Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 10

EMMANUEL

 Trong những năm đầu của triều vua A-cha, nước Giu-đa, Vua Rê-xin, nước Sy-ri liên kết với vua Phê-ca, nước Y-sơ-ra-en phía bắc, thành lập một liên minh quân sự, nhằm chống lại đế quốc A-sy-ri, đang lăm le xâm chiếm họ.

Rê-xin và Phê-ca đe dọa gây chiến với A-cha, nếu A-cha không cùng liên kết với họ.

Điều nầy khiến:

                  “A-cha và dân sự người trong lòng kinh động,

                    Như cây trên rừng bị gió vậy”

                                                                                                                     (Ê-sai 7:2)

Tiên tri Ê-sai được Đức Chúa Trời sai đến với A-cha để bảo đảm với vị vua nầy rằng:

                   “Sự ngăm đe ấy không thành, điều đó không xảy ra”

                                                                                       (Ê-sai 7:7)

 Nhưng A-cha thiếu lòng tin vào lời của Đức Chúa Trời.

Để cho vị vua nầy vững lòng, Đức Chúa Trời cho phép A-cha xin Ngài một dấu hiệu Ngài phán:

                   “Hãy xin Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi một dấu hiệu,

                     Hoặc dưới vực sâu, hoặc trên trời cao”.

                                                                  (Ê-sai 7:11)

A-cha làm bộ như kính sợ Đức Chúa Trời, nên đã từ chối rằng:

                     “Tôi sẽ chẳng xin, tôi cũng chẳng thử Đức Giê-hô-va”

                                                                                        (Ê-sai 7:12)

Tiên tri Ê-sai nói với A-cha rằng:

                      “Hỡi nhà Đa-vít hãy nghe.

                        Các ngươi cho làm phiền người ta là nhỏ mọn,

                       Mà muốn làm phiền Đức Chúa Trời ta nữa sao?

                       Vậy nên, chính Chúa sẽ ban một điềm cho các ngươi:

                       Nầy một gái đồng trinh sẽ chịu thai, sanh ra một trai,

                       Và đặt tên là Emmanuel

                                                        (Ê-sai 7:13-14)

Thật lạ lùng, không phải bởi lời cầu xin của bất kỳ con người nào từng sống trên đất, nhưng bởi chính tình yêu lạ lùng của Chúa, Ngài ban Emmanuel “Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta” cho con người.

Hơn 700 năm sau, khi ký thuật về sự giáng sinh của Chúa Jesus, sứ đồ Ma-thi-ơ đã được Chúa Thánh Linh giúp nhớ đến danh hiệu lạ lùng nầy của Chúa Jesus: Danh hiệu Emmanuel.

Ma-thi-ơ đã dẫn lại Ê-sai 7:14, nhưng đưa thêm ý nghĩa lạ lùng dầy vinh hiển của danh hiệu nầy: ĐƯC CHÚA TRỜI Ở CÙNG CHÚNG TA:

                   Nầy một gái đồng trinh sẽ chịu thai,

                   Và sinh ra một con trai, rồi người ta đặt tên là Emmanuel,

                   nghĩa là Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta

                                                                                                             (Ma-thi-ơ 1: 16-23)

Trong phần dưới đây, chúng ta sẽ suy nghiệm về danh hiệu lạ lùng của Chúa qua bốn phần sau:

-          Emmanuel: Sự ban cho lạ lùng của Đức Chúa Trời

-          Emmanuel: Đấng giải bày Cha cho chúng ta

-          Emmanuel: Cách Đức Chúa Trời cứu chuộc chúng ta

-          Emmanuel trong cuộc đời của mỗi chúng ta

I EMMANUEL: SỰ BAN CHO LẠ LÙNG CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

1.  MỘT DẤU HIỆU

Chúa phán với vua A-cha rằng:

                 “Chính Chúa sẽ ban một dấu hiệu cho các ngươi:

                   Nầy một gái đồng trinh sẽ thụ thai và sinh một trai”

                                                                                       (Ê-sai 7:14a)

“Đức Chúa Trời thành người” là một mầu nhiệm lớn, có một không hai, nên dấu hiệu Ngài ban cho con người để nhận biết Đấng Emmanuel: “Đức Chúa Trời thành người” cũng là một dấu hiệu lớn, có một không hai.

