Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 7

Hễ Ai Chẳng Thấy, Thì Thấy; Còn Ai Thấy, Thì Lại Hóa Mù

Câu chuyện Chúa Jesus chữa lành người mù từ thuở mới sinh, được sứ đồ Giăng ký thuật trong Giăng 9:1-41

Trong lần trước, chúng ta đã suy gẫm đề tài: “KHI JESUS QUA” dựa vào Giăng 9:1-7.

Lần nầy, chúng ta suy gẫm tiếp những câu còn lại: Giăng 9:8-41 qua đề tài:

 “AI CHẲNG THẤY, THÌ THẤY. CÒN AI THẤY, THÌ LẠI HÓA MÙ”

Để thuận tiện chúngta sẽ suy gẫm hai phần:

- Phần một: Những người “THẤY, THÌ HÓA MÙ”

- Phần hai: người “MÙ, LẠI ĐƯỢC THẤY”.

 

I CÒN AI THẤY, THÌ LẠI HÓA MÙ

Có hai nhóm người vốn có đôi mắt tinh tường, nhưng hoặc do quá hững hờ với tình yêu, ân điển của Đức Chúa Trời, hoặc bị thành kiến sai trật che lấp, không thấy được điều cần thấy.

Nhóm thứ nhất là những người hang xóm của người mù, và nhóm thứ hai là những người Pha-ri-si

 

1.NHỮNG NGƯỜI HÀNG XÓM

 

Sau  khi được chữa lành, người mù trở về nhà.

 Hàng xóm của anh vô cùng ngạc nhiên. Họ không biết liệu đây có phải là người mù vẫn thường ngồi ăn xin gần đền thờ, mà họ vẫn quen biết không? Mặt mũi tóc tai thì giống hệt, nhưng người nầy không mù, đi đứng nhanh nhẹn, chứ không phải quờ quạng như người họ biết trước đây.

 Người thì nói chính anh ta đấy, kẻ thì nói không phải anh ta đâu, nhưng là một người giống anh ta. Cuôi cùng, anh phải lên tiếng với họ:

                    “Chính tôi đây” (Giăng 9:9)

Mọi người thắc mắc:

                    “Tại sao mắt ngươi mở được?”

                                                            (Giăng 9:10)

Và người mù trả lời:

                    “Người tên là Jesus, đã lấy bùn xức mắt tôi

                      và nói với tôi rằng hãy đi rửa tại ao Si-lô-ê,

                      tôi đi, rửa tại đó và thấy được.

                                                           (Giăng 9:11)

Hàng xóm của anh hỏi tiếp :

                      “Vậy người ấy ở đâu?

                                           (Giăng 9:12a)

Anh trả lời

                      “Tôi không biết

                                          (Giăng 9:12b)

Thế là họ đưa anh đến với người Pha-ri-si. (Giăng 9:13)

 

a. KHÔNG THẤY TÌNH YÊU, ÂN ĐIỂN, QUYỀN PHÉP CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

 

Điều đáng ngạc nhiên là khi nghe người mù khẳng định “Chính tôi đây”, không có người hàng xóm nào lên tiếng chúc mừng anh:

 Chẳng ai nói với anh rằng: Ồ Đức Chúa Trời yêu anh quá, Ngài đã mở mắt anh.Thật chẳng ai được phước lớn như anh, Ân điển và quyền phép của Đức Chúa Trời dành cho anh diệu kỳ quá.

 Những người hàng xóm của người mù vốn có mắt, vốn thấy, nhưng họ lại không thấy được điều đáng phải thấy: Họ không thấy tình yêu, ân điển, và quyền phép của Đức Chúa Trời

 

b. KHÔNG THẤY NIỀM VUI CỦA NGƯỜI ĐƯỢC CHỮA LÀNH

Cũng thật ngạc nhiên: Chẳng ai hỏi anh rằng: Được sáng mắt anh có vui không?Cảm giác của anh như thế nào?

 Lần đầu tiên trong đời, nhìn thấy mặt mẹ mình, anh xúc động ra sao?

