Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 31

Biết Ơn Chúa Vì Được Tha Thứ

(Luca 7:36-50)

www.vietnamesehope.org

 

Mỗi khi nhìn thấy “lá vàng rơi,” và cảm thấy khí hậu mát mẻ lại làm dấu hiệu của mùa Thu đã đến thì cùng một lúc, nó lại nhắc nhở mỗi người chúng ta về một ngày lễ mang rất nhiều ý nghĩa… đó là lễ “Tạ Ơn.” Có lẽ ai sống ở Mỹ cũng đều thích ngày lễ này, ngoại trừ một loài vật mà thôi đó là những con gà tây, vì sẽ có cả trăm ngàn con gà tây bị làm thịt, để có những món ăn ngon miệng cho nhiều gia đình. Nhưng thật ra, lễ Tạ Ơn không phải là ngày lễ của “con gà tây,” nhưng nguồn gốc của lễ Tạ Ơn này bắt đầu từ khi những người Anh Quốc đầu tiên trốn tránh qua nước Mỹ, vì sự cưỡng bách của tôn giáo. Tuy những người di dân này đã gặp nhiều khó khăn và bệnh tật trong những năm đầu tiên, nhưng họ đã vượt qua được. Từ đó, có một truyền thống là mỗi năm vào mùa Thu, sau khi họ đã gặt hái xong, thì dành riêng ra một ngày để cảm tạ Trời. Và đến năm 1941, Quốc hội Mỹ đã chính thức để dành ra ngày thứ Năm của tuần lễ thứ tư trong tháng 11 của mỗi năm, để cảm tạ Thượng Đế và đặt tên là lễ Thanksgiving (lễ Cảm Tạ). 

 

 

I. Tinh Thần Tạ Ơn

 

Đây là một truyền thống rất hay, mà mỗi chúng ta nên bắt chước và làm theo trong mùa lễ Tạ Ơn này. Khi nói đến tinh thần “Tạ Ơn,” thì người Việt chúng ta cũng có những câu ca dao, tục ngữ như sau đề cao lòng biết ơn: “Cây có cội, nước có nguồn; ăn trái nhớ kẻ trồng cây.” Mỗi khi mùa lễ cảm tạ đến, tôi lại hình dung đến cặp vợ chồng người ngoại quốc… ở tiểu bang Hawaii đã một lần bảo trợ gia đình chúng tôi tất cả 5 người, trong những ngày tháng đầu tiên đặt chân trên đất Mỹ xa lạ này. Thật, ơn đó thì chúng tôi lấy chi mà báo đền cho đầy đủ được. Chúng ta thấy giữa “tình người” với nhau mà chúng ta còn biết ơn, thì huống gì đối với Đức Chúa Trời, chúng ta không bày tỏ được lòng cảm tạ sao, vì Ngài đã dựng nên và hằng ngày ban cho mỗi chúng ta sức sống? Nếu chúng ta ở trên trái đất do ông Trời tạo dựng nên, ăn bông trái của Trời ban, thở không khí của Trời cho không tốn một xu nào, mà không biết ơn Ngài thì thật là một điều thiếu xót hết sức. Trong các mối liên hệ, nếu làm con mà không nhớ ơn cha mẹ đã sinh thành ra mình, nuôi dưỡng mình khôn lớn cho đến lúc “nên người,” thì đã phạm trọng tội “bất hiếu” rồi, thì huống gì làm người mà không biết ơn Đức Chúa Trời thì thật đã phạm “đại tội bất ơn” rồi chăng? 

 

 

II. Tạ Ơn Đức Chúa Trời

 

Trên mọi ơn, có lẽ ơn lớn nhất mà chúng ta phải biết cảm tạ Đức Chúa Trời đó là món quà cứu rỗi mà Ngài đã ban cho nhân loại… qua chính Con một của mình là Cứu Chúa Giê-xu. Sách Tin Lành Giăng 3:16 tóm tắt cho chúng ta thấy món quà cứu rỗi này như sau: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời.” Khi chúng ta ý thức được sự ban cho này và nhận lấy thì có còn khó chi để chúng ta biết bày tỏ lòng biết ơn Chúa đúng cách.

 

Trong sách Tin Lành Luca 7… có chép về sự kiện của một người đàn bà tội lỗi xấu xa… đã bày tỏ lòng biết ơn như thế nào đối với Chúa Giê-xu, Con Đức Chúa Trời… khi bà đã kinh nghiệm được sự ban cho này… “36 Có một người Pha-ri-si mời Đức Chúa Jêsus ăn tại nhà mình. Vậy, khi đã vào nhà người Pha-ri-si thì Ngài ngồi bàn. 37 Vả, có một người đàn bà xấu nết ở thành đó, nghe nói Đức Chúa Jêsus đang ngồi bàn tại nhà người Pha-ri-si, bèn đem đến một bình ngọc trắng đựng đầy dầu thơm. 38 Người đứng đằng sau, nơi chân Đức Chúa Jêsus, khóc, sa nước mắt trên chân Ngài, rồi lấy tóc mình mà chùi; lại hôn chân Ngài, và xức dầu thơm cho. 39 Người Pha-ri-si đã mời Ngài, thấy vậy, tự nghĩ rằng: Nếu người nầy là đấng tiên tri, chắc biết người đàn bà rờ đến mình đó là ai, cùng biết ấy là người đàn bà xấu nết. 40 Đức Chúa Jêsus bèn cất tiếng phán cùng người rằng: Hỡi Si-môn, ta có vài lời nói cùng ngươi. Người thưa rằng: Thưa thầy, xin cứ nói. 41 Một chủ nợ có hai người mắc nợ: một người mắc năm trăm đơ-ni-ê, một người mắc năm chục. 42 Vì hai người đều không có chi mà trả, nên chủ nợ tha cả hai. Trong hai người đó, ai yêu chủ nợ hơn? 43 Si-môn thưa rằng: Tôi tưởng là người mà chủ nợ đã tha nhiều nợ hơn. Đức Chúa Jêsus phán rằng: Ngươi đoán phải lắm. 44 Đoạn, Ngài xây lại người đàn bà mà phán cùng Si-môn rằng: Ngươi thấy đàn bà nầy không? Ta vào nhà ngươi, ngươi không cho nước rửa chân; nhưng người đã lấy nước mắt thấm ướt chân ta, rồi lấy tóc mình mà chùi. 45 Ngươi không hôn ta; nhưng người từ khi vào nhà ngươi, thì hôn chân ta hoài. 46 Ngươi không xức dầu đầu ta; nhưng người lấy dầu thơm xức chân ta. 47 Vậy nên ta nói cùng ngươi, tội lỗi đàn bà nầy nhiều lắm, đã được tha hết, vì người đã yêu mến nhiều; song kẻ được tha ít thì yêu mến ít. 48 Ngài bèn phán cùng người đàn bà rằng: Tội lỗi ngươi đã được tha rồi. 49 Các người ngồi bàn với Ngài nghĩ thầm rằng: Người nầy là ai, mà cũng tha tội? 50 Nhưng Ngài phán cùng người đàn bà rằng: Đức tin của ngươi đã cứu ngươi; hãy đi cho bình an.”

