Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 18

Học và Hành Lời Chúa

(Studying and Doing God’s Word)

(Giacơ 1:22-27)

www.vietnamesehope.org

 

 

“Hãy làm theo lời, chớ lấy nghe làm đủ mà lừa dối mình. Vì, nếu có kẻ nghe lời mà không làm theo thì khác nào người kia soi mặt mình trong gương, thấy rồi thì đi, liền quên mặt ra thể nào. Nhưng kẻ nào xét kĩ luật pháp trọn vẹn, là luật pháp về sự tự do, lại bền lòng suy gẫm lấy, chẳng phải nghe rồi quên đi, nhưng hết lòng giữ theo phép tắc nó, thì kẻ đó sẽ tìm được phước trong sự mình vâng lời. Nhược bằng có ai tưởng mình là tin đạo, mà không cầm giữ lưỡi mình, nhưng lại lừa dối lòng mình, thì sự tin đạo của người hạng ấy là vô ích. Sự tin đạo thanh sạch không vết, trước mặt Đức Chúa Trời, Cha chúng ta, là thăm viếng kẻ mồ côi, người góa bụa trong cơn khốn khó của họ, và giữ lấy mình cho khỏi sự ô uế của thế gian.”

 

 

Đời sống của những người sống ở Mỹ đây luôn đề cao một vấn đề rất quan trọng đó là sức khỏe. Người ta ai nấy cũng quan trọng hóa về sức khỏe, vì biết rằng có sống khỏe, sống được lâu, thì mới hưởng thụ được những thú vui ở trên đời này, hay của cải mà mình đã bỏ nhiều công sức ra gặt hái; còn mắc bệnh hay đau ốm thì phải tốn đủ thứ tiền, đến nỗi có khi bị sạt nghiệp nếu không có mua những bảo hiểm sức khỏe. Vì thế những người sống ở Mỹ này rất cẩn thận trong hai việc chính đó là 1) thức ăn - lúc nào cũng xem coi có đầy đủ chất bổ không, có ít lượng mỡ, và đếm từng calorie một, và 2) những chương trình tập thể dục/thể thao cho thân thể được khỏe mạnh và hấp dẫn. Một trong những chương trình “Exercise” nóng bỏng nhất ngày hôm nay là chương trình thể dục “Extreme” có quảng cáo trên TV, mà hứa sẽ giúp mọi người ai chịu khó tập theo chương trình này, sẽ có một thân hình nẩy nở, và thu hút.

 

Chúng ta thấy rõ về phần thuộc thể, thức ăn và thể dục là hai điều căn bản cần có, để đạt được một sức khỏe dồi dào, tránh khỏi được nhiều bệnh tật mà sống được lâu. Thì cũng vậy, cho con người thuộc linh của mỗi chúng ta là con cái của Chúa cũng cần nhiều thứ để giúp cho nó được sống khỏe mạnh luôn. Một trong những thứ rất cần thiết đó là 1) sự học lời của Chúa (Kinh Thánh) để nuôi con người tâm linh của mình được trưởng thành lớn lên, và 2) sự thực hành lời của Chúa để cho thân thể thuộc linh được mạnh mẽ, không sa ngã trước những cám dỗ, thử thách, khó khăn ở xung quanh. Nan đề ngấm ngầm của Hội Thánh Chúa ngày hôm nay đó là bên ngoài trông thấy có nhiều người cơ đốc thật khỏe mạnh, đô con, đẹp trai, đẹp gái, dễ thương, giỏi gian, thông minh, nhưng nếu dọi dưới kính hiển vi thuộc linh thì bên trong chỉ toàn là những con người thuộc linh đang ốm tong teo, gầy mòn, chỉ còn “da bọc xương” vì thiếu ăn và sự thực hành lời của Chúa.

 

I. Nhựa Sống cho Nhánh

 

Sự ăn nuốt lời của Chúa phải là điều ưu tiên trong cuộc sống của mỗi con cái Chúa để con người tâm linh được tăng trưởng mạnh mẽ, vững vàng. Ẩn dụ “gốc và nhánh nho” của Chúa Giê-xu có chép trong Giăng 15:1-10, giúp chúng ta thấy được bí quyết để làm sao đời sống tâm linh của một con cái Chúa được khỏe mạnh, và sai trái luôn… “Ta là gốc nho thật, Cha ta là người trồng nho. Hễ nhánh nào trong ta mà không kết quả thì Ngài chặt hết; và Ngài tỉa sửa những nhánh nào kết quả, để được sai trái hơn. Các ngươi đã được trong sạch, vì lời ta đã bảo cho. Hãy cứ ở trong ta, thì ta sẽ ở trong các ngươi. Như nhánh nho, nếu không dính vào gốc nho, thì không tự mình kết quả được, cũng một lẽ ấy, nếu các ngươi chẳng cứ ở trong ta, thì cũng không kết quả được. Ta là gốc nho, các ngươi là nhánh. Ai cứ ở trong ta và ta trong họ thì sinh ra lắm trái; vì ngoài ta, các ngươi chẳng làm chi được. Nếu ai chẳng cứ trong ta thì phải ném ra ngoài, cũng như nhánh nho; nhánh khô đi, người ta lượm lấy, quăng vào lửa, thì nó cháy. Ví bằng các ngươi cứ ở trong ta, và những lời ta ở trong các ngươi, hãy cầu xin mọi điều mình muốn, thì sẽ được điều đó. Nầy, Cha ta sẽ được sáng danh là thể nào: ấy là các ngươi được kết nhiều quả, thì sẽ làm môn đồ của ta vậy. Như Cha đã yêu thương ta thể nào, ta cũng yêu thương các ngươi thể ấy; hãy cứ ở trong sự yêu thương của ta. Nếu các ngươi vâng giữ các điều răn của ta, thì sẽ ở trong sự yêu thương ta, cũng như chính ta đã vâng giữ các điều răn của Cha ta, và cứ ở trong sự yêu thương Ngài.”  Trong câu 1 chúng ta thấy rõ “Gốc nho” trong ẩn dụ đây ám chỉ Chúa Giê-xu và từ gốc đó mà sanh ra nhiều nhánh; Mỗi “nhánh nho” ám chỉ là mỗi người chúng ta, mỗi con cái của Chúa là những người đã được “tái sanh” bởi huyết của Chúa Giê-xu, khi chúng ta đã một lần ăn năn tội và bằng lòng tiếp Ngài vào lòng mình.  Nếu phải tóm tắt chân lý của ẩn dụ này, chúng ta thấy Chúa Giê-xu muốn dậy: như nhánh nho phải lệ thuộc vào gốc để có sự sống mà tăng trưởng sanh trái thì chúng ta cũng phải nhờ cậy vào chính Chúa Giê-xu mỗi ngày, hoàn toàn lệ thuộc vào Ngài luôn thì đời sống mới có kết quả cho nước của Đức Chúa Trời. Cách mà chúng ta nhờ cậy và lệ thuộc vào Chúa chính là: 1) sự cầu nguyện, và 2) luôn “ở trong lời dậy dỗ của Chúa” hay có nghĩa là “vâng giữ các điều răn của Ngài…”

