Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 9

Tầm Thước của Người Cha Cơ Đốc

Thi Thiên 112:1-2

 

“Ha-lê-lu-gia! Phước cho người nào kính sợ Đức Giê-hô-va, rất ưa thích điều răn Ngài! Con cháu người sẽ cường thạnh trên đất; Dòng dõi người ngay thẳng sẽ được phước.”

 

Cứ hàng năm, vào Chúa Nhật thứ ba của tháng Sáu là người Hoa-kỳ có phong tục mừng lễ Cha.  Mục đích là để chúng ta (c/ta) là những người làm con bày tỏ tấm lòng biết ơn công lao của những người cha đã bỏ ra sức lực, hy sinh nuôi nấng c/ta được nên người. Nhớ ơn và dành sự danh dự cho cha mẹ mình trong những ngày lễ quan trọng này thật ra không phải là vì truyền thống này đã được sáng lập nên bởi một người nào đó, nhưng là vì lời Chúa đã dạy rõ ràng trong Thánh Kinh Êphêsô 6:2-3 như sau: “Hãy tôn kính cha mẹ ngươi (ấy là điều răn thứ nhất, có một lời hứa nối theo), hầu cho ngươi được phước và sống lâu trên đất.” Nhân ngày lễ Cha sắp đến, c/ta suy gẫm về những tầm thước của một người cha cơ đốc mà có thể tóm tắt vỏn vẹn trong ba điều sau đây: 1) Một tấm lòng kính sợ Chúa, 2) Đời sống gương mẫu, và 3) Có tài dạy dỗ con cái.

 

I. Kính Sợ Chúa

Theo cái nhìn của thế giới hiện đại ngày nay hình như khí tánh của “phái nam” được diễn tả qua hình ảnh của những người có thân hình vạm vỡ, giống như người anh hùng trong cuộn phim “Rambo” hay đặc tánh của một người cha lý tưởng phải là giàu sang, lái những chiếc xe như loại Hummer và trên người xăm đủ thứ hình. Nhưng tiêu chuẩn của một người cha cơ đốc thì ngược lại là những người có một mối liên hệ mật thiết với Đức Chúa Trời (ĐCT), biết kính sợ Chúa, và luôn nhờ cậy nơi Ngài trong mọi sự. Lý do tại sao c/ta cần kính sợ Chúa? Câu trả lời đơn giản đó là bởi vì tất cả những gì c/ta có đều thuộc của Ngài. Sự sống, tất cả tài sản, gia đình, con cháu của c/ta đều thuộc của Ngài. ĐCT còn là Đấng nắm giữ linh hồn và tương lai đời đời của c/ta; Ngài định số mệnh của mỗi người c/ta sẽ ra thể nào thì điều tự nhiên c/ta phải biết kính sợ Ngài đến thể ấy.

 

Một người cha biết kính sợ Chúa, Kinh Thánh cho thấy là một người ưa thích những điều răn của Ngài. Lý do là vì những điều răn của Chúa sẽ giúp cho người cha trở nên khôn ngoan. Thi Thiên 19:7 có chép: “Luật pháp của Đức Giê-hô-va là trọn vẹn, bổ linh hồn lại; Sự chứng cớ Đức Giê-hô-va là chắc chắn, làm cho kẻ ngu dại trở nên khôn ngoan.” Sự khôn ngoan thiên thượng là điều tối cần thiết cho những người lãnh đạo nói chung, và nhất là cho người lãnh đạo trong gia đình, để biết hướng dẫn con cái mình bước đi trong đường lối mà gặt hái được nhiều phước.  Thường khi c/ta nghĩ đến hai chữ “luật pháp” c/ta không thích vì nói lên một sự gò bó, mất tự do nào đó, nhưng lại không hiểu đây là những nguyên tắc, con đường dẫn con cháu c/ta đến một đời sống cường thịnh và một tương lai tốt đẹp vững vàng. Người cha biết kính sợ ĐCT thì sẽ trở nên khôn ngoan, luôn biết định đoán được những giá trị đúng cho con cái mình thường là những điều mắt khó thấy được, hay tiền bạc không thể mua được. Biết bao nhiêu gia đình ngày nay có những người cha cứ tưởng rằng mua cho con những thứ đồ chơi đắt tiền nhất, học trường nổi tiếng nhất là nhất rồi; nhưng lại thiếu sự dạy đạo, hay thì giờ gần gũi với con cái để xây dựng một mối liên hệ mật thiết mà tiền bạc, những món đồ chơi không thể mua được. Ngược lại những thứ vật chất này có khi chỉ dẫn con cái lao vào một lối sống đua đòi vật chất và ích kỷ mà thôi.   