 Họ không hỏi người mù cảm nhận thế nào về vẻ đẹp của những bông hoa, về khung cảnh dịu dàng của những dòng sông, về cảnh bình minh với muôn ngàn tia nắng rực rỡ, hay cảnh hoàng hôn đẹp đến nao lòng

 Những người hàng xóm của người mù vốn có mắt, vốn thấy, nhưng họ không thấy được niềm vui rạo rực của một người vừa thoát khỏi cảnh mù lòa tăm tối, thoát khỏi cảnh khốn cùng của con người bên lề xã hội

 

c. NGƯỜI MÙ DẪN ĐƯỜNG

 

Thật ngạc nhiên: Hàng xóm của người mù hỏi về Đấng chữa lành cho anh rằng:

                          “người ấy đâu?” (Giăng 9:12a)

Khi người mù trả lời:

                          “Tôi không biết” (Giăng 9:12b)

 Họ đã không nói với người mù rằng: Nào, chúng ta đến tìm người đã làm ra phép lạ  ấy đi, chúng ta cần gặp Ngài để biết Ngài, để cảm tạ Ngài, và cũng để được tiếp tục nương cậy nơi Ngài nữa chứ.Họ đã không làm vậy.

 Thật kỳ lạ: Hàng xóm của người mù, thay vì dẫn anh đi tìm Chúa Jesus, họ lại dẫn đường cho anh đến với người Pha-ri-xi.

Hàng xóm của người mù có mắt, họ vốn thấy, nhưng như lời Chúa phán: họ hóa mù, họ không thấy con đường cần đi, cũng không biết đích cần đến, thế mà họ vẫn cứ làm người dẫn đường.

 

2 NHỮNG NGƯỜI PHA-RI-XI

 

a. HÓA MÙ, VÌ ĐẠO ĐỨC GIẢ

 

Trong (Ma-thi-ơ  23:1-32) bảy lần Chúa Jesus lên án người Pha-ri-xi rằng:

                    “Khốn cho các ngươi thầy thông giáo và người Pha-ri-si là kẻ đạo đức giả”

                                     ( Ma-thi-ơ 23:13,14,15,23,25,27,29)

 Và cũng trong những câu ngắn ngủi nầy, năm lần Chúa Jesus đã gọi những người Pha-ri-si là những người mù (Ma-thi-ơ 23:16,17,19,24,26).

 Người Pha-ri-si sống đạo đức giả, nên người Pha-ri-si dù thấy, nhưng hóa mù.

Điểm nổi bật trong tính cách của người đạo đức giả là không biết đến tình yêu thương. Kinh thánh cho thấy chẳng bao giờ người Pha-ri-si bày tỏ lòng thương xót với ai.

 Mọi suy nghĩ và việc làm của người Pha-ri-si chỉ nhằm mục đích tìm kiếm danh, lợi, quyền cho bản thân và phe nhóm: Họ làm ra vẻ công bình trong việc nhỏ, nhưng để che giấu việc gian manh lớn:

                   “ Các ngươi lọc con ruồi nhỏ, nhưng nuốt con lạc đà”

                                                                                               (Ma-thi-ơ 23:24)

Người Pha-ri-si đạo đức giả, nên họ mù về mặt đạo đức, họ chăm chút bề ngoài, để tìm kiếm sự tôn trọng từ người khác, ho:

                   “mang cái bìa da rộng, xủ cái tua áo cho dài,

                ,                                                                   (Ma-thi-ơ 23: 5-6)

 Nhưng bên trong thì:                 

                      “Đầy dẫy sự ăn cướp cùng sự quá độ”

                                                                                  (Ma-thi-ơ 23:25)

Lối sống đạo đức giả khiến người Pha-ri-si mù: Họ không biết điều nào mới thực là điều quan trọng, họ không tôn trọng lẽ thật, không có lòng thương xót và cũng không trung tín:

                   “Các ngươi nộp phần mười về bạc hà và hồi hương và rau cần

                     mà bỏ điều hệ trọng hơn hết trong luật pháp

                     là sự công bình, lòng thương xót và trung tín;

                     Đó là những điều cấc ngươi phải làm

                     và cũng không nên bỏ sót những điều kia

                                                                             (Ma-thi-ơ 23:23)

 

b. HÓA MÙ, KHI ĐỂ THÀNH KIẾN CHE LẤP LẼ THẬT

 

Giăng 9:14-24 bày tỏ trọn vẹn đặc tính “thấy nhưng hóa mù” của người Pha-ri-si.

