Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 7

Người Ðàn Bà Mất Huyết

Ma-thi-ơ 9:20-22, Mác 5:21-43, Lu-ca 8:40-56

 

Kính thưa Quý vị: Sau vài tuần nghe những lời đối chất của Chúa Giê-xu với những người Pha-ri-si, chúng ta hôm nay có thể “thay đổi không khí” và học về một số người biết đặt niềm tin vào Ngài, và vì thế nhận được nhiều ơn phước từ Ngài. Trong tuần này và tuần tới, chúng ta sẽ học hai câu chuyện được kể chung với nhau trong các sách Tin Lành, đó là chuyện của một người cai nhà hội và một người đàn bà bị mất huyết đã mười hai năm. Tôi xin phân tích câu chuyện của người đàn bà trước, dựa theo Ma-thi-ơ 9:20-22, Lu-ca 8:40-56, đặc biệt là Mác 5:21-43.

 

I.                   “Nếu ta chỉ rờ đến áo Ngài…”

 

1.                  Người đàn bà mất huyết…

 

Mác ghi lại như sau,

5:25Vả, tại đó có một người đàn bà bị bịnh mất huyết đã mười hai năm,

5:26bấy lâu chịu khổ sở trong tay nhiều thầy thuốc, hao tốn hết tiền của, mà không thấy đỡ gì; bịnh lại càng nặng thêm.

5:27Người đã nghe tin về Ðức Chúa Giê-xu, bèn lẩn vào đằng sau giữa đám đông, mà rờ áo Ngài.

5:28Vì người nói rằng: Nếu ta chỉ rờ đến áo Ngài mà thôi, thì ta sẽ được lành.

5:29Cùng một lúc ấy, huyết lậu liền cầm lại; người nghe trong mình đã được lành bịnh.

 

Ma-thi-ơ kể,

9:20Nầy, có một người đàn bà mắc bịnh mất huyết đã mười hai năm, lại gần sau lưng mà rờ trôn áo Ngài.

9:21Vì người đàn bà ấy tự nghĩ rằng: Nếu ta chỉ rờ áo Ngài, thì cũng sẽ được lành.

 

Lu-ca chép,

8:43Bấy giờ, có một người đàn bà đau bịnh mất huyết mười hai năm rồi, cũng đã tốn hết tiền của về thầy thuốc, không ai chữa lành được,

8:44đến đằng sau Ngài rờ trôn áo; tức thì huyết cầm lại.

 

Bịnh mất huyết là “bịnh đàn bà.” Cũng như những căn bệnh khác, cách y khoa chữa bịnh này lúc đó thật “tàn nhẫn” và vô hiệu lực, như Mác ghi, người đàn bà này “5:26bấy lâu chịu khổ sở trong tay nhiều thầy thuốc, hao tốn hết tiền của, mà không thấy đỡ gì; bịnh lại càng nặng thêm.”

Không những bị bịnh trong thân thể, người đàn bà này còn bị coi như “ô uế.” Luật pháp Môi-se, được chép trong sách Lê-vi Ký 15:19 viết, “Khi nào một người nữ có kinh nguyệt, phải chịu ô uế trong bảy ngày; hễ ai đụng đến người, sẽ bị ô uế đến chiều tối.” Gặp người khác, bà phải la lớn “Ô uế!” Bà bị xã hội xem không khác gì một người cùi. Bà cũng bị cắt đứt khỏi sự thờ phượng Ðức Chúa Trời, vì không được bước chân vào đền thờ.

“Tiền mất, tật mang” đã mười hai năm, người đàn bà này sống trong sự cô đơn, tủi nhục, và hoàn toàn vô vọng.

 

2.                  … lẩn vào đám đông…

 

Rồi một ngày nọ bà “5:27nghe tin về Ðức Chúa Giê-xu.” Biết rằng Ngài là câu trả lời cho vấn đề quan trọng nhất trong đời bà, bà tìm đến Ngài. Than ôi, khi đến nơi bà thấy Ngài đang bị một đám đông vây quanh. Lúc này, đi đâu Chúa cũng bị đám đông, kể cả những người Pha-ri-si, đi theo. Họ chen lấn trên đường Ngài đi, trong nhà Ngài đến. Dầu ai ai cũng đã chứng kiến, hay nghe về, một vài phép lạ Ngài làm, phần nhiều người ta theo Ngài chỉ vì hiếu kỳ, hơn là mong chờ được Ngài trực tiếp làm cho mình một phép lạ. Họ có thể đụng đến Ngài, nhưng không muốn Ngài đụng đến, và thay đổi họ. Họ chỉ muốn được trở về nhà mình buổi chiều giống như khi rời nhà buổi sáng. Họ đứng gần Chúa Giê-xu, nhưng không khác gì cách xa Ngài ngàn dặm, hay ngàn thế kỷ.

