Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 28

LỜI CHÚA CHO NGƯỜI VỢ

Hỡi kẻ làm vợ, phải vâng phục chồng mình như vâng phục Chúa, vì chồng là đầu vợ, khác nào Đấng Christ là đầu Hội Thánh, Hội Thánh là thân thể Ngài và Ngài là Cứu Chúa của Hội Thánh. Ấy vậy như Hội Thánh phục dưới Đấng Christ, thì đàn bà cũng phải phục dưới quyền chồng mình trong mọi sự” (Ê-phê-sô 5:22-24)

Chúng ta thật không biết có lời dạy nào, trong bất kỳ thời đại nào, trong bất kỳ một quốc gia nào, về tình nghĩa vợ chồng lại đẹp đẽ, thánh sạch, cao thượng, tốt lành như những gì chúng ta đọc được trong đoạn Kinh Thánh Ê-phê-sô 5:22-33 này. Lời dạy dỗ của Chúa dành riêng cho người vợ như sau:

Chúng ta suy gẫm Lời Chúa ở đây trong ba điều sau:

-        Vâng phục chồng như vâng phục Chúa

-        Tại sao người vợ phải vâng phục chồng?

-        Làm thế nào để có thể vâng phục chồng?

I.VÂNG PHỤC CHỒNG NHƯ VÂNG PHỤC CHÚA

Có đến ba lần trong ba câu Kinh Thánh ngắn ngủi này nhắc đến sự vâng phục, Điều này cho thấy tất cả lời dạy của Chúa cho người vợ tập trung vào hai từ: VÂNG PHỤC này. Vâng phục của người làm vợ ở đây là vâng phục chồng mình.

Sứ Đồ Phao-lô viết:

“Hỡi kẻ làm vợ, phải vâng phục chồng mình như vâng phục Chúa. Vì chồng là đầu vợ, khác nào Đấng Christ là đầu Hội Thánh, Hội Thánh là thân thể Ngài và Ngài là cứu chúa của Hội Thánh” (Ê-phê-sô 5:22-23)

 Vâng phục (Hupotássò)[1] là một từ quân sự nói đến trật tự về quyền lực, trong đó một quân nhân thì phải tuân lệnh cấp chỉ huy mình. Vâng phục chồng nghĩa là công nhận vị trí làm đầu, vị trí lãnh đạo, chỉ huy của chồng, điều này khiến người phụ nữ rơi vào cảm giác bất an. Người phụ nữ sẽ nêu hai câu hỏi như thế này:

Câu hỏi thứ nhất: Nếu người đàn ông vẫn làm đầu, thì vai trò và số phận của phụ nữ có khác gì ngày xưa? Phải chăng người vợ chỉ là tài sản của chồng, người chồng muốn làm gì trên số phận nàng cũng được?

Câu trả lời là: Không phải vậy. Vì mỗi khi lời Chúa dạy về bổn phận người vợ, thì liền đó Lời Đức Chúa Trời cũng dạy về bổn phận người chồng, hai lời dạy này ràng buộc vợ chồng trong mối liên hiệp yêu thương và bình đẳng, Nếu trong Ê-phê-sô Chúa dạy bổn phận người vợ trong ba câu (Ê-phê-sô 5:22-24), tiếp đó là bổn phận người chồng, trong 9 câu (Ê-phê-sô 5:25-33), thì trong thư Cô-lô-se cũng vậy, thậm chí Sứ Đồ Phao-lô còn để hai lời dạy này gần gũi với nhau hơn nữa, chỉ trong cùng một câu:

“Hỡi người làm vợ, hãy vâng phục chồng mình, y như điều đó theo Chúa đáng phải nên vậy. Hỡi kẻ làm chồng, hãy yêu vợ mình, không được ăn ở cay nghiệt với nàng” (Cô-lô-se 3:1)

Nếu Kinh Thánh chỉ nêu lên bổn phận người vợ mà không nêu lên bổn phận người chồng, thì thật bất công và thật là tai hoạ cho người nữ. Ngược lại cũng vậy, nếu Kinh Thánh chỉ nêu lên bổn phận người chồng mà không có bổn phận người vợ thì cũng bất công, và cũng thật là một tai hoạ như vậy. Lời Chúa cho người vợ phải đi cùng Lời Chúa cho người chồng, vì Lời Chúa liên kết vợ chồng lại với nhau trong mối liên kết yêu thương và bình đẳng, để mỗi bên biết mình cần đóng góp điều gì là tốt nhất cho hạnh phúc của chính mình và gia đình mình.