 Ngay khi người mù bị dẫn đến với họ, người Pha-ri-si đã làm một việc kỳ quái:

 Họ xét xử một việc nhân đức: không phải để tôn vinh, nhưng để kết án việc nhân đức:Họ muốn kết án một người mù được chữa lành, và Đấng chữa lành anh ta.

 “Phiên tòa” của họ, bắt đầu bằng việc “xét hỏi bị cáo”.

 Họ hỏi người mù rằng

                      “Làm thể nào mà ngươi được sáng mắt trở lại?”

                                                                                        (Giăng 9:15a)

Người mù kể lại đúng điều anh đã trải nghiệm:

                      “ Người ấy rà bùn vào mắt tôi, tôi đi rửa, rồi thấy được”

                                                                                           (Giăng 15b)

Người Pha-ri si hỏi, nhưng không muốn nghe câu trả lời.

Thành kiến khiến họ không muốn nghe về tình yêu, ân điển và quyền phép của Đức Chúa Jesus

Việc của họ, là tìm cách kết tội Đấng làm lành:

                      “Người nầy không đến từ Đức Chúa Trời đâu, vì không giữ ngày Sa-bát”

                                                                                                                         (Giăng 9:16)

Đây không phải lần đầu, người Pha-ri-si lên án Chúa Jesus, vì Ngài chữa lành người bệnh trong ngày Sa-bát.

Người Pha-ri-si, đòi hỏi mọi người phải giữ ngày Sa-bát, không được làm bất cứ công việc gì trong ngày nầy.

Căn cứ vào điều răn của luật pháp:

                      “Ngươi hãy làm hết công việc mình trong sáu ngày,

                        Nhưng ngày thứ bảy là ngày nghỉ của Giê-hô-va Đức Chúa Trời

                       Trong ngày đó, ngươi, con trai, con gái tôi trai, tớ gái,

                        súc vật của ngươi hoặc khách ngoại bang trong nhà ngươi

                       đều chớ làm công việc chi hết

                                                                     (Xuất 20:9-10)

Người Pha-ri-si đặt ra vô số các ràng buộc đối với con người trong ngày  Sa-bát.

Tuy cấm mọi người làm bất cứ việc gì, nhưng trên thực tế người Pha-ri-si vẫn làm nhiều việc vào ngày Sa-bát, vì ích lợi của họ

Chúa Jesus từng nói với họ rằng:

                       “Hỡi kẻ đạo đức giả, mỗi người trong các ngươi,

                        Đang ngày Sa-bát, há không mở bò hoặc lừa ra khỏi máng cỏ

                        Dắt đi uống nước sao?

                                                       (Lu-ca 13:15)

 Lần khác Ngài hỏi họ:                   

                     “Nào có ai trong các ngươi, đương ngày Sa-bát,

                       Nếu có con trai, hay con bò ngươi té xuống giếng, mà không kéo lên sao?

                                                                                                     (Lu-ca 14:5)

Kéo con bò hoặc con trai té xuống giếng trong ngày Sa-bát lên để làm gì?

 Dĩ nhiên là để cứu con trai, hoặc cứu con bò khỏi chết. Điều đó thật là điều đáng làm, dù làm trong ngày Sa-bát hay trong bất kỳ ngày nào khác. Nhưng điều đáng suy ngẫm là tại sao họ làm như vậy, nhưng lại lên án việc Chúa Jesus chữa lành những người mù, què, câm ,điếc, bại…, giải cứu người bệnh ra khỏi cảnh đau ốm, tật nguyền hoặc sự chết, trong ngày Sa-bát?  

Về ngày Sa-bat Kinh Thánh chép:

                     “Đức Chúa Trời làm xong các công việc Ngài đã làm.

                       Ngày thứ bảy Ngài nghỉ các công việc Ngài đã làm.

                       Rồi Ngài ban phước cho ngày thứ bảy, đặt là ngày thánh”

                                                                                                (Sáng thế ký 2:2-3)

Vì sao Đức Chúa Trời nghỉ công việc vào ngày thứ bảy, và đặt ngày ấy nên ngày thánh?

Phải chăng Đức Chúa Trời mệt mỏi, nên phải nghỉ công việc?

