Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 42

Nhu Cầu

 (Giăng 6:35)

www.vietnamesehope.org

 

 

Đức Chúa Jêsus phán rằng: Ta là bánh của sự sống;

ai đến cùng ta chẳng hề đói, và ai tin ta chẳng hề khát.

 

I. Hai Nhu Cầu 

Người Việt chúng ta có câu châm ngôn: "Có thực mới vực được đạo."  Câu tục ngữ này nhắc chúng ta về hai nhu cầu cần thiết cho cuộc sống của con người, đó là nhu cầu cho phần thuộc thể và thuộc linh.  Về phần thuộc thể, “cơm ăn áo mặc” là hai thứ cần thiết nhất cho mọi người trong mọi quốc gia và qua mọi thời đại để duy trì sự sống.  Những người Việt nào kém may mắn mà đã phải vượt biên bằng thuyền tị nạn qua Mỹ thì có lẽ đã kinh nghiệm rõ được sự cần thiết của nhu cầu cơm ăn áo mặc này.  Khi chiếc ghe của mình như "chiếc lá trôi sông" bồng bềnh giữa biển cả mênh mông, cùng một lúc khi đã hết nước, hết gạo thì nhận thức được sự cấp bách của nhu cầu thức ăn để sống là thể nào.  Những người sĩ quan của chế độ cũ khi bị đày vào trong những trại tù cải tạo sau 75's thì chắc đã nếm được "sự đói khát triền miên của bao tử" là thể nào? Đến nỗi khi thấy mấy con châu chấu thì thèm thuồng tưởng tượng như "tôm bay" và những con tắc kè, rắn rít, hay bò cạp đã trở thành những món "bất đắc dĩ" phải ăn để mà sống thôi.  Nhu cầu vật chất là những điều cần thiết cho cuộc sống thuộc thể hằng ngày mà không ai phủ nhận hết. Chính Chúa Giê-xu chẳng hề nói "Thức ăn là thứ không cần thiết cho cuộc sống này," vì nếu không quan trọng tại sao Ngài lại dạy các môn đồ cầu nguyện: "Xin cho chúng con hôm nay đồ ăn đủ ngày..." (Mathiơ 6:11).

 

II. Hai Sự Sống 

Nếu chịu khó suy nghĩ lại thì chúng ta thấy câu châm ngôn "Có thực mới vực được đạo" cũng hàm ý nói đến hai sự sống: sự sống tạm bợ đời này và sự sống đời đời với đạo.  Điều đáng buồn là có vô số người ngày hôm nay chỉ biết và lo cho sự sống đời này thôi nhưng không sửa soạn chi cho sự sống đời sau khi mỗi chúng ta phải vén màn qua "cửa tử" để đối diện với Đấng Sáng Tạo nên mình.  Điểm chính ở đây không phải là cuộc sống này không quan trọng, nhưng sự sống đời sau mới thật quí giá hơn. Chính Chúa Giê-xu cũng không hề phủ nhận nhu cầu "cơm ăn áo mặc" là điều không cần thiết cho con người, nhưng Chúa đã vào đời để trước hết bày tỏ một nhu cầu quan trọng hơn, một sự sống lâu bền hơn, đó là sự sống đời đời ở trên thiên đàng.  Chúa Giê-xu đã một lần phán có chép trong Tin Lành Mathiơ 4:4 như sau: "Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, song sống nhờ mọi lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời (Đạo)." Bởi vì khi thiên tai kéo đến thì cuộc sống tạm bợ này sẽ bị chấm dứt, mọi thứ vật chất ở trên đời này chỉ trong giây phút sẽ trở nên "Dã tràng xe cát biển đông, nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì." Chúng ta thấy trận bão bùn Morakot vừa xẩy ra ở bên Đài Loan mà đã cướp đi biết bao nhiêu mạng sống là bằng chứng cho lẽ thật về sự tạm bợ của đời này và sự cần thiết lời của đạo để sửa soạn cho sự sống đời sau.  Lời của Đức Chúa Trời (đạo) chính là sự giáng thế của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Chính Ngài "đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta, đầy ơn và lẽ thật" (Giăng 1:14) để ban cho loài người sự sống vĩnh cửu.  Có lần chính Chúa Giê-xu đã tuyên bố là Ngài có quyền năng của sự sống này như sau: "Ta là Bánh của sự sống, ai đến cùng Ta chẳng hề đói và ai tin Ta chẳng hề khát... Bởi chưng bánh Đức Chúa Trời là bánh từ trên trời giáng xuống, ban sự sống cho thế gian." (Giăng 6:35, 33).