Câu hỏi thứ hai: Khi nói rằng người vợ phải vâng phục chồng, nghĩa là vợ phải ở địa vị một người đi theo, một người chịu sự lãnh đạo, chỉ huy, như vậy liệu có còn sự bình đẳng giữa vợ và chồng nữa không?

Câu trả lời là: Như trong Ê-phê-sô 5:21, sự bình đẳng giữa vợ với chồng đến từ Đức Chúa Trời, sự bình đẳng ấy được thiết lập trong công cuộc sáng tạo của Đức Chúa Trời từ buổi sáng thế, và cũng được thiết lập trong công cuộc cứu chuộc của Đức Chúa Jesus Christ, như chúng ta đã phân tích ở phần trước, nên sự bình đẳng giữa vợ và chồng không khi nào bị mất đi được.

Chúng ta thấy, Đức Chúa Jesus luôn vâng phục trọn vẹn Đức Chúa Cha, luôn làm theo ý CHA:

“Ta từ trên trời xuống chẳng phải để làm theo ý ta, nhưng làm theo ý Đấng sai ta đến” (Giăng 6:38)

Đức Chúa Jesus vâng phục CHA, làm mọi điều CHA muốn, nhưng điều đó đâu có làm mất đi sự bình đẳng Ngài vốn có với CHA: Vì dù ở trên thiên đàng, hay khi đến trong thế gian, Chúa Jesus vẫn mang cùng một bản thể (MORPHE) với Đức Chúa Trời, nên trong bất kỳ trường hợp nào, thì Ngài cũng bình đẳng với Đức Chúa Trời,  Điều này cho thấy dầu Đấng Christ vâng phục CHA, nhưng Ngài vâng phục không có nghĩa là Ngài không còn bình đẳng với Đức Chúa Trời nữa.Thực ra Đức Chúa Jesus không chỉ bình đẳng với CHA, nhưng hơn thế nữa, Ngài phán:

         “TA với CHA là một (Giăng 10:30)

 Người vợ cũng vậy, vâng phục chồng, nhưng không phải vì vâng phục mà mất đi sự bình đẳng giữa vợ và chồng, nhưng còn hơn vậy nữa, vì vợ chồng trước mặt Đức Chúa Trời không phải là hai, nhưng Lời Chúa phán:

    “Hai người cùng nên một thịt mà thôi (Mác 10:8)

Đấng Christ và Hội Thánh liên hiệp nhau trong cùng một thân, mà Chúa là đầu và Hội Thánh là thân thể: Thân thể thì vâng phục mệnh lệnh ra từ đầu, nhưng thân thể và đầu là một. Vợ chồng cũng vậy, tuy có tôn ti trật tự, nhưng vợ chồng không phải hai mà là một.

 Vợ chồng Cơ Đốc không chỉ bình đẳng như trong Ê-phê-sô 5:21 khẳng định, nhưng còn vượt lên trên sự bình đẳng nữa, họ không phải là hai, nhưng là một, mọi điều thuộc về họ đều là chung: Cha mẹ chung, con cái chung, mối quan hệ thân tộc cũng như xã hội chung, địa vị chung, danh dự chung, tài sản chung, số phận chung và cả thân thể cũng chung nữa, nên chỉ có sự chết mới chia lìa họ được.

Bởi vậy, người nữ Cơ Đốc không cần đấu tranh đòi quyền bình đẳng như trong thế gian: Vì trong Đấng Christ, người nữ Cơ Đốc đã và đang bình đẳng với chồng trong gia đình và cũng bình đẳng với mọi người khác trong Hội Thánh rồi, nên đâu cần phải đấu tranh để có bình đẳng, người nữ Cơ Đốc tự nguyện vâng phục chồng không phải để được bình đẳng, nhưng để kiến tạo hạnh phúc cho chồng, cho con và cho chính mình trong thánh ý Chúa.