 Không phải vậy.

Ngài nghỉ công việc không phải vì Ngài, nhưng vì con người: Ngài không mệt mỏi, nhưng con người sau những ngày làm việc nhọc nhằn thì mệt mỏi.

Ngài lập ngày Sa-bát vì chính sự nhọc nhằn của con người.

Vậy ý nghĩa thật của ngày Sa-bát là gì?

 Ngày Sa-bát trước hết là ngày nghỉ, ngày con người phục hồi sức lực thuộc thể, sau những giờ phút lao động cực nhọc.

Ngày Sa-bát được làm nên ngày thánh, để con người có cơ hội tương giao với Đức Chúa Trời của mình, qua đó con người được phục hồi sức lực thuộc linh, bởi mối tương giao nầy

Chúa Jesus đã đối mặt với người Pha-ri-si, và hỏi họ rằng

                           “Trong ngày Sa-bát, nên làm việc lành hay việc dữ?

                              Cứu người hay giết người?

                                                                        (Mác 3:4a)

Dĩ nhiên người Pha-ri-si không thể trả lời. Kinh thánh chép tiếp:

                           “nhưng họ đều nín lặng”

                                                          (Mác 3:4b)

.Chúa Jesus bày tỏ lẽ thật về ý nghĩa của ngày Sa-bát, khi Ngài phán:

                       “Vì loài người mà lập ngày Sa-bát,

                          Chứ chẳng phải vì ngày Sa-bát, mà dựng nên loài người”

                                                                                                          (Mác 2:27)

Điều đó có nghĩa rằng: Ngày Sa-bát là ngày phục hồi con người, chữa lành con người, vì việc phục hồi, chữa lành luôn là lợi ích của con người.

Người Pha-ri-si biến con người thành kẻ nô lệ cho ngày Sa-bát, đi ngược lại ý của Đức Chúa Trời

Chúa Jesus chỉ ra mối quan hệ chính xác giữa “con người và ngày Sa-bat” như sau:

                         Vậy thì con người là chủ của ngày Sa-bát”

                                                                                         (Mac:2:28)

c. HÓA MÙ, VÌ KHÔNG TÔN TRỌNG LẼ THẬT

 

Thực ra, trong vòng người Pha-ri-si cũng có nhiều người không chịu được việc lên án kẻ làm điều lành, không chịu được việc lên án một người bày tỏ tình yêu, ân điển, quyền phép của Đức Chúa Trời, trong việc chữa lành một người mù từ thuở mới sinh.

 Nên khi nghe những người Pha-ri-si lên án Chúa Jesus là người có tội, vì chữa lành trong ngày Sa-bát. Một số người Pha-ri-si khác đã bày tỏ ý kiến rằng:

                       “Một kẻ có tội, làm phép lạ như vậy, thể nào được?”

                                                                                          (Giăng 9:16b)

Sự chia rẽ giữa vòng người Pha-ri-si với nhau, khiến họ trở nên lung túng.

 Dù vậy, họ nghĩ rằng với quyền lực trong tay, đặc biệt là quyền dứt phép thông công, đuổi bất kỳ kẻ nào không thuận phục họ ra khỏi cộng đồng. Họ quay lại hỏi người mù một câu hỏi đầy đe dọa rằng:

                      “Còn ngươi, về người đã làm sáng mắt ngươi đó, thì ngươi nói làm sao?

                                                                                                                (Giăng 9:17a)

Hẳn là đa số họ chờ đợi câu trả lời rằng “Ấy là một người có tội”, hoặc ít ra là “Tôi không biết”

Nhưng không như họ nghĩ, người mù trả lời rằng:

                       “Ấy là một tiên tri”

                                                  (Giăng 9:17b)

Dù lúc đó, người mù vẫn chưa biết Chúa Jesus là CON ĐỨC CHÚA TRỜI, nhưng đức tin của anh đã lớn lên đến chỗ nhận rằng Chúa Jesus là một” Đấng tiên tri” nghĩa là một người như Ê-li, Ê-li-sê, Esai, Giê-rê-mi…những người được Đức Chúa Trời sai đến, làm nên những dấu kỳ, phép lạ, rao truyền lời Đức Chúa Trời để răn dạy, giúp đỡ con người.

