhưng vẫn là một thọ tạo, chứ không phải là Đức Chúa Trời
Phủ nhận Thần tính của Chúa Jesus, cũng có nghĩa xem Ngài chỉ là con người, và vì Ngài cũng là con người như mọi người khác, nên cái chết của Chúa Jesus không còn là cái chết đền tội cho con người nữa
Quan điểm nguy hiểm nầy của phái Arius bị lên án tại Giáo hội nghị Nicea năm 325 SC . Arius bị dứt phép thông công, tuy vậy tác hại của lý thuyết Arius vẫn kéo dài cho đến ngày nay: Giáo phái Chứng Nhân Jehova ngày nay là nhóm tà giáo kế thừa các ý tưởng của Arius ngày xưa.
- Phủ nhận Nhân tính của Chúa Jesus
Ngay trong thế kỷ thứ nhất, đã có một nhóm Cơ đốc giáo chủ trương chối bỏ nhân tính của Chúa Jesus. Lý thuyết của nhóm nầy được gọi là Ảo thân thuyết (hay còn gọi là Hình như thuyết).
Ảo thân thuyết chịu ảnh hưởng của Trí huệ Giáo. Trí huệ giáo cho rằng vật chất thì ô uế, nên thân thể vật chất là ô uế. Chúa Jesus không thể ô uế, nên Chúa Jesus không có thân thể. Thân thể mà người ta thấy nơi Chúa Jesus chỉ là một ảo ảnh chứ không phải thật.
Lý thuyết nầy gây tổn hại đến Hội thánh một cách nặng nề.Vì rằng không có thân thể thì không có sự chết, điều nầy dẫn đến kết luận rằng Chúa Jesus không chết trên thập tự, không đền tội cho ai cả
Ngay trong thế kỷ thứ nhất, Sứ đồ Giăng đã lên án mạnh mẽ tà thuyết nầy:
Trong I Giăng, Sứ đồ Giăng đã viết:
“Hỡi kẻ rất yêu dấu, chớ tin cậy mọi thần,
Nhưng hãy thử cho biết các thần có phải
Đến từ Đức Chúa Trời chăng;
Vì có nhiều tiên tri giả đã hiện ra trong thiên hạ
Bởi điều nầy, hãy nhận biết Thánh Linh của Đức Chúa Trời:
Phàm thần nào xưng Đức Chúa Jesus Christ lấy xác thịt
mà ra đời, thần đó là bởi Đức Chúa Trời
Còn thần nào không xưng Đức Chúa Jesus, chẳng phải đến từ
Đức Chúa Trời.
Đó là thần của kẻ địch lại Đấng Christ
(I Giăng 4:1-3)
Ma quỉ tỏ ra hết sức nguy hiểm, khi chọn lựa tấn công vào địa vị và bản thể Con Đức Chúa Trời của Chúa Jesus.
: Gieo vào lòng con người sự nghi ngờ về bản thể của Chúa Jesus Con Đức Chúa Trời, không chỉ là đòn tấn công của ma quỉ trực tiếp vào Chúa Jesus, mà còn là đòn tấn công thường xuyên của ma quỉ trên địa vị Con Đức Chúa Trời của những người tin nhận Chúa Jesus trong suốt dòng lịch sử nữa.
2. CHIẾN THUẬT
Ma quỉ không chỉ giỏi trong chiến lược, nhưng còn vô cùng xảo quyệt trong chiến thuật tấn công nữa
Ma quỉ đã thách thức Chúa Jesus bằng một câu mang tính mệnh lệnh:
“Nếu ngươi là Con Đức Chúa Trời, hãy biến đá nầy thành bánh đi”
Nếu Chúa Jesus không biến đá thành bánh, nghĩa là không vượt qua được thách thức, nên Ngài không phải là Con Đức Chúa Trời.
Còn nếu Ngài biến đá thành bánh, thì Ngài làm theo mệnh lệnh của ma quỉ, và như vậy Ngài cũng không thể là Con Đức Chúa Trời được.
Ma quỉ đặt trước Chúa hai chọn lựa, mà dường như chọn lựa nào cũng thất bại.
