Kinh Thánh: Sáng thế ký 24:1-67
Tất cả những ai kính thờ, hầu việc Đức Chúa Trời trên đời nầy đều là những đầy tớ của Chúa: Ngài ban cho mỗi người những ân tứ, tài năng nhất định: có thể người nầy năm ta-lâng, người kia hai, người nọ một.
Và dĩ nhiên có một ngày Ngài trở lại kiểm tra kết quả công việc của những đầy tớ Ngài: Có thể có nhiều đầy tớ, nhưng kết quả kiểm tra cho thấy chỉ có hai hạng đầy tớ mà thôi:
- Nhóm thứ nhất là: các đầy tớ Ngay lành trung tín (Ma-thi-ơ 25: 21, 23)
- và hạng thứ hai là: Các đầy tớ dữ và biếng nhác (Ma-thi-ơ 25: 26).
Nhưng, như thế nào là một đầy tớ ngay lành, trung tín?
Chúng ta có thể tìm thấy câu trả lời khi suy gẫm về: người đầy tớ của Áp-ra-ham trong Sáng thế ký 24:1-67.
Có bốn điều giúp ta nhận ra: Người đầy tớ ngay lành trung tín nầy:
- Là người hiểu rõ nhiệm mạng mình được giao phó
- Là người tin cậy và nương dựa nơi Đức Chúa Trời
- Là người đặt nhiệm mạng mình lên trên mọi việc khác
- Là người không để bất cứ điều gì cản trở nhiệm mạng của mình
I. LÀ NGƯỜI HIỂU RÕ NHIỆM MẠNG MÌNH ĐƯỢC GIAO PHÓ
Áp-ra-ham đã 140 tuổi, vợ ông, bà Sa-ra, đã mất ba năm rồi, những ngày già cô đơn đang trùm chụp trên ông: Đã đến lúc chuyển giao thế hệ: Ông cần chuyển giao gia tài thuộc linh, cũng như thuộc thể lại cho Y-sác. Những bước chuẩn bị cho người thừa kế phải được thực hiện và trước hết mọi điều ấy: Phải lập gia đình cho Y-sác:
“Vả, Áp-ra-ham đã già, tuổi đã cao; trong mọi việc Đức Giê-hô-va
ban phước cho người. Áp-ra-ham nói cùng người đầy tớ ở lâu hơn hết trong
nhà mình, có quyền quản trị các gia tài, mà rằng: Xin hãy đặt tay trên đùi ta,
và ta sẽ biểu ngươi chỉ Đức Giê-hô-va, là Đức Chúa Trời của trời và đất,
mà thề rằng: Ngươi không cưới một cô nào trong bọn con gái Canaan,
tức giữa dân ấy mà ta trú ngụ, làm vợ cho con trai ta.
Nhưng hãy đi về quê hương ta, trong vòng bà con ta, cưới một người vợ cho Y-sác,
con trai ta. Người đầy tớ thưa rằng: Có lẽ người con gái không khứng theo tôi
về xứ nầy, vậy, có phải tôi dẫn con trai ông đến xứ mà ông đã ra đi khỏi chăng?
Áp-ra-ham nói rằng: Hãy cẩn thận, đừng dẫn con ta về xứ đó.
Giê-hô-va là Đức Chúa Trời trên trời, là Đấng đã đem ta ra khỏi nhà cha ta
và xứ sở ta, có phán và thề rằng: Ta sẽ cho dòng dõi ngươi xứ nầy.
Chánh Ngài sẽ sai thiên sứ đi trước ngươi, và nơi đó ngươi hãy cưới một vợ
cho con trai ta. Nếu người con gái đó không khứng theo, thì ngươi sẽ khỏi mắc lời
của ta biểu ngươi thề, mà dầu thể nào đi nữa, chớ đem con ta về chốn đó.
Đoạn, người đầy tớ để tay lên đùi Áp-ra-ham chủ mình, và thề sẽ làm theo như
lời người đã dặn biểu.