Vì chỉ một lần duy nhất trong lịch sử nhân loại có:

                  “Một gái đồng trinh chịu thai rồi sinh một trai”

                                                                            (Ma-thi-ơ 1:16)

Dấu hiệu nầy quá đổi lạ lùng cho con người, vì nó vượt ra ngoài công lệ thường thấy nơi đời sống nhân loại. Cho nên trong suốt dòng lịch sử , việc nhiều người không tin, nhiều người dè bỉu Lời Chúa, thật không phải là lạ.

Chỉ đến cuối thế kỷ 20, Đức Chúa Trời mới dùng những tiến bộ của khoa học để hé lộ một phần những điều lạ lùng trong lời Ngài.

Khoa Sinh học ngày nay cho thấy việc thụ thai, sinh nỡ bình thường, theo công lệ tự nhiên, cũng đã là một điều quá đổi lạ lùng trong đời sống con người, chứ chưa nói đến việc trinh sản, như điều được ghi trong Ê-sai 7:14.

Hệ Gene của con người được giữ trong bộ nhiểm sắc thể.

 Ở người, bất kỳ tế bào nào cũng có 46 nhiểm sắc thể, chia thành 23 cặp tương đồng, chỉ trừ ở tế bào sinh dục nam và nữ, số nhiểm sắc thể chỉ là 23 thay vì 46 nhiểm sắc thể như ở mọi tế bào khác.

Khi tế bào sinh dục nam chui được vào trứng (tế bào sinh dục nữ) thì tế bào tạo ra được gọi là tế bào hợp tử có 46 nhiểm sắc thể, chia thành 23 cặp tương đồng: Một nửa đến từ cha, và một nửa từ mẹ.

Đây là một huyền nhiêm: Vì trong thực tế, khi hai tế bào lồng vào nhau, thì cả hai đều chết, nhưng thật lạ lùng, khi hai tế bào sinh dục hợp lại thì không những không chết mà kết hiệp thành một tế bào: Tế bào hợp tử. Tế bào hợp tử được nuôi dưỡng và  phát triển trong lòng mẹ, hình thành nên con người.

Thật, đó không phải con người làm, nhưng chính Chúa làm:

                “Vì chính Chúa nắn nên tâm thần tôi,

                  Dệt thành tôi trong lòng mẹ tôi,

                  Tôi cảm tạ Chúa, vì tôi được dựng nên một cách đáng sợ lạ lùng,

                  Công việc Chúa thật lạ lùng, lòng tôi biết rõ lắm”

                                                                         (Thi thiên 139: 13-14)

Khoa Di truyền học cuối thế kỷ 20 cũng cho thấy rằng: Không phải tất cả 46 nhiểm sắc thể đều cung cấp thông tin di truyền cho cá thể con được sinh ra. Chỉ có 23 trong số 46 nhiểm sắc thể đóng góp thông tin di truyền mà thôi, thông tin của 23 nhiểm sắc thể còn lại đóng vai trò thông tin dự trữ. Điều nầy có nghĩa là: Chỉ cần một nửa trong bộ gene cũng đủ, để phát triển thành một cá thể mới.

Những tri thức nầy khiến khái niệm trinh thai không còn xa lạ với các nhà khoa học vào cuối thế kỷ 20 nữa.

Ngày 05 tháng 7 năm 1996, các nhà khoa học Scotland công bố sự ra đời của cừu Dolly, sinh vật thuộc loài thú, được hình thành chỉ từ một tế bào tuyến vú của cừu mẹ, thông qua quá trình hoạt hóa tế bào, tế bào nầy đã phát triển thành cừu Dolly: Lần đầu tiên con người chứng minh được hiện tượng trinh sản.

Có nhiều người nghĩ rằng: Nếu ngày nay con người có thể tạo ra cừu Dolly, chỉ từ tế bào của mẹ không thôi, thì đến lúc nào đó con người cũng sẽ có thể nhân bản người bằng phương pháp trinh sản.Nếu vậy sự giáng sinh của Chúa Cứu thế có còn là dấu hiệu có một không hai nữa không?

 Câu trả lời là: Dấu hiệu Chúa ban cho con người để nhận biết Đấng Cứu thế mãi mãi là duy nhất:

Tại sao?

Câu trả lời là: Loài người có thể tiến bộ để nhân bản con người. Nhưng bộ gene của người mẹ vốn là nữ, khi được  nhân bản chỉ tạo ra người nữ, chứ không thể tạo thành người nam.Sự nhân bản chỉ có thể tạo ra cá thể cùng phái chứ không khác được.

 Nghĩa là trường hợp:

                   “Nầy một GÁI ĐỒNG TRINH, chịu thai

                     Và sinh ra MỘT TRAI,”

                                                                                                              (Ma-thi-ơ 1:23)

Sẽ mãi mãi là dấu hiệu duy nhất trong lịch sử của loài người, để con người trong các thời đại nhận biết về Đấng Cứu Thế của mình.

