Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 44

Lòng Trung Tín

(Đaniên 6:1-10)

www.vietnamesehope.org

 

“Vua Đa-ri-út ưng đặt trong nước một trăm hai mươi quan trấn thủ, để chia nhau trị cả nước, và trên họ có ba quan thượng thơ, mà một là Đa-ni-ên. Các quan trấn thủ phải khai trình với ba quan đó, hầu cho vua khỏi chịu một sự tổn hại nào. Vả, Đa-ni-ên lại trổi hơn hai quan thượng thơ kia và các quan trấn thủ, vì người có linh tánh tốt lành; thì vua định lập người trên cả nước. Các quan thượng thơ và trấn thủ bèn tìm cớ kiện Đa-ni-ên về việc nước; nhưng họ không thể tìm được một cớ nào, hay một sự xấu nào của người, bởi người là trung thành, trong người chẳng có điều lỗi và cũng chẳng có sự xấu. Vậy những người đó nói rằng: Chúng ta không tìm được một cớ nào mà cáo Đa-ni-ên nầy, nếu chúng ta chẳng tìm trong sự thuộc về luật pháp Đức Chúa Trời nó. Các quan thượng thơ và trấn thủ đó bèn vào chầu vua và tâu rằng: Hỡi vua Đa-ri-út, chúc vua sống đời đời! Hết thảy các quan thượng thơ trong nước, các quan lãnh binh, các quan trấn thủ, các nghị viên và các đại thần đều đồng tình xin vua ra chỉ dụ, lập một cấm lịnh nghiêm nhặt trong ba mươi ngày, hễ ai cầu xin thần nào hay một người nào ngoài vua, thì, hỡi vua, kẻ ấy sẽ phải quăng vào hang sư tử. Bây giờ hỡi vua, hãy lập điều cấm đó và ký tên vào, hầu cho không đổi thay đi, theo như luật pháp của người Mê-đi và người Phe-rơ-sơ, không thể đổi được. Vậy vua Đa-ri-út bèn ký tên lập cấm lịnh đó. Khi Đa-ni-ên nghe rằng chỉ dụ đó đã ký tên rồi, thì về nhà mình (những cửa sổ của phòng người thì mở về hướng Giê-ru-sa-lem). Tại đó, cứ một ngày ba lần, người quì gối xuống, cầu nguyện, xưng tạ trước mặt Đức Chúa Trời mình, như vẫn làm khi trước.”

 

Vào cuối năm 1949, trong một nhà nguyện của một đại chủng viện ở Nam Kinh, thuộc thủ đô Trung Hoa - Dân quốc của tổng thống Tưởng Giới Thạch, lúc đó có một buổi diễn tập đám cưới. Đây chưa phải là đám cưới thật, nhưng là hôm trước ngày đám cưới: cô dâu chú rễ, phù dâu, phù rể tham dự buổi diễn tập (rehearsal) để khi làm lễ chánh thức họ không bị lúng túng, ngượng nghịu. Nhưng ngay tối hôm đó, hồng quân của Mao Trạch Đông tiến vào Nam Kinh, chiếm đóng đại chủng viện và bắt nhiều sinh viên, trong số đó có chú rể, đem giam vào trại tập trung với một lý do đơn giản, đó là những người nầy có tội với nhà nước vì tin nhận Chúa Cứu Thế và đi học đại chủng viện để truyền bá Phúc Âm. Từ đó, cứ mỗi năm một lần, chính quyền cho phép cô dâu vào thăm chú rể ít phút. Sau khi cho cô dâu vào thăm chú rể, nhân viên cơ quan công lực đến nói với chú rể: “Anh có thể được trả tự do ngay bây giờ và được chính quyền cho phép làm đám cưới, nếu anh bằng lòng chối bỏ Chúa của anh.” Chàng Thanh niên này không ngần ngừ mà chỉ trả lời bằng một tiếng ngắn gọn: “Không!” Cảnh đó diễn ra suốt 30 năm trời. Cứ mỗi năm một lần cô dâu được vào thăm chú rể ít phút, rồi có câu hỏi: “Anh có bằng lòng bỏ Chúa anh không? Nếu anh bỏ, anh sẽ được tự do và được về cưới vợ,” nhưng lần nào cũng chỉ có một câu trả lời là “không!” Trong 30 năm đó, chú rể từ một thanh niên trẻ trung, khỏe mạnh đã trở thành một người già nua, lưng còng vì liên tục lao động và điều kiện sinh sống kham khổ, nhưng niềm tin vào Chúa Cứu Thế của ông vẫn không lay chuyển. Đến năm 1979, chính sách của Trung Hoa lục địa thay đổi, chú rể già này được trả tự do, được phép qua Hồng Kông sinh sống và một đám cưới đã được tổ chức tại đó. Có người đến dự tiệc hỏi ông: “Tại sao ông có thể trung kiên với Chúa suốt 30 năm trời bị ngược đãi, áp bức, đau khổ như vậy?” Ông trả lời đơn sơ: “Chúa Cứu Thế đã hy sinh chịu chết vì tôi, thì làm sao tôi có thể phản bội Ngài được?”