 

Có một số người nói mình tin Chúa, nhưng chỉ tin với một khái niệm nông cạn mà thôi. Họ tự nghĩ: "Tin Chúa dễ quá! Chỉ tin thôi, sau đó không cần phải làm gì nữa!” Với sự suy nghĩ nông cạn như vậy, vô số người tự xưng mình là tín đồ, nhưng rồi cứ còn ăn ở trong nếp sống của con người cũ, chẳng thay đổi gì hết, chưa kết quả gì hết cho nước Thiên Đàng. Họ chỉ sống với thái độ “ngồi chơi sơi nước” rồi đợi một ngày Chúa sẽ gởi thiên sứ xuống: lăn tay, cấp giấy Visa, đưa vé máy bay, và lên máy bay Boeing 747, đem mình về nước thiên đàng. Nhưng họ không hiểu bây giờ sau khi tin Chúa nghĩa là mình thuộc của Ngài và Chúa mong mỏi (đòi hỏi) đời sống của mỗi chúng ta phải sanh ra những trái tốt cho Ngài. Muốn kết qủa, sanh trái, trước hết những nhánh nho cần phải nhờ cậy vào gốc, vì từ gốc, nhánh mới có nhựa sống để tăng trưởng, nghĩa là chúng ta cần chính những lời dạy dỗ và mạng lệnh của Ngài mà Đức Thánh Linh dùng để nuôi con người tâm linh của chúng ta lớn lên.

 

II. Ích Lợi của sự Học Lời Chúa

 

Cho nên là con cái yêu dấu của Chúa, chúng ta phải ân cần học lời Kinh Thánh thường xuyên vì những ích lợi sau đây:

 

1) Thứ nhất, qua lời Kinh Thánh chúng ta thông biết Chúa của mình là ai. Mục tiêu chính của việc học Kinh Thánh là “Thần học” nghĩa là học để thông hiểu về Đức Chúa Trời, Chúa Giê-xu, Đức Thánh Linh là ai. Biết rõ Chúa thì mới có một mối liên hệ mật thiết với Ngài mà không có thứ gì có thể làm cho mình bị sa ngã hay dụ dỗ được. Là con cái yêu dấu của Chúa, anh chị em có biết rõ những giáo lý căn bản về đạo không để đứng vững trước những tà thuyết hiện đại ngày hôm nay? Chẳng hạn như những giáo lý căn bản về Đức Chúa Trời Ba Ngôi, thẩm quyền tuyệt đối của Kinh Thánh, về sự cứu rỗi bởi đức tin, quyền lực của ma quỉ, hay những gì sẽ xẩy ra trong tương lai không? Trong Mathiơ 24:24 - Chính Chúa Giê-xu nói trước cho chúng ta biết về tình trạng của thời kỳ sau rốt, trong ngày tận thế sẽ có nhiều tiên tri, giáo sư gỉa nổi lên, với những lời dịu ngọt êm tai, đi đôi với những phép lạ chúng nó sẽ làm nữa mà dụ dỗ nhiều người đi vào những con đường hư mất, kể cả những người đã được chọn nữa, cũng vì họ không biết rõ lẽ thật - “Vì nhiều christ giả và tiên tri giả sẽ dấy lên, làm những dấu lớn, phép lạ, nếu có thể được thì họ cũng đến dỗ dành chính những người được chọn.”  Thử hỏi rồi đến ngày đó anh chị em có sẽ bị nó lừa dối không, vì không biết rõ “đạo” là gì chăng? Thống kê cho biết một điều đáng sợ, đó là 1/3 thiếu niên ở Mỹ ngày hôm nay không tin có địa ngục nữa. Có những cuốn sách nổi tiếng (best sellers) ngày hôm nay đã phát hành… như Da vinci Code, the Shack, một số trở thành phim ảnh và kể cả những tài tử Hollywood nổi tiếng đang phô trương một thuyết lý nguy hiểm đó là chẳng có địa ngục đâu, không có sự phán xét của tội lỗi đâu, cuối cùng rồi ai cũng sẽ về “thiên đàng” với Thượng Đế hết. Một trong những thuyết nguy hiểm nữa bây giờ là thuyết “relativity” nghĩa là không có một thẩm quyền tuyệt đối nào hết, tự do tùy theo ai muốn nghĩ sao cũng được. Thuyết này gián tiếp từ chối sự hiện hữu và quyền tể trị của Thiên Chúa và thiết nghĩ thuyết này đang từ từ dẫn nước Mỹ trở thành một nước vô thần hay đa thần, chứ không còn độc tôn Đức Chúa Trời nữa.

 

2) Qua Kinh Thánh, chúng ta biết được ý muốn của Chúa cho đời sống mình. Có người đã nói chữ “BIBLE” viết tắt nghĩa là – “Basic Intructions Before Leaving Earth.” Tạm dịch là “Những tiêu chuẩn sống của Chúa cho chúng ta, trước khi rời khỏi thế giới này!”  Biết bao nhiêu con cái Chúa cứ hỏi: “Làm sao tôi biết ý muốn của Chúa cho đời sống tôi,” nhưng lại không chịu đọc và học lời Chúa mà đã chép sẵn ý Chúa cho mình ở trong đó. Khi đọc Kinh Thánh, hãy chú ý những câu có chữ “hãy” và “chớ” mà gạch xuống, ghi nhớ, làm theo vì đó là những mạng lệnh Chúa muốn chúng ta phải làm, hay là những điều phải tránh làm. Chia xẻ một vài thí dụ như trong 1 Tês. 5:12-21 có chép – “Hỡi anh em, xin anh em kính trọng kẻ có công khó trong vòng anh em, là kẻ tuân theo Chúa mà chỉ dẫn và dạy bảo anh em. Hãy lấy lòng rất yêu thương đối với họ vì cớ công việc họ làm. Hãy ở cho hòa thuận với nhau. Nhưng, hỡi anh em, xin anh em hãy răn bảo những kẻ ăn ở bậy bạ, yên ủi những kẻ ngã lòng, nâng đỡ những kẻ yếu đuối, phải nhịn nhục đối với mọi người. Hãy giữ, đừng có ai lấy ác báo ác cho kẻ khác; nhưng hãy tìm điều thiện luôn luôn, hoặc trong vòng anh em, hoặc đối với thiên hạ. Hãy vui mừng mãi mãi, cầu nguyện không thôi, phàm làm việc gì cũng phải tạ ơn Chúa; vì ý muốn của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jêsus Christ đối với anh em là như vậy. Chớ dập tắt Thánh Linh; chớ khinh dể các lời tiên tri; hãy xem xét mọi việc, điều chi lành thì giữ lấy. Bất cứ việc gì tựa như điều ác, thì phải tránh đi.” Trong đoạn Kinh Thánh này có đến 7 chữ “hãy” và 2 chữ “chớ”. Trong Philíp 2:3 có chép – “Chớ làm sự chi vì lòng tranh cạnh hoặc vì hư vinh, nhưng hãy khiêm nhường, coi người khác như tôn trọng hơn mình.” Trong 1 Côr. 15:58 có chép – “Vậy, hỡi anh em yêu dấu của tôi, hãy vững vàng, chớ rúng động, hãy làm công việc Chúa cách dư dật luôn, vì biết rằng công khó của anh em trong Chúa chẳng phải là vô ích đâu.” Với những tiêu chuẩn sống “hãy và chớ” này trong Kinh Thánh, Đức Thánh Linh dùng để thay đổi/uốn nắn/biến hoá đời sống của chúng ta, càng ngày càng trở nên giống như Chúa Giê-xu hơn qua hai giai đoạn chính:

 

a) Giai đoạn thứ nhất, đó là khi chúng ta học lời Chúa, lòng bị “chạm” vì Đức Thánh Linh cáo trách, bắt đầu ý thức tội là gì và có một số những việc ác mình không được phép làm nữa, mà sẽ tránh xa nó. Khó có ai mà thành thật học lời Chúa thường xuyên, lòng bị cáo trách mà cứ còn làm những việc ác nữa; chỉ có trường hợp một số người vì không chịu học lời Chúa thường xuyên, nên cứ còn tỉnh bơ trong những việc ác mà thôi, phải không? Câu chuyện về một vị lãnh tụ gìa người mọi trên quần đão Fuji đang ngồi đọc Kinh Thánh. Có một người Anh vô thần đến thăm quang thấy vậy thì mỉa mai nói rằng vị lãnh tụ này thật dại dột, đã bị dụ nghe những câu chuyện vô lý về Chúa Giê-xu chết thay cho tội nhân ở trong sách đó. Vị lãnh đạo này trả lời: “Ông có nhìn thấy tảng đá lớn ngoài kia không? Chúng tôi đã đập nát đầu kẻ thù của mình trên đó. Còn lò lửa kế bên đó chúng tôi đã từng nướng thịt họ. Nếu không nhờ các vị giáo sĩ đến đây hướng dẫn chúng tôi biết Kinh Thánh và tình yêu thương của Chúa Giê-xu thì chắc bây giờ chính ông đang ở trong bụng chúng tôi rồi!”

 

b) Giai đoạn thứ hai, đó là Đức Thánh Linh dùng lời Chúa giúp những nhánh nho sanh trái tốt và những trái này là gì? Có thể nói trái đẹp nhất Đức Thánh Linh sẽ trồng trong đời sống của con cái Chúa đó là tình yêu thương, không phải loại của con người xác thịt, nhưng là loại tình yêu thương không điều kiện của Chúa ban cho. Trong Galati 5:22 – trái yêu thương của Đức Thánh Linh ở trong đời sống của một người còn sanh ra những trái gì nữa? “Nhưng trái của Thánh Linh, ấy là lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ:” Đời sống ai có trái yêu thương của Chúa thật sẽ bắt đầu bớt ích kỷ, có nghĩa là không còn chỉ nghĩ đến "cái tôi, nhu cầu của tôi, tham vọng của tôi" thôi, nhưng bắt đầu nghĩ đến công việc Chúa, những điều thuộc của Chúa, những điều làm vinh hiển danh Chúa, những lợi ích gì cho nhà của Chúa, và cho những người khác nữa. Đời sống của nhánh thật luôn “dính vào gốc” hay suy gẫm lời Chúa ngày và đêm sẽ không còn những sự lo lắng, buồn phiền quá sức cho sự giàu sang và sung sướng của mình thôi, nhưng còn chăm về những nhu cầu của người khác, chia xẻ gánh nặng với anh chị em mình, như là cho kẻ đói ăn, kẻ khát uống, thăm kẻ tù tội, tiếp đãi kẻ khốn cùng, yên ủi kẻ buồn đau, sanh ra những việc làm lành thực tế trong tình yêu thương của Chúa nữa!

 

3) Lời Chúa như thức ăn giúp nuôi đức tin mình ngày càng lớn lên, trưởng thành. Trong Côlôse 2:7 - sứ đồ Phaolô cho thấy hình ảnh trưởng thành này của đức tin của sự cây “châm rễ lập nền” như sau “hãy châm rễ và lập nền trong Ngài, lấy đức tin làm cho bền vững, tùy theo anh em đã được dạy dỗ…”  Chúa không muốn đức tin của chúng ta là loại "instant noodles…" chỉ cần nấu nước sôi, bỏ vào ăn liền… nhưng điều Ngài vui thích là khi đức tin chúng ta được châm rễ vững vàng, đứng vững trước những khó khăn kể cả sự bắt bớ của đạo mà vẫn trung tín cho đến cuối cùng. Một thống kê gần đây đáng sợ cho biết một người cơ đốc trung bình xem TV 20 tiếng đồng hồ mỗi tuần, nhưng chỉ đọc Kinh Thánh có 15 phút (1.25%) và cầu nguyện 6 phút (0.5%) mà thôi! Liệu với thống kê này thì những người cơ đốc sống ở Mỹ đây trong tương lai có thể đứng vững trước những sự bắt bớ, đe dọa của thế gian tối tăm này càng ngày đến cho người tin Chúa không? Nếu làm thống kê ở đây thì sẽ là những con số nào để có thể đo lường mức độ trưởng thành đức tin của Hội Thánh Chúa ở đây? Ai sống ở Florida thì chắc cũng biết điều này, năm nào mà mùa đông càng lạnh thì những người nhà nông trồng cam biết là mùa cam tới sẽ ngọt hơn, có lẽ vì rễ của cây cam càng đâm sâu xuống lòng đất hơn khi gặp khí hậu lạnh? Càng học lời Chúa kỹ càng sẽ càng gíup cho đức tin chúng ta được châm rễ, đứng vững vàng trước những sự hoạn nạn, thử thách và chịu rèn luyện vì chúng ta biết rõ Chúa mình là Đấng Tối Cao, Ngài điều khiển, vận hành và định đóan mọi sự.