 

1) Bối cảnh từ câu 36-40 cho thấy có một người thuộc phái Pharisi, có tên là Simôn, đã mời Chúa Giê-xu đến nhà mình dùng bữa.

 

a) Pharisi là một trong những giáo phái chính của người Do Thái lúc đó… (giống như Giáo Hội Công Giáo La Mã bây giờ). Họ là những người sống rất là đạo đức, có sự hiểu rộng về kinh luật của Môise, và rất chú trọng đến những việc làm đạo đức, như là cầu nguyện, kiêng ăn và thường hay bố thí cho người nghèo. Dưới cái nhìn bề ngoài của thiên hạ thì có thể coi họ là những người được vào nước thiên đàng trước tiên.

 

b) Chúng ta không biết rõ lý do tại sao Simôn đã mời Chúa đến nhà mình dùng bữa?

         

i) Có phải Simôn mời Chúa Giê-xu đến nhà mình để tìm cớ bắt bớ, lên án Chúa không, như những người Pharisi trong thời đó thường hay làm. Chắc đây không phải là lý do vì người Pharasi hay tìm cơ hội trong ngày Sabát thì mới có cớ dễ bắt lỗi Chúa được, chứ không có trong những bữa tiệc.

 

ii) Có thể Simôn đã mời Chúa Giê-xu đến nhà mình vì sự tò mò muốn chính mắt mình thấy và tai mình nghe coi Ngài có phải là một Đấng tiên tri như thiên hạ đã từng đồn về Ngài không? Trong câu 39 chính Simôn đã thầm nghĩ gì về Chúa Giê-xu? Cứ tưởng Ngài là một đấng tiên tri? Vả lại, Chúa Giê-xu là một người đang nổi tiếng lúc đó về sự dạy dỗ lẽ đạo của nước thiên đàng, cùng với tin đồn về những phép lạ Ngài đã làm thì chắc phải là một sự hãnh diện cho Simôn được mời một nhân vật nổi tiếng như vậy đến nhà mình thăm và thu hút được đám đông; đâu biết được, nhỡ Chúa sẽ làm một vài phép lạ cho xem nữa thì hay biết mấy?

 

c) Trong bối cảnh của phong tục tập quán lúc đó ở bên Trung Đông đó là những căn nhà thường mở cửa rộng vì không có máy lạnh như chúng ta có, cho nên bữa tiệc này cũng có dân chúng/đám đông và những người hàng xóm tụ lại để đến nghe và thấy những gì xảy ra trong nhà của Simôn. Phong tục ngồi ăn lúc đó của họ thường theo kiểu "nhật bản," ngồi sát xuống đất, người dựa vào bàn và thò hai cái chân ra ngoài thì bất thình lình đang lúc ngồi ăn, có một người đàn bà xấu nết, mà có lẽ ai cũng biết tiếng. Cô đến dưới chân Chúa Giê-xu mà khóc, rồi lấy chính tóc mình mà lau chân cho Ngài, rồi lấy ra một bình dầu thơm xức chân và hôn chân Chúa không kể siết. Đây là một việc làm hết sức là “cấm kỵ” đối với phong tục và luật pháp của người Do Thái lúc đó, mà làm cho Simôn, người Pharisi rất lấy làm khó chịu. Thứ nhất vì người này là một người đàn bà, mà phong tục lúc đó không cho phép một người phụ nữ đến “gần gũi” một người đàn ông không phải là chồng mình, một cách lộ liễu ở chỗ công cộng như vậy. Thứ hai, người đàn bà này thuộc thành phần xấu xa có thể là một cô gái điếm thì không thể nào được phép đụng đến một nhân vật quan trọng, một thầy dạy luật nổi tiếng, hay theo như Simôn nghĩ “một đấng tiên tri” như vậy. Thứ ba, một người đàn bà đứng đắn trong xã hội lúc đó thì không bao giờ xỏa tóc mình xuống giữa chỗ công cộng như vậy, vì là một điều cấm kỵ cho các phụ nữ lúc đó. Đây là những hành động “ô nhục” không thể xẩy ra được, nhất là ở trong nhà của một người Pharisi đạo đức. Simôn tự nghĩ chắc chắn Chúa Giê-xu nếu là một tiên tri thì phải biết rõ những điều cấm kỵ này thì điều tự nhiên là Ngài phải lên án tội lỗi người phụ nữ này ngay và đuổi người ra khỏi nhà của mình, thì mới đúng lẽ. Nhưng Chúa Giê-xu đã không làm như vậy, Ngài đã chẳng ngăn cản việc người phụ nữ xấu xa này làm cho mình công khai trước mặt mọi người; cho nên Simôn thấy rất là khó chịu, nghi ngờ và gián tiếp “lên án” Ngài, lấy lý do đó là nếu Chúa là một Đấng tiên tri thật thì tại sao Chúa không biết thành tích xấu xa ô uế của người đàn bà này là một người điếm, mà để cho cô tự do "đụng" đến mình?