Đức Chúa Trời ban cho con người những tiến bộ trong khoa học, không phải để con người chối bỏ Thiên Chúa, nhưng để kính sợ Ngài.

 Tác giả Thi thiên đã cầu xin rằng:

                   “Xin Chúa mở mắt tôi, để tôi thấy

                     Sự lạ lùng trong luật pháp của Chúa”

                                                               (Thi thiên 119: 18)

Thật đúng để dâng lời nài xin rằng:

                     “Xin hãy khiến lòng tôi hướng về chứng cớ Chúa

                       Chớ đừng hướng về sự tham lam.

                       Xin xây mắt tôi khỏi xem những vật hư không,

                       Làm tôi được sống trong các đường lối Chúa”

                                                                    (Thi thiên 119: 36-37)

Lu-ca cũng bày tỏ dấu hiệu lạ lùng chúa ban, khi ký thuật lại sự Giáng sinh của Chúa Jesus như sau:

                     “Đức Chúa Trời sai thiên sứ Gap-ri-el đến thành Na-xa-rét, xứ Ga-li-lê,

                      Tới cùng một người nữ đồng trinh tên là Ma-ri,

                      Đã hứa gả cho một người nam tên là Giô-sép, về dòng vua Đa-vít.

                      Thiên sứ vào chỗ người nữ ở, nói rằng:

                      Hỡi người được ơn, mừng cho ngươi, Chúa ở cùng ngươi.

                      Ma-ri nghe nói thì bối rối, tự hỏi rằng lời chào ấy có nghĩa gì.

                      Thiên sứ bèn nói rằng: Hỡi Ma-ri đừng sợ,

                      Vì ngươi được ơn trước mặt Đức Chúa Trời.

                      Nầy, ngươi sẽ chịu thai và sanh một con trai mà đặt tên là Jesus.

                      Con trai ấy sẽ nên tôn trọng, được xưng là Con của Đấng Rất Cao;

                      Và Chúa, là Đức Chúa Trời, sẽ ban cho Ngài ngôi Đa-vít là tổ phụ Ngài.

                      Ngài sẽ trị vì đời đời nhà Gia-cốp, nước Ngài vô cùng.

                      Ma-ri bèn thưa rằng:Tôi chẳng hề nhận biết người nam nào,

                      Thì làm sao có được sự đó?

                      Thiên sứ bèn truyền rằng: Đức Thánh Ling sẽ đến trên ngươi,

                      Và quyền phép Đấng Rất Cao sẽ che phủ ngươi dưới bóng mình,

                      Cho nên con thánh sanh ra được gọi là CON ĐỨC CHÚA TRỜI”.

                                                                                                              (Lu-ca 1:26-35)

Chỉ một lần trong lịch sử loài người, Thiên Chúa trở thành người.

Chỉ một dấu hiệu duy nhất chỉ cho con người biết Đấng Cứu thế duy nhất của loài người,

Chỉ một nữ đồng trinh duy nhất được chọn để hoàn thành sự kiện lịch sử lạ lùng của loài người:

                  “Nầy một gái Đồng trinh sẽ chịu thai và sinh một con trai”

                                                                                              (Ma-thi-ơ 1:23a)

      

            2.   …VÀ ĐẶT TÊN LÀ EMMANUEL

                 

Giăng Baptit, bởi sự khải thị trực tiếp từ Đức Chúa Trời, đã làm chứng về Chúa Jesus rằng:

                “Ta vốn không biết Ngài, nhưng Đấng sai ta làm phép

                  Báp têm bằng nước có phán cùng ta rằng:

                  Đấng mà ngươi sẽ thấy Đức Thánh Linh ngự xuống đậu lên trên, ấy là

                  Đấng làm phép Báp-tem bằng Đức Thánh Linh.

                 đã thấy, nên ta làm chứng rằng: Ấy chính Ngài là con Đức Chúa Trời

                                                                                                           (Giăng 1: 33-34)

Sứ đồ Phao-lô, được Chúa Thánh Linh dẫn dắt, cũng đã bày tỏ về Chúa Jesus như sau:

                  “Ngài vốn có hình Đức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình đẵng mình với

                    Đức Chúa Trời là sự nên nắm giữ, chính Ngài đã tự bỏ mình đi,

                    lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người.

                    Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống,

                   vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự

                                                                                               (Phi-lip 2:6-8)

Thật, Chúa Jesus là Đức Chúa Trời.