Ngài đã đối đầu với điều nầy như thế nào?
Chúa Jesus biết rằng: “ma quỉ vốn là kẻ nói dối, và là cha của sự nói dối” (Giăng 9:44), nên trong lời của ma quỉ luôn ẩn chứa sự dối trá
. Ma quỉ dối trá như thế nào ở đây?
Ma quỉ dối trá khi áp đặt một định nghĩa sai về Con Đức Chúa Trời:
Khi ma quỉ đòi hỏi Chúa Jesus làm một phép lạ để chứng tỏ Ngài là Con Đức Chúa Trời.
Ma quỉ đã cố tình áp đặt định nghĩa sai về Con Đức Chúa Trời rằng: “kẻ làm ra phép lạ là Con Đức Chúa Trời”
Đây là điều dối trá.Con Đức Chúa Trời có quyền làm phép lạ, nhưng không phải hễ ai làm được phép lạ đều là Con Đức Chúa Trời.
Phù thủy, các kẻ thực hành tà thuật, bói toán…có thể làm ra nhiều điều lạ lùng có thể xem là phép lạ, nhưng họ đâu phải là Con Đức Chúa Trời.
Chúa Jesus là Con Đức Chúa Trời vì chính Đức Chúa Trời đã công bố về Ngài rằng
“Nầy là Con yêu dấu của Ta, đẹp long ta mọi đầng”
(Ma-thi-ơ 3:17).
Những kẻ tin thờ Chúa Jesus trở nên Con Đức Chúa Trời, vì có Lời của Đức Chúa Trời rằng:
“Nhưng hễ ai đã nhận Ngài (Chúa Jesus) thì Ngài ban cho quyền phép
trở nên con cái Đức Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin danh Ngài,
là kẻ chẳng phải sanh bởi khí huyết, hoặc bởi tình dục,
hoặc bởi ý người, nhưng sanh bởi Đức Chúa Trời” (Giăng 1:12-13)
Định nghĩa về Con Đức Chúa Trời một cách dối trá như vậy, ma quỉ có thể đánh lừa được con người, nhưng chẳng thể đánh lừa được Chúa Jesus.
Chúa Jesus cũng chỉ ra sự dối trá còn nguy hiểm hơn của ma quỉ, trong định nghĩa về con người.
- Ma quỉ đòi hỏi Chúa Jesus biến đá thành bánh,
nhưng biến đá thành bánh để làm gì?
- Dĩ nhiên là để ăn.
- Ăn để làm gì?
- Ăn để sống
- Nhưng sống cái gì? thân thể hay tâm linh?
Nếu con người chỉ là một thực thể vật chất thuần túy, thì bánh là đủ. Con bò chỉ cần cỏ, con khỉ chỉ cần lá, quả trong rừng. Ma quỉ định nghĩa về con người như là một thực thể vật chất thuần túy. Ma quỉ dạy rằng: con người là một động vật, tiến hóa lên từ loài linh trưởng, nên cũng như con bò, con khỉ, bánh là đủ cho con người
Chúa Jesus đã vạch rõ dối trá, đầy gian ý của ma quỉ trong định nghĩa con người như vậy. Kinh Thánh dạy rằng:
Đức Chúa Trời lấy bụi đất nắn nên hình người,
rồi hà sinh khí vào lỗ mũi thì người trở nên một loài sanh linh
(Sáng 2:7)
Như vậy con người không chỉ là bụi đất, nhưng con người là loài có thân thể và tâm linh.
Bánh chỉ để nuôi thân thể, nhưng tâm linh con người thì sao???
Chúa Jesus chỉ ra sự dối trá của ma quỉ và cũng chỉ cho con người trong thế gian nầy biết nhu cầu đầy đủ của con người là gì. Ngài phán:
“Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi,
song còn nhờ mọi lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời”
Ma-thi-ơ 4:4)
Chúa Jesus đã dùng gươm là Lời Đức Chúa Trời trong Phục Truyền 8:3 để vạch trần sự dối trá của ma quỉ.
Bánh để nuôi thân thể, còn Lời Đức Chúa Trời nuôi sống tâm linh con người.