 

2) Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời toàn năng và toàn tri ở trong Ngài cho nên Chúa thấy rõ ý tưởng và biết tấm lòng của Simôn, nên Chúa kể cho Simôn nghe một ẩn dụ về hai người mắc nợ trong câu 41-43… “41 Một chủ nợ có hai người mắc nợ: một người mắc năm trăm đơ-ni-ê, một người mắc năm chục. 42 Vì hai người đều không có chi mà trả, nên chủ nợ tha cả hai. Trong hai người đó, ai yêu chủ nợ hơn? 43 Si-môn thưa rằng: Tôi tưởng là người mà chủ nợ đã tha nhiều nợ hơn. Đức Chúa Jêsus phán rằng: Ngươi đoán phải lắm.”

 

a) Trong ẩn dụ này Chúa nói có một người nợ chủ 50 đơniê, và một người kia nợ chủ 500 đơniê. Đơn vị tiền bạc lúc đó của một đơniê có gía trị khoãng một ngày tiền lương. Tỉ dụ lương trung bình của một người hiện nay là $80 đôla một ngày làm việc thì cho dễ hiểu, người thứ nhất nợ chủ khoãng $4,000 đôla, còn người thứ nhì nợ chủ gấp 10 lần là khoãng $40,000 đôla.

 

b) Cũng trong ẩn dụ này Chúa Giê-xu nói cả hai người nợ không ai có tiền để trả lại cho chủ. Nếu không trả, họ có thể bị tước hết tài sản, mà còn bị bỏ vào tù nữa, có khi cả vợ con mình nữa.

 

c) Nhưng vì cả hai không ai trả nổi, nên người chủ thương xót tha hết cho cả hai người, một cách không điều kiện và ngay sau đó Chúa Giê-xu đặt một câu hỏi cho Simôn đó là ai là người yêu chủ mình hơn? Hay nói cách khác “ai là người biết ơn chủ mình hơn?” Simôn đã trả lời đúng, đó là người mà được chủ nợ tha nhiều nợ hơn thì đương nhiên yêu/biết ơn chủ nhiều hơn.

 

3) Sau đó Chúa Giê-xu giải thích ẩn dụ cho Simôn hiểu. Đây là một ẩn dụ thật là khôn ngoan và rất dễ hiểu mà Chúa muốn dạy dỗ Simôn, người Phasisi về lòng biết ơn Chúa. Trong ẩn dụ này "người Chủ" ở đây chính là Chúa Giê-xu, Đấng có quyền tha nợ, hay nôm na hiểu là tha tội cho mọi người. Người nợ chủ thứ nhất 500 đơniê ở đây là ai? Ám chỉ người đàn bà xấu nết đã phạm nhiều tội. Còn người nợ chủ thứ hai 50 đơniê là ai? Có thể chính là Simôn. Chúa Giê-xu như người chủ trong ẩn dụ, Ngài là Đấng Cứu Chuộc mọi người, Ngài đã đến thế gian chịu chết đền tội (tha nợ) cho mọi người, như người chủ tha cả hai người nợ: người đàn bà xấu nết, cũng như tha tội cho chính những người như Simôn, vì mọi người đều là những con nợ trước mặt Đức Chúa Trời, mà không thể tự trả nổi. Vì người đàn bà này là kẻ xấu xa hơn, tội lỗi nhiều hơn, người nợ nhiều hơn mà được Chúa tha tội nên đã bày tỏ lòng biết ơn Ngài đẹp hơn, quí hơn qua sự xức dầu thơm cho chân Ngài, thì có điều gì đáng cho Simôn phiền lòng, nhưng phải thông hiểu về định luật của lòng biết ơn Chúa. Việc rửa chân cho khách, hôn khách, và xức dầu cho khách đến nhà mình là một phong tục phải có thời bấy giờ, là cử chỉ thực tế để cho người chủ nhà bày tỏ sự tiếp đón nồng hậu (welcome) cho khách mình; nhưng Simôn là người chủ nhà đã không làm; mà ngược lại người đàn bà xấu nết đã làm để bày tỏ lòng biết ơn “welcome” Chúa vì bà nhận thức được và biết ơn những gì Chúa Giê-xu đã làm cho mình.

 

 

III. Chân Lý Của Một Tấm Lòng Biết Ơn

 

Sự kiện này cùng với ẩn dụ của Chúa Giê-xu dạy dỗ chúng ta vài định luật của một tấm lòng biết ơn Chúa.

 

