Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 15

Sự Cầu Nguyện

(Prayer)

Mathiơ 6:9-13

www.vietnamesehope.org

 

“Vậy các ngươi hãy cầu như vầy: Lạy Cha chúng tôi ở trên trời; Danh Cha được thánh; Nước Cha được đến; Ý Cha được nên, ở đất như trời! Xin cho chúng tôi hôm nay đồ ăn đủ ngày; Xin tha tội lỗi cho chúng tôi, như chúng tôi cũng tha kẻ phạm tội nghịch cùng chúng tôi; Xin chớ để chúng tôi bị cám dỗ, mà cứu chúng tôi khỏi điều ác! [Vì nước, quyền, vinh hiển đều thuộc về Cha đời đời. A-men.]”

 

Trong tháng vừa qua, gia đình c/tôi được cơ hội đi dự Đại Hội Báptít lần thứ 26 ở Denver, Colorado, với một chủ đề chỉ có ba chữ, nhưng thật đầy ý nghĩa… đó là “Hãy Vùng Dậy.” Chủ đề này dựa trên câu Kinh Thánh trong Êphêsô 5:14 như sau: “Ngươi đang ngủ, hãy thức, hãy vùng dậy từ trong đám người chết, thì Đấng Christ sẽ chiếu sáng ngươi.”  Chủ đề này nhắc nhở riêng tôi về một nhu cầu thiết nghĩ đang cần có nhất cho mọi Hội Thánh (H/T) của Chúa trong thời đại này, đó là vấn đề phục hưng tâm linh. Nan đề của H/T nói chung ngày nay đang máng phải một căn bịnh thuộc linh, say ngủ trong những cơn hôn mê thuộc linh mà chính mình cũng không biết, dần dần đang bị đưa vào một trạng thái “thụ động, hờ hững, lãnh đạm” trong những sứ mạng Chúa giao, từ vấn đề học Kinh Thánh, cầu nguyện cá nhân, đến sự nhóm lại thờ phượng, dâng hiến, và hiệp nhất để truyền bá Tin Lành. Có phải tình trạng của H/T Chúa ngày nay nói chung giống như tình trạng của H/T Sạt-đe ngày xưa mà chính Chúa Giê-xu đã một lần trách họ: “Ta biết công việc ngươi; ngươi có tiếng là sống, nhưng mà là chết” rồi chăng?  Tại sao chúng ta (c/ta) đang bị đưa đẩy vào tình trạng sa sút này? Câu trả lời vắn tắt là bởi vì c/ta đang dần dần đánh mất đi mối liên hệ mật thiết với Chúa Giê-xu. Như vậy, c/ta cần phải thức dậy, ăn năn và làm lại những việc căn bản trong đời sống của một người cơ đốc để phục hồi lại mối liên hệ này với Chúa.

 

 

I. Điều Căn Bản

 

Một trong những điều căn bản của mỗi cơ đốc nhân cần phải làm để thiết lập lại mối liên hệ với Chúa đó là sự cầu nguyện thường xuyên. Nan đề của H/T Chúa ngày hôm nay hình như không phải là vấn đề tài chánh, hay thiếu những người không có ơn tứ, hay không có tài năng, nhưng thiết nghĩ là vấn đề có quá nhiều những tín đồ thiếu những căn bản đạo lý, vì chưa chịu thực hành hai điều… đó là học Kinh Thánh thường xuyên và cầu nguyện mỗi ngày. Mỗi người c/ta hãy tự xét mình xem coi chính mình có đang thực hành hai việc căn bản này mỗi ngày chưa?   Trong mọi việc làm, những tiêu chuẩn căn bản là điều rất cần thiết để xây một  nền tảng vững chắc cho sự thăng tiến và thành công. Nhớ hồi tôi còn học ở Trung học bên tiểu bang Hawaii, tánh rất thích chơi thể thao. Có một môn rất thích, nhưng ở Việt nam không chơi được vì qúa đắt tiền – đó là môn tennis (quần vợt). Khi học ở Trung học, thấy đội tennis của trường tập dợt mỗi ngày. Tôi cũng muốn biết chơi đi mua cây vợt, vài trái banh và tự một mình đập vào tường mỗi ngày. Trong môn thể thao này khiếu đánh phía bên tay trái (backhand) là điều khó tập nhất. Vì không có ai hướng dẫn, tôi không biết đánh backhand, chỉ biết đánh phiá tay phải. Vì thiếu căn bản cách đánh “backhand” cho nên điều này trở nên một yếu điểm.  Tôi nhớ có những trận đấu… tôi đang tiến thắng rất hào hứng, nhưng cuối cùng bị thua vì địch thù của tôi khám phá ra là tôi yếu tay trái, thế là cứ thả banh qua phía trái làm tôi cuối cùng thua trận. Đây là hậu qủa của sự thiếu căn bản.  Có lẽ vô số những H/T của Chúa cũng đang bị sa sút vì trong những H/T này rất thiếu những người con cái Chúa sốt sắng trong những việc căn bản… đó là học Kinh Thánh và cầu nguyện cá nhân với Chúa mỗi ngày.  Trong đời sống thuộc linh của c/ta là những người cơ đốc mà thiếu những căn bản của Kinh Thánh và sự cầu nguyện thì cũng khó có thể có được một đức tin khỏe mạnh; mà nếu mình không khỏe thì gia đình mình cũng khó mà được khỏe mạnh; mà nếu gia đình của c/ta bị sa sút thuộc linh hoài thì thử hỏi làm sao H/T Chúa được khỏe mạnh, phải không? Sự cầu nguyện là điều căn bản phải có trong đời sống của một người cơ đốc. Có người đã so sánh sự cầu nguyện của c/ta như là “hơi thở” cho con người thuộc linh của mình, và c/ta cũng biết thân thể nào không thở đều thì tự nhiên sẽ bị chết. Ngày nay thiết nghĩ có biết bao nhiêu người cơ đốc đang sống “nín thở” cả tuần, cho đến sáng Chúa Nhật chỉ có vài tiếng đồng hồ để thở, hèn chi làm cho H/T “ngộp thở” hoài là vậy!