Không có bánh con người chết về phần thân thể, cũng vậy không có Lời Đức Chúa Trời thì con người chết về phần tâm linh.
Sự sống tâm linh dẫn đến sự sống đời đời, còn sự sống thân thể chỉ là sự sống hữu hạn trong vòng đời người trên đất.
Con người dù có đủ bánh hay không rồi cũng sẽ trải qua sự chết thân thể, nên sự sống tâm linh trọng hơn sự sống thân thể. Do vậy con người cần lo nghĩ đến sự sống tâm linh, trước khi lo nghĩ đến sự sống thân thể
Chúa Jesus dạy cho các môn đồ Ngài lẽ thật nầy trong Ma-thi-ơ 6:31-33:
“Ấy vậy các ngươi chớ lo lắng mà nói rằng:
Chúng ta sẽ ăn gì ? uống gì ? mặc gì ?
Vì mọi điều đó dân ngoại vẫn thường tìm,
và cha các ngươi trên trời vốn biết
các ngươi cần dùng những điều đó rồi.
Nhưng trước hết hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trờ
và sự công bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa”
(Ma-thi-ơ 6:31-33)
Chúa Jesus đã chiến thắng ma quỉ, khi không để nó lừa dối chính Ngài và lừa dối những kẻ tin thờ Ngài về sự sống của con người, và thứ tự trong nhu cầu về sự sống của họ.
III TRẬN CHIẾN THỨ HAI
Sau trận chiến thứ nhất, ma quỉ đã có thể rút ra được một số đặc điểm về đối thủ của mình: Jesus mà ma quỉ đối đầu là Đấng đứng vững chắc trên Lời Đức Chúa Trời, đã suy nghĩ, hành động theo đúng Lời Đức Chúa Trời
.Lời Đức Chúa Trời là thức ăn của Ngài.
Như vậy ma quỉ phải tiếp tục cuộc chiến như thế nào? Phải làm gì để tiếp tục tấn công đối thủ của nó?
Nếu Chúa Jesus suy nghĩ, hành động hoàn toàn dựa trên Lời Đức Chúa Trời, thì vũ khí duy nhất có thể dùng cho trận chiến kế tiếp của ma quỉ cũng phải là Lời Đức Chúa Trời
Chúng ta xem ma quỉ đã thực hiện trận chiến nầy như thế nào?
Kinh Thánh chép:
“Ma quỉ bèn đem Ngài vào nơi thành thánh,
đặt Ngài trên nóc đền thờ, và nói rằng:
Nếu ngươi là Con Đức Chúa Trời, thì hãy gieo mình xuống đi,
vì có lời chép rằng: Chúa sẽ truyền các thiên sứ gìn giữ ngươi,
thì các đấng ấy sẽ nâng ngươi trên tay, e chân ngươi vấp nhằm đá chăng.”
(Ma-thi-ơ 4:5-6).
Trong trận chiến thứ hai nầy, ma quỉ vẫn kiên trì tấn công vào mục tiêu chiến lược:
“Nếu ngươi là Con Đức Chúa Trời”, nhưng Ma quỉ đã thay đổi về mặt chiến thuật bằng cách đưa Lời Đức Chúa Trời vào sự cám dỗ của nó.
Chiến thuật của Ma quỉ trong trận chiến nầy như sau:
Nếu Chúa Jesus gieo mình xuống theo lệnh của ma quỉ, thì rõ ràng Ngài không thể là Con Đức Chúa Trời được.
Còn nếu Chúa Jesus không gieo mình xuống, thì theo lý luận của ma quỉ: Chúa Jesus đã không tin Lời Đức Chúa Trời, mà không tin Lời Đức Chúa Trời thì cũng không thể là Con Đức Chúa Trời.
Một lần nữa ma quỉ đặt trước mặt Chúa Jesus hai chọn lựa, và dường như chọn lựa nào cũng là thất bại.
Chiến thuật của Ma quỉ vẫn tương tự như trong trận chiến thứ nhất, nhưng trong trận chiến thứ hai nầy ma quỉ dùng chính Lời Đức Chúa Trời, như một vũ khí nhằm thắng hơn Con Đức Chúa Trời.
