Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 29

Cảm Tạ Thượng Đế

Rôma 6:23

 

“Vì tiền công của tội lỗi là sự chết; nhưng sự ban cho của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Đức Chúa Jêsus Christ, Chúa chúng ta.”

 

 

Mỗi khi “lá vàng rơi,” sự mát mẻ của mùa Thu lại nhắc nhở mỗi người chúng ta về một ngày lễ mang đầy ý nghĩa, đó là lễ “Tạ Ơn.” Trong những ngày này, có nhiều người ở khắp mọi nơi sẽ về xum họp vui vẻ với gia đình của mình. Có lẽ ai cũng thích ngày lễ này, ngoại trừ một loài vật mà thôi, đó là những con gà tây, vì sẽ có cả trăm ngàn con gà tây bị làm thịt, để có những món ăn ngon miệng cho nhiều gia đình.  Thật ra, lễ Tạ Ơn không phải là ngày lễ của “con gà tây,” nhưng nguồn gốc của lễ Tạ Ơn này bắt đầu từ khi những người Anh Quốc đầu tiên trốn tránh qua nước Mỹ, vì sự cưỡng bách của tôn giáo. Tuy những người di dân này đã gặp nhiều khó khăn và bệnh tật trong những năm đầu, nhưng họ đã vượt qua được. Từ đó, có một truyền thống là mỗi năm vào mùa Thu, sau khi họ đã gặt hái xong, thì dành riêng ra một ngày để cảm tạ Trời. Đến năm 1941, Quốc hội Mỹ đã chính thức để dành ra ngày thứ Năm của tuần lễ thứ tư trong tháng 11 của mỗi năm, để cảm tạ Thượng Đế, và đặt tên là lễ Thanksgiving (lễ Cảm Tạ). 

 

 

I. Tinh Thần Tạ Ơn

 

          Đây là một truyền thống rất hay, mà mỗi chúng ta nên bắt chước và làm theo trong mùa lễ Tạ Ơn này.  Khi nói đến tinh thần “Tạ Ơn, thì người Việt chúng ta cũng có những câu ca dao, tục ngữ như sau đề cao lòng biết ơn: Cây có cội, nước có nguồn; ăn trái nhớ kẻ trồng cây. Mỗi khi mùa lễ cảm tạ đến, tôi lại hình dung đến cặp vợ chồng người ngoại quốc đã một lần bảo trợ gia đình chúng tôi trong những ngày tháng đầu tiên trên đất Mỹ xa lạ này.  Thật, ơn đó thì chúng tôi lấy chi mà báo đền cho đầy đủ được. Giữa tình người với nhau chúng ta còn biết ơn, thì huống gì đối với Thượng Đế, chúng ta không bày tỏ được lòng cảm tạ vì Ngài đã dựng nên và hằng ngày ban cho mỗi chúng ta sức sống sao? Nếu chúng ta ăn cơm của Trời ban, thở không khí của Trời cho không tốn một xu nào, mà không biết ơn Ngài thì thật là một điều thiếu xót.  Trong các mối liên hệ, nếu làm con mà không nhớ ơn cha mẹ đã sinh thành ra mình, nuôi dưỡng mình khôn lớn cho đến lúc “nên người, thì đã phạm trọng tội “bất hiếu” rồi, thì huống gì làm người mà không biết ơn Thượng Đế thì thật đã phạm “đại tội bất ơn chăng?  Có lẽ chúng ta chưa biết cảm tạ Thượng Đế bởi vì chúng ta chưa thật sự nhận biết được Ngài là ai chăng?

