Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 32

Sự Bình An của Giáng Sinh

The Christmas Peace

(Luca 2:14)

www.vietnamesehope.org

 

"Sáng danh Chúa trên các từng trời rất cao.

Bình an dưới đất, ân trạch cho loài người."

 

 

I. Mùa Lễ Giáng Sinh

 

          Thời gian trôi qua thật là mau chóng, chúng ta lại bước vào tháng chạp, tháng cuối cùng của một năm. Tháng chạp đến cũng nhắc nhở mọi người về một mùa lễ rất quan trọng, đó là lễ Giáng Sinh.  Những khúc nhạc Noel lại bắt đầu trổi lên thật tưng bừng và náo nhiệt ở khắp mọi nơi. Ai nấy hầu như đang rộn rã, nô nức và bận bịu trong công việc mua sắm hay trang hoàng. Chỗ nào cũng thấy người ta chưng đèn lấp lánh đủ màu trên những cây thông đã được cắt gọn gàng.  Nhiều người đã sửa soạn cho những cuộc đoàn tụ gia đình xum họp và nghỉ ngơi trong mùa này. Tuy nhiên ở giữa những sự nhộn nhịp và tưng bừng của mùa lễ Giáng Sinh năm nay, thế giới đang đối diện với nhiều nan đề. Chẳng hạn như vấn đề kinh tế đang suy sụp, nhà cửa đang mất giá và nhiều người đang bị thất nghiệp. Cùng một lúc, sự đe dọa của bọn khủng bố phá hoại ở khắp nơi, của những nhóm băng đảng bên nước Mexico đang giết người không gớm tay, những cuộc chiến tranh xung đột giữa các quốc gia như nước Bắc và Nam Hàn, những vụ thông tin bí mật giữa các nước bị lộ tẩy ra mà có thể gây thêm sự căng thẳng giữa các nước đồng minh và làm tổn hại cho sự hòa bình của thế giới. Riêng nước Việt-nam của chúng ta, trận lụt miền Trung vừa xẩy đến trong những tháng vừa qua mà vẫn còn ảnh hưởng trên đời sống của cả triệu người Việt trong mùa lễ Giáng Sinh năm nay.

 

 

II. Những Nỗi Lo Sợ trong Cuộc Sống

 

          Có lẽ nhu cầu cần thiết nhất của con người ngày nay đó là được sự bình an. Khi nhận định về cuộc sống này, người ta thường nói: "Đời người là một chuyến đi để tìm một miếng cơm ngon, một manh áo tốt, một người bạn trăm năm, một chỗ ở an lành..." Nhưng tóm lại, đời người chúng ta là một chuyến đi để tìm kiếm hai chữ "Bình An."  Nhất là đối với người Việt chúng ta thì hai chữ "Bình An" thật là quí lắm.  Lý do là bởi vì dân tộc Việt chúng ta trải qua nhiều đời, nhưng có mấy năm là đất nước được hòa bình đâu?  Lịch sử để lại, dân Việt đã bị 1,000 năm đô hộ bởi giặc Tàu, 100 năm bị đô hộ bởi giặc Tây. Hết ngoại xâm rồi đến nội chiến, cuối cùng bị mất nước và nay có trên hai triệu người đang bị tản lạc khắp nơi trên thế giới.

 

          Tuy nhiên, dù chúng ta có được sống trong một đất nước yên lành, tự do và đầy đủ mọi thứ đi nữa, cuộc sống con người chưa chắc bảo đảm cho sự bình an thật. Sau một cái áo đẹp, một nhan sắc mỹ miều, sự giàu sang của đời này hay một đời sống đầy đủ tiện nghi, con người vẫn còn có những nỗi bất an gọi là những "khoảng trống" trong tâm hồn mà không có gì lấp đầy được. Lý do là vì trong cuộc sống mỗi ngày, có nhiều điều đang làm chúng ta lo lắng và sợ sệt.  Có người nói sự lo âu và sự sợ hãi là hai thằng ăn trộm sinh đôi mà lúc nào cũng rình rập để lấy đi hạnh phúc và bình an của loài người. Một số người Việt chúng ta đã phải rời bỏ quê hương và nghĩ rằng sẽ tìm được một chỗ ở an lành và thỏa mãn hơn. Nhưng rồi cuộc sống mới ở trong những nước văn minh như Hoa-kỳ, đời sống dân Việt chúng ta cũng còn có nhiều điều mệt nhọc và buồn phiền.  Kể cũng lạ, nếu cuộc sống càng văn minh tiến bộ bao nhiêu thì đời sống con người lại càng thêm bon chen và đầy dẫy sự lo lắng bấy nhiêu.  Người giàu sang cũng lo vì không muốn bị thua kém người khác, còn người nghèo cũng sợ vì không biết ngày mai sẽ ra sao. 