Ma quỉ đã làm cách nào để Lời Đức Chúa Trời, vốn khiến người công bình được sống, thì lại thành vũ khí để làm chết Con Đức Chúa Trời được?.
Cách ma quỉ làm ở đây là: Đánh thuốc độc trên Lời Đức Chúa Trời.
Thức ăn vốn dùng nuôi thân thể, khiến thân thể được khỏe mạnh, được tăng trưởng, nhưng nếu thức ăn bị pha trộn với độc dược thì hiển nhiên thức ăn trở thành tác nhân gây chết.Cũng vậy nếu Lời Đức Chúa Trời là thức ăn nuôi sống tâm linh, thì khi đánh thuốc độc trên Lời Chúa, thì Lời bị đánh thuốc độc trở thành tác nhân gây chết.
Ma quỉ đã đánh thuốc độc vào Lời Đức Chúa Trời như thế nào?
Có hai cách đánh thuốc độc trên Lời Chúa:
- Một là: thêm lời con người vào Lời Đức Chúa Trời
- Hai là: cắt bớt Lời Đức Chúa Trời.
Chúng ta cùng nhau xem một ví dụ về cách đánh thuốc độc trên Lời Đức Chúa Trời, bằng cách thêm lời loài người vào Lời Đức Chúa Trời.
Kinh thánh trong Lê-vy ký 19:18 chép:
“Chớ toan báo thù,
chớ giữ sự báo thù cùng con cháu dân sự mình,
nhưng hãy yêu thương kẻ lân cận ngươi như mình: Ta là Đức Giê-Hô-Va”
(Lê vy 19:18)
Đây là mạng lịnh vô cùng quan trọng của Đức Chúa Trời cho dân Chúa: Phải yêu thương người lân cận mình như mình, Ngài nghiêm cấm sự báo thù. Tuy nhiên cộng đồng người Y-Sơ-ra-en xưa đã thêm lời của họ, pha trộn lời họ, vào lời Đức Chúa Trời như Chúa Jesus phân tích trong Ma-thi-ơ 5:43-47 như sau
“Các ngươi có nghe lời phán rằng:
Hãy yêu kẻ lân cận và hãy ghét kẻ thù nghịch mình.
Song ta nói cùng các ngươi rằng:
Hãy yêu kẻ thù nghịch, và cầu nguyện cho kẻ bắt bới các ngươi,
hầu cho các ngươi được làm con Cha các ngươi ở trên trời,
bởi vì Ngài khiến mặt trời mọc lên soi kẻ dữ cùng kẻ lành,
làm mưa cho kẻ công bình cùng kẻ độc ác.
Nếu các ngươi yêu những kẻ yêu mình, thì có được thưởng gì đâu?
Những kẻ thâu thuế há chẳng làm như vậy sao?
Lại nếu các ngươi chỉ tiếp đãi anh em mình mà thôi,
thì có lạ gì hơn ai?
Người ngoại há chẳng làm như vậy sao?
Thế thì các ngươi hãy nên trọn vẹn như các ngươi là trọn vẹn”
(Ma-thi-ơ 5:43-47).
Chúa Jesus chỉ cho chúng ta thấy tác hại thể nào, khi pha trộn lời loài người, vào Lời Đức Chúa Trời.
Lời Đức Chúa Trời trong Lê- vy-ký chỉ viết:
“Hãy yêu kẻ lân cận như mình”.
Người Y-sơ-ra-en xưa đã thêm vào đó lời của họ rằng:
“và ghét kẻ thù nghịch”.
Chỉ thêm vài lời ngắn ngủi đó, người Y-sơ-ra-en xưa đã biến tiêu chuẩn cao khiết của thiên đàng thành tiêu chuẩn của địa ngục như Chúa Jesus đã phân tích.