 

 

II. Mối Liên Hệ với Chúa

 

Sự cầu nguyện là một đặc ân lớn cho những người công dân của nước thiên đàng được liên hệ tương giao với Vua của mình là Cứu Chúa Giê-xu. Dễ gì c/ta là những người dân nước Hoakỳ được “nói chuyện” với tổng thống Obama, quá lắm chỉ là một  sự liên hệ gián tiếp qua thư từ (không biết có đọc không) hay qua những vị Hạ nghị Sĩ (House of Representative) mà thôi.  Nhưng qua Cứu Chúa Giê-xu và ĐT, ơn cầu nguyện mà mỗi con dân của Chúa có thể đến thẳng ngôi thiên đàng mà không cần gởi thư, điền đơn, hay phải xếp hàng chờ đợi một thời gian nào hết. Vô số người cơ đốc chưa cầu nguyện đúng cách vì có thể hiểu sai ý nghĩa của sự cầu nguyện, hay cũng có thể sai thái độ trong việc này.

 

1) Điều thứ nhất, sự cầu nguyện là mối liên hệ cá nhân bề dọc giữa một người với Đức Chúa Trời (ĐCT) qua Cứu Chúa Giê-xu, nhờ Đức Thánh Linh (ĐTL), chứ không phải là sự liên hệ bề ngang giữa người với nhau. Vì vậy mà trong Mathiơ 6:6 Chúa Giê-xu dậy mỗi khi cầu nguyện c/ta nên vào phòng kín, đóng cửa lại, chú tâm đến Chúa mà cầu nguyện, vì ĐCT là Đấng thấy bên trong lòng, nhưng con người chỉ thấy bề ngoài mà thôi - “Song khi ngươi cầu nguyện, hãy vào phòng riêng, đóng cửa lại, rồi cầu nguyện Cha ngươi, ở nơi kín nhiệm đó; và Cha ngươi, là Đấng thấy trong chỗ kín nhiệm, sẽ thưởng cho ngươi.” Đây không có nghĩa là c/ta không nên cầu nguyện chung công khai với nhau, nhưng ý của Chúa Giê-xu muốn nói ở đây là khi c/ta cầu nguyện thì phải là lúc c/ta hướng tâm đến Ngài, là mối liên hệ tương giao với Chúa, chứ không phải là sự tương giao với những người xung quanh, để cho họ nghe và chấp nhận. Chuyện về ông Bill Moyers (Nhà bình luận cho Public Broadcast và phụ tá cho TT Lyndon B. Johnson). Có lần được mời để cầu nguyện trong dinh tổng thống trước bữa ăn. Ông hôm đó cầu nguyện rất nhỏ, xầm xì trong miệng thì vị tổng thống Lyndon Johnson ngắt lời lên tiếng: “Bill – speak up!” (nói to lên – Anh Bill). Ông Bill Moyer ngừng lại và trả lời: “Thưa tổng thống!Tôi đâu có đang nói chuyện với ông đâu?”

 

2) Đôi khi c/ta cầu nguyện mà như Chúa không nhậm lời là vì chủ đích/thái độ trong sự cầu nguyện của mình chưa thành thật hay ngay thẳng. Trong Giacơ 4:1-3 có chép – “Những điều chiến đấu tranh cạnh trong anh em bởi đâu mà đến? Há chẳng phải từ tình dục anh em vẫn hay tranh chiến trong quan thể mình sao? Anh em tham muốn mà chẳng được chi; anh em giết người và ghen ghét mà chẳng được việc gì hết; anh em có sự tranh cạnh và chiến đấu; anh em chẳng được chi, vì không cầu xin. Anh em cầu xin mà không nhận lãnh được, vì cầu xin trái lẽ, để dùng trong tư dục mình.” Câu chuyện về hai anh em tên John và James dành nhau dữ dội đến nỗi cãi lộn về hai cái bánh cup cakes. Bà mẹ thấy vậy… bèn lấy ra một  đồng cắc thẩy lên trời xem coi đứa nào được chọn trước. Sau khi thẩy xong thì John được chọn đi trước. Nhưng John lại trả lời: “Không! Con muốn em con đi trước, để sau khi nó chọn xong rồi thì con sẽ chọn cái cup cake của nó thích!” Chủ động ở đây không còn là để ăn bánh cup cake nữa mà người anh chỉ muốn “trả đũa” người em của mình vì giận. C/ta phải cẩn thận trong thái độ cầu nguyện, không phải là lúc c/ta “trả đũa” anh chị em mình, nhưng phải có một tâm thần ngay lành.