(Sáng 24:1-9)
Mạng lệnh của Áp-ra-ham cho đầy tớ mình cũng khá rõ ràng:
- Không được cưới một cô gái nào trong vòng dân Canaan cho Y-sác: Dĩ nhiên có lý do cho một quyết định như vậy: Áp-ra-ham vẫn nhớ tới Lời Đức Chúa Trời qua miệng Nô-ê:
“Canaan đáng rủa sả, nó sẽ làm tôi mọi cho các đầy tớ của anh em nó”
(Sáng 9: 25)
Mặt khác, Đức Chúa Trời hứa ban cho dòng dõi ông đất Canaan nầy, và chính Ngài sẽ làm làm thành điều ấy: Người Canaan sẽ không có cơ nghiệp nào ở đây, vì vậy Áp-ra-ham không thể làm trái ý muốn Đức Chúa Trời bằng cách: hòa nhập dòng máu của dòng dõi ông với người Canaan.
- Điều thứ hai trong nhiệm mạng: Hãy đi đến quê hương ông, tìm cho Y-sác một người vợ trong vòng thân tộc của ông.
Nhiệm mạng như vậy: Hẳn là rõ và đủ, cho người đầy tớ của Áp-ra-ham? Câu trả lời là: không hẳn.
Ở đây ta thấy một phẩm chất nổi bật của người đầy tớ ngay lành trung tín: Ông không vội vàng nhận lời để đặt tay lên đùi chủ mình thề hứa trước Đức Chúa Trời.
Ông thấy trong nhiệm mạng Áp-ra-ham giao cho ông còn có một yếu tố chưa rõ ràng, có thể dẫn đến rắc rối khi thực hiện:
“Nếu người con gái không khứng theo tôi về xứ nầy:
Vậy có phải tôi sẽ dẫn con trai ông đến xứ mà ông đã ra đi chăng?
(Sáng 24: 5)
Áp ra-ham như sực tỉnh: Nhiệm mạng chưa thực sự đầy đủ và rõ ràng. Ông cẩn thận căn dặn:
“Hãy cẩn thận, đừng dẫn con ta về xứ đó. Giê-hô-va là Đức Chúa Trời trên trời,
là Đấng, đem ta ra khỏi nhà ta và xứ sở ta, có phán và thề rằng:
Ta sẽ cho dòng dõi ngươi xứ nầy. Chánh Ngài sẽ sai thiên sứ đi trước ngươi,
và tại đó, ngươi sẽ cưới một vợ cho con trai ta. Nếu người con gái không khứng
theo, thì ngươi sẽ khỏi mắc lời ta biểu ngươi thề, mà dẫu thế nào đi nữa,
chớ đem con ta về chốn đó”.
(Sáng 24: 6-8)
“Đừng dẫn con ta về xứ đó”: được nhắc lại hai lần cho thấy tính nghiêm trọng của mạng lệnh. Tại sao vậy? Câu trả lời là: Vì Đức Chúa Trời đã đem ông, ra khỏi quê hương, vòng bà con, nhà cha ông và ban cho dòng dõi ông đất nầy, nên đối với Áp-ra-ham: Con trai ông cần ở đây, cần bám chặt vào lời hứa của Ngài mà sống. Và vì sống theo ý chỉ của Đức Chúa Trời nên:
“Chánh Ngài sẽ sai thiên sứ đi trước ngươi”.(Sáng 24:7b)
Sự dẫn dắt của Đức Chúa Trời khiến: Điều rất khó đối với nhiều người, thì trở nên dễ dàng đối với kẻ thuận phục ý Ngài
Tất cả các khúc mắc đã được giải tỏa: Mọi điều trong mạng lệnh đã giao cho đều được hiểu rõ:
“ Người đầy tớ đặt tay lên đùi Áp-ra-ham, chủ mình
và thề sẽ làm theo như lời người đã dặn biểu”
(Sáng 24:9)
II. LÀ NGƯỜI TIN CẬY VÀ NƯƠNG CẬY NƠI ĐỨC CHÚA TRỜI
“Đoạn, người đầy tớ bắt mười con lạc đà trong bầy của chủ mình, đem theo
đủ các tài vật chủ đã giao, rồi đứng dậy đi qua xứ Mê-sô-pô-ta-mi,
đến thành của Na-cô. Người cho lạc đà nằm quì gối xuống nghỉ ở ngoài thành,
gần bên một giếng kia, vào buổi chiều, đến giờ của những con gái ra đi xách
nước. Người nói rằng: Hỡi Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của chủ Áp-ra-ham tôi ơi!