1) Định luật thứ nhất, chúng ta sẽ không thể nào bắt đầu biết ơn Chúa, khi chúng ta chưa biết rõ chính mình là ai. Simôn chỉ biết rõ về người đàn bà xấu nết nhưng lại không biết rõ “con người thật” của mình cũng là một kẻ tội nhân, một kẻ nợ mà cần được Chúa Giê-xu tha tội cho mình. Trong ẩn dụ của Chúa Giê-xu giúp chúng ta thấy rõ, mỗi người chúng ta hết thảy ai cũng đều là những người mắc nợ Đức Chúa Trời, không nhiều thì ít, không 500 thì cũng 50 đơniên, vì hết thảy ai trong chúng ta cũng đều đã phạm tội. Tội của người đàn bà xấu nết là tội của sự dâm dục phần xác thịt, nhưng còn tội của Simôn là những tội về phần tâm linh tìm ẩn bên trong đó là tội tự kiêu trên những công đức của mình mà đoán xét những người khác, mà lại còn dám đoán xét chính Chúa Giê-xu nữa. Có phải trong sách 2 Côrinhtô 7:1 đã chép gì về những tội tâm linh? “Hỡi những kẻ rất yêu dấu của tôi, chúng ta đã có lời hứa dường ấy, thì hãy làm cho mình sạch khỏi mọi sự dơ bẩn phần xác thịt và phần thần linh, lại lấy sự kính sợ Đức Chúa Trời mà làm cho trọn việc nên thánh của chúng ta.” Biết bao nhiêu người cơ đốc ngày hôm nay đang sống không tự “soi mặt mình trong gương” mỗi ngày để thật sự thấy chính mình là ai trước sự công bình của Chúa, để thấy những tội lỗi thầm kín phần linh của mình, ấy là sự dâm dục trong ý tưởng mà không ai biết, kiêu căng, ghen tương, tham lam, thù hằn, cay đắng, oán giận… đang nằm tìm ẩn bên trong lòng mình.

 

Hết thảy chúng ta đều là những kẻ mắc nợ Chúa, có thể là những người nợ 5,000 đơniê, có người 5 triệu đơniê; càng lớn tuổi… có lẽ càng mắc nợ Chúa nhiều hơn? Nợ gì? Nợ tội lỗi đã phản nghịch, đi trái lại đường lối và những tiêu chuẩn điều răn của Đấng đã dựng nên mình và nhất là không tìm kiếm Ngài để thờ lạy, để biết ơn. Nếu hỏi ai đang ban mưa, ban nắng cho chúng ta hưởng, ai làm hạt lúa trổ bông, dầu hỏa dưới lòng đất cho chúng ta dùng có xăng cho xe chạy, ai nuôi tôm cá ở ngoài biển cho chúng ta ăn ngon miệng. Nội vụ dầu hỏa bị rỉ do một cái dàng khoang của hãng BP làm cho cơ nghiệp bán đồ ăn biển ở vùng Đông Nam Hoakỳ bị khủng hoảng cho thấy sự quan trọng do chính "Ông Trời" quan phòng và chăm sóc chúng ta thể nào, nhưng nếu chúng ta sống từ chối Đấng Sáng Tạo đó, không biết cảm tạ Ngài thì thật chúng ta đang mắc nợ Ngài, phải không? Mắc nợ thì phải trả, cho đến một xu cũng không tha, vì đó là sự công bằng mà thôi. Simôn đã không tự “soi mặt mình trong gương” để thấy chính mình cũng là một tôi nhân, một con nợ, mà cần Chúa cứu mình, nhưng lại chỉ nhìn thấy những lỗi lầm của người khác.

 

2) Định luật thứ hai trong ẩn dụ của Chúa Giê-xu giúp cho chúng ta thấy một người sẽ không biết ơn Chúa, cho đến khi mình ý thức rằng tự mình không có khả năng để làm sạch mọi món nợ mà cần có sự thương xót của người chủ mình. Rõ ràng trong ẩn dụ này, cả hai người mắc nợ, người nợ 500 và người nợ 50 đơniê đều không ai trả nổi nên người chủ bèn tha cho cả hai. Nếu “Thiên sanh nhân” nghĩa là Đức Chúa Trời dựng nên con người và nếu loài người phạm tội với Đức Chúa Trời, thì chỉ có một cách duy nhất để chúng ta được sạch tội thôi đó là nhờ cậy chính Ngài. Vì lý do đó mà người Việt chúng ta có câu nói: “Trăm sự nhờ Trời” là vậy, nhất là sự thương xót tha tội của Ngài cho chúng ta. Món nợ của chúng ta phải trả cho đúng Chủ đó là Đức Chúa Trời, và phải trả cho đúng số lượng đó là sự sống, mà không ai trong chúng ta trả nổi. Và vì không thể trả nổi nên theo sự công bình thì cả linh hồn lẫn thể xác của mỗi người chúng ta sẽ phải bị hư mất đời đời trong lửa hỏa ngục mà thôi, vì sách Rôma 6:23a chép rõ: “Tiền công của tội lỗi là sự chết…”

 

Có biết bao nhiêu tôn giáo ngày nay dậy người ta hãy tự “tu tâm tích đức” để “đền bù” giải tội, nhưng sức con người của chúng ta có hạn, quá yếu đuối thì làm chi được. Xem những cuộc người ta đua thuyền bằng lều vải (sail boat). Thuyền lướt nhanh trên sóng là vì nhờ gió thổi; tỉ dụ như bây giờ không có gió mà bạn phải đứng và thổi vào cái lều vải đó thì xem thuyền mình đi được bao xa, vì con người chúng ta rất yếu kém mà cần sức Chúa giúp mình. Con người chúng ta yếu như “cây sậy,” chỉ cần một mạch máu nhỏ bị nghẽn thì đem cả thân thể của một người nằm xuống ngay tức khắc, phải không? Theo số lượng tài chánh thiếu hụt (national deficit) của nước Mỹ đang nợ các quốc gia khác nếu tính ra sẽ là con số trên 40,000$ mỗi năm cho mỗi người sống ở đây, một con số khủng khiếp làm sao trả hết đươc; nhưng tội của chúng ta còn kinh khủng hơn nữa, sẽ không thể nào trả sạch được bởi những công đức của riêng mình. Những công đức, công trạng, sự tu trì cá nhân của mình làm sao đủ để có thể rửa sạch được mọi món nợ để cứu chúng ta ra khỏi hình phạt đời đời vì “cả đời làm thiện, thiện đâu chưa đủ; nhưng chỉ một ngày làm ác thì việc ác quá dư rồi.” Chuyện một ông thầy chùa tìm cách để đo những việc lành và điều ác của mình bằng cách dùng hai cái hũ: Bên trái để bỏ những hạt đậu đen mỗi khi nghĩ hay làm một điều gì xấu xa/tội lỗi, hũ bên phải để bỏ những hạt đậu trắng mỗi khi làm một việc lành. Rồi sau cả một tháng đổ ra xem thì nhà sư nấu đủ một nồi chè đậu đen, còn đậu trắng thì chỉ loe ngoe có mấy hột mà thôi! Simôn không biết ơn Chúa Giê-xu cứu chuộc mình vì ông đã bị mù quáng tự nghĩ mình có đầy dẫy những việc làm công đức, như cầu nguyện, hiểu biết luật pháp Môise, hay kiêng ăn, luôn bố thí cho người nghèo, nên đâu cần Đấng Cứu Chuộc cho mình mà phải biết ơn Ngài?