 

Người cha cơ đốc khôn ngoan còn là người nhận biết gia đình mình đang ở giữa một cuộc chiến thuộc linh mà biết sống như một người lính canh giỏi, để bảo vệ con cái mình khỏi những cạm bẫy của ma quỉ. Trong 1 Phiêrơ 5:8-9 sứ đồ Phiêrơ nhắc nhở điều gì? “Hãy tiết độ và tỉnh thức: kẻ thù nghịch anh em là ma quỉ, như sư tử rống, đi rình mò chung quanh anh em, tìm kiếm người nào nó có thể nuốt được. Hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự nó, vì biết rằng anh em mình ở rải khắp thế gian, cũng đồng chịu hoạn nạn như mình.” Đang có biết bao nhiêu ảnh hưởng xấu xa của thế gian xung quanh c/ta mà các ông cha có biết để đề phòng canh giữ con em mình không? Các ông cha có biết ngày nay những mánh khóe của satan đang “len lỏi” vào đời sống của con em c/ta qua những vật nhỏ chỉ bằng có 17”, 20” mà thôi, đó là cái máy điện toán, hay TV không? Có những chương trình TV hoạt họa cho con nít như là “the Simpson” mà các bậc cha mẹ có khi nào ngồi xem chung với con em của mình không để thấy trong đó có dậy những ý tục, hỗn láo, xấc xược, cách đối xử thô lỗ không? Nan đề những hình ảnh dâm dục đầy dẫy trên những mạng lưới Internet thiếu sự kiểm soát của cha mẹ đã làm hại biết bao nhiêu cuộc đời của nhiều trẻ em. Điều khổ là có những bậc cha mẹ không hiểu biết tầm nguy hiểm kinh khủng là thể nào, cho đến khi biết rồi thì đã qúa trễ. Nan đề của những video game bạo động đang đào tạo con cái c/ta cách “giết người” không gớm tay và coi rẻ mạng sống của con người và rồi khi ra đời các em sống làm những chuyện điên cuồng, như bắn giết trong các trường đại học và kể cả trong nhà thờ, đua xe vô ý tứ ngoài sức tưởng tượng.  Nan đề của bạn bè xấu cũng là nan đề c/ta làm cha mẹ phải lo lắng và canh giữ vì lời Chúa nói rõ: “Bạn bè xấu sẽ chắc chắn làm hư nết tốt” dễ dàng dẫn đến sự bại hoại và đau thương. Các ông cha có để ra thì giờ để tìm hiểu xem những đứa bạn của con em mình là thành phần nào không, c/nó làm gì, và đi đâu? Không phải khôn ngoan để biết rằng mình đang ở giữa một cuộc chiến thuộc linh mà thôi, nhưng còn biết nương cậy nơi Chúa qua sự cầu nguyện, để có quyền năng chống trả lại những mưu kế của quỉ satan. Trong 2 Côrinhtô 10:3-5 sứ đồ Phaolô giải thích rõ c/ta có khí giới thuộc linh ở đâu để chống trả lại mưu kế của ma quỉ? “Vì chúng tôi dầu sống trong xác thịt, chớ chẳng tranh chiến theo xác thịt. Vả, những khí giới mà chúng tôi dùng để chiến tranh là không phải thuộc về xác thịt đâu, bèn là bởi quyền năng của Đức Chúa Trời, có sức mạnh để đạp đổ các đồn lũy: nhờ khí giới đó chúng tôi đánh đổ các lý luận, mọi sự cao tự nổi lên nghịch cùng sự hiểu biết Đức Chúa Trời, và bắt hết các ý tưởng làm tôi vâng phục Đấng Christ.” Thử hỏi có bao nhiêu người cha cơ đốc ngày nay đang để thì giờ biệt riêng ra mỗi ngày cầu nguyện cho mỗi đứa con của mình? C/ta đang nương cậy ở quyền năng nào để canh giữ và bảo vệ con em mình? Ở quyền năng “Rambo” hay là quyền năng của Cha thiên thượng qua sự cầu nguyện? C/ta có biết kính sợ Chúa và tin cậy Ngài để chăn con không?

