Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 16

Cơ Hội Làm Giàu

(Mathiơ 6:19-21)

 

“Các ngươi chớ chứa của cải ở dưới đất, là nơi có sâu mối, ten rét làm hư,

và kẻ trộm đào ngạch khoét vách mà lấy; nhưng phải chứa của cải ở trên trời, là nơi chẳng có sâu mối, ten rét làm hư, cũng chẳng có kẻ trộm đào ngạch khoét vách mà lấy.

Vì chưng của cải ngươi ở đâu, thì lòng ngươi cũng ở đó.”

 

Sống ở đời, những ai là người khôn ngoan sẽ biết lạm dụng thời cơ tốt, lấy năng sức và của cải mình đầu tư thương mại để trở nên giàu có, hay bỏ “công mài sắt” thâu nhặt những kiến thức cao đẹp để được nhiều "danh thơm tiếng tốt."  Đối với những người Á Đông, ba thứ lợi lộc mà ai cũng muốn có hết đó là sự giàu sang, danh vọng và quyền thế.  Tuy nhiên, chúng ta biết những lợi lộc này có một yếu điểm đó là nó sẽ không tồn tại mãi, là vì sống ở đời này rồi ai cuối cùng cũng phải đối diện với sự chết và bỏ lại tất cả đằng sau lưng.  Câu chuyện huyền thoại về một người kia chuyên làm nghề buôn bán công khố phiếu. Một ngày kia có một bà tiên hiện ra cho ông một ước mơ đầu năm. Ông khôn ngoan xin bà tiên cho được đọc tờ báo mỗi ngày, nhưng tờ báo này phải là tờ báo có những việc sẽ xẩy ra sau đó một tháng. Lý do là vì ông có thể biết trước được thị trường thương mại, mà mua bán công khố phiếu một cách khôn ngoan. Ước nguyện của ông được thành toại và vì biết trước được tình hình thương mại trong tương lai, ông chọn “mua thấp bán cao” những công khố phiếu một cách khôn ngoan, chẳng mấy chốc ông trở nên một nhà tỉ phú thật thành công. Cho đến một ngày khi đọc báo, ông lướt nhìn qua “mục chia buồn,” thì sửng sốt hoãng sợ vì thấy có loan báo trước một tháng về đám tang của một nhà tỉ phú nổi tiếng nhất trong vùng, và tên của người đó chính là ông! Thật những ơn phước trên đời này là cần thiết và quí gía, nhưng rồi một ngày chúng ta cũng phải để lại tất cả đằng sau lưng của mình mà thôi. Như vậy, có lẽ người khôn ngoan thật là người cũng biết lo chuẩn bị trước và đầu tư làm giàu cho sự sống trong cõi đời sau nữa, để không bị hối tiếc khi bước qua thế giới này.

 

I. Sự Chóng Qua của Cuộc Đời

 