II. TẠI SAO VỢ PHẢI VÂNG PHỤC CHỒNG?

a.    VÂNG PHỤC CHỒNG MÌNH LÀ MỆNH LỆNH CỦA CHÚA

Lời Chúa cho người vợ:

         “Hỡi kẻ làm vợ, phải vâng phục chồng mình như vâng phục Chúa” (Ê-phê-sô 5:22)

Đây không phải lời khuyên làm theo cũng được, không làm cũng không sao. Không phải vậy, khi nói rằng:

        “Kẻ làm vợ phải vâng phục chồng mình”,

 không chỉ vậy, Lời Chúa còn tiếp:

        “như vâng phục Chúa”

Từ PHẢI cho thấy đây là một MỆNH LỆNH CẦN LÀM THEO.

 Khi ví sánh: “Chồng là đầu vợ, khác nào Đấng Christ là đầu Hội Thánh”, thì  điều đầu tiên để một hội là Hội Thánh, thì hội đó phải vâng phục Đấng Christ, nên nếu vâng phục Đấng Christ là mệnh lệnh của Đức Chúa Trời cho Hội Thánh, thì cũng vậy, vợ vâng phục chồng phải là mệnh lệnh của Đức Chúa Trời cho mọi người nữ Cơ Đốc.

Trật tự là điều hết sức cần thiết cho bất cứ cộng đồng nào: Trong tổ chức chính quyền, trong quân đội, trong sinh hoạt xã hội, trường học, bệnh viện, gia đình...đâu đâu cũng cần có tôn ti trật tự, cũng cần những thứ bậc, cũng cần những qui định, cũng cần kỷ luật, vì kỷ luật làm nên sức mạnh cho một tập thể, kỷ luật cũng dẫn tới hiệu quả trong công việc, kỷ luật làm nên thành công.

Trong gia đình cũng vậy: Nếu xã hội cần có tôn ti trật tự, thì gia đình cũng cần có tôn ti trật tự như vậy. Nếu hai người cùng cưỡi một con ngựa, hoặc cùng ngồi trên chiếc mô tô ắt phải có người ngồi trước, người ngồi sau, thì trong gia đình cũng vậy: Lời Chúa xác định người chồng được gọi là đầu, nghĩa là người lãnh đạo gia đình, và người vợ cần phục tùng chồng,

Kinh Thánh bày tỏ trật tự thánh, trật tự mà mọi Cơ Đốc Nhân cần tuân thủ: trật tự thánh ấy là:

“Dầu vậy, tôi muốn anh em biết rằng: Đấng Christ là đầu mọi người, người đàn ông là đầu của người đàn bà và Đức Chúa Trời là đầu của Đấng Christ” (I Cô-rinh-tô 11:3)

Đầu có nghĩa là lãnh đạo, chỉ huy. Trật tự được thiết lập là để một khi trật tự được tôn trọng thì người sống trong trật tự đó được an toàn, hạnh phúc.

Cơ Đốc nhân tuân thủ trật tự xã hội, vì đó là mạng lịnh của Đức Chúa Trời (Roma 13: 1-7), thì cũng vậy, Cơ Đốc nhân cũng phải tuân thủ trật tự gia đình như vậy. Tuân thủ trật tự xã hội đem đến cho con cái Chúa sự an toàn trong xã hội, còn tuân thủ trật tự gia đình, thì đem đến cho con cái Chúa niềm vui và hạnh phúc trong chính gia đình mình.

b.CÓ MỘT GIỚI HẠN

Vấn đề mà chúng ta còn thắc mắc ở đây là người vợ phải:

          “Vâng phục chồng trong mọi sự  (Ê-phê-sô 5:24b) mang ý nghĩa gì?

