Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 29

LỜI CHÚA CHO NGƯỜI CHỒNG

Kinh Thánh Ê-phê-sô 5:25-33

Sứ Đồ Phao-lô viết:

“Hỡi người làm chồng, hãy yêu vợ mình như Đấng Christ đã yêu Hội Thánh, phó chính mình vì Hội Thánh, để khiến hội nên thánh sau khi lấy nước rửa và dùng đạo làm cho Hội tinh sạch, đặng tỏ ra Hội Thánh đầy vinh hiển không vết, không nhăn, không chi giống như vậy, nhưng thánh sạch không chỗ trách được trước mặt Ngài. Cũng một thể ấy chồng phải yêu vợ như chính thân mình. Ai yêu vợ mình thì yêu chính thân mình vậy. Vì chẳng có người nào ghét chính thân mình, nhưng nuôi nấng săn sóc nó như Đấng Christ đối với Hội Thánh, vì chúng ta là chi thể của thân Ngài. Vậy nên đàn ông phải lìa cha mẹ mà dính díu với vợ mình, hai người cùng nên một thịt. Sự mầu nhiệm ấy là lớn, tôi nói về Đấng Christ và Hội Thánh vậy. Thế thì mỗi người trong anh em phải yêu vợ mình, còn vợ thì phải kính chồng” (Ê-phê-sô 5: 25-33)

 

Liền sau Lời Chúa cho người vợ, Sứ Đồ Phao-lô viết về bổn phận người chồng trong cuộc hôn nhân của mình như sau:

Chúng ta cùng suy gẫm đoạn Kinh Thánh này trong bốn phần sau:

-          Yêu vợ như Đấng Christ yêu Hội Thánh

-          Dẫn dắt vợ trên đường theo Chúa

-          Yêu vợ như yêu mình

-          Lìa cha mẹ dính díu với vợ

I.YÊU VỢ NHƯ ĐẤNG CHRIST YÊU HỘI THÁNH

1. THẾ NÀO LÀ YÊU THƯƠNG?

Rất nhiều người đàn ông tưởng rằng yêu vợ có nghĩa là khi đi làm về thì ôm hôn vợ, đến ngày sinh nhật vợ, thì tặng hoa cho vợ, đến kỷ niệm ngày cưới, thì phải tổ chức bữa ăn ấm cúng cùng vợ, những điều trên không phải là yêu, đó là một số biểu hiện của tình yêu. Những biểu hiện như vậy  có thì tốt, còn không có cũng không có nghĩa là không yêu.

Chúng ta cũng thường nghĩ rằng: Nhìn một người, thấy được nét dịu dàng, ấm áp của người ấy, nghe tâm tình đầy nhu mì của họ, hoặc biết được hoàn cảnh hết sức đáng thương của một người, sự thương cảm sâu xa làm rung động trái tim và tấm lòng chúng ta...chúng ta gọi đó là tình yêu. Thực ra đó là những xúc cảm, xúc cảm có thể là điểm khởi đầu của tình yêu, nhưng xúc cảm vẫn chưa phải là tình yêu.

Khi Chúa Jesus thấy người dân Do Thái, đến với mình, như bầy chiên tan tác không có người chăn, khi Ngài nghe người mù kêu lên rẳng: Jesus con cháu vua Đa-vít ơi, xin thương xót tôi cùng, khi Ngài thấy người đàn bà goá khóc ngất trong đám tang con trai một của mình... Ngài hiểu rõ nỗi thống khổ của họ, Ngài nhận biết những khát khao trong tấm lòng họ, tình cảm trào dâng trong lòng Ngài, cảm xúc này được Kinh Thánh diễn tả bởi nhóm từ:

           “Ngài động lòng thương xót” (Ma-thi-ơ 9:36)...

Nếu sóng lòng trào dâng đến chỗ động lòng thương xót và dừng ở đó, thì điều này cũng không phải là tình yêu. Mười hai lần trong Kinh Thánh Tân Ước khi ghi lại rằng “Chúa Jesus động lòng thương xót”, thì liền sau đó Ngài làm một phép lạ hoặc làm một điều vô cùng quan trọng nào đó, để có thể đáp ứng nhu cầu của người kêu xin Ngài, đem lại lợi ích lớn nhất, quí nhất cho người mà Ngài động lòng thương xót, và đó mới thật là tình yêu: tình yêu khởi đầu bằng một làn sóng cảm xúc tự trong lòng, nhưng phải được tiếp nối bằng hành động hy sinh, để đem lại lợi ích cho người được yêu. Chính vì vậy Chúa Jesus phán rằng:

          “Chẳng có sự yêu thương nào lớn hơn là vì bạn hữu mà phó sự sống mình” Giăng 15:13)

Tình yêu là điều có thể cảm nhận, có thể nhìn thấy, có thể đo lường, vì tình yêu luôn đi chung với sự hy sinh chính mình, sự hy sinh càng lớn, thì tình yêu càng lớn.