Muốn biết đầu tư làm giàu cho sự sống đời sau, điều đầu tiên chúng ta cần nhận biết về sự mỏng manh của cuộc sống tạm bợ này.  Khi so sánh về sự chóng qua của cuộc đời này, thi sĩ Tản Đà đã thốt lên câu thơ: "Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy; Cảnh phù du trông thấy cũng nực cuời." Hay một nhà thơ khác đã nói: "Đời người một kiếp như hoa. Sớm còn tối mất, nở ra lại tàn." Thật ra điều này cũng thích hợp với lời Kinh Thánh của Chúa có chép trong sách Thi Thiên 103:15-16 như sau: "Đời loài người như cây cỏ; người sanh trưởng khác nào như bông hoa nơi đồng; gió thổi trên bông hoa, kìa nó chẳng còn, chỗ nó không còn nhìn biết nó nữa." Có phải cuộc sống này chỉ là sự tổng hợp của những ngày vui buồn và sướng khổ chóng qua mà thôi chăng?  Nếu chịu khó dừng bước để nhận xét thì thấy sự giới hạn của cuộc sống này là một điều thực tế mà mỗi chúng ta ai nấy đều phải chấp nhận mà thôi. Tôi nhớ hồi nào mới đặt chân đến Mỹ còn trong tuổi thiếu niên trẻ trung, bây giờ đã bước vào tuổi trung niên; cùng một lúc tuổi già đang chờ đón mình. Ngày nào sức khỏe còn dồi dào, mắt còn sáng sủa như "cú vọ," nhưng bây giờ đã được 50 tuổi là lúc mình sắp sửa phải đeo "kính hai tròng."  Hồi nào trí óc còn thật minh mẫn, bây giờ lại hay “nhớ trước quên sau. Ngày xưa còn chạy bộ được gần chục vòng sân football mà chưa thấy mệt, bây giờ mới ra sân bóng rổ có vài phút thôi, thì đã hổn hển thở không ra hơi. Ngày xưa, ngực nở bụng thon, bây giờ ngực lép bụng xệ, mà chẳng làm gì để nó "thon" lại được nữa. Thật giống như ông Nguyễn Công Trứ trong cuộc sống thăng trầm cũng đã bày tỏ tâm sự của mình về cuộc đời ngắn ngủi chóng tàn này như sau: Ôi nhân sinh là thế ấy. Như bóng đèn, như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao.”

 

Lý do cuộc đời chóng qua là vì thời gian cứ lặng lẽ âm thầm trôi đi nhưng không bao giờ trở lại.  Chính nó cũng không chịu ngừng lại để chờ đợi một ai cả, nhưng cứ vụt đi như "ngựa chạy tên bay."  Đôi khi người ta thường dùng danh từ “giờ dây thun,” nhưng trên thực tế chúng ta không thể ngừng thời gian lại được, cũng không thể đem nó đi cất giữ hay kéo dài ra thêm được, vì số ngày của mỗi người chúng ta ở trên đất này đã được định bởi Đấng Sáng Tạo rồi.  Khi luận về sự ngắn ngủi và giới hạn của cuộc sống này, tác giả trong Kinh Thánh sách Thi Thiên 39:4 cũng đã xác định giống như vậy: "Hỡi Đức Giê-hô-va, xin cho tôi biết cuối cùng tôi và số các ngày tôi là thể nào; xin cho tôi biết mình mỏng mảnh là bao.” 

 

II. Sự Kết Thúc Đắng Cay

 

Lời Chúa nhắc nhở chúng ta cần nhận biết cuộc sống tạm bợ này có sự kết thúc của nó, hầu cho chúng ta biết khôn ngoan mà sửa soạn cho cõi đời sau.  Sẽ có một ngày sự chết làm chủ và chấm dứt mọi sự vì trên đời này có ai sống mãi được đâu?  Điều khó ở đây, không phải là không ý thức được cuộc sống này ngắn ngủi và sẽ bị kết thúc, nhưng cái đáng lo sợ là không biết lúc nào sự cuối cùng sẽ đến?  Ai trong chúng ta cũng biết rõ ngày sinh tháng đẻ của mình mà thường được gọi là ngày sinh nhật (birthday), nhưng ít có ai thật sự biết trước ngày tử vong của mình (deathday).  Điều đáng phải lo sợ hơn nữa đó là chúng ta không phải chỉ không biết lúc nào sự cuối cùng sẽ đến, nhưng là sự cuối cùng của cuộc sống có thể đến lúc mình không ngờ hay chưa sửa soạn gì cả?  Những trường hợp xui xẻo như tai nạn rớt máy bay, đụng xe, những thiên tai như động đất, sóng thần xẩy ra mỗi ngày chứng minh thực tế rõ ràng sự ngắn ngủi và kết thúc bất ngờ của đời sống này và chỉ để lại toàn là sự đau thương.  Chúng ta có thể muốn tránh nói đến cái chết, nhưng trên thực tế sự cuối cùng của cuộc sống chắc chắn sẽ đến và thường đến một cách bất ngờ, lúc chúng ta chưa sửa soạn chi hết.  Một ngày thể xác của chúng ta từ tro bụi sẽ phải trở về với tro bụi, còn linh hồn mình sẽ đứng trước mặt Đức Chúa Trời để chịu sự phán xét.