 

3) Trong Mathiơ 6:5 Chúa Giê-xu dậy thêm điều nữa, c/ta chớ có dùng sự cầu nguyện để so sánh và khoe khoang đạo đức của mình với những người xung quanh - “Khi các ngươi cầu nguyện, đừng làm như bọn giả hình; vì họ ưa đứng cầu nguyện nơi nhà hội và góc đường, để cho thiên hạ đều thấy. Quả thật ta nói cùng các ngươi, bọn đó đã được phần thưởng của mình rồi.” Trong Tin Lành Luca 18:9-12 - Chúa Giê-xu có lần nói về ẩn dụ của hai người: một người Pharasi và một người thâu thuế vào đền thờ để cầu nguyện. Người Pharasi cầu nguyện lớn tiếng, khoe công đức của mình bằng cách so sánh với người thâu thuế, nhưng tội nghiệp lời cầu nguyện đó không được Chúa nhận - “Ngài lại phán thí dụ nầy về kẻ cậy mình là người công bình và khinh dể kẻ khác: Có hai người lên đền thờ cầu nguyện: một người Pha-ri-si và một người thâu thuế. Người Pha-ri-si đứng cầu nguyện thầm như vầy: Lạy Đức Chúa Trời, tôi tạ ơn Ngài, vì tôi không phải như người khác, tham lam, bất nghĩa, gian dâm, cũng không phải như người thâu thuế nầy. Tôi kiêng ăn một tuần lễ hai lần, và nộp một phần mười về mọi món lợi của tôi.” Đây là điều mỗi người c/ta phải rất cẩn thận… đó là đừng tự nghĩ bởi vì mình đã làm nhiều việc thiện lành trước mắt thiên hạ: như là cầu nguyện, bố thí, kiêng ăn mà sanh ra tánh kiêu ngạo, tự thấy mình tốt hơn, thánh hơn những người xung quanh. Đây cũng là “cái bẫy” của ma quỉ dẫn c/ta đến chỗ bại hoại chăng! Cho nên khi cầu nguyện, c/ta cần “check” (tự xét) rõ chủ động/thái độ của mình là gì? Có thành tâm và ngay thẳng không?

 

 

III. Học Cách Cầu Nguyện

 

Câu hỏi tới đó là câu hỏi tôi phải cầu nguyện như thế nào? Sự cầu nguyện là một việc làm rất đơn giản vì ai cũng có thể làm được; nó không đòi hỏi một năng khiếu đặc biệt hay một chỗ nhất định nào hết, nhưng lại là điều có vẻ khó làm nhất trong đời sống của cơ đốc nhân. Muốn cầu nguyện, c/ta phải xin Chúa Thánh Linh giúp đỡ mình có một tấm lòng ham muốn tìm kiếm Chúa qua sự cầu nguyện, vì bản năng tự nhiên của xác thịt thì không thích làm việc này. Muốn cầu nguyện, c/ta phải xin ĐTL giúp đỡ mình đặt sự cầu nguyện mỗi ngày là vấn đề ưu tiên trong cuộc sống mà không thể thiếu được? Câu chuyện một em thiếu niên ngồi với một vị Mục Sư (MS) bên bờ hồ câu cá và em xin MS dạy mình cách cầu nguyện và phải bắt đầu như thế nào? Vị MS đó bèn nhấn dìm em đó xuống nước một hồi lâu, gần như bị ngộp thở. Khi trồi lên khỏi mặt nước, vị MS hỏi em muốn gì bây giờ? Em trả lời – “Con muốn thở, phải thở ngay… không thì con chết!” Vị MS trả lời: “Cầu nguyện cũng vậy đó con à… cho đến khi nào con ý thức con muốn cầu nguyện, phải cầu nguyện ngay không thì con chết, lúc đó con mới bắt đầu cầu nguyện được!”  Có đôi khi ĐCT cho phép những hoàn cảnh “khó thở” xẩy đến trong đời sống, để c/ta ý thức cần cầu nguyện, hầu cho c/ta có một mối liên hệ mật thiết với Ngài.

 

Trong Mathiơ 6:9-13… Chúa Giê-xu cũng dậy cho c/ta biết phải cầu nguyện như thế nào - “Vậy các ngươi hãy cầu như vầy: Lạy Cha chúng tôi ở trên trời; Danh Cha được thánh; Nước Cha được đến; Ý Cha được nên, ở đất như trời! Xin cho chúng tôi hôm nay đồ ăn đủ ngày; Xin tha tội lỗi cho chúng tôi, như chúng tôi cũng tha kẻ phạm tội nghịch cùng chúng tôi; Xin chớ để chúng tôi bị cám dỗ, mà cứu chúng tôi khỏi điều ác! [Vì nước, quyền, vinh hiển đều thuộc về Cha đời đời. A-men.]” Đây là một bài cầu nguyện mẫu để c/ta dựa vào đó mà biết cầu nguyện tương giao với Chúa. Đây không phải là một bài “thần chú” để c/ta cứ lập đi lập lại hoài, nhưng lại không hiểu hay không để tâm chí vào. Biết bao nhiêu H/T Chúa đọc bài cầu nguyện này nhanh như gío… nhưng thử hỏi có mấy ai để tâm vào đó không?  C/ta nên đọc chậm lại và suy gẫm về lời mình đọc. Bài cầu nguyện chung này cũng không phải là một phương thức để đòi được Chúa ban cho những điều mình ham muốn, bởi vì ĐCT không phải là cái máy ATM hay là máy vending machine để c/ta bỏ tiền vào bấm nút, chọn điều mình mong muốn. Nhà Giáo Sĩ Billy Graham có lần nói: “Prayer is not our using God; it more often puts us in a position where God can use us.” Tạm dịch – “Cầu nguyện không phải là để c/ta sai Chúa làm theo ý riêng mình; nhưng nhiều khi chính là lúc c/ta đặt mình trong hoàn cảnh để Chúa có thể xử dụng mình.”

 

Trong bài cầu nguyện chung này có tối thiếu bốn điều căn bản c/ta nên ghi nhớ:

 

1) Thứ nhất, trong sự cầu nguyện, điều đầu tiên không phải là để xin xỏ Chúa ngay,nhưng là để thì giờ ngợi khen và cảm tạ Chúa vì những gì Ngài đã làm cho c/ta (Lạy Cha chúng tôi ở trên trời; Danh Cha được thánh).