2.YÊU VỢ NHƯ ĐẤNG CHRIST YÊU HỘI THÁNH

Lời Chúa trong Ê-phê-sô:

Hỡi người làm chồng, hãy yêu vợ mình, như Đấng Christ đã yêu Hội Thánh, phó chính mình vì Hội Thánh” (Ê-phê-sô 5:25)

Đấng Christ yêu Hội Thánh như thế nào? Chúa Jesus yêu con người, tình yêu ấy được tóm tắt bằng hai chữ “hy sinh”. Ngài lìa bỏ thiên cung, tự bỏ mình đi, đến trong thế gian làm người, Ngài cũng tự hạ mình xuống trong sự vâng phục CHA,  để chịu chết cho loài người, để chuộc tội cho con người, bởi đó: những người được cứu qua dòng huyết vô tội của Ngài đã hiệp lại trở nên Hội Thánh Chúa

“Ngài vốn có hình Đức Chúa Trời, song không coi sự bình đẳng với Đức Chúa Trời là sự nên nắm giữ, Ngài tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ trở nên giống như loài người.Ngài đã hiện ra như một người tự hạ mình xuống vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự” (Phi-lip 2:6-8)

Tình yêu được đo bằng sự hy sinh. Sự hy sinh lớn nhất là phó sự sống mình cho người mình yêu. Đấng Christ yêu Hội Thánh bằng loại tình yêu lớn nhất đó:

“Chẳng có tình yêu nào lớn hơn là vì bạn hữu phó sự sống mình” (Giăng 15:13)

Như vậy, người chồng yêu vợ mình như Đấng Christ yêu Hội Thánh thì  cũng cần học biết sự hy sinh chính mình cho vợ: Người chồng cần học biết hành động: “Tự bỏ mình đi”, và tự hạ mình xuống, trong khi học đòi hy sinh cho vợ mình, như Chúa vì yêu Hội Thánh, đã hy sinh cho Hội Thánh.

Dĩ nhiên con người chúng ta không thể biết rõ số phận mình: Khi nào mình sẽ phải trải qua nỗi đau đớn bệnh tật? Khi nào phải trải qua những giờ khắc buồn khổ? Và cũng không thể biết ngày giờ nào mình sẽ qua đời? Nhưng khi yêu vợ mình như Đấng Christ yêu Hội Thánh, thì người chồng sẵn sàng thưa với Chúa rằng: Chúa ơi, xin Chúa cho con được chịu những đau đớn, bệnh tật thế cho vợ con để nàng khỏi phải chịu điều đó, xin Chúa cho con nhận lấy điều buồn khổ của vợ con, để vợ con không phải chịu sự buồn khổ và Chúa ơi, trong giờ có cần, xin cho con được nhận cái chết thay cho vợ con, để vợ con được sống, vì Chúa biết hết mọi sự và Ngài có quyền tuyệt đối trên mọi sự. Chỉ khi người chồng kết ước với Chúa về điều đó, thì người ấy mới có thể sống thực hành tình yêu với vợ mình:

Chỉ bởi cam kết với Chúa như vậy, người chồng mới có thể:

“Nhịn nhục, nhơn từ, chẳng ghen tị, chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo (I Cô-rinh-tô 13: 4) với nàng.

Chỉ bởi cam kết với Chúa như vậy, người chồng mới có thể:

 “Không làm điều trái phép, không kiếm tư lợi, không nóng giận, không nghi ngờ sự dữ” (I Cô-rinh-tô 13:5) nơi nàng.

Cũng bởi cam kết với Chúa như vậy, người chồng mới có thể:

    “Không vui về điều không công bình, nhưng vui trong lẽ thật” (I Cô-rinh-tô 13: 6) cùng nàng.

Và cũng bởi cam kết với Chúa như vậy, người chồng mới có thể:

   “Dung thứ mọi sự, tin mọi sự, trông cậy mọi sự, và nín chịu mọi sự” (I Cô-rinh-tô 13:7) vì nàng.

