Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 36

Nghỉ Ngơi

Mathiơ 11:28

www.vietnamesehope.org

 

 

“Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng Ta,

Ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ.”  (Chúa Giê-xu)

 

 

Mấy tuần nay thời tiết ở miền Đông-Nam Hoa-kỳ thật là nóng nực. Vô xe hơi hay ở trong nhà chúng ta đều phải bật quạt hay máy lạnh thì mới thấy dễ chịu một chút.  Thời tiết nóng nực rõ ràng là dấu hiệu của mùa hè trong mỗi năm.  Theo thói quen của người Hoa-kỳ bên đây, họ thường xếp đặt chương trình đi nghỉ mát cho gia đình của mình trong những tháng này.  Tùy theo sở thích của mỗi người, có người thường đi qua các tiểu bang khác, nơi mà có nhiều thú vui để nghỉ hè.  Chẳng hạn như có người qua tiểu bang Florida để đi Disney World/Epcot là nơi có những trò chơi nổi tiếng nhất thế giới, hay ai lên miền Bắc thì đi thăm viếng dinh tổng thống ở Washington D.C., còn ai có tiền thì chắc dự định một chuyến về Việt-nam chơi.  Có người khác thì chỉ thích đi ra biển tắm nắng, hay lên núi cắm trại trở về với thiên nhiên vài tuần.  Nhưng cũng có người thì chỉ muốn được ở nhà để dưỡng sức, sau những ngày tháng làm lụng cực nhọc.

 

 

I. Thể Xác cần Nghỉ Ngơi vì Mệt Mỏi

 

            Tôi không biết bạn đã tính chuyện đi nghỉ hè cho gia đình của mình trong năm nay chưa?  Nhưng dù thế nào đi nữa, mùa hè cũng đã nhắc nhở chúng ta về nhu cầu “nghỉ ngơi” cần thiết cho phần thể xác.  Nhứt là khi chúng ta đang sống trong một thế giới mà có quá nhiều những sự đòi hỏi của vật chất, làm chúng ta thật là mệt mỏi.  Tuy rằng sống ở đây, chẳng ai đi theo chủ trương “lao động là vinh quang” cả, nhưng ai nấy hầu như đang “tự động bị cột chặt vào những guồng máy của công ăn việc làm tối đa mỗi ngày vì không muốn bị thua kém người khác.  Có những cặp vợ chồng trẻ ngày nay làm việc “đầu tắt mặt tối” và chỉ có hai tiếng nói với nhau mỗi ngày thôi, đó là “Hi!” và Bye! honey.  Có lần tôi đến thăm viếng một gia đình rất giàu có nhưng lấy làm lạ là thấy họ chỉ dùng toàn là dĩa giấy và muỗng nĩa plastic trong bữa ăn. Tôi thử hỏi tại sao, thì một người trong nhà trả lời: “Thưa Mục Sư! Chúng tôi chỉ dùng dĩa giấy là để khỏi mất thì giờ rửa chén. Mục Sư cứ nghĩ xem, thì giờ chúng tôi phải rửa chén dĩa mà để dành làm thêm “overtime” thì kiếm được nhiều tiền hơn không?” Thật đúng, nhiều người quá khôn ngoan mà không còn nhận biết sự cần thiết của nhu cầu “nghỉ ngơi” và để thì giờ cho gia đình nữa chăng?

 

Tôi thấy cũng thật lạ, chúng ta đang sống trong một đất nước văn minh tối đa, có những máy móc tinh vi nhất thế giới, mà sao đời sống con người bên đây vẫn còn có nhiều sự “mệt nhọc” mà đôi khi có người còn cứ mơ tưởng thà ở lại Việt-nam có lẽ sướng hơn?  Tại sao chúng ta đang sống trong một thế giới đầy đủ tiện nghi, ai nấy dùng toàn là máy điện thoại cầm tay, máy điện toán Internet và nay người ta có thể đi du ngoạn lên đến cung trăng được nữa, mà sao con người vẫn cứ còn “vừa ăn vừa chạy” vậy?  Hầu như sống ở bên Mỹ này, hai chữ “hưởng nhàn hay nghỉ ngơi” không còn có trong cuốn tự điển của chúng ta nữa.  Có phải vì “lòng tham không đáy mà ai cũng có, không ít thì nhiều, đang thu hút nhiều người vào những sự mệt mỏi và lo âu của cuộc đời này chăng? 