 

a) Ngợi khen Chúa là gì? Thứ nhất là làm chứng những lẽ thật về Chúa của mình là ai.  Chẳng hạn như một  chàng thanh niên có cô bồ thì hay nói: “Em đẹp qúa! Em hiền qúa! Em dễ thương qúa!” bởi vì những điều này (đẹp, hiền, dễ thương) là tánh nết tự nhiên của cô thiếu nữ đó có, diễn tả cô là ai. Trong những bài Thi Thiên, không thiếu những lời thơ của những tác gỉa dùng ngợi khen Chúa… diễn tả ĐCT như thế nào. Chẳng hạn như Thi Thiên 100, 103, 106 diễn tả ĐCT là Đấng nhơn từ, chậm giận, mau tha thứ, vì đó là đặc tính của chính Ngài. Có nhiều bài Thi Thiên khác như Thi Thiên 146:6, 24:1  – nói lên ĐCT là Chủ tể muôn loài, là Đấng Sáng Tạo nên trời và đất “Ngài là Đấng dựng nên trời đất, Biển, và mọi vật ở trong đó; Ngài giữ lòng thành thực đời đời; Đất và muôn vật trên đất, Thế gian và những kẻ ở trong đó, đều thuộc về Đức Giê-hô-va.”  Có biết bao nhiêu bài thánh ca được sáng tác… để nói lên sự thánh khiết, nhơn từ, vinh hiển, thành tín, và công bình của Chúa, như bài “thánh thay, thánh thay, thánh thay” vì đây là những đặc tính của chính Ngài, đáng cho c/ta ngợi khen. Nên có thói quen hát một bài thánh ca ngợi khen hay đọc một đọan Thi Thiên trước khi cầu nguyện.

         

b) Thứ hai, cầu nguyện cũng là lúc c/ta bày tỏ lời cảm tạ/lòng biết ơn vì tất cả những gì Ngài đã làm cho c/ta. Chúa ban cho sức sống thực vật mỗi ngày cho c/ta hưởng. Mỗi lần đổ đầy một  bình xăng là lúc tôi thầm cúi đầu cảm tạ Chúa. Tuần qua, nhà tôi bị hư máy lạnh, một đêm nóng hầm nghủ không được, mới nhớ đến những ơn phước Chúa ban cho trong những ngày khác có máy lạnh!  Chúa ban cho gia đình hạnh phúc, công ăn việc làm, bình an trong lúc lái xe, tối về được đặt lưng lên giường mình mà nghủ yên giấc. Trong năm qua, nếu Chúa không cứu tôi thì chắc nằm trong nhà thương và bị tàn phế rồi vì đã lỡ tay lái xe mình bay xuống hố. Mỗi lần tôi đi ngang qua khúc quanh co đó, thầm nhớ ơn Chúa cứu mình là thể nào. Thật! Bài Thánh Ca “Hãy đếm các phước lành Chúa ban cho…” phải là bài hát c/ta hát mỗi ngày chứ không phải đợi tới mùa lễ cảm tạ thôi. Cho nên cầu nguyện phải bắt đầu bằng sự ngợi khen và cảm tạ Chúa trước.

 

2) Điều thứ hai, trong sự cầu nguyện là lúc c/ta cam kết tận hiến cuộc đời mình trong c/trình và ý muốn của Chúa vì Chúa là Chúa của mình và mình là những đầy tớ của Ngài (Nước Cha được đến; Ý Cha được nên, ở đất như trời!). Điều ưu tiên không phải là mình sẽ được Chúa ban cho những phước gì, nhưng là sẽ sẵn sàng vâng lời những điều gì Chúa muốn làm qua c/ta không? ĐCT của c/ta khác với các tà thần, vì không chỉ là thần ban ơn/phù hộ cho mình mà thôi, nhưng là được biết và sống trong ý muốn tốt lành của Chúa. Ý muốn của Chúa luôn liên hệ đến chương trình cứu rỗi cho cả nhân loại. Trong 2 Phiêrơ 3:9 có chép điều này – “Chúa không chậm trễ về lời hứa của Ngài như mấy người kia tưởng đâu, nhưng Ngài lấy lòng nhịn nhục đối với anh em, không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn năn.” Như vậy nếu người nào thường xuyên cầu nguyện thì tự nhiên luôn sống theo lời Kinh Thánh dạy, tìm kiếm ý Chúa và hay có liên hệ đến những chương trình làm chứng đức tin; ngược lại nếu không cầu nguyện thì chẳng còn nghĩ đến việc truyền bá Tin Lành là gì hết. Có bao nhiêu người mỗi ngày đang cầu nguyện xin Chúa cho mình có cơ hội để làm chứng đạo? Có bao nhiêu con cái Chúa ở H/T đây đang cầu nguyện xin Chúa mở những cánh cửa truyền giáo cho H/T, như ngày xưa Ngài mở cho H/T Philadeplphia mà không ai đóng được? Hay là mình chỉ nói trên môi miệng “nước Cha được đến, ý Cha được nên ở đất như Trời” mà không hiểu chi hết?  Cầu nguyện là lúc c/ta tận hiến và đầu phục cuộc đời của mình ở trong sự tể trị và ý muốn của Chúa!