 

III. Sự Phán Xét Cuối Cùng

 

Lời Chúa cũng dạy dỗ rằng người khôn ngoan không phải là người chỉ nhận biết “số các ngày” sống trên đời này của mình có giới hạn thôi, nhưng còn biết sau cái chết ai nấy sẽ bước vào sự phán xét cuối cùng nữa.  Khi luận về sự phán xét sau cùng, lời Kinh Thánh trong sách Hêbêrơ 9:27 đã khẳng định: "Theo như đã định cho loài người phải chết một lần, rồi chịu phán xét."  Đi đôi với sự phán xét, lời Chúa trong Kinh Thánh cũng bày tỏ lẽ thật về sự cứu rỗi (lối thoát) cho bất cứ ai biết nhờ cậy Ngài bằng cách ăn năn tội, quay trở lại cùng Chúa và bằng lòng tiếp nhận Chúa Giê-xu, Con Đức Chúa Trời, đã chết trên cây thập tự gía chuộc tội thay thế cho mình, thì "chẳng còn có sự đoán phạt nào nữa" (Rôma 8:1) mà được "quyền phép trở nên làm con cái Đức Chúa Trời" (Giăng 1:12).  Khi đã trở nên con cái Chúa thì chắc chắn người đó sẽ được hưởng nước thiên đàng trong cõi đời sau, vì con cái Chúa không thể sống trong địa ngục được. Muốn hiểu rõ chân lý này, chúng ta phải hiểu Đức Chúa Trời là Đấng Công Bằng trọn lành. Đức Chúa Trời là Đấng Công Bằng nghĩa là sao? Nghĩa là Ngài sẽ phạt mọi kẻ ác, cùng một lúc sẽ thưởng những người công bình. Nhưng ai là người công bình đủ để hưởng nước thiên đàng? Tiêu chuẩn công bình không định theo ý riêng của con người, nhưng phải phù hợp với tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời, đó là chẳng có một ai có đủ trọn vẹn sự công bình để xứng đáng vào nước thiên đàng. Lời Chúa trong Rôma 3:10 và 23 có khẳng định như sau: “… như có chép rằng: Chẳng có một người công bình nào hết, dẫu một người cũng không… vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời…” Tại sao mọi người đã thiếu (không đủ) sự công bình để trở nên một người công bình? Lý do là vì bản chất tự nhiên của loài người, không chừa một ai, đó là chúng ta hết thẩy đã đến từ một dòng dõi của một người tội nhân đầu tiên đó là Ađam, tổ phụ loài người, đã một lần phạm tội nghịch cùng Chúa trong vườn sự sống. Không ai trong chúng ta có đủ khả năng để tự làm sạch “cái gốc rễ” của tội lỗi này, vì tội lỗi đã ở trong mỗi người chúng ta rồi. Chỉ có một phương cách để được trở nên một người công bình đó là nhờ cậy chính Đức Chúa Trời cứu chúng ta mà thôi. Từ lúc ban đầu, Chúa đã có chương trình cứu chuộc chúng ta qua chính Con Ngài là Cứu Chúa Giê-xu để “hễ ai tin Con ấy, không bị hư mất, mà được sự sống đời đời” với Ngài trong nước thiên đàng (Giăng 3:16). Lời Chúa trong sách Kinh Thánh 2 Côrinhtô 5:21 cho thấy rõ chân lý này: “Đức Chúa Trời đã làm cho Đấng (Chúa Giê-xu) vốn chẳng biết tội lỗi trở nên tội lỗi vì chúng ta, hầu cho chúng ta nhờ Đấng đó mà được trở nên sự công bình của Đức Chúa Trời.” Huyết mầu nhiệm của Chúa Giê-xu có quyền năng biến hóa một kẻ tội nhân trở nên công bình trước mặt Đức Chúa Trời, và điều tự nhiên nếu là người công bình thì được ở với Ngài trên thiên đàng một ngày.