Sứ đồ Ma-thi-ơ được Chúa Thánh Linh chỉ cho thấy Chúa Jesus, Cứu Chúa của nhân loại là Đức Chúa Trời, một Đức Chúa Trời lạ lùng: Ngài là”: “Emmanuel”

 “Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta”

 Trong tình yêu đời đời của Đức Chúa Trời, Ngài đã ban Chúa Jesus cho con người:

                  “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian,

                    Đến nổi đã ban con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin con ấy

                    không bị hư mất mà được sự sống đời đời”

                                                                              (Giăng 3:16)

Chúa Jesus là Đức Chúa Trời, nên sự ban chúa Jesus cho con người, thật là sự ban cho diệu kỳ:

Đức Chúa Trời tao hóa, chủ tể trời đất, vũ trụ, đã ban chính Ngài cho con người, tạo vật nhỏ bé của Ngài

Đức Chúa Trời vô hạn đã ban chính Ngài cho con người hữu hạn

Đức Chúa Trời thánh khiết đã ban chính Ngài cho con người tội lỗi

Đức Chúa Trời công nghĩa đã ban chính Ngài cho con người bất nghĩa

Đức Chúa Trời yêu thương đã ban chính Ngài cho nhân loại đầy dẫy hận thù ganh ghét, giết chóc.

 Đức Chúa Trời đã tự hạ mình xuống ngang với con người, để con người được ở với Ngài và được ở trong Ngài

Thật không thể hiểu thấu sự ban cho lạ lùng nầy.

II.         EMMANUEL: ĐẤNG GIẢI BÀY CHA CHO CHÚNG TA

Sứ đồ Giăng viết:

                   “Chẳng hề có ai thấy Đức Chúa Trời,

                     Chỉ con một trong lòng Cha, là Đấng giải bày Cha cho chúng ta”  

                                                                                                          (Giăng 1:18)

Tội lỗi đã khiến con người bị phân cách với Đức Chúa Trời, nên không còn biết Đức Chúa Trời:

Con người không biết đến sự cao trọng, uy nghi, vinh hiển của Đức Chúa Trời.

Con người cũng không biết tình yêu diệu kỳ lạ lùng của Ngài, không biết đến sự thánh khiết tuyệt đối của Ngài.

Chính vì vậy con người cũng không biết sống thế nào để đẹp lòng Đấng Tạo Hóa, Đức Chúa Trời mình.

Chúa Jesus đến thế gian nầy, trước hết là để giải bày Đức Chúa Trời cho con người:

Bất cứ điều gì Chúa Jesus làm đều với mục đích bày tỏ: “Cha cho chúng ta

-          Tại sao Ngài chịu đau đớn, chịu chết để tha thứ tội nhân: “Ấy là để bày tỏ Cha cho chúng ta”

-          Tại sao Ngài chữa lành kẻ bệnh tật, mở mắt cho người mù, làm sạch cho người phung, chúc phước cho con trẻ: “Ấy là để bày tỏ Cha cho chúng ta”

Trong Emmanuel, Đức Chúa Trời đã trở nên xác thịt, sống cuộc sống lạ lùng, mẫu mực trước mắt con người:

                     “Ngài ở giữa chúng ta, đầy ơn và lẽ thật”

                                                                         (Giăng 1:14)

Ngài ở giữa chúng ta trong hơn ba mươi ba năm, và dù là Đức Chúa Trời, Ngài đã sống  trọn vẹn cuộc sống một con người,  trong quãng thời gian làm người.

Ngài đã ở giữa chúng ta:

Ngài đã bước đi trên địa cầu nầy: Ngài đã thở hít bầu không khí mà chúng ta đang thở hít Cũng như mọi người:.Ngài vui hưởng bông trái của ruộng đồng như chúng ta vui hưởng, Ngài thỏa thích với dòng nước mát trong cơn khát như chúng ta thỏa thích.

Ngài yêu những cánh hoa huệ đong đưa trong trũng, Ngài dõi mắt theo cánh chim nhỏ đang bay về tổ.Ngài thưởng thức vẻ đẹp rực rỡ của buổi bình minh, hay của ánh chiều tà như mỗi chúng ta.

Ngài trầm ngâm với vẻ hoang dại của đất trời trong những ngày mưa bão, vẻ đẹp hùng vĩ của núi đồi, sự bao la của biển, hay vẻ đẹp dịu dàng của những giòng sông…không khác gì chúng ta. Nhưng không chỉ vậy: Ngìa dù giống chúng ta trong nhiều điều, nhưng  không giống chúng ta trong mối quan hệ với Đức Cgyas Trời và con người.