 

3) Điều thứ ba trong sự cầu nguyện đó là lúc c/ta mỗi người tự xét ăn năn và xưng tội mình với Chúa… (Xin tha tội lỗi cho chúng tôi, như chúng tôi cũng tha kẻ phạm tội nghịch cùng chúng tôi;) ACE đã tĩnh tâm ăn năn xưng tội gì chưa… trước khi bước vào đây nhóm sáng nay?  Bản năng tự nhiên của xác thịt là thích xét đóan tội của những người khác, nhưng lại không thích đề cập và thấy những tội ác của chính mình. Trong sách Mathiơ 7:1-5 lời Chúa Giê-xu có phán – “Các ngươi đừng đoán xét ai, để mình khỏi bị đoán xét. Vì các ngươi đoán xét người ta thể nào, thì họ cũng đoán xét lại thể ấy; các ngươi lường cho người ta mực nào, thì họ cũng lường lại cho mực ấy. Sao ngươi dòm thấy cái rác trong mắt anh em ngươi, mà chẳng thấy cây đà trong mắt mình? Sao ngươi dám nói với anh em rằng: Để tôi lấy cái rác ra khỏi mắt anh, mà chính ngươi có cây đà trong mắt mình? Hỡi kẻ giả hình! trước hết phải lấy cây đà khỏi mắt mình đi, rồi mới thấy rõ mà lấy cái rác ra khỏi mắt anh em mình được.” Câu chuyện của một người đàn ông rất khó tánh… nhưng lại có bịnh yếu mắt, đi đâu cũng chê người này, bắt lỗi người khác. Một ngày kia, hai vợ chồng đi xem một cuộc triển lãm bán tranh. Bước vào thì bà vợ lo đi trước xem tranh, còn ỗng thì tàn tàn đi sau. Một chốc thấy ông chồng mình đứng ở một góc phòng và la lớn tiếng lên: “Tranh gì mà xấu hoắc, người không ra người, vật không ra vật… mà cũng đem trưng!” Bà vợ thấy vậy, vội chạy đến kéo chồng đi chỗ khác và noí: “Anh ơi! Đó không phải là bức tranh triển làm, anh đang nhìn vào một tấm gương soi mặt người ta để ở ngàoi cửa cho mọi người đi vào soi mặt mình đó thôi! Cái hình xấu xí mà anh thấy đó… chính là anh chứ ai nữa.”  Chúa không có nói mình không được phép “sửa trị” ACE mình trong tình yêu thương khi thấy có những điều sai lầm, nhưng Chúa dạy hãy tự phán xét mình trước mà ăn năn xưng tội trong sự cầu nguyện, và đó cũng là bí quyết để mỗi người c/ta dễ tha thứ những kẻ phạm nghịch cùng mình. Cầu nguyện xưng tội thường xuyên là điều rất quan trọng và cần thiết trong đời sống của mỗi con cái Chúa mỗi ngày, vì nó giúp c/ta đối xử với nhau một cách nhơn từ hơn, dễ tha thứ cho nhau hơn, và có tánh khiêm nhường nhiều hơn, vì biết Chúa đã đối xử nhơn từ và tha thứ những tội ác của mình mỗi ngày như thế nào.

 

4) Điều thứ tư trong sự cầu nguyện c/ta cầu xin Chúa cho những nhu cầu riêng của mìnhcầu thay cho những người khác. Thứ nhất là những nhu cầu vật chất trong cuộc sống của chính mình, như là sự thiếu thốn, khó khăn, bệnh tật, đau ốm, buồn đau… (Xin cho chúng tôi hôm nay đồ ăn đủ ngày;). C/ta cần phải cầu xin rõ ràng, tha thiết, và bền lòng, không có qua loa, sơ sài… nhưng phải có đức tin ý thức rằng Chúa biết tất cả và Ngài luôn có câu trả lời tốt nhất cho mọi nhu cầu của c/ta. Chúa là Đấng giàu có, và ý tưởng của Ngài luôn là tốt lành, mọi sự xẩy ra y như theo ý Chúa. Không phải những nhu cầu vật chất mà thôi, nhưng còn những nhu cầu thuộc linh nữa.

 

a) Chẳng hạn như cầu xin Chúa thêm sức mạnh để thắng những sự cám dỗ và quyền lực của ma quỉ ở khắp nơi (Xin chớ để chúng tôi bị cám dỗ, mà cứu chúng tôi khỏi điều ác!) Chính Chúa Giê-xu dạy gì trong vườn Ghếtsêmanê – Mathiơ 26:41 - “Hãy thức canh và cầu nguyện, kẻo các ngươi sa vào chước cám dỗ; tâm thần thì muốn lắm, mà xác thịt thì yếu đuối.” Trong Mác 9:14-29 – phép lạ Chúa cứu một đứa bé trai bị quỉ ám thì “Ngài đáp rằng: Nếu không cầu nguyện, thì chẳng ai đuổi thứ quỉ ấy ra được.” Có những quyền lực vô hình của quỉ mà mắt không thể thấy được, tài năng không thể làm gì được, trí khôn ngoan không thể giải quyết được. Chẳng hạn như lòng không tha thứ/cay đắng, tánh tự kiêu, tật tham lam tiền bạc của cải vật chất, những nghiện ngập, sự cứng lòng tin, mà chỉ có sự cầu nguyện mới đuổi được những lực này mà thôi chăng?

 

b) Cầu xin Chúa ban cho sự khôn ngoan, để biết quyết định mọi việc được làm đẹp lòng Chúa. Trong Giacơ 1:5 có chép – “Ví bằng trong anh em có kẻ kém khôn ngoan, hãy cầu xin Đức Chúa Trời, là Đấng ban cho mọi người cách rộng rãi, không trách móc ai, thì kẻ ấy sẽ được ban cho.”