Ðây có phải là hình ảnh của chúng ta? Chúng ta đã biết, và đã có cơ hội đối diện với Ðức Chúa Trời toàn năng, nhưng có thể vẫn hoàn toàn không cảm nhận được sự hiện diện của Ngài. Bước vào nhà thờ, chúng ta hát ngợi ca Ðức Chúa Trời, nhưng vẫn muốn trở về nhà không khác hôm trước. Chúng ta có thể quá bận tâm đến những điều vật chất, để lắng nghe tiếng Ðức Chúa Trời phán dạy, và để Ngài thay đổi đời sống mình.

Rồi có những người trong đám đông vây quanh Ngài chỉ để thúc giục Ngài. Chúng ta sẽ học tuần sau rằng Chúa Giê-xu lúc đó đang trên đường đi đến nhà Giai-ru, có người con bị bịnh. Trong đám đông theo Ngài, chắc có người thúc hối, “Chúa ôi, xin đi mau lên. Con bé gần chết rồi!” Những người đó làm một điều tốt, vì biết quan tâm đến người khác. Nhưng họ không biết rằng Chúa Giê-xu có chương trình và thời khóa biểu của Ngài, để đem kết quả tối hảo cho mọi vấn đề.

Ðây cũng là điều chúng ta thường làm. Chúng ta mất kiên nhẫn khi thấy lời cầu nguyện của mình không được trả lời tức thì. Chúng ta muốn thấy điều quan trọng đối với chúng ta cũng quan trọng đối với Chúa, và điều không quan trọng đối với chúng ta cũng không quan trọng đối với Ngài. Chúng ta quyết định giùm Chúa, và luôn tìm cách thúc giục Ngài theo thời khóa biểu của mình.

Dầu vậy, trong đám đông đó, có một người đàn bà bị mất huyết biết tìm cách đến gần Ngài, để Ngài thay đổi đời bà. Bà không để bất cứ chướng ngại vật nào trở thành lý do khiến bà không tìm đến với Chúa Giê-xu. Chướng ngại vật thứ nhất là sức khỏe của bà; thứ hai là sự thất bại của bao nhiêu thầy thuốc trước đó; và thứ ba là đám đông. Ðối với chúng ta, đám đông có thể là bạn bè, gia đình, những người tín đồ khác, ngay cả mục sư. Dầu có người tín đồ đạo đức giả, có mục sư thiếu niềm nở, xin chúng ta đừng nhìn họ, nhưng hãy nhìn lên Chúa. Lu-ca 19:2-4 kể chuyện về “một người tên là Xa-chê, làm đầu bọn thâu thuế, và giàu có. Người đó tìm xem Đức Chúa Jêsus là ai, nhưng không thấy được, vì đoàn dân đông lắm, mà mình lại thấp. Vậy, Xa-chê chạy trước, trèo lên cây sung, để ngó thấy Đức Chúa Jêsus, vì Ngài phải đi qua đó.”

 

3.                  … mà rờ áo Ngài

 

Mác ghi, “5:27-28Người đã nghe tin về Ðức Chúa Giê-xu, bèn lẩn vào đằng sau giữa đám đông, mà rờ áo Ngài. Vì người nói rằng: Nếu ta chỉ rờ đến áo Ngài mà thôi, thì ta sẽ được lành.” Lu-ca ghi thêm rằng bà đến để “ 8:44rờ trôn áo” của Chúa Giê-xu. Theo nguyên bản, đây nói đến những núm tua trên gấu áo dài mà thầy Ra-bi lúc đó thường mặc.

Trước kia bà đã “5:27nghe tin về Ðức Chúa Giê-xu.” Nhưng nghe không không đủ. Tin ở trên đầu không cũng không đủ. Ðức tin phải được thể hiện trong hành động. Thông thường, hành động đến từ ý thức được rằng mình vô vọng. Phải biết như thế chúng ta mới đến với Chúa Giê-xu, và không thèm để ý đến việc người khác nghĩ gì về mình.

