Kinh thánh chép:
Vả, khi Đức Chúa Jesus thấy đoàn dân đông lắm ở xung quanh mình,
Bèn truyền qua bờ bên kia.
Có một thầy thông giáo đến thưa cùng Ngài rằng:
Lạy thầy, thầy đi đâu tôi sẽ theo đó.
Đức Chúa Jesus đáp rằng: Con cáo có hang, chim trời có tổ,
song con người không có chỗ gối đầu.
Lại có một môn đồ khác thưa cùng Ngài rằng:
Lạy Chúa xin Chúa cho phép tôi về chôn cha tôi trước đã.
Nhưng Đức Chúa Jesus phán rằng: Hãy theo ta, để kẻ chết chôn kẻ chết.
(Ma-thi-ơ 8:18-22)
Trong suốt đoạn 8 (và một phần đoạn 9) của sách Ma-thi-ơ, Sứ đồ Ma-thi-ơ kể chuyện Chúa Jesus thi hành các phép lạ để bày tỏ tình yêu của Ngài:
Ngài đưa tay rờ vào người phung để chữa lành cho anh: (Ma-thi-ơ 8:1-4).
Ngài chữa lành cho người đầy tớ của viên đội trưởng, khi người bệnh ở xa: (Ma-thi-ơ 8:4-13).
Ngài đưa tay nắm lấy tay bà gia Phi-e-rơ nâng bà dậy để bà được lành: (Ma-thi-ơ 8:14-17).
Ngài quở trách gió bão khiến biển yên lặng: (Ma-thi-ơ 8:23-27).
Ngài đuổi quỉ cho những người mắc quỉ ám ở Ga-đa-ra (Ma-thi-ơ 8: 28-34)…
Và thật kỳ lạ: Chen vào giữa những câu chuyện nầy là đoạn văn: Chúa Jesus dạy về cách theo Chúa cho:
- Một thầy thông giáo
- Và một môn đồ Ngài
-
I. CHÚA JESUS VÀ THẦY THÔNG GIÁO
Thánh kinh tân tự điển viết về các thầy thông giáo như sau:
Các thầy thông giáo là nhóm người chuyên dạy về kinh luật trong xã hội Do Thái: Vào thời chúa Jesus, họ là một trong các nhóm có địa vị và thế lực trong công hội Do Thái. Ban đầu họ là những người có phận sự sao chép kinh thánh. Qua đó họ có cơ hội nghiên cứu về kinh thánh (Cựu ước), và dựa trên nền tảng kinh thánh để làm nên luật. Tuy nhiên từ thế kỷ 2 TC trở đi họ bắt đầu giải thích kinh luật mà không còn tham khảo trực tiếp kinh thánh nữa[1]
Các thầy thông giáo thường rất giỏi kinh thánh:
“Khi Đức Chúa Jesus đã sanh tại Bêt-lê-hem xứ Giu-đe
Có mấy nhà thông thái từ phương đông đến thành Giê-ru-sa-lem hỏi:
Vua dân Do thái mới sinh tại đâu?
Vì chúng ta đã thấy ngôi sao Ngài bên đông phương, nên đến đặng thờ lạy Ngài.
Vua Herod cùng cả thành đều bối rối.
Vua nhóm các thầy tế lễ cả và các thầy thông giáo lại mà tra hỏi rằng:
Đấng Christ phải sanh tại đâu?
Tâu rằng:Tại Bêt-lê-hem xứ Giu-đê vì cá lời của đấng tiên tri chép rằng:
Hỡi Bêt-lê-hem, đất Giu-đa.
Thật ngươi chẳng kém gì các thành lớn của xứ Giu-đa đâu
Vì từ ngươi ra một tướng Là đấng chăn giữ dân Y-sơ-ra-en tức dân ta”
(Ma-thi-ơ 2:1-6)
Các thầy thông giáo có thể chỉ cho các nhà thông thái, cho vua Hê-rôt rằng: Đấng Christ sinh ở đâu, nhưng riêng họ thì lại dửng dưng, dường như những gì chép trong kinh thánh mà họ thuộc lòng, chẳng liên quan gì đến họ.
