I. GIẾNG GIA CỐP
Kinh thánh chép:
Vả, Ngài phải đi ngang qua xứ Sa-ma-ri.
Vậy Ngài đến một thành thuộc về xứ Sa-ma-ri, gọi là Si-kha
Gần đồng ruộng mà Gia Cốp cho Giô-sép
Tại đó có cái giếng Gia cốp
(Giăng 4: 4-6)
1. NGƯỜI VÀ ĐẤT SA-MA-RI
Năm 922 TC nước Y-sơ-ra-en bị chia tách thành hai quốc gia riêng:
- Vương quốc phía bắc gọi là Y-sơ-ra-en gồm 10 chi phái
- Vương quốc phía nam gọi là Vương quốc Giu-đa chỉ gồm hai chi phái là chi phái Giu đa và chi phái Ben-gia-min
Vương quốc Y-sơ-ra en phía bắc, tồn tại trong 200 năm, trải qua 19 đời vua.
Năm vị vua đầu tiên đã chon Tiệt xa làm kinh đô.
Ôm-ri, vị vua thứ sáu của vương quốc, sau sáu năm cai trị tại Tiệt-xa, đã quyết định dời đô về Sa-ma-ri.
Trước đó Ôm-ri:
“Mua ngọn đồi Sa-ma-ri của Sê-me, với giá hai ta-lâng bạc,
Rồi xây dựng nó thành một thành trì và đặt tên là Sa-ma-ri,
theo tên chủ cũ của ngọn đồi.
(I Các Vua 16:24)
Năm 722 TC, A-si-ri, một đế quốc hùng mạnh lúc bấy giờ, đã vây hãm Sa-ma-ri trong ba năm, cuối cùng đánh bại vua Ô-sê, tiêu diệt Vương quốc Y-sơ-ra-en phía bắc
“Họ bắt một phần lớn dân sự đem về A-si-ri
Cho họ định cư tại Cha-la, bên bờ sông Cha-bo thuộc Gô san
Và trong các thành của xứ Mê-đi”
(II Các Vua 17: 6)
Người A-si-ri cũng:
“Bắt dân từ Ba-by-lôn, Cư-tha, A-va, Ha-mat,
Sê-phạt-va-im, đến định cư trong các thành của
Sa-ma-ri, thế chỗ dân Y-sơ-ra-en
(II. Các Vua 17:24)
Chính những cuộc di dân nầy, khiến cư dân vùng Sa-ma-ri trở thành dân lai, mất đi bản sắc của dân Y-sơ-ra-en chính thống.
Sa-ma-ri, ban đầu là tên một ngọn đồi, sau đó trở thành tên của kinh đô vương quốc phía bắc.Nhưng từ khi không còn là kinh đô nữa, Sa-ma-ri trở thành tên, để chỉ một vùng khá rộng, nằm chắn ngang giữa vùng Ga-li-lê trù phú phía bắc, và vùng Giu-đê nhiều đồi núi phía nam.. Dân cư vùng nầy, cũng được gọi là dân Sa-ma-ri
2. ĐỀN THỜ GA-RI-XIM, THÀNH SI-KHA, GIẾNG GIA CỐP
Năm 586 TC, vương quốc Giu-đa phía nam, cũng bị tiêu diệt bởi đạo quân đế quốc Ba-by-lôn.Phần lớn dân Giu-đa bị đày qua Ba-by-lôn.
Bảy mươi năm sau, dân Giu-đa được Hoàng đế Xi-ru cho phép, trở về quê cũ.
Khi được trở về, nhà lãnh đạo Xô-rô-ba-ben, cùng với dân chúng Giu đa xây lại đền thờ Giê-ru-sa-lem.
Dân Sa-ma-ri đề nghị hợp tác với dân Giu đa, trong cuộc tái thiết nầy, tuy nhiên người Giu-đa, vì muốn giữ sự thuần khiết chủng tộc, đã từ chối quyết liệt, gây nên mối hận thù giữa người Giu đa (Do Thái) và dân Sa-ma-ri
Năm 464 TC, khi Nê-hê-mi bắt đầu xây dựng lại các bức tường đổ nát của Giê-ru-sa-lem, người Sa-ma-ri đã tìm mọi cách để ngăn cản, phá hoại, nhưng không được. Xung đột Do Thái – Sa-ma-ri nổ ra, khiến hận thù chủng tộc ngày càng sâu sắc
Cũng vào thời nầy, Ma-na-se, con trai thầy tế lễ thượng phẩm Ê-li-a-sip, lấy con gái của San-ba-lat, tổng trấn của Sa-ma-ri, làm vợ, nên bị Nê-hê-mi đuổi khỏi đền thờ Giê-ru-sa-lem. Ma-na-se đã cùng người Sa-ma-ri, xây một đền thờ riêng trên núi Ga-ri-xim
Sự hiện diện của đền thờ ở Ga-ri-xim, chắc chắn có ảnh hưởng nhiều đến niềm tin của người Sa-ma-ri:
Người Sa-ma-ri tin thờ Đức Giê-hô-va, tuy nhiên họ chỉ công nhận“Ngũ kinh” mà không công nhận các phần khác của cựu ước là kinh thánh. Người Sa-ma-ri tin rằng: họ thuộc dòng dõi Gia-cốp, qua Giô-sép, Ep-ra-im… vì phần đất của họ, là phần đất mà Gia-côp ban cho Giô-sép, như được chép trong Sáng thế ký:
“Còn cha sẽ cho con phần đất trỗi hơn các anh em,
Là phần đất của cha đã dùng cung kiếm đoạt lấy của dân A-mô-rit đó”.