II.DẪN DẮT VỢ TRÊN ĐƯỜNG THEO CHÚA

Sứ Đồ Phao-lô tiếp tục:

“Ngài phó chính mình vì Hội Thánh, để khiến hội nên thánh sau khi lấy nước rửa và dùng Đạo làm cho hội tinh sạch, đặng tỏ ra Hội Thánh đầy vinh hiển không vết không nhăn không chi giống như vậy, nhưng thánh sạch không chỗ trách được trước mặt Ngài” (Ê-phê-sô 5: 26-27)

Đức Chúa Jesus chịu chết vì Hội Thánh, để hội những người tin theo Ngài được “nên thánh” (Hagios) nghĩa là được “biệt riêng ra cho Đức Chúa Trời” Và Sứ Đồ Phao-lô nhân danh Chúa, giao nhiệm vụ cho những người chồng trong Hội Thánh: phải theo gương Chúa mà mà làm đầu trong gia đình, nhận lãnh nhiệm vụ thánh hoá vợ mình, để vợ mình cùng với mình được biệt riêng cho Đức Chúa Trời. Chúng ta nói rằng: Chúa ơi, con làm sao có thể làm được việc ấy cho Ngài? Đúng là như vậy, đó là việc quá khó cho một tín hữu như mỗi chúng ta. Tuy nhiên, Chúa không đặt chúng ta thánh hoá những người khác, một người là đầu của vợ, một người yêu vợ mình có thể hy sinh mọi sự cho nàng, thì khi nương dựa quyền phép của Đức Thánh Linh, có thể làm được điều Chúa dạy, vì nếu đây là điều chúng ta không thể làm được, thì hẳn Chúa đã không đòi hỏi điều ấy nơi chúng ta.

Người làm đầu trong gia đình là người lãnh đạo, nghĩa là người cai trị nhà riêng mình. Người chồng nào cũng phải làm điều này, để khi làm tốt việc nhà mình, thì có  cơ hội có thể đóng góp vào việc nhà Chúa:

“Vì ai không biết cai trị nhà riêng mình, thì làm sao cai trị được Hội Thánh của Đức Chúa Trời” (I Ti-mô-thê 3:5)

Người chồng là người cai trị nhà riêng mình, nhưng cai trị như thế nào thì hầu như ai trong chúng ta đều ngỡ ngàng. Phải chăng cai trị là ngồi trên ngai vàng ra lệnh cho mọi người, để mọi người làm theo các mệnh lệnh của mình? Phải chăng cai trị là xét xử người khác, cai trị là ban thưởng hay trừng phạt người khác, khi họ làm đúng hay không đúng theo ý mình?

 Các từ ÁRKÒ (Mác 10:42; Roma 15:12), và từ BRABEÚÒ (Cô-lô-se 3:15) được dịch là cai trị mang ý nghĩa như vậy, những từ này được dùng để chỉ cách cai trị trong các thể chế chính trị, hay cách cai trị của dân ngoại, chứ không phải là cách cai trị nhà riêng của con cái Chúa hay cai trị trong Hội Thánh Đức Chúa Trời. [1]

Khi nói đến sự cai trị trong gia đình Cơ Đốc, hay cai trị trong Hội Thánh của Đức Chúa Trời, thì Sứ Đồ Phao-lô dùng từ: PROISTÈMI (trong Roma 12:8; I Tê-sa 5:12; I Tim 3:4; I Tim 3:5; I Tim 3:12; I Tim 5:17) PROISTÈMI được dịch là cai trị, có nghĩa đen là ĐỨNG ĐẦU, là LÀM GƯƠNG[2], như vậy vai trò làm đầu trong gia đình của người chồng là làm gương cho vợ mình:

 Nhưng làm gương như thế nào? Làm gương ở đây là thuận phục đạo tức là Lời Đức Chúa Trời, là học hiểu và làm theo lời Ngài: Người chồng cũng cần siêng năng, học hỏi, suy nghiệm, và vâng giữ Lời Chúa, thực hành nếp sống đạo, như một gương tốt cho mọi người trong nhà mình mà trước hết là vợ mình. Một khi người chồng trung tín với Chúa và lời Ngài, sống phục sự Chúa và tha nhân, không ăn ở luông tuồng, không gian tham, dối gạt, không hai lời, không nói và làm điều hung dữ, nhưng khiêm nhường, nhu mì, kính sợ Chúa, yêu thương và thuận hoà đối với mọi người, bởi tấm gương chồng mình và bởi sự vâng phục, thì vợ sẽ cùng chồng nên thánh sạch trước mặt Đức Chúa Trời. Điều này được ví sánh như điều Đấng Christ đã làm cho Hội Thánh:

“Dùng Đạo làm cho hội tinh sạch, đặng tỏ ra Hội Thánh đầy vinh hiển không vết không nhăn không chi giống như vậy, nhưng thánh sạch không chỗ trách được trước mặt Ngài” (Ê-phê-sô 5: 26-27)

III.YÊU VỢ NHƯ YÊU CHÍNH MÌNH

1.YÊU VỢ NHƯ YÊU CHÍNH THÂN MÌNH

Lời kêu gọi tiếp theo cho người chồng là:

“Cũng một thể ấy, chồng phải yêu vợ mình như chính thân mình. Ai yêu vợ mình thì yêu chính mình vậy. Vì chẳng hề có ai ghét chính thân mình, nhưng nuôi nấng, săn sóc nó như Đấng Christ đối với Hội Thánh” (Ê-phê-sô 5: 28-29).

Thánh hoá vợ bởi sự làm gương trong khi bước theo Chúa là nhiệm vụ thuộc linh của người chồng, nhưng đời sống con người trên đất không chỉ có sự sống thuộc linh, mà còn vấn đề thuộc thể nữa. Về vấn đề này lời Chúa dạy:

       “Cũng một thể ấy, chồng phải yêu vợ mình như chính thân mình” (Ê-phê-sô 5: 28)

Yêu vợ mình như chính thân mình có nghĩa gì? Yêu vợ như chính bản thân mình nghĩa là làm cho vợ tất cả những gì chúng ta làm cho thân thể mình :

Chúng ta ai nấy đều yêu chính thân thể mình, thân thể chúng ta cần đồ ăn khi đói, thì vợ chúng ta cũng cần như vậy, chúng ta cần được mặc ấm khi lạnh, thì vợ chúng ta cũng cần như vậy, chúng ta cần các tiện nghi trong cuộc sống thì vợ chúng ta cũng cần những điều ấy, chúng ta cần được an ninh trong mọi bước đường đời, thì người phối ngẩu của chúng ta cũng có nhu cầu đó, chúng ta cần được lao động và nghỉ ngơi một cách hợp lý để nạp lại năng lượng, thì đó cũng là ý muốn của vợ mình,  do vậy ai yêu vợ mình thì phải lo phần thuộc thể cho vợ mình như vậy.

 Lo phần thuộc thể cũng có nghĩa là người chồng cần phải là người chu cấp cho gia đình,  cần siêng năng trong công việc và trung tín trong vấn đề tiền bạc. Vì vợ chồng không phải là hai mà là một nên trong một gia đình không nên có hai túi tiền, chỉ một túi tiền thôi là đủ, và thông thường túi tiền của gia đình nên được giao cho vợ, vì nàng thường là người quản trị tiền bạc tốt hơn người chồng, đặc biệt trong vấn đề chi tiêu: nghĩa là chi tiêu phải lẽ, nhưng không phí phạm vô ích.

2.AI YÊU VỢ THÌ YÊU CHÍNH MÌNH

Vợ chồng không phải là hai mà là một nên nếu chồng là đầu, thì vợ là thân thể của chồng, do vậy yêu vợ là yêu chính thân mình.

 Yêu thân thể mình, thì quí chuộng và không làm đau đớn thân thể, giữ gìn thân thể ấy như giữ gìn đối một vật quí vốn mong manh, dễ bị tổn thương, tan vỡ. Yêu vợ cũng có nghĩa như vậy, nên Sứ Đồ Phi-e-rơ viết rằng:

“Hỡi người làm chồng, hãy tỏ điều khôn ngoan ra trong sự ăn ở với vợ mình, như là với giống yếu đuối hơn, vì họ sẽ cùng anh em hưởng phước sự sống, nên phải kính nể họ, hầu cho không điều gì làm rối loạn sự cầu nguyện của anh em” (I Phi-e-rơ 3:7)

Rất nhiều người trong chúng ta không biết được bí quyết này: Người vợ vốn là “giống yếu đuối hơn” nghĩa là dễ bị tổn thương hơn, dễ tan vỡ như một chiếc bình quí. Do không biết yêu vợ chính là yêu mình, nên nhiều người trong chúng ta đối đãi với vợ như là với một đối thủ, một người cạnh tranh hơn là đối với một “giống yếu đuối hơn”, họ sẵn sàng cãi cọ, tranh cạnh, hơn thua, càu nhàu, đoán xét nhau với vợ, và đây là nguyên do của tỉ lệ ly dị cao trong xã hội hiện đại.