Các thầy thông giáo thuộc về một, trong các nhóm chống đối Chúa Jesus gay gắt: Các thầy tế lễ, các trưởng lão, người Pha-ri-si, người Sa-đu-sê và các thầy thông giáo.
Trong số 67 lần Tân ước đề cập đến nhóm từ “thầy thông giáo” thì có đến 43 lần “các thầy thông giáo”: đi chung, liên kết với các thầy tế lễ, các trưởng lão hoặc người Pha-ri-si: Trong các trường hợp như vậy, các thầy thông giáo luôn là những kẻ chống đối Chúa Jesus một cách hết sức gay gắt.
Tuy nhiên Ma-thi-ơ 8:19 ghi lại một điều lạ lùng: Một thầy thông giáo đến với Chúa Jesus và xin theo Ngài:
“Thưa thầy, thầy đi đâu tôi sẽ theo đó” (Ma-thi-ơ 8: 19)
- Thầy thông giáo xưng tụng Chúa bằng từ: Thưa Thầy (Ra-bi), một từ quan trọng của người Do Thái để bày tỏ sự tôn kính, ngưỡng mộ
- Không chỉ vậy: Dù thuộc nhóm người chống đối Chúa Jesus một cách điên cuồng, nhưng riêng thầy thông giáo nầy lại kính phục Chúa và xin theo Chúa:
“Thầy đi đâu, tôi sẽ theo đó
Bằng tấm lòng thành thật, thầy thông giáo nầy thấy: Lời dạy của Chúa khác xa với những gì mà một chuyên gia kinh luật như ông thường làm:
“Ngài dạy như là có quyền chứ không giống như các thầy thông giáo” (Ma-thi-ơ 7:29)
Trước mắt thầy thông giáo nầy: Lời, qua môi miệng Chúa Jesus, không chỉ là văn tự, nhưng là sự sống và uy quyền: Sự sống và uy quyền đó được thể hiện sống động, mạnh mẽ qua những phép lạ Ngài làm.
Cũng có thể, thầy thông giáo nầy còn thấy trong mỗi lời Chúa phán, mỗi phép lạ Ngài làm, tuôn tràn tình yêu cho những mãnh đời bất hạnh, và điều nầy đã chiếm lấy tâm trí và tấm lòng thầy thông giáo, khiến một người từ chỗ chống đối Chúa, trở thành kẻ muốn theo Ngài
Việc một thầy thông giáo vốn thuộc nhóm người chống đối Chúa, trở thành một kẻ muốn theo Ngài là điều thật lạ lùng. Phải chăng sứ đồ Ma-thi-ơ ghi lại câu chuyện nầy như một dấu lạ, mà ông đã kể cùng với các dấu lạ khác suốt đoạn 8, trong sách tin lành của ông
Chúng ta sẽ xem tiếp Chúa Jesus trả lời thầy thông giáo nầy như thế nào:
Kinh thánh chép:
“Đức Chúa Jesus đáp rằng: Con cáo có hang,
Chim trời có tổ, song con người không có chỗ gối đầu”
(Ma-thi-ơ 8:20)
Tại sao Chúa có lời phán lạ lẫm như vậy? Ngài từ chối thầy thông giáo nầy chăng?
Không phải vậy:
Chúa há chẳng từng phán rằng: “Ai đến cùng ta, ta sẽ không bỏ ra ngoài đâu” (Giăng 6:37b).
