Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 64

Lòng Tha Thứ

(Êphêsô 4:32)

 

“Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy.”

 

I. Cảm Giác Giận

 

Trong con người chúng ta chứa đựng nhiều loại tình cảm khác nhau; nào là hỉ, nộ, ai, cụ, ái, ố, và dục; được dịch ra là mừng, giận, buồn, sợ, yêu, ghét và muốn. Trong tất cả những cảm giác này có lẽ lòng tức giận là thứ gây nhiều hậu quả tai hại nhất.  Những vụ bắn phá, đặt bomb và giết người gần đây trong các trường học, chỗ công cộng hay cả đến trong nhà thờ cũng là do lòng tức giận "ăn miếng, trả miếng" gây nên.  Mới đây có một người đàn ông vì quá tức giận chính phủ đã gây khó khăn trong công việc đầu tư thuế má của mình, làm anh bị thua lỗ mất mát nhiều tiền và vì căm hận lâu ngày cho đến lúc anh lái chính chiếc máy bay của mình tự sát đâm vào một toà nhà của cơ quan khai thuế bên tiểu bang Austin Texas. Mối liên hệ trong nhiều gia đình bị chia rẽ và đổ vỡ cũng bởi vì những bức tường hận thù được xây lên qua nhiều năm và rồi một ngày nó đã trở thành những cái núi cay đắng khổng lồ, khó mà có thể dẹp bỏ đi được.  Có người đã so sánh lòng hận thù giống như một căn bệnh ung thư cứ âm thầm ăn mòn cuộc đời của bất cứ ai đang nuôi nó.  Như vậy có lẽ phần lớn hạnh phúc của con người sẽ được duy trì một cách tốt đẹp, nếu sự tức giận của mỗi chúng ta luôn được kiềm chế.

 

II. Lý Do Gây Nên Sự Tức Giận

 

Muốn kiềm chế lòng tức giận, điều trước hết chúng ta cần tìm hiểu những lý do nào thường gây nên sự tức giận?  Thứ nhất, sự tức giận đến thường là khi tự ái của mình bị người khác "dẫm lên."  Có người đã so sánh tấm lòng của mỗi người chúng ta giống như một miếng đất rộng lớn và trên miếng đất này có những trái "mìn" chôn sẵn.  Nếu một ngày nhỡ có ai cố ý hay vô tình đạp đến thì những trái "mìn" này sẽ nổ tung và gây thiệt hại rất nhiều.  Những trái mìn này có thể là những sự tổn thương, đau buồn trong quá khứ mà chúng ta cứ còn giữ lấy trong lòng qua nhiều năm.  Lý do thứ hai thường gây ra sự tức giận là vì lòng ích kỷ, khi chúng ta không đạt được những điều mình mong muốn.  Hãy quan xát một em bé đang "phùng mang trợn má" gào thét lên vì không được món đồ chơi của đứa bên cạnh, thì chúng ta có thể thấy được ảnh hưởng của sự tức giận đến từ đâu.

 

 

III. Kiềm Chế Sự Tức Giận

 