 

II. Đời Sống Gương Mẫu

Tầm thước thứ hai của một người cha cơ đốc đó là một đời sống gương mẫu. Điều thứ nhất để sống một đời sống gương mẫu đó là làm cha c/ta phải tránh xa những sự bê tha ở đời này. Sự bê tha lớn nhất của phái nam là nan đề của rượu. Tuy rằng lời Chúa không cấm uống rượu, uống beer chỉ cấm không được say rượu. Tuy nhiên một đạo lý căn bản nữa là c/ta phải ý thức sự ảnh hưởng nguy hiểm của việc uống rượu đó là có thể làm gương xấu đến cho những người xung quanh yếu đuối hơn vấp phạm, và có thể chính là con cái của mình, mà làm c/nó xa vào sự cám dỗ khi thấy cha thường chè chén say sưa với bạn bè của mình. Thống kê của Hội đồng chống nghiện rượu cho biết con cái của những người cha mẹ bị nghiện rượu có nguy cơ dễ trở thành những người nghiện rượu gấp bốn lần hơn, so sánh với con cái của những bậc cha mẹ không uống rượu. Rõ ràng sách Châm Ngôn 23:31-33 có chép rõ sức mạnh quyến rũ của rượu như thế nào mà c/ta cần tránh xa? “Chớ xem ngó rượu khi nó đỏ hồng, Lúc nó chiếu sao trong ly, và tuôn chảy dễ dàng; Rốt lại, nó cắn như rắn, Chít như rắn lục; Hai mắt con sẽ nhìn người dâm phụ, Và lòng con sẽ nói điều gian tà…” Cũng nên để ý một vài thống kê nữa về rượu. Vấn đề say rượu là nguyên nhân số một gây tử vong cho tuổi từ 15 đến 24.  Mỗi năm, có khoảng 200,000 người chết qua những tai nạn liên hệ đến rượu, con số này gấp bốn lần những người lính Mỹ chết trong toàn cuộc chiến tranh Việt-nam. Một nửa của tất cả những tai nạn giao thông nguyên nhân là vì rượu. Hơn nữa, lời Chúa trong 1 Côr. 6:20 khuyên c/ta điều gì? “Vì chưng anh em đã được chuộc bằng giá cao rồi. Vậy, hãy lấy thân thể mình làm sáng danh Đức Chúa Trời.”  Vì biết thân thể mình là đền thờ của ĐCT, nên cũng sẽ sẵn sàng từ bỏ điều bê tha này.

 

Điều bê tha thứ hai cho những người cha tân thời ngày nay cần phải tránh đó là nan đề của máy điện toán.  Có những người cha đang bỏ nhiều thì giờ vào các website có chứa những hình ảnh ô dâm, những câu chuyện tục tĩu hay khiêu gợi sự thu hút tình dục vớ vẩn, để rồi vấp phạm và cuối cùng đưa đến một đam mê sai trật làm đổ vỡ gia đình. Thống kê vừa nghe qua trên radio cho biết trong vòng 10 người cha ở Mỹ thì đã có khoảng 5 người đang mắc bệnh nghiện xem những mạng lưới Internet có hình ảnh ô dâm. Có nhiều người đang có gia đình hạnh phúc nhưng vì thử tham gia các chương trình kết bạn tri âm, nói chuyện qua internet, qua webcam đã làm quen với những người khác phái ở xa. Tìm hẹn, đi nghỉ hè chung, và cuối cùng phạm tội, về đòi ly dị vợ, gây tan nát đổ vỡ gia đình.  