Vâng phục chồng mình, nghĩa là chỉ vâng phục chỉ một người là chồng mình mà thôi, Vâng phục chồng là đứng với chồng, đồng tình với chồng, ủng hộ chồng, chứ không phải đứng với một người khác, đồng tình với một người khác, ủng hộ người khác chống lại chồng mình. Tuy nhiên, nếu nói rằng: Người vợ vâng phục chồng mình TRONG MỌI SỰ, phải chăng người vợ bắt buộc vâng phục chồng mình bất chấp phải trái, vâng phục kể cả trường hợp người chồng dẫn mình vào tội lỗi chống nghịch lại Đức Chúa Trời?

Câu trả lời là: không phải. Đức Chúa Trời đòi hỏi những người Y-sơ-ra-en ngày xưa khi nghe, khi thấy, khi biết có người dù thân hay sơ nếu dẫn dắt mình vào sự thờ lạy hình tượng, tà thần hoặc dẫn dụ mình làm điều ác, thì phải quyết liệt chống lại:

“Khi anh em một mẹ với ngươi, hay là con trai, con gái ngươi, vợ yêu mến của ngươi hoặc bạn hữu thân thiết của ngươi, giục ngươi cách mật nhiệm mà rằng: ta hãy đi hầu việc các thần khác mà ngươi hay tổ phụ ngươi không biết, tức là thần của các dân tộc chung quanh hoặc ở gần hay xa ngươi, từ đầu này của đất đến đầu kia, thì chớ chìu theo nó, chớ khứng nghe nó. Mắt ngươi đừng thương tiếc nó, chớ động lòng thương xót mà che chở nó, ngươi phải giết nó, tay mình phải tra vào mình nó trước hết” (Phục truyền 13:6-9).

Các Sứ Đồ bị các thầy tế lễ và người Pha-ri-si bắt đến toà công luận, ở đây họ bị bị hăm doạ và bị đòi hỏi không được truyền rao danh Chúa Jesus nữa. Họ có vâng phục trong mọi sự không? Không. Các Sứ Đồ trả lời rằng:

         ”Thà vâng lời Đức Chúa Trời, còn hơn là vâng lời người ta” (Công vụ 5:29)

Như vậy, vâng phục chồng mình trong mọi sự ở đây không bao gồm điều tội lỗi, vâng phục chồng vì là lời Chúa dạy, vâng phục chồng vì tình yêu, sự hy sinh của chồng cho mình, cho gia đình, chứ không vâng phục chồng trong tội lỗi, không vâng phục khi chồng làm điều ác, đặc biệt chạy theo tà thần hoặc chạy theo các dạy dỗ sai trật với Lời Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh. Ngăn trở chồng làm điều tội lỗi cũng chính là yêu chồng.

III.LÀM SAO CÓ THỂ VÂNG PHỤC CHỒNG TRONG MỌI SỰ ĐƯỢC?

Không kể đến các việc dính dáng đến tội lỗi, người vợ luôn được khích lệ vâng phục chồng trong mọi sự, nhưng làm sao người vợ có thể  vâng phục chồng trong mọi sự được?  

Chúa dạy chúng ta phải ngước lên xem gương Đấng Christ và Hội Thánh:

Đấng Christ vâng phục Đức Chúa Trời, Ngài vâng phục trọn vẹn ý muốn của CHA, ngay cả trong giờ phút đau thương nhất: Giờ phút mà Ngài, Đấng vô tội, phải mang lấy tội lỗi của cả nhân loại trên thân thể Ngài, để phải chịu xa cách CHA và chịu đoán phạt, Ngài cầu nguyện rằng:

“Cha ơi, nếu có thể được xin cho chén này lìa khỏi con, song không theo ý muốn con, mà theo ý muốn cha (Ma-thi-ơ 26: 39)

Tại sao Chúa Jesus lại tự nguyện vâng phục CHA như vậy?  Đức Chúa Jesus tự nguyện vâng phục CHA, vì yêu CHA, và bày tỏ rằng: Ngài làm một với CHA

Hội Thánh cũng vâng phục Đấng Christ như vậy, Hội Thánh được cứu bởi Đấng Christ, được biệt riêng cho Đức Chúa Trời trong Đấng Christ, được Đức Chúa Trời làm nên mới, thánh sạch, trinh khiết, để được xứng đáng làm là vợ Đấng Christ (Khải 22:17), bởi đó Hội Thánh yêu Đấng Christ và tự nguyện vâng phục Đấng Christ, để Hội Thánh làm một với Đấng Christ

Yêu là vấn đề tự nguyện, như vậy, chẳng ai có thể bắt buộc  được một người nữ vâng phục chồng mình, người vợ có thể vâng phục chồng trong mọi sự, khi và chỉ khi người vợ yêu chồng mình, tự nguyện vâng phục và muốn làm một với chồng mình.