(Sáng 48:22)
Năm 129 TC, John Hycarnus, Vua dân Do Thái, mở cuộc tấn công, cướp phá, san phẳng đền thờ trên núi Ga-ri-xim.Lần nữa hận thù chủng tộc, lại càng trở nên nặng nề, kéo dài đến thời chúa Jesus.
Thành Si-kha trong thời chúa Jesus, thuộc Sa-ma-ri, nằm phía đông bắc núi Ga-ri-xim, chỉ cách núi nầy khoảng mười cây số.
Giếng nước Gia cốp, nơi Chúa gặp người phụ nữ Sa-ma-ri, cách thành Si-kha độ một cây số.
II. TÔI NHÌN BIẾT CHÚA LÀ MỘT ĐẤNG TIÊN TRI
1. NGANG QUA SA-MA-RI
Kinh thánh chép:
“Vả, Ngài phải đi ngang qua xứ Sa-ma-ri
Vậy Ngài đến một thành thuộc về xứ Sa-ma-ri gọi là Si-kha
Gần đồng ruộng mà Gia Cốp cho Giô-sép
Nhân đi đường mỏi mệt,
Đức Chúa Jesus ngồi gần bên giếng, bấy giờ độ chừng giờ thứ sáu.
Một người đàn bà Sa-ma-ri đến múc nước. Đức Chúa Jesus phán rằng :
Hãy cho ta uống. Vì môn đồ Ngài đã đi ra phố đặng mua đồ ăn.
Người đàn bà thưa rằng:Ủa kìa, ông là người
Giu-đa, mà lại xin uống nước cùng tôi, một người dần bà Sa-ma-ri sao?
(Giăng 4:4-9)
Giăng 4: 4 “Vả, Ngài phải đi ngang qua xứ Sa-ma-ri” .Từ “phải” là một từ khá đặc biệt, nó cho thấy có cái gì đó, buộc Chúa Jesus phải ngang qua Sa-ma-ri.
Điều bắt buộc Chúa ở đây là gì? Phải chăng, vì Sa-ma-ri chắn ngang con đường từ xứ Giu-đê phía nam, lên Ga-li-lê phía bắc, nên Ngài “phải” qua Sa-ma-ri?
Câu trả lời là: Không phải.
Vào thời Chúa Jesus, do người Giu-đa khinh ghét người Sa-ma-ri, không giao thiệp với người Sa-ma-ri, ít khi chịu vào địa phận của người Sa-ma-ri, nên khi cần đi từ Giu đê phía nam, đến Ga-li-lê phía bắc, người Giu-đa không đi ngang qua xứ Sa-ma-ri. Họ thường bắt con đường đi ngang qua sông Giô-đanh, rồi dọc bờ đông sông Giô đanh lên phía bắc, trong xứ Đề-ca-pô-lít. Sau đó, họ lại trở qua sông Giô đanh, để vào Ga-li-lê.
Chúa Jesus đã không đi con đường, như đa số người Giu đa vẫn đi. Ngài đi thẳng từ phía nam, lên phía bắc, ngang qua Sa-ma-ri
Điều gì đã khiến Chúa “phải” đến Sa-ma-ri?
Chỉ có một điều bắc buộc được Chúa Jesus: Điều đó là tình yêu: Ngài yêu người Sa-ma-ri.
Tin lành cứu rỗi vốn là tình yêu của Đức Chúa Trời, tình yêu đó “phải” đến được nơi khó khăn, nơi con người đang bị khinh miệt, đang vật lộn với tội lỗi, và đặc biệt đang khao khát Đấng giải cứu.
Đó mới chính là lý do khiến Chúa Jesus đến thành Si-kha thuộc Sa-ma-ri: Ngài biết có một dân đang chờ đợi Ngài ở đó, Ngài đem tin lành đến cho họ.