 

 

I. Định Nghĩa Lòng Trung Tín

 

Thưa Anh Chị Em (ACE), lòng trung tín là một đức hạnh rất lớn, hiếm có được và đó sẽ là đề tài để chúng ta (c/ta) suy gẫm buổi sáng hôm nay và đây cũng là một trong những trái của Chúa Thánh Linh ban cho trong đời sống của con cái Chúa. Theo từ điển Việt-nam thì hai chữ “trung tín hay trung thành” được định nghĩa là: "một lòng, một dạ, không thay đổi." Những người có lòng trung tín là những người có "lời cam kết đi đôi với sự vâng lời mà không bị lay chuyển theo thời gian hay bất cứ hoàn cảnh nào." Khi buôn bán người ta thường lấy chữ “Tín” làm đầu. Ở bên Việt-nam, có những nhà bank dùng bốn chữ "tín nghĩa ngân hàng" là để mong câu được nhiều khách, nhưng không biết có “tín” thật không? Có những tiệm hàng thường quảng cáo kèm theo cái “thanh danh” của tiệm mình, như là đã mở “business” được hơn 10, 20, 30 năm, hầu để gây lòng tin tưởng của những khách hàng. Tuy vậy, trong xã hội ngày nay, hầu như hai chữ "trung tín" đã dần dần bị coi rẻ và không còn ở trong đạo lý ở đời nữa. Đất nước c/ta đang sinh sống có đồng tiền ở trên in bốn chữ "In God We Trust," nhưng ngày này tiết thay nhiều người đã chối bỏ Thượng Đế. Một vài bằng cớ rõ ràng cho thấy như là sự dạy dỗ trong trường học công cộng về thuyết "Biến thể," nghĩa là thuyết con người từ “khỉ đột” mà ra, chứ đâu có Chúa nào dựng nên. Rồi người ta cấm không cho phép được cầu nguyện trong các trường học công cộng, hay được treo 10 Điều Răn của Đức Chúa Trời (ĐCT). Lòng tín cậy "In God We Trust" rõ ràng đã bị phai nhạt rồi chăng! Có nhiều vấn đề đồi trụy ngày nay là những điều đi ngược với luật pháp của Chúa trong Kinh Thánh là cuốn sách mà mỗi khi một vị tổng thống Mỹ lên nhiệm chức đều đặt tay hứa nguyện, nhưng giờ đây những điều đồi trụy đó đã trở thành những vấn đề thường tình trong xã hội, như vấn đề đống tính luyến ái đang được đề cao, nan đề phá thai đang được bảo vệ, vấn đề ăn ngủ với nhau không cần cưới hỏi đã trở nên một lẽ thường tình tự do thôi! Trong vấn đề bầu cử để chọn những người lãnh đạo quốc gia bây giờ không còn thật sự đòi hỏi yếu tố "đạo đức" nữa, miễn là nhà chính trị đó có tài biết hứa thật nhiều, ăn nói sao thật hay, và giải thích thật chí lý… là được rồi? Sống ở giữa một xã hội như vậy, c/ta là con cái Chúa, là muối của đất và ánh sáng của thế gian, c/ta không thể đi theo đám đông “cuốn theo chiều gió” mà bỏ đi sự trung tín, nhưng phải luôn trung thành với Chúa của mình là Đấng đã hy sinh chịu chết đổ huyết chuộc tội cho c/ta.

 

 

II. Bối Cảnh Lịch Sử

 