 

III. Bánh Thuộc Linh

Muốn hiểu rõ lẽ thật này, trước hết chúng ta cần hiểu con người được dựng nên khác với loài vật vì được cấu tạo bởi ba phần chính: Thể xác, tâm linh và linh hồn.  Thứ nhất, thể xác là thứ gì từ bụi đất mà ra.  Phần này là thứ có thể sờ hay thấy được mà loài người có, giống như các loài súc vật.  Và vì là vật chất, thể xác cần được nuôi bởi những thực phẩm như cơm, gạo, nước mắm và đủ mọi thức ăn.  Phần thứ hai loài người có đó là tâm linh (Intellect).  Phần này không phải là thể chất nên không nếm, đụng, hay sờ được.  Nhưng đây là phần lý trí, lương tâm, tình cảm và tư tưởng bên trong chúng ta, để giúp đối chiếu với những sự ở bên ngoài.  Vì con người có phần tâm linh nên đã giúp chúng ta biết hướng thượng (nhận biết có Đấng Sáng Tạo) hay có khi bị lương tâm cáo trách về tội lỗi, mà các súc vật không có. Thêm nữa, con người có phần linh hồn, vì theo sách Kinh Thánh Sáng Thế Ký 1:28 & 2:7, loài người được dựng nên "giống hình của Đức Chúa Trời," có sinh khí và được tự do tương giao với Đấng Sáng Tạo.  Theo Kinh Thánh cho biết, khi tổ phụ loài người phạm tội nghịch cùng Chúa trong vườn Êden, dòng dõi nhân loại đã đánh mất đi phần này, mất đi mối tương giao với Chúa vì bị ngăn cách khỏi Ngài.  Nhưng chúng ta sẽ có lại mối liên hệ này, khi mình đến tiếp nhận "Bánh của sự sống."  Bánh này chính là sự ban cho Cứu Chúa Giê-xu hầu cho bất cứ ai tin Ngài thì sẽ có "quyền phép trở nên con cái Đức Chúa Trời" (Giăng 1:12).  Như vậy nếu thể xác cần bánh vật chất để sống, thì linh hồn là phần thuộc linh cũng cần được nuôi bởi bánh thiêng liêng để sống, nếu không sẽ chết.

 

IV. Nhìn và Tin

Khi Chúa Giê-xu phán: “Ta là Bánh,” Chúa bày tỏ chính Ngài là sự cung cấp mọi thứ cho cuộc sống của loài người: Sự sống thuộc thể lẫn sự sống thuộc linh.  Trong sách Kinh Thánh (đoạn Mathiơ 14 và 15) có chép về sự Chúa Giê-xu làm phép lạ, hóa bánh cho 4000, 5000 người ăn no nê để bày tỏ năng quyền của Ngài là Đấng Tạo Hóa có thể cung cấp bánh thực chất hằng ngày như thức ăn, nước uống và kể cả không khí để cho chúng ta thở.  Chúng ta có thể tin điều này là vì Chúa Giê-xu đến từ Trời (Giăng 6:33) và tự xưng là Đức Chúa Trời nhập thể làm người (Giăng 1:1, 14).  Thật ra tên của Chúa Giê-xu là một danh xưng rất lạ lùng, bày tỏ năng quyền và thần tính của Thiên Thượng.  Trong sách Kinh Thánh Luca 1:31, khi Chúa Cứu Thế sanh ra đời, tên của Ngài phải được đặt là Giê-xu "vì chính Con Trai này sẽ cứu dân mình ra khỏi tội."  Theo tiếng Hy-lạp trong sách Kinh Thánh Tân Ước, tên "Giê-xu" chính là tên "Giô-suê" theo tiếng Hê-bê-rơ trong sách Cựu Ước có nghĩa là "Đức Giê-hô-va - Đấng Cứu."  Cho nên tên "Giê-xu" có hai phần rõ rệt về Đức Chúa Trời: 1) Chữ "Giê-hô-va" có nghĩa là Đấng Sáng Tạo (The Creator) cho chúng ta thấy rõ thần tính của Chúa Giê-xu chính là “Ông Trời.” Điều thứ hai trong tên "Giê-xu" phản ảnh chính Ngài là Đấng Cứu Chuộc, đã thành người để cứu nhân loại ra khỏi sự phán xét của tội lỗi. Thập tự giá là dấu chứng rõ rệt của lẽ thật này.