Câu trả lời của người mù như một đòn đau, đối với những người Pha-ri-si, họ không muốn bất kỳ ai tôn kính Chúa Jesus là Đấng tiên tri

 

d. HÓA MÙ, KHI SUY BỤNG TA RA BỤNG NGƯỜI

 

 Pha-ri-si là những người đạo đức giả, họ đến với Chúa Jesus bằng những lời lẽ tâng bốc:

                       “Lạy Thầy, chúng tôi biết Thầy là thật,

                        và theo cách thật mà dạy đạo Đức Chúa Trời, không tư vị ai,

                        vì Thầy không xem bề ngoài người ta

                                                                            (Ma-thi-ơ 22:16).

Họ tâng bốc không phải vì thực lòng,

 Họ tâng bốc Ngài, để gài bẫy Ngài:

                       “Vậy xin Thầy nói với chúng tôi

                        Thầy nghĩ thế nào: Có nên nộp thuế cho Sê-sa hay không?

                                                                                                          .(Ma-thi-ơ 22:17)

Lần khác họ đem đến cho Ngài một người đàn bà, theo lời họ là, “bị bắt quả tang về tội tà dâm”. Họ cũng làm bộ cung kính hỏi ý kiến Ngài, nhưng cũng với mục đích gài bẫy Chúa. Họ hỏi Ngài:

                       “Thưa Thầy, người đàn bà nầy bị bắt quả tang về tội tà dâm.

                        Vả Môi-se có truyền cho chúng ta rằng nên ném đá

                         những hạng người như vậy. Còn Thầy,Thầy nghĩ sao?

                                                                                                         (Giăng 8:4-5)

Người Pha-ri-si quen sống giả dối, nên nghĩ ai cũng giả dối như họ, do đó khi nghe người mù mạnh dạn xưng Chúa Jesus: “là một Đấng Tiên tri”

Họ nghĩ người mù nầy chỉ là một người mù giả, được chữa lành giả, và cũng được đem đến để gài bẫy họ, như họ vẫn thường làm với người khác Thế là họ đi tìm cha mẹ người mù, để xem người mù trước mặt họ, có phải là một người mù giả không?.

Cha mẹ người mù xác nhận:

                       “Chúng tôi nhìn biết đây là con trai chúng tôi, mù từ thuở sanh ra,

                        nhưng hiện nay tại làm sao thấy được, thì chúng tôi không rõ.

                        Chúng tôi cũng không biết ai mở mắt nó nữa.

                        Hãy hỏi nó, nó đã đủ tuổi”

                                                             (Giăng 9:20-21)

Sứ đồ Giăng viết thêm: Sở dĩ cha mẹ người nói như vậy vì sợ người Pha-ri-si, vì người Pha-ri-si quyết định rằng: Ai xưng Chúa Jesus là Đấng Christ sẽ bị đuổi ra khỏi nhà hội.

 

e. HÓA MÙ TRONG CÁCH NGỢI KHEN ĐỨC CHÚA TRỜI

 

.Nỗi sợ của cha me người mù, đã tiếp thêm sức mạnh cho người Pha-r-si. Họ quay lại với người mù với đầy vẻ đe dọa:

                        “Hãy ngợi khen Đức Chúa Trời,

                          Chúng ta biết người đó là kẻ có tội”

                                                                       (Giăng 9:24)

Kiểu nói: “Hãy ngợi khen Đức Chúa Trời”, được người Pha-ri-si dung, như là một cách buộc người khác thề.nguyện.

Người Y-sơ-ra-en xưa vẫn dùng cách nói nầy để yêu cầu người khác: Hãy nói tất cả sự thật, để tôn vinh Đức Chúa Trời.

Ở đây ta có thể thấy cách tôn vinh Đức Chúa Trời của người Pha-ri-si:

       - Người Pha-ri-si gọi Đấng yêu thương con người là kẻ có tôi. Đấng làm ơn cho con người là kẻ có tội. Đấng chữa lành bệnh tật cho con người là kẻ có tội.

Thật mỉa mai, với kiểu thay trắng đổi đen như vậy, người Pha-ri-si gọi là tôn vinh Đức Chúa Trời

- Người Pha-ri-si dùng quyền lực để ép người mù lên án Đấng làm ơn cho mình, đẩy người mù tới chỗ vong ân bội nghĩa, và người Pha-ri-si gọi là đó tôn vinh Đức Chúa Trời.