2. NGĂN CÁCH
Giữa trưa, Chúa Jesus mỏi mệt vì đường xa, môn đồ Ngài lại vào thành mua thức ăn, nên Ngài ngồi nghỉ một mình bên giếng.Thế rồi, một phụ nữ từ thành Si-kha đến giếng lấy nước.
Giếng Gia cốp nầy nổi tiếng, vì chính Gia cốp, tổ phụ nổi tiếng của người Y-sơ-ra-en, đã cùng với con cháu và bầy súc vật của họ uống nước giếng nầy: Trong dòng máu quí báu của người Y-sơ-ra-en, có nước của giếng nầy.
Ngoại trừ việc đến lấy nước vào buổi trưa, một giờ khắc khá bất thường, để một phụ nữ đến lấy nước ở giếng, còn thì người phụ nữ trong câu chuyện, cũng như mọi phụ nữ Sa-ma-ri khác đều giống nhau:
Mỗi ngày họ đều phải đến đây. Mỗi người đều phải mang vò đựng nước bằng gốm, cùng với gàu múc làm bằng da, và sợi dây dài, để thả xuống giếng sâu múc nươc.
Thấy người phụ nữ kéo nước, Chúa Jesus phán với bà:
“Hãy cho ta uống nước”
(Giăng 4:7)
Người phụ nữ Sa-ma-ri vô cùng ngạc nhiên hỏi lại:
“Ủa kìa, ông là một người Giu-đa, mà lại xin uống nước
cùng tôi, một người đàn bà Sa-ma-ri sao?”
(Giăng 4:9)
Không một người đàn ông Giu-đa nào chào hỏi, hoặc chuyện trò, cùng một phụ nữ xa lạ ở nơi công cộng, chứ chưa nói đến mở miệng xin nước với người phụ nữ, mà lại là phụ nữ Sa-ma-ri.
Vậy tại sao Chúa Jesus xin nước uống, nơi người phụ nữ nầy?
Có ít ra ba câu trả lời cho câu hỏi nầy
- Trước hết, Ngài hỏi xin nước uống, vì Ngài khát:
Sứ đồ Giăng không những cho chúng ta thấy Chúa Jesus là Đức Chúa Trời thật, nhưng ở đây, ông còn cho thấy Ngài là con người thật: Ngài cũng mệt mỏi vì đường xa, cũng đói, cũng khát, như mọi con người trên đất.
- Thứ đến, khi hỏi xin nước, Ngài cố ý giúp người phụ nữ ý thức về mình:
Đối với bà, người đàn ông Giu đa nầy, có lẽ là người đàn ông nhu mì hơn hết mà bà gặp, Câu hỏi xin nước của người, cho bà cảm giác rằng bà vẫn được coi trọng, bà vẫn là con người có giá trị.
Người đàn ông đang bắt chuyện với bà, vẫn cần nơi bà một cái gì đó, dù cái gì đó ở đây chỉ là một ngụm nước giếng.
- Nhưng trên tất cả những điều đó, Chúa Jesus, Cứu Chúa của thế gian, yêu con người, Ngài chủ động vượt qua những ngăn cách, để tìm kiếm con người, vốn đang lạc mất trong tội lỗi.
Chúa Jesus hiểu rõ tập quán của dân Y-sơ-ra-en và của dân Sa-ma-ri:
Có hai ngăn cách lớn, ngăn cách Chúa Jesus với người phụ nữ Sa-ma-ri nầy:
Thứ nhất là ngăn cách về giới tính: Vào thời Chúa Jesus, luật của người Pha-ri-si cấm người đàn ông không được chào hỏi, hoặc chuyện trò với phụ nữ nơi công cộng, ngay cả đối với vơ, con gái, hoặc chị em gái cũng vậy, chứ chưa nói đến việc chuyện trò với một người phụ nữ xa lạ.
Thứ hai là ngăn cách về chủng tộc: Hai chủng tộc Do Thái, Sa-ma-ri vốn căm thù nhau.
Người Do Thái khinh miệt người Sa-ma-ri, đến nổi, khi người Sa-ma-ri đi qua phủ bóng trên họ, họ tự cho là mình bị ô uế, cần tắm giặt để được sạch lại.
Bằng câu hỏi xin nước uống, chính Ngài làm gương, giúp người phụ nữ Sa-ma-ri vượt qua hai đại dương ngăn cách: về giới tính, và chủng tộc để đến được với tình yêu, ân điển, quyền phép của Đức Chúa Trời.
3. NƯỚC SỐNG LÀ GÌ?
Nhìn đôi mắt đang mở to đầy ngạc nhiên của người phụ nữ, Chúa Jesus phán cùng bà:
“Ví bằng ngươi biết sự ban cho của Đức Chúa Trời,
Và biết người nói “Hãy cho ta uống là ai,
Thì chắc ngươi sẽ xin người cho uống,
Và người sẽ cho ngươi nước sự sống”
(Giăng 4: 10)
Lời Chúa khiến người phụ nữ ngạc nhiên càng hơn:
Ngài khơi dậy nỗi khao khát thuộc linh nơi bà, khi chỉ cho bà hai điều, bà rất cần, nhưng chưa biết:
- Bà chưa biết đến sự ban cho của Đức Chúa Trời
- Bà cũng không biết người đang nói chuyện với bà là ai?