Trong đoạn Kinh Thánh Đaniên 6:1-10, c/ta hãy cùng nhau xét về những vấn đề đã thử thách lòng trung tín của Đaniên, và đây cũng có thể là những thử thách cho chính đời sống của c/ta bây giờ. Trước hết c/ta ôn lại bối cảnh về cuộc đời của Đaniên là ai. Khi còn là một chàng trai trẻ vào khoãng 15 tuổi thì đất nước của người Guiđa bị xâm lăng. Tiên tri Giêremi trong Giêrêmi 25:1-11 đã tiên đoán và cảnh cáo họ trước điều này trên 20 năm, nhưng người Guiđa xem thường chẳng chịu ăn năn từ bỏ các tà thần mà quay trở về với ĐCT. Cho đến khoãng 605 B.C., ĐCT phó dân Guiđa vào tay của đế quốc Babylôn. Kết cuộc, Đaniên cùng với những người Do Thái khác bị đem làm phu tù ở một xứ ngoại bang. Sống trong một đất nước xa lạ, xa quê hương mẹ đẻ hơn 1,500 dặm, Đaniên có lẽ có tâm trạng giống như những người tị nạn Việt-nam của c/ta, phải tranh đấu và đối diện với những phong tục mới và ngôn nghữ lạ. Một điều mà Đaniên phải tranh đấu mạnh nhất, đó là áp lực của dân ngoại bang, là dân tộc chưa biết đến danh ĐCT và thờ lạy đủ thứ các tà thần. Còn hơn thế nữa, vì là một người ngoại bang được ơn phước của chính vua Babylôn vì Đaniên là người trung thành, đã làm cho những người xung quanh đâm lòng ghen tức và lập mưu kế muốn ãm hại Đaniên. Vào đời vua Đariút, lúc này Đaniên đã ngoài 80 tuổi, các thượng quan tìm cớ bắt bớ Đaniên bằng cách gài vua ra một chiếu chỉ để bắt Đaniên "phải cầu thay thờ lạy chỉ một mình vua mà thôi," vì họ biết ông rất trung thành với ĐCT. Họ đã yêu cầu vua ra một lệnh cấm đó là nếu ai cầu thay bất cứ thần nào ngoài vua ra thì tức khắc sẽ bị bỏ vào hang sư tử. Đaniên biết mình không thể cúi đầu thờ lạy những vật thọ tạo được vì quyết định trung thành vâng giữ các mạng lệnh của Chúa. Kinh Thánh chép, sau khi nghe cấm lệnh, Đaniên ra về mở cửa sổ hướng về Giêruslem và cầu nguyện một ngày ba lần như vẫn thường làm. Vì vậy mà Đaniên đã phải trả một giá rất đắt, bị quăng vào hang sư tử, nhưng ĐCT đã cứu ông bằng cách sai thiên sứ bịt miệng sư tử lại mà không làm hại Đaniên được. Qua sự kiện này, Đaniên đã có cơ hội làm chứng về danh vinh hiển và quyền năng của ĐCT cho vua và cả nuớc Babylôn.

 

 

III. Sự Thử Thách

 

Nếu suy gẫm về đời sống của Đaniên, c/ta thấy có tối thiểu hai thử thách chính mà thường một người muốn giữ lòng trung tín sẽ phải đối diện? Thứ nhất, trong hoạn nạn thì lòng trung tín của con cái Chúa sẽ bị thử thách. Khi "thuận buồm xuôi gió" thì việc giữ được chữ “tín” tương đối là điều dễ làm; nhưng khi hoạn nạn, xui xẻo, thiếu thốn kéo đến từ khắp bốn phương trời, thì mới biết sự trung tín đó có "thay lòng đổi dạ" không. Khi c/ta được đầy đủ, sung sướng, thường dễ giữ được những lời thề hứa; nhưng khi đối diện với gian lao, khó khăn, bắt bớ, người ta khó mà giữ được chữ "tín!" Khi trời nắng xanh tươi thì c/ta đâu có biết “mái nhà dột,” cho đến khi mưa bão kéo đến khắp nơi. Trong sách Giốp 2:9-10 có chép khi vợ của ông Giốp thấy ĐCT cho phép ma quỉ giáng hoạ đến chồng mình, của cải tiêu tan, tôi tớ mất hết, con cái bị hoạn nạn chết đi, chồng mình mang bệnh, thì bà thay đổi lòng dạ và nói với chồng mình: "Uả! Ông hãy còn bền đỗ trong sự hoàn toàn sao? hãy phỉ báng ĐCT và chết đi," nhưng Giốp đã không làm. Trong ngày Chúa Giê-xu bị bắt, vì "sợ chết" mà môn đồ Phiêrơ đã mất lòng trung tín với thầy mình. Kinh Thánh chép ông bỏ chạy, đi đằng “xa xa” vì sợ bị luyện lụy và cuối cùng đã rủa, thề và chối Chúa của mình ba lần. Đaniên phải đối diện với một sự thử thách rất lớn, ấy là những áp lực của đám đông và hình phạt của "hang sư tử" nếu không chịu thờ lạy vua, nhưng Đaniên cứ trung thành với Chúa của mình!