Người ta cũng thường diễn tả cảnh đầm ấm trong gia đình bằng nhóm từ: “cơm lành, canh ngọt” ai yêu vợ sẽ có thể cảm nghiệm được nghĩa đen của nhóm từ này: Ai yêu vợ nâng niu, chiều chuộng vợ, thì chắc rằng người ấy được vợ chăm chút, biểu lộ tình yêu với chồng nhiều hơn, sâu đậm hơn. Hãy nhìn cuộc sống của một người đàn ông mất vợ, dù là mất vợ vì vợ chết sớm, hay mất vợ vì ly dị vợ, chúng ta dễ dàng cảm nhận được nổi khó khăn trong cuộc sống của họ. Người đàn ông mất vợ, khi ra đường đa phần thường hốc hác, gầy mòn do lo buồn, do suy nghĩ nhiều, hoặc do ăn uống thất thường, áo quần người mất vợ thường nhàu nát, lôi thôi, luộm thuộm do không có bàn tay chăm sóc của người phụ nữ của mình. Có lẽ những hình ảnh này giúp chúng ta thấm thía hơn với lời khuyên: Yêu vợ là yêu chính mình.

IV.LÌA CHA MẸ MÀ DÍNH DÍU VỚI VỢ

Sứ Đồ Phao-lô viết tiếp:

“Vậy nên đàn ông phải lìa cha mẹ mà dính díu với vợ mình, hai người cùng nên một thịt. Sự mầu nhiệm ấy là lớn, tôi nói về Đấng Christ và Hội Thánh vậy. Thế thì mỗi người trong anh em phải yêu vợ mình, còn vợ thì phải kính chồng” (Ê-phê-sô 5: 31-33)

Giống như Chúa Jesus, khi đề cập đến hôn nhân, Sứ Đồ Phao-lô dẫn người đọc đến với câu Kinh Thánh trong Sáng Thế Ký 2:24: “Đàn ông phải lìa cha mẹ mà dính díu với vợ mình, hai người cùng nên một thịt” Điều này được gọi là mầu nhiệm lớn, ví sánh với mối quan hệ giữa Đấng Christ và Hội Thánh.

Đấng Christ đã vì yêu thế gian, nên LÌA CHA nơi thiên đàng vinh hiển để bước vào thế gian, chịu chết đền tội cho con người, để cứu con người, Ngài GẮN BÓ với những người được cứu chuộc để nên Hội Thánh Ngài:  Ngài đã TRỞ NÊN MỘT với Hội Thánh Ngài. Ngài là đầu còn Hội Thánh là thân thể Ngài,

Tương tự như vậy, trong hôn nhân, có ba điều người đàn ông cũng cần phải thực hiện là: LÌA cha mẹ, DÍNH DÍU với vợ, để cả hai NÊN MỘT THỊT

1.LÌA

Từ LÌA (Kataleipo)[3] mang ý nghĩa là rời bỏ, tuy nhiên lìa cha mẹ không có nghĩa là bỏ rơi cha mẹ, cũng không đơn giản là rời đi về mặt địa lý. Một điều đáng lưu ý ở đây là Kinh Thánh không nói rằng người nữ phải lìa cha mẹ mà dính díu với chồng, rồi cả hai trở nên một thịt, nhưng là người nam phải lìa, vì sao vậy? Câu trả lời là: Vì khi lập nên một gia đình mới, thì người nam làm đầu gia đình ấy chứ không phải người nữ, do vậy người nam là người có trách nhiệm trước hết LÌA cha mẹ mình.

LÌA ở đây là lìa về mặt quyền lực. Người đàn ông khi còn là con trong gia đình là người lệ thuộc hoàn toàn vào gia đình cha mình, đến khi trưởng thành và lập gia đình,  họ phải nhận lấy trách nhiệm của người lãnh đạo, dẫn dắt vợ mình, nên người đàn ông phải xác lập quyền làm đầu của gia đình mình, bằng cách LÌA cha mẹ mình, LÌA ở đây là LÌA quyền lực của Cha để xác lập quyền của chính mình, như là người LÀM ĐẦU trong một gia đình mới.