 

 

II. Thượng Đế là Ai

                  

Lòng cảm tạ bắt đầu khi chúng ta nhận thức được Đấng hay những người đã ban ơn, ban phước cho mình trong những lúc mình gặp khó khăn hay thiếu thốn.  Đối với Thượng Đế, chúng ta cần cảm tạ Ngài là vì trước hết “Thiên sanh nhân, chính Ngài đã tạo dựng nên mỗi chúng ta. Trong Kinh Thánh sách đầu tiên, câu đầu tiên giúp cho chúng ta biết được tên của Ngài và việc sáng tạo Ngài đã làm: Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất,” và sau đó chính Đức Chúa Trời đã dựng nên loài người “như hình Ngài... (Sáng Thế Ký 1:1,27).  Khi quan sát nhìn thấy tạo vật thiên nhiên xung quanh được dựng nên một cách lạ lùng, thì ấy là dấu chứng rõ ràng về sự hiện hữu của một Đức Chúa Trời tối cao. Có thể nào chúng ta nhìn lên trên cao, nói đó là bầu trời, mà lại từ chối có một Ông Trời đã dựng nên nó chăng? Tôi thấy cũng lạ, chúng ta được dựng nên thật tốt đẹp “giống hình của Đức Chúa Trời từ lúc ban đầu, mà sao con người thì cứ thích mình được giống các thú vật.  Chẳng hạn như giả thuyết của Darwin cho rằng tổ phụ loài người từ giống khỉ biến dạng mà ra. Thấy cũng lạ, nếu thuyết này đúng thì sao trong sở thú tôi vẫn thấy còn nhiều những con khỉ.

 

 

III. Đức Chúa Trời ban cho Sức Sống

                  

Người Việt chúng ta cũng có câu ca dao: “Trời sinh thì Trời dưỡng, trăm sự cũng nhờ Trời. Đây có nghĩa là Đức Chúa Trời không phải đã dựng nên chúng ta thôi, nhưng Ngài cũng ban cho chúng ta sức sống dư dật hằng ngày nữa.  Chính Đức Chúa Trời đã ban cho mỗi chúng ta hơi thở, sức khỏe và tình cảm để sống mỗi ngày.  Có người đã nói, mỗi người phải cảm tạ Trời 26,000 lần mỗi ngày, bởi vì trung bình mỗi người chúng ta hít vào và thở ra 26,000 lần mỗi ngày.  Cứ thử xem, khi bị dị ứng (allergy) ngẹt thở vài phút thì thấy khó chịu như thế nào?  Nắng mưa ai đã tạo nên?  Trong những cơn giông tố, bệnh hoạn ai có thể ngăn chận và chữa lành được?  Mọi sự trong đời sống của chúng ta đều ở trong “bàn tay mầu nhiệm của Đức Chúa Trời. Vì thế những người Việt làm nghề nhà nông, tuy ít học, nhưng họ biết rõ sức sống đến từ Đấng Sáng tạo, cho nên họ thường nói: Lạy Trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày, lấy đầy bát cơm, lấy rơm đun bếp... Có phải ngày nay chúng ta không còn cày ruộng hay dùng bếp đun bằng rơm nữa, nên mình đã quên ơn Trời rồi ư?  Tôi rất thích xem TV đài “Discovery Channel/Planet Earth vì thấy sự xếp đặt tinh vi, lạ lùng của Thượng Đế duy trì sự sống và sức sống của mọi loài, từ dưới đáy biển cả cho đến những loài côn trùng ở nơi sâu vút trong rừng rậm.  Thật giống như lời Kinh Thánh trong sách Thi Thiên 104:27-28, tác giả đã bày tỏ quyền năng của Thượng Đế ban cho mọi loài sức sống như sau: “Hết thảy loài vật này trông đợi Chúa, hầu cho Chúa ban cho đồ ăn chúng nó theo giờ.  Chúa ban cho chúng nó, chúng nó nhận lấy; Chúa xòe tay ra, chúng nó được no nê vật tốt.  Chúa giấu mặt, chúng nó bèn bối rối, Chúa lấy hơi thở chúng nó lại, chúng nó bèn tắt chết, và trở về bụi đất. 