 

Không phải tránh xa những điều bê tha của xã hội này mà thôi, nhưng một người cha cơ đốc cần phải làm gương tốt cho con cái nữa. Gương tốt của một người cha cơ đốc trước hết phải là người luôn có trách nhiệm đối với gia đình mình. Đây có nghĩa là một người không lười biếng, ham chơi nhưng phải siêng năng chịu khó làm lụng, để cung cấp nhu cầu cho gia đình mình, nhất là nhu cầu vật chất và tài chánh vì đó là công việc của người nam trong gia đình. Thánh Kinh trong Châm Ngôn 6:9-11 dạy chúng ta rằng: "Hỡi kẻ biếng nhác, ngươi sẽ nằm cho đến chừng nào? Bao giờ ngươi sẽ ngủ thức dậy? Ngủ một chút, khoang tay nằm một chút thì sự nghèo khổ của ngươi sẽ đến như kẻ đi rảo, và sự thiếu thốn của ngươi tới như người cầm binh khí." Ngày xưa, sau khi tổ phụ loài người phạm tội trong vườn của sự sống thì ĐCT đã phán gì với Ađam? Trong sách STK 3:17-19 có chép: “Ngài lại phán cùng A-đam rằng: Vì ngươi nghe theo lời vợ mà ăn trái cây ta đã dặn không nên ăn, vậy, đất sẽ bị rủa sả vì ngươi; trọn đời ngươi phải chịu khó nhọc mới có vật đất sanh ra mà ăn. Đất sẽ sanh chông gai và cây tật lê, và ngươi sẽ ăn rau của đồng ruộng; ngươi sẽ làm đổ mồ hôi trán mới có mà ăn, cho đến ngày nào ngươi trở về đất, là nơi mà có ngươi ra; vì ngươi là bụi, ngươi sẽ trở về bụi.” Công việc của Ađam (của người nam) đâu phải là sanh con đẻ cái đâu, nhưng là “bới đất trồng cây” để cung cấp nhu cầu thực vật cho gia đình mình được đầy đủ.  Có lẽ không có gì tệ bằng khi một người nam trong gia đình có khả năng và sức khoẻ tốt, nhưng lại cứ thích “ngồi chơi,” chẳng chịu làm việc gì hết, đổ dồn cho người vợ phải làm 2-3 jobs và thỏa lòng với việc cho con cái ăn foodstamp, lãnh tiền welfare trợ cấp của chính phủ là được rồi. Nếu c/ta không lo công việc đáp ứng nhu cầu vật chất trong gia đình mình thì thật c/ta đang làm gương xấu cho đạo Chúa vì lời Chúa có chép trong 1 Timôthê 5:8 như sau: Ví bằng có ai không săn sóc đến bà con mình, nhất là không săn sóc đến người nhà mình, ấy là người chối bỏ đức tin, lại xấu hơn người không tin nữa.”

