Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 14

Giô-na Bị Bão

(Giô na 1:1-15)

Có lời Giê hô va Đức Chúa Trời phán bảo Giô na đi đến thành Ni ni ve để rao giảng Lời Chúa cho dân trong thành ăn năn, vì họ phạm tội với Đức Chúa Trời quá nhiều. Nhưng Giô na quyết định trốn khỏi mặt Đức Giê hô va, Giô na xuống bến tàu Gia phô, trả tiền vé tàu xong, Ông xuống tàu, rồi Ông "xuống dưới lòng tàu nằm ngủ mê." (Giô na 1:5).

Chúa sai Giô na đi hướng Đông đến thành Ni ni ve, Ông xuống tàu đi hướng Tây đến Ta rê si.

Khi Đức Chúa Trời phán rằng: "Đất phải sanh cây cỏ; cỏ kết hột giống, cây trái kết quả, tùy theo loại mà có hột giống trong mình trên đất; thì có như vậy." (Sáng 1:11). Đức Chúa Jesus quở sóng gió giữa biển yên lặng, các môn đồ sợ hãi nói rằng: "

gió và biển đều vâng lịnh người." (Mác 4: 41). Đất, cỏ, hạt giống, gió và biển biết vâng lịnh Đức Chúa Trời. Chúng ta nhận thấy rằng muôn vật do Chúa tạo nên đều vâng phục Ngài, nhưng con người Giô na lại không biết vâng lịnh Đức Chúa Trời. Chúng ta nên suy nghĩ lại xem sao, mình có khá hơn Giô na không hay mình cũng như Giô na?

Kinh Thánh chép: "Đức Giê-hô-va khiến gió lớn thổi trên biển; trên biển có trận bão lớn, chiếc tàu hầu vỡ." (Giô na 1:4).

Khi phán bảo các tôi tớ của Ngài, Đức Chúa Trời dùng Lời "êm dịu nhỏ nhẹ" (I Vua 1:19-12). Đức Chúa Trời dùng Lời của Ngài phán bảo Giô na đi Ni ni ve giảng Đạo ở đó, nhưng Giô na không chịu tuân theo, bây giờ Đức Chúa Trời dùng giông tố để phán bảo Giô na.

Thưa Quý vị, ngày nay Chúa dạy các con dân của Chúa bằng Lời của Ngài trong Kinh Thánh, nhưng nếu các con dân của Chúa không chịu tuân theo, có thể Đức Chúa Trời sẽ dùng đến những cơn giông bão trong đời. Tôi tin rằng chúng ta tuân theo Lời dạy của Chúa bình an hơn là chờ đợi những cơn bão của Ngài gởi đến.

Tất cả thủy thủ và chủ tàu đều sợ hãi cơn bão Chúa sai đến. Ông chủ tàu đến gọi Giô na dậy và nói rằng: "Hỡi người ngủ kia, làm sao vậy? Khá chờ dậy! Hãy kêu cầu Đức Chúa Trời ngươi. Có lẽ Đức Chúa Trời sẽ tưởng đến chúng ta, thì chúng ta khỏi chết." (Giô na 1:6).

Kinh nghiệm, Ông chủ thấy ở biển nầy, Ông chưa bao giờ Ông gặp trận bão dữ dội như vầy. Lại thêm một điều lạ nữa là tại sao cơn bão nguy hiểm như vậy mà có người bình tỉnh ngủ. Ông thuật lại cho các thủy thủ. Họ bàn với nhau rằng: "Hãy đến, chúng ta hãy bắt thăm, để cho biết tai vạ nầy đến cho chúng ta là vì cớ ai. Vậy họ bắt thăm, và thăm trúng nhằm Giô-na." (Giô na 1:7).

Đối với mọi người bão tố là thiên tai. Bây giờ Giô na không những gặp thiên tai mà còn gặp tai nạn. Đó là lá thăm tố cáo Giô na là nguyên nhân nguy hiểm cho chuyến tàu. Đúng là "người gian mắc nạn!"

Giô na là con của Đức Chúa Trời, tại sao Đức Chúa Trời để cho Giô na bị hoạn nạn? Giô na bị hoạn nạn thế nầy thì Đức Chúa Trời thương hay là ghét? Giô na bây giờ nên chối bỏ Chúa, hay nên tuân phục Ngài?

Thưa Quý vị, Kinh Thánh dạy rằng: "...Chúa sửa phạt kẻ Ngài yêu, Hễ ai mà Ngài nhận làm con, thì cho roi cho vọt." (Hêb 12: 6).