 

Vần đề nữa chúng ta cần xét đó là khi chúng ta học hay nghe lời Chúa có để lời đó thấm vào lòng không để giúp cho đức tin của mình được tăng trưởng, hay chỉ giống như “đầu vịt” đổ bao nhiêu nước, ra ngoài bấy nhiêu! Trong Mathiơ 13:3-9… có chép lại một ẩn dụ của Chúa Giê-xu… về “Người Gieo Giống” – “Ngài (Chúa Giê-xu) dùng thí dụ mà giảng nhiều điều cùng họ. Ngài phán như vầy: Có người gieo giống đi ra đặng gieo. Khi đang gieo, một phần giống rơi dọc đường, chim bay xuống và ăn. Một phần khác rơi nhằm chỗ đất đá sỏi, chỉ có ít đất thịt, bị lấp không sâu, liền mọc lên; song khi mặt trời mọc lên, thì bị đốt, và vì không có rễ, nên phải héo. Một phần khác rơi nhằm bụi gai, gai mọc rậm lên, phải nghẹt ngòi. Một phần khác nữa rơi nhằm chỗ đất tốt, thì sanh trái; hoặc một hột ra được một trăm, hoặc một hột sáu chục, hoặc một hột ba chục. Ai có tai, hãy nghe!”  Hạt giống ở trong ẩn dụ này chính là lời hằng sống của Đức Chúa Trờiđất đây chính là tấm lòng thâu nhận của những người nghe. Rõ ràng ẩn dụ này giúp cho chúng ta thấy hạt giống phải bị gieo vào trong lòng đất thì nó mới bắt đầu mọc lên, còn nếu hạt giống nằm trơ trọi ở trên mặt đất thôi thì dù cho đất có tốt đến đâu đi nữa hạt giống đó cũng sẽ chẳng bắt đầu sanh trưởng được. Cũng vậy, lời Chúa nếu một người chỉ nghe ở ngoài tai thôi mà chưa được thấm vào lòng của mình thì sẽ chẳng có sự biến hóa hay đổi mới chi trong đời sống của người đó được? Vấn đề ở đây không phải là “hạt giống”, và nhiều khi cũng không phải là “người gieo giống,” nhưng là bởi đất, là tấm lòng của những người sau khi nghe, nhưng từ chối không chịu nhận lấy cho chính mình.

 

4) Lời Chúa giúp chúng ta nắm chắc sự trông cậy đời đời của mình mà Chúa đã cho biết rõ trong Kinh Thánh. Lời Chúa giúp cho chúng ta không quên rằng mình chỉ là những lữ khách tạm dừng chân ở nơi đây, nên sống vừa đủ là được rồi, nhưng còn phải lo thâu trữ của cải đời đời ở trên trời nữa… là những thứ có gía trị đời đời. Bài chứng đạo cho tháng Tám (www.vietnamesehope.org) vừa viết xong với chủ đề “Cơ Hội Làm Giàu” với mục đích nhắc nhở mỗi con cái Chúa, nếu là người khôn ngoan thì hãy lo làm giàu cho những điều có gía trị trường tồn trong nước thiên đàng nữa. Chúng ta đang sống với thái độ “hướng nhìn tương lai” hay chỉ “cặm cụi” nhìn xuống đất? Anh chị em đã đầu tư của cải gì trên trời chưa? Câu chuyện huyền thoại về một người phụ nữ tín đồ kia, lúc còn sống rất giàu có và đạt được nhiều chức tước cao trọng, nhưng lại sống keo kiệt và chẳng lo nghĩ đến ai hết. Khi chết được thiên sứ tiếp đón và dẫn bà cho xem một ngôi nhà đẹp lộng lẫy và nói đây là ngôi nhà của đứa đầy tớ gái của bà. Bà tự nghĩ, nếu đứa đầy tớ gái của mình mà được ngôi nhà đẹp như vậy thì chắc chắn ngôi nhà của mình phải là một biệt thự tráng lệ còn hơn thế nữa. Đi một chốc, thiên sứ chỉ cho bà thấy một cái chòi nhỏ và nói "đây là căn nhà đời đời của bà." Người phụ nữ sửng sốt, bực dọc thốt lên: "Làm sao tôi có thể ở trong cái chòi đó được mà nó còn xấu hơn căn nhà của đứa đầy tớ tôi sao?" Thiên sứ thản nhiên trả lời: "Rất đáng tiếc, nhưng với những vật liệu bà gởi lên trước cho chúng tôi từ dưới đất, thì chúng tôi không làm sao xây một căn nhà khá hơn được!"

 

Tóm tắt về những ích lợi của lời Chúa cho đời sống chúng ta:

 

a) Thông biết rõ Chúa của mình là ai;

 

b) Biết ý muốn của Chúa cho mình là gì;

 

c) Biết những tiêu chuẩn cho chính con cái Chúa phải sống như thế nào;

 

d) Nuôi đức tin trưởng thành, vững vàng để đối diện những cám dỗ, khó khăn, thử thách;

 

e) Nắm chắc sự trông cậy đời đời của mình, trung tín cho đến khi Chúa Giê-xu trở lại.

 

 

III. Những Pương Pháp Học Kinh Thánh Căn Bản

 

1) Thứ nhất, phải nhờ cậy Chúa Thánh Linh trong sự học Kinh Thánh. Lý do căn bản có chép trong 1 Côr. 2:14 như sau? “Vả, người có tánh xác thịt không nhận được những sự thuộc về Thánh Linh của Đức Chúa Trời; bởi chưng người đó coi sự ấy như là sự dồ dại, và không có thể hiểu được, vì phải xem xét cách thiêng liêng.”  Lời Kinh Thánh của Đức Chúa Trời hằng sống là một ngôn nghữ thuộc linh mà xác thịt/tư tưởng của con người trần tục, tự nó không thể hiểu được, nhưng phải nhờ cậy Chúa Thánh Linh giúp đỡ mình. Tỉ dụ như nếu tôi bật radio/Internet lên để nghe tin tức, nhưng họ nói hay viết bằng tiếng "Nga Sô hay ngôn ngữ Phi Châu" thì dù lời phát ra đó có rõ đến đâu đi nữa, tôi cũng sẽ không thể hiểu được và sự thông tin đó sẽ trở nên vô ích mà thôi, ngoại trừ có người giúp đỡ dịch ra bằng ngôn nghữ của mình. Hồi lúc tôi còn nhỏ đi tu ở Thủ Đức, mỗi ngày sáng ra là phải “đi lễ.” Thời đó các cha bên công giáo còn làm lễ trong tiếng Latin, tôi chẳng hiểu chi hết - mạnh cha, cha nói; mạnh con, con nghủ. Ai có thể hiểu được ý muốn cao sâu của Đức Chúa Trời, chỉ có Chúa Thánh Linh thôi, vì chính Ngài là Ngôi Ba của Đức Chúa Trời, vì vậy mà chúng ta phải nhờ cậy Ngài trong sự học Kinh Thánh.