Thật ra sự giận không có sai; miễn là "đương cơn giận, chớ phạm tội" (Êphêsô 4:26) như giết người, kỳ thị, nói xấu, chia phe đảng... Nếu một người sống mà chẳng bao giờ biết giận, sống "sao cũng được" để cho tội ác cứ lộng trời, thì sẽ xây dựng được gì chăng?  Trong lịch sử Cựu Ước, Đức Chúa Trời đã nhiều lần bày tỏ sự thánh khiết của Ngài qua cơn giận khi thấy con dân của Chúa qua nhiều đời vua cứ phạm tội đi thờ lạy các tà thần hư không.  Cho nên Đức Chúa Trời đã phó dân Do Thái vào tay ngoại bang; làm phu tù rải rắc khắp quả địa cầu trên 2,000 năm cho đến năm 1948.  Trong Kinh Thánh Tân Ước Mathiơ 21:12, Chúa Giê-xu đã có lần vào đền thờ và lật đổ bàn các người đổi bạc "chợ đen" vì Chúa giận khi thấy họ lạm dụng tín ngưỡng để làm cớ "hối lộ" bóc lột những người đến đó thờ phượng.  Nếu chúng ta sống trong một xã hội, thấy luân lý đang suy đồi mà không giận để "lên tiếng" cản trở thì cuộc sống của chúng ta cũng giống như "muối của đất, song nếu mất mặn đi," thì có ích chi nữa?" (Mathiơ 5:13)  Nếu chúng ta thương con cái mà không giận "cho roi cho vọt" khi chúng nó làm những điều sai quấy, thì làm sao dạy dỗ chúng nó trở nên "người tốt?" Cho nên vấn đề ở đây không phải là có được phép giận hay không; nhưng là thái độ chúng ta sẽ cư xử thế nào trong lúc giận để gây ích lợi chung và xây dựng đức hạnh.  Một vài bí quyết sau đây có thể giúp chúng ta cách đối diện với sự tức giận trong thái độ xây dựng:

 

a) Khi ai làm chúng ta tức giận, điều đầu tiên chúng ta nên cố gắng giải quyết vấn đề ngay; chớ để quá lâu "cho ma quỉ nhơn dịp" cám dỗ chúng ta sanh ra những điều ác (Êphêsô 4:27).  Nếu có điều gì bất hòa với người khác trong ngày nào, chúng ta nên giải quyết vấn đề trong ngày đó và "chớ căm giận cho đến khi mặt trời lặn" (Êphêsô 4:26b); nếu không, sự tức giận sẽ dần dần châm rễ, xây tổ và sanh cay đắng.  Giận càng dai, hạnh phúc và mối liên hệ giữa mình với người bên kia càng bị tổn hại, ăn không ngon, ngủ không yên và rồi sanh ra lắm bệnh ở trên đời này.

 

b) Người biết kiềm chế sự tức giận cũng là người biết giữ sự bình tỉnh, không mau kết án, "giận cá, chém thớt," hay đổ lỗi cho người bên kia, khi chưa biết rõ đầu đuôi câu chuyện thể nào.  Sứ đồ Phaolô đã một lần nhắn nhủ tín hữu thành Côrinhtô ngày xưa như sau: "... chớ xét đoán sớm quá, hãy đợi Chúa đến." (1 Côrinhtô 4:5).  Bí quyết căn bản trong sự giải hòa là nghệ thuật "lắng nghe" để thông cảm vấn đề và hoàn cảnh của người bên kia.  Lời Chúa cũng khuyên: mỗi người trong anh em "phải mau nghe mà chậm nói, chậm giận; vì cơn giận của người ta không làm nên sự công bình" (Giacơ 1:19-20).  Có biết bao nhiêu lần chúng ta đã đánh mất cơ hội dạy dỗ con cái đường lối của Chúa vì quá vội la mắng chúng nó; thay vì để thì giờ ra tìm hiểu và hỏi xem lý do rõ ràng tại sao chúng nó đã làm điều sai quấy đó.

 