Chúa Jesus không bỏ bất kỳ người nào tìm đến Ngài. Nhưng Ngài muốn người muốn đi theo Ngài biết cái giá phải trả:
Chưa biết rõ việc theo Chúa dễ hay khó, nhưng thầy thông giáo nầy dám mạnh dạn tuyên bố rằng: ông sẽ đi bất kỳ nơi nào Chúa đi. Lời tuyên bố như vậy luôn là lời tuyên bố mang tính chủ quan, thường được thúc đẩy bởi một cảm xúc nhất thời: mà điều gì được thúc đẩy bởi xúc cảm nhưng thiếu suy nghiệm chin chắn thì rất dễ bị lụi tàn. Các sứ đồ vốn là những người đầy đức tin, được chính Chúa lựa chon, nhưng không ai dám tuyên bố một lời như vậy và như ta biết: Khi cơn bắt bớ đến:
Giu đa ích-ca-ri-ôt trở thành kẻ bán Chúa chỉ vì ba mươi miếng bạc,
“Dù tôi phải chết với thầy đi nữa tôi chẳng chối thầy đâu”
Nhưng chính Phi-e-rơ, trong đêm Chúa bị phản nộp, cũng đã chối Chúa đến ba lần.
Giá phải trả khi theo Chúa Jesus là gì? Câu trả lời là: Chúa đòi người theo Ngài phải biết từ bỏ, giống như Ngài là: Đấng từ bỏ.
Ngài từ bỏ điều gì? Và người theo Ngài, cần từ bỏ điều gì?
Con đường của Chúa Jesus là con đường tự từ bỏ bản thân một cách triệt để:
- Chúa đã từ bỏ tất cả sự vinh hiển vốn có của mình:
“Ngài vốn có hình Đức Chúa Trời,
Song chẳng coi sự bình đẵn mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm giữ,
Chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người.
Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết,
thậm chí chết trên cây thập tự. (Phi-lip 2: 5-8)
- Ngài từ bỏ chính sự sống của Ngài, vì sự sống của con người:
- Trên thập tự giá: đầu đội mão gai, chân tay đinh đóng, Ngài đổ huyết, đổ sự sống mỉnh vì con người và cho con người.
- Ngài cũng bằng lòng từ bỏ của cải vật chất, tiện nghi cuộc sống để làm người không nhà cửa, không tài sản, không chức tước địa vị nào của thế gian nầy. Ngài đã từ bỏ mọi sự và chọn cho mình: đời sống của con người nghèo hèn nhất của thế gian:
Chúa sinh ra trong chuồng súc vật của một nhà quán, thi hành chức vụ bằng cách trải qua những nẽo đường khô cằn, nắng gió của xứ Palestine: khi thì chịu thử thách trong sa mạc hoang vắng, lúc làm baptem cho người trên bờ nước sông Jordan,
Không có ngôi thánh đường nguy nga nào dành cho Ngài: Khi thì Ngài giảng dạy bên sườn một ngọn đồi, lúc lại dập dềnh sóng nước trên chiếc thuyền của người khác, lúc khác Ngài lại ngồi trong sân đền thờ mà dạy dỗ.
Không có chỗ chết êm ái cho Ngài: Ngài chết trên thập tự giá.
Không có ngôi mộ dành riêng cho Ngài: Ngài được chôn trong mộ phần của một người khác, và chẳng qua cũng chỉ là ngôi mộ tạm thời: Tất cả đều không phải của Ngài:
“Con cáo có hang, chim trời có tổ”
Song chính Ngài: Chủ của trời, đất, muôn vật thì:
“Không có chỗ gối đầu”
Cho nên bài học muôn thuở cho người theo Ngài là: bài học tự Từ bỏ:
Sự từ bỏ, mà Chúa đòi hỏi kẻ theo Ngài không hề nhẹ:
“Nếu ai muốn theo ta, phải tự bỏ mình đi,
Mỗi ngày vác thập giá mình mà theo ta.
(Luca 9:23)
Đòi hỏi trước hết là phải tự bỏ mình đi: Người theo Chúa phải bắt đầu một kiểu sống mới: Sống không phải cho mình, mà sống cho Chúa và tha nhân
Điều đòi hỏi thứ hai là: chấp nhận thập tự giá cho riêng mình:
Chấp nhận thập tự giá là chấp nhận: hy sinh, mất mát, thua thiệt, đau đớn, chịu đựng, Chấp nhận thập tự giá là chấp nhận: khinh chê, đàn áp, bắt bớ, có khi còn là tù đày, chết chóc.