 

2) Có nhiều cách đọc hay học Kinh Thánh khác nhau như sau:

 

a) Đọc hết sách Kinh Thánh trong vòng một năm. Bắt đầu những sách Tin Lành như là sách Mác (ngắn nhất) về cuộc đời của Chúa Giê-xu xem coi Ngài đã xưng gì về chính mình, đã làm gì, đã dậy dỗ chân lý gì, hứa gì? Sau đó sách Sáng Thế Ký để hiểu sự sống của loài người từ đâu đến, tội tổ tiên, Đức Chúa Trời là Đấng sáng tạo muôn loài và khởi đầu của chương trình cứu rỗi của Ngài bắt đầu từ Ápbraham và một dân chọn riêng của Ngài. Tiếp đến là các lá thư của các sứ đồ Phaolô, Phiêrơ, Giăng… như Philíp, Côlôse, Êphêsô, Galati, Giacơ, 1 và 2 Phiêrơ, 1 Giăng… dạy dỗ những tiêu chuẩn căn bản để chúng ta biết cách ăn ở như thế nào đối với nhau, trong gia đình, Hội Thánh và cả xã hội nữa. Học sách Công Vụ các Sứ Đồ để hiểu biết về sự hoạt động của Chúa Thánh Linh qua Hội Thánh ban đầu như thế nào. Học sách Thi Thiên để biết ca ngợi Chúa.

 

b) Học với sách hướng dẫn, như “Sống với Thánh Kinh” hay “The Daily Bread” và những tài liệu này hoàn toàn “free,” không tốn chúng ta đồng bạc nào. Đi shopping, ai cũng chú ý đến những quảng cáo “đại hạ gía,” hay chỗ nào cho “free,” xăng chỗ nào rẻ hơn 3-5 cents, nhưng chẳng thèm những nguồn lợi “free” có ích cho con người tâm linh của mình. Sách hướng dẫn này thường không có một chủ đề nhất định, chỉ qua một đọan Kinh Thánh, một câu Kinh Thánh gốc gíup cho chúng ta học thuộc lòng lời Chúa, phần giải thích và áp dụng theo sau. Ai cũng biết loại thuốc bổ nổi tiếng “One A Day,” chỉ có công hiệu khi chúng ta uống mỗi ngày một viên; chứ không có uống một lần 30 viên rồi 29 ngày tới không uống nữa; cũng vậy, lời Chúa phải ăn nuốt “One a Day” thì mới có hiệu nghiệm cho sự tăng trưởng của đức tin mình.

 

c) Học theo một chủ đề đặc biệt nào đó, chẳng hạn như những phép lạ của Chúa Giê-xu, cuộc đời của Phaolô, lịch sử của người Do Thái, những Giáo Lý căn bản.

 

d) Học theo một sách nào đó, giống như chương trình của sách cho lớp Trường Chúa Nhật.

 

3) Có nhiều môi trường học Kinh Thánh khác nhau mà mình có thể dự phần: Từ cá nhân để thì giờ riêng mỗi ngày, đến dự các lớp trường Chúa Nhật mỗi tuần. Làm sao mình nhận biết một Hội Thánh đang mạnh khỏe và vững vàng, bằng cách kiểm tra hai điều căn bản sau đây:

 

a) Nhà vệ sinh của Hội Thánh có sạch không? Vì nếu họ có thể giữ gìn được một chỗ hèn kém nhất thì những công việc lớn khác họ đang hoạt động cũng sẽ tốt vậy!

 

b) Có chú trọng đến chương trình học các lớp trường Chúa Nhật không? Những người đến đó có đi học trễ không, có đem theo Kinh Thánh của mình, học bài trước chưa, người hướng dẫn chuẩn bị như thế nào, còn khi vào học thì có hay nói chuyện, tập hát hay hội họp nhiều hơn là chú tâm đến sự học lời Chúa? Những người lãnh đạo của Hội Thánh có dự phần trong các lớp trường Chúa Nhật không? Hội Thánh có nhấn mạnh sự huấn luyện hướng dẫn Kinh Thánh không, hay chỉ khích lệ hội viên đi nhóm (đi lễ) là xong ngày thánh? Vì vậy có nhiều Hội Thánh trông thấy đông người, nhưng nếu thật xét bên trong thì chỉ là một “nhà giữ trẻ” đầy những trẻ em thuộc linh, chưa ăn đồ cứng được, còn uống sữa hoài chăng?

 

Tham gia các nhóm học Kinh Thánh tại gia, hay trong những nhóm nhỏ thích hợp với lứa tuổi và sinh hoạt của mình như cho các bạn sinh viên đại học, nhóm những người có gia đình, những người đã gặp hoàn cảnh khó khăn gia đình (li dị)…

 

4) Có vài điểm căn bản chú ý khi chúng ta học Kinh Thánh.

 

a) Trước hết phải hiểu lời Chúa ở trong “khung cảnh” của Chúa muốn dạy gì (the context)… để chúng ta không bị đi “ra ngoài đề.” Có người hay lấy lời Chúa, tìm kiếm lời Chúa để diễn ý riêng của mình đã có trong đầu sẵn, mà lời Chúa không có dậy vậy, đây là điều rất nguy hiểm và thường đẻ ra những tà thuyết là vậy! Vài thí dụ về sự quan trọng phải hiểu “khung cảnh” của Kinh Thánh như sau:

 

i) Rô-ma 12:20 - “Vậy nếu kẻ thù mình có đói, hãy cho ăn; có khát, hãy cho uống; vì làm như vậy, khác nào mình lấy những than lửa đỏ mà chất trên đầu người.” Ngày xưa người ta không có gas hay điện sẵn, mọi người phải giữ mồi lửa qua đêm trong những cụm than đỏ. Nếu nhỡ mà đống than bị tắt đi thì phải qua nhà người hàng xóm xin để mồi. Người ta đem theo cái chậu để dựng và thường đội trên đầu đi về. Đây là một hành động giúp đỡ, chúc phước cho kẻ thù mình, chứ không có “trả thù” đổ lửa trên đầu họ.

 

ii) Luca 14:26 - “Nếu có ai đến theo ta mà không ghét cha mẹ, vợ con, anh em, chị em mình, và chính sự sống mình nữa, thì không được làm môn đồ ta…” so sánh với STK 27:41“Ê-sau trở lòng ghét Gia-cốp vì cớ cha mình chúc phước cho người, bèn nói thầm trong lòng rằng: Ngày tang của cha đã hầu gần; vậy, ta sẽ giết Gia-cốp, em ta, đi.” Cùng một động từ “ghét,” nhưng dùng khác chữ vì một chỗ có ý nghĩa là “love less” nói về thứ tự ưu tiên trong sự yêu thương, còn một chỗ động từ “ghét” nghĩa là thù ghét là việc làm ác.

 

iii) Giăng 3:16 - “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời.” so sánh với 1 Giăng 2:15-16“Chớ yêu thế gian, cũng đừng yêu các vật ở thế gian nữa; nếu ai yêu thế gian, thì sự kính mến Đức Chúa Cha chẳng ở trong người ấy. Vì mọi sự trong thế gian, như sự mê tham của xác thịt, mê tham của mắt, và sự kiêu ngạo của đời, đều chẳng từ Cha mà đến, nhưng từ thế gian mà ra.” Một chỗ chữ “thế gian” ám chỉ những người sống trên thế gian này mà Chúa đều yêu; còn chỗ khác là những việc làm ác của con người thế gian là điều chúng ta phải ghét bỏ.