Ngài ở giữa chúng ta:

Ngài đưa tay ra cho những mảnh đời bất hạnh: Một người phung đau đớn vì bệnh tật, và buồn bã vì bị xã hội ruồng rẫy, một người mù buồn tủi, cô đơn…

Ngài dừng đám tang của người trai trẻ trên đường phố Nain, để gọi người nầy sống lại, và đặt chàng lại, trong tay người mẹ góa khốn khổ vì mất con.

Ngài khóc với một gia đình tang chế, khi người anh trong gia đình ra đi, để lại nỗi sầu đau cho hai người em gái.

Ngài thương xót những người thâu thuế, những người phụ nữ xấu nết, vẫn luôn bị xã hội lên án, nhưng lại đang khao khát một cuộc đời công chính, thanh sạch.

.Ngài ở giữa chúng ta:

Ngài sống và trải nghiệm tất cả những trải nghiệm của con người, nhưng quan trọng hơn hết Ngài trải nghiệm như chính ta để dạy cho chúng ta biết phải làm gì, trong những trải nghiệm của chính cuộc đời mình:

Chúng ta than phiền: Tôi nghèo quá                                 

Nhưng Chúa Jesus nghèo hơn chúng ta:

                     “Con cáo có hang, chim trời có tổ,

                      Song con người không có chỗ gối đầu”

Chúng ta nói: Tôi cô đơn lắm.

Phải, nhưng Chúa Jesus, Đấng Emmanuel, chịu nỗi cô đơn nặng nề hơn chúng ta:

Hãy nhìn vào vườn Ghết-sê-ma-nê: nơi Đấng Cứu thế một mình mang lấy gánh nặng cả nhân loại.

Hãy nhìn lên cây thập tự: Có nỗi cô đơn nào nặng nề hơn khi Con Đức Chúa Trời lại phải kêu lên với Cha rằng: “Ê-lô-i, Ê-lô-I, lam-ma sa-bách-ta-ni (Đức Chúa Trời tôi ơi sao Ngài lìa bỏ tôi)

Chúng ta nói: Tôi bị chà đạp, bị ức hiếp

Phải, nhưng Chúa Jesus bị chà đạp nhiều hơn chúng ta, chịu ức hiếp nhiều hơn chúng ta: Đấng vô tội bị bắt bớ, bị đánh đập bạo tàn, Đấng vô tội bị con người tội lỗi xét xử, Đấng vô tội bị con người tội lỗi hành hình trên thập tự giá.

Chúa Jesus đã trải nghiệm mọi trải nghiêm của con người, nhưng Ngài phản ứng không giống với những gì con người thường làm:

 Phản ứng của Ngài là phản ứng của Đức Chúa Trời, trong đời sống con người, để ban cho con người một tấm gương:

Chúng ta bị cám dỗ thì thất bại, nhưng Ngài chịu cám dỗ thì chiến thắng

Chúng ta gặp cảnh cô đơn thì oán trách, Ngài gặp cảnh cô đơn thì phó thác mình cho Cha

Chúng ta bị tấn công, bị ức hiếp, bị tước đoạt của cải, mạng sống thì căm thù, chống trả còn Ngài thì:

                      “Như chiên con bị dắt đến hàng làm thịt,

                        Như chiên câm trước mặt kẻ hớt lông

                        Ngài chẳng từng mở miệng”

                                                            (Ê-sai 53:7)

Ngài đã hành động hoàn toàn khác với chúng ta:

Con người, từ sau sự sa ngã trong vườn Ê-đen, đã không còn biết thế nào là cuộc sống xứng hiệp với tạo vật thiêng liêng cao quí nhất của Đức Chúa Trời.

 Chỉ khi Đấng Emmanuel đến, Ngài là “Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta” đã bày tỏ cho chúng ta biết thể nào là đời sống vinh hiển mà Đức Chúa Trời muốn thấy nơi con người.

 

III.    EMMANUEL: CÁCH ĐỨC CHÚA TRỜI CỨU CHUỘC CON NGƯỜI 

Chúng ta thường quen với một Đức Chúa Trời yêu thương, chậm giận, đầy ơn, hay dung xá mọi điều gian ác.

Đức Chúa Trời đúng là như vậy, nhưng Đức Chúa Trời không chỉ là như vậy.