 

Hơn thế nữa, người cha cơ đốc còn phải làm gương cho con về một đức tin chân thật nơi Chúa, không phải chỉ trong ngày Chúa Nhật mà thôi, nhưng là mỗi ngày. Thử hỏi con cái của c/ta có thấy cha nó thường hay cầu nguyện và ham mến học lời Kinh Thánh không? Hay chỉ thấy ba nó thường chỉ đọc báo thời sự và ham thích xem những c/trình thể thao trên TV mỗi ngày. Thứ nào cha nó nó thường dùng nhiều hơn ở trong nhà, quyền sách Kinh Thánh, hay là cái TV remote control? Con cái có thấy cha chúng nó thường hay nhắc nhở cầu nguyện trước tiên khi đối diện với những quyết định khó khăn trong gia đình không, hay chỉ phàn nàn, oán trách hoàn cảnh và đổ lỗi cho những người khác? Con cái có thấy người cha của mình đối xử rộng rãi, ôn hoà với mọi người không? Con cái có thấy cha nó yêu mến Chúa trong sự nhóm lại thờ phượng và dâng hiến cho Chúa không? Con cái c/ta khó có thể thấy được Cha ở trên trời là thể nào nếu không thấy tấm gương sáng của những người cha ở dưới đất được.

 

III. Tài Dạy Dỗ

Tầm thước thứ ba của những người cha cơ đốc đó là phải trau dồi tài dạy dỗ. Nhiều người cha ngày nay có đủ tài: tài câu cá, tài sửa chữa, tài chơi gôn, tái hái tiền, tài buôn bán. Những điều này đều tốt cả, nhưng ưu tiên trên hết phải là tài khéo dạy dỗ con cái. Khi dạy dỗ cho Timôthê về phẩm chất của những người lãnh đạo Hội Thánh (H/T), sứ đồ Phaolô có nhắc trong 1 Timôthê 3:4 về một tài họ cần có đó là “phải khéo cai trị nhà riêng mình, giữ con cái mình cho vâng phục và ngay thật trọn vẹn…” Vì cha là người lãnh đạo trong gia đình thiết nghĩ đây cùng là tài mà mỗi anh em c/ta cần trau dồi. Mạng lệnh của Chúa về bổn phận của người cha cơ đốc là phải lo việc dạy dỗ con cái mình “đạo” chứ không đổ thừa cho mẹ chúng nó. Trong Êphêsô 6:4 lời Chúa chép: “Hỡi các người làm cha, chớ chọc cho con cái mình giận dữ, hãy dùng sự sửa phạt khuyên bảo của Chúa mà nuôi nấng chúng nó. (Hãy dưỡng dục chúng theo kỷ luật và giáo huấn của Chúa)” Trong Kinh Thánh Cựu Ước cho thấy hình ảnh một người cha đóng vai trò của chức thầy tế lễ ở trong gia đình mình nữa. Thầy tế lễ là người có bổn phận dạy dỗ điều luật của Chúa cho dân sự của Ngài thì người cha trong gia đình cũng có bổn phận dạy “đạo” cho con cái trong gia đình của mình. Sách Phục Truyền Luật Lệ Ký 6:6-9 có chép: “Các lời mà ta truyền cho ngươi ngày nay sẽ ở tại trong lòng ngươi; khá ân cần dạy dỗ điều đó cho con cái ngươi và phải nói đến, hoặc khi ngươi ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc lúc ngươi nằm, hay là khi chổi dậy. Khá buộc nó trên tay mình như một dấu, và nó sẽ ở giữa hai con mắt ngươi như ấn chí; cũng phải viết các lời đó trên cột nhà, và trên cửa ngươi.” C/ta ngày nay cho con cái không thiếu một thứ gì, nhưng có lẽ lại thiếu nuôi con bằng lời hằng sống của Chúa vì còn mắc hai căn bệnh chính, đó là “bận rộn” và hay “đổ thừa” trách nhiệm cho người khác.

