Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 27

CHA MẸ VÀ CON CÁI

                                                              Kinh Thánh Ê-phê-sô 6:1-4)

 Trong xã hội cổ đại, quyền lực của người cha là không giới hạn đối với mọi thành viên trong gia đình, đặc biệt là đối với con cái.

“Trong xã hội Roma thời Phao-lô, tồn tại một điều luật gọi là Patria protestas trong đó người cha có quyền tuyệt đối trong gia đình, ông có quyền bán con làm nô lệ, hoặc bắt nó mang xiềng làm việc ngoài đồng. Người cha có quyền hình phạt con cái bất cứ lúc nào, bất cứ lý do gì, với bất cứ hình phạt nào ông thích, kể cả tuyên án chết cho con mình. Người con dù trưởng thành vẫn phải ở dưới quyền cha mãi mãi cho đến khi cha chết mới thôi. Trong xã hội Roma cũng có một phong tục rằng: Khi đứa bé ra đời, nó được đem đến đặt dưới chân người cha, nếu người cha cúi xuống ẳm đứa bé lên nghĩa là người cha đồng ý thừa nhận và muốn giữ đứa bé, còn nếu người cha quay mặt bỏ đi, thì đứa bé phải bị bỏ”[1]

Mối quan hệ cha con như vậy thật là một mối quan hệ xấu và bất công, không có tính người, giữa khung cảnh đó có lời Chúa qua Sứ Đồ Phao-lô viết về mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trong Chúa như sau:

 

Hỡi kẻ làm con cái hãy vâng phục cha mẹ mình trong Chúa, vì điều đó là phải lắm, hãy tôn kính cha mẹ ngươi (ấy là điều răn thứ nhứt, có một lời hứa nối theo) hầu cho ngươi được phước và sống lâu trên đất. Hỡi các người làm cha, chớ chọc cho con cái mình giận dữ, hãy dùng sự sửa phạt khuyên bảo của Chúa mà nuôi nấng chúng nó” (Ê-phê-sô 6:1-4)"

 

 

Lời Chúa ở đây nói đến bổn phận của con cái đối với cha mẹ mình, nhưng Lời Chúa cũng dành cho cha mẹ, đặc biệt là người cha những lời khuyên thích đáng. Chúng ta sẽ suy gẫm lời Chúa trong phân đoạn Kinh Thánh này trong hai phần:

-        Lời Chúa cho con cái

-        Lời Chúa cho cha mẹ

I.             LỜI CHÚA CHO CON CÁI

Sứ Đồ Phao-lô viết:

“Hỡi kẻ làm con cái hãy vâng phục cha mẹ mình trong Chúa, vì điều đó là phải lắm, hãy tôn kính cha mẹ ngươi (ấy là điều răn thứ nhứt, có một lời hứa nối theo) hầu cho ngươi được phước và sống lâu trên đất” (Ê-phê-sô 6: 1-3)

Có hai điều trong bổn phận của con cái đối với cha mẹ: Đó là vâng lời cha mẹ tôn kính họ.

1.HÃY VÂNG PHỤC CHA MẸ MÌNH TRONG CHÚA

“Hỡi kẻ làm con cái hãy vâng phục cha mẹ mình trong Chúa, vì điều đó là phải lắm” (Ê-phê-sô 6:1)

Từ “vâng phục”  trong Ê-phê-sô 6:1  thực ra là “vâng lời”,  khác với từ “vâng phục” trong Ê-phê-sô 5:22 khi nói rằng: Vợ phải “vâng phục” chồng như “vâng phục” Chúa.

Hai từ này khác nhau như thế nào? Phao-lô dùng “vâng lời” một cách cố ý, để làm nhẹ đi tính nghiêm trọng của vâng phục: Vì vợ chồng là một, người vợ ở đời với chồng, nên vâng phục chồng là vâng phục trọn đời, còn con cái với cha mẹ không phải là cả hai trở nên một, con cái không sống trọn đời với cha mẹ, khi con cái trưởng thành và có gia đình riêng, thì không còn ở trong gia đình cha mẹ mình nữa, nên thay vì dùng từ vâng phục, thì Phao-lô dùng từ vâng lời là vậy.