Bà ngạc nhiên là phải lắm:
Vì thật ra, bà, những người đương thời với bà, và cả nhân loại ngày nay, cũng không dễ gì biết sự ban cho của Đức Chúa Trời:
“Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian,
Đến nỗi dã ban con một của Ngài,
Hầu cho hễ ai tin con ấy, không bị hư mất,
Mà được sự sống đời đời
(Giăng 3: 16)
Tuy nhiên, Ngài khích lệ bà rằng: Một khi, bà khám phá ra sự ban cho của Đức Chúa Trời, và người đang chuyện trò với bà là ai, thì chính bà:
“Sẽ xin Ngài cho uống, và Ngài sẽ cho bà nước sự sống”
Rõ ràng, người phụ nữ Sa-ma-ri chưa hiểu hết, những gì Chúa vừa nói:
Thật vậy, làm sao bà biết được người đàn ông xa lạ, đang nói với mình là ai, Sự ban cho của Đức Chúa Trời là gì, Và “nước sống” là nước như thế nào?
Tuy nhiên, người phụ nữ Sa-ma-ri thật sự là một người thông minh, lanh lợi:
Bà quyết định tìm biết về người đang nói chuyện với mình::
Bà bắt đầu từ “nước sống”, thứ nước mà Chúa Jesus vừa giới thiệu với bà, để từ đó tìm hiểu về Ngài:
“Thưa Chúa, Chúa không có gì mà múc,
Giếng thì sâu, vậy bởi đâu có nước sống ấy?
Tổ phụ chúng tôi là Gia-cốp để lại giếng nầy cho chúng tôi,
Chính người uống giếng nầy,
Cả đến con cháu cùng bầy súc vật người nữa,
Vậy, Chúa há lớn hơn Gia-cốp sao?”
(Giăng 4: 11-12)
Dĩ nhiên bà chưa hiểu về “nước sống” nhưng bà không hỏi:
“Nước sống là gì?”
Vì nếu hỏi như vậy, dù được Chúa trả lời, thì câu trả lời chỉ có thể giúp bà hiểu nhiều hơn về nước sống, nhưng ít có khả năng giúp bà khám phá: Ngài là ai?
Bà hỏi:
“Vậy bởi đâu có nước sống đó?
(Giăng 4:11b)
Thật tuyệt, bà dò hỏi ngọn nguồn của “nước sống”, để biết về “ngọn nguồn Đấng ban “nước sống”.
Chọn câu hỏi như vậy, cho thấy sự thông minh, mẫn tiệp đặc biệt của bà
Bà còn khôn ngoan hơn, khi thăm dò về Chúa Jesus, bằng cách đem Gia-cốp, vị tổ phụ danh tiếng của bà ra so sánh với Ngài:
“Chúa há lớn hơn Gia cốp sao?
(Giăng 4:11b)
Chúa Jesus không trả lời trực tiếp câu hỏi “Chúa há lớn hơn Gia cốp sao?”
Ngài trả lời gián tiếp, bằng cách: so sánh hai thứ nước, rồi để bà suy tư và tự rút ra câu trả lời.
Chúa Jesus phán:
“Phàm ai uống nước nầy vẫn còn khát mãi,
Nhưng uống nước ta cho, thì chẳng hề khát nữa.
Nước ta cho sẽ trở thành một mạch nước trong người đó
Văng ra đến sự sống đời đời
(Giăng 4:13-14)
Quả thật dù giếng có tốt, nước có trong lành đến đâu, cũng chỉ giúp thỏa mãn tạm thời cơn khát dai dẳng của con người.
Việc bà hằng ngày, phải ra đây để lấy nước giếng chẳng chứng minh điều đó sao?
Có thể, bà cũng lờ mờ cảm nhận được ý sâu xa hơn của lời Chúa: Ngài nói đến nước giếng, để ám chỉ nước của thế gian
Nước của thế gian vốn là vậy: Danh vọng, địa vị, quyền thế, tiền bạc, triết lý, khoa học, nghệ thuật… không thể làm thỏa mãn phần sâu thẳm của con người.