 

          Có một điều nữa làm cho cuộc sống của mọi người thiếu sự bình an, cho dù chúng ta là người giàu có hay nghèo nàn, khôn ngoan hay thiếu học đến đâu đi nữa, đó là khi đề cập đến sự chết.  Chúng ta thường ít khi suy nghĩ hay muốn nói đến vấn đề này nhưng sự chết là một thực trạng mà không trước thì sau ai cũng phải đối diện với nó. Có khi nó đến một cách bất thình lình mà không ai trong chúng ta đã sửa soạn sẵn. Điều chúng ta lo sợ khi nghĩ đến sự chết là bởi vì chưa có ai có câu trả lời cho cuộc sống "bên kia cõi đời này" sẽ ra thể nào? Lương tâm chúng ta cho biết nếu trên đời này có thưởng thì cũng phải có phạt, như vậy trong đời sau có thiên đàng hạnh phước thì cũng phải có địa ngục khổ đau.  Nhưng khi sự chết đến là lúc chúng ta phải lìa khỏi cuộc đời này, làm sao biết mình sẽ có đủ điều kiện để vào được thiên đàng và thoát khỏi địa ngục.  Thật vậy, đời sống con người đầy những sự bất an là phải vì khi sống thì có lắm điều lo lắng, còn khi nghĩ đến sự cuối cùng của cuộc sống này thì sợ, vì không biết linh hồn mình sẽ được an nghỉ ở đâu đời đời. 

 

 

III. Cội Rễ gây nên mọi sự Bất An

 

          Muốn được sự bình an thật, điều đầu tiên chúng ta cần tìm hiểu cội rễ và lý do gì đã đem đến sự đau khổ và bất an cho loài người.  Theo sách Kinh Thánh Sáng Thế Ký cho biết, ban đầu trong vườn địa đàng Êđen, Đức Chúa Trời dựng nên tổ phụ loài người đó là Ađam và Êva.  Hai người được tự do và có hạnh phúc trọn vẹn.  Nhưng tổ phụ loài người đã không vâng lời Đức Chúa Trời tự chọn ăn trái của cây cấm mà phạm tội nghịch cùng Chúa.  Hậu quả của sự chọn lựa sai lầm này là Ađam và Êva bị "rủa sả," và bị đuổi ra khỏi vườn.  Thế là mối tương giao của loài người với Đức Chúa Trời đã bị gián đoạn. Từ đó, tội lỗi đã xen vào dòng dõi loài người sanh ra tội ác và tội ác sanh mọi sự đau khổ triền miên cho đến ngày nay.  Kinh Thánh cũng ghi chép lại sau đó Ađam và Êva sanh được hai đứa con trai đầu tiên. Vì mầm móng tội lỗi có sẵn, người anh là Ca-in đã giết em mình là A-bên và dấu đi bởi vì lòng ghen tức.  Cho nên, chính tội lỗi là cội rễ, là nguyên nhân cướp mất đi sự bình an của nhân loại.  Tội lỗi lan đến mọi người vì ai nấy đều từ dòng dõi Ađam và Êva mà ra.  Vì thế Kinh Thánh đã khẳng định: "Mọi người đều đã phạm tội" (Rôma 3:23) và hậu quả của tội lỗi là "sự chết đời đời" (Rôma 6:23) trong hồ lửa cháy không hề tắt, là sự phân rẽ đời đời khỏi Đấng đã dựng nên mỗi chúng ta. 

 

          Có vô số người đang tự nghĩ mình "không đến nỗi tệ" để bị bỏ xuống hỏa ngục là bởi vì cứ còn so sánh mình với những người khác xung quanh, thay vì theo tiêu chuẩn toàn vẹn của Đấng đã sáng tạo nên mình. Một số tôn giáo ngày nay được lập ra và dạy người ta "làm lành lánh dữ" để mong xoa dịu hay "bù đắp" phần nào hậu quả của tội lỗi. Nhưng công đức riêng hạn hẹp của cá nhân chỉ có thể "chữa được ngọn" nhưng không đụng được đến "cội rễ của tội lỗi," không cứu rỗi được linh hồn con người khỏi sự chết đời đời trong hồ lửa. Trước mặt Đức Chúa Trời chẳng có một ai đủ điều kiện để vào được nước thiên đàng vì trên thực tế "nhân vô thập toàn." 