Lời khuyên “Hãy vâng phục cha mẹ mình trong Chúa vì điều đó là phải lắm” có ý nghĩa gì?

A.     THẾ NÀO LÀ VÂNG PHỤC CHA MẸ MÌNH TRONG CHÚA?

Lời Chúa dạy con cái phải vâng phục cha mẹ mình trong Chúa. Điều này nghĩa gì?

Điều thứ nhứt: Con cái thường nghĩ rằng: Kinh nghiệm của cha mẹ đã lạc hậu theo thời gian rồi, cha mẹ đâu có thể sử dụng những dụng cụ điện tử giỏi như mình được, cha mẹ đâu có thể nắm bắt và dễ dàng thích nghi với những thay đổi về lối sống, về y phục, về ứng xử... trong xã hội tân tiến ngày nay được, ý tưởng của cha mẹ lại thường bảo thủ so với những gì xã hội hiện đại quan tâm, như vậy có cần học hỏi kinh nghiệm nơi cha mẹ, hoặc có cần vâng lời cha mẹ không?

 Thực ra xã hội có thể thay đổi, nhưng những điều cốt lõi của đời sống đạo đức và sự khôn ngoan thật trong Chúa, thì không đổi: Ba ngôi Đức Chúa Trời không hề thay đổi, Lời Chúa không thay đổi tình yêu thương không hề thay đổi, đức tin không đổi, sự khôn ngoan thật trong Chúa không đổi, những nguyên tắc đạo đức của Đức Chúa Trời cho con người cũng chẳng thay đổi... và những gì người trẻ tuổi gọi là bảo thủ không phải là không cần học hỏi, Đức Chúa Trời kêu gọi con cái “Hãy vâng phục cha mẹ mình trong Chúa”, Vấn đề là những gì cha mẹ dạy phải là những gì: “trong Chúa” nghĩa là những gì cha mẹ đã học, và đã nhận được từ nơi Chúa qua lời Ngài và trong nếp sống đạo của mình, những điều này luôn đem lại sự khôn ngoan thật, khôn ngoan từ trên, và luôn cần cho con cái mình.

 Điều thứ hai: Vâng phục cha mẹ mình trong Chúa còn mang tính cảnh báo đối với người làm con: Trong trường hợp cha mẹ, đặc biệt là những cha mẹ chưa tin, chưa biết Chúa, có lời khuyên trái với đức tin vào Đức Chúa Trời ba ngôi, nếu cha mẹ dẫn mình ra khỏi Chúa, dẫn mình đến chỗ phạm tội, thì con cái cũng cần nhận rõ để thẳng thắng, nhưng dịu dàng từ chối những khuyên dạy như vậy.

B.     ĐIỀU PHẢI LẮM

Vâng lời cha mẹ trong Chúa được đánh giá là điều phải lắm, vì sao?

-        Vâng lời cha mẹ là điều phải lắm, vì  trước hết đó là ý muốn của Chúa cho chúng ta:

“Hỡi kẻ làm con, mọi sự hãy vâng phục cha mẹ mình, vì điều đó đẹp lòng Chúa (Cô-lô-se 3:20)

Vâng lời cha mẹ mình phải là điều phải lắm, vì điều đó đẹp lòng Chúa, Cha mẹ là hình ảnh của Đức Chúa Trời trước mặt con cái, nên vâng phục cha mẹ là tôn kính Chúa và tôn trọng tôn ti trật tự trong gia đình: Một gia đình có tôn ti trật tự sẽ giúp cho con cái tôn trọng tôn ti trật tự trong Hội Thánh cũng như trong xã hội, và điều này cũng giữ cho con trẻ an toàn trong cuộc sống.

-        Vâng lời cha mẹ là điều phải lắm vì sự khuyên dạy và cả sự sửa phạt không chỉ là điều người cha người mẹ làm, nhưng ấy cũng là cách Chúa dùng dạy dỗ chúng ta, người chịu sửa phạt khám phá được tình yêu của Đấng sửa phạt mình:

“Vì Đức Giê-hô-va thương yêu ai thì trách phạt nấy, như người cha đối cùng con cái yêu dấu của mình vậy” (Châm ngôn 3: 12)

-                  Vâng lời cha mẹ là điều phải lắm vì sự khuyên dạy của cha mẹ hầu hết  xuất phát từ tình yêu: cha mẹ luôn là người yêu mến con cái mình. Bởi tình yêu cha mẹ khuyên dạy con trong Chúa, nghĩa là là truyền đạt đức tin của mình cho con cái để giúp con trẻ biết và làm theo Lời Đức Chúa Trời. Qua đó Lời Chúa sẽ hằng đeo đuổi giúp ích cho con cái mình trong vạn nẻo đường đời:

“Hỡi con hãy giữ lời răn bảo của Cha, chớ lìa bỏ các phép tắc của mẹ con. Khá ghi tạc vào lòng con luôn luôn, và đeo nó nơi cổ con. Khi con đi các lời đó sẽ dẫn dắt con, khi con ngủ nó sẽ gìn giữ con, và khi con thức dậy nó sẽ trò chuyện cùng con. Vì điều răn là một cái đèn, luật pháp là ánh sáng và sự quở trách, khuyên dạy là con đường của sự sống” (Châm ngôn 6:20-23)

-                  Vâng lời cha mẹ là điều phải lắm còn vì cha mẹ là người sống nhiều năm trên đời trước con cái, trải nghiệm nhiều hơn con cái: thành công có, thất bại có, kho kinh nghiệm đó được dành hướng dẫn con mình. Người con nào nghe lời cha mẹ một cách cẩn thận, có suy xét, thì có thể tránh được những thất bại không đáng có trong đời, Lời Chúa khích lệ những kẻ làm con rằng:

“Hỡi con, hãy nghe lời khuyên dạy của cha, chớ bỏ phép tắc của mẹ con. Vì ấy sẽ như một dây hoa trên đầu con, giống như những vòng đeo quanh cổ của con” (Châm ngôn 1: 8-9)

 Kinh nghiệm, từng trải của cha mẹ là một loại của thừa kế quí báu cho con cái. người con vâng lời Chúa qua cha mẹ mình luôn được tưởng thưởng, sự vâng lời cha mẹ đem đến cho con cái niềm vui, sự thành đạt và niềm vinh dự, như dây hoa trên đầu, như những tràng hoa trên cổ của con.

2.TÔN KÍNH CHA MẸ NGƯƠI

Phao-lô viết tiếp:

“Hãy tôn kính cha mẹ ngươi (ấy là điều răn thứ nhứt, có một lời hứa nối theo) hầu cho ngươi được phước và sống lâu trên đất” (Ê-phê-sô 6: 2-3)

Từ tôn kính (Timaò) được dịch là tôn kính, hiếu kính, thờ kính, tôn quí, kính trọng [2]

Điều Phao-lô nhắc lại ở đây là một điều răn, đây không phải là lời khuyên nhưng là một mệnh lệnh, điều răn này được chép trong Xuất 20:12, và Phục truyền 5:16, ông gọi đây là điều răn thứ nhứt, thứ nhứt trong các điều răn dùng cho quan hệ con người với con người: Tôn kính (hay hiếu kính) cha mẹ là điều đầu tiên và lớn nhất trong các mối quan hệ giữa người với người, vì cha mẹ là hình bóng của Đức Chúa Trời trong đời sống của con cái: Tôn kính cha mẹ luôn đi cùng sự tôn kính chính Đức Chúa Trời mình.

Tôn kính cha mẹ không chỉ khi cha mẹ mình còn trẻ, còn khoẻ, còn nuôi mình...nhưng sự tôn kính thể hiện rõ nhất trong buổi cha mẹ già yếu, nhiều bậc cha mẹ hy sinh mọi sự cho con cái mình, để rồi khi cha mẹ trở nên già yếu không còn khả năng tự kiếm sống nữa, thì bị chính con cái mình bỏ rơi trong cay đắng. Bỏ rơi cha mẹ già yếu không chỉ là một tội ác, nhưng bỏ rơi cha mẹ cũng chính là lìa bỏ đức tin vào Đức Chúa Trời và đánh mất sự sống đời đời cho mình:

“Ví bằng có ai không săn sóc đến bà con mình, nhứt là không săn sóc đến người nhà mình, ấy là người chối bỏ đức tin, lại xấu hơn người không tin nữa” (I Ti-mô-thê 5:8)

Đức Chúa Trời lên án những người khinh bỉ, cha mẹ mình trong buổi già yếu của họ:

       “Hãy nghe lời cha đã sanh ra con, chớ khinh bỉ mẹ con khi người già yếu” (Châm 23:22)

Và luật của Đức Chúa Trời hết sức nghiêm khắc đối với con cái bất hiếu:

       “Kẻ nào đánh cha hay mẹ mình, sẽ bị xử tử” (Xuất 21:15) và thêm nữa:

       “Kẻ nào mắng cha hay mẹ mình sẽ bị xử tử” (Xuất 21:17)

Tôn kính cha mẹ mình là mệnh lệnh của Đức Chúa Trời, mệnh lệnh ấy không chỉ để cảnh báo, răn đe, ngăn cản người con phạm tội với cha mẹ mình, nhưng mệnh lệnh ấy đem phước hạnh đến cho những người con hiếu thảo:

-        “Hầu cho họ được phước”: Đức Chúa Trời hứa ban phước cho những người con hiếu thảo:

Phước ở đây là phước chung cho tất cả mọi người trên đất dù là con cái Chúa hay không. Hãy nhìn lại quanh mình, hãy nhìn vào những người con hiếu thảo trên đất để thấy Chúa thành tín đối với lời Ngài cho những người con hiếu thảo: Những người con sống hiếu thảo sẽ có một dòng dõi hiếu thảo theo sau. Ai không cảm thấy vui mừng khi thấy con cái mình hiếu thảo? niềm vui vì con hiếu thảo sẽ làm cho mình thấy những ngày nhọc nhằn vì con qua nhanh, sẽ thấy tấm gương hiếu thảo của chính mình không ra vô ích: tấm gương đó phản chiếu nơi con cái mình, và lời ngợi khen sẽ không dứt trong những gia đình ấy.

-        “Và sống lâu trên đất”

Sự trường thọ là điều con người thường ao ước, Đức Chúa Trời hứa cho những người con hiếu thảo được trường thọ, tuy nhiên điều này cũng không có nghĩa rằng người sống trường thọ là người hiếu để, ngược lại cũng vậy, người chết yểu không hẳn là người không hiếu thảo với cha mẹ mình, vì cuộc đời con người liên quan đến nhiều vấn đề hơn chỉ là vấn đề hiếu thảo. Tuy nhiên lời hứa Đức Chúa Trời kèm theo như một phần thưởng khích lệ cho những ai hết lòng sống hiếu thảo với cha mẹ mình: Người ấy có thể nhận lời này cho mình:

        “Ta sẽ cho người thoả lòng sống lâu, và chỉ cho người thấy sự cưu rỗi ta (Thi 91: 16)

II.          LỜI CHÚA CHO NGƯỜI CHA

Sứ Đồ Phao-lô tiếp:

“Hỡi các người làm cha, chớ chọc cho con cái mình giận dữ, hãy dùng sự sửa phạt khuyên bảo của Chúa mà nuôi nấng chúng nó” (Ê-phê-sô 6:4)

Có hai điều Chúa dành cho người làm cha mẹ

- Một là phải nuôi dạy con bằng lời Đức Chúa Trời

- Và điều thứ hai là chớ chọc giận con cái

1.NUÔI DẠY CON BẰNG LỜI ĐỨC CHÚA TRỜI

Con cái đến, đem đến niềm vui vô hạn cho những người làm cha làm mẹ, tuy nhiên không chỉ là niềm vui, nhưng còn nỗi lo về trách nhiệm nuôi dạy con cái: Cha mẹ cần cung cấp nguyên tắc sống, tình yêu, đức tin, sự khôn ngoan cho trẻ, hầu cho khi lớn lên, trẻ trở thành những con người tốt đẹp, sống có trách nhiệm. Nhưng ở đâu chúng ta có những điều đó để cung cấp cho con cái mình?

Có một điều chúng ta cần nhớ: Ấy là, Chúng ta vốn là một tội nhân trước mặt Đức Chúa Trời, nên những người làm cha mẹ trong Chúa không nên cung cấp những điều khôn ngoan thuộc về con người cũ, khôn ngoan thuộc về xác thịt, khôn ngoan thuộc về văn hoá cho con cái mình, nhưng cung cấp cho con cái mình tất cả những gì thuộc về Đức Chúa Trời qua lời Ngài trong Kinh Thánh,  cung cấp cho con cái thấy bằng chứng về quyền phép của Đức Chúa Trời trong sự biến cải của  chính cuộc đời người cha, người mẹ. Vì sự khôn ngoan thật chỉ đến từ Đức Chúa Trời:

“Kính sợ Đức Giê-hô-va, ấy là khởi đầu sự khôn ngoan. Sự nhìn biết Đấng Thánh ấy là sự thông sáng” (Châm ngôn 9:10)

Như vậy, điều quan trong hơn hết là cha mẹ phải dùng nhiều thì giờ cho con, để giúp con đặt đức tin vào Ba ngôi Đức Chúa Trời. Kinh Thánh chép:       

        “Đức Giê-hô-va là cơ nghiệp và là cái chén tôi” (Thi thiên 16:5)

Không chỉ Đức Chúa Trời là cơ nghiệp của chúng ta, nhưng con cái cũng là cơ nghiệp

       “Kìa con cái là cơ nghiệp bởi Đức Giê-hô-va mà ra” (Thi 127:5a)

Điều này có nghĩa gì? Điều này cho biết trách nhiệm của người làm cha, làm mẹ: Cha mẹ có bổn phận dạy dỗ, sống làm gương, để Đức Giê-hô-va vốn là cơ nghiệp của chính mình, cũng sẽ trở thành cơ nghiệp của con cái mình. Điều này vô cùng quan trọng: Đó là con đường mà con cái chúng ta phải được dạy từ khi còn thơ ấu, để Đức Giê-hô-va mãi mãi là cơ nghiệp của chúng:

“ Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo, dầu khi về già cũng không hề lìa khỏi đó (Châm 22:6)

Cha mẹ phải nuôi nấng, dạy dỗ, sửa phạt con trẻ. Cha mẹ nuôi nấng con cái dĩ nhiên trước hết là nuôi nấng về thể chất, Cha mẹ phải là người cung cấp cho trẻ, chúng ta có thể thiếu cơm, thiếu áo, nhưng trẻ thì cần được hưởng những đãi ngộ từ cha mẹ một cách tốt nhất có thể, dĩ nhiên là trong khả năng của gia đình mình. Con cái có thể nhận ra tình yêu, sự hy sinh vì con của người làm cha, làm mẹ, như một gương sống cho con.

Không chỉ nuôi nấng về thể chất, nhưng quan trọng hơn ấy là nuôi dạy con về mặt đức tin. Nuôi dạy bằng gì? Đây là câu hỏi rất quan trọng, sự thành công hay thất bại nằm ở điểm này: Sự nuôi dạy là nuôi dạy về Đức Chúa Trời và Lời Ngài:

“Hỡi Y-sơ-ra-en hãy nghe Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta là Giê-hô-va có một không hai. Ngươi phải hết lòng, hết ý, hết sức kính mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi. Các lời mà ta truyền cho các ngươi ngày nay sẽ ở tại trong lòng ngươi, khá ân cần dạy dỗ điều đó cho con cái ngươi và phải nói đến, hoặc khi ngươi ngồi trong nhà, hoặc khi ngươi đi ngoài đường, hoặc lúc ngươi nằm hay là khi chỗi dậy, khá buộc nó nơi tay mình như một dấu, và nó sẽ ở giữa hai con mắt ngươi như ấn chỉ, cũng phải viết lời đó trên cột nhà, và trên cửa nhà ngươi“ (Phục truyền 6:4-9)

Người Do Thái gọi những lời này là “Shema”, nghĩa là: “Hãy nghe”. Shema là những lời vô cùng nghiêm trọng, Shema đóng vai trò trung tâm trong sự dạy dỗ của người Y-sơ-ra-en trong suốt dòng lịch sử của họ: Chúng ta cần xem Chúa đã yêu cầu người Y-sơ-ra-en và cả chúng ta dạy con mình những gì? Dạy thế nào?

Thứ nhất:

-        “Các Lời ta truyền cho các ngươi ngày nay sẽ ở tại trong lòng ngươi” (Phục 6:6)

Lời Chúa có sức mạnh lớn lao:

“Lời của Đức Chúa Trời là lời sống và linh nghiệm, sắc hơn gươm hai lưỡi, thấu vào đến nỗi có thể chia hồn linh, cốt tuỷ, xem xét tư tưởng và ý định trong lòng” (Hê-bơ-rơ 4: 12)

Do vậy, Người cha trước hết phải có và phải giấu Lời Chúa trong lòng mình, hầu giúp giữ mình không phạm tội với Chúa, và sau đó chỉ những người cha, người mẹ có lời Chúa trong lòng mới có thể truyền lại lời này cho con cái mình được.

Những dạy dỗ về tri thức thì cần cho sự mưu sinh trong đời thuộc thể, nhưng để được sự khôn ngoan thật, để được một cuộc sống đẹp lòng Đức Chúa Trời, thì người cha cần học lời Chúa của Kinh Thánh và truyền đạt lời đó cho con cái một cách hết lòng, Kinh Thánh phải là sách giáo khoa lớn cho cả cha mẹ lẫn con cái:

“Từ khi con còn thơ ấu đã biết kinh Thánh vốn có thể khiến con người khôn ngoan để được cứu bởi đức tin trong Đức Chúa Jesus Christ. Cả Kinh Thánh đều bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách sửa trị, dạy người trong sự công bình, hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành” (II Ti-mô-thê 3:16)

Thứ hai:

-        “Khá ân cần dạy dỗ điều đó cho con cái ngươi và phải nói đến khi người ngồi trong nhà hoặc khi đi ngoài đường hoặc lúc ngươi nằm hay khi ngươi chỗi dậy” (Phục 6:7)

Sự dạy dỗ Lời Đức Chúa Trời cho con cái phải được thực hiện trong mọi cơ hội có được (Trong nhà, ngoài đường, khi nằm hay khi chỗi dậy),và phải thực hiện một cách ân cần, từ ân cần (spoudaios) [3]diển tả một hành động đầy nhẫn nại và yêu thương: sốt sắng nhưng dịu dàng, nhiệt thành nhưng từ tốn.

Không phải Lời Chúa từ tâm trí của cha đến với tâm trí của con, nhưng Lời Đức Chúa Trời trong lòng người cha bởi sự ân cần mới có thể vào được trong lòng con, Lời Chúa vào được lòng con mới là điều quan trọng.

Thứ ba:

-        “Khá buộc nó nơi tay mình như một dấu, và nó sẽ ở giữa hai con mắt ngươi như ấn chỉ,” (Phục 6: 8)

Dạy dỗ một cách ân cần đối với con, phải bằng cuộc sống làm gương cho con cái: Không làm gương yêu mến, kính sợ, trung tín với Chúa, sẽ không thể mong đợi con cái yêu mến, kính sợ và trung tín với Chúa, không yêu thương gia đình và tha nhân, thì không thể mong con trẻ là người yêu thương gia đình và tha nhân được. Không phải luôn luôn, nhưng nếu cha mẹ gian tham, dối trá, lường gạt, hung bạo, thì đàn con sinh ra cũng thường là gian tham, dối trá, lường gạt, hung bạo.

Do vậy Lời Chúa phải được buộc nơi tay người cha nghĩa là lời Chúa phải được biến thành hành động cụ thể của cha, phải được để giữa hai mắt người cha nghĩa là phải được cha suy xét cẩn thận để nhận biết ý Chúa mà quyết định sống như thế nào cho đẹp lòng Ngài. Chỉ như vậy bài học từ lòng cha mới thấm được vào lòng con, để định hình cuộc sống của con về sau.

Thứ tư:

“Lời Chúa cũng cần viết trên cột nhà, trên mày cửa” (Phục 6:9),

Điều này có nghĩa là Lời Chúa cần được viết ở chỗ dễ thấy nhất, Lời ấy cần được thấy, được đọc hàng ngày trong chính gia đình người cha. Lời Chúa phải là trung tâm trong cuộc sống gia đình hầu cho hoặc khi cha mất đi thì lời Chúa vẫn ở với con, hoặc khi con trưởng thành rời gia đình cha để thiết lập nên gia đình riêng, thì lời Chúa cũng không rời khỏi họ.

2.KHÔNG CHỌC GIẬN CON

Ân cần là điều rất quan trọng trong sự dạy dỗ con cái, ân cần trong dạy bảo bày tỏ sự yêu thương vốn là cốt lõi của sự dạy, vì:

“Mục đích của sự răn bảo ấy là sự yêu thương, bởi lòng tinh sạch, lương tâm tốt và đức tin thật mà sanh ra” (I Ti-mô-thê 1:5)

Người cha khi không nhẫn nại, khi thiếu tình yêu thương, khi không dịu dàng, không từ tốn sẽ dễ dàng trở thành người chọc giận cho con cái.

Chọc giận (Parorgizò[4]) là lời gây tức tối, làm tổn thương sâu xa nơi tâm trí, tấm lòng của con       trẻ. Lời chọc giận của cha đối với con trong hầu hết trường hợp đều mang tính rủa sả:

“Mầy sau này chỉ có đi ăn mày”; “Mầy chẳng làm được điều gì ra hồn”; “Mầy sẽ là thằng phá gia”;...nhiều câu như vậy phát ra từ người cha, người mà Đức Chúa Trời ban cho quyền quản trị con cái sẽ ảnh hưởng lâu dài và mang tính huỷ diệt đối với chính con mình. Làm sao Đức Chúa Trời có thể ban phước cho những người con bị cha mẹ mình rủa sả được.

“Lời chọc giận” của cha khiến tâm trí con không còn được bình an nữa, đứa con ấy sẽ phải tranh đấu trọn đời với lời rủa sả của chính cha mình. Lời chọc giận của cha khiến con mất tự tin và thất bại, trong cuộc sống, chính vì vậy Phao-lô kêu gọi những người làm cha trong Chúa khá cẩn thận trong lời nói của mình với con cái:

         “Hỡi người làm cha, chớ chọc giận con cái e chúng ngã lòng chăng” (Cô-lô-se 3: 21)

Sự ngã lòng khiến con người suy sụp. Về sự ngã lòng này, William Barclay viết rất hay như sau:

“Đây là một lời run rủi của một xúc động cá nhân, dường như lòng của người tù già quay lại với quá khứ, hồi tưởng những năm thơ ấu không tình yêu: Được nuôi dưỡng trong không khí khắt khe của phải chính thống cổ truyền, ông kinh nghiệm tình yêu dịu dàng thì ít, mà khắt khe nghiệt ngã thì nhiều, và đã biết thế nào là tai ách của tuổi trẻ, tai ách về một tinh thần bị suy sụp”[5]

Sự chọc giận thực ra không chỉ bằng lời nói, sự chọc giận thường là những khắt khe quá đáng của cha mẹ với con, kiểm soát con quá mức cần thiết, ít tình yêu, ít sự thông cảm với con cái. William Barclay cho rằng:

“Lúc nào cũng kiểm soát con cái có nghĩa rằng chúng ta không tin cậy nó, và cũng không tin cậy nơi đường lối, phương cách của chính mình trong việc huấn luyện và dạy dỗ nó. Thà phạm lỗi quá tin cậy con, còn hơn là kiểm soát con quá mức.[6]

 Sửa dạy con bằng lời và cả bằng hình phạt luôn là điều cần thiết, tuy nhiên tình yêu và sự khích lệ của cha mẹ cho con quan trọng không kém Vì: “Tình yêu là dây liên lạc của sự trọn lành” (Cô-lô-se 3:14). Trong thực tế, sự khích lệ, khen ngợi con một cách ân cần khi con làm điều tốt là điều thường in đậm trong tâm trí và tấm lòng của trẻ. Trẻ trở nên tốt một phần cũng nhờ những khích lệ đúng lúc như vậy.

                                                    

 



[1] William Barclay, Giải Nghĩa Thư Ê-phê-sô, Văn Phẩm Nguồn Sống, 1996, trang 187

[2] Lê Hoàng Phu, sđd, 411

[3] Lê Hoàng Phu, sđd, trang 24

[4] Lê Hoàng Phu, sđd, 155

[5] William Barclay, sđd, 189

[6] William Barclay, sđd, 190