Michael Green dẫn lời ký giả Bernard Levin, một ký giả nổi tiếng (và không phải là tín hữu cơ đốc) rằng:
Ở những xứ như đất nước chúng ta, rất nhiều người có đủ mọi tiện nghi vật chất mà họ ao ước. Nhiều người trong số họ còn có cả gia đình êm ấm, con cái thành đạt nữa, nhưng không hiểu vì sao họ vẫn thấy cô đơn, chán chường. Có gì đó như là một khoảng trống mênh mông bên trong, mà dù có đổ vào đấy bao nhiêu tiền của, đồ ăn, thức uống, danh vọng, quyền thế, gia đình êm ấm, con cái thành đạt…khoảng trống vẫn còn đó, vẫn nhức nhối[1].
Một ngàn rưỡi năm trước, Augustine cũng đã nhận ra điều nầy, ông viết:
“Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên chúng con cho Ngài, và lòng chúng con không hề yên nghỉ, cho đến khi được yên nghỉ trong Ngài”.
Dĩ nhiên người phụ nữ Sa-ma-ri vẫn chưa biết rõ “nước sống”, thứ nước mà như lời Chúa:
“Ai uống sẽ không khát nữa,
Nước chúa ban cho sẽ sống động trong lòng người,
Trở thành mạch nước trong người,
Văng ra đến sự sống đời đời”
Dĩ nhiên người phụ nữ Sa-ma-ri vẫn chưa biết rõ “nước sống”, thứ nước mà ở nơi vinh hiển đời đời, con người được ban cho dư dật:
“Kẻ nào khát, ta sẽ lấy nước sự sống mà ban cho nhưng không”
(Khải 21:6)
Dĩ nhiên người phụ nữ Sa-ma-ri vẫn chưa biết rõ “nước sống”, thứ nước mà Chúa Jesus mời gọi:
“Ngày sau cùng, là ngày trọng thể trong kỳ lễ,
Đức Chúa Jesus ở đó, đứng kêu lên rằng:
Ai khát, hãy đến cùng ta mà uống.
Kẻ nào tin ta, thì sông nước hằng sống sẽ chảy từ trong lòng mình”
(Giăng 7: 37-38)
Dĩ nhiên người phụ nữ Sa -ma-ri chưa thể biết rõ “nước sống”, vì:
“Ngài phán điều đó chỉ về Đức Thánh Linh,
Mà người nào tin Ngài sẽ nhận lấy
Bởi lúc bấy giờ Đức Thánh Linh chưa được ban xuống,
Vì Đức Chúa Jesus chưa được vinh hiển
(Giăng 7:39)
Dĩ nhiên người phụ nữ Sa -ma-ri chưa thể biết rõ “nước sống” vì
“Suối nước sống, chính là Đức Giê-hô-va”
(Giê-rê-mi 17:13)
Dù người phụ nữ Sa -ma-ri vẫn chưa thể hiểu rõ “nước sống” là gì?
Nhưng rõ ràng bà đã hiểu phần nào về Chúa Jesus:
Vì rằng“Nước sống”quí hơn nước giếng Gia cốp bao nhiêu, thì Đấng đang chuyện trò cùng bà, cũng lớn hơn Gia côp, tổ phụ bà, bấy nhiêu.
4. TÔI NHÌN BIẾT NGÀI LÀ MỘT ĐẤNG TIÊN TRI
Nước sống quý hơn nước giếng Gia cốp, Đấng đang chuyện trò cùng bà, lớn hơn Gia-côp: Ngài lớn hơn Gia Cốp, vậy Ngài là ai?
Dù chưa biết rõ về nước sống, nhưng chính cảm nhận về Ngài, khiến bà mở miệng xin nước sống:
“Lạy Chúa, xin cho tôi nước ấy,
Để cho tôi không khát và không đến đây múc nước nữa”
(Giăng 4:15)
Người phụ nữ Sa-ma-ri không hiểu về nước sống, nên bà cũng không đánh giá đúng về giá trị của “nước sống”.
Đối với bà “nước sống” chỉ có ý nghĩa, vì giúp bà không khát nữa, giúp bà khỏi phải đến đây lấy nước mỗi ngày, khỏi phải gặp mặt những con người vẫn thường dè bỉu, khinh miệt bà, điều khiến bà phải chọn giờ trưa vắng vẻ, bất chấp nắng như thiêu, như đốt, để đến giếng nầy.
Nhiều năm tháng trôi qua trong cuộc đời mình, bà đã lẫn tránh cả Đức Chúa Trời và con người.
Người phụ nữ Sa-ma-ri không hiểu ý nghĩa của nước sống, nên bà cũng không hiểu ý nghĩa của từ “khát” mà Chúa nói với bà.
Người phụ nữ Sa-ma-ri “khát” nước giếng, nhưng bà chưa hề “khát” về một đời sống thanh sạch, sung mãn, đầy ý nghĩa. Vì để biết “khát” con người cần tra vấn chính mình, để nhận ra nhu cần thực của mình là gì?
Có một nhu cầu, một nhu cầu lớn, cho mỗi người trên đất: Đó là nhu cầu biết về Đức Chúa Trời và biết về chính mình.