 

 

IV. Đấng Bình An Đã Đến

 

          Nhưng Đức Chúa Trời là Đấng thiện lành.  Ngài dựng loài người nên không phải để rồi chúng ta sống trong bất an và cuối cùng bị hư mất đời đời trong hỏa ngục.  Tuy con người đã phạm tội nghịch cùng Đức Chúa Trời, Ngài đã sắm sẵn một chương trình cứu rỗi chúng ta ra khỏi tội và đem sự bình an lại cho loài người.  Trong thánh ý tốt lành của Thiên Chúa, phương cách cứu rỗi loài người đã được nói trước như lời tiên tri trong sách Êsai được chép 700 năm trước khi Đấng Cứu Thế sanh ra đời như sau: "... nầy, một gái đồng trinh sẽ chịu thai, sanh ra một trai, và đặt tên là Em-ma-nu-ên (nghĩa là Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta)" (Êsai 7:14) và "... Ngài sẽ được xưng là Đấng lạ lùng, là Đấng Mưu Luận, là Đức Chúa Trời Quyền Năng, là Cha Đời Đời, là Chúa Bình An" (Êsai 9:5).  Đấng cứu chuộc này được mệnh danh là "Chúa Bình An" vì chính Ngài sẽ cứu loài người ra khỏi quyền lực của tội lỗi (Mathiơ 1:21) và đem lại sự hòa thuận giữa loài người với Đức Chúa Trời (2 Côrinhtô 5:18).  Cho đến đúng kỳ hẹn và cách chúng ta hơn 2,000 năm, chương trình cứu rỗi này đã được cụ thể hóa khi Đức Chúa Trời mượn lòng một trinh nữ sanh ra đời, mệnh danh là Chúa Cứu Thế Giê-xu. Đây là Tin Lành, là tin tức tốt lành, là một sự vui mừng và bình an lớn cho muôn dân vì thế khi Chúa Cứu Thế Giê-xu sanh ra đời, có muôn vàn thiên binh với thiên sứ ngợi khen Đức Chúa Trời:

 

"Sáng danh Chúa trên các từng trời rất cao

Bình an dưới đất, ân trạch cho loài người."

 

          Công cuộc cứu chuộc của Chúa Bình An đó là Ngài được sanh ra không phải để sống nhưng chịu đổ huyết trên thập tự giá, vì nếu "không đổ huyết thì không có sự tha thứ" (Hêbêrơ 9:22) và nếu không có sự tha tội thì loài người không thể nào có sự bình an thật.   Thập tự giá là cái "biên lai" chứng tỏ mọi tội đã được thanh toán xong.  Đây là phương cách mầu nhiệm và duy nhất để Đức Chúa Trời cứu chuộc loài người, chứ chẳng phải do sự gắng sức khổ tu của một cá nhân nào.  Thật ra càng tu sửa càng chứng tỏ sự yếu đuối và thiếu xót của “con người thật” bên trong của chúng ta.  Câu chuyện của một ông thầy kia tên là “Thấy.”  Ông cứ thường bị các học sinh mình chọc là "thầy Thấy, Thấy chưa... chưa Thấy."  Thế là ông nhất định sửa đổi tên mình để khỏi bị chọc ghẹo nữa. Ông xuống văn phòng xã hội và xin được đổi tên. Ngày hôm sau ông vào lớp học, hãnh diện đứng lên nói: "Kể từ ngày hôm nay, các em không còn chọc ghẹo tên thầy được nữa; vì thầy vừa sửa đổi tên mình từ 'Thấy' thành 'Thắng' rồi."  Vừa dứt lời thì vài giây sau thì cả đám học trò lại ùa lên cười. Thầy Thắng lấy làm lạ hỏi: "Tại sao các em lại cười thầy."  Một học sinh đứng lên trả lời: "Hồi xưa, khi thầy chưa đổi tên, chúng em còn gọi thầy là 'thầy Thấy,' bây giờ thầy sửa đổi tên rồi thì chúng em bây giờ gọi thầy là 'thầy Thắng,' đọc lóng ngược lại là 'thằng Thấy' thì không mắc cười sao được?" Thật đúng con người chúng ta càng cố sửa đổi, tu tỉnh chỉ càng tệ hơn; cho nên chúng ta cần sự cứu rỗi từ nơi Đức Chúa Trời. 