Không ý thức được tình trạng vô vọng của mình là vấn đề của nhiều người ngày hôm nay. Có thể người đàn bà này trước đó không biết về Chúa Giê-xu, nên đã tìm đến bao nhiêu thầy thuốc. Nhưng buồn thay, nhiều tín đồ Ðấng Christ ngày nay chỉ đến với Ðức Chúa Trời sau khi đã thử hết tất cả những phương cách mà khoa học hiện đại có thể cung hiến.

 

Mác kết luận, “5:29Cùng một lúc ấy, huyết lậu liền cầm lại; người nghe trong mình đã được lành bịnh.” Mười hai năm nhục nhã đắng cay tan biến trong nháy mắt, chỉ vì người đàn bà này biết đụng đến Chúa Giê-xu.

 

II.                “Ai đã rờ áo ta?”

 

Trong lúc câu chuyện về người đàn bà bị mất huyết có thể chấm dứt nơi đây, tác giả các sách Tin Lành ghi thêm:

 

Mác ghi,

5:30Tức thì Ðức Chúa Giê-xu tự biết có sức mạnh đã ra từ mình, bèn xây lại giữa đám đông mà hỏi rằng: Ai đã rờ áo ta?

5:31Môn đồ thưa rằng: Thầy thấy đám đông lấn ép thầy, thầy còn hỏi rằng: Ai rờ đến ta?

5:32Ngài nhìn chung quanh mình để xem người đã làm điều đó.

5:33Người đàn bà biết sự đã xảy đến cho mình, bèn run sợ đến gieo mình dưới chân Ngài, tỏ hết tình thật.

5:34Ðức Chúa Giê-xu phán rằng: Hỡi con gái ta, đức tin con đã cứu con; hãy đi cho bình an và được lành bịnh.

 

Ma-thi-ơ chép,

9:22Ðức Chúa Giê-xu xây mặt lại, thấy người đàn bà, thì phán rằng: hỡi con, hãy vững lòng, đức tin con đã làm cho con được lành. Liền trong giờ đó, người đàn bà lành bịnh.

 

Lu-ca viết,

8:45Ðức Chúa Giê-xu bèn phán rằng: Ai sờ đến ta? Ai nấy đều chối; Phi-e-rơ và những người đồng bạn thưa rằng: Thưa thầy, đoàn dân vây lấy và ép thầy.

8:46Ðức Chúa Giê-xu phán rằng: Có người đã rờ đến ta, vì ta nhận biết có quyền phép từ ta mà ra.

8:47Người đàn bà thấy mình không thể giấu được nữa, thì run sợ, đến sấp mình xuống nơi chân Ngài, tỏ thật trước mặt dân chúng vì cớ nào mình đã rờ đến, và liền được lành làm sao.

8:48Nhưng Ðức Chúa Giê-xu phán rằng: Hỡi con gái ta, đức tin ngươi đã chữa lành ngươi; hãy đi cho bình an.

 

Ðiều lạ lùng là Chúa Giê-xu đột nhiên ngừng lại và hỏi, “Ai đã rờ áo ta?” Chúng ta có thể tưởng tượng được Giai-ru phản ứng như thế nào: “Chúa ôi, việc ai rờ Chúa có gì quan trọng đâu? Xin Chúa đừng phí thì giờ vào chuyện không đâu. Con gái của con đang chết mất.” Các môn đồ cũng không hiểu tại sao Chúa của mình lại hỏi một câu ngớ ngẩn như vậy: “Thầy thấy đám đông lấn ép thầy, thầy còn hỏi rằng: Ai rờ đến ta?” Ngày nay, trong lúc chúng ta biết Chúa biết ai rờ Ngài, xin chúng ta thử phân tích xem tại sao Ngài lại hỏi câu này.

 

Trước hết, xin chúng ta nhớ rằng người đàn bà này “5:27lẩn vào đằng sau giữa đám đông” mà rờ áo Chúa Giê-xu, chứ không đến trước mặt Ngài để nài xin như nhiều người khác. Ðây là hình ảnh của một người thiếu tự tin. Bà biết đám đông không yêu mến gì bà, vì là người ô uế, và vì thế bà cũng không tự coi mình ra gì. Có lẽ thay vì phải la lên “Ô uế, ô uế!” bà đã giấu kín căn bịnh của mình để có thể chen vào giữa đám đông. Nếu ngang nhiên đến trước Chúa để xin Ngài chữa bịnh, bà phải khai bịnh của mình, và đám đông có thể sẽ nổi giận và ném đá bà. Có thể bà cũng sợ Chúa không muốn đụng đến bà để chữa bịnh cho bà. Hơn nữa, bà biết Chúa Giê-xu đang trên đường đến nhà Giai-ru để cứu người con gái của ông đang ở trong một tình trạng nguy kịch hơn bà nhiều. Bà chỉ muốn tự mình giải quyết vấn đề của bà một cách kín đáo, âm thầm, không ai biết, không làm Chúa bận tâm, rồi “rút lui có trật tự.”