Tự bỏ mình và vác thập giá mình theo Chúa là hai mặt của cùng một vấn đề: Tự bỏ mình không thôi là điều vô nghĩa: Tự bỏ mình là để có thể vác thập giá mình theo Chúa, và vác thập giá mình theo chúa cũng chính là sự từ bỏ minh: Đó là sống theo kiểu sống mới: không phải cho mình mà cho Chúa
Con người không thể bỏ sự vinh hiển vốn có như Chúa, vì con người không có điều đó: Chỉ một mình Chúa Jesus mới có sự vinh hiển ban đầu từ thiên thượng, nên chỉ một mình Ngài mới có thể từ bỏ điều đó.
Con người có thể tự bỏ mạng sống mình. Người không biết Chúa cũng có thể làm điều nầy:
“Họa có kẻ chết vì người nghĩa, dễ thường cũng có kẻ bằng lòng chịu chết vì người lành,
Nhưng Đức CHúa Trời tỏ lòng yêu thương đối với chúng ta:
Đang khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết”.
(Roma 5:7-8)
Cũng đã có nhiều người theo Chúa tự bỏ sự sống mình vì Ngài: Hầu như mọi sứ đồ đều đã làm điều đó và lịch sử Hội thánh cũng ghi lại nhiều người như vậy. Nhưng không phải ai theo Ngài đều phải trả giá đó, trừ ra những người mà Ngài thấy xứng đáng và chọn lựa.
Điều từ bỏ thực tế nhất mà Chúa muốn người theo Ngài từ bỏ liên quan đến: Địa vị, quyền thế, tiền của, trên thế gian nầy:
Kinh thánh kể chuyện một người trai trẻ giàu có: Ngay từ nhỏ, anh đã sống một đời sống tốt lành, thuận phục luật pháp của Chúa: không giết người, không phạm tội tà dâm, không trộm cắp, không làm chứng dối. Tuy vậy khi anh được Chúa yêu cầu:
“Bán hết gia tài, phân phát cho kẻ nghèo khó, rồi hãy đến mà theo ta”
Kinh Thánh chép:
“Người trẻ tuổi đi ra, bộ buồn bực lắm, vì người rất giàu có”
(Mat-thi-ơ 19:22)
Có bao nhiêu người, trong thế gian nầy, có thể làm khác hơn, người trẻ tuổi giàu có nầy?
Hầu hết mọi người trong chúng ta được theo Chúa trong cuộc đời mình, phần lớn là nhờ: chúng ta đã nghèo: Nghèo vật chất và cũng nghèo về mặt tâm linh:
“Phước cho người có lòng nghèo ngặt vì nước Đức Chúa Trời là của những kẻ ấy”
(Ma-thi-ơ 5:3)
Theo Chúa thật không dễ chút nào: Nếu không bởi sự thương xót lạ lùng của Ngài, thì thật khó để chúng ta biết Chúa và theo Ngài.
Trong lúc trào dâng cảm xúc, kính ngưỡng Chúa Jesus, thầy thông giáo phát biểu:
“Thầy đi đâu, tôi sẽ theo đó”
Lời phát biểu như vậy thật hùng hồn, nhưng thầy thông giáo thật đã không tính đến cái giá phải trả: Giống như một người xây nhà, nhưng không ngồi lại tính toán chi phí, để xem mình có đủ lực để hoàn thành công trình hay không? (Luca 14:28-30)
Và Chúa đã chỉ cho thầy thông giáo nầy biết về: Đấng mà ông định đi theo rằng:
“Con cáo có hang, chim trời có tổ,
Song con người không có chỗ gối đâu”
Chẳng ai có thể tìm kếm lợi lộc vật chất, địa vị quyền thế trần gian khi theo một Đấng như vậy.