 

3) Định luật thứ ba trong ẩn dụ này, vì cả hai người nơ không ai trả được cho nên người chủ tha hết cả hai. Cũng vậy vì mọi người chúng ta không ai tự làm sạch mọi tội của mình được để thoát khỏi hình phạt đời đời nên Đức Chúa Trời đã tha thứ hết thảy chúng ta. Để tha tội, chuộc mọi món nợ tội ác của chúng ta, Đức Chúa Trời đã phải hy sinh trả một gía rất đắt theo tiêu chuẩn của sự công bình đó là huyết của Con một Ngài phải bị đổ ra ở trên cây thập tự, làm gía chuộc tội cho cả nhân loại. Trong sách Hêbêrơ 9:22 có chép – “Theo luật pháp thì hầu hết mọi vật đều nhờ huyết mà được sạch: không đổ huyết thì không có sự tha thứ.” Và trong sách Êphêsô 1:7 có chép - “Ấy là trong Đấng Christ, chúng ta được cứu chuộc bởi huyết Ngài, được tha tội, theo sự dư dật của ân điển Ngài.” Mỗi lần bạn thấy hình thập tự gía nó nhắc nhở chúng ta về cái gía mà Đức Chúa Trời đã phải trả để chuộc tội cho hết thảy chúng ta, để trả sạch mọi món nợ tội lỗi của mỗi người chúng ta.

 

Chúa Giê-xu có quyền năng tha tội cho bất cứ ai tìm đến với Ngài, cho dù là một cô gái điếm hay là một người Pharisi đạo đức bên ngoài đi nữa, miễn là người đó bằng lòng ăn năn tìm kiếm Ngài. Sự tha tội này là một ơn đặc biệt ban cho như là một “món quà vô giá” không thể mua được, không đòi hỏi một điều kiện nào hết, bất cứ ai muốn nhận, chỉ lấy đức tin tiếp nhận cho mình mà thôi. Jeffery Dahmer là một kẻ phạm pháp ở bên tiểu bang Milwaukee, Kentucky, đã giết nhiều người, sau đó cắt thịt người chết ra từng mảnh nhỏ và bỏ vào tủ lạnh để ăn. Sau khi bị bắt vào trong tù, có người đến chia xẻ Tin Lành và anh ăn năn đến tin nhận Chúa Giê-xu; mặc dầu vậy, nhiều người vẫn thắc mắc Chúa có thể tha thứ những hạng người ác như vậy được không vì mình chì tự nghĩ theo ý riêng, thay vì hiểu quyền năng cứu chuộc của ân điển Chúa mầu nhiệm lớn lao vĩ đại mà không có ai Ngài từ chối ban cho sự cứu rỗi tìm đến với Ngài với tấm lòng ăn năn thành thật, không có tội nào mà Chúa không xoá sạch đi được! Chúng ta thường hay "label" có nghĩa là định mọi sự tốt, xấu, không xứng đáng, hay cao thượng theo tiêu chuẩn của riêng mình, hay theo dự luận nghĩ, nhưng nhận sự tha thứ của Chúa không lệ thuộc vào tôi là ai, người ta nghĩ gì về tôi, nhưng Chúa đã hứa ban gì cho tôi và tôi có dám tin và nhận lấy không mà thôi?

 

 

IV. Bày Tỏ Lòng Biết Ơn Chúa

 

Trong sự kiện này, chúng ta cũng học hỏi được cách nào để mỗi người trong chúng ta có thể bày tỏ lòng biết ơn cho Chúa được qua việc làm của người phụ nữ xấu nết này. Đọc lại câu 37-38 để xem người phụ nữ này đã làm gì? “37 Vả, có một người đàn bà xấu nết ở thành đó, nghe nói Đức Chúa Jêsus đang ngồi bàn tại nhà người Pha-ri-si, bèn đem đến một bình ngọc trắng đựng đầy dầu thơm. 38 Người đứng đằng sau, nơi chân Đức Chúa Jêsus, khóc, sa nước mắt trên chân Ngài, rồi lấy tóc mình mà chùi; lại hôn chân Ngài, và xức dầu thơm cho.”

 

1) Lòng biết ơn của người phụ nữ này trước hết được bày tỏ qua bởi đức tin của bà dám đến gần với Chúa Giê-xu. Hay nói cách khác, nếu chưa có đức tin nơi Chúa để biết những gì Ngài đã hứa làm cho chúng ta thì làm sao một người bắt đầu biết ơn Chúa được, phải không? Nhiều người trong chúng ta đến với Chúa với một đức tin có thể dễ dàng hơn người đàn bà xấu nết này. Hãy tự đặt mình vào người thì thấy sự tìm đến với Chúa Giê-xu của người phụ nữ này để bày tỏ lòng biết ơn Ngài phải là một việc rất khó làm.

 

a) Có thể bà bị cắn rứt của lương tâm nhiều lắm, tự nghĩ chính mình là một người xấu xa ô uế thì làm sao đến gần Chúa được? Ma quỉ nhiều lúc cáo trách chúng ta qua những ý tưởng của “những việc làm ô uế của mình” mà không thể nào Chúa tha thứ được đâu, để cản trở chúng ta dám đến với Chúa.