Tiên tri Ê-sai thuật lại kinh nghiệm của mình như sau:
“Vào năm Ô-xia băng, tôi thấy Chúa ngồi trên ngôi cao sang.
Vạt áo Ngài đầy dẫy đền thờ.
Những Se-ra-phim có sáu cánh, hai cái che mặt,
Hai cái che chân và hai cái để bay.
Các Sê-ra-phim cùng nhau kêu lên rằng:
Thánh thay, thánh thay, thánh thay là Đức Giê-hô-va vạn quân,
Khắp đất đầy dẫy sự vinh hiển Ngài.
Nhân tiếng kêu đó, các nền gạch cửa rúng động, và đền đầy những khói.
Bấy giờ tôi nói: Khốn nạn cho tôi, xong đời tôi rồi
Vì tôi có môi dơ dáy, giữa một dân có môi dơ dáy”
(Ê-sai 6:1-5)
Sứ đồ Phi-e-rơ cũng có loại kinh nghiệm nầy: Khi chứng kiến phép lạ Chúa Jesus thực hiện cho riêng ông (Lu-ca 5:1-11). Phi-e-rơ nhận ra Đấng, đang ngồi trong cùng chiếc thuyền với ông, là Chúa của trời đất, và trước Đấng thánh đó, Phi-e-rơ bỗng nhận ra chính con người bất khiết của mình, Phi-e-rơ đã:
“Sấp mình ngang đầu gối Đức Chúa Jesus, mà thưa rằng:
Xin ra khỏi tôi, vì tôi là người có tội”
(Lu-ca 5:8)
Đức Chúa Trời đã khải thị về chính Ngài, để những người thánh của Ngài biết về Ngài, qua đó họ cũng khám phá ra chính họ.
Người phụ nữ Sa-ma-ri cũng cần nhận thức đó nhưng thứ tự nhận thức thì khác:
Chúa Jesus giúp người phụ nữ Sa-ma-ri biết về chính bà trước, rồi sau đó bà dần khám phá về chính Ngài
Khi bà bằng lòng xin “nước sống”, Ngài phán với bà:
“Hãy đi, gọi chồng ngươi, rồi trở lại đây”
(Giăng 4:16)
Đối với những phụ nữ bình thường khác, thì việc đưa chồng tới gặp Chúa, là điều chẳng có gì phải e ngại. Nhưng với riêng người phụ nữ Sa-ma-ri nầy, thì yêu cầu của Chúa thật quá bất ngờ đối với bà: Lời Chúa đang đặt bà đối diện với chính con người bà, đối diện với chính lối sống buông thả của bà, để bà nhận ra mình đã là người thế nào?
Tuy vậy, bà vẫn còn giấu diếm:
“Tôi không có chồng”
(Giăng 4:17)
Chúa Jesus phán:
“Ngươi nói rằng: Tôi không có chồng, là phải lắm.
Vì ngươi đã có năm đời chồng, còn người mà ngươi hiện có,
Chẳng phải chồng ngươi, điều đó ngươi đã nói thật vậy”
(Giăng 4:18)
Lần nầy, Lời Chúa vang động còn hơn sấm động trong bà:
Lời Chúa phơi bày những điều kín giấu trong cuộc sống của bà.Tất cả những gì, bà vẫn giấu diếm trong bóng tối, bây giờ bỗng lộ ra trần trụi trong ánh sáng.
Tuy nhiên, chính điều nầy đang giúp bà giải đáp câu hỏi: Ngài là ai? câu hỏi vẫn thường trực trong tâm trí bà:
Ngài là ai, mà dù chưa hề tiếp xúc với bà, chưa hề đến nơi bà sống, chưa hề quen biết những người lân cận của bà, lại biết rõ đời sống của bà như vậy?
Ngài là ai, mà biết rõ những suy tư thầm kín trong lòng, những ngổn ngang trong tình cảm, những buồn tủi trong cuộc sống của bà như vậy?
Không chỉ câu hỏi Ngài là ai, nhưng sự thông biết kỳ lạ của Ngài, còn dẫn bà đến câu hỏi khác: Ngài từ đâu đến?
Ngài từ đâu đến mà có thể nhìn thấu suốt những điều kín giấu trong lòng người khác?
Sự suy ngẫm đưa bà đến kết luận:
Con người trước mặt bà, phải là Đấng đến từ Đức Chúa Trời, phải nhận tri thức và uy quyền từ Đức Chúa Trời, để bày tỏ ý chỉ của Đức Chúa Trời.