Chúng ta nghĩ chắc Chúa muốn từ chối thầy thông giáo nầy, không muốn người nầy theo Ngài. Không đúng như vậy, thật ra Chúa không bỏ thầy thông giáo nầy, Ngài đang giúp cho người nầy biết cái giá phải trả để theo Chúa. Và cũng chính Ngài giúp cho thầy thông giáo nầy và cho mỗi chúng ta biết rằng: Người theo Chúa không hề thua thiệt, khi trả giá đâu vì:
“Nước thiên đàng: giống như một người lái buôn kiếm ngọc châu tốt.
Khi đã tìm được một hột châu quí giá, thì đi bán hết gia tài mình, mà mua hột châu đó”
(Ma-thi-ơ 13:45-46)
Để được hạt châu quí giá, người lái buôn trước hết phải chấp nhận bán gia tài mình.
Theo Chúa là chấp nhận thập tự giá: Thập tự giá hiển nhiên là biểu hiên của hy sinh, của chịu đựng, của khốn khổ, khinh chê, bắt bớ…Nhưng không chỉ có vậy: Đằng sau thập tự giá là sự vinh hiển, đằng sau thập tự giá là sự sống đời đời.
Chúa đòi hỏi người theo Ngàì tự bỏ mình đi: Bỏ mình đi không phải là mất, và giữ lại mình cũng không có nghĩa là còn.
Một người, đã nhiều lần chiêm nghiệm về cuộc sống: “Giữ lại và Cho đi” đã yêu cầu người nhà mình viết trên mộ bia của mình rằng:
Những gì tôi đã tiêu dùng: Tôi đã có.
Những gì tôi giữ lại: Tôi đã mất.
Những gì tôi đã cho đi: Tôi còn lại[2]
Đây cũng chính là điều Chúa nói cho những người dám trả giá để theo Ngài:
“Vì ai muốn cứu sự sống mình thì sẽ mất,
Còn ai vì cớ ta mất sự sống thì sẽ được cứu
Nếu ai được cả thiên hạ, mà chính mình phải mất hoặc hư đi,
Thì có ích gì?
(Luca 9:24-25)
II. CHÚA JESUS VÀ NGƯỜI MÔN ĐỒ
Kinh thánh chép tiếp:
“Lại một môn đồ khác thưa cùng Ngài rằng:
Lạy Chúa xin Chúa cho phép tôi về chôn cha tôi trước đã
Nhưng Đức Chúa Jesus phán rằng: Hãy theo ta, để kẻ chết chôn kẻ chết”
(Ma-thi-ơ 8: 21-22)
Công việc cứu rỗi của Chúa, là công việc Ngài đã làm để đem sự sống đến cho mọi người: công việc dành cho đám đông quần chúng. Tuy nhiên để đem sự cứu rỗi cho đám đông quần chúng, Chúa Jesus không lập ra các chương trình nhằm thu hút đám đông, hoặc hết ngày nầy qua ngày khác, Ngài ngồi mà dạy dỗ họ.
Điều Ngài làm là đào tạo những con người mà đám đông quần chúng sẽ bước theo, chính vì vậy, hầu hết thì giờ trong chức vụ của Ngài, Ngài dành cho những con người nầy: Họ là các môn đồ Ngài.