 

b) Lời Chúa dạy chính tôi điều gì ngày hôm nay mà có thể áp dụng được? Một phương pháp hay để chúng ta tự xét sau khi học Kinh Thánh… hầu nhắc nhở chúng ta làm theo với năm điều sau đây mà tiếng Anh có chữ vắn tắt là chữ “SPECS:

 

# S – có nghĩa là “Sins to confess” – có tội lỗi nào Đức Thánh Linh đang cáo trách mà mình cần xưng ra ngay không?

# P – có nghĩa là “Promise to claim” – có lời hứa nào của Chúa mà mình sẽ nhận lấy hôm nay không?

# E – có nghĩa là “Example to follow” – có tấm gương nào phản ảnh Chúa Giê-xu mà mình bắt chước làm theo được không?

# C – có nghĩa là “Command to obey” – có mạng lệnh nào mình cần phải vâng theo không?

# S – có nghĩa là “Stumble block to avoid” – có một bẫy cám dỗ nào mình cần tránh xa hay từ bỏ ngay không?

 

 

IV. Thực Hành Lời Chúa

 

Không phải chỉ học biết lời Chúa mà thôi, nhưng chúng ta phải thực hành lời Chúa nữa. Một trong những nan đề của nước Mỹ hiện nay là bịnh “mập ú,” nhất là cho tuổi thiếu niên, lý do là vì các trẻ em ăn uống nhiều “junk food,” nhưng lại ít thể dục, suốt ngày cứ ngồi trước máy video game hay là Internet mà thôi. Con cái Chúa cũng vậy, nếu chúng ta chỉ biết học mà không hành lời Chúa thì cũng dễ bị căn bịnh “mập phì” hay “đầu to;” nếu không cố gắng làm theo những điều mình đã học biết. Trong Giacơ 1:22-27 sứ đồ Giacơ khuyên gì? - Hãy làm theo lời, chớ lấy nghe làm đủ mà lừa dối mình. Vì, nếu có kẻ nghe lời mà không làm theo thì khác nào người kia soi mặt mình trong gương, thấy rồi thì đi, liền quên mặt ra thể nào. Nhưng kẻ nào xét kĩ luật pháp trọn vẹn, là luật pháp về sự tự do, lại bền lòng suy gẫm lấy, chẳng phải nghe rồi quên đi, nhưng hết lòng giữ theo phép tắc nó, thì kẻ đó sẽ tìm được phước trong sự mình vâng lời. Nhược bằng có ai tưởng mình là tin đạo, mà không cầm giữ lưỡi mình, nhưng lại lừa dối lòng mình, thì sự tin đạo của người hạng ấy là vô ích. Sự tin đạo thanh sạch không vết, trước mặt Đức Chúa Trời, Cha chúng ta, là thăm viếng kẻ mồ côi, người góa bụa trong cơn khốn khó của họ, và giữ lấy mình cho khỏi sự ô uế của thế gian.  Một đời sống làm đẹp lòng Chúa rõ ràng cần hai yếu tố: nghe và làm theo lời của Chúa. Muốn như vậy thì chúng ta phải đặt ưu tiên hai điều này trong cuộc sống mình. Câu chuyện của hai vợ chồng dọn về sống ở tiều bang Newyork và rất thích đi nghe nhạc hòa tấu. Họ ghi danh đi xem một ban hoà tấu nổi tiếng cả đến gần một năm trời mới mua được hai cái vé; Khi vào thì thấy mọi chỗ ngồi đã đầy người, nhưng bên cạnh mình là một người phụ nữ đã lớn tuổi, ngồi một mình, bên cạnh là một 1 cái ghế trống. Ông chồng ngạc nhiên vì tự nghĩ khó lắm mới mua được một cái vé để xem ban nhạc hoà tấu này mà sao người phụ nữ này lại có một ghế trống bên cạnh. Ông chồng tò mò và hỏi người phụ nữ tại sao bà lại có một cái ghế trống như vậy? Bà trả lời: "đó là chỗ của ông chồng tôi!" Người đàn ông lại tò mò hỏi tiếp: "Ủa tại sao ông không đi được, đau ốm gì chăng?" Người phụ nữ trả lời: "Thưa ông không! nhưng chồng tôi vừa mới qua đời..." Người đàn ông chia buồn cùng bà và nói: "Thế sao bà không cho một người bạn khác đi thế chỗ cho ông?" Người phụ nữ trả lời: "Không được, vì những người bạn của ông đang đi dự lễ tang của chồng tôi!"  Chuyện khôi hài, vì chúng ta thấy người phụ nữ này ham thích nghe nhạc hoà tấu hơn là đi dự chính đám tang của chồng mình là điều ưu tiên; nhưng thật ra trên đời, cũng đang có biết bao nhiêu người cơ đốc sống giống như vậy, mỗi ngày họ đang đánh mất đi sự ưu tiên trong cuộc sống của mình, đó là ăn nuốt và thực hành lời Chúa!

 

Sứ đồ Giacơ nhấn mạnh sự quan trọng về việc làm, đi theo ngay sau khi đã nghe lời Chúa bằng thí dụ của một người sau khi đã soi mặt mình trong gương thấy những vết dơ trên mặt, mà rồi bỏ đi không làm chi hết thì thật là vô ích chăng? “Tấm gương soi mặt” trong câu 23 đây chính là lời hằng sống của Đức Chúa Trời. Đây có thể là những mạng lệnh của Chúa để giúp cho chúng ta khi soi vào sẽ cáo trách cho thấy những lỗi lầm của mình, mà biết ăn năn, xưng ra và sửa đổi; nhưng nếu thấy rồi mà không chịu từ bỏ, lau sạch đi những vết dơ đó thì sự thấy đó cũng vô ích mà thôi. Câu chuyện một đứa đệ tử hỏi thầy mình, gía trị của đức tin ở đâu? Ông thầy đưa cho nó một cái xô (bucket) bảo ra sông múc nước về, sau đó sẽ chỉ dậy cho biết. Nhưng cái xô là một cái xô lủng, có nhiều lỗ… khi về đến nhà, nước chảy ra hết. Cứ thế mà làm ba lần, rồi ông thầy mới dạy đứa đệ tử hiểu, nếu múc nước bằng một cái xô lủng thì là vô ích, thì đức tin mà chỉ nghe thôi, không làm chi hết thì cũng vô ích mà thôi. Như vậy gía trị của đức tin ở chỗ làm theo lời đã học biết! Đời sống công bình của một con cái Chúa là gì? Không phải chỉ nghe lời Chúa thôi, nhưng còn phải thực hành, làm theo sau khi đã nghe thì mới gọi là trọn vẹn. Vì vậy mà có người nói một câu rất hay: “An act of obedience is worth more than 1,000 sermons.” Tạm dịch: “Một hành động vâng lời có gía trị hơn là 1,000 bài giảng!”  Trong câu 25, chúng ta thấy sứ đồ Giacơ dùng nhiều động từ, nhắc c/ta phải làm thường xuyên thực hành luôn để khỏi quên đó là xét kỹ, suy gẫm và giữ theo thì làm sao quên được phải không? “Nhưng kẻ nào xét kĩ luật pháp trọn vẹn, là luật pháp về sự tự do, lại bền lòng suy gẫm lấy, chẳng phải nghe rồi quên đi, nhưng hết lòng giữ theo phép tắc nó, thì kẻ đó sẽ tìm được phước trong sự mình vâng lời.”  Trong câu này sứ đồ Giacơ dạy dỗ có ba điều căn bản chúng ta cần thực hành:

 

1) Thứ nhất là việc cầm giữ miệng lưỡi hay gọi là lời nói của mình. Nếu một người giảng đạo, làm chứng đạo, sống đạo mà chưa tự cai trị chính lời nói, miệng lưỡi  của mình thì câu hỏi là đạo đó có ảnh hưởng chi không? Chúa Giê-xu vẫn thường dậy, lời nói phát xuất ra của một người phản ảnh gì trong tấm lòng của người đó; Nếu lòng xấu thì tự nhiên lời phát ra sẽ là xấu; còn nếu lòng tốt thì lời noí không thể nào xấu được. Mỗi người hãy tự xét xem lời nói của mình trong ngày Chúa Nhật so sánh với những ngày khác như thế nào? Có sự mâu thuẫn không khi chúng ta ăn ở và đối xử với những người xung quanh ở ngoài Hội Thánh?

 

2) Theo sau việc này, thì sứ đồ Giacơ nhắc đến những việc làm thực tế nữa của đạo thật đó là chăm sóc nhu cầu của những kẻ mồ côi và người góa bụa vì hai nhóm người này trong thời đó là những kẻ yếu kém, không tự giúp mình được. Điều sứ đồ Giacơ muốn nói ở đây về sự thực tế của đạo lành đó là những việc lành phục vụ những người khác theo sau chứ không chỉ ở trên môi miệng mà thôi. Sứ đồ Giacơ cũng nhắc thái độ khi làm những việc lành này phải là thánh sạch. Đây có nghĩa là làm với tinh thần “vô vụ lợi” – không mong được trả ơn, và cũng không vì mục đích để có ích cho danh thơm tiếng tốt của riêng mình, nhưng vì lòng yêu mến Chúa, cho sự vinh hiển của Chúa. Giúp đỡ những nhóm người khốn khổ này mà họ sẽ không thể trả ơn lại cho chúng ta thì chắc chắn Chúa sẽ trả công, ban lại phần thưởng cho chúng ta trong ngày sau rốt. Câu chuyện của một vị tu sĩ đi lên xe lửa, bị trợt mất một chiếc giầy. Ông bèn lột chiếc bên kia và quăng xuống xe luôn.  Một người đi cùng lấy làm lạ hỏi tai sao ông làm điều đó? Vị tu sĩ trả lời: “Tôi đã đánh mất một chiếc giầy; chiếc còn lại cũng vô ích cho tôi, cho nên tôi liệng nó đi và mong người nào lượm được cả hai thì có ích cho họ!” Đời sống luôn nghĩ đến những người yếu hèn hơn mà giúp đỡ vì Chúa thương mình.

 

3) Điều thứ ba, đó là giữ mình cho khỏi sự ô uế của thế gian. Chúng ta là con cái thuộc của Chúa, không thuộc của thế gian, nhưng còn ở giữa thế gian thì phải sống đạo bằng cách tránh khỏi những việc làm ô uế của thế gian. Những điều ô uế ngày hôm nay thì không thiếu, đầy dẫy xung quanh chúng ta, trên mạng lưới Internet, TV, trong phim ảnh, nhạc lý, những chuyện ở Mỹ, ở Việt-nam, tham nhũng, gian ác, không sao kể hết được.

 

Muốn tránh khỏi sự ô uế của thế gian, chúng ta cần ba điều căn bản sau đây:

 

a) Thường xuyên suy gẫm lẽ thật là lời hằng sống của Chúa luôn, để biết phân biệt, nhận diện ra những điều nào là điều ô uế mà tránh xa, không theo tiêu chuẩn của đám đông hay của thế tục này, nhưng theo luật pháp, mạng lệnh, điều răn của Chúa có chép trong Kinh Thánh.

 

b) Nhờ cậy quyền năng của Chúa Thánh Linh để thắng tư dục xác thịt của mình. Dấu hiệu rõ ràng của người hay nhờ cậy Chúa Thánh Linh là người đó hay cầu nguyện về mọi quyết định trong đời sống hằng ngày của mình.

 

c) Luôn tận hiến cuộc đời của mình để cho Thánh Linh làm Chủ, dẫn dắt và cai trị hoàn toàn. Trong Mathiơ 16:24 – Chúa Giê-xu phán: “Đức Chúa Jêsus bèn phán cùng môn đồ rằng: Nếu ai muốn theo ta, thì phải liều mình, vác thập tự giá mình mà theo ta.”  Anh chị em có biết thập tự giá của mình là gì không? Một trong những thập tự của mình phải vác mỗi ngày đó là trao quyền tự do quyết định của đời sống mình cho Chúa Thánh Linh tể trị.

 

Lý do tại sao Hội Thánh của Chúa noí chung có khi chậm lại hay bị ngừng tăng trưởng? Câu trả lời là vì những hội viên và gia đình thuộc của Hội Thánh đó ngừng tăng trưởng. Lý do tại sao đời sống của những con cái Chúa, gia đình trong Hội Thánh đó ngừng tăng trưởng? Câu trả lời là vì họ đã ngừng nghe và ngừng làm theo lời Chúa dạy, mặc dù có đi nhóm thường xuyên đi nữa. Ngược lại, nếu mỗi con cái Chúa chịu khó thường học và hành lời Chúa thì chắc chắn sẽ có sự tăng trưởng luôn. Trong Kinh Thánh Thi Thiên 1:2-3 - Lời Chúa tóm tắt cho thấy hình ảnh về đời sống của một người cơ đốc mạnh khỏe, giống như một cái cây sanh tươi, xum xuê, vì được trồng gần dòng nước – “Người ấy sẽ như cây trồng gần dòng nước, Sanh bông trái theo thì tiết, Lá nó cũng chẳng tàn héo; Mọi sự người làm đều sẽ thạnh vượng.”  Lý do đời sống tâm linh của một con cái Chúa được vững vàng là vì người đó “… lấy làm vui vẻ về luật pháp của Đức Giê-hô-va, và suy gẫm luật pháp ấy ngày và đêm.”