 

            Mùa hè nhắc nhở mỗi người chúng ta cần dừng bước lại để nghỉ ngơi, để sinh hoạt với gia đình mình, cho tinh thần bớt căng thẳng.  Muốn một cái xe chạy cho được lâu bền, thì phải cho nó ngưng nghỉ định kỳ để “xả dầu thay nhớt, để “tune-up, để sửa chữa tu bổ, không khẻo một ngày nó “nằm đường” lúc nào không hay, thì thân xác của mỗi người chúng ta cũng cần được xả hơi.”  Nhiều người mãi làm, ghiền làm, hay điên làm (Workaholic), để rồi một ngày sanh bệnh sanh tật hay gặp một sự rủi ro thì mọi của cải tích trữ cho cả đời này đều sẽ “dã tràng xe cát biển đông và không còn có cơ hội hưởng thụ được nó nữa. 

 

 

II. Tâm Linh cần Nghỉ Ngơi vì Gánh Nặng

 

            Con người chúng ta được tạo dựng nên khác với các súc vật, đó là mỗi người không phải chỉ có phần thể xác mà thôi, nhưng còn có phần tâm linh nữa.  Vậy nếu phần thể xác mệt mỏi cần sự nghỉ ngơi, thì phần tâm linh chắc chắn cũng có những gánh nặng cần được cất bớt đi.  Một trong những gánh nặng đó là sự bất an của tâm hồn vì không biết được cuộc sống đời sau của mình sẽ ra như thế nào.  Tại sao tôi đã được sanh ra và rồi linh hồn tôi sẽ được yên nghỉ ở đâu đời đời?  Mục đích của cuộc sống này là gì?  Đó là những câu hỏi cứ vấn vương trong tâm trí của mình.  Có lẽ chúng ta thường ít khi suy nghĩ đến những câu hỏi này, cho đến khi tóc chúng ta bắt đầu đổi màu, da chúng ta nhăn nheo, bắt đầu sống đến giai đoạn lãnh tiền Social Security, hay gặp phải một tai họa nào chăng?  Trong tháng qua tôi có cơ hội về tiểu bang California thăm gia đình. Khi bước lên máy bay lòng tôi sực nhớ đến vụ chiếc máy bay Air France 447 đã rớt xuống vào ngày 31 tháng Năm vừa qua. Tự nghĩ cuộc đời của con người thật là mỏng manh, là phù du. Chỉ trong chốc lát, 228 người bỗng chết mất lúc mình không ngờ. Câu hỏi thật đáng cho mỗi người chúng ta quan tâm đó là cuộc sống của mình rồi sẽ đi về đâu đây?

 

            Lý do tâm hồn chúng ta vẫn còn bất an và chưa tìm được câu trả lời cho những câu hỏi trên là vì con người đã bị hư mất,” đã đánh mất đi mối liên lạc với Đấng Sáng Tạo (Đức Chúa Trời) toàn năng sau khi tổ phụ loài người phạm tội.  Thêm nữa, đã là người thì ai ai trong chúng ta cũng đã tự phạm tội cho nên tội lỗi đã cắt đứt mối liên hệ mật thiết giữa chúng ta với Chúa.  Con người qua bao nhiêu thế kỷ đã đi tìm đủ mọi cách để hàn gắn lại mối tương giao đó, nhưng chỉ là vô ích mà thôi.  Người ta đưa ra nào là những công thức làm việc thiện: bố thí làm lành, ăn chay ép xác, những lễ nghi rườm rà, những lời kinh kệ máy móc đọc lên như những câu thần chú để mong được siêu thoát, nhưng rồi những sự đòi hỏi này của tôn giáo chỉ chồng chất thêm gánh nặng cho tâm hồn mình mà thôi.  Người ta thường nói ai “ở hiền thì gặp lành, điều đó rất đúng, nhưng chắc chắn ở hiền thế nào đi nữa cũng sẽ không đủ điều kiện để “gặp được Thiên Chúa và tương giao với Ngài vì Chúa là Đấng Thánh Khiết vẹn toàn.  Vả lại, ngày nay có mấy ai sống hiền thật và tiêu chuẩn hiền lành như thế nào thì mới đủ?  Cứ thử xem TV hay đọc báo thì bạn sẽ thấy việc thiện với điều ác của con người, cái nào nhiều hơn, thì thử hỏi chúng ta có thể sống “hiền đủ” để được thiêu soát không?