Xin ngày nay cho tôi gặp điều mà tôi tìm kiếm, và hãy làm ơn cho chủ
Áp-ra-ham tôi. Nầy tôi đứng gần bên giếng, các con gái trong thành sẽ
ra đi xách nước, xin cho người gái trẻ nào mà tôi nói như vầy:”Xin nàng hãy
nghiêng bình cho tôi uống nhờ hớp nước”, mà nàng nói rằng: Hãy uống đi,
rồi tôi sẽ cho các lạc đà người uông nữa” là chánh người mà Chúa định cho
Y-sác, kẻ tôi tớ Ngài, và nhờ đó tôi biết rằng: Chúa đã làm ơn cho chủ tôi vậy”
(Sáng 24:10-14)
Đầy tớ của Áp-ra-ham thật là người khôn ngoan:
Ông đến trước thành Na-cô, cho đoàn tùy tùng và lạc đà nghỉ tại một giếng nước bên ngoài thành: Hành động nầy nằm trong tính toán của người đầy tớ Áp-ra-ham: Vì tiêu chuẩn đầu tiên của người con gái mà ông muốn tìm cho Y-sác phải đến từ thân tộc của Áp-ra-ham, nên vị trí ông chọn rõ ràng phải thuộc về thành nầy: Ông và những người cùng đi chờ ở giếng, vì đây là nơi mỗi chiều các cô gái trong làng Na-cô ra lấy nước cho gia đình, là nơi ông có thể gặp gỡ, quan sát và có thể phát hiện ra phẩm chất nơi người con gái có thể là vợ Y-sác, con trai của chủ ông. Vả lại:
Trai khôn tìm vợ: chợ đông,
Gái khôn tìm chồng: giữa chốn ba quân.
Nên: Cái giếng trước cổng thành Na-cô, thật là địa điểm chính xác cho mục đích của người đầy tớ Ap-ra-ham
Nhưng bởi đâu: người đầy tớ của Áp-ra-ham có sự khôn ngoan và cũng có lời cầu nguyện đầy sự khôn ngoan như vậy?
Sự khôn ngoan và lời cầu nguyện khôn ngoan là những gì đọng lại từ những suy nghiệm nhiều ngày về nhiệm mạng cần thực hiện của người đầy tớ Áp-ra-ham:
Đoạn đường từ: Bê-e-sê-ba, nơi gia đình Áp-ra-am cư ngụ, đến thành Na-cô ở Cha-ran, rất dài, dù đi bằng lạc đà cũng phải mất non một tháng đi đường[1]. Trên lưng lạc đà, người đầy tớ của Ap-ra-ham có đủ thứ để lo: Câu hỏi thường trực trong đầu, nỗi trăn trở không thôi trong lòng ông, luôn là về phẩm chất người vợ tương lai của Y-sác:
Gia đình của Áp-ra-ham là một gia đình lớn[2], có thể đến cả ngàn tôi trai, tớ gái, với vô số chiên, bò, lừa, lạc đà cùng với vàng, bạc…(Sáng 24: 35). Người vợ của Y-sác phải như thế nào, để có thể phụ giúp chồng quản trị một gia đình như vậy:
- Phải đến từ thân tộc của chủ Áp-ra-ham: Điều nầy thì rõ ràng không cần bàn cải gì nữa.
- Rồi phải như thế nào nữa: Phải là người siêng năng trong công việc:
“Nàng coi sóc đường lối nhà mình
Không hề ăn bánh biếng nhác”(Châm 31: 27)
Đúng như vậy: người biếng lười thì làm sao có thể quán xuyến một gia đình trăm công nghìn việc như gia đình chủ Áp-ra-ham của ông được.
- Còn gì nữa: Phải là người có tinh thần phục vụ: Đúng vậy: Người không phục vụ người khác, chỉ muốn người khác phục vụ mình thì: Người không thuận, và Trời cũng không thuận để cho làm chủ:
- “Trong các ngươi kẻ nào muốn làm lớn, thì sẽ làm đầy tớ các ngươi, còn kẻ
nào muốn làm đầu, thì sẽ làm tôi mọi các ngươi (Ma-thi-ơ 20: 26-27).
- Phải hiếu khách nữa chứ:
“Chớ quên tiếp khách, có khi kẻ làm điều đó đã tiếp đãi thiên sứ mà không biết”
(Hê-bơ-rơ 13:2)
- Và một phẩm chất hết sức quan trọng: Phải có lòng nhân từ:
“Nàng mở tay đưa ra giúp kẻ khó khăn
Giơ tay mình lên tiếp người nghéo khổ” (Châm 31:20)
Một người không có lòng nhân từ sẽ chẳng thông cảm cho bất kỳ ai, và sẽ là kẻ phá hoại mọi mối quan hệ tốt đẹp với người chung quanh: và như vậy không thể làm chủ được.