 

b) Nếu bà đến gần với Chúa Giê-xu thì dư luận xung quanh sẽ nghĩ sao, họ sẽ chê cười, xì xầm moi móc ra những tội ác, mắng chửi mình và đuổi mình ra khỏi ngay chỗ đó thì càng xấu hổ hơn nữa, phải không?

 

c) Nhỡ Chúa Giê-xu không chấp nhận/bênh vực mình thì việc dâng hiến bình dầu thơm đắt tiền thật là mất công và tốn của sao?

 

Nhưng vì người phụ nữ này tin Chúa Giê-xu là Đấng hay thương xót đã cứu rỗi mình là Đấng đã hứa “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ”… mà người đã vượt qua mọi sự nghi ngờ, dư luận xung quanh, kể cả những lời tố cáo của ma quỉ mà dám đến gần Ngài. Ngày nay cũng có lắm người chưa biết ơn Chúa vì họ chưa có đức tin ở nơi Ngài, chưa nhận thức những gì Chúa đã và đang làm cho mình. Trong sách Rôma 1:20-21 chép rõ điều này – “bởi những sự trọn lành của Ngài mắt không thấy được, tức là quyền phép đời đời và bản tánh Ngài, thì từ buổi sáng thế vẫn sờ sờ như mắt xem thấy, khi người ta xem xét công việc của Ngài. Cho nên họ không thể chữa mình được, 21 vì họ dẫu biết Đức Chúa Trời, mà không làm sáng danh Ngài là Đức Chúa Trời, và không tạ ơn Ngài nữa; song cứ lầm lạc trong lý tưởng hư không, và lòng ngu dốt đầy những sự tối tăm.”

 

2) Thái độ biết ơn của người phụ nữ này ở ngay tại dưới chân của Chúa bày tỏ một tấm lòng ăn năn, thống hối những tội lỗi của mình mà Chúa Giê-xu đã tha thứ cho. Sự ăn năn hạ mình của người phụ nữ này bày tỏ qua những giọt nước mắt của mình rơi xuống chân Chúa Giê-xu. Một tấm lòng ăn năn thống hối là điều Chúa ưa thích cho những ai thật sự muốn tìm kiếm Ngài. Trong Thi Thiên 51:17 chép lại lời cầu nguyện ăn năn tha thiết của Đavít sau khi nhận thức được những tội ác của mình trước mặt Đức Chúa Trời thì Đavít đã nói lên một lẽ thật về thái độ đúng của một người đến với Chúa mà sẽ được chấp nhận đó là “Của lễ đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là tâm thần đau thương: Đức Chúa Trời ôi! lòng đau thương thống hối Chúa không khinh dể đâu.” Lòng biết ơn Chúa bắt đầu từ một tấm lòng ăn năn thống hối những tội lỗi của mình mà Chúa đã thứ tha. Biết bao nhiêu người cơ đốc ngày nay đi nhà thờ thường xuyên nhưng cuộc đời vẫn chưa thay đổi, chưa được biến hoá, sáng họ vào nhà thờ như thế nào thì trưa khi bước ra khỏi cửa nhà thờ vẫn y nguyên. Thiết nghĩ là vì họ xem thường sự ăn năn thống hối là điều kiện trước tiên trong mối liên hệ mật thiết với Đức Chúa Trời. Tự hỏi anh chị em sáng nay đã có thì giờ để tự xét chính mình, ăn năn trước khi vào đây nhóm chưa? Tôi thường nhấn mạnh sự quan trọng của thì giờ tĩnh nguyện mỗi buổi sáng Chúa Nhật mà mỗi người cơ đốc phải đến dự để dọn lòng ăn năn sửa soạn thờ phượng Chúa đúng cách. Thì giờ đó, mục tiêu chính không phải là để cầu thay cho những nhu cầu của chúng ta hay của hội thanh, nhưng trước hết là để tự xét và ăn năn với Chúa.

 

3) Người đàn bà xấu nết này bày tỏ lòng biết ơn Chúa Giê-xu qua việc thờ phượng Ngài. Thờ phượng mà sao không có hát thánh ca, không đọc Kinh Thánh, không có lời cầu nguyện vậy? Nhưng người đàn bà này đã thờ phượng biết ơn Chúa bằng của lễ dâng bình ngọc trắng đựng dầu thơm xức chân Chúa. Dầu thơm ngày xưa thường là một trong những món quà phải có khi dâng biếu cho các vị vua.  Những bình dầu thơm này rất là đắt tiền mà người ta thường đầu tư mua, để dành và đem ra dùng trong những ngày khó khăn. Người đàn bà này đã không tiếc bình dầu thơm của mình, nhưng biết ơn Chúa mà đem cả bình dầu thơm ra xức chân cho Chúa, không chừa lại một tí nào hết. Thiên hạ có câu nói: “thương nhau thì trái ấu cũng tròn; ghét nhau thì trái bồ hòn cũng méo” thì cũng vậy, nếu chúng ta biết ơn Chúa đã cứu mình… thì cả tài sản có tiếc là chi, còn nếu chưa biết ơn Chúa thì dâng hiến 5$ cũng thấy “đau ruột” phải không?

 

4) Một điểm nữa chúng ta học được về tấm lòng biết ơn đó là người nào biết ơn Chúa thì “phước càng được thêm phước hơn.” Khi người phụ nữ xấu nết này ăn năn tìm kiếm Chúa Giê-xu và dâng của lễ bày tỏ lòng biết ơn Ngài thì chính người đã nhận được đại phước đó là từ ngay lúc đó người có một chỗ đứng mới, bà không còn là một người điếm nữa, nhưng chính là con gái yêu dấu của Đức Chúa Trời, ra về trong sự bình an nhẹ nhàng, từ bỏ cuộc sống cũ và bước đi trong một đời mới. Anh chị em có kinh nghiệm được ơn phước bình an này trong cuộc sống của mình chưa… mà biết ơn Chúa hết lòng?