Chính người mù mới thực sự tôn vinh Đức Chúa Trời. Anh tôn vinh Ngài bằng lẽ thật, một lẽ thật xảy ra, liên quan đến tình yêu, ân điển và quyền phép của Chúa Jesus trên chính thân thể và cuộc đời anh:

                         “Tôi chẳng biết người có phải là kẻ có tội chăng,

                           Chỉ biết một điều, là tôi đã mù, mà bây giờ lại sáng

                                                                                                    (Giăng 9:25)

Lẽ thật mà người mù đưa ra là một loại lẽ thật hiển nhiên, cụ thể, một lẽ thật được đóng ấn trên chính thân thể anh, một lẽ thật không thể biện bác gì được

 

f. PHƯƠNG CÁCH CUỐI CÙNG

 

Bây giờ người Pha-ri-si tiếp tục:

                         “Người đã làm gì cho ngươi? Mở mắt ngươi thế nào?

                                                                                                    (Giăng 9:26)

Câu hỏi của người Pha-ri-si lúc nầy, là một câu hỏi mà họ đã hỏi người mù, ngay từ đầu.

Lặp lại câu hỏi một cách vô thức, chứng tỏ người Pha-ri-si không còn ý gì mới nữa. Họ không còn lý luận gì khác để tấn công người mù nữa. Họ đã thất bại, trong việc áp đặt một thành kiến sai trật của họ, trên người mù.

Sự thất bại đó thể hiện một cách rõ ràng, khi người mù từ chỗ là người bị truy hỏi, trở thành người truy hỏi:

                       “Tôi đã nói với các ông rồi, mà các ông chẳng nghe tôi.

                          Cớ sao các ông muốn nghe lại lần nữa?

                          Há cũng muốn làm môn đồ người chăng?

                                                                                   (Giăng 9:27)

Không bẻ bác gì người mù được, những người Pha-ri-si phải sử dụng phương sách cuối cùng của kẻ có quyền, nhưng không có chân lý: Họ chửi rủa, mắng nhiếc

                        “Ấy chính ngươi là môn đồ người, còn chúng ta là môn đồ Môi-se.

                          Chúng ta biết Đức Chúa Trời phán cùng Môi-se,

                          nhưng người nầy, thì chúng ta chẳng biết từ đâu đên

                                                                                     (Giăng 9: 28-29)

Người Pha-ri-si nhận rằng:“Còn chúng ta là môn đồ của Môi-se”, nhưng thực ra không đúng, vì họ sống hoàn toàn khác với cách sống và lời dạy của Môi-se.

Họ nói rằng: “Chúng ta biết Đức Chúa Trời phán cùng Môi-se”, điều nầy thì đúng.

Nhưng khi họ nói rằng:nhưng người nầy, chúng ta không biết từ đâu đến” thì sự không biết nầy, một lần nữa, cho thấy họ có mắt, nhưng đã hoàn tòàn hóa mù.

Chính người mù chỉ cho họ thấy Chúa Jesus đến từ đâu:

                       “Người đã mở mắt tôi, mà các ông chẳng biết người bởi đâu đến,

                         ấy là sự lạ lắm.

                         Chúng ta vẫn biết Đức Chúa Trời chẳng nhậm lời kẻ có tội,

                         Nếu ai kính sợ Đức Chúa Trời,

                         Làm theo ý muốn của Ngài, thì Ngài nhậm lời.

                         Người ta chẳng bao giờ nghe nói có ai mở mắt kẻ mù từ thuở sanh ra.

                         Nếu người nầy chẳng phải đến từ Đức Chúa Trời

                         thì chẳng làm gì được hết

                                                                                                                (Giăng 9:30-33)

Lập luận của người mù, là lập luận mà toàn thể dân Y-sơ-ra-en (chúng ta) đều công nhân, kể cả người Pha-ri-si, nên người Pha-ri-si không thể đáp lại một lời.

 Họ lại dùng đến phương sách cuối cùng của kẻ có quyền, nhưng không có chân lý: Họ mắng nhiêc, chửi rủa và đuổi ra (dứt phép thông công):

                       “Cả mình ngươi sinh ra trong tội lỗi, lại muốn dạy dỗ chúng ta sao?