- Một người con gái khỏe mạnh, đẹp, trinh trắng? Đó là những điều đáng trân trọng: Khỏe mạnh là điều cần, Trinh trắng bày tỏ phẩm hạnh, còn đẹp là ân điển của Đức Chúa Trời, nhưng những điều nầy có phải là điều nên đòi hỏi chăng?
Những câu hỏi trong trí, những lo toan trong lòng đeo dẳng người đầy tớ của Áp-ra-ham suốt cuộc hành trình: Ông cố gắng suy nghĩ, sắp xếp để có thể làm tốt nhất công việc được giao. Tuy vậy: những cố gắng, suy nghĩ, sắp xếp cũng chỉ là những điều thuộc về loài người. Điều mang tính quyết định không phải thuộc về con người vì: “Mưu sự tại Nhân, thành sự tại Thiên” Ở lâu năm trong nhà Áp-ra-ham, người đầy tớ biết bí mật nầy: Mọi thành tựu đều đến từ Giê-hô-va Đức Chúa Trời, nên ông cần trình dâng công việc lên cho Đức Chúa Trời: Cầu xin sự soi sáng và dẫn dắt của Ngài: Ông cần một dấu hiệu để có thể nhận ra người con gái mà Đức Chúa Trời định sẵn cho Y-sác con trai của chủ ông.
Dấu hiệu đó phải giúp ông nhận ra được những phẩm tính của một người nữ tài đức: Siêng năng, có tinh thần phục vụ, đầy lòng nhân từ, tính hiếu khách…
Đứng gần bên giếng nước, ông cầu nguyện với Chúa rằng:
“Nầy tôi đứng gần bên giếng nầy, các con gái của dân trong thành ra đi
xách nước, xin cho người gái trẻ nào mà tôi nói như vầy: “Xin hãy nghiêng bình,
cho tôi uống nhờ hớp nước”, mà nàng trả lời rằng: “Hãy uống đi, rồi tôi sẽ cho
lạc đà người uống nữa” là chánh người mà Chúa định cho Y-sác tôi tớ Ngài,
và nhờ đó tôi biết rằng Chúa đã làm ơn cho chủ tôi vậy”
(Sáng 24: 13-14)
Sẽ có vô số người con gái sẵn lòng nghiêng bình cho một người khách lạ uống nhờ nước. Nhưng trong hàng vạn người con gái đó, chẳng có mấy người sẵn sàng (nói và làm) rằng: Tôi cũng sẽ cho lạc đà của người uống nũa[3]: Thật hết sức khôn ngoan khi xin một dấu hiệu như vậy
Đức Chúa Trời đẹp lòng về suy nghĩ và hành động của người đầy tớ ngay lành trung tín nầy: Ngài nhậm lời ông, khi lời cầu xin chưa dứt:
“Người đầy tớ chưa dứt lời: nầy, nàng Rê-bê-ca vác bình trên vai đi ra.
Nàng là con gái Bê-tu-ên, Bê-tu-ên là con trai của Minh-ca, vợ Na-cô,
em trai của Áp-ra-ham, người gái trẻ đó rất đẹp, còn đồng trinh chưa gả cho ai.
(Sáng 24:15-16)
Dấu hiệu người đầy tớ Áp-ra-ham cầu xin được thể hiện trọn vẹn trong cách cư xử của Rê-bê-ca:
“Đầy tớ bèn chạy lại trước mặt nàng và nói rằng:
“Xin: Hãy cho tôi uống nhờ hớp nước trong bình”. Nàng đáp rằng:
“Thưa Chúa hãy uống đi”, rồi nàng lật đật đỡ bình xuống tay và cho người uống.
Khi đỡ cho người uống xong rồi, nàng lại tiếp rằng: Tôi cũng sẽ xách cho các
con lạc đà của Chúa uống nữa, chừng nào uống xong thì thôi” (Sáng 24: 17-19).