 

Nhân mùa lễ Tạ Ơn năm nay và sau khi nghe lời Chúa chia xẻ, mỗi người hãy tự xét, tôi là ai trong sự kiện này? Tôi có đang sống phản ảnh giống như người Pharisi, không nhận biết mình là một kẻ tội nhân cần được Chúa cứu để biết ơn Ngài không? Hay là mình sẽ như người đàn bà xấu nết là một kẻ tội nhân đã được Chúa Giê-xu cứu, mà nay muốn dâng của lễ thờ phượng để bày tỏ lòng biết ơn Ngài?

 

1) Ai trong chúng ta cũng có “bình dầu thơm” quí gía mà chúng ta có thể dâng cho Chúa để bày tỏ lòng biết ơn Ngài và cái bình dầu thơm ấy chính là đời sống và thân thể của mình. Trong sách Rôma 12:1 có nói đến “bình dầu thơm” này là của lễ dâng mà Đức Chúa Trời thích nhất? “Vậy, hỡi anh em, tôi lấy sự thương xót của Đức Chúa Trời khuyên anh em dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của anh em.” Hãy dùng cuộc đời của mình cho Chúa Thánh Linh xử dụng để đem đến sự vinh hiển cho Chúa.

 

2) Có thể một điều thực tế mỗi người chúng ta có thể làm trong mùa lễ Tạ Ơn này để bày tỏ tấm lòng biết ơn Chúa đó là hãy tha thứ những người đã phạm nghịch cùng mình, như người chủ trong ẩn dụ của Chúa Giê-xu dạy đã tha thứ cả hai người mắc nợ. Tháng vừa qua, tôi có giúp một người tập lái xe… vì cô cũng là một thành viên mới trong hội thánh. Nhưng trong đời sống cá nhân của cô, tôi có biết là cô đang có mối liên hệ rạn nứt/bất hòa với chính cha mẹ của mình. Sau khi giúp cô tập lái xe xong tôi có nói với cô rằng: “Tôi nghe nói cô đang muốn mua một số quà để biếu những người đã giúp đỡ cô trong mùa lễ Ta Ơn này. Tôi mong cô hiểu điều này, tôi giúp đỡ cô vì trách nhiệm Chúa giao chứ tôi không cần quà cáp đền ơn; Chúa cho vợ chồng chúng tôi rất đầy đủ. Nhưng nếu cô muốn đền ơn cho tôi vì tất cả những công lao tôi giúp cô thì tôi xin cô lấy số tiền đó mua một món quà thật đẹp và gởi tặng cho chính cha mẹ của mình để làm cớ hòa thuận lại, lý do là vì hết thẩy chúng ta bây giờ là con cái yêu dấu của Chúa, đã được Chúa tha thứ tội lỗi xấu xa thì việc này nếu nhờ cậy Chúa sẽ không có khó chi cho chúng ta làm được, mà còn làm chứng cho mọi người biết chúng ta thật là con cái của Chúa nữa.” Cũng vậy, bình ngọc trắng đựng dầu thơm mà mỗi người chúng ta có thể dâng cho Chúa để thờ phượng Ngài chính là đời sống của mình, hãy sống đối xử tốt đẹp với mọi người, tha thứ cho nhau, như Chúa đã tha thứ cho mình vậy.

 

Thành thật kính chúc mọi người nhận được một mùa lễ Cảm Tạ bình an, như người phụ nữ trong sự kiện này đã kinh nghiệm, sau khi người đã gặp được Chúa Giê-xu ở tại nơi chân Ngài!

 

------------------ Lời Mời Gọi

 

Sáng nay mỗi người chúng ta đến đây thờ phượng Chúa với thái độ gì? Có giống như Simôn người Pharisi không? Có phải giống như một người mù và điếc đi xem movie không? Hay chúng ta đến đây như người đàn bà xấu nết, với tấm lòng ăn năn thống hối và đem bình dầu thơm quí giá nhất của mình để dâng cho Chúa, bày tỏ lòng biết ơn Ngài đã tha thứ tội lỗi của mình? Có phải chúng ta chưa biết ơn Chúa là

1) vì chính mình chưa nhận thức “con người thật” của mình là gì chăng?

2) Chúng ta còn sống với thái độ rằng mình còn tự đền bù tội lỗi của mình thì đâu cần Chúa mà biết ơn Ngài làm chi?

3) Hay là chúng ta đến đây với tinh thần tạ ơn vì tất cả những gì Chúa Giê-xu, Con trời đã làm cho chúng ta ở trên cây thập tự gía?

 

Chúng ta có nhận biết chính mình là những con nợ của Đức Chúa Trời mà không thể tự làm được gì để trả sạch mọi món nợ tội lỗi không? Chúng ta có sẽ sẵn sàng đến dưới chân của Chúa Giê-xu với tấm lòng ăn năn và cảm tạ cùng dâng hiến đời sống của mình làm của lễ bày tỏ lòng cảm tạ Chúa không? Cuộc đời của chúng ta có là những mùi hương thơm đầy dẫy lòng biết ơn, dâng lên cho Chúa qua những việc tốt lành đối xử với mọi người; không còn “bới lông tìm vết” nữa; nhưng tha thứ nhau cũng như Chúa đã tha thứ cho chính mình vậy?

 

Chúng ta có muốn kinh nghiệm một mùa lễ Tạ Ơn bình an, nhẹ gánh không? Hãy nhận thức Chúa Giê-xu đã làm gì cho mình và ra về bày tỏ lòng biết ơn Ngài đi!