 

Anh chị em có muốn Hội Thánh của Chúa ở đây được tăng trưởng, lớn lên, sanh tươi, xum xuê, thịnh vượng cho sự vinh hiển của Ngài không? Điều này chỉ có thể trả lời, nếu mỗi người chúng ta bắt đầu thực sự chịu nghe lời Chúa và ra về làm theo ba điều căn bản của đạo đó là: 1) cầm giữ miệng lưỡi, 2) làm việc lành, phục vụ những người khác, và 3) tránh xa những ô uế của thế gian thì “đạo” sẽ được phát triển, lớn lên và Hội Thánh của Chúa sẽ được phước. Amen!

 


--------------- Lời Mời Gọi

 

Thân thể của anh chị em có đang khỏe mạnh không?  Có lẽ khỏe mạnh hay không là tùy ở chúng ta đang nuôi nó với những thức ăn gì, hay có chương trình thể dục thường xuyên không? Nhưng tôi muốn hỏi lại: “Thân thể thuộc linh” của anh chị em có đang khoẻ mạnh không? Khỏe hay không cũng vậy là nhờ mình đang nuôi tâm linh của mình bằng những thức ăn thuộc linh nào, phải không? Anh chị em đang nuôi thân thể tâm linh mình bằng gì? Có bằng lời của Chúa không?  Chúa Giê-xu đã một lần phán gì trong Mathiơ 4:4“Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, song nhờ mọi lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời.”  Muốn ăn nuốt lời Chúa thì điều tự nhiên trước tiên đó là mỗi người chúng ta phải chịu nghe.  Anh chị em có đang chờ đợi và mong muốn được nghe tiếng Chúa phán cùng mình không?  Có những dấu hiệu thực tế nào mỗi ngày, để chúng ta làm chứng là thật muốn nghe tiếng Chúa? Bao nhiêu thì giờ mình đang để dành riêng ra ưu tiên để nghe tiếng Chúa? Có tham dự các lớp Trường Chúa Nhật mỗi tuần, hay những buổi học Kinh Thánh không?

 

Nghe rồi, bây giờ làm gì đây,hay là đang lấy nghe làm đủ không? Có sẵn sàng điều chỉnh lại thời khóa biểu của mình để thực hành lời Chúa không? Cầm giữ miệng lưỡi mình, phục vụ những người yếu hèn khác trong danh Chúa và tránh xa những ô uế của trần tục này. Đức tin của anh chị em sẽ ra sao trong những ngày sau rốt? Đức tin thuộc loại rẻ tiền, “instant noodles” hay rất quí gía làm vui lòng Chúa? Anh chị em có để ý nhận thấy quyền lực của ma quỉ ngày càng mạnh không qua phim ảnh, nhạc lý, lý thuyết đời trần tục này, sự bắt bớ đạo và chèn ép người cơ đốc. Anh chị em và tôi có sẽ đứng vững trong những cơn giông đang tiến tới không? Nếu không nhờ cậy Chúa thì làm sao đứng vững, không nhờ cậy lời Chúa thì làm sao chúng ta tránh không bị dụ dỗ đây?

 

Bạn có đang nghe gì không? Nghe tiếng Chúa mời gọi bạn đến với Ngài, để nhận sự cứu rỗi linh hồn không? Kinh Thánh/lời Chúa đang mời gọi: “Kìa, hiện nay là thì thuận tiện; kìa, hiện nay là ngày cứu rỗi!” (2 Côr. 6:2) Mong bạn đáp ứng lời mời gọi mà đến tin nhận Cứu Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời Chí Cao, từ trên trời giáng xuống để cứu chuộc bạn khỏi sự đoán xét của tội lỗi và ban cho bạn sự sống đời đời trong nước thiên đàng. Đừng chần chờ, vì sẽ có lúc nào đó tiếng mời gọi của Chúa không còn nữa, rồi bất ngờ một ngày bạn thức dậy trong sự hư mất và sẽ nuối tiếc đời đời sao? Đức Chúa Trời đã hy sinh Con một của Ngài chết một cách nhục nhã trên cây thập tự gía cho bạn rồi, sự phán rõ ràng thì không còn có một lý do nào để bạn có thể bào chữa nữa trong ngày tận thế! Con người c/ta sẽ không tìm được ý nghĩa thật cho cuộc sống này bằng những mối liên hệ nào khác, cho đến khi con người tìm lại được mối tương giao với Chúa. Không có “chỗ hỗng” nào trong tâm linh của bạn mà có thể lấp đầy, thỏa mãn bởi tình yêu thương của Chúa đã làm trọn qua Con Ngài ở trên cây thập tự gía được hết. Mọi vật chất ở trên đời này sẽ đi vào chỗ hư vong một ngày, cuộc sống sẽ chóng tàn, chấm dứt một lúc và chỉ còn lại lời hằng sống của Chúa mới có thể cứu linh hồn của bạn và tôi mà thôi! Thật mong bạn mau quay trở về với Ngài, ngay hôm nay!

 




Studying and Doing the Word

(James 1:22-27)

 

“Do not merely listen to the word, and so deceive yourselves. Do what it says.”

 

Health is the main focus for the Americans because without a good health, a person cannot live long and enjoy life. To gain a good health, people always emphasize on the needs of nutritious foods and regular exercise programs. For the spiritual body, we also need the food and exercise that are studying and doing God’s word to stay healthy. Jesus once taught a parable of the vine and branch to illustrate this importance. In this parable, the vine symbolizes Jesus in whom all branches are formed. Jesus’ will for us is to produce good fruits. How can we do this? First, God’s word helps us to know Him personally and His will for our life. God’s word provides the “sap” for us to produce fruits and the greatest one is the “agape” love. The faith of a Christian can be strengthened as he roots in God’s word day and night. God’s word helps us to sharpen our hope even during difficult times. There are many different ways to study the Bible: 1) Read the whole Bible through in one year by individually; 2) Study daily with the help of a devotion book; 3) Study a special topic with small home Bible study groups; or 4) Study through a Bible book as in the Sunday School program. There are two basic steps in studying the Bible: 1) What is the context of God’s word? And 2) How can I apply it? The following acronym helps us to remember at least five things we can practice after studying the Bible “SPECS”: S – Sins that we need to confess; P – Promises that we can claim; E – Examples we can imitate; C – Commands that we should obey; and S - Stumble blocks that we should avoid. An effective Christian life cannot be completed until he does the word. The apostle James compared a person just hearing the word and doing nothing is liked a person looks at himself in the mirror and then walks away. There are three basics things that Christians should be doing as proofs of a real religion: 1) Controlling the tongue; 2) doing good deeds; and 3) the abstinence from the immoral things of this world. Do you often take an inventory of your words on Sunday and compare them with the rest of the week? Is there any contradiction? A real religion always meets others’ needs. The attitude of doing good deeds should be pure; that means not for the purpose of showing off, but to please God. How can we live in this dark world and keep ourselves from being polluted from the world? We need the Word, the help of the Holy Spirit and our surrender to the Lord Jesus daily. It is true when someone said: “An act of obedience is worth more than 1,000 sermons.” May we pursue a righteous life to please God with a desire of studying and doing His word!

Pastor Vinh Nguyen

August 15, 2010