Dù phần quan trọng của dấu hiệu đã được ứng nghiệm, người đầy tớ của Áp-ra-ham cũng thận trọng quan sát chờ người thiếu nữ làm xong việc, sau đó ông mới lấy một khoanh vàng nửa siếc lơ và đôi xuyến nặng được mười siếc lơ tặng nàng[4], và hỏi rằng:
“Nàng là con ai? Xin nói cho tôi biết: Trong nhà nàng có chỗ nào cho tôi
ở nghỉ ban đêm chăng? Nàng đáp: Tôi là con Bê-tu-ên, cháu nội Minh-ca và Na-cô.
Rồi lại nói: Nhà chúng tôi có nhiều rơm và cỏ và cũng có chỗ ở nghỉ nữa”
(Sáng 24: 23-25)
Bấy giờ người đầy tớ Áp-ra-ham biết rõ rằng: Rê-bê-ca-thật là người mà Đức Chúa Trời dành sẵn cho Y-sác con trai chủ ông, ông cũng nhận ra sự thương xót dẫn dắt của Đức Chúa Trời trên con đường thực hiện nhiệm mạng của ông:
Ông cúi sấp mặt trên đất: ngợi khen Đức Chúa Trời và bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với Ngài. (Sáng 24: 27)
III. LÀ NGƯỜI ĐẶT NHIỆM MẠNG LÊN TRÊN MỌI ĐIỀU KHÁC
“Một người nữ tài đức ai sẽ tìm được
Giá trị nàng trỗi hơn châu ngọc” (Châm 31: 10)
Nhưng tìm được người nữ xứng hợp là một việc, còn để nàng trở thành vợ Y-sác, con trai chủ mình là một điều khác, vì không phải hễ: “Tìm được” là “có được”.
Hôn nhân ở hầu hết các vùng miền đông phương, cho đến gần đây, vẩn theo công lệ: “Cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy”, nên để có Rê-bê-ca cho Y-sác, người đầy tớ Áp-ra-ham còn vô số việc phải làm: Trước hết, phải gặp mặt cha mẹ nàng, và phải thuyết phục được cha mẹ người gái trẻ nầy gả nàng cho Y-sác
Người đầy tớ Áp-ra-ham đã khôn khéo chuẩn bị cho bước nầy, khi mở lời với Rê-bê-ca rằng:
“Nàng là con ai? Trong nhà nàng có chỗ nào cho tôi nghỉ ban đêm chăng?
(Sáng 24: 23)
Sau khi nghe Rê-bê-ca kể chuyện về người khách bên giếng, lại thấy vòng vàng và đôi xuyến người đầy tớ Áp-ra-ham tặng cho Rê-bê-ca, La-ban, anh nàng, đã thay cho gia đình mời đầy tớ Áp-ra-ham về nhà:
“Hỡi người được Đức Giê-hô-va ban phước, xin mời vào. Sao đứng ngoài nầy vậy”
(Sáng 24: 31)
Và sau đó: Là sự tiếp đãi thật nồng hậu và chu đáo:
“La-ban cởi yên cho lạc đà, đem cỏ cùng rơm cho các thú đó,
rồi lấy nước đặng rửa chơn cho người đầy tớ và các kẻ đi theo.
Đoạn người nhà bày bữa và mời ăn”
(Sáng 24:32-33)
Những ngày đi đường gian nan đã qua, đã đến được với gia đình của thân tộc của Áp-ra-ham, đã được tiếp đón ân cần, đã có nơi để an nghỉ, và bây giờ: Trước mặt là bữa ăn dọn sẵn cho khách đường xa. Có điều gì cản trở đầy tớ Áp-ra-ham và những người đi theo vui hưởng một bữa ăn như bữa ăn nầy chăng?
Có đấy: Nhiệm mạng chưa được thực hiện, nên chưa phải là lúc cỏ thể ngồi an hưởng: Nhiệm mạng luôn là điều trước hết, trên hết trong đầu, trong lòng người đầy tớ ngay lành, trung tín của Áp-ra-ham:
“Không, tôi không ăn đâu, nếu chưa nói được điều cần phải nói.” (Sáng 24: 33b)
La-ban vội vàng lên tiếng: Hãy nói đi.
Bầy giờ là thời khắc quyết định nhất của chuyến đi: Ông phải trình bày như thế nào để có thể thuyết phục được gia đình Bê-tu-ên gả Rê-bê-ca cho Y-sác: Có hai điều người đầy tớ Áp-ra-ham đã làm:
- 1.Hạ mình để tôn vinh chủ và con trai chủ, vốn là những nhân vật chính trong mối quan hệ hôn nhân.