 

Không phải Chúa Giê-xu là sự cung cấp cho sự sống thuộc thể này thôi,  nhưng khi Ngài phán: "Ta là Bánh của sự sống" Chúa cũng là bánh thiêng liêng cung cấp cho sự sống đời sau của chúng ta nữa.  Làm sao Chúa Giê-xu có năng quyền để bảo đảm sự sống đời sau cho mỗi chúng ta được?  Hai điều căn bản có thể giải thích được: 1) Vì Chúa là Đấng từ Trời đến, và 2) Ngài cũng là Đấng đã một lần xuống âm phủ, nhưng sau ba ngày sống lại vẻ vang, chiến thắng tử thần và nay có quyền phép cứu chúng ta ra khỏi lửa hỏa ngục, sự chết đời đời. Lời Chúa Giê-xu cũng đã phán cho những ai bằng lòng "nhìn và tin" Ngài thì sẽ được sự sống lại và sự sống đời đời (Giăng 6:40).  "Nhìn" có nghĩa là chấp nhận, không khinh thường, nhưng chịu ăn năn tội và hướng lòng mình về Chúa. "Tin" có nghĩa là tiếp nhận Chúa Giê-xu vào lòng làm Cứu Chúa cho linh hồn và đời sống của mình.  Như bánh vật chất, nếu ăn vào, được tiêu hóa và trở thành phần tử của thể xác thì những kẻ bằng lòng ăn "Bánh của sự sống" chính Chúa Giê-xu thì Ngài bắt đầu đi vào đời sống và trở nên sự sống, tư tưởng và tâm thần của chúng ta.  Đây là lẽ thật phân biệt mọi tôn giáo với đạo.  Khi các tôn giáo đều là sự cố gắng riêng của mỗi người thì đạo của Đức Chúa Trời dạy con người được sự cứu rỗi phần thuộc linh chỉ bởi sự "Nhìn và Tin" Con một của Đức Chúa Trời mà Ngài đã sắm sẵn hết cho chúng ta.

 