 

IV. Phần Thưởng cho Con Cái Chúa

 

Cho những ai đã được làm con cái Chúa bởi vì đã tin nhận Cứu Chúa Giê-xu thì phần thưởng đời đời trên nước thiên đàng sẽ tùy thuộc vào công việc của mình trong sự hầu việc Chúa khi còn sống ở trên trần thế này. Chính Chúa Giê-xu đã hứa trong Khải Huyền 22:12 là Ngài sẽ "đến mau chóng và đem theo phần thưởng... để trả cho mỗi người tùy theo công việc họ làm." Nếu đội bóng đá của Spain đã thắng “World Cup” đội Hòa Lan một cách vinh quang thể nào, thì phần thưởng mão triều thiên không hư nát đang để dành cho những con cái Chúa trung tín sẽ vinh hiển hơn biết bao!  Như vậy, chúng ta phải chuẩn bị để khi hấp hối sẽ không nuối tiếc vì chỉ có "hai bàn tay trắng" sắp trình dâng cho Chúa thôi, nhưng đầy sự vui mừng với những công trạng vẻ vang hầu việc Ngài khi còn ở thế gian này.

 

Vua Salômôn ngày xưa là một vị vua giàu có và quyền quý nhất thế giới. Vua có đến 300 hoàng hậu và 700 cung phi mỹ nữ.  Nhưng rồi khi sắp sửa lìa đời, nhìn lại đằng sau, vua Salômôn chỉ thốt lên câu nói: “... hãy tưởng nhớ Đấng Tạo Hóa trước khi dây bạc đứt và chén vàng bể, trước khi vò vỡ ra bên suối và bánh xe gẫy ra bên giếng, và bụi tro trở vào đất y như nguyên cũ, và thần linh trở về nơi Đức Chúa Trời là Đấng đã ban nó... hư không của sự hư không, mọi sự đều hư không” (Truyền Đạo 12:6-8).  Vua Salômôn nhận thấy tất cả vàng bạc, vui thú trong những chén rượu và sự hưởng thụ sung sướng ở trên đời này giờ đây sắp chấm dứt và tất cả những thứ này sắp sửa trở nên vô ích (hư không) cho sự sống đời sau của mình.  Nếu chúng ta đã tin nhận và được chuộc bằng huyết của Cứu Chúa Giê-xu thì phải biết Chúa đã cứu mình, giữ chúng ta lại trên trái đất này một thời gian nữa và giao cho trọng trách làm "muối của đất" và "sự sáng của thế gian" (Mathiơ 5:13-16) để nói và bày tỏ sự yêu thương và thánh khiết của Ngài cho mọi người khác biết.  Vậy thì con cái Chúa phải sốt sắng trong trọng trách này, hầu cho khi sự kết thúc của cuộc đời này đến, mình sẽ không thốt lên như vua Salômôn, nhưng sẽ mạnh dạn nói như sứ đồ Phao-lô: “Ta đã đánh trận tốt lành, đã xong sự chạy, đã giữ được đức tin. Hiện nay mão triều thiên của sự công bình đã dành cho ta...” (2 Timôthê 4:7-8).