 

Muốn dạy dỗ “đạo” thì điều tự nhiên người cha phải hiểu “đạo;” mà muốn hiểu đạo thì c/ta cần phải để thì giờ ra học “đạo” gần với lời của Chúa. Lý do căn bản đó là c/ta không thể dạy dỗ những điều c/ta chưa biết. Hãy tự xem xét thời khoá biểu mỗi ngày của mình có phần đọc và học Kinh Thánh không? Nếu điều này c/ta tin là quan trọng thì tại sao c/ta lại không có phần chi mỗi ngày? Muốn dạy dỗ con cái lời của Chúa, c/ta phải biết hy sinh để dành thì giờ. Người ta làm một thống kê xem coi những người cha trong giới Trung Lưu

để thì giờ cho những đứa con nhỏ của mình như thế nào? Kết qủa trung bình là mỗi người cha giao tiếp với con của mình chỉ khoãng 37 giây mỗi ngày thôi. Làm sao c/ta nuôi nấng một đứa trẻ nên người cơ đốc đạo đức, nếu chỉ đầu tư có 37 giây mỗi ngày cho con cái của mình, còn so sánh với thời gian thế giới xung quanh đang đầu tư vào đời sống con mình qua TV, nhạc lý và Internet? Câu chuyện về đứa bé gái nó cứ đến nói với ba nó: “Ba ơi ra xem con vẽ hình nè!” Nhưng ba nó cứ lấy lý do mắc kẹt phải lo làm việc và nói: “Con đừng làm phiền ba, ba đang bận!” Một hồi lâu không thấy nó đến nữa và khi ông xong công việc thì ra và nói với cháu: “Bây giờ ba rảnh và muốn xem hình con vẽ.” Đứa bé khoe hình vẽ có má nó, hai đứa em trai đứng ở ngoài sân chơi, cũng có con chó, con mèo. Thấy thiếu gì đó, ba nó hỏi: “Còn ba đâu không thấy trong hình?” Đứa bé gái trả lời: “Ba còn ở trong văn phòng làm việc, nên không có ở trong hình này!” Coi chừng, c/ta cứ đổ lỗi cho hoàn cảnh bận rộn, không có thì giờ cho con cái, đến lúc c/ta được rảnh rỗi cho c/nó thì không còn cơ hội nữa, vì có những cơ hội đến giống như thì giờ, trôi qua và rồi sẽ không bao giờ trở lại nữa.

 

Người cha nên dạy dỗ gì? Thiết nghĩ dậy dỗ c/nó hiểu phải biết kính trọng những “thẩm quyền.” Thẩm quyền cao trên hết là một tấm lòng kính sợ Chúa, sau đó là kính trọng cha mẹ, thầy cô, ông bà… Nan đề của tuổi trẻ ngày nay hình như đang dần dần đánh mất đức hạnh này vì xã hội quá đề cao sự tự do và quyền lợi cá nhân chăng? Một đứa bé mà không được dạy dỗ biết kính trọng những thẩm quyền từ lúc nhỏ trong gia đình thì khi lớn lên sẽ không thành công trong xã hội. Người ta làm một thống kê cho thấy rõ nhiều đứa trẻ thất bại trong vấn đề học vấn ở trong trường học có liên hệ đến đời sống trong gia đình của nó đã thiếu sự dạy dỗ kỷ luật phải biết kính trọng những thẩm quyền. Thật đúng như có người nói rất đúng: “Sparing the rods will spoil the child!” Tạm dịch là “không xử dụng kỷ luật bằng roi đòn ở trong nhà thì sẽ làm đứa con lớn lên hư hỏng trong xã hội một ngày.” Trong Châm ngôn 23:13-14 chính Vua Salômôn dạy gì? "Chớ tha sửa phạt trẻ thơ; dầu đánh nó bằng roi vọt, ắt cứu linh hồn nó khỏi âm phủ." C/ta cũng chớ hiểu lầm kỷ luật không phải là roi đòn thôi, nhưng “roi đòn” chỉ là khí cụ để giúp dạy dỗ con cái biết và nhớ kính trọng những thẩm quyền ở trên nó. Cho con cái biết rằng cuộc sống có những giới hạn, luật lệ là để bảo vệ c/nó; mà nếu c/nó bước ra khỏi những giới hạn đó thì sẽ gặt hái hậu quả đau thương theo sau. Kỷ luật dạy dỗ con cái biết ý thức mình là một phần tử trong gia đình, trong H/T Chúa, trong xã hội, nên phải có những trách nhiệm đi theo sau. Nếu áp dụng “roi đòn” mà lại không dậy con cái hiểu điều này thì chỉ làm cho c/nó dễ sanh tánh bướng bỉnh, uất hận cha mẹ, và sau này có thể làm những chuyện không tốt mà thôi.