 

 

V. Nhận Chúa Bình An

 

     Như vậy ý nghĩa của lễ Giáng Sinh là để kỷ niệm sự sanh ra đời của Đấng Cứu Thế đã chết chuộc tội thay thế cho chúng ta và qua chính Ngài mối tương giao giữa Đức Chúa Trời với loài người được nối lại. Đây chính là sự bình an thật mà chúng ta chỉ có thể tìm được ở nơi Chúa Bình An Giê-xu mà thôi. Mùa lễ Giáng Sinh năm nay, bạn có muốn được sự bình an đời đời này không?  Bạn có muốn nhận được sự bảo đảm của sự sống lại và sự sống vĩnh cửu ở trong nước thiên đàng không? Bạn có muốn những khoảng trống của sự lo sợ, mệt nhọc và buồn phiền của mình được lấp đầy bởi sự vui mừng không? Có thể bạn đang tự nghĩ đời mình quá xấu xa thì có lẽ Chúa không thể chấp nhận mình đâu?  Không đâu! Một điều bạn chỉ cần có đó là tấm lòng ăn năn hối cãi, dâng cho Chúa Giê-xu mọi tội lỗi trong cuộc sống của mình và bằng lòng mời Ngài vào làm Chúa của cuộc đời mình, thì bạn sẽ nhận được sự bình an đời đời "chẳng phải như thế gian cho " (Giăng 14:27).  Một câu chuyện ngụ ngôn có chép: Khi Chúa Giê-xu giáng sinh, có nhiều loài vật đến mừng Chúa.  Mỗi con đều có một chút quà gì dâng cho Chúa hài nhi. Chị bò dâng sữa, cậu khỉ biếu Chúa những trái cây nhỏ, chú sóc nâu nhỏ bé tình nguyện ở lại chơi với Chúa. Chúa hài đồng vui vẻ nhận tất cả.  Đang lúc các thú vật quây quần bên Chúa, thì anh cáo xuất hiện.  Các con vật đều ghét cáo vì hắn gian manh, quỉ quyệt.  Các con vật chận không cho cáo đến gần Chúa vì không biết cáo định âm mưu gì đây.  Con cáo nói đến dâng lễ vật cho Chúa, nhưng chẳng thấy cáo mang gì theo cả. Mặc dầu vậy, Chúa hài nhi ra hiệu cho cáo vào.  Chú cáo quì bên Chúa hài nhi và thì thầm: "Lạy Chúa, con chẳng có gì, nhưng hôm nay con ăn năn và xin dâng lên Chúa lòng quỉ quyệt và gian manh của con."  Mọi con vật khác bỡ ngỡ hỏi: "Dâng cái gì kỳ cục vậy?"  Nhưng Chúa hài nhi mỉm cười, đặt tay trên đầu cáo tỏ dấu ưng thuận và chúc lành cho cáo.  Thật vậy, sự bình an đời đời chỉ có thể đến với bạn trong mùa Giáng Sinh năm nay khi chính bạn bằng lòng tìm đến với Chúa Giê-xu, dâng cho Ngài mọi tội lỗi xấu xa và sẵn sàng tiếp nhận Chúa Giê-xu làm Cứu Chúa cho cuộc đời mình.  

 

     Thật mong bạn sẽ quyết định đến với Chúa Giê-xu để thật sự kinh nghiệm được sự bình an của Giáng Sinh trong năm nay và mãi mãi. Amen!

 

Mục Sư Nguyễn Trọng Vinh

vinh.nguyen@c-ka.com

www.vietnamesehope.org

December 2010


The Christmas Peace (Luke 2:14)

What gift are you waiting for this Christmas? What would be the best gift God can give to the world this Christmas? The answer is "Peace." But "peace on earth" seems to be impossible with all the chaos around the world today. Fear and worry are the enemies of our peace. Christmas comes to remind us that God wants to give us the greatest gift of peace. To understand this, we first need to recognize that we are God’s enemies because we all have sinned. But when the first Christmas came, the angels announced "peace on earth." Peace is on earth because the Savior was born to save people from the condemnation of sins and reconcile us back to God. Peace with God means we also have an unlimited access to Him. Peace with God is given to everyone. This peace is priceless that cannot be purchased by good works; but only by faith, one can receive it fully. Have a merry and peaceful Christmas!