Sứ Đồ Phi-e-rơ cũng trả lời câu hỏi: làm sao người vợ có thể vâng phục chồng trong mọi sự được bằng cách nêu tấm gương vâng phục chồng đáng suy gẫm của Sa-ra cho chúng ta:

“Vì các bà thánh xưa kia, trông cậy Đức Chúa Trời, vâng phục chồng mình, đều trau dồi mình dường ấy: Như Sa-ra vâng phục Áp-ra-ham, gọi người là Chúa mình, nếu các chị em làm điều lành, không sợ chi hết mà rối trí, thì trở nên con gái của Sa-ra” (I Phi-e-rơ 3: 5-6)

Sứ Đồ Phi-e-rơ ca tụng bà Sa-ra, khi nêu lên một chi tiết trong cuộc đời của bà rằng:

          “Sa-ra vâng phục Áp-ra-ham, gọi người là Chúa mình”  (I Phi-e-rơ 3: 6a)

Chúng ta có thể nói rằng: Phi-e-rơ nói Sa-ra gọi chồng là Chúa , chứ có nói gì về chuyện yêu chồng đâu? Đúng là như vậy, nhưng chúng ta xem lại Sa-ra gọi chồng là Chúa mình khi nào? Bà xưng như vậy với ai? Kinh Thánh chép:

 “Sa-ra cười thầm mà rằng: Già như tôi thế này dễ còn được điều vui đó sao? Còn Chúa tôi cũng đã già rồi” (Sáng 18:12)

Thì ra Sa-ra gọi chồng là Chúa mình, KHI TỰ NÓI VỚI CHÍNH TẤM LÒNG MÌNH, điều này nói lên chuyện gì? Điều này chứng tỏ rằng bà thuận phục chồng mình không chỉ ở bề ngoài, nhưng tự trong tấm lòng mình, Bà vâng phục chồng như là một điều tự nhiên trong suốt cuộc đời vợ chồng của bà.

 Tại sao Sa-ra gọi chồng là Chúa? Tại sao bà có thể quí trọng chồng, vâng phục chồng như một điều tự nhiên trong suốt cuộc đời bà được? Câu trả lời là: tự trong sâu thẳm của tấm lòng mình, Sa-ra-yêu chồng mình.Yêu không chỉ là một cảm xúc trong lòng, yêu có thể bắt đầu bằng một cảm xúc trào dâng nhưng phải tiếp nối bằng sự hy sinh cho người mình yêu. Bao nhiêu năm sống với nhau, Sa-ra-biết phẩm cách của chồng, yêu thương, lo liệu mọi điều cho gia đình nghĩa là cho vợ, cho con và hết thảy người thuộc về gia đình, đặc biệt đức tin và lòng sốt sắng của chồng đối với Đức Chúa Trời, khiến bà cảm phục, quí trọng chồng và từ chỗ cảm phục quí trọng, bà yêu chồng mình, gắn bó, vâng phục chồng mình, và bày tỏ tình yêu bằng sự hy sinh mọi điều vì chồng mình.