 

Điều thử thách thứ hai đó là sự mời mọc về của cải và danh quyền ở đời này. Thiết nghĩ đây cũng là điều thử thách lớn nhất cho con cái Chúa trong thời buổi ngày nay; trong một xã hội đề cao sự hưởng và tiêu thụ vật chất. C/ta phải hiểu Đaniên lúc này đang giữ một chức vụ rất quan trọng trong đế quốc Babylôn. Kinh Thánh cho biết dưới quyền vua có tất cả 120 quan trấn thủ để trị nước và trên 120 người này, có ba quan thượng thơ coi sóc họ. Ở Mỹ này có thể so sánh như là ở dưới tổng thống là phó tổng thống, Secretary of State, Secretary of Defense. Một trong ba người thượng thơ này chính là Đaniên. Còn hơn thế nữa, Đaniên được trổi hơn hai vị kia. Có thể nói trong nước Babylôn lúc đó, nhứt là vua Đariút và nhì là Đaniên. Đaniên đang cầm trong tay một chức vụ quan trọng, quyền hành cao thứ nhì của cả thế giới lúc đó. Có lẽ trước sự thử thách đó, một số người bạn đã đến và cố vấn: "Thôi anh Đaniên, anh chỉ cần cúi đầu lạy vua một lần thôi, thì anh vẫn giữ được chức vụ quan trọng mà đang nắm ở trong tay rồi; mà còn được tăng chức nữa. Cơ hội ngàn vàng chớ nên đánh mất! Anh không cầu nguyện 30 ngày có sao đâu. ĐCT thông cảm anh vì “nhập giang tùy khúc và nhập gia thì tùy tùng’ mà; nhất là c/ta đang ở trong một nước ngoại bang.” Nhưng Đaniên là người biết rõ luật pháp của ĐCT có chép trong XEDTK 20:3-5a – “Trước mặt ta, ngươi chớ có các thần khác. Ngươi chớ làm tượng chạm cho mình, cũng chớ làm tượng nào giống những vật trên trời cao kia, hoặc nơi đất thấp nầy, hoặc trong nước dưới đất. Ngươi chớ quì lạy trước các hình tượng đó, và cũng đừng hầu việc chúng nó; vì ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, tức là Đức Chúa Trời kỵ tà,” Nên Đaniên đã dứt khoát quyết định trung tín với Chúa, không thay lòng đổi dạ, truớc sự mời mọc của một quyền chức quan trọng. Kinh Thánh chép ông không cúi đầu thờ lạy vua, nhưng ra về, mở cửa sổ hướng về Giêrusalem là nơi có đền thờ của ĐCT, và cầu nguyện cứ ba lần một ngày, như vẫn thường làm. Lòng trung tín là tấm lòng không thay đổi, dù trong hoàn cảnh khó khăn hay sự mời mọc nào “ngon” đến đâu đi nữa, Đaniên nhất quyết không thờ hai chủ, không đi giẹo hai bên, nhưng cứ giữ lòng trung tín với Chúa.

 

 

IV. Bí Quyết Để Giữ Lòng Trung Tín

 

Bí quyết ở đâu để Đaniên đã thắng sự thử thách và giữ được lòng trung tín với Chúa? Tại sao Hội Thánh (H/T) Chúa ngày nay chưa làm được những chuyện lớn và khó cho Ngài? Câu trả lời rất đơn giản, đó là không phải vì c/ta thiếu những người có tài hay không có của. Nếu quan sát, c/ta thấy nhiều con cái Chúa ngày nay rất là giàu có, họ tậu được nhà lớn mua xe đắt tiền, có bằng cấp cao, con cái họ học trong những trường nổi tiếng. Nhưng lý do H/T chưa làm được những điều khó và lớn cho Chúa vì Hội đang thiếu những người có lòng trung tín, có ý chí kiên cường, chịu đựng gian khổ lâu dài, nhục nhã, để cứ trung thành lo công việc Chúa, dù cho hoàn cảnh thế nào đi nữa. Trước hết, c/ta chú ý về chữ “trung tín” dịch ra tiếng Anh là chữ “faithful.” Và trong chữ này có chữ “faith,” nghĩa là “đức tin.” Đây chính là đức tin ở nơi Chúa, ở trong Ngài, Đấng quyền năng vô hạn mà có thể bịt miệng sư tử và quỉ satan. Lòng trung tín phải bắt nguồn từ đức tin nhận biết và kinh nghiệm được Chúa là Đấng Thành Tín đối xử với c/ta như thế nào. Trong sách PTLLK 7:9 có chép: "Phải nhận biết rằng Giêhôva ĐCT ngươi là ĐCT thành tín, giữ sự giao ước và nhơn từ đến ngàn đời cho những người yêu mến Ngài và vâng giữ điều răn Ngài." Trong sách Thi Thiên 119:90 thì chép: “Sự thành tín của Chúa còn đời này đến đời kia.” Thứ Nhất, sự thành tín của Chúa bày tỏ qua sự yêu thương, nhơn từ và tha tội của Ngài cho mỗi c/ta. Trong sách 1 Giăng 3:9 làm chứng điều này: “còn nếu c/ta xưng tội mình, thì Ngài là thành tín công bình tha tội cho c/ta và làm c/ta sạch mọi điều gian ác." Bất cứ nơi nào, chỗ nào, trong tình trạng nào mà bất cứ ai kêu cầu Chúa thật lòng, tận hiến cuộc đời của mình cho Ngài thì người đó sẽ nhận được sự cứu rỗi. Ngày hôm nay tôi còn đứng đây, không phải vì tôi đã có sự cố gắng tu tâm tích đức cá nhân gì, nhưng hoàn toàn nhờ cậy ơn phước cứu rỗi của Chúa thành tín luôn sẵn sàng tha thứ những kẻ có tội bằng lòng ăn năn thống hối quay hướng đến với Ngài. Lời hứa tha tội của ĐCT không phải là lời "hứa lèo - nói dậy mà không phải dậy" nhưng là những lời hứa thành tín. Bạn có thể đi nhà thờ nghe giảng nhiều lần, nhưng chưa có sự cứu rỗi, không phải vì Chúa không sẳn sàng tha thứ cho bạn. Hãy nhìn thập tự gía thì biết công việc cứu chuộc đã được làm trọn rồi. Nhưng bạn không có là vì chưa chịu tin nhận vào lời hứa thành tín của Chúa đó là "Hễ ai nhận Ngài thì Ngài ban cho quyền phép làm con cái ĐCT" như có chép trong Tin Lành Giăng 1:12. Tôi cũng không quên nhắc đến lời hứa của Chúa cho những kẻ từ chối ơn cứu rỗi này đó là họ sẽ bị phán xét đời đời một ngày trong hồ lửa địa ngục. Tin Lành Giăng 3:17-18, chính Chúa Giê-xu đã nói: “Vả, Đức Chúa Trời đã sai Con Ngài xuống thế gian, chẳng phải để đoán xét thế gian đâu, nhưng hầu cho thế gian nhờ Con ấy mà được cứu. Ai tin Ngài thì chẳng bị đoán xét đâu; ai không tin thì đã bị đoán xét rồi, vì không tin đến danh Con một Đức Chúa Trời.