Người đầy tớ ngay lành trung tín giới thiệu về mình như sau: “Tôi là đầy tớ của Áp-ra-ham”: Ông không nói nhiều hơn mấy từ ngắn ngủi đó, ông không nói rằng: Tôi là người đứng đầu trong số hàng ngàn người trong nhà Áp-ra-ham, tôi có quyền ra lệnh cho người gia nhân nầy đi, thì nó đi, tôi bảo nó đứng thì nó đứng, tôi và chỉ tôi là người quản trị mọi gia tài của Áp-ra-ham. Không, người đầy tớ ngay lành trung tín không nói như vậy: Ông không tôn vinh mình, nhưng tôn vinh chủ mình:
Chính sự khiêm nhu của ông đưa gia đình Bê-tu-ên đến nhận định: Người nầy dù chỉ là một đầy tớ mà đã như một khách quí: một con người hào sảng, rộng rãi, sang trọng, yêu mến chủ như vậy, thì chủ ông còn là người như thế nào nữa?
Muôn đời vẫn vậy: Người đầy tớ thu mình lại càng nhỏ, thì chủ ông càng trở nên vĩ đại, vinh hiển, sang trọng, uy nghi.
Ông thưa với Bê-tu-ên và La-ban rằng:
“Đức Giê-hô-va ban phước cho chủ tôi bội phần, trở nên thịnh vượng.
Ngài cho chủ tôi chiên, bò, bạc, vàng, tôi trai, tớ gái, lạc đà và lừa” (Sáng 24: 34-35)
Hãy đếm xem: Có đến 21 lần người đầy tớ Áp-ra-ham dùng đến từ: “Chủ tôi” trong đó 20 lần chỉ về Áp-ra-ham và một lần chỉ về Y-sác (Khi nói với Rê-bê-ca). Bằng lời giới thiệu khôn ngoan và đầy khiêm nhu của cá nhân mình, ông đã đưa đến cho gia đình Bê-tu-ên hình ảnh một Ap-ra-ham: Vinh hiển, giàu có, sang trọng, uy nghi, và cách sống đẹp lòng kẻ ăn người ở trong nhà.
Ông cũng giới thiệu về Y-sác con trai chủ ông:
“Vả, Sa-ra, vợ chủ tôi, trở về già, có sanh một con trai cho người,
người đã giao gia tài lại hết cho con trai đó.”
(Sáng 24: 36)
Sự tôn trọng con của chủ mình, bày tỏ phẩm tính trung thành của một người đầy tớ, còn hơn cả sự tôn trọng chính người chủ nữa.
- 2. Làm chứng chân thật về quyền phép, ân điển của Đức Chúa Trời :
Điều mang tính thuyết phục nhất trong những bày tỏ của người đầy tớ Áp-ra-ham: không chỉ là giới thiệu trân trọng về chủ mình và về con của chủ. Điều thuyết phục nhất chính là những lời thành thật ông làm chứng về ân điển và quyền phép của Giê-hô-va, Đức Chúa Trời trong sự ban ơn, dẫn dắt đối với ông:
Ông kể lại thể nào Áp-ra-ham giao cho ông: việc tìm kiếm người vợ cho Y-sác trong vòng thân tộc chủ ông, thể nào ông đã cầu nguyện Đức Chúa Trời xin Ngài cho ông một dấu hiệu để nhận ra người xứng hiệp nhất cho Y-sác, thể nào Rê-bê-ca đã làm ứng nghiệm trọn vẹn dấu hiệu mà ông cầu xin nơi Đức Chúa Trời. Để rồi cuối cùng ông tìm một câu trả lời quyết định từ gia đình Bê-tu-ên:
“Vậy bây giờ nếu các ông muốn lấy lòng tử tế và trung tín đối cùng chủ tôi,
xin hãy tỏ điều đó cho, dầu không, xin cũng nói cho biết, hầu cho tôi sẽ xây
bên hữu hay là bên tả” (Sáng 24: 49)
Rõ ràng: Lời chứng chân thật về ân điển và quyền phép của Đức Chúa Trời đã thuyết phục gia đình Bê-tu-ên, họ nói:
“Điều đó do nơi Đức Giê-hô-va mà ra, chúng tôi đâu nói được cùng người
rằng quấy hay rằng phải. Kìa Rê-bê-ca đương ở trước mặt ngươi, hãy dẫn nó đi,
để nó được làm vợ con trai chủ ngươi, theo như lời Đức Giê-hô-va phán định.”