Ngài là Đức Chúa Trời yêu thương, nhưng cũng là Đức Chúa trời thánh khiết, kỵ tà, không dung chịu tội lỗi, dù là nhỏ nhất

Sách Xuất Ê-dip-tô có chép một câu chuyện hết sức đáng lưu ý:

Trên núi Hô-rep, Đức Chúa Trời đã hiện ra cùng Môi-se trong bụi gai cháy mà không tàn. Ngài thuyết phục Môi-se trở lại Ê-dip-tô, để dẫn dắt dân Y-sơ-ra-en ra khỏi đó, đi về xứ Ca-na-an, mà Ngài hứa ban cho họ.

Ngài yêu quí Môi-se, Ngài chọn lựa ông cho công việc Ngài.

Thế nhưng đang khi Môi-se vâng lời Ngài đem vợ con về lại đất Ê-dip-tô:

                  “Vả, đương khi đi đường, Đức Giê-hô-va hiện ra trước mặt

                    Môi-se trong nhà quán, và kiếm thế giết người đi.

                    Sê-phô-ra lấy con dao bằng đá, cắt dương bì của con mình,

                    Và quăng dưới chân Môi-se, mà nói rằng:

                    Thật chàng là huyết lang cho tôi.

                    Đức Giê-hô-va tha cho chồng; nàng bèn nói rằng:

                    Huyết lang, ấy là vì cớ phép cắt bì.

                                                                   (Xuất 4:24-26) 

Câu chuyện trên cho chúng ta thấy hình ảnh một Đức Chúa Trời không khoan nhượng với tội lỗi. Ngài trừng phạt tội lỗi của bất kỳ người phạm tội nào, dù là tội sơ ý, không tuân thủ phép căt bì cho con trai như trường hợp Môi-se.

Đức Chúa Trời đòi hỏi ở con người sự thánh khiết trọn vẹn. Nhưng chúng ta, con người sinh ra trong dòng giống Adam, thì làm sao thánh khiết trọn vẹn được?

Phải chăng chúng ta cố gắng tu trì, cố gắng chịu khắc khổ như trong các tôn giáo đông phương, hay cố gắng tuân giữ luật pháp như dân Do Thái để được trọn vẹn?

Kinh Thánh, và ngay cả kinh nghiệm của mỗi một chúng ta, đều cho thấy rằng chẳng ai có thể trở nên thánh khiết, trọn vẹn, theo cách đó được:

                    “Dầu vậy đã biết rằng người ta được xưng công bình,

                      Chẳng phải bởi các việc luật pháp đâu,

                      Bèn là cậy đức tin trong Đức Chúa Jesus Christ,

                      Nên chính chúng tôi đã tin Đức Chúa Jesus Christ,

                      Để được xưng công bình bởi đức tin trong Đấng Christ,

                      Chớ chẳng bởi các việc luật pháp.

                     Vì chẳng có ai được xưng công bình bởi các việc luật pháp.   

                                                                                               (Galati 2: 16)

Con người, về mặt bản chất:

                    “Đều đã phạm tội, hụt mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời”

                                                                                                 (Roma 3:23)

Và giá phải trả cho tội lỗi là sự chết:

                    “Vì tiền công của tội lỗi là sự chết

                                                                      (Roma 6:23a)   

Cái giá của tội lỗi là loại giá không thể trả được:

                   “Chẳng có người nào chuộc được anh em mình,

                      Hoặc đóng giá chuộc người, nơi Đức Chúa Trời,

                      Hầu cho người được sống mãi mãi, chẳng hề thấy sự hư nát.

                     Vì giá chuộc mạng sống họ thật mắc quá,

                     Người ta không thể trả được, cho đến dời đời”.

                                                                                     (Thi thiên 49:7-9) 

Các tôn giáo phương đông: Khích lệ con người tu trì, dạy con người làm lành lánh dữ, xem các việc từ thiên như là công đức.

Đối với họ: Công đức là giá phải trả để xóa bỏ tội lỗi của mình.

Các nổ lực đó, dù là thiện chí của con người, các nổ lực đó, dù thể hiện nỗi khao khát của con người muốn trở nên công nghĩa, tuy nhiên giá họ trả cho tội lỗi chưa phải là giá đúng, nên con đường họ chọn, tưởng là chính đáng, mà không chính đáng, vì không giải quyết được vấn đề tội lỗi. Thật:

                    “Có những con đường coi dường như chính đáng cho loài người,

                      Nhưng đến cuối cùng nó thành ra nẻo sự chết”

                                                                            (Châm ngôn 14:12)

Nổ lực tự cứu của loài người thật là một nổ lực vô vọng.Không có bất kỳ nổ lực nào của con người có thể cứu được con người.