 

Cho con cái Chúa, c/ta cũng phải tin cậy vào sự thành tín của Chúa đã hứa sẽ ban cho c/ta một con đường giải thoát trước mọi sự cám dỗ, để c/ta sống thánh khiết, vì đó là điều làm đẹp lòng Chúa luôn. Trong 1 Côrinhtô 10:13 có chép lời hứa này “ĐCT là thành tín, Ngài chẳng hề cho anh em bị cám dỗ quá sức mình đâu; nhưng trong sự cám dỗ, Ngài cũng mở đàng cho ra khỏi, để anh em có thể chịu được.” C/ta bị sa vào chước cám dỗ, không phải vì Chúa thất hứa với mình, nhưng vì mình chưa chịu tin vào sự thành tín của lời hứa Ngài sẽ giải thoát c/ta ra khỏi mọi cám dỗ. Sự thành tín trong sự chăm sóc của Chúa ban cho c/ta đầy đủ mọi sự cần dùng tùy theo sự giàu có của Ngài, mà còn dư dật hơn nữa để làm những điều lành. Mỗi lần c/ta đọc bài cầu nguyện chung, lời Chúa nhắc nhở về sự thành tín của Chúa ban “cho chúng con đồ ăn hôm nay đủ ngày,” “chớ để chúng con bị cám dỗ,” và sự Chúa tha thứ tội lỗi c/ta. Rõ ràng sự trung tín phải bắt đầu từ đức tin nơi Đấng thành tín muôn đời, và nền tảng của đức tin này chính là những lời Ngài đã hứa cho c/ta mà ghi chép kỹ càng trong sách Thánh Kinh. Đaniên tin ĐCT và vâng giữ lời Chúa, điều răn của Ngài trong lòng luôn và đó chính là nền tảng đã giúp Đaniên có lòng trung thành với Ngài, mà không theo lệnh cấm của vua Đaríut.

 