 

Thật ra cuộc đời này ngắn hay dài không quan trọng lắm, nhưng câu hỏi đáng đề cập cho con cái Chúa hơn phải là mình đã dùng sự sống này một cách khéo léo như thế nào để hầu việc Chúa?  Hãy xem đời sống của Chúa Giê-xu, Ngài chỉ sống vỏn vẹn có khoảng ba năm rưỡi thôi, nhưng Ngài đã thi hành trọn vẹn công việc cứu rỗi cho cả nhân loại. Có một số người tín đồ sống lâu năm, ngồi đến "mòn ghế nhà thờ," nhưng trong cuộc sống hằng ngày đang chỉ phí công tốn sức vào những lạc thú chóng qua của đời này thôi.  Họ đã phí phạn biết bao nhiêu thì giờ xem TV, luyện phim Hàn quốc, chơi bi-da, ngồi trước máy điện toán Internet, hay chỉ quá sức lo làm việc thêm giờ phụ trội để hái thêm tiền, chỉ biết sắm sửa xa hoa quá độ, nhưng chẳng lo chung sức hầu việc Chúa; để rồi khi đến "ngày tính điểm" thì chỉ biết nuối tiếc mà thôi vì chẳng có bao nhiêu công trạng để trình dâng cho Chúa.  Ngược lại có những người Cơ Đốc khác sống chỉ mới tin Chúa vài năm thôi nhưng đang hăng hái dấn thân và sốt sắng trong công việc Chúa mỗi ngày bằng cách cho kẻ đói ăn, kẻ khát uống, thăm viếng kẻ tù tội, yên ủi kẻ sầu khổ, đem lại nhiều sự vinh hiển cho Chúa. Câu chuyện ngụ ngôn bên Nga Sô về một người nhà giàu kia sống rất keo kiệt, chẳng nghĩ đến ai.  Khi ông trở về già lâm bịnh sắp chết thì đã bảo gia đình làm một cái túi vải to, bỏ nhiều tiền vào rồi để trong quan tài cho ông, để ông dùng trong cõi đời sau.  Sau khi qua đời và được lên viếng thiên đàng, ông nhà giàu này thấy ở đó họ bày ra thật nhiều những món ăn cao lương mỹ vị.  Ông đến và hỏi người bán hàng tô cơm này bao nhiêu?  Người bán hàng nói "Chỉ có một xu thôi!" Ông thấy ổ bánh mì nướng thì cũng hỏi thứ đó giá bao nhiêu.  Người bán hàng cũng nói: "Chỉ có một xu thôi!"  Ông khám phá ra mọi thứ trên thiên đàng rẻ quá vì cái gì cũng trị giá một xu thôi.  Người nhà giàu thầm nghĩ: "Mọi thứ chỉ trị giá có một xu thôi, thì với số tiền ta đang có trong bị đây sẽ dùng cho đến đời đời" Thế là ông vơ tay lấy ổ bánh mì, tô cơm và dĩa thịt, xong đi ra trả tiền. Nhưng trước sự ngạc nhiên của người nhà giàu này là người bán hàng từ chối không nhận tiền của ông trả. Người nhà giàu bèn hỏi tại sao, thì người bán hàng trả lời: "Ở trên đây, chúng tôi chỉ nhận những đồng tiền mà đã được dùng để giúp đỡ những người khác vì danh Chúa Giê-xu, khi ông còn ở trần thế mà thôi."  Mong câu chuyện này giúp mỗi con cái Chúa hiểu của cải và phần thưởng trên thiên đàng của những người tin Chúa chỉ bắt đầu được thâu trữ khi chúng ta dùng của cải ở đời này đáp ứng nhu cầu của những người khác trong danh Chúa.     

 

V. Đối Diện với Đấng Sáng Tạo

 