 

c) Cầu xin ĐTL ban cho sự dạn dĩ để làm chứng đạo, khi cơ hội Chúa đem đến cho c/ta. Trong Luca 11:13 lời Chúa có phán – “Vậy nếu các ngươi là người xấu, còn biết cho con cái mình vật tốt thay, huống chi Cha các ngươi ở trên trời lại chẳng ban Đức Thánh Linh cho người xin Ngài!”

 

Không phải nhu cầu của riêng mình mà thôi, nhưng cầu thay cho nhu cầu của những người xung quanh nữa.

 

i) Cầu thay cho những người đang bị đau ốm hay có sự buồn khổ. Trong Giacơ 5:15 có chép – “Sự cầu nguyện bởi đức tin sẽ cứu kẻ bịnh, Chúa sẽ đỡ kẻ ấy dậy; nếu kẻ bịnh có phạm tội, cũng sẽ được tha.”

 

ii) Cho những người lãnh đạo thuộc linh/những nhà truyền giáo. Trong 2 Côr. 1:11 – sứ đồ Phaolô xin gì? “Chính anh em lấy lời cầu nguyện mà giúp đỡ chúng tôi, hầu cho chúng tôi nhờ nhiều người cầu nguyện mà được ơn, thì cũng nên dịp cho nhiều người vì cớ chúng tôi mà tạ ơn nữa.”

 

Tập cầu nguyện theo lối “mở rộng vòng tay” nghĩa là từ những nhu cầu cá nhân, đến gia đình những người thân, đến H/T, xã hội và thế giới.

 

 

IV. Đời Sống sau khi Cầu Nguyện

 

Điều quan trọng hơn nữa trong sự cầu nguyện không phải là lúc c/ta cầu nguyện mà thôi, nhưng sau khi c/ta cầu nguyện với Chúa thì còn gì nữa không? Có sự cam kết gì để vâng theo không, hay “Cái gì của Chúa sau khi cầu nguyện thì trả lại cho Chúa?” Chú ý đến lời kết thúc trong phần cuối (the doxology) trong câu 13 – “[Vì nước, quyền, vinh hiển đều thuộc về Cha đời đời. A-men.]” Chữ “doxology” từ hai chữ mà đến: 1) “doxa” nghĩa là “sự ngợi khen, vinh hiển” (praise or glory) và 2) chữ “logos” nghĩa là “lời hay động từ nói” (word or to speak). Chú ý câu “doxology” này tìm được ở trong những bản thảo Kinh Thánh viết tay sau này, sau khi Kinh Thánh bản dịch King James đã được dịch ra. Chú ý trong bản dịch của New International Version (NIV) thì không có phần này, nhưng trong bản dịch New American Standard (NAS) thì có và để trong dấu ngoặc đơn, giống như bản dịch Kinh Thánh Việt-nam của c/ta.  Mặc dầu vậy, điều này không làm cho c/ta rối tâm vì lời kết thúc này không có mang một dấu hiệu của tà đạo nào hết, và đây là lối thông thường để kết thúc một lời cầu nguyện. Trong Kinh Thánh có nhiều chỗ cũng có những lời kết thúc doxology tương tự, như trong Khải Huyền 7:12 – “… A-men! Sự ngợi khen, vinh hiển, khôn ngoan, chúc tạ, tôn quí, quyền phép và sức mạnh đều về Đức Chúa Trời chúng ta đời đời vô cùng! A-men.” Lời ngợi khen kết thúc này nhắc nhở c/ta ba điều căn bản, c/ta phải bắt đầu mỗi lần ngay sau khi chấm dứt lời cầu nguyện:

 

1) Thứ nhất là chữ “Nước” - Nước thuộc của Chúa nghĩa là gì? Nước đây không còn là thế giới của riêng mình nữa, nhưng là Nước của Ngài (God’s Kingdom). Nước đây nói đến quyền tể trị, thẩm quyền của vị Vua ở trên đời sống của mỗi con dân của Ngài. Trong 1 Timôthê 6:15-16 có chép – “… Đấng Chủ tể hạnh phước và có một đến kỳ sẽ tỏ ra, là Vua của mọi vua, Chúa của mọi chúa, một mình Ngài có sự không hề chết, ở nơi sự sáng không thể đến gần được, chẳng người nào từng thấy Ngài và cũng không thấy được, danh vọng, quyền năng thuộc về Ngài đời đời! A-men.” Như vậy “Amen” không phải là chấm dứt, nhưng là bắt đầu thưa với Chúa – “Xin Ngài bắt đầu tể trị (làm Chủ) đời sống con từ giây phút này, cho đến khi con trở lại cầu nguyện với Chúa nữa.”

 