Điều thứ hai, lòng trung tín được vững vàng khi được nuôi dưỡng bởi lời Chúa, luật lệ của Ngài thường xuyên mỗi ngày, chứ không phải chỉ vài tiếng đồng hồ mỗi sáng Chúa Nhật mà thôi. Con cái Chúa một số người chưa trung thành với Chúa, lý do đơn giản là vì chưa chịu học kỹ lời Chúa mỗi ngày, nhưng cứ còn nghĩ theo ý riêng của mình. Trong sách Thi Thiên 119:15 có chép gì nếu c/ta thường xuyên nuôi dưỡng tâm linh mình lời Chúa: "Tôi giấu lời Chúa trong lòng để khỏi phạm tội cùng Chúa." Chẳng hạn như về vấn đề "lập gia đình" với người không cùng một đức tin, c/ta có biết luật pháp của Chúa mà trung tín giữ lấy không? Trong 2 Côrinhtô 6:14 chép gì: "chớ mang ách chung với kẻ chẳng tin!" Khi đề cập đến sự trung tín, thiết nghĩ cũng nhắc đến hai chữ “bổn phận hay trách nhiệm.” Nếu không có hay không biết mình có bổn phận gì hết với Chúa thì đâu cần đề cập đến hai chữ "trung tín?" Như vậy mỗi người c/ta có ý thức mình là một trong những phần tử của thân thể Đấng Christ gọi là H/T và có ý thức mình phải làm gì không? Một số tín đồ đã tin Chúa rồi nhưng chưa ý thức bổn phận của mình trong H/T là gì? Một số khác biết, nhưng chưa chịu dấn thân trung thành mà làm, còn một số ít còn lại thì trung tín cho đến cùng, cho dù sống hay chết cho Chúa! Mỗi người hãy tự xét chính mình đang thuộc ở trong nhóm nào? Hai bổn phận căn bản (bậc sơ đẳng) để đo lường xem sự trung tín của mình với Chúa đến mức nào đó là việc học Kinh Thánh và cầu nguyện thường xuyên mỗi ngày. Vì Đaniên có thói quen nuôi dưỡng đức tin của mình bằng sự cầu nguyện thường xuyên ba lần mỗi ngày, mà ông mới thắng được sự thử thách của hang sư tử. Thử nghĩ nếu Đaniên lúc đó đã ngoài 80 tuổi từ khi ông qua Babylôn lúc 15 tuổi thì Đaniên đã cầu nguyện trên 71,000 lần rồi. Nhiều khi c/ta quên rằng muốn thắng những cám dỗ lớn như vậy, nó đòi hỏi c/ta phải trung thành trong sự cầu nguyện trên cả ngàn lần. Một vài những bổn phận khác có chép trong điều răn thứ tư đó là "giữ ngày nghỉ làm nên ngày thánh. Hồi xưa, khi chưa tiếp nhận Chúa, c/ta ưa đi chợ, đi giặt đồ, đi gặp bác sĩ, đi làm, đi câu cá trong ngày Chúa Nhật. Nếu một người bạn đến mời đi ăn đám cưới, đám hỏi nhầm ngày Chúa Nhật là đi liền. Nhưng sau khi tiếp nhận Chúa Giê-xu làm Cứu Chúa, có nghĩa là mình sẽ sẵn sàng thay đổi thời khóa biểu của mình và lo làm những chuyện này trong những ngày khác, sẳn sàng từ chối những cuộc vui để "giữ trọn ngày nghỉ mà làm ngày thánh." Ngày xưa có một lực sĩ chạy đua tên Eric Liddell, người Tôcáchlan Vào năm 1924, trong cuộc đua thế vận hội tại Pháp, Anh đã liều không chịu chạy đua trong giải đua cuối cùng xẩy ra trong ngày Chúa Nhật vì quyết định giữ "ngày nghỉ làm nên ngày thánh." Năm đó nước Anh đã mất một huy chương vàng. Eric Liddell bằng lòng mất cơ hội vinh quang, để giữ luật lệ của ĐCT vì ông muốn trung thành với điều răn Chúa dạy.  Một thước nữa để đo lòng trung thành của c/ta ấy là sự dâng hiến 1/10 tiền bạc cho công việc Chúa. Nói đến dâng hiến tiền thì thường làm cho con cái Chúa bị "đau ruột" vì đồng tiền đi liền với khúc ruột! Nhưng trên thực tế, H/T chưa làm được những chuyện lớn vì thiếu sự trung tín của nhiều con cái Chúa chưa dám dâng 1/10 cho nhà Chúa. Hãy xem các sòng bài thì luôn được xây cất đẹp đẽ, con vô số mái nhà của H/T Chúa thì còn đang bị dột. Câu chuyện về một người khách vào thăm một H/T thì thấy có hai cái xô lớn trong hành lang, thắc mắc hỏi vị Mục Sư hai cái sô là để làm gì? Vị Mục Sư trả lời: “Với sự dâng hiến của H/T, chúng tôi chỉ có thể mua hai cái sô này để hứng nước mưa dột mái nhà mà thôi!” Thấy cũng lạ, tại sao c/ta sẵn sàng bỏ ra 40$ mua một cuộc DVD Paris by Night hay CD của Britney Spears để xem đi xem lại, đến nỗi băng bị nhão đi, còn tốn biết bao nhiêu tiền bắt chước từng cách trang sức, kiểu tóc của những tài tử trong đó, mà tại sao dâng 20$ cho H/T Chúa thì lại tiếc, hay đi nhóm học Kinh Thánh thì lại buồn ngủ, thấy chán. Tại sao đi xem movie, đến sớm cả tiếng đồng hồ vì sợ bị "sold out" nhưng lại đi nhà thờ thì đến trễ về sớm. Có bao giờ c/ta tự xét xem ai thật sự là Chúa của đời mình không? Chưa chịu dâng cho Chúa 5, 10, 20$ khi còn nghèo, thì khi khúc ruột nó nở to ra, để chứa được nhiều của cải thì lúc đó làm sao còn dâng 1/10 được?