 

Một số c/ta là những người cha sẽ để lại cho con cái giá trị sống gì? Có người nói một câu đáng cho các ông cha suy nghĩ: “A boy loves his mom, but will follow his dad.” Tạm dịch: “Một đứa bé trai yêu mẹ nó, nhưng sẽ bắt chước theo cha nó!” Câu này đáng lo sợ vì nếu con cái của mình sẽ đi theo sát gót chân của mình là những người cha trong gia đình thì liệu có dẫn c/nó đến phước lành không? Anh em nghĩ sao nếu những đứa con của mình nói với c/ta: “Thưa cha! Con muốn trở nên giống hệt như cha vậy!” thì c/ta sẽ có những quyết định đúng thế nào trong mọi việc c/ta làm? Có việc làm gì c/ta cần phải sửa đổi không? Trong 1 Các Vua 2:1-3 có lời của vua Đavít trăn trối, để lại cho con trai mình là Salômôn như thế nào? “Khi ngày của Đa-vít hầu trọn, người truyền lịnh cho Sa-lô-môn, con trai mình, mà rằng: Ta hầu đi con đường chung của cả thế gian, khá mạnh dạn và nên người trượng phu! Hãy giữ điều Giê-hô-va Đức Chúa Trời muốn con giữ, để đi trong đường lối Ngài, gìn giữ những luật pháp, điều răn, mạng lịnh, và sự dạy dỗ của Ngài, y như đã chép trong luật pháp của Môi-se, hầu cho con làm điều chi hay là đi nơi nào cũng đều được thành công.” Đây có sẽ là điều quí gía c/ta làm cha cũng có thể dạy dỗ và truyền lại cho con mình được không?

 

Cầu xin Chúa Thánh Linh giúp đỡ cho mỗi người cha biết chu toàn thiên chức của mình qua ba tầm thước, đó là 1) Một lòng kính sợ Chúa, 2) Bày tỏ qua đời sống gương mẫu, và 3) Luôn biết trau dồi tài dạy dỗ con cái trong gia đình, để một thế hệ mới nổi lên là những người cơ đốc gương mẫu, biết kính phục Chúa mà gặt hái được nhiều phước hạnh cho gia đình mình, cùng Hội Thánh Chúa lâu dài. Amen!

 

Mục Sư Nguyễn Trọng Vinh

vinh.nguyen@c-ka.com

www.vietnamesehope.org

June 2010

 

 

 

The Standards for Christian Fathers (Psalm 112:1-2)

Is there any standard for a Christian dad? The worldly standard for “masculine” is a picture of no-fear “Rambo” type father figure. But the first standard for Christian fathers is the fear of God. We fear God because He owns us. The father who fears God delights in His commandments. God’s laws make fathers become wise to recognize most of the precious things for his children are things that we can’t see and money can’t buy. Wise fathers also realize that we are living in a spiritual warfare and recognize modern traps that satan is using to tempt his children. Wise fathers depend on the divine weapon of prayer to fight and protect their children. The second standard for a Christian dad is setting a godly example by avoiding all immoral things of this world. Stay away from beer/wine/casino that can set up a bad trail for our children. Stay away from smoking because our body is God’s temple. Stay away from computer if it leads you to adultery. Godly dad must be responsible to provide all material needs for his family. Godly dad lives a transparent faith. The third standard for a Christian dad is to develop the skill of teaching. Teaching children doctrines is a commandment from God to parents. We must first know the Bible to teach the Bible. Teaching requires time. Teach children to submit to authorities; first to God. The goal of discipline is to teach children to understand that life has boundaries and consequences. What standards will we leave behind for the next generations?