Môn đồ: là từ dùng nói đến người học trò của một vị thầy. Tuy nhiên từ: “Môn đồ chúa Jesus”, được diễn tả đặc biệt hơn là một người học trò bình thường, trong xã hội Do Thái hoặc Hy lạp. Thánh kinh tân tự điển viết về môn đồ Chúa như sau:
Họ là những người đáp ứng lời mời gọi của Chúa Jesus, bày tỏ qua việc trao cho Ngài tấm lòng trung thành tuyệt đối. Một số trong họ lìa bỏ gia đình, lìa bỏ các mối quan hệ làm ăn, hoặc tài sản. Sẵn lòng đặt những yêu cầu của Chúa Jesus lên trên hết mọi sự. Thái độ nầy vượt ra khỏi mối quan hệ thầy trò bình thường, và mang lại cho từ “môn đồ Ngài” một ý nghĩa mới[3]
Chúa Jesus đã chon những kẻ theo Ngài làm môn đồ Ngài, dựa vào những tiêu chuẩn của riêng Ngài: Không ai trong số họ là những thành viên trong công hội Do Thái, không có người nào thuộc dòng Lê vy. Họ hầu hết xuất thân từ lớp bình dân lao động, một nửa trong số các sứ đồ, chẳng hạn, là ngư dân làm việc trên hồ Ga-li-lê: Họ có thể ít hiểu biết hoặc tài giỏi, theo cách đánh giá của thế gian như: các thầy tế lễ, người Pha-ri-si hoặc các thầy thông giáo, nhưng họ luôn là người thành tâm trông đợi nước Đức Chúa Trời và khao khát sự sống mới: Họ không tài giỏi nhưng là người sẵn nhận sự dạy dỗ: Dưới bàn tay nhào nặn của chúa Jesus, họ trở thành những con người mới:
Đứng giữa tòa công luận, với những con người đầy quyền uy và kiêu hãnh của công đồng Do Thái, Phi-e-rơ và Giăng, những môn đồ của Chúa, dạn dĩ bày tỏ Chúa Jesus và chân lý của Ngài, đến nỗi những kẻ chống đối họ sững sờ:
“Khi chúng thấy sự dạn dĩ của Phi-e-rơ và Giăng,
Biết rõ rằng ấy là người dốt nát thất học, thì đều lấy làm lạ,
Lại nhận biết hai người từng ở với Đức Chúa Jesus”.
(Công vụ 4:13)
Chính vì môn đồ là những người mà dân chúng sẽ bước theo, nên đòi hỏi đối với “một môn đồ” cũng gắt gao hơn so với “một người theo Chúa”, dù đòi hỏi ở đây cũng là đòi hỏi về sự từ bỏ:
Môn đồ không chỉ được đòi hỏi từ bỏ ước muốn về danh vọng, địa vị, tài sản hoặc tiện nghi vật chất thế gian, họ còn được đòi hỏi điều chỉnh lại các mối quan hệ trần thế: đặc biệt là mối quan hệ gia đình, vốn hay cản trở công việc của họ, và nhiều khi là cớ gây vấp ngã họ, khi phục sự Chúa.
Chúa Jesus nói về tiêu chuẩn chọn lựa môn đồ của Ngài:
“Nếu có ai đến theo ta mà không ghét cha mẹ, vợ con, anh em, chị em mình
Và chính sự sống mình nữa, thì không được làm môn đồ ta.
Còn ai không vác thập giá mình mà theo ta, thì cũng không được làm môn đồ ta”.
(Luca 14:26-27)
Dĩ nhiên chẳng có ai ghét cha mẹ, vợ con, anh em, chị em và ghét chính thân mình.
Môn đồ chúa cũng vậy: Họ yêu cha mẹ, yêu vợ con, yêu anh em, chị em và đặc biệt yêu bản thân minh. Ghét trong câu kinh thánh Chúa Jesus phán, không phải là ghét, nhưng đó là một cách yêu: Yêu, nhưng không chiều theo những đòi hỏi của họ, yêu nhưng luuon biết cân nhắc giữa các đòi hỏi của người thân và ý muốn của Chúa: Ý muốn của Chúa, phải là ưu tiên trong mọi hành động của người muốn làm môn đồ, vì:
“Ai yêu cha mẹ hơn ta thì không đáng cho ta
Ai yêu con trai hay con gái hơn ta thì cũng không đáng cho ta,
Ai không vác cây thập tự mình mà theo ta, thì cũng chẳng đáng cho ta”.
(Ma-thi-ơ 10:37-38)
Người môn đồ trong câu chuyện đến thưa với Chúa rằng:
“Lạy Chúa, xin Chúa cho phép tôi về chôn cha tôi trước đã”.