 

Một điều nữa, sự trung thành phải được tập tành thì mới được vững mạnh và hữu hiệu. Đây có nghĩa là đức tin phải chịu sự thử thách luôn từ những việc nhỏ trước, thì mới bước đến sự trung thành trong đại sự. Nếu chưa chịu tập cầu nguyện "ba lần mỗi ngày" như Daniên đã làm, thì làm sao còn dám cầu nguyện khi đối diện với “hang sư tử,” khi sự bắt bớ hay hoạn nạn xẩy đến? Đương nhiên trong c/ta không ai thích bị thử thách hay gặp phải hoạn nạn, nhưng c/ta chớ xem thường những điều nầy xẩy ra cho chính mình, vì nó có thể giúp cho c/ta biết nương cậy nơi Chúa và có đức tin mạnh mẽ hơn.

 

 

V. Phần Thưởng của Lòng Trung Tín

 

            Điều cuối cùng, là con cái Chúa c/ta không thể quên lời hứa thành tín của việc Chúa sẽ trở lại để ban phát phần thưởng cho những ai trung tín với Ngài. Trong Khải Huyền 22:12 có chép “Nầy, ta đến mau chóng, và đem phần thưởng theo với ta, để trả cho mỗi người tùy theo công việc họ làm.” Tiêu chuẩn của sự được ban nhiều hay ít phần thưởng tùy thuộc vào sự trung tín, chứ không phải những sự thành công c/ta gặt hái được. Trong Mathiơ 25, Chúa Giê-xu có nói đến ẩn dụ “Talâng’ cho thấy người đầy tớ được ban cho năm talâng đem về thêm năm talâng thì cũng được người Chủ khen thưởng bằng người được hai talâng và đem thêm về hai talâng, vì cả hai đều trung tín. Có lần Ma-sơ Têrêsa được phỏng vấn: “Làm sao bà có thể đo lường được những sự thành công của bà?” Masơ suy nghĩ một chút rồi trả lời: "Tôi không nhớ có chỗ nào Chúa Giê-xu của c/ta dạy về sự thành công, nhưng chỉ nói về lòng trung tín, và tôi thiết nghĩ ấy là sự thành công duy nhất trong đời sống c/ta." Đôi khi hầu việc, c/ta cảm thấy như không thấm vào đâu, chẳng kết quả là bao, nhưng đừng quên tiêu chuẩn không phải là sự thành công mà là sự trung tín trong mọi việc. Câu chuyện về một tuyên úy đến bên một người binh sĩ trẻ tuổi đang nằm chờ chết. Ông hỏi: “Anh có muốn tôi làm một điều gì đó cho anh không?” Người lính trả lời: “Nhờ ông chuyển lời đến mẹ tôi là tôi chết một cách bình an vì tôi có Chúa ở cùng.” Còn gì nữa không? “Xin ông viết cho cô giáo dạy Trường Chúa Nhật (TCN) cho tôi và nói rằng tôi đã sống một đời của một người cơ đốc vì không quên những lời dạy dỗ của cô ấy." Vị tuyên úy về làm giống như vậy. Hai tuần sau ông nhận được một lá thư trả lời từ một người phụ nữ có chép: "Xin Chúa thương xót tôi, tháng trước tôi đã từ chối không muốn dạy TCN nữa, vì nhận thấy sự dạy dỗ của tôi không có kết qua, không thành công chi mấy. Nhưng không ngờ chính đó là cơ hội đã giúp nuôi dưỡng linh hồn của người nghe. Tôi sẽ xin vị Mục Sư cho tôi tiếp tục dạy lại TCN lại và quyết trung tín cho đến cuối cùng." Sách Khải huyền 2:10, Chúa Giê-xu có một lần phán: "Khá giữ trung tín cho đến chết, rồi Ta sẽ ban cho ngưoi mão triều thiên của sự sống" Đạo lý của Chúa thật mầu nhiệm, đó là c/ta được cứu bởi đức tin trong Cứu Chúa Giê-xu, không bởi việc làm; nhưng phần thưởng của c/ta tùy thuộc vào sự trung tín của mình với Chúa cho đến cùng.

 

Cầu xin Chúa Thánh Linh giúp mỗi người c/ta hết thẩy trung tín với Ngài trong mọi sự, cho đến cuối cùng!