c) Một điều nữa, chúng ta cũng cần thận trọng trong lúc giải quyết sự tức giận đó là tránh đề cập đến những lỗi lầm đã xảy ra trong quá khứ của người bên kia.  Nhiều mối liên hệ càng ngày càng cay nghiệt cũng vì những chuyện quá khứ nhỏ nhoi bị moi ra trong lúc tức giận; đã chẳng giúp ích gì mà lại như "đổ dầu vào lửa" thêm mà thôi.  Nếu không cẩn thận, những chuyện nhỏ nhặt chúng ta đè nén trong lòng sẽ trở thành "hỏa diệm sơn" rồi một ngày bùng nổ và dẫn đến giai đoạn mà người Mỹ có câu: "Burn a house down to kill a rat" tạm dịch là "đốt cả căn nhà để tìm giết một con chuột nhỏ."  Mong câu chuyện sau đây sẽ giúp chúng ta hiểu được câu ca dao Việt-nam "chôn rìu đừng chừa cán."  Trong một làng kia, có hai người đàn ông thù nghịch nhau rất lâu.  Một ngày kia, một người bị bịnh nặng sắp chết nên mời bạn mình đến thăm lần cuối.  Tại giường bịnh, người bạn bị đau thốt lên: "Tôi không muốn đi vào nơi vĩnh cửu mà còn mang theo mối ác cảm với bạn; thôi thì xin anh bỏ qua tất cả những xích mích giữa chúng ta."  Khi người bạn kia sắp sửa ra về, anh bạn bị đau nằm trên giường thều thào thêm một câu: "Nhưng anh hãy nhớ, nếu tôi được khỏe mạnh lại, thì cuộc hòa giải hôm nay coi như không kể nhé." Trong cuộc sống, tật ưa quên có thể gây tai hại; nhưng tập tánh ưa quên hẳn lỗi lầm của người khác là một trong những đặc tính của tình yêu thương (1 Côrinhtô 13:5d) có ích lợi trong sự giải hòa.  

 

IV. Bí Quyết Tha Thứ

 

Muốn giải quyết sự tức giận để gặt hái phước hạnh trong cuộc sống, chúng ta cần có thái độ luôn sẵn sàng tha thứ cho nhau.  Khi chúng ta chịu tha thứ cho nhau thì giống như mình mở khóa để giải thoát những tù nhân ra khỏi ngục và một trong những tù nhân đầu tiên đó chính là mình.  Tha thứ là một điều dễ nói, nhưng thật khó làm ngoại trừ khi một người trước hết kinh nghiệm được tình yêu thương của Thiên Chúa vì sự yêu thương của Ngài "hay dung thứ mọi sự" (1 Côrinhtô 13:7a).  Chúng ta có thể tha thứ được khi mình biết chính Chúa đã tha thứ cho mình thể nào trong Đấng Christ.  Một nhà truyền giáo đến Ấn Độ trong buổi họp tôn giáo tập thể, có người đến hỏi: "Đạo Chúa Giê-xu có gì đặc biệt để giúp dân Ấn Độ không, hay cũng giống như những tôn giáo khác, nào là dạy đạo làm người, hiếu kính cha mẹ, làm lành bố thí?"  Nhà truyền giáo yên lặng một hồi rồi đáp lại: "Thưa ông có một điều đặc biệt về đạo Chúa, đó là sự tha thứ tội lỗi từ nơi Đức Chúa Trời qua Cứu Chúa Giê-xu!"

 

Chúng ta có thể tha thứ cho nhau được nếu mình đừng ngoảnh mặt khỏi "thập tự giá" là nơi Cứu Chúa Giê-xu đã chết đau đớn, đổ huyết, để vớt chúng ta ra khỏi "bùn lầy" của tội lỗi và ban cho quyền phép được làm "con cái của Đức Chúa Trời" (Giăng 1:12).  Cứu Chúa Giê-xu là gương tha thứ lớn cho chúng ta noi theo khi Ngài bị treo trên thập tự giá mà vẫn còn thốt lên: "Xin Cha tha tội cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì” (Luca 23:34); mặc dầu Chúa Giê-xu đang có cả quyền năng ở trên trời và dưới đất để phán xét loài người.  Chúng ta sẽ có năng quyền "bỏ khỏi... những sự cay đắng, buồn giận, tức mình, kêu rêu, mắng nhiếc, cùng mọi điều hung ác" (Êphêsô 4:31) khi chúng ta để Chúa Giê-xu làm Cứu Chúa và Chủ đời sống mình.