Cho nên người khôn ngoan là người nhận biết được sự mỏng manh và giới hạn của cuộc sống này để biết trang bị cho cõi đời sau. Điều trang bị đầu tiên là bạn cần hướng lòng mình về Đấng đã sáng tạo nên mình, ăn năn tội và tiếp nhận món quà cứu rỗi vô điều kiện của Thiên Chúa đã sắm sẵn qua sự chết và sống lại của Chúa Giê-xu, Con Ngài, để được sự tha tội và trở nên công bình.  Đi theo sau với sự tiếp nhận Chúa Giê-xu là sự bắt đầu một đời sống mới, bước đi theo lời dạy dỗ trong Kinh Thánh, “kính Chúa, Yêu người,” và hầu việc Ngài mỗi ngày.  Khi bước theo đường lối Chúa dạy trong Kinh Thánh, chúng ta sẽ có sự khôn ngoan biết dùng cuộc sống tạm bợ này là "cơ hội làm giàu" để thâu trữ của cải đời đời ở trên Thiên Đàng.  Hãy lắng nghe lời Chúa Giê-xu phán dạy: “Các ngươi chớ chứa của cải ở dưới đất, là nơi có sâu mối, ten rét làm hư, và kẻ trộm đào ngạch khoét vách mà lấy; nhưng phải chứa của cải ở trên trời, là nơi chẳng có sâu mối, ten rét làm hư, cũng chẳng có kẻ trộm đào ngạch khoét vách mà lấy. Vì chưng của cải ngươi ở đâu, thì lòng ngươi cũng ở đó.” (Mathiơ 6:19-21). Câu chuyện huyền thoại về một người phụ nữ tín đồ kia, lúc còn sống rất giàu có và đạt được nhiều chức tước cao trọng, nhưng lại sống keo kiệt và chẳng lo nghĩ đến ai hết. Khi chết được thiên sứ tiếp đón và dẫn bà cho xem một ngôi nhà đẹp lộng lẫy và nói đây là ngôi nhà của đứa đầy tớ gái của bà. Bà tự nghĩ, nếu đứa đầy tớ gái của mình mà được ngôi nhà đẹp như vậy thì chắc chắn ngôi nhà của mình phải là một biệt thự tráng lệ còn hơn thế nữa. Đi một chốc, thiên sứ chỉ cho bà thấy một cái chòi nhỏ và nói "đây là căn nhà đời đời của bà." Người phụ nữ sửng sốt, bực dọc thốt lên: "Làm sao tôi có thể ở trong cái chòi đó được mà nó còn xấu hơn căn nhà của đứa đầy tớ tôi sao?" Thiên sứ thản nhiên trả lời: "Rất đáng tiếc, nhưng với những vật liệu bà gởi lên trước cho chúng tôi từ dưới đất, thì chúng tôi không làm sao xây một căn nhà khá hơn được!" Bạn có sẵn sàng đối diện với Đấng Sáng Tạo chưa, và rồi lúc đó bạn sẽ còn lại của cải giàu có đời đời gì không?        

Mục Sư Nguyễn Trọng Vinh

vinh.nguyen@c-ka.com

www.vietnamesehope.org

August 2010


Opportunity to Get Rich (Matthew 6:19-21)

Do you want to get rich? We all probably agree that richness, fame and power in this world have a weakness when we face death. Therefore, a wise person should also pursue to get rich in the life after. To begin this pursuit, one must recognize the temporality of this life.  The Bible in Psalm 103:15-16 expresses the shortness of this life “as for man, his days are like grass, he flourishes like a flower of the field; the wind blows over it and it is gone, and its place remembers it no more.” Our days on this earth have been determined by the great Creator, but no one can really know when his end time comes. For most people, it comes in a sudden when they are not prepared for. The Bible in Hebrews 9:27 also declares that there will be a great judgment after death. At the same time, God has given an escape of this judgment without any condition. To understand this truth, we must understand that God is righteous and loves justice. God is just means that the soul who sins will surely die and He will bless the righteous. But according to God’s perfect standards, there is no one righteous, not even one because all were born as sinners and fall short of the glory of God. We all need God’s grace and not our good works. God’s grace has been given freely through the blood of His Son to provide the forgiveness of sins, to save us from God’s wrath, and to make us becoming the righteousness of God. For Christians, death is not the end, but it is the time that we inherit the heavenly kingdom and receive our rewards. But our rewards will depend on how we use the gifts God gives us to serve Him while living on this earth. It’s not really important how long we live, but how wise we live and take advantage of this temporal life as an opportunity to get rich for the eternal life. Are you wise? Have you invested anything for the future kingdom? Start now by repent of your sins, believe in Jesus and begin to serve Him.