(Sáng 24: 50-51)
Người đầy tớ Áp-ra-ham làm gì, khi nghe những lời nầy? Một lần nữa chúng ta thấy: Người đầy tớ Áp-ra-ham:
Cúi sấp mặt trên đất: ngợi khen Đức Chúa Trời và bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với Ngài.
Và sau đó ông mới:
“Lấy đồ trang sức bằng bạc, vàng, áo xống trao cho Rê-bê-ca,
rồi cũng lấy các vật quí dâng cho anh và mẹ nàng”
(Sáng 24: 52-53)
Và sau đó mới là bữa ăn:
“Đoạn người đầy tớ và những người đi theo ngồi ăn uống rồi ngủ tại đó”. (Sáng 24;54)
IV. KHÔNG ĐỂ ĐIỀU GÌ NGĂN TRỞ NHIỆM MẠNG
Sáng hôm sau, người đầy tờ Áp-ra-ham dậy sớm và trình bày với gia đình Bê-tu-ên rằng:
“Xin hãy cho tôi trở về cùng chủ” (Sáng 24: 54b)
Lời cáo từ sớm và bất ngờ nầy rõ ràng rất ít tính xã giao: Đáng lẽ người đầy tớ Áp-ra-ham dành một vài ngày chào hỏi họ hàng nhà gái, rồi còn nhân cơ hội có thể thăm thú vài nơi, để biết thêm về phong tục, tập quán của một vùng miền xa lạ: Dễ gì có được một dịp thuận tiện như vậy, Vả lại, chủ Áp-ra-ham cũng đâu có hạn định thời gian nào cho việc đi, về.
Nhưng tại sao lại có lời cáo từ sớm như vậy: Có ít nhất hai lý do như sau:
1.Để tránh những ảnh hưởng bất lợi của người chung quanh trên cô dâu:
Người Việt nam thường nói:
Cưới vợ thì cưới liền tay,
Chớ để lâu ngày, có kẻ gièm chê.
Không phải ai cũng tán đồng cuộc hôn nhân, không thiếu những người ghen tỵ, không thiếu những lời gièm chê:
Cô dâu có cảm nghĩ thế nào khi nghe tiếng tiếng mỉa mai: “Thì rõ rồi: thấy vàng, thấy bạc con mắt sáng trưng” hoặc lời hăm dọa: “Biết đâu đó, có khi chỉ là bọn lừa đảo đến để lừa bắt con gái nhà lành thôi”…
Xin rời đi sớm, là một cách bảo vệ cô dâu, cũng là bảo vệ cuộc hôn nhân: không để bất cứ điều gì cản trở nhiệm mạng mà mình cần chu toàn.
2. Xác định sự bằng lòng của cô dâu:
Nếu cưới một bộ bàn ghế làm vợ để ngồi làm việc, cưới một cái tủ làm vợ để quần áo đồ đạc, hoặc thậm chí cuối một máy ấp trứng để có con, thì người có tiền, đặc biệt những người có nhiều tiền dễ dàng có được người vợ tốt nhất theo kiểu đó cho mình. Nhưng cưới một người nữ để: “cả hai trở nên một thịt” trọn một đời là điều hoàn toàn khác: Hôn nhân có phải là thiên đường hạnh phúc hay không trước hết phụ thuộc người sẽ làm chồng là người như thế nào? Nhưng cũng phụ thuộc người nữ: Người nữ dẫu tài đức, nhưng không vui mừng gì về người chồng và gia đình chồng mình sắp thuộc về, liệu cặp đôi đó có hạnh phúc được chăng?
Hôn nhân: “Cha mẹ đặt đâu, con ngồi đó” có không ít nhược điểm: Hôn nhân đó nhiều khi biến cô dâu thành của trả nợ: có khi là nợ về vật chất, có khi là nợ ân tình, hôn nhân đó thường không tính đến những mối quan hệ riêng tư, những ước vọng thầm kín của cô dâu, khiến hôn nhân có khi trở thành tù ngục cho cả một đời người:
“Ba đồng một mớ trầu cay
Sao anh không hỏi những ngày còn không
Bây giờ em đã có chồng,
Như: Chim vào lồng, như cá cắn câu”.
Mang một tâm trạng như vậy: Cô dâu sẽ đem đến điều gì cho chồng và cho gia đình nhà chồng?