 

 

III. Chúa Giê-xu ban cho sự Nghỉ Ngơi Thật

 

            Con người cứ quay cuồng trong sự mệt mỏi của thể xác và bó tay trước những gánh nặng của tâm linh vì không tìm cho mình được một lối thoát.  Nhưng trong giữa sự tuyệt vọng đó, có một Đấng đã đến trần gian và mời gọi mỗi chúng ta như sau: “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ (Sách Phúc Âm Mathiơ 11:28).  Đấng này chính là Cứu Chúa Giê-xu, Con Đức Chúa Trời.  Có lẽ bạn đang thắc mắc Chúa Giê-xu là ai mà Ngài có năng quyền để có thể ban cho chúng ta được sự yêu nghỉ đây?  Thưa các bạn, Chúa Giê-xu có thể ban cho bạn sự yên nghỉ thật vì Ngài đã xưng và đã làm nhiều điều mà chưa có ai dám xưng hay đã làm.  Chẳng hạn như chính Ngài tự xưng mình là Đức Chúa Trời “đã trở nên xác thịt” và tuyên bố “Cha với Ta là một” trong phúc âm Giăng 10:30.  Trước hết Chúa Giê-xu bày tỏ Thần tính của Ngài qua sự giáng sinh cách đây hơn 2000 năm từ trong lòng của một người nữ đồng trinh mà từ trước tới giờ, độc nhất vô nhị, chưa có ai trên đời này dám xưng như vậy.  Sự giáng sinh từ một người nữ đồng trinh chứng tỏ cho mọi người biết Ngài từ “Trên” giáng xuống, chứ không phải từ giữa chúng ta mà ra.  Thêm nữa, chỉ có Ngài xưng mình đã tự có từ trước muôn thưở như có chép trong Tin Lành Giăng 17:5 như sau : “Cha ôi! bây giờ xin lấy sự vinh hiển Con vốn có nơi Cha trước khi chưa có thế gian mà làm vinh hiển Con nơi chính mình Cha.” Chính Ngài là Đấng có mọi quyền phép trên Trời và dưới đất và được vô số người thờ lạy qua biết bao nhiêu thế kỷ như đã được khẳng định trong Phúc Âm Mathiơ 28:18 như sau: “Đức Chúa Jêsus đến gần, phán cùng môn đồ như vầy: Hết cả quyền phép ở trên trời và dưới đất đã giao cho ta.” So sánh với Khổng Tử là người chúng ta đáng kính trọng, nhưng ông không hề xưng mình là Trời.  Ngược lại Khổng Tử nhận biết có Đức Chúa Trời, và khuyên con người phải thờ Trời.  Có phải ông đã viết “lễ tế giao, tế xã là để thờ Đức Thượng Đế chứ chẳng để thờ ông chăng?  Tôi cũng nhận thấy mỗi người chúng ta sống trên đời này đụng một chút là kêu Trời, nhưng tự hỏi có mấy ai đang thật sự thờ Trời?  Hãy noi gương Khổng Tử mà thờ phượng Chúa Giê-xu vì chính Ngài là Trời đã nhập thể thành Người.  Tuy Chúa Giê-xu đã mang xác thịt loài người, nhưng Ngài cũng bày tỏ Thiên tính qua 34 phép lạ Ngài đã làm và được ghi chép lại trong Thánh Kinh.  Nào là kẻ mù được thấy, kẻ bại được đi, kẻ chết sống lại, đến nỗi gió biển bão tố và ma quỉ cũng phải khiếp sợ Ngài.  Hơn thế nữa, Chúa Giê-xu đã làm một điều mà chẳng ai làm được đó là Ngài có năng quyền tha tội và hàn gắn lại mối liên hệ giữa chúng ta với Thiên Chúa.  Ngài đã đến chết trên thập tự giá để rồi “huyết của Đức Chúa Giê-xu con Ngài, làm sạch mọi tội chúng ta (1 Giăng 1:7).  Chúa Giê-xu không phải “chết là hết,” nhưng Ngài đã sống lại sau ba ngày, chiến thắng tử thần để bảo đảm sự sống đời đời cho những kẻ tin danh Ngài.  Ngài cũng hứa sẽ trở lại một ngày rất gần để đón rước những kẻ tin vì chính Chúa đã hứa “Ta ở đâu thì các ngươi cũng ở đó” (Giăng 14:3).