2) Thứ hai là chữ “Quyền” - Quyền thuộc của Chúa nghĩa là gì? Là quyền năng tối cao của Ngài đi với c/ta. Trong Khải Huyền 5:13 – “Tôi lại nghe mọi vật dựng nên trên trời, dưới đất, bên dưới đất trên biển, cùng mọi vật ở đó đều nói rằng: Chúc cho Đấng ngồi trên ngôi cùng Chiên Con được ngợi khen, tôn quí vinh hiển và quyền phép cho đến đời đời!” 1 Sử Ký 29:11 có chép – “Hỡi Đức Giê-hô-va sự cao cả, quyền năng, vinh quang, toàn thắng, và oai nghi đáng qui về Ngài; vì muôn vật trên các từng trời và dưới đất đều thuộc về Ngài. Đức Giê-hô-va ôi! nước thuộc về Ngài; Ngài được tôn cao làm Chúa tể của muôn vật. Hỡi Đức Giê-hô-va sự cao cả, quyền năng, vinh quang, toàn thắng, và oai nghi đáng qui về Ngài; vì muôn vật trên các từng trời và dưới đất đều thuộc về Ngài. Đức Giê-hô-va ôi! nước thuộc về Ngài; Ngài được tôn cao làm Chúa tể của muôn vật.” Như vậy khi những người công dân nước Trời cầu nguyện kết thúc chữ “Amen!” nghĩa là cầu xin quyền năng của Chúa ở cùng mình ngay từ đó, để bắt đầu sống cho Ngài và làm đẹp lòng Chúa. Trong Êphêsô 3:20-21 có chép – “… Đức Chúa Trời, bởi quyền lực cảm động trong chúng ta, có thể làm trổi hơn vô cùng mọi việc chúng ta cầu xin hoặc suy tưởng, nguyền Ngài được vinh hiển trong Hội thánh, và trong Đức Chúa Jêsus Christ, trải các thời đại, đời đời vô cùng. A-men.” Trong Kinh Thánh Công Vụ 4:13 – c/ta thấy một thí dụ hiển nhiên về quyền năng của Chúa ở trên đời sống của các sứ đồ như thế nào, trước kia là những kẻ nhút nhát, nhưng sau này dạn dĩ đứng giữa chợ giảng đạo Tin Lành? “Khi chúng thấy sự dạn dĩ của Phi-e-rơ và Giăng, biết rõ rằng ấy là người dốt nát không học, thì đều lấy làm lạ; lại nhận biết hai người từng ở với Đức Chúa Jêsus.” Đây là quyền năng mà mỗi con cái Chúa sau khi nói “Amen” phải nhờ cậy để bắt đầu sống một đời sống chiến thắng tội lỗi, dạn dĩ làm chứng đạo mà làm đẹp lòng Chúa.

 

3) Thứ ba là chữ “Vinh hiển” – Vinh hiển thuộc của Chúa nghĩa là gì? Trong 1 Côr. 10:31 nhắc c/ta gì? – “Vậy, anh em hoặc ăn, hoặc uống, hay là làm sự chi khác, hãy vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời mà làm.” Trong Cựu Ước, sự vinh hiển của ĐCT đã có lần được bày tỏ qua: bụi gai cháy không tàn, đám lửa và cuộn mây, hay khói trong đền thờ, nhưng ngày sau rốt được biểu hiệu qua chính Chúa Giê-xu như có chép trong Giăng 1:14 –“Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta, đầy ơn và lẽ thật; chúng ta đã ngắm xem sự vinh hiển của Ngài, thật như vinh hiển của Con một đến từ nơi Cha.” Như vậy một người cầu nguyện thật lòng là sau khi nói chữ “Amen” thì bắt đầu sống với chủ đích làm đẹp lòng Chúa Giê-xu, muốn sống một  đời sống giống như Ngài, làm những điều Chúa Giê-xu hay làm khi còn ở trần thế này, làm theo những mạng lệnh của Chúa có chép trong Kinh Thánh.

 

          Trong đời sống của con cái của Chúa, c/ta có thể định được tối thiểu ba bậc căn bản, đó là những việc làm từ bậc sơ đẳng, đến bậc trung đẳng, và cuối cùng là bậc cao đẳng.

 

1) Những việc làm căn bản trong bậc sơ đẳng là gì? Đó là một đời sống đang tập có sự cầu nguyện, học Kinh Thánh mỗi ngày và nhóm thờ phượng thường xuyên mỗi tuần.

 

2) Những việc làm căn bản của bậc trung đẳng là gì? Những điều này khó hơn bậc sơ đẳng. Đó là một đời sống tập phục vụ, mang gánh nặng, chăm sóc những người khác. Không còn ngồi đó cho người ta đút mình ăn nữa, nhưng là đút cho những “đứa bé” khác ăn. H/T của Chúa không phải là "một rạp hát" mà trong đó đầy dẫy những khán thính gỉa đếm xem rồi ra về, nhưng là một gia đình của những người đã được thánh hóa, và biết "chia xẻ" những gánh nặng của nhau.

 

3) Những Việc làm trong bậc cao đẳng là gì? Những việc làm cao đẳng liên hệ đến công việc truyền giáo, làm chứng đạo cho những người chưa biết Chúa về tình yêu thương và sự cứu rỗi linh hồn trong Cứu Chúa Giê-xu. Thống kê tiên đoán cho biết trong vòng các H/T thuộc giáo phái Southern Baptist (SBC) ở Mỹ này chỉ có khoảng 10% tín hữu sẽ làm chứng đức tin cho một người khác trong năm nay.  Vì thế c/ta thấy những  H/T SBC càng ngày càng bị thu nhỏ, có nhiều nơi phải đóng cửa, thế vào đó nào là đạo Mặc môn, Hồi giáo hay Giêhôva witness.

 