Đấng đó, theo nhận thức của bà, phải là Đấng tiên tri
Bà quay lại Chúa Jesus và thốt lên:
“Lạy Chúa, tôi nhìn thấy Ngài là một đấng tiên tri”
(Giăng 4:19)
III. TA LÀ ĐẤNG ĐÓ
Khi nhận rằng Chúa Jesus là một tiên tri, người phụ nữ Sa-ma-ri nghĩ đến những tiên tri khác, bà nghĩ đến Ê-li, Ê-li-sê, Ê-sai, Giê-rê-mi…những con người được Chúa sai đến.Ngài ban cho họ thấu suốt những điều bí mật nơi người khác, có lời khích lệ người lành, hoặc công bố những hình phạt sẽ đến trên tội nhân…
Tuy nhiên không ai có thể tuyên bố như Đấng đang trò chuyện cùng bà:
“Nhưng ai uống nước ta cho, thì chẳng hề khát nữa.
Nước ta cho sẽ trở thành một mạch nước trong người đó,
Văng ra đến sự sống đời đời” (Giăng 4: 14)
Quả thật không có tiên tri nào tuyên bố như Ngài.
Ngài là ai, mà thứ nước ban cho của Ngài, sống động trong lòng người và “Văng ra đến dự sống đời đời”.
Như vậy: phải chăng Ngài là Đấng ban cho sự sống đời đời?
Phải chăng Ngài còn lớn hơn cả một vị tiên tri?
Người phụ nữ Sa-ma-ri, trong câu chuyện, không đơn giản là người chỉ biết lo chuyện gia đình, bà quan tâm tới đời sống tôn giáo, quan tâm tới niềm tin của cộng đồng bà đang sống, cũng như niềm tin của người Do Thái lân cận.
Hai cộng đồng dân tộc nầy cùng tin thờ Đức Giê-hô-va, cùng tin rằng: mình ra từ Áp-ra-ham, Y-sác, Gia-cốp.
Tuy nhiên, họ tranh chấp dai dẳng với nhau về nơi thờ phượng: Ai cũng tin rằng chỉ nơi thờ phượng của mình mới đúng
Người phụ nữ Sa-ma-ri tin rằng: Chỉ Ngài, Đấng còn lớn một vị tiên tri, là Đấng có thể giải tỏa thắc mắc nầy cho bà. Bà dò hỏi ý Ngài:
“Tổ phụ chúng tôi đã thờ lạy trên hòn núi nầy.
Còn dân Giu-đa lại nói rằng nơi đáng thờ lạy là tại thành Giê-ru-sa-lem
(Giăng 4: 20)
Chúa Jesus trả lời bà như sau:
“Hỡi người đàn bà, hãy tin ta, giờ đến khi các ngươi thờ lạy Cha,
Chẳng tại trên hòn núi nầy, cũng chẳng tại thành Giê-ru-sa-lem.
Các ngươi thờ lạy sự các ngươi không biết,
Chúng ta thờ lạy sự chúng ta biết,
Vì sự cứu rỗi bởi người Giu đa mà đến.
Nhưng giờ hầu đến, và đã đến rồi,
Khi những kẻ thờ phượng thật lấy tâm thần
Và lẽ thật mà thờ phượng Cha:
Ấy đó là những kẻ thờ phượng Cha ưa thích vậy”
(Giăng 4: 21-23).
Chúa Jesus chỉ cho người phụ nữ nầy ba điều:
Trước hết: Đã đến lúc cần xóa bỏ định kiến về vai trò của nơi thờ phượng.
Chúa Jesus không phải là Cứu chúa của riêng người Do Thái, Ngài là Cứu chúa của cả thế gian
Bởi sự khải thị từ Đức Chúa Trời, Giăng Baptit đã giới thiệu chúa Jesus cho mọi người rằng:
“Kìa, chiên con của Đức Chúa Trời, Đấng cất tội lỗi của thế gian đi”
(Giăng 1:29)
Chúa Jesus mở mắt người phụ nữ Sa-ma-ri để bà thấy rằng Sự thờ phượng Chúa, sẽ là sự thờ phượng trên khắp đất.
Chính vì vậy, từ hơn bốn trăm năm trước khi Chúa đến, tiên tri Ma-la-chi đã tiên tri về điều nầy:
“Vì từ nơi mặt trời mọc cho đến nơi mặt trời lặn,
Danh ta sẽ là lớn giữa các dân ngoại.
Trong khắp mọi nơi người ta sẽ dâng hương
Và của lễ thanh sạch cho danh ta,
Vì danh ta sẽ là lớn giữa các dân ngoại,
Đức Giê-hô-va vạn quân phán vậy.
(Ma-la-chi 1:11)
Chính Đức Chúa Trời cho phép đền thờ tại Giê-ru-sa-lem bị san phẳng năm 70 SC, dân Do Thái bị tản lạc, để Giê ru sa lem không còn là trung tâm thờ phượng Đức Chúa Trời nữa. Cùng với đó, Tin Lành của Chúa Jesus được truyền ra khắp đất: Từ nơi mặt trời mọc cho đến nơi mặt trời lặn, trong suốt hai ngàn năm qua: Ấy là để ứng nghiệm, điều đã chép bởi Ma-la-chi.