Con người tuyệt vọng chăng?

 Không,

Con người không thể tự mình đến được với ĐỨC CHÚA TRỜI CHÍ THÁNH, nên Ngài, ĐỨC CHÚA TRỜI CHÍ ÁI, phải đến với họ.

Con người không tự cứu mình được, chính Đức Chúa Trời là Đấng cứu con người

Thật vậy, Đức Chúa Trời không chỉ là Đức Chúa Trời Chí Thánh, đòi hỏi sự trọn lành nơi con người, Ngài cũng là Đức Chúa Trời Chí Áí, Đấng thấu rõ nỗi tuyệt vọng của con người:

Đấng Chí Ái biết rõ từng người, từng động cơ trong hành động của mỗi người.

Đấng Chí Ái không muốn thấy con người mang trên vai nỗi tuyệt vọng rã rời, không muốn thấy những con người có lòng hướng về điều lành lại phải đắng cay cùng tột,  Ngài không muốn thấy những con người thiện chí lại phải thất vọng não nề

Đấng Chí Ái muốn con người được yêu thương, được chăm sóc, được tương giao với Ngài.

Nhưng vấn đề là: Làm sao một Đức Chúa Trời chí thánh, luôn đòi hỏi sự trọn lành, có thể chấp nhận con người, vốn ngập chìm trong tội lỗi?

Giải pháp của Ngài là: Phải có một người vô tội, chịu chết đền tội cho con người.

Nhưng tìm đâu ra con người vô tội đó?

Một danh nhân nổi tiếng trong thế giới nầy? Một giáo chủ tôn giáo? Một nhà cách mạng vĩ đại? Một triết gia? Một nhà khoa học?...

Kinh Thánh khẳng đinh:

              “Vì mọi người đều đã phạm tội, hụt mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời”

                                                                                                                  (Roma 3:23).

Ai đã bởi cha mẹ mình mà ra đời, thì mang trọn vẹn bản tính của cha mẹ mình: “đều đã phạm tội”, tội nầy bắt nguồn từ Adam tổ phụ của loài người.Nên dù là danh nhân, giáo chủ, triết gia, nhà cách mạng…đều:

                “Đã phạm tội, hụt mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời”

Họ không thể tự cứu mình, và dĩ nhiên cũng không thê cứu bất kỳ ai.

Đấng vô tội chỉ có thể là:

Emmanuel (Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta): Ngài vô tội vì chính Ngài là Đức Chúa Trời.

Emmanuel (Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta): Là con người.

Ngài sinh ra làm người, sống trọn vẹn đời sống con người, một đời sống vô tội và tràn đầy vinh hiển.

Là con người nên Ngài có thể chết vì con người và cho con người.

Cái chết của Đấng vô tội, mới có thể là cái chết đền tội.

Cái chết đền tội mới có công năng chuộc tội.

Chúa Jesus, Đấng Emmanuel, đã đến, đã sống một đời thánh khiết, tuyệt hão trên đất, và đã chết trong cùng tột đau đớn trên cây thập tự.

Ngài đã chết, cái chết đền tội, để những kẻ tin Ngài được sống.

Ngài đã sống lại theo luật công nghĩa của Đức Chúa Trời, để những kẻ tin Ngài được xưng công nghĩa trước mặt Đức Chúa Trời.

IV.   EMMANUEL TRONG CUỘC ĐỜI CỦA MỖI CHÚNG TA

 

Tôi nhớ một cảnh trong chuyện phim “Một mình nơi hoang đảo”

Robinson Cruso, nhân vất chính của câu chuyện, vì bị đắm tàu đã phải sống nhiều năm trên một đảo hoang.

Nỗi khao khát được trở lại với xã hội loài người luôn thôi thúc, khiến Robinson bỏ rất nhiều công sức, đóng một chiếc thuyền, giúp anh vượt biển, trở về quê hương.

Thật không may, khi thuyền được đóng xong, anh mới nhận ra rằng một mình anh không thể đưa con thuyền nặng nề xuống biển được. Anh phân vân không biết mình phải làm gì bây giờ?

Đứng nhìn ra biển xa, anh nói với chính lòng mình rằng:

Thuyền không đến được với biển, thì biển sẽ phải đến với thuyền:

Robinson đào một con kênh dẫn nước từ biển vào sát với con thuyền của anh.

Đúng vậy: Thuyền không đến được với biển, thì biển sẽ đến với thuyền.