Ví dụ bây giờ có hai trường hợp xảy ra.

(1) Đức Chúa Trời phán rằng: "Giô na là con cái của Ta, Ta sai Giô na đi Ni ni ve, Giô na lại trốn đi Ta rê si. Thôi, Ta cứ để cho Giô na tự do muốn làm gì thì làm."

(2) Đức Chúa Trời phán rằng: "Nay Ta sai Giô na đi Ni ni ve, Giô na na trốn đi Ta rê si. Ta thương Giô na, không muốn cho Giô na đi lạc mất trong con đường riêng của Giô na. Ta sai trận bão để kéo Giô na trở lại trong vòng tay yêu thương của Ta."

Hai cách trên, Quý vị thấy cách nào thì có phước cho Giô na?

Thưa Quý vị, hôm nay Đức Chúa Trời muốn huấn luyện đức tin chúng ta mạnh mẽ hơn, để chúng ta sẽ hưởng phước hạnh lâu dài ở Thiên quốc. Cho nên những ngày trên đất nầy, khi chúng ta gặp những khó khăn, những hoạn nạn, chúng ta nên ngồi lại cầu xin Chúa cho chúng ta biết qua bài học hoạn nạn nầy Chúa muốn dạy chúng ta điều gì. Vì "Thật các sự sửa phạt lúc đầu coi như một cớ buồn bã, chớ không phải sự vui mừng; nhưng về sau sanh ra bông trái công bình và bình an cho những kẻ đã chịu luyện tập như vậy." (Hê 12:11).

Nếu Chúa không để ý đến Giô na, Ngài không sửa phạt Giô na thì cuộc đời Giô na sẽ ra sao? Kinh thánh dạy: "Ví bằng anh em chịu sửa phạt, ấy là Đức Chúa Trời đãi anh em như con, vì có người nào là con mà cha không sửa phạt?" (Hê 12:7).

Sau khi bốc thăm trúng nhằm Giô na, người ta mới hỏi về Ông. Giô na đáp: "Ta là người Hê-bơ-rơ, và ta kính sợ Đức Giê-hô-va, là Đức Chúa Trời trên trời, Ngài đã làm nên biển và đất khô. Những người ấy cả sợ, và bảo người rằng: Ngươi đã làm việc gì đó? Bấy giờ họ đã biết rằng người trốn khỏi mặt Đức Giê-hô-va; vì người đã khai ra cho họ." (Giô na 1: 9-10).

Tại đây, khi đối diện với hoàn cảnh khó khăn và trước mặt mọi người, Giô na đã nói thật. Ông nói Ông là người Hê bơ rơ. Ông là người kính sợ Đức Chúa Trời, nghĩa là Ông là người thờ phượng Chúa. Vì đang nói chuyện với người ngoại cho nên Ông nói thêm Ngài là Đấng "làm nên biển và đất khô." Nói tới đây những người nghe sợ quá. Từ lâu không thấy Đức Chúa Trời, họ tưởng trời đất tự nhiên mà có. Thật ra trên đời nầy có rất nhiều điều chúng ta không thấy, nhưng dù không thấy, chúng ta cũng phải tin rằng có. Tôi chưa bao giờ thấy Ông Cố Nội tôi, nhưng tôi tin chắc chắn là có Ông. Khi Đức Chúa Trời đã tạo dựng nên loài người, Ngài "lấy bụi đất nắn nên hình người, hà sanh khí vào lỗ mũi; thì người trở nên một loài sanh linh." (Sáng 2:7). Có những người không thấy Đức Chúa Trời tạo dựng loài người nên không tin. Nhưng lạ thay: họ không hề thấy thú thành người mà họ lại tin rằng "loài khỉ đã biến thành người." Thật tình, ai nói gì nói chớ tôi không thể tin rằng chú khỉ ngoài rừng là tổ tiên của tôi.

Giô na nói, "Đức Giê-hô-va, là Đức Chúa Trời trên trời." (Giô na 1:9). Giô na muốn nói cho người ngoài đạo biết rằng Chúa là Đấng ngự trên trời cao. Từ trên trời cao và đất thấp nầy không hề có ai cao trọng bằng Ngài. Nghĩa là trong câu nầy Giô na tôn vinh Đức Chúa Trời trước mặt người khác. Về điểm nầy, chúng ta nên học theo Giô na, vì mục đích cuộc sống của loài người trên đất là để tôn vinh Đức Chúa Trời, nếu chúng ta không tôn vinh Đức Chúa Trời thì cuộc sống của chúng ta trở thành vô ích. Mũi tên bắn ra phải trúng tấm bia. Nếu mũi tên bắn ra không trúng mục đích là tấm bia thì mũi tên coi như bỏ.