 

 

IV. Ban Cho Sự Sống Đời Đời

         

Vì Thượng Đế đã tạo dựng nên mỗi chúng ta một cách đặc biệt có “hình giống Ngài và “sanh khí của Ngài, nên con người có phần “linh mà chẳng có một loài vật nào khác có cả.  Sách xưa có câu “Thiên sanh vạn vật, duy nhân tối linh, có nghĩa là Trời sinh ra mọi vật, duy con nguời là có linh hồn.  Nhưng vì tổ phụ loài người đã một lần phạm tội (có chép trong sách Sáng Thế Ký 3), nên phần “linh của mọi người đã bị hư hỏng và không có điều gì con người có thể tự làm được, để hàn gắn lại mối tương giao với Đức Chúa Trời.  Vả lại, theo sự thánh khiết và công bình của Đức Chúa Trời thì “linh hồn nào phạm tội sẽ chết (Giêrêmi 18:4). Định mệnh của hết thảy chúng ta đó là sự hư hỏng đời đời trong địa ngục vì lời Kinh Thánh đã khẳng định trong sách Rôma 3:23 như sau: “vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời,” và hậu quả của tội lỗi trong Rôma 6:23 là “tiền công của tội lỗi là sự chết...” Nhưng cảm tạ Chúa vì Ngài còn là Đấng Yêu Thương như có chép trong sách 1 Giăng 4:8b như sau: “Ai chẳng yêu, thì không biết Đức Chúa Trời; vì Đức Chúa Trời là sự yêu thương.” Và vì quá yêu thương loài người là giống có “hình ảnh của mình” nên Đức Chúa Trời đã bằng lòng hóa thân thành Người, hơn 2,000 năm trước đây, bước vào đời qua hình hài của Cứu Chúa Giê-xu, để chịu chết đóng đinh và đổ huyết trên thập tự giá, làm giá chuộc lại mỗi người chúng ta.  Qua Chúa Giê-xu, bất cứ ai sẵn sàng tin nhận Ngài thì sẽ được “tái sanh,” từ những kẻ tội nhân mà có quyền phép trở lại làm con của Đức Chúa Trời như lời hứa có chép trong sách Giăng 1:12 như sau: “Nhưng hễ ai đã nhận Ngài (Chúa Giê-xu), thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Đức Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin danh Ngài.”

 

Một sự kiện sôi nổi trên tin tức vừa xảy ra trong một mỏ đồng và vàng ở bên San Jose, Chile bị sụp và 33 người nhân công làm mỏ bị máng sâu ở dưới lòng đất gần nửa dặm, nhưng vừa được cứu thoát. Chắc rằng khi những người này còn bị máng ở dưới lòng đất lạnh và thiếu ánh sáng mặt trời như vậy gần 70 ngày, phần nào diễn tả cho chúng ta thấy một góc nhỏ của hình ảnh địa ngục là như thế nào. Khi họ được cứu thoát lên khỏi chỗ tối tăm này và được xum họp lại với gia đình thì đem đến biết bao nhiêu niềm vui, hân hoan không phải cho họ mà thôi, nhưng còn cho cả một quốc gia vì không một ai muốn sống ở dưới đó hết, phải không? Thấy cũng lạ, ở dưới đó là một mỏ vàng và kim loại quí gía mà sao không ai muốn sống ở dưới đó? Vì sự sống là vô giá, không thể lấy chi so sánh hay đổi chác được, nếu ở dưới đó, họ biết họ sẽ chết mất mà thôi! Hình phạt địa ngục còn kinh khủng hơn là bị máng ở dưới mỏ kim loại này, và đây chính là định mệnh cuối cùng của mỗi người chúng ta. Nhưng Đức Chúa Trời đã sai Con Ngài là Cứu Chúa Giê-xu đến vì Đấng đó có quyền năng để thay đổi định mệnh của chúng ta và cứu chúng ta ra khỏi sự phán xét của tội lỗi.  Chúa Giê-xu có quyền năng cứu thoát chúng ta khỏi hình phạt địa ngục qua chính sự chết của mình để làm giá chuộc tội cho hết thảy chúng ta và thỏa mãn sự công bình của Đức Chúa Trời, để rồi bất cứ ai dám tin nhận Ngài sẽ không còn bị đoán phạt nữa. Chính lời Chúa Giê-xu đã hứa có chép trong sách Giăng 11:25 như sau: “Ta là sự sống lại và sự sống; kẻ nào tin Ta thì sẽ sống, mặc dầu đã chết rồi.