 

Nhưng Chúa Giê-xu hỏi câu hỏi này để bà phải “xuất đầu lộ diện.” Như Mác ghi lại, sau đó “5:33Người đàn bà biết sự đã xảy đến cho mình, bèn run sợ đến gieo mình dưới chân Ngài, tỏ hết tình thật.” Có phải Ngài muốn làm nhục bà hay không? Thưa, ngược lại.

Thứ nhất, Ngài muốn làm sáng danh Ðức Chúa Trời. Nếu Ngài không hỏi, người đàn bà này sẽ âm thầm về nhà, rồi có thể lần lần nghĩ rằng việc mình hết bịnh và việc mình đụng đến Chúa Giê-xu chỉ là một sự tình cờ. Cũng vậy, nếu Ngài không hỏi, không ai biết một phép lạ đã xảy ra, và câu chuyện này sẽ không được ghi lại trong ba sách Tin Lành, để tín đồ trong bao nhiêu thế kỷ có thêm duyên cớ ngợi khen Ðức Chúa Trời.

Ngài hỏi “Ai đã rờ áo ta?” cũng vì Giai-ru, người đang đi với Ngài về nhà ông để Ngài cứu con gái ông. Ông chắc đang lo lắng, và có thể nghi ngờ không biết Chúa Giê-xu có làm gì được cho con mình hay không. Nếu Ngài không hỏi, cũng như đám đông, Giai-ru không biết người đàn bà này đã được chữa lành chỉ vì có can đảm rờ Ngài.

Nhưng quan trọng hơn hết là Ngài muốn làm điều tốt hơn cho người đàn bà này. Ngài muốn bà biết thêm về Ngài. Ngài muốn bà có thể nhìn tận mặt Ngài, chứ không phải chỉ từ sau lưng Ngài. Ngài muốn bà thấy ánh mắt trìu mến, và nghe giọng nói êm ấm của Ngài. Ngài muốn bà biết Ðấng đã chữa lành bịnh cho bà cũng là Ðấng yêu thương và chăm sóc bà, xem bà như một người xứng đáng để Ngài dừng chân nói chuyện. Ngài muốn bà nghe Ngài gọi, “Hỡi con gái ta.” Danh xưng này nói lên sự chấp nhận, và sự quan phòng từ Ðức Chúa Trời. Từ một người đàn bà “vô danh tiểu tốt,” bị xã hội ruồng bỏ, bà trở thành một phần tử thân yêu trong đại gia đình của Ðức Chúa Trời.

Ngài cũng muốn cho bà có dịp “5:33gieo mình dưới chân Ngài” để thờ phượng Ngài. Không những đã chữa lành thân xác của bà, Ngài cũng muốn chữa lành linh hồn của bà.

Ðã mười hai năm, bà sống trong che đậy. (Nếu không, bà đã không vượt qua được đám đông để đến gần Chúa Giê-xu.) Không những đã chữa lành bịnh cho bà, Chúa Giê-xu muốn mọi người biết rằng bà không còn bị ô uế như xưa. Muốn thế, bà phải công khai nói cho mọi người biết sự thật.

Chúa cũng muốn dạy người đàn bà này thêm về đức tin. Ngài phán, “5:34Hỡi con gái ta, đức tin con đã cứu con.” Xin nhớ rằng người đàn bà này nghĩ rằng “5:28Nếu ta chỉ rờ đến áo Ngài mà thôi, thì ta sẽ được lành.” Ðối với bà, áo của Chúa cũng chỉ là một trong bao nhiêu “phương thuốc” mà bà đã thử. Phải hiểu cách người ta trị bịnh lúc đó, chúng ta mới hiểu sự suy nghĩ này. Ðây không khác gì uống nước hòa với bùa chú ở Việt Nam. Vì thế Chúa cho bà biết rằng chính Ngài đã chữa bịnh cho bà vì niềm tin của bà vào Ngài, chứ không phải trôn áo của Ngài đã chữa bịnh cho bà. Bà có thể đụng bất cứ phần nào của thân thể Ngài, và ngay cả không cần đụng, để được Ngài chữa lành. Ðiều an ủi là, dù có một niềm tin không chính xác, Chúa vẫn trả lời điều bà cầu xin.