 

            Như vậy cho bất cứ ai sẵn sàng đến với Chúa Giê-xu sẽ được sự yên nghỉ vì Chúa gánh mọi tội của chúng ta, Ngài dọn sẵn nơi ở đời đời và ban sự an tâm cho những kẻ tin.  Tôi không biết bạn có đang mệt mỏi hay có gánh nặng gì không?  Nếu bạn chưa trả lời được câu hỏi “linh hồn tôi sẽ yên nghỉ ở đâu đời đời thì gánh của bạn còn nặng lắm.  Nếu giả sử bạn qua đời hôm nay, đứng trước mặt Thiên Chúa toàn năng để chịu phán xét, rồi bạn sẽ ra sao?  Sự chết là thực trạng rõ ràng của mỗi chúng ta mà không ai thoát được, kể cả cho những người nổi tiếng như cô tài tử Farrah Fawcett đóng trong phim “Charlie Angels,” hay ca sĩ nổi tiếng Micheal Jackson đã vừa qua đời. Lời kinh Thánh khẳng định trong Hêbêrơ 9:27 như sau: “Theo như đã định cho loài người phải chết một lần, rồi chịu phán xét.” Rồi ai sẽ cứu bạn khỏi sự phán xét khi mình bước qua cõi đời này để chịu sự phán xét trước Đấng đã sáng tạo nên mình đây?  Có ai đón bạn bên kia cánh cửa của cuộc đời này không? Chúng ta được cứu rỗi linh hồn không phải bởi lập công đức hay làm phước thiện vì làm việc thiện hoài vẫn thấy mệt mỏi.  Chỉ khi nào bạn bằng lòng đến với Chúa Giê-xu thì bạn sẽ được sự thỏa lòng, sự thỏa lòng sẽ làm bạn bớt lo lắng,  bớt “tham, sẽ làm nhẹ gánh bạn, lòng bạn an tâm vì mọi tội lỗi của bạn sẽ được Chúa gánh hết, và dẫn bạn đến sự yên nghỉ thật sự trong tâm hồn.  Tôi mời bạn đến tìm sự nghỉ ngơi nơi Cứu Chúa Giê-xu.  Tôi mời bạn đáp ứng lời mời gọi của Chúa Giê-xu bằng cách ăn năn tội và mở lòng tiếp đón Ngài làm Chúa của đời sống mình ngay lúc này.  Bạn sẽ cứ còn gắng sức chạy hoài cho đến bao giờ?     


---------------

Rest (Matthew 11:28)

The summer heat reminds us that our body needs rest. It also reminds us the need of soul rest. No one can have soul rest until all of his sins are forgiven. Only Jesus has the power to erase all your sins. In fact, He did it on the cross almost 2,000 years ago with His own blood. You cannot purchase this gift because it’s free. The only condition for you is to listen to Jesus’ invitation and response to Him by faith – “Come to me, all you who are weary and burdened, and I will give you rest.” The fact is that “everyone was ever born will be destined to die once, and after that to face judgment.” This spares no one even to the famous people such as the Charlie Angel actress Farrah Fawcett or great singer Michael Jackson who recently died. The final question will not be how well you have lived in this life, but whether you will have the eternal “rest” in Christ? May you find rest for your soul in Jesus today!

                                                            (Pastor Vinh Nguyen at 225.938.7305 or vinh.nguyen@c-ka.com)