 

 

VI. Lời Mời Gọi

 

H/T của Chúa ngày nay thiếu gì để làm được những chuyện khó và lớn? Suy đi nghĩ lại thì thấy H/T thật thiếu những người bằng lòng chịu khổ cho Chúa, và những người cứ trung thành với Chúa cho đến cuối cùng, mặc dầu khi đối diện với hoạn nạn, thử thách, bắt bớ, dèm pha của những người xung quanh, hay áp lực của sự mời mọc của những lạc thú đời này. Thật đúng như một người đã nói: “Tín đồ của Chúa thì nhiều, nhung tín đồ trung tín thì hiếm.” Mỗi người hãy tự xét xem “tôi” thuộc nhóm nào? Có những dấu hiệu nào đang chứng tỏ tôi đang trung thành với Chúa không? Sự trung thành đó có lường được không qua sự học Kinh Thánh và cầu nguyện cá nhân mỗi ngày, qua sự nhóm lại mà giữ ngày nghỉ làm nên ngày thánh, qua sự dâng hiến 1/10 đều đặn không?  Nhớ đến câu chuyện có một lần khi nữ hoàng Anh trao huy chương cho những chiến sĩ thương phế binh. Có một người lính ngồi trên xe lăng, cụt hai tay và hai chân, thì nữ hoàng Anh cuối xuống gắn huy chương, ôm lấy người hôn, khóc và nói: "Người chiến sĩ thật trung tín!" ACE có muốn phần thưởng lớn không? Muốn được Chúa khen thưởng không? Hãy trung thành với Ngài cho đến chết, rồi ACE sẽ nhận được mão triều thiên của sự sống! Đó là lời hứa chắc chắn của Đấng Thành Tín. Amen! 

 

----------------------------

Faithfulness (Daniel 6)

How would you define “faithfulness?” Note that it has the word “faith” in it. Faithfulness begins with the faith in God Who is faithful in keeping His promises. Daniel believed in God and faithfully kept God’s commandments. Because of this, Daniel decided not to follow king Darius’ decree but to obey God’s commandments by worshipping Him alone.  Faithfulness often pays a heavy price. Daniel was thrown into the lion’s den; but the faithful God came to rescue him by shutting the mouths of all the lions. As a result, God’s name was proclaimed throughout the earth. Also, faithfulness must be nurtured daily with Bible study and prayer. Daniel prayed probably for more than 71,000 times since he was exiled to Babylon to face and overcame this temptation. Lastly, faithfulness must be tested often to stand firm even before greater temptations. Do you want this kind of faith? Begin to trust Christ, feed yourself with His word daily, and pray for some trials and testing. Jesus promised: “Be faithful, even to the point of death, and I will give you the crown of life” (Rev. 2:10). That is the best reward a Christian can obtain at the end of this age! Chase it!   

 

 

 


 

Bài Học Kinh Thánh

Đức Tin Đứng Vững Trước Những Thử Thách

(Đaniên 6)

 

 

> C/ta cần gì để có thể đứng vững và vượt qua được những thử thách và áp lực ở đời này?

 

> Làm thế nào để c/ta có được 1 niềm tin vững mạnh?

 

 

-------------------- Bối Cảnh

> c. 1-2 - Thời điểm ở đâu? Đaniên là ai?

> Vua Đariút là ai?

> Hệ thống điều hành quốc gia của vua Đariút lúc đó lập ra như thế nào?

 

> c. 3-9 - Chuyện gì xẩy ra cho Đaniên? Tại sao?

> Các quan thượng thơ và trấn thủ có trở ngại gì để tìm cớ lên án Đaniên?

> Thủ đoạn tìm cớ của họ là gì?

 

> c. 10-13 – Đaniên phản ứng như thế nào sau khi nghe lệnh của vua ban phát?

> Đaniên có thể dùng ~lý do bào chữa gì?

> Các quan thượng thơ và trấn thủ “mét” vua điều gì?

 

> c. 14-17 - Hậu qủa Đaniên phải trả là gì?

 

> c. 18-23 – Nhưng ĐCT đã ra tay như thế nào?

 

> c. 25-27 - Kết quả gì xẩy ra khắp trên đất?

 

 

-------------------- Áp Dụng

1) Chia xẻ ~áp lực c/ta có thể đang đối diện với ngày hôm nay?

 

2) C/ta đang có ~lý do bào chữa hay thương lượng nào trước ~áp lực này?

 

3) C/ta có sự hiểu biết gì về ý Chúa như thế nào không? (2 Phiêrơ 3:9, Giăng 10:16)

 

4) C/ta có thấy c/trình và ý muốn cao hơn của Chúa ở giữa ~thử thách mình đối diện với không?

 

5) Ba điều căn bản để có một đức tin vững mạnh đối diện với ~thử thách xung quanh?

 

 

---------------------

> Đức tin của c/ta là loại nào? Hãy tự xét và điều chỉnh ngay hôm nay!