Câu chuyện ngụ ngôn về một cây táo hoang ở tại một làng nhỏ kia và một thằng bé rất thích cây táo.  Ngày nào thằng bé cũng ra cây táo chơi, lấy lá làm mũ đội đầu, hái những trái táo ăn, rồi có lúc trèo và đu qua những cành cây.  Thằng bé dần dần trở thành người bạn thân của cây táo, làm cây táo sung sướng lắm.  Ngày nào cây táo cũng đợi thằng bé ra chơi với mình.  Thời gian trôi qua, cậu bé lớn lên và nó không đến chơi với cây táo nữa.  Cây táo trở nên thật buồn bã ngày ngày cứ trông ngóng cậu bé hoài.  Rồi một hôm cây táo thấy bóng dáng ai như bạn mình.  Bây giờ cậu bé không còn là một đứa bé nữa, nhưng nó đã trở thành một chàng thanh niên cao lớn.  Cây táo thấy chàng thanh niên bèn vui sướng nói: "Này!  Sao bạn không trèo đu trên những cành cây tôi đi; hãy hái trái ăn và nằm ngủ dưới bóng mát của tôi?" Chàng thanh niên trả lời: "Ta lớn rồi, không thích trèo cây nữa đâu. Giờ đây ta chỉ muốn có tiền để mua sắm thôi? Bạn có tiền cho ta không?"  Cây táo buồn bã trả lời: "Tôi không có tiền cho bạn, nhưng nếu bạn hái hết những trái táo của tôi và đem bán, thì bạn sẽ có tiền."  Chàng thanh niên bèn hái hết táo và đem đi bán, làm cây táo sung sướng lắm.  Nhưng rồi không thấy chàng thanh niên trở lại.  Cây táo cô đơn ngóng chờ người  bạn của mình mỗi ngày.  Rồi một hôm cây táo lại thấy bóng dáng của bạn mình trở lại, nhưng bây giờ người bạn của mình đã đến tuổi trung niên.  Cây táo thấy bạn mình thì nói: "Bạn ơi! Sao bạn không đu cành tôi chơi đi, ăn trái của tôi đi" Người trung niên trả lời: "Ta bận lăm! Không có thì giờ trèo cây nữa đâu.  Ta chỉ muốn xây một căn nhà để ở mà thôi. Ngươi có cho ta căn nhà được không?"  Cây táo buồn bã trả lời: "Tôi không có nhà cho bạn, nhưng nếu bạn chặt hết những cành táo của tôi. Bạn sẽ có gỗ để đóng nhà."  Chàng trung niên chặt hết những nhánh to và đem đi xây nhà cho mình, làm cây táo sung sướng lắm. Nhưng rồi người trung niên này đi mãi mà không trở lại. Một hôm, cây táo lại thấy dáng của người bạn mình, nhưng người bạn giờ đây đã là một vị tráng niên.  Cây táo hỏi: "Hỡi người bạn của tôi, hãy đến chơi với tôi đi?" Người tráng niên trả lời: "Ta đã lớn tuổi rồi, chỉ muốn có một chiếc thuyền để đi du ngoạn mà thôi. Ngươi có cho ta được một chiếc thuyền không?" Cây táo trả lời: "Tôi không có, nhưng nếu bạn chặt thân cây tôi mà lấy gỗ đóng thuyền  đi." Người tráng niên bèn đem rìu ra đốn trụi cây táo xuống và đem đi đóng thành một chiếc thuyền cho mình, làm cây táo sung sướng lắm. Thời gian trôi qua khá lâu, rồi một ngày người bạn cây táo trở lại, giờ đây đã là một ông cụ già chống gậy.  Cây táo thấy người bạn mình thì buồn bã nói: "Bạn ơi! Tôi chỉ còn là một gốc táo, không còn cành cho bạn đu, trái cho bạn ăn và gỗ cho bạn xây nhà và đóng tàu được nữa."  Ông cụ già trả lời: "Ta cũng đã già rồi, đâu có răng nữa đâu mà ăn, sức đâu mà trèo. Ta chỉ cần một chỗ yên tĩnh để nghỉ ngơi mà thôi." Cây táo nghe vậy vươn gốc lên và nói: "Thôi bạn hãy ngồi nghỉ chân dưới gốc cây của tôi đi." Ông cụ già nghe vậy thì ngồi xuống gốc táo nghỉ ngơi và cây táo lấy làm sung sướng lắm. Câu chuyện ngụ ngôn có lẽ cũng giúp nhắc đến sự yêu thương vô hạn hơn nữa của Đức Chúa Trời. Thiên Chúa đã yêu và ban cho chúng ta tất cả. Ngài đã dựng nên chúng ta, ban cho sự sống đời này. Chúa cũng đã và đang cung cấp mọi thứ cần dùng trong cuộc sống của chúng ta và rồi cả đến sự hy sinh chính thân thể của Con một Ngài là Cứu Chúa Giê-xu, giáng thế làm người, chịu chết đổ huyết trên thập tự giá hầu để cứu chúng ta thoát khỏi sự phán xét của tội lỗi và ban cho những ai tin Ngài sự sống đời sau.  Còn gì nữa để Chúa ban cho nhân loại?  Ngài đã cho hết rồi cũng vì yêu và chỉ mong nối lại mối tương giao mật thiết với mỗi người chúng ta ngay lúc này và cho đến đời đời. Mong bạn nghe lời Chúa Giê-xu phán: "Ta là Bánh của sự sống," bạn thông hiểu được sự yêu thương vô biên của Thiên Chúa là thể nào và sẽ sẵn lòng đáp ứng lại bằng cách tiếp nhận Chúa vào lòng mình, vì "... ai nhìn Con và tin Con thì được sự sống đời đời." Nếu bạn còn chần chờ, tôi mong bạn hãy suy nghĩ kỹ về một câu hỏi rất quan trọng, đó là khi ngày tận thế đến thì bạn sẽ có sự sống đời đời hay chết mất? Hậu qủa gì nếu bạn từ chối “Bánh hằng sống” của Chúa ban cho? Thật mong bạn sẽ tin nhận Cứu Chúa Giê-xu ngay hôm nay!

      

Mục Sư Vinh Nguyễn (vinh.nguyen@c-ka.com)