Sau khi nghe Giô na nói thật rằng Ông đã không vâng lịnh Đức Chúa Trời rồi xuống tàu đi qua Ta rê si để trốn mặt Ngài, chủ tàu và thủy thủ đoàn đều cả sợ. Họ hỏi Giô na rằng: "Chúng tôi sẽ làm gì về Ông, hầu cho biển yên lặng cho chúng tôi? Vì biển càng động thêm mãi." (Giô na 1:11).

Những người nầy dù không thờ Chúa, nhưng nay họ biết Đức Chúa Trời có quyền và Ngài đã khiến cho trận bão dữ dội đến đây vì Giô na có tội với Ngài. Họ hỏi Giô na: "Bây giờ chúng tôi làm chi Ông?" Nghĩa là vấn đề tội lỗi của Giô na phải được giải quyết trước mặt Chúa.

Thưa Quý vị, chúng ta ngày nay là những con dân của Chúa, chúng ta hết lòng tránh phạm tội cùng Chúa. Nhưng phải thú nhận rằng cũng có nhiều lần chúng ta phạm tội cùng Chúa. Khi chúng ta phạm tội cùng Chúa như vậy, chúng ta bị mất phước, đời sống buồn bã khó khăn. Điều nầy chỉ chấm dứt khi chúng ta đến với Chúa và xưng tội với Ngài. Lời Chúa dạy rằng: "Người nào giấu tội lỗi mình sẽ không được may mắn; Nhưng ai xưng nó ra và lìa bỏ nó sẽ được thương xót." (Châm ngôn 28: 13).

Giô na trả lời rằng: "Người trả lời rằng: Hãy bắt lấy ta; hãy ném ta xuống biển, thì biển yên lặng cho các anh; vì ta biết rằng ấy là vì cớ ta mà các anh đã gặp phải trận bão lớn nầy. Đoạn họ bắt Giô-na, quăng xuống biển, thì sự giận dữ của biển yên lặng." (Giô na 1: 12, 15).

Giô na thú nhận ràng: "Ta biết rằng ấy là vì cớ ta mà các anh đã gặp phải trận bão lớn nầy." Nghĩa là Ông biết rằng tội lỗi của Ông là nguyên nhân đem sự bất an và nguy hiểm cho mọi người. Ông bằng lòng gánh chịu hình phạt về tội lỗi của Ông. Ông đề nghị chủ tàu và các thủy thủ hãy quăng Ông xuống biển.

Giô na nhận rằng Ông có tội, nhưng thà chịu chết chớ Ông không chịu cầu xin Chúa tha thứ tội cho Ông. Như vậy có phải Giô na là người khôn ngoan không? Chắc chắn là không.

Chúng ta còn nhớ, Gô na đã từ nhà của Ông xuống bến tàu, mua vé, Ông xuống tàu, rồi Ông "xuống dưới lòng tàu." Giô na đã ba lần đi xuống. Nay vì không cầu xin sự tha thứ của Chúa, Ông đi xuống một lần nữa. Đó là Ông bị quăng "xuống biển."

Trong thời Tân Ước có Giu đa Ích ca ri ốt sau khi bán Đức Chúa Jesus ba chục miếng bạc, Ông biết mình đã phạm tội. Ông không chịu ăn năn tội với Chúa, không xin Chúa tha tội cho Ông. Kinh thánh ghi lại là Giu đa Ích ca ri ốt: "lấy tiền thưởng của tội ác mình mà mua một đám ruộng, rồi thì nhào xuống, nứt bụng và ruột đổ ra hết." (Công vụ 1:18). Không chịu xin Chúa tha tội, Giu đa Ích ca ri ốt cũng đã đi xuống. Ông xuống đâu? Thân xác Ông đã xuống đám ruộng, còn linh hồn Ông đã xuống Địa ngục.

Ngày nay cũng vậy, nếu ai biết mình có tội với Chúa mà không ăn năn, không cầu xin Chúa tha thứ tội cho mình, người đó cũng sẽ chỉ đi xuống mà thôi.

Cầu xin Chúa cho chúng ta học được bài học Chúa dạy từ câu chuyện Giô na hôm nay. A-men.