Như được kể trong Dân Số Ký 21:4-9, ngày xưa có lúc dân Do thái nói nghịch cùng Ðức Chúa Trời. “Đức Giê-hô-va sai con rắn lửa đến trong dân sự, cắn dân đó đến đỗi người Y-sơ-ra-ên chết rất nhiều. Dân sự bèn đến cùng Môi-se mà nói rằng: Chúng tôi có phạm tội, vì đã nói nghịch Đức Giê-hô-va và người. Hãy cầu xin Đức Giê-hô-va để Ngài khiến rắn lìa xa chúng tôi. Môi-se cầu khẩn cho dân sự. Đức Giê-hô-va phán cùng Môi-se rằng: Hãy làm lấy một con rắn lửa, rồi treo nó trên một cây sào. Nếu ai bị cắn và nhìn nó, thì sẽ được sống. Vậy, Môi-se làm một con rắn bằng đồng, rồi treo lên một cây sào; nếu người nào đã bị rắn cắn mà nhìn con rắn bằng đồng, thì được sống.” Ðây là một điều tốt, nhưng người Do thái lại cho rằng chính tượng con rắn đã cứu họ, chứ không phải Ðức Chúa Trời. Sách Các Vua II 18:4 ghi về vua Ê-xê-chia bao nhiêu năm sau đó như sau, “Người phá hủy các nơi cao, đập bể những trụ thờ, đánh hạ các A-sê-ra, và bẻ gãy con rắn đồng mà Môi-se đã làm; bởi vì cho đến khi ấy dân Y-sơ-ra-ên xông hương cho nó. Người ta gọi hình rắn ấy là Nê-hu-tan.” Cũng vậy, xin chúng ta phải hiểu rằng tượng Ðức Mẹ, cũng như những di vật hay hành động tôn giáo, không có khả năng chữa bịnh cho ai.

Chúa Giê-xu cũng muốn dạy cho chúng ta biết rằng không ai có thể tin Ngài một cách kín đáo. Việc cứu rỗi của một người không phải chỉ là việc riêng tư giữa người đó với Ðức Chúa Trời. Chúng ta phải không mắc cỡ, nhưng hãnh diện nói cho mọi người biết niềm tin của mình. Tôi tin rằng, nếu không lộ diện, bà sẽ không hoàn toàn sống trong sự vui mừng. Chắc chắn là bà sẽ không có được mục đính mới cho đời, ấy là đem Tin Lành đến người khác.

 

Cuối cùng Chúa Giê-xu kết luận, “5:34Hãy đi cho bình an.” Nhưng trước khi có được sự bình an mà Chúa hứa, chúng ta phải biết rằng người đàn bà này đã đi qua một sự run sợ, như Mác viết, “5:33Người đàn bà biết sự đã xảy đến cho mình, bèn run sợ đến gieo mình dưới chân Ngài, tỏ hết tình thật.”

Bà sợ vì đã làm một điều không đúng đối với Chúa Giê-xu. Bà đã làm Ngài ô uế. Hơn nữa, như một người ăn cắp, bà đã tự lấy cho mình sự chữa lành mà không xin phép Ngài. Nhưng dầu có lý do để rủa sả bà, Chúa Giê-xu đã cho bà cơ hội ăn năn hối cải việc làm của mình, rồi gọi bà là “con gái ta,” và chúc bà bình an trong một thân thể được chữa lành.

Bà là hình ảnh của chúng ta. Chúng ta đã phạm tội cùng Ðức Chúa Trời bằng cách coi thường Ngài, và tự đi tìm giải pháp cho linh hồn mình bên ngoài Ngài. Chúng ta phải biết run sợ về hậu quả của tội lỗi này. Nếu thế, Ngài sẽ không trừng phạt chúng ta, nhưng cho chúng ta cơ hội để tin Ngài, nhờ đó được gọi Ngài bằng Cha, và tìm được sự bình an mà người ngoài không bao giờ hiểu được. Ðiều chúng ta chỉ cần làm là đến dưới chân thập tự giá, để đưa tay đụng đến Ngài trong niềm tin.

Bài học chúng ta nên nhớ ngày hôm nay là Ðức Chúa Trời sẵn sàng ngừng lại để cứu bất cứ ai tìm đến Ngài, và Ngài không muốn thấy người nào giấu nhẹm niềm tin của mình sau khi được cứu.

 

Mục Sư Ðỗ Lê Minh