Cách thứ hai ma quỉ dung đánh thuốc độc trên Lời Đức Chúa Trời là cắt bớt Lời Ngài:
Trong trận chiến thứ hai ma quỉ dẫn một lời hứa của Đức Chúa Trời trong Thi Thiên 91:12 như sau:
“Thiên sứ sẽ nâng ngươi trên tay, e chân ngươi vấp nhằm đá chăng”
Đức Chúa Trời một khi hứa với con cái Ngài, Ngài luôn kèm theo điều kiện mà họ phải tuân thủ
Trong thi thiên 91 Đức Chúa Trời phán rằng
“Bởi vì ngươi đã nhờ Đức Giê-hô-va làm nơi nương náu mình.
Và Đấng chí cao làm nơi ở mình.
Nên sẽ chẳng có tai vại vạ nào xảy đến ngươi,
cũng chẳng có ôn dịch nào tới gần trại ngươi.
Vì Ngài ban lệnh cho thiên sứ Ngài,
bảo gìn giữ ngươi trong các đường lối ngươi.
Thiên sứ sẽ nâng ngươi trên tay e chân ngươi vấp nhằm đá chăng”
(Thi thiên 91:9-12)
Đức Chúa Trời đã hứa và đã thưởng cho những kẻ “Nhờ Đức Giê-hô-va làm nơi nương náu mình”, Ngài hứa sự bình an cho kẻ kiên trì trong việc nương cậy nơi Chúa, núp trong bóng cánh toàn năng, toàn ái của Ngài.
Nhưng Đức Chúa Trời không bao giờ hứa rằng: một ai đó cứ gian dâm, cứ ô uế, cứ luông tuồng, cứ thờ hình tượng, cứ làm điều gian ác…rồi Ngài ban lệnh cho thiên sứ “nâng những kẻ đó trên tay, e chân họ vấp nhằm đá”
Ma quỉ đánh thuốc độc trên Lời Chúa bằng cách cắt xén Lời Đức Chúa Trời một cách tùy tiện, hầu dối gạt con người. Xử dụng một Lời hứa của Đức Chúa Trời, nhưng lại cắt mất phần điều kiện của Lời hứa. Ma quỉ đã biến Lời hứa quí báu của Chúa thành lời xúi giục con người làm điều sai trật..
Tuy vậy, Ma quỉ dù xảo quyệt đến đâu, cũng chẳng thể lừa gạt được Con Đức Chúa Trời:
.Ma quỉ xúi giục Chúa Jesus làm một việc điên rồ là gieo mình từ nóc đền thờ xuống đất.
Nhưng gieo mình xuông để làm gì vậy?
Câu trả lời là: gieo mình xuống đặng thử xem Lời hứa của Chúa có đúng không?
Ở đây gieo mình xuống không phải vì tin Lời Đức Chúa Trời, nhưng gieo mình xuống là để thử xem Lời Chúa có đúng không.
Con Đức Chúa Trời không bao giờ thử, để xem Lời Đức Chúa Trời có đúng hay không. Ngài cũng không muốn bất cứ ai làm điều đó.
Chúa Jesus, Con Đức Chúa Trời, đã nghiêm nghị quở trách ma quỉ, Ngài bày tỏ uy quyền của Lời Chúa (và cũng là uy quyền của chính Ngài) rằng:
“Ngươi đừng thử Chúa là Đức Chúa Trời ngươi”.
(Ma-thi-ơ 4:7)(Phục Truyền 6:16)
Một lần nữa ma quỉ không thể lừa dối Con Đức Chúa Trời và con người về uy quyền của Lời Đức Chúa Trời và cách áp dụng Lời Chúa trong cuộc sống trên đất.
IV. TRẬN CHIẾN THỨ BA
Kinh Thánh chép:
“Ma quỉ lại đem Ngài lên trên núi rất cao,
chỉ cho Ngài các nước thế gian, cùng sự vinh hiển của các nước ấy
mà nói rằng: Ví bằng ngươi sấp mình trước mặt ta mà thờ lạy,
thì ta sẽ cho ngươi hết thảy mọi sự nầy.
Đức Chúa Jesus bèn phán rằng: Hởi quỉ Satan, ngươi hãy lui ra.