 

Bạn có biết định mệnh cuối cùng của cuộc đời mình là gì không? Bạn có muốn thay đổi định mệnh này không? Hãy ăn năn tội và chạy đến Chúa Giê-xu mà nhờ cậy Ngài, vì chỉ có một mình Chúa Giê-xu là Đấng có quyền năng để cứu chúng ta mà thôi. Hãy đến với Chúa Giê-xu vì lời Kinh Thánh trong Rôma 10:13 đã khẳng định con đường cứu rỗi cho chúng ta đó là “Vì ai kêu cầu danh Chúa thì sẽ được cứu.”  Tỉ dụ như bạn là một trong 33 người nhân công làm mỏ bị máng ở trong cái mỏ kim loại bên San Jose, Chile và khi cái lồng sắt được thòng xuống để cứu vớt bạn lên mặt đất, nhưng vì lý do gì đó bạn khăng khăng không chịu bước vào lồng sắt đó để người ta kéo mình lên, thì bạn có sống được không? Có sẽ thấy những người thân yêu của mình lại nữa không?  Cũng vậy, nếu Đức Chúa Trời yêu thương bạn và ban cho Con Ngài xuống thế gian để cứu bạn mà không đòi một gía nào phải trả, bạn chỉ lấy đức tin kêu cầu danh Cứu Chúa Giê-xu thì được cứu; nhưng bạn cứ khăng khăng chẳng chịu tiếp nhận Ngài, thì bạn có thể nào thóat khỏi sự phán xét của sự hư mất mà được sự sống đời đời được không? Hãy ăn năn tội và quay trở về với Đức Chúa Trời và kêu cầu danh của Con Ngài là Cứu Chúa Giê-xu, ngay lúc này, đừng trì hoãn, đừng chậm trễ nữa.

                  

Một chuyện thần thoại về hai thiên thần được Chúa sai xuống trần gian thâu lượm những lời cầu xin và cảm tạ của loài người. Sau một thời gian trên đất, vị thiên thần có trách nhiệm thâu lượm những lời cảm tạ thì đi về nhẹ nhàng vì chỉ tìm được ít lời cảm tạ thôi. Còn vị thiên thần kia trở về mang theo bao nỗi nặng nề đến còng lưng vì trong túi của mình đầy những lời than thân trách phận của loài người.  Bạn và tôi sẽ là loại người nào trong mùa lễ Tạ Ơn năm nay?  Chúng ta có là người cứ than ngắn thở dài, hay sẽ là người luôn đếm các sự ban cho của Chúa và bày tỏ lòng biết ơn Ngài bằng cách ăn năn tội, mở lòng mình tiếp nhận món quà cứu rỗi của Ngài đã ban cho trong Cứu Chúa Giêsu không? Hãy từ bỏ các tà thần tượng chạm mà quay trở về với Đức Chúa Trời, kêu cầu danh của Chúa Giê-xu để bạn được cứu ngay hôm nay, khi bạn còn có cơ hội. Hãy hết lòng cảm tạ Đức Chúa Trời luôn luôn!     

                       

Mục Sư Nguyễn Trọng Vinh

vinh.nguyen@c-ka.com

                                                    November     

                                                  2010 


Offer Your Thanksgiving to God - (Romans 6:23)

 

When the weather gets cooler each year, it again reminds us a special season of Thanksgiving. Naturally, gratitude is an expression of thanksgiving among mankind when we receive help or blessings from others. It should also be natural to express our gratitude to God Who created us and gives us all provisions for life. More than this life, God even gave us His only Son so that through Him we can be saved from the eternal punishment of sin. The Son of God came more than 2,000 years ago, died and redeemed us back to God by His own blood on the cross. The Son of God gives us the power to become God’s children and the hope of living eternally in His kingdom one day. God gives this gift without any condition; just by faith, you call upon the name of the Lord Jesus to be saved today. This is the best way that you can offer your gratitude to the God Who has created you. Have a blessed Thanksgiving in Christ Jesus!