                        Đoạn họ đuổi người ra ngoài”.

                                                                  (Giăng 9:34)

 

II. AI CHẲNG THẤY, THÌ THẤY

Chúa Jesus phán:

                           “Ta đã đến thế gian, đặng làm sự phán xét nầy:

                             Hễ ai chẳng thấy, thì thấy”

                                                             (Giăng 9:39a)

Người thanh niên mù trong câu chuyện, đã “chẳng thấy” từ khi vào đời. Anh đã sống trong bóng tối dày đặc, cho đến khi Chúa Jesus gặp anh.

“Anh chẳng thấy” nhưng bởi tình yêu, ân điển và quyền phép của chúa Jesus, Ngài đã làm cho “anh thấy

Con mắt của anh đã mở ra rồi: Anh thấy điều gì nhỉ?

 

1. ANH THẤY CON NGƯỜI VÀ CỎI THIÊN NHIÊN

 

Thật quá đổi vui mừng cho một người trước bị mù, nay thấy được..

Có một phụ nữ Tin lành nghèo, ở Hiệp Đức, Quảng nam, bị mù trong hơn hai mươi năm.

Đầu thập niên 1990, ở tuổi trên 70, bà được đoàn y tế nước ngoài phẩu thuật, thay thủy tinh thể.

Bà kể rằng: Vài ngày sau khi được phẩu thuật, cô cháu gái dắt bà ra khỏi phòng bệnh, bà lén mở băng trên mắt, và thật vui sướng đối với bà: Sau hơn hai mươi năm sống trong bóng tối, bây giờ bà bỗng thấy được.Vật đầu tiên bà thấy chỉ là bức tường của bệnh viện. Bà trầm trồ: Sao mà bức tường bệnh viện đẹp đến như vậy?

Bức tường bệnh viện thì chẳng có gì là đẹp, nhưng niềm vui trong lòng, khiến bất kỳ điều gì hiện ra trước mặt bà đều đẹp, đẹp đến tuyệt vời.

Người mù, được Chúa Jesus chữa lành, cũng vậy.

Hãy tưởng tượng đến những giờ phút đầu tiên, khi người mù được sáng mắt: Anh sững sờ khi đôi mắt mình thấy được, anh bồi hồi xao xuyến, khi nhìn màu xanh dịu dàng, với những gợn sóng lăn tăn trên mặt hộ Si-lô-ê.

Anh soi mình trên mặt nước để thấy chính khuôn mặt mình. Rồi anh vội vàng trở về nhà: Anh ôm hôn khuôn mặt nhăn nheo của me, anh nắm chặt tay cha, những người sinh thành ra anh, nhưng người từng đau đớn, khốn khổ vì bệnh tật và nổi buồn khổ của anh.

Bây giờ anh có thể thấy những người thân yêu trong gia đình mình, những người hàng xóm, những người thân quen ở gần, ở xa… Anh có thể thấy ngàn cây, ngọn cỏ, thấy vẻ lộng lẫy của muôn hoa, thấy những dòng sông mượt mà, uốn khúc, thấy đại dương bao la, thấy những ngọn núi xanh ẩn hiện sau làn mây, hay lấp lóa chỏm tuyết trên đầu trong nắng sớm.

Mỗi con người, mỗi cảnh vật đối với anh đều đẹp, đẹp tuyệt vời, khiến lòng anh xao xuyến.

 

2. ANH THẤY CON ĐỨC CHÚA TRỜI

 

Thật quá đổi mừng vui cho một người trước bị mù, nay thấy được.

Niềm vui được nhân lên, khi không chỉ được chữa lành về sự đui mù thuộc thể, nhưng càng vui mừng hơn, khi được chữa lành bệnh mù thuộc linh.

Sự vui mừng của người mù trở nên trọn vẹn, kh anh nhận biết:

CHÚA JESUS: CON ĐỨC CHÚA TRỜI, SỰ SÁNG CỦA THẾ GIAN

Thoạt đầu người mù biết về Chúa Jesus một cách mơ hồ.