Từ LÌA thông thường là LEIPO, nhưng ở đây Kinh Thánh dùng từ KATALEIPO có ý nhấn mạnh rằng việc lìa là điều bắt buộc và là một hành động dứt khoát. Người đàn ông nào khi đã lập gia đình, nhưng không chịu LÌA cha mẹ, vẫn để cha mẹ nắm quyền trên gia đình của chính mình, thì sẽ chẳng thể làm người lãnh đạo của chính gia đình mình được, họ đẩy vợ mình vào tình trạng không phải chỉ “vâng phục CHỒNG MÌNH”, nhưng lại phải vâng phục không biết bao nhiêu người khác trong gia đình và thân tộc chồng nữa. Hôn nhân như vậy thất bại từ trong căn bản: Người chồng không ra chồng, vì không có quyền làm đầu và vợ không ra vợ vì phải vâng phục đủ mọi người chứ không phải vâng phục chồng mình.

Ở đây cũng phải thấy vai trò của người làm cha làm mẹ trong Chúa, Khi con mình đã lập gia đình, thì gia đình của con cái là một đơn vị độc lập đối với gia đình của mình, để mưu cầu hạnh phúc cho con, thì người làm cha làm mẹ không nên tự cho phép mình can thiệp vào nội bộ của gia đình con cái, ngoại trừ việc cầu nguyện cho con cái, để Đức Chúa Trời dẫn dắt con cái mình trong cuộc sống hôn nhân.

2.DÍNH DÍU

Người nam lìa cha mẹ để làm gì? ấy là để dính díu với vợ và cả hai trở nên một thịt: Từ DÍNH DÍU  (Proskolláomai)[4] là gắn chặt lại, giống như lấy hồ dán hai tờ giấy lại với nhau (Kolla: là keo hay hồ dán) cách diễn tả này cho thấy trong tất cả các mối quan hệ, thì quan hệ vợ chồng là mối quan hệ keo sơn nhất, thân thiết nhất, keo sơn, thân thiết đến nổi cả hai không còn là hai mà đã trở nên một, không thể tách rời khỏi nhau nữa. Khó có thể tách hai tờ giấy đã dán chặt với nhau mà không làm rách nát cả hai. Do vậy trước mặt Đức Chúa Trời không nên tách những đôi vợ chồng đã được kết hiệp trước mặt Chúa.

Chúa Jesus khi nói về sự ly dị, Ngài tuyên bố rằng: Ban đầu Đức Chúa Trời chỉ dựng nên một người nam và một người nữ thôi, vì sao vậy? để người nam chỉ có một vợ, người nữ chỉ có một chồng mà thôi, và Ngài phán như vậy cũng có nghĩa là Ngài không cho phép ly dị giữa họ với nhau, dĩ nhiên trừ những trường hợp hết sức đặc biệt:

“Thế thì, vợ chồng không phải là hai nữa, nhưng một thịt mà thôi. Vậy loài người không nên phân rẽ những kẻ mà Đức Chúa Trời đã phối hiệp” (Ma-thi-ơ 19:6)

3.TRỞ NÊN MỘT THỊT

Vợ chồng có được hưởng hạnh phúc hôn nhân hay không, nằm ở chỗ họ có trở nên một thịt hay không? Sự “trở nên một thịt” là sự hiệp nhất cả về tâm linh, tâm chí và thân thể, sự trở nên một thịt của hai vợ chồng không được xây nên bởi tiền bạc, sự khôn ngoan, sức mạnh hoặc bất kỳ sự sắp đặt hoặc ý muốn nào của con người, sự trở nên một thịt là huyền nhiệm của Đức Chúa Trời, chỉ được hình thành qua hôn nhân, bởi hai chất liệu: Tình yêu của người chồng và sự thuận phục của người vợ, do vậy Sứ Đồ Phao-lô tổng kết lại mối quan hệ vợ chồng rằng:

“Thế thì mỗi người trong anh em phải yêu vợ như mình, còn vợ thì phải kính chồng” (Ê-phê-sô 5:33)

 

 

 

 

 

 

 



[1] Lê-Hoàng Phu,sđd,77

[2] Lê Hoàng Phu, sđd, 77

[3] Lê Hoàng Phu, sđd, 460

[4] Lê Hoàng Phu, sđd, 401

Bài30 .