 

Trong Kinh Thánh Mathiơ 18:23-35, Chúa Giê-xu dạy một ẩn dụ như sau về hai người mắc nợ.  Người thứ nhất nợ người chủ đến một vạn ta lâng (~20 triệu đôla) nhưng không thể trả nổi, nên nài xin chủ cho giảm lại.  Vì đầy lòng thương xót, người chủ thả về và tha cho hết, không phải trả một xu nào. Nhưng khi anh này đi về thấy một người bạn của mình chỉ nợ mình có 100 đơ-ni-ên (~2,000 đôla) thì không cho giảm lại, nhưng bắt bỏ tù cho đến khi nào người đó trả xong nợ.  Người chủ nghe chuyện bất công, bèn sai bắt người nợ mình bỏ vào tù vì đã không biết thương xót tha thứ cho người nợ chính mình.  Trong ẩn dụ này, người nợ 20 triệu biểu hiệu chính mỗi người chúng ta là những tội nhân xấu xa "đáng chết;" nhưng đã nhận lãnh được sự tha tội hoàn toàn, không điều kiện, khi chúng ta ăn năn hối cải và đến tiếp nhận Cứu Chúa Giê-xu.  Vậy thì chúng ta cũng phải biết tha thứ cho những "kẻ phạm tội nghịch cùng" mình (Mathiơ 6:12).  Người Mỹ có câu nói: "We like beast when we kill, we like men when we judge; but we like God when we forgive" tạm dịch là "Chúng ta giống thú vật khi giết hại, giống người khi xét đoán; nhưng giống Đức Chúa Trời khi chúng ta tha thứ cho nhau" vì Chúa là Đấng "chậm nóng giận, và đầy sự nhơn từ" (Thi Thiên 103:8). 

 

Bạn có muốn được một đời sống hạnh phước không?  Có thể bạn còn đang giữ nhiều sự bất hòa với những người khác mà cần được giải quyết bằng sự tha thứ cho nhau.  Chúng ta khó có thể tha thứ cho nhau được nếu trước hết chưa nhận biết được sự tha thứ của chính Thiên Chúa đã ban cho mình trong Cứu Chúa Giê-xu trên thập tự giá.  Bước đầu tiên để được sự tha thứ của Chúa đó là bạn hãy ăn năn, hối cải tội lỗi và mời Chúa Giê-xu vào tấm lòng của mình.  Lời Chúa trong sách Châm Ngôn 28:13 có chép: "Ai giấu tội lỗi mình sẽ không được may mắn; nhưng ai xưng ra và lìa bỏ nó sẽ được sự thương xót."  Nhân dịp mùa lễ Phục Sinh năm nay, thành thật chúc bạn có được một đời sống hạnh phước trong sự tha thứ của tất cả những gì Cứu Chúa Giê-xu đã làm trọn ở trên cây thập tự giá, để tha tội cho bạn và giúp bạn có quyền năng biết tha thứ mọi người.

                                                         

Mục Sư Vinh Nguyễn - vinh.nguyen@c-ka.com)

www.vietnamesehope.org

                                March 2010

---------------------------------------------

Forgiveness (Ephesians 4:32)

In all human emotions, anger is probably the worst one in damaging many relationships. We feel angry when someone steps on our ‘ego’ toes. However, to become angry is not always wrong as long as it does not lead to sinning (Ephesians 4:26). In the Old Testament, God was righteously angry with His people when they went astray to worship idols. In the New Testament, Jesus once was righteously angry when He saw the money changers who made the temple becoming 'a den of robbers.' If a parent does not have any emotion when seeing his children commit a wrongful act, then what is the use of family discipline and teaching? The Bible clearly taught that when we are angry do not give the devil a foothold. The Bible also taught we must be slow to anger and reserve the judgment to God. The best remedy for anger is forgiveness. The best way to learn forgiveness is in Jesus Christ. At the cross, Jesus had full right to be angry, but He prayed to the Father to forgive those who persecuted Him. May you experience a full life as you learn to forgive everyone because of all God has forgiven you in Christ!