Khi những người hàng xóm hỏi anh: Tại sao mắt anh được sáng? Anh trả lời rằng:

                        “NGƯỜI, TÊN GỌI JESUS kia, đã hòa bùn xức mắt tôi,

                         và nói rằng: Hãy đi đến rửa nơi ao Si-lô-ê.

                         Tôi đi đến rửa tại đó, và thấy được”

                                                                          (Giăng 9:11)

Nhận thức đầu tiên của người mù về Chúa Jesus thật đơn sơ:

 Anh chỉ biết NGÀI LÀ MỘT NGƯỜI, Anh biết tên Chúa, nhưng không biết gì hơn nữa. Khi hàng xóm của anh hỏi:

                        “Người ấy ở đâu?

                                              (Giăng 9:12)

Anh cũng đành chịu, anh không biết

Đức Chúa Trời cho anh một cơ hội, để anh có thể biết nhiều hơn về Đấng chữa lành anh:Anh bị dẫn đến với người Pha-ri-si, những kẻ đạo đức giả, luôn chống đối Chúa Jesus. Đức Chúa Trời muốn anh nhận biết Chúa Jesus, từ chính những kẻ chống đối Ngài.

Khi một số người Pha-ri-si kết án chúa Jesus rằng:

                       “Người nầy không phải đến từ Đức Chúa Trời đâu,

                        vì không giữ ngày Sa-bát

                                                           (Giăng 9:16a)

Dĩ nhiên, câu nầy không khỏi khiến anh bối rối.

Nhưng một số người Pha-ri-si khác phản bác:

                        “Một kẻ có tội, làm phép lạ như vậy thể nào được?

                                                                                      (Giăng 9:16b)

Ngay lúc đó, từ chính những người Pha-ri-si, anh nhận ra một lẽ thật: Đấng làm lành, Đấng khiến một người mù từ thuở mới sinh như anh thấy được, thì không thể là kẻ có tội.

Và nếu người Pha-ri-si nói rằng: “Người nầy không phải đến từ Đức Chúa Trời đâu”. Thì anh nhận ra ngay rằng: Ngài thật đã đến từ Đức Chúa Trời.

Anh tự hỏi: Nếu đến từ Đức Chúa Trời thì Ngài là Đấng như thế nào nhỉ?

Anh nghĩ đến Ê-li, Ê-li-sê, anh nghĩ đến Ê-sai, đến Giê-rê-mi…những con người được Đức Chúa Trời sai đến, nên khi nghe người Pha-ri-si hỏi:

                      “Còn ngươi, về người làm sáng mắt ngươi đó, thì ngươi nói làm sao?”

                                                                                                                (Giăng 9:17a)

Anh đã trả lời không một chút do dự:

                     “Ấy là một Đấng tiên tri”

                                                   (Giăng 9:17b)

Dĩ nhiên, Chúa Jesus không chỉ là “Một đấng tiên tri” như nhận thức của người mù.

Ngài lớn hơn, Ngài vượt cao hơn điều ấy.

Khi biết người mù bị người Pha-ri-si đuổi ra, Chúa Jesus đã đến với anh.

Ngài tiếp tục dìu bước anh, nâng đức tin anh::

                      “Ngươi có tin đến Con Đức Chúa Trời chăng?”

                                                                                       (Giăng 9:35)

Bây giờ người mù biết Đấng đã yêu thương anh,Đấng đã chữa lành cho anh, đang đứng trước mặt anh.

Anh sẵn mở tấm lòng, khi hỏi lại Ngài rằng:

                      “Thưa Chúa Đấng đó là ai?, hầu cho tôi tin đến (Giăng 9:36)

Chúa Jesus phán cùng anh rằng:

                       “Ngươi đã thấy người, và ấy là người đương nói cùng ngươi”

                                                                                                           (Giăng 9:37)

Người mù sấp mình trước Chúa Jesus:

                       “Lạy Chúa, tôi tin”

Anh đã đi đến bước cần thiết nhất của đức tin: Anh nhận ra:

                 CHÚA JESUS LÀ CON ĐỨC CHÚA TRỜI, 

                 NGÀI KHÔNG CHỈ LÀ ĐẤNG MỞ MẮT ANH,

                 NGÀI LÀ CỨU CHÚA CỦA ANH.

Và anh thờ lạy Ngài.