Vì có Lời chép rằng: Ngươi phải thờ phượng Chúa
là Đức Chúa Trời ngươi, và chỉ hầu việc một mình Ngài mà thôi”
(Ma-thi-ơ 4:8-10)
Trận chiến thứ nhất xảy ra trong sa mạc, nơi Con Đức Chúa Trời phải giải quyết mối quan hệ giữa sự sống và miếng ăn, giữa sự sống thuộc thể và sự sống thuộc linh.
Trận chiến thứ hai xảy ra trong đền thờ, nơi Con Đức Chúa Trời cho thấy cách con người sống bởi Lời Đức Chúa Trời là thể nào.
Còn trận chiến thứ ba xảy ra trên một núi cao kia, nơi Con Đức Chúa Trời xác lập lại chủ quyền trên thế giới con người
Ma quỉ đem Ngài lên núi rất cao, chỉ cho Ngài
các nước thế gian cùng sự vinh hiển của các nước ấy
(Ma-thi-ơ 4:8)
Trước kia, người ta thường thắc mắc rằng làm gì có núi nào cao đủ, để từ đó có thể nhìn thấy khắp thế gian cùng sư vinh hiển của nó? Nhưng ngày nay, chỉ cần ngồi trước màn ảnh truyền hình con người có thể dễ dàng nhìn thấy: “các nước thế gian cùng sự vinh hiển của các nước ấy”. Do vậy con người cũng dễ dàng nhận ra ý nghĩa của nhóm từ “núi rất cao kia”: Núi rất cao kia có thể là đỉnh cao của tri thức, của khoa học kỷ thuật, của triết học, tôn giáo… và tổng quát hơn núi rất cao kia là đỉnh cao của nền văn minh vật chất.
Trên cái đỉnh cao đó ma quỉ không còn tấn công vào địa vị Con Đức Chúa Trời của Chúa Jesus nữa, một điều mà ma quỉ bây giờ biết rằng không thể nào làm được.
Do vậy trong trận chiến nầy ma quỉ tìm cách là làm sai lệch con đường mà Con Đức Chúa Trời sẽ trải qua, khi thực hiện sứ mạng của Ngài trên đất.
Sau khi chỉ cho Con Đức Chúa Trời “các nước thế gian cùng sự vinh hiển của các nước ấy” ma quỉ thực hiện một cuộc thương lượng:
“Ví bằng ngươi sấp mình trước mặt ta mà thờ lạy,
thì ta sẽ cho ngươi hết thảy mọi sự nầy”
(Ma-thi-ơ 4:9)
Một hứa hẹn quá đổi ngọt ngào.?
Sứ mạng của Con Đức Chúa Trời là gì? Há không phải chinh phục thế giới nầy hay sao?
Nếu vậy Con Đức Chúa Trời không cần nhọc nhằn, không cần đổ mồ hôi, nước mắt, không cần chịu những lằn đòn trên lưng, những cái tát vào mặt, không cần đội mão gai sĩ nhục, không cần vác thập giá nặng nề, không cần giăng thân trên thập tự, không cần tuôn huyết láng lai trong sự khổ nhục, không cần chịu nỗi đau đớn tột cùng của cái chết.
Chỉ cần sấp mình trước Satan, thế giới đó sẽ thuộc về Con Đức Chúa Trời.
Được là Con Đức Chúa Trời vinh hiển, lại được vinh hoa phú quý của trần gian há chẳng phải là điều ma biết bao nhiêu “Con Đức Chúa Trời” trong suốt dòng lịch sử theo đuổi đó sao???.
Cám dỗ thật trắng trợn, nhưng lại là cám dỗ nguy hiểm hơn hết, mà Satan tung ra như lưới chụp trên con mồi.
Chúa Jesus đã đối phó như thế nào trước cám dỗ như vậy???
“Ma quỉ luôn là kẻ nói dối và cha của sự dối trá” (Giăng 8:44b)
Ma quỉ xảo trá khi tự nhận quyền làm chủ trên các “nước thế gian và sự vinh hiển của các nước ấy”
Không phải ma quỉ, nhưng Đức Chúa Trời mới chính là Đấng “dựng nên trời và đất” (Sáng thế ký 1:1), và vì là Đấng dựng nên Trời đất, nên trời đất là của Ngài.