Chúa Jesus đã trả lời cho anh rằng:
“Hãy theo ta, để kẻ chết chôn kẻ chết”
(Ma-thi-ơ 8:21-22)
Lời phán của Chúa thật quá bất ngờ cho những kẻ nghe Ngài lúc đó, cũng như bất ngờ cho mọi người trải qua các thời đại: Chúa nói về sự sống và cái chết một cách khác thường, mà chưa từng ai nói, và thực ra ngoài Ngài, thì cũng không ai có thẩm quyền để nói như vậy.
Ngài phán rằng: Kẻ tổ chức lễ tang, người khiêng quan tài, kẻ đào huyệt, người lấp đất đều là người chết: Họ chết, khi vẫn còn đang ý thức về sự tồn tại của mình trên thế giới nầy. Họ chết khi vẫn còn đang làm việc nầy, việc kia. Ngài dạy cho môn đồ Ngài ý nghĩa của sống và chết thật:
Sống là khi còn nối kết với nguồn sự sống, nghĩa là còn nối kết với chính Đức Chúa Trời Tạo Hóa, Đấng đã bởi sự sống mình, dựng nên trời đất và muôn vật.
Không có, hoặc không còn mối liên kết với nguồn sự sống, ấy là chết: Cũng như một cành cây, nếu không gắn kết vào gốc, cành ấy thực sự đã chết, dù đang còn xanh tươi.
“Hãy theo ta, để kẻ chết chôn kẻ chết”
cho thấy tính khẩn cấp của Tin lành, Tin lành cần được ưu tiên trước mọi điều khác, vì Tin Lành ấy:
“Là quyền phép của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin” (Roma 1:16)
Có một điều gây thắc mắc cho người nghe lời phán của Chúa Jesus với vị môn đồ nầy.
Đúng là Tin Lành cần được ưu tiên tuyệt đối trước mọi điều khác, nhưng:
Có vô tình hoặc bất nghĩa không, khi cha của môn đồ còn đang nằm chết trên giường, thì môn đồ lại bỏ đó, mà lên đường?
Chúa há không chờ đợi thêm vài tiếng đồng hồ, để người môn đồ làm xong nghĩa cử đối với người sinh thành mình, trước khi anh lên đường theo Chúa sao?
Bỏ đi, khi Cha mình nằm chết trên giường, há không tạo nên một ấn tượng không hay về Tin Lành của Chúa đối với hàng xóm, láng giềng, bà con, thân nhân của môn đồ sao?
William Barlay, nhà giải kinh nỗi tiếng của Scotland, cũng từng thắc mắc như vậy. Cho đến một ngày, ông nghe câu chuyện của giáo sĩ Waldmeir:
Vị giáo sĩ nầy làm việc tại Syria, ở đây ông có quen biết một thanh niên người Thổ nhĩ Kỳ, đây là một thanh niên có nhiều tiềm năng, có thể giúp ích cho công việc Đức Chúa Trời sau nầy, nên ông đã khuyên anh đến châu Âu tìm cơ hội học tập ở đây, để rồi về phục vụ Chúa. Người thanh niên trả lời ông: “Nhưng tôi phải về chôn cha tôi trước đã”. Waldmeir bày tỏ sự cảm thông và chia buồn về sự qua đời của thân phụ người học trò. Nhưng người thanh niên nầy cho biết cha anh hiện vẫn còn sống và anh có ý nói rằng: Anh cần làm bổn phận hiếu kính với cha mình, trước khi anh có thể lên đường sang châu Âu. Thì ra cách nói: “Tôi cần chôn cất cha tôi trước đã” là cách nói khá phổ biến ở các quốc gia vùng Trung đông nói về bổn phận lo toan cho cha mẹ trong tuổi già.
Trong trường hợp nầy, lời phán của Chúa Jesus thật rất cần thiết cho người môn đồ: Rao báo tin lành vốn là việc khẩn cấp cho thế gian, nhưng rao báo Tin Lành cũng là một đặc ân dành cho người được chon, và không phải ai cũng có được.
Vấn đề là: Đừng để bất cứ điều gì, làm lỡ cơ hội làm môn đồ Ngài.