Thứ hai, Chúa cũng chỉ cho bà thấy rằng sự thờ phượng, mà bà thực hành lâu nay, là sai trật, vì phiến diện và thiếu hiểu biết:
Thiếu sự hiểu biết về lời Đức Chúa Trời khiến đức tin sai lạc, huống hồ bỏ đi lời Đức Chúa Trời: Người Sa-ma-ri chỉ công nhận “ngũ kinh” mà bỏ đi các phần kinh thánh khác, thì làm sao họ không sai trật trong sự thờ phượng được?
Điều thứ ba: Sự cứu rỗi đến từ người Giu đa:
Không phải mọi sự thờ phượng đều là phải lẽ, cũng không phải mọi tôn giáo đều có sự cứu rỗi. Vì:
“Chẳng có sự cứu rỗi nào khác, ví ở dưới trời,
Chẳng có danh nào khác ban cho loài người,
Để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu.
(Công vụ 4:12)
Đức Chúa Trời ban lời hứa về Đấng Mê-si cho nhân loại, chỉ qua cho Đa-vít rằng:
“Người ấy sẽ cất cho ta một cái đền,
Và ta sẽ làm cho ngôi nước người vững bền đời đời.
Ta sẽ làm cha người, người đó sẽ làm con ta.
Sự nhơn từ ta sẽ chẳng cất khỏi người đâu.
Như ta đã cất khỏi những kẻ trước người.
Song ta sẽ lập người đời đời trong nhà ta, và tại trong nước ta.
Còn ngôi nước người sẽ được vững lập mãi mãi
(I Sử 17:12-14).
Người Do Thái biết rằng Đấng cứu rỗi sẽ đến trong dòng dõi Ap-ra-ham, Y-sác, Gia cốp, qua Giu đa để đến với Đa-vít…. Chứ không phải Áp-ra-ham, Y-sac, Gia-cốp, Giô-sép, Ép-ra-im…
Chính vì vậy nhóm từ “Con cháu Vua Đa-vít” luôn được người Do Thái dùng để chỉ về đấng Mê-si, Đúng như điều Chúa Jesus phán với người phụ nữ Sa-ma-ri:
“Vì sự cứu rỗi bởi người Giu đa mà đến”
(Giăng 4:22)
Chúa Jesus phán tiếp với bà:
“Đức Chúa Trời là Thần,
Nên ai thờ lạy Ngài thì phải lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ lạy”
(Giăng 4:24)
Câu hỏi: Ngài là ai? Câu hỏi trong tâm trí bà đã gần đến chỗ được giải đáp:
Ngài là ai mà gọi Đức Chúa Trời là CHA?
Ngài là ai mà hứa ban sự sống đời đời?
Ngài là ai mà có thể đứng cao hơn trên những cộng đồng tôn giáo, chủng tộc khi tuyên bố rằng: Giờ đến khi các ngươi thờ lạy CHA, chẳng tại trên hòn núi nầy, cũng chẳng tại thành Giê-ru-sa-lem
Ngài là ai mà hiểu rõ Đức Chúa Trời để xưng rằng: Đức Chúa Trời là THẦN.
Ngài là ai mà chỉ ra cốt lõi của sự thờ phượng Đức Chúa Trời: Lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ lạy.
Ngài là ai mà có thể tuyên bố: Đây là sự thờ phượng, mà CHA ưa thích.
Những suy nghiệm trong lòng khiến bà thưa với Chúa Jesus rằng:
“Tôi biết rằng: Đấng Mê-si phải đến.
Khi Ngài đến, sẽ rao truyền mọi việc cho chúng ta”
(Giăng 4:25)
Chúa Jesus xác quyết những suy nghiệm của bà:
“Ta, người đang nói với ngươi đây chính là Đấng đó”
(Giăng 4:26)
Không phải ai trong đời, cũng có cơ hội, được một trải nghiệm phi thường với Chúa. Nhưng bởi ân điển, người phụ nữ Sa-ma-ri có được điều ấy.
Xung động mảnh liệt trong long, thúc giục đôi chân bà chạy:
Bà để chiếc vò lại bên miệng giềng, và nhanh chóng vào thành Si-kha.
Bà làm chứng cho mọi người ở đó:
“Hãy đến xem, một người đã bảo tôi mọi điều tôi đã làm.
Ấy chẳng phải là Đấng Christ sao?
(Giăng 4:29)
Và kết quả là: Cả thành Si-kha đều đến với Chúa
TS NGUYỄN VĂN CẨM
[1] Michael Green, Thắc mắc về đời sống, 1998,13