Có hai nan đề đang làm cho H/T chậm tăng trưởng đó là, thứ nhất, trong H/T lại có những người ưa đòi làm những việc cao đẳng mà chưa chịu làm những việc sơ đẳng, giống như là phương pháp sống ở Việt-nam - “Nhỏ không học, lớn lên làm đại úy!” C/ta biết không có ai chưa đi học tiểu học mà đã lên thẳng đại học được; chưa học "ABC" mà đã biết viết luận văn. C/ta phải bắt đầu làm lại từ những việc căn bản trong đời sống của một con cái của Chúa và một trong những việc sơ đẳng đó là sự cầu nguyện cá nhân. Nếu chưa tập có một đời sống cầu nguyện với Chúa thì làm thể nào c/ta lãnh đạo H/T được? Một nan đề nữa đó là có một số con cái Chúa học hoài mà vẫn chưa được lên lớp. Lý do là vì chỉ hay “lấy nghe làm đủ” mà thôi! Họ nghe giảng mỗi tuần, nhưng ra về lòng chẳng có sự cảm động/hối thúc chi hết và chưa chịu thực hành gì hết, cho nên học hoài mà chưa được lên lớp. C/ta chớ có gia nhập hội “NATO” nữa; không phải là hội “North Atlantic Treaty Organization,” nhưng là hội của những người chỉ biết “No Action, Talk Only” mà chẳng đem lợi ích chi hết cho nước thiên đàng của ĐCT. Sức khỏe của H/T lệ thuộc vào mối liên hệ của mỗi người c/ta với Chúa. Mối liên hệ của c/ta là những con cái Chúa đang ở trong tình trạng như thế nào? C/ta đang để ra bao nhiêu thì giờ ưu tiên mỗi ngày trong sự cầu nguyện, tương giao với Chúa? Điều lo lắng cho thế hệ tương lai của H/T Chúa là một thế hệ biết đủ mọi thứ: biết Text message, biết xử dụng mạng lưới Internet rất giỏi, biết xử dụng máy móc Ipoh, DVD… nhưng lại thiếu sự hiểu biết và thực hành một việc căn bản, đó là sự cầu nguyện. Nhà lái xe đua nổi tiếng tên Bill Vukovich đã thắng giải đua xe Indianapolis 500 vào hai năm liên tiếp, 1953 và 1954, mà ít có ai làm được. Khi được hỏi bí quyết ở đâu để lái xe hay vậy. Anh trả lời vắn tắt “Chẳng có bí quyết chi hết. Bạn chỉ cần đạp gas tăng tốc độ và cứ quẹo trái mà thôi.”  Đời sống của người cơ đốc cũng vậy, có điều gì khó hiểu, cầu kỳ không? Hay chỉ cần làm những điều căn bản mà thôi: Học lời Kinh Thánh và cầu nguyện không thôi!

 


------------- Lời Mời Gọi

 

ACE có thường đi check-up khám sức khỏe mỗi năm không? Tôi vừa đi khám sức khỏe trong tháng qua, Bác Sĩ (BS) cho biết máu mỡ quá cao mà tự tôi không biết và BS nói nếu tôi muốn sống khỏe mạnh thì phải uống thuốc giảm mỡ. Nhưng còn sức khỏe tâm linh của mỗi người c/ta thì sao? Có check-up thường không? Thử hỏi mối liên hệ của mình với Chúa Giê-xu như thế nào?  Tôi có đang “nín thở” quá lâu không, mà chỉ thở có một vài tiếng đồng hồ mỗi Chúa Nhật thôi sao? C/ta đang sống cho ai? Theo ý muốn của ai? Qua bài cầu nguyện mẫu của Chúa Giê-xu dạy đã giúp c/ta hiểu gì? Mục đích cho đời sống của mình là gì? 1) Tất cả cho nước ĐCT, 2) Bởi quyền năng vô hạn của Chúa mà sống cho mục đích này, và 3) Mọi sự đều chu hướng cho sự vinh hiển của Cứu Chúa Giê-xu.

 

C/ta có đang đặt sự cầu nguyện là ưu tiên cho đời sống của mình không? Đang dành bao nhiêu thì giờ so sánh với những công việc khác? Thái độ trong sự cầu nguyện có đúng không? Tấm lòng trong lúc cầu nguyện có thành thật không? Có sự cam kết gì sau khi c/ta nói chữ “Amen!” không? Biết bao nhiêu đời sống của con cái Chúa hiện nay sống chưa làm sáng danh Chúa - Tại sao? Vì chưa nhờ cậy quyền năng của Chúa thường xuyên, qua sự cầu nguyện. ACE có muốn một đời sống làm đẹp lòng Chúa không? Một đời sống chiến thắng sự cám dỗ? Có mối liên hệ mật thiết với Chúa không? Hãy bắt đầu một c/trình cầu nguyện cá nhân cho chính mình mỗi ngày với Chúa. Hãy thực hành những điều đã học biết, chớ lấy nghe làm đủ. ACE và tôi có sự cam kết gì với Chúa sáng hôm nay không?

 

---------------------

 

PRAYER

(Matthew 6:9-13)

 

“After this manner therefore pray ye: Our Father which art in heaven, Hallowed be thy name. Thy kingdom come, Thy will be done in earth, as it is in heaven. Give us this day our daily bread. And forgive us our debts, as we forgive our debtors. And lead us not into temptation, but deliver us from evil: For thine is the kingdom, and the power, and the glory, for ever. Amen.”

 

How can I have an intimate relationship with Jesus? One of the ways is through prayer. The problem of God’s church today is probably not the financial or gift issues, but the lacking of some basic doctrines such as studying the Bible and prayer. Prayer is the most effective way that we can draw closer to God and have a personal relationship with Him. Prayer is all about the vertical relationship with God, and not between men. Make sure you have the pure motive in prayer that is not for showing off your “hollier-than-thou.” Authentic prayer should be first practiced in private.

 

How should one pray? The Lord Jesus’ prayer in Matthew 6:9-13 is a great model to pray. There are at least 4 things to remember: In prayer, we should first focus on praising God with a thanksgiving heart. Secondly, prayer is not our using God, but to surrender our life to His will, and His kingdom. Thirdly, we confess our sins and ask God for mercy. Fourthly, we make our requests known to God and intercessor for others.

 

It is even more important on how we live after we pray than what we have prayed. The “doxology” reminds us three basic points for living out the prayer: 1) Kingdom - A commitment to allow Jesus ruling our life, 2) Power - Depend on His power to live a kingdom focused citizen, and 3) Glory - Everything is focused for His glory. We must first ask the Holy Spirit for a desire to pray and to put prayer as our top daily priority. It’s time to pray!