Ngài mới là Đấng có chủ quyền trên những gì Ngài làm nên
Ngài cũng không nhường quyền làm chủ trời và đất cho bất kỳ ai.
Satan, và nhiều thế lực trên đất tưởng rằng mình có quyền, nhưng thực ra không phải vậy.
Trong trường án, Phi lát nói với Chúa Jesus rằng:
“Ngươi chẳng nói gì với ta hết sao?
Ngươi há không biết rằng ta có quyền buông tha ngươi
và cũng có quyền đóng đinh ngươi sao?.
Nhưng Chúa Jesus trả lời rằng: Nếu chẳng phải từ trên cao ban cho ngươi
thì ngươi chẳng có quyền gì trên ta,
vậy nên kẻ nộp ta cho ngươi là có tội trọng hơn nữa.
(Giăng 19:10-11)
Satan quá xảo quyệt, khi nhận mình có quyền trên cơ nghiệp của Đức Chúa Trời. Ma quỉ cũng quá đổi kiêu ngạo khi dụ dỗ Con Đức Chúa Trời sấp mình thờ lạy nó
Con Đức Chúa Trời, trong tư cách Đấng kế tự muôn vật, đã đáp trả một cách quyết liệt và đầy uy quyền khi phán:
“ Hỡi quỉ Satan, ngươi hãy lui ra”
Satan bị đuổi khỏi sự hiện diện của Con Đức Chúa Trời. Từ khi lời phán uy quyền nầy được ban ra, Satan bị đuổi ra và không còn quyền tại bất kỳ nơi nào có sự hiện diên của Con Đức Chúa Trời.
Chúa Jesus xác lập chủ quyền trong vũ tru khi đưa ra Lời Đức Chúa Trời:
“Ngươi phải thờ phượng Chúa là Đức Chúa Trời ngươi,
và chỉ hầu việc một mình Ngài mà thôi”
(Ma-thi-ơ 4:10) (Phục Truyền 6:13)
Trận chiến kết thúc khi:
“Ma quỉ bèn bỏ đi, liền có thiên sứ đến gần mà hầu việc Ngài”.
(Ma-thi-ơ 4:11)
Ma quỉ bỏ đi, nhưng không có nghĩa là ma quỉ thôi cám dỗ Con Đức Chúa Trời, Khi Con Đức Chúa Trời thố lộ cho các môn đồ Ngài biết về kế hoạch của Đức Chúa Trời rằng:
“Ngài phải đi đến thành Giê-ru-sa-lem,
phải chịu tại đó nhiều sự khốn khổ bởi những người
trưởng lão, thầy tế lễ cả, cùng những thầy thông giáo,
và phải bị giết, đến ngày thứ ba phải sống lại.
Phi-e-rơ bèn đem Ngài riêng ra, mà can rằng:
Hỡi Chúa Đức Chúa Trời nào nỡ vậy.
Sự đó sẽ không xảy đến cho Chúa đâu”
(Ma-thi-ơ 16:21-22).
Chúa Jesus thấy Satan đang ở nơi Phi-e-rơ. Ngài nghiêm nghị quở trách nó và kẻ mà nó lợi dụng rằng:
“Ớ Satan, hãy lui ra sau ta, ngươi làm gương xấu cho ta,
vì ngươi chẳng nghĩ đến việc Đức Chúa Trời, song nghĩ đến việc người ta
(Ma-thi-ơ 16:23)
Chiến thắng tối hậu của Con Đức Chúa Trời đã được thực hiên trên thập tự giá, và chiến thắng đời đời của Ngài khi Con Đức Chúa Trời bước ra phần mộ trong buổi sang phục sinh.
Chiến thắng sự cám dỗ của Con Đức Chúa Trời cần thiết cho chúng ta biết bao. Chiến thắng đó bảo đảm cho chúng ta, những kẻ theo Ngài, sự giúp đỡ cần thiết để chúng ta cũng chiến thắng, trong những cuộc chiến cam go chống lại sự cám dỗ của riêng mình.
TS Nguyễn văn Cẩm