Con người không thể tự mình đến được với ĐỨC CHÚA TRỜI CHÍ THÁNH, nên Ngài, ĐỨC CHÚA TRỜI CHÍ ÁI, phải đến với họ.

Và trong suốt dòng lịch sử loài người, “Đức Chúa Trời ở cùng” là giải pháp duy nhất Đức Chúa Trời ban cho để con người thắng hơn mọi sự.

Trên núi Hô-rep Đức Chúa Trời hiên ra trong bụi gai cháy mà không tàn. Ngài gọi Môi-se và kêu gọi ông trở về đem dân Y-sơ-ra-en đang bị nô lệ trong xứ Ai cập đi đến miền đất hứa mà Ngài sẽ ban cho họ.

Môi- se, lúc trẻ, trong ơn thần hựu của Đức Chúa Trời, đã được sống đời sống của một hoàng tử trong triều đình Ai-cập, được học biết đủ mọi thứ khôn ngoan của loài người để có thể trở thành một người lãnh đạo kiệt xuất của dân sự.

Tuy nhiên ông đã trải qua nhiều thất bại, ông cảm biết rằng: Sự khôn ngoan ông từng học được, thiện chí, lòng ao ước nóng cháy muốn phục sự dân Y-sơ-ra-el của ông, đã không giúp ích gì cho ông. Nay, tám mươi tuổi, sức lực không còn Đức CHúa Trời lại kêu gọi ông làm nhiệm vụ mà ông đã muốn làm, đã từng làm và đã thất bại. Ngài muốn ông ra mắt Pha-ra-ôn Vua Ai cập để dắt dân Y-sơ-ra-el ra đi: Ông thưa với Chúa rằng:

               “Tôi là ai, dám đi đến Pha-ra-ôn, đặng dắt dân

                 Y-sơ-ra-el ra khỏi Ê-díp-tô?”

                                                                                                                 (Xuất 3:11)

Đức Chúa Trời đã giải quyết nỗi sợ hãi, nỗi lo thất bại của Môi-se như thế nào?

Đức Chúa Trời phán:

                 “Ta sẽ ở cùng ngươi”

                                         (Xuất 3: 12a)

Đức Chúa Trời là Đấng không bao giờ thất bại, nên giải pháp duy nhất Ngài ban cho con người trong mọi tình huống của họ là “Ta ở cùng ngươi” để họ cũng không thất bại

Ap-ra-ham, Y-sac, Gia côp, bởi được Chúa ở cùng, đã trở thành tổ phụ của dân tộc thánh.

Ghê- đê- ôn, Ba-rác Sam-son, Giép thê, bởi được Chúa ở cùng, đã nỗi lên đánh đuôi được dân ngoại, đang hà hiếp dân tộc mình,

Sa-mu-el, Đa-vít bởi được Chúa ở cùng, đã trải qua cuộc đời không hề thất bại.

Sau lơ khi được Đức Chúa Trời ở cùng thì từ một nông dân trở thành một vị Vua, nhưng khi Đức Chúa Trời lìa khỏi, người trở thành vị vua thất trận và bị diệt vong.

 Phi-e-rơ, Giăng, Câc sứ đồ môn đồ của Chúa thì sao?

 Bởi Chúa ở cùng, họ từ một nhóm nhỏ nghèo nàn, ít học, đã làm đảo lộn thế giới mình đang sống, đã tận hiến đời mình đem tình yêu, ân điển của Đức Chúa Trời đến mọi đầu cùng đất.

Đức Chúa Trời đã đến cùng chúng ta, Ngài là ân điển, là niềm vui, là bình an, là chiến thắng cho chúng ta.

Chỉ có một điều: Ngài ở địa vị nào trong đời sống chúng ta? Ngài là người khách vãng lai, thỉnh thoảng đến thăm chúng ta? Ngài là người khách lạ, lặng lẽ bên cạnh cuộc đời chúng ta?

Sứ đồ Phao Lô nói:

                  “Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Christ,

                    Mà tôi sống, không phải là tôi sống nữa,

                    Nhưng Đấng Christ sống trong tôi”

                                                               (Ga-la-ti 2:20)

Tôi sống: Tôi có mọi quyền quyết định về những gì liên quan đến tôi, trong cuộc sống tôi.

Nhưng tôi không sống nữa: Tôi từ bỏ mọi quyền quyết định về những gì liên quan đến tôi.

Đấng Christ sống trong tôi: Mọi điều liên quan đến tôi đều là quyền của Ngài.

Ngài là Chúa tôi

Phước hạnh biết bao cho đời sống có Đức Chúa Trời ở cùng.