Chính bởi những băn khoăn như vậy, người đầy tớ Áp-ra-ham lên tiếng đòi về ngay: Như một trắc nghiệm về sự hài lòng hay không hài lòng của Rê-bê-ca về cuộc hôn nhân:
“Nhưng anh và mẹ nàng nói rằng: Hãy cho người gái trẻ ở lại cùng chúng tôi
ít ngày nữa, độ chừng mười bữa, rồi nó sẽ đi” (Sáng 24: 55)
Nhưng người đầy tớ Ap-ra-ham quyết giữ ý, nên anh và mẹ Rê-bê-ca đáp rằng:
“Chúng ta hãy gọi người gái trẻ đó và hỏi ý nó ra sao, bèn gọi Rê-bê-ca và nói rằng:
Con có muốn đi cùng người nầy chăng? Nàng rằng: Tôi muốn đi”
(sáng 24: 57-58)
Câu trả lời của Rê-bê-ca không chỉ là một câu trả lời cho mẹ và anh nàng, nhưng với đầy tớ Áp-ra-ham: câu trả lời đó giúp ông biết tâm tình của Rê-bê-ca: Một sự vui thỏa về hôn nhân sắp đến, và điều nầy chắc chắn sẽ đem đến một không khí ấm áp trong đời sống vợ chồng của họ.
Nhưng tại sao một người gái trẻ mạnh dạn trả lời rằng: “Tôi muốn đi”: Câu trả lời là bởi đức tin, thật vậy chỉ bởi đức tin, người con gái mới mạnh dạn bằng lòng làm vợ một người chồng mà mình chỉ mới được giới thiệu, và chưa biết đến: mặt mũi, con người, thể cách của người đó.
Điều gì: khiến Rê-bê-ca có lòng tin và có câu trả lời mạnh dạn như vậy?
Lời giới thiệu trân trọng về: gia đình Áp-ra-ham chăng? Áo xống bạc vàng: mà người đầy tớ trao tặng nàng, cùng những của quí dâng tặng cha mẹ và anh nàng chăng?
Đức tin không được dựng xây trên những nền tảng vật chất như vậy: Chính sự kính sợ Giê-hô-va Đức Chúa Trời, cùng với cách nói năng từ tốn khiêm nhu, thành thật của người đầy tớ Ap-ra-ham thuyết phục nàng: Hai lần trước mắt nàng: không khí đang bình thường bỗng trở thành linh thiêng, khi người đầy tớ Áp-ra-ham:
Sấp mặt xuống đất: ngợi khen Đức Chúa Trời và bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với Ngài. (Sáng 24:26 và Sáng 24: 52)
Một điều nữa: Khi kể lại thể nào chính Rê-bê-ca đã làm ứng nghiệm dấu hiệu mà người đầy tớ Áp-ra-ham cầu xin Đức Chúa Trời, Rê-bê-ca khám phá ra rằng:
“Chính nàng, nằm trong kế hoạch của Đức Chúa Trời trong cuộc hôn nhân nầy”
Bởi đó, đức tin của nàng như một chồi non, bật ra trên thân cây, khi mùa xuân về.
Và hẳn nhiên chúng ta không ngạc nhiên khi sau đó:
“Y-sác bèn dẫn Rê-bê-ca vào trại của Sa-ra, mẹ mình, cưới làm vợ, và yêu mến nàng”
(Sáng 24: 67).
Và ở bên cạnh đôi vợ chồng hạnh phúc đó, có một người vui mừng:
“Hỡi đầy tớ ngay lành trung tín, được lắm: Hãy đến hưởng sự vui mừng của
Chúa ngươi”
(Ma-thi-ơ 25: 21b)
[1] Đường bộ hiện nay là 735 km
[2] Hơn năm mươi năm trước đó, Áp-ra-ham tập hợp trong nhà mình: 318 gia nhân đã được tập luyện, bởi đó ông đã giải cứu được Lót, cháu ông, khi Lót và gia đình bị băt bởi đoàn quân của Kêt-rô-lao-me (Sáng 14:14), nên số gia nhân kể cả nam, lẫn nữ trong nhà Áp-ra-ham lúc nầy phải là con số lớn hơn rất nhiều
[3] Việc lên xuống giếng lấy khoảng 800 đến 1.000 lít nước, cho mười con lạc đà uống, đòi hỏi một công sức không hề nhỏ
[4] Tính tổng cộng khoảng: 4,5 lượng