 

---------------

 

Bạn đã tìm được sự bình an cho tâm hồn mình chưa? Một ngày khi trái đất ngừng quay, tim ngừng đập và bạn sẽ phải đứng đối diện với Đấng tạo dựng nên mình thì ai là sẽ người bào chữa cho bạn tất cả những tội ác mình đã phạm - có ai không? Ai là người đứng ra và nói rằng "Tội lỗi của bạn đã được trả sạch rồi" hãy dạn dĩ bước vào nước thiên đàng không? Vài năm trước đây, tôi đã nhận được một lá thư hết sức là vui... vì trong đó có đóng dấu 3 chữ "Paid in Full" - trả sạch món nợ nhà! Sống ở Mỹ, ai mua được một căn nhà thì có một niềm vui lớn, nhưng còn vui hơn nữa - khi chúng ta trả xong tiền nợ của căn nhà đó. Lá thư từ nhà Bank chính thức cho biết là tôi đã trả xong tiền nhà - không còn thiếu một xu nào nữa và chính thức căn nhà giờ đây là căn nhà hoàn toàn thuộc của mình vì đã "paid in full!" Khi đã "Paid in Full" rồi thì không sung sướng sao được? Tội lỗi của bạn đã được "Paid in full" chưa? hay còn thiếu mà một ngày mình sẽ phải đi vào hỏa ngục đời đời để trả nợ cho những điều ác mình đã làm chăng? Bạn có muốn được "Paid in full," ngay sáng hôm nay không? Hãy đến với Chúa Giê-xu như người đàn bà xấu nết!

 

Bạn có thể đang tự nghĩ: “Chuyện gì dễ vậy!” Điều khó ở đây không phải là Chúa không thể xoá tội cho chúng ta và ban cho người con đường cứu rỗi duy nhất; nhưng vấn đề khó ở đây là con người có dám tin vào lời hứa của Đức Chúa Trời đã hứa ban cho Đấng Cứu Chuộc không và bằng lòng tiếp nhận Ngài? Bạn phải quyết định cho chính mình, như người phụ nữ xấu nết, hoặc Simôn đã quyết định. Không ai quyết định cho mình được, nhưng mỗi người phải tự quyết định cho sự sống đời đời của mình. Chúa chẳng bao giờ xua đuổi một ai tìm kiếm Ngài thật lòng, chỉ tùy theo sự quyết định của mỗi người chúng ta ngay hôm nay, mà thôi! Mong bạn sẽ đến với Chúa Giê-xu, ngay sáng hôm nay!

 


Giving Thanks to God for the Greatest Gift

(Luke 7:36-50)

 

Autumn always reminds us a very special season of Thanksgiving. Thanksgiving is not only about “eating turkey” or family reunion, but the opportunity for us to express our gratitude to God as the Creator and Provider of all things. In the horizontal relationships among mankind, gratitude cannot be missed; so does the vertical relationship with God. In all the blessings, the greatest one that God gives us is the gift of forgiveness of sin.          

 

The event described in the Gospel of Luke chapter 7 helps us to understand this importance of giving thanks to God for this gift. This was an occasion of a Pharisee named Simon who invited Jesus to dine at his home. The possible reason that Simon wanted to do this so that he could confirm whether Jesus was really a prophet as people said. Moreover, it was a privilege for a “celebrity” liked Jesus could come to his house. But at the dinner, a sinful woman in town appeared with an alabaster jar of perfume. As she stood at Jesus’ feet weeping and began to wet His feet with her tears, then wiped them with her hair, kissed them and poured perfume on them. This act of disgrace was really bothered Simon because she was a woman, a sinful woman who was not allowed to touch a clean person, and she did let down her hair that a decent woman would never do in public. With a common religious thinking, Simon expected that Jesus would quickly condemn her and threw her right out of the house. To Simon’s surprise, Jesus even accepted her actions that made Simon doubly prejudged Jesus if He was really a prophet. Because the all-knowing God was in Jesus, He knew Simon thought and told him about the parable of two debtors. These two people owed money to a certain moneylender with one owed him five hundred denarii; and the other fifty. A denarii was a money currency unit which was equivalent to about a “pay-day” wage. Because neither of them had the money to pay him back, so the owner forgave the debts of both. After telling the parable, Jesus asked Simon: “Now which of them will love him more?” Simon replied correctly that was the one who had the bigger debt forgiven. The owner in this parable obviously represents Jesus Who has the power to forgive sins for all people. The two debtors represent both the sinful woman and Simon. And because the sinful woman had bigger debt so that she expressed a better way to show her gratitude, even more than the customary of a house owner expressing to his guest.

 

From this event and the parable of Jesus, we can learn at least three principles for a person having a gratitude to God:

 

1) The gratitude to God begins with the true “recognition” of who we really are. Simon knew the sins of the woman; but he did not recognize he himself was also a sinner, a debtor that needs the forgiveness from Jesus.  The woman committed sins of the flesh, but Simon committed the sins of the spirit that were prejudice towards sinners, hypocrisy, pride, and even judgmental attitude to the Lord Jesus.

2) One cannot express gratitude toward God unless he comes to a realization that he cannot do anything good enough to save his sins.

3) A person cannot know how to express his gratitude toward God until he truly experiences the gift of forgiveness of sin.

 

We also learn at least three correct expressions of thanksgiving:

1) Gratitude requires a faith believing that Jesus’ promise of forgiving our sins is true.

2) We should come to show our gratitude to God with an attitude of humility and repentance.

3) Gratitude can be expressed in worship by offering our best “perfume” to God.

 

Each of us has a “alabaster jar of perfume” that we can offer to God, it’s called our body and life. Perhaps, we can learn to forgive everyone in the name of Christ is the best “perfume” we can offer to God this Thanksgiving. May we all experience the peace of Thanksgiving as the forgiven woman in this story experienced after she met Jesus at His feet.