Theo dõi cuộc đời của Sa-ra, chúng ta không khỏi ngạc nhiên vì sự thuận phục lạ lùng của bà: Bởi đói kém, vợ chồng bà phải xuống Ê-díp-tô, khi đến nơi, Áp-ram (lúc đó tên ông chưa đổi thành Áp-ra-ham)  nhận biết cách sống vô đạo của dân Ê-díp-tô, nên nói với bà rằng:

“Này ta biết ngươi là một người đàn bà đẹp. Gặp khi nào dân Ê-díp-tô thấy ngươi, họ sẽ nói rằng: Ấy là vợ hắn đó, họ sẽ giết ta, nhưng để cho ngươi sống. Ta xin hãy xưng ngươi là em gái ta, hầu cho sẽ vì ngươi mà ta được trọng đãi và giữ toàn mạng ta” (Sáng 12:12-13)

Và đúng như Áp-ram tiên liệu,

“Dân Ê-díp-tô thấy người đàn bà đó đẹp lắm, các triều thần Pha-ra-ôn cũng thấy người và trằm trồ trước mặt vua, đoạn người đàn bà bị dẫn vào cung Pha-ra-ôn. Vì cớ người, Pha-ra-ôn hậu đãi Áp-ram” (Sáng 12:14-16).

Chúng ta, con người ngày nay, sẽ nói rằng: Người chồng như Áp-ra-ham thật không xứng đáng,  ích kỷ, chỉ nghĩ tới mình, không quí chuộng bảo vệ vợ, đẩy vợ vào tay người khác. Thực ra, khi Áp-ra-ham nói với vợ, thì tình huống chưa xảy ra, không thể kết án ông như vậy, ông chẳng bao giờ đẩy vợ vào tay người khác, Khi đến Ê-díp-tô, nhận biết cách sống vô đạo của người Ê-díp-tô, ông nêu lên dự liệu về một tình huống xấu nhất có thể xảy ra để đối phó mà thôi, và thực ra chớ ai tưởng rằng mình thì tốt hơn Áp-ra-ham.

 Việc Áp-ra-ham làm có thể không được tốt theo suy nghĩ của một số người trong chúng ta ngày nay, nhưng ở đây, Sứ Đồ Phi-e-rơ không viết về Áp-ra-ham, ông viết về Sa-ra và ca ngợi bà về sự tự nguyện vâng phục chồng của bà. Tại sao bà vâng phục chồng như vậy? Câu trả lời là: Bà thuận phục chồng vì yêu chồng, bà coi việc làm theo ý chồng là để bảo vệ chồng, bà không thắc mắc, không đặt câu hỏi, không đoán xét động cơ trong công việc chồng: Vì yêu chồng, vì lợi ích của chồng, bà đã vâng phục chồng một cách trọn vẹn, và Sứ Đồ Phi-e-rơ nêu điều ấy ra như một tấm gương cho những thế hệ người nữ Cơ Đốc. Sa-ra vâng phục chồng, chấp nhận hy sinh vì chồng, nên Đức Chúa Trời không để sự hy sinh của bà ra vô ích. Đức Chúa Trời can thiệp một cách đặc biệt, để bà lại được trở lại với người chồng mà bà hết lòng yêu thương, và để hoàn tất kế hoạch của Đức Chúa Trời trên vợ chồng bà.

Vâng phục luôn đi cùng với tình yêu thương, vâng phục mà không yêu thương, thì không thật là vâng phục, vâng phục không đi cùng với tình yêu, thực sự là một gánh nặng đối với người nữ, vì mọi việc không được thúc đẩy bởi tình yêu, đều là điều vô ích cho bất cứ con người nào trên cuộc đời này. Chúng ta hãy cùng nhau nghe Lời Đức Chúa Trời kêu gọi những người phụ nữ trong Hội Thánh rằng:

“Chớ tìm kiếm sự trang sức bề ngoài như gióc tóc, đeo đồ vàng, mặc áo quần loè loẹt, nhưng hãy tìm kiếm sự trang sức bề trong, giấu ở trong lòng, tức là sự tinh sạch, chẳng hư nát của tâm thần dịu dàng yên lặng, ấy là giá quí trước mặt Đức Chúa Trời. Vì các bà thánh xưa kia, trông cậy Đức Chúa Trời, vâng phục chồng mình, đều trau dồi mình dường ấy. Như Sa-ra vâng phục chồng mình gọi người là Chúa mình, nếu các chị em làm điều lành, không sợ chi hết mà rối trí, thì trở nên con gái của Sa-ra vậy” (I Phi-e-rơ 3: 3-6)

 

 



[1